Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Dẫn nhập

14/11/201017:20(Xem: 9668)
Dẫn nhập

 

ĐẠO PHẬT NGÀY NAY
MỘT DIỄN DỊCH MỚI VỀ BA BỘ KINH PHÁP HOA

Tác Giả: Nikkyò Niwano - Anh dịch: Kòjirò Miyasaka - Bản Dịch Anh ngữ: Buddhism For Today: A modern Interpretation Of The Threefold Lotus Sutra, Kose Publishing Co. Tokyo - Việt dịch Cư Sĩ Trần Tuấn Mẫn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam TP. HCM ấn hành 1997

DẪN NHẬP
SỰ HÌNH THÀNH VÀ TRUYỀN BÁ KINH PHÁP HOA


Trong Lời mở đầu, tôi đã nêu vắn tắt kinh Pháp Hoa được viết ra như thế nào, bây giờ tôi sẽ miêu tả kỹ hơn về quá trình dẫn đến việc đưa kinh này vào Nhật Bản.

Vào thời đức Thích-ca-mâu-ni, không có hệ thống chữ viết được phổ biến ở Ấn Độ. Do đó, những thuyết giảng của Ngài được ghi nhớ và phổ biến bằng lời nói từ cửa miệng. Vào thời ấy, khi con người bị buộc phải học thuộc lòng những gì họ muốn nhớ, họ có năng lực nhớ vượt xa hơn ta tưởng. Đời sống của con người cũng ít phức tạp và bận rộn như ngày nay. Các đại đệ tử của đức Phật vốn có đầu óc trong sáng và trí nhớ tinh thuần, chăm chú lắng nghe để thu hút từng lời nói của đức Thích-ca. Do đó, hầu như chắc chắn rằng họ không nghe nhầm những bài giảng của đức Thích-ca. Hơn nữa, sau khi đức Phật nhập diệt, các đệ tử của Ngài thường xuyên tổ chức hội nghị để xem những gì họ ghi nhớ có bị nhầm lẫn hay không. Sau khi xác minh những lời xác thực của đức Phật, họ sửa chữa những nhầm lẫn của nhau, họ hệ thống hóa các ý tưởng. Do đó mà lời nói của đức Thích-ca vẫn được giữ đúng dù được họ truyền bằng miệng.

Đức Thích-ca đã thuyết giảng rất nhiều trong những cuộc hành trình thường xuyên bằng cách đi bộ trong vùng Bắc Ấn rộng lớn suốt một thời kỳ năm mươi năm. Ngài cũng thuyết giảng bằng nhiều cách khác nhau tùy theo trình độ hiểu biết của hàng thính giả. Chúng ta phải ghi nhận rằng việc diễn dịch giáo lý của đức Phật đã khác nhau theo từng nơi và theo từng nhóm môn đồ của Ngài, và rằng theo với thời gian, những khác biệt về lối hiểu và lối giảng giáo lý của Ngài đã lớn lên. Tuy nhiên, giáo lý của đức Thích-ca tự nó vẫn được truyền bá đúng đắn nhờ nỗ lực của các đệ tử Ngài. Không có kinh nào là không Thánh diệu. Giáo lý của đức Thích-ca được ghi trong các kinh A-hàm, kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa, các kinh A-di-đà và nhiều kinh khác. Nhưng chỉ trong kinh Pháp Hoa, cái tinh thần căn bản của tất cả giáo pháp của đức Thích-ca trong suốt cuộc đời hoạt động của Ngài mới được lần đầu tiên diễn tả một cách sáng sủa; trong kinh này, cái tinh thần quan trọng của hết thảy giáo lý đã được kết hợp và miêu tả bằng lời lẽ dễ hiểu. Nói một cách khác, trong kinh Pháp Hoa, những tinh túy của Phật giáo, chính cái cốt lõi của giáo lý đức Thích-ca được giải thích thấu đáo bằng ngôn từ đơn giản nhưng hiệu lực.

Một số người tranh cãi về các giá trị tương đối của nhiều kinh khác nhau và nuôi dưỡng cái ảo tưởng rằng những giá trị tương đối của các kinh phát xuất từ những khác biệt trong giáo lý của đức Thích-ca. Đây là một sai lầm nghiêm trọng. Không có kinh nào do chính đức Thích-ca biên soạn cả. Sự việc là Ngài giảng nhiều bài giảng cho vô số người suốt năm mươi năm từ bài giảng đầu tiên của Ngài cho năm vị Tỳ-kheo ở Vườn Nai (Lộc Uyển) ở Vàrànasì (Ba-la-nại) đến khi Ngài nhập diệt vào lúc Ngài tám mươi tuổi. Từ trong nhiều bài giảng này, mỗi nhóm đệ tử và các tín đồ của họ đã đưa vào trong các kinh riêng của họ những bài giảng mà họ đã nghe trực tiếp hoặc được những người khác nói cho nghe. Xuyên qua bất cứ kinh nào chúng ta cũng có thể nghiên cứu giáo lý của đức Thích-ca, đức Thích-ca chính là bậc Thế Tôn đã phóng cùng một thứ ánh sáng trí tuệ vào chúng ta. Do đó, dù kinh Pháp Hoa là giáo pháp tuyệt diệu nhất trong rất nhiều kinh, nó cũng phản ánh một ngộ nhận căn bản là coi thường các kinh khác bằng cách ca tụng quá đáng kinh Pháp Hoa.

BIỂU TƯỢNG CỦA KINH PHÁP HOA

Kinh Pháp Hoa được soạn dưới hình thức một vở kịch để quần chúng nói chung của thời ấy có thể hiểu kinh dễ dàng. Những nhà biên soạn kinh nỗ lực giúp người ta nắm được kinh bằng cách trình bày những ý niệm trừu tượng trong hình thức cụ thể.

Ví dụ, trong phẩm 1 của kinh Pháp Hoa, phẩm“Tự”, kể rằng hào quang phóng ra từ trán đức Phật chiếu sáng mười tám ngàn cõi Phật ở phương Đông, hết thảy chư Phật và chúng đệ tử đều được thấy đang hiện hữu ở khắp nơi. Sự diễn tả này có nghĩa rằng đức Phật mang thân trời cũng như ở trái đất, tức là, Ngài hiện hữu ở khắp nơi, khắp toàn bộ vũ trụ. Những miêu tả như thế, như sự rung động của trái đất và mưa hoa rơi xuống cũng thuộc loại biểu tượng này. Ngày nay, chúng ta thường gặp những biểu từ như “Tôi sợ đến cóng máu” hay “Tôi cười thắt ruột”. Không một ai lại hiểu những biểu từ ấy theo nguyên nghĩa cả. Nhưng nếu chúng thực sự là không thực đi nữa, chúng cũng giúp truyền đạt một cách sinh động và có hiệu lực cái cảm giác thực sự của người nói hay người viết. Điểm này giúp chúng ta một chìa khóa cho việc hiểu kinh Pháp Hoa. Điều quan trọng không phải là “sự kiện” mà là “sự thật”, sự thật của giáo lý của đức Phật. Ngày cả khi chúng ta gặp phải những sự việc có vẻ không thực trong kinh Pháp Hoa, chúng ta cũng phải nắm chắc cái sự thật ở đằng sau cái bề mặt ngôn từ.

BẢN DỊCH HOA VĂN CỦA NGÀI CƯU-MA-LA-THẬP(Kumàrajìva)

Một số người mang kinh Pháp Hoa sang Trung Quốc và dịch ra Hoa văn, nhưng bản thông dụng ở Đông Á ngày nay là bản dịch của Cưu-ma-la-thập. Thân phụ ngài, Kunàrayàna, vốn thuộc một gia đình quý phái ở Ấn Độ, đến Kucha, một nước ở Trung Á, giữa Ấn Độ và Trung Quốc, rồi cưới người em gái của vua nước này. Con của vị này là Cưu-ma-la-thập (Kumàrajìva), sinh năm 344. Phật giáo nẩy nở ở Kucha và lúc bảy tuổi, Cưu-ma-la-thập vào một tu viện cùng với mẹ ngài, sau đó, ngài được gửi đi Ấn Độ để học Phật giáo Đại thừa.

Người ta kể rằng khi Cưu-ma-la-thập về lại quê nhà, thầy ngài là Sùryasoma vốn thấy được khả năng và phẩm chất của ngài, đã dạy ngài kinh Saddharma - pundarika - sùtra (Diệu Pháp Liên Hoa). Vị này đặt bàn tay phải lên trán Cưu-ma-la-thập mà nói: “Mặt trời của đức Phật đã lặn ở phương Tây, và vầng sáng còn lại sắp chiếu đến phương Đông. Kinh này có sự liên hệ với phương Đông Bắc. Hãy kính cẩn truyền bá kinh ở đấy”.

Giờ đây nghĩ lại lời của Sùryasoma “kinh này có sự liên hệ với phương Đông Bắc”, chúng ta hiểu được rằng tiên đoán của ngài đã có một ý nghĩa rất sâu xa, và chúng ta không khỏi xúc động vì nhận ra rằng về sau Phật giáo đạt tới sự phát triển lớn nhất ở Nhật Bản, một đất nước nằm xa, phía Đông Bắc Ấn Độ.

Vâng lời thầy, Cưu-ma-la-thập quyết định truyền bá kinh Pháp Hoa ở Trung Quốc về phía Đông Bắc. Nhưng vì ở Trung Quốc thời ấy thường xuyên có chiến tranh và các biên địa, các quốc gia cứ thay đổi mãi, kế hoạch của ngài đã không được thực hiện dễ dàng như ngài hy vọng. Tuy nhiên, danh tiếng ngài là một dịch giả được truyền khắp Trung Quốc, và năm 401, ngài đến sống ở Tràng An, thủ đô của nhà Hậu Tần, theo lời mời của nhà vua.
Cưu-ma-la-thập bấy giờ đã sáu mươi hai tuổi được phong Quốc Sư và suốt tám năm cho đến khi ngài mất vào năm 431 lúc bảy mươi tuổi, ngài đã dịch nhiều kinh sang Hoa văn.

Không cần phải nói, kinh Pháp Hoa là kinh quan trọng nhất trong nhiều kinh do ngài dịch. Vì ngài đã nhận ra nhiều sai lầm trong các bản dịch Hán văn mà ngài đã đọc thấy, ngài giữ một thái độ rất thận trọng đối với dịch phẩm của riêng ngài. Mặc dù ngài thông thạo cả Phạn ngữ lẫn Hoa ngữ, ngài vẫn không có ý định dịch các kinh Phật sang Hoa văn một mình mà ngài tập họp nhiều học giả giỏi cả hai ngôn ngữ. Lại nữa, ngài giảng kinh Pháp Hoa trước sự hiện diện của nhà vua và những người khác. Các học giả căn cứ trên những ghi chép từ những bài giảng của ngài mà mỗi người thực hiện một bản dịch kinh Pháp Hoa bằng Hoa ngữ. Sau khi các học giả đã hoàn tất riêng mỗi người một bản dịch và tất cả mọi người đã xem xét bàn thảo kỹ càng bản ấy, cuối cùng họ hoàn thành một bản dịch tiêu chuẩn cho bộ kinh. Người ta bảo rằng có đến hai ngàn người đã tham gia công trình này. Do đó, chúng ta có thể quả quyết kết luận rằng trong bản dịch kinh Pháp Hoa từ Phạn ngữ sang Hoa ngữ của ngài Cưu-ma-la-thập, giáo lý của đức Thích-ca được truyền bá hầu như không có sai lạc.

Người ta đã kể câu chuyện sau đây về việc dịch của Cưu-ma-la-thập. Vua Dao Tần rất kính cẩn nhân cách và khả năng của Cưu-ma-la-thập, rất muốn ngài có một đứa con. Bởi vậy vua thúc ép ngài lấy vợ. Khi sắp tịch, ngài Cưu-ma-la-thập nhắc nhở: “Ta bị ép buộc phải phá giới mà lấy vợ, nhưng ta tin rằng những gì ta đã khẳng định bằng lời không bao giờ phản lại với ý định của đức Phật. Nếu ta chân thật đúng theo những gì ta đã nói thì riêng cái lưỡi của ta sẽ vẫn không bị cháy khi thân thể ta bị thiêu”. Người ta kể rằng khi gia đình thiêu nhục thân ngài, chỉ riêng lưỡi của ngài quả thực vẫn không bị thiêu hủy và phát sáng rực.

Kinh Pháp Hoa sau đó đóng một vai trò rất quan trọng trong Phật giáo Trung Quốc. Sau khi Trí Giả(1), người được tôn sùng như một “Tiểu Thích-ca-mâu-ni” đã nghiên cứu rốt ráo tất cả các kinh điển của Phật giáo Đại thừa và Tiểu thừa, ngài kết luận rằng ý tứ chân thực của đức Phật đã được gồm trong kinh Pháp Hoa, và ngài viết những sớ luận tuyệt diệu về kinh Pháp Hoa như Pháp Hoa Huyền Nghĩa(2) Pháp Hoa Văn Cú(3) và Ma-ha Chỉ Quán(1). Như thế, kinh Pháp Hoa đã phổ biến rộng hơn đến khắp Trung Quốc và sau đó du nhập Nhật Bản xuyên qua Cao Ly.

KINH PHÁP HOA Ở NHẬT BẢN:

Năm 577 là năm kinh Pháp Hoa do ngài Cưu-ma-la-thập dịch được đưa đến Naniwa (nay là Osaka) ở Nhật Bản và ba mươi bảy năm sau, bộ Hokke-gisho (Pháp Hoa Nghĩa Sớ)([1]), bộ Luận sớ đầu tiên bằng Nhật văn về kinh Pháp Hoa, được viết bởi Thái tử Shòtoku (574-622). Người ta bảo đây là quyển sách xưa nhất do một người Nhật viết hiện còn giữ lại.

Thái tử Shòtoku ban hành một bộ luật gọi là Hiến pháp mười bảy điều khoản, căn cứ trên tinh thần của kinh Pháp Hoa, và bằng Hiến pháp này, Thái tử đã thiết lập bộ Luật đầu tiên ở Nhật Bản. Điều hết sức có ý nghĩa là buổi bình minh của văn minh ở Nhật Bản được thực hiện bằng cách áp dụng cái tinh thần của kinh Pháp Hoa. Đến nay đã một ngàn bốn trăm năm, tinh thần này vẫn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong nhân dân Nhật Bản.

Nhiều tu sĩ Phật giáo nổi danh ở Nhật Bản nỗ lực truyền bá giáo pháp của kinh Pháp Hoa, trong đó có Saichò([2]), Dògen [3]), Nichiren([4]). Đặc biệt, Nicheren đã đưa vào kinh một sức sống mới mà chịu nhận mọi khó khăn đau khổ và nỗ lực truyền bá kinh trong quần chúng nhân dân.

Gần bảy trăm năm đã trôi qua từ khi Nichiren thị tịch vào năm 1282. Giáo lý của đức Thích-ca đã dần mất đi năng lực của nó sau khi Ngài nhập diệt, nhưng lại đạt được sức sống nhờ sự xuất hiện của kinh Pháp Hoa vào bảy trăm năm giữa cái chết của Thái tử Shòtoku và sự xuất hiện của Nichiren. Tuy nhiên, sau khi Nichiren thị tịch bảy trăm năm, tinh thần kinh Pháp Hoa lại bị quên lãng. Một số người ở Nhật Bản cũng lại tin rằng họ có thể được cứu độ chỉ bằng cách gõ trống tay và bằng cách cứ lặp đi lặp lại cái biểu thức gồm trọn nhan đề kinh Pháp Hoa, Nam-mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh - Tôi quy y kinh Diệu Pháp Liên Hoa - hay tin rằng những cầu xin của họ sẽ được đáp ứng nếu họ chỉ cần thờ kính bài chú tụng mà Nichiren đã viết, tập trung vào biểu thức trên.

Nội dung và tinh thần của kinh Pháp Hoa rất thánh diệu. Việc thực hành giáo lý kinh cũng thánh diệu. Chúng ta sống đời sống hằng ngày một cách bình thường, nhưng do hiểu giáo pháp của kinh, tin tưởng nó, và tu tập nó, chúng ta cố gắng tiến đến một trạng thái tâm thức thoát ngoài ảo tưởng và khổ đau. Chúng ta hiểu ra rằng người ta cần phải sống trong hòa điệu và giúp đỡ lẫn nhau. Nếu ai có cảm nhận như thế dù chỉ vài giờ trong mỗi ngày, sức khỏe và hoàn cảnh của người ấy sẽ tự nhiên biến đổi thành tốt hơn - đây là giải thoát thực sự của người ấy. Sao cho mọi người trên thế giới đều có được những cảm nhận như thế và sống hạnh phúc - đấy là ý tưởng và nguyện vọng tối hậu được diễn tả trong kinh Pháp Hoa.

Thực vậy, kinh Pháp Hoa là một giáo lý của sự tôn trọng con người, của sự tự toàn thiện và hòa bình. Nói tóm lại, đấy là giáo lý nhân bản. Ngày nay, bảy trăm năm sau khi Nichiren thị tịch, chúng ta phải tái dựng cái tinh thần của kinh Pháp Hoa và thiết lập một cuộc sống tốt đẹp hơn nhằm cho chính chúng ta, cho gia đình, xã hội của chúng ta và cho toàn thế giới.

CẤU TRÚC CỦA BA BỘ KINH PHÁP HOA

Ba bộ kinh Pháp Hoa hay Pháp Hoa Tam Bộ Kinh (Hokke Sambu-kyò) gồm Vô Lượng Nghĩa Kinh (Muryògi-kyò); Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (Myòhò Renge-kyò), thường được gọi là kinh Pháp Hoa; và Quán Phổ Hiền Bồ-tát Hạnh Pháp Kinh (Kan-fugen-bòsutsugyòbò-kyò; hay gọi đơn giản là Quán Phổ Hiền Kinh, Kan-fugen-gyò).

KINH VÔ LƯỢNG NGHĨA

Trong ba bộ kinh nói trên, kinh Vô Lượng Nghĩa là bài giảng của đức Thích-ca trên núi Linh Thứu (Grdhra-kùta) ngay trước khi giảng kinh Pháp Hoa. Kinh Vô Lượng Nghĩa gắn liền với kinh Pháp Hoa, được xem là dẫn nhập cho kinh Pháp Hoa. Đấy là vì trong kinh Vô Lượng Nghĩa, đức Thích-ca đã nêu các lý do cho các mục tiêu và thứ tự của giáo thuyết của Ngài trong bốn mươi năm qua và cũng bảo rằng Ngài chưa bày tỏ sự thật. Điều này không có nghĩa là cho đến lúc ấy, Ngài đã thuyết giảng cái không thực mà có nghĩa là Ngài chưa hé lộ cái chân lý tối hậu, dù rằng hết thảy những bài giảng của Ngài trước đấy đều là thực. Nói một cách khác, Ngài chưa thể hiện trọn bộ tính cách
sâu xa của giáo lý của Ngài, sợ rằng người ta không thể nắm bắt được nó vì sự hiểu biết và lòng tin của họ chưa được phát triển đầy đủ. Do đó, Ngài nêu một lời hứa quan trọng của Ngài về bài thuyết pháp sắp đến: “Giờ đây ta khai mở chân lý thực sự”. Bài thuyết pháp sắp đến của Ngài chính là kinh Pháp Hoa. Vì thế, nếu không đọc kinh Vô Lượng Nghĩa thì chúng ta không thể hiểu rõ vị trí của kinh Pháp Hoa trong tất cả các bài giảng của đức Thích-ca
trong suốt thời gian Ngài tại thế cũng như không hiểu sự linh diệu của kinh Pháp Hoa.

Nhan đề kinh “Vô Lượng Nghĩa” diễn tả ý niệm về một giáo pháp có vô lượng ý nghĩa. Người ta bảo rằng trong kinh này vô lượng ý nghĩa đều phát sinh từ một pháp. Pháp độc nhất này là pháp “Vô tướng”. Nhưng đức Thích-ca-mâu-ni không giảng pháp này một cách chi tiết ở đây, do đó, xuyên qua kinh này, người ta không hiểu rõ ý nghĩa của pháp ấy. Ngài trình bày nó tường tận trong kinh Pháp Hoa mà Ngài sẽ thuyết giảng sau đó. Ở đấy Ngài nêu rõ rằng giáo lý của vô lượng ý nghĩa rốt ráo có thể quy cho cái chân lý được tuyên thuyết trong kinh Pháp Hoa là bài giảng quan trọng nhất trong các bài giảng khi Ngài tại thế.

Một cách vắn tắt, kinh Vô Lượng Nghĩa được thuyết giảng như là phần dẫn nhập của kinh Pháp Hoa và do đó có mối liên hệ chặt chẽ với kinh Pháp Hoa, gọi là “Khai kinh” (Kaikyò) của kinh Pháp Hoa. Kinh Vô Lượng Nghĩa gồm ba phẩm: Đức hạnh (Tokugyò-hon), Thuyết pháp (Seppo-hon) và Thập Công đức (Jukudoku-hon). Phẩm một được gọi là phần tựa (Tự phần - Jobun), phẩm 2 là phần chính (Chính chủ phần - Shoshibun), và phẩm 3 là phần kết (Lưu thông phần - Ruzùbun). Cách chia ba phần này cũng là cách chia chung của các kinh khác. Phần dẫn nhập (tựa) của một kinh dẫn giải kinh ấy được thuyết giảng lúc nào, tại đâu và cho loại người nào và tại sao kinh ấy được thuyết giảng hay kinh chứa đựng ý nghĩa nào. Phần chính là đoạn bao gồm chủ đề chính của kinh và do đó là phần quan trọng nhất trong ba phần. Phần kết (lưu thông) nêu rõ người ta sẽ được những công đức gì do thấu hiểu, do tin tưởng và do thực hành những gì được thuyết giảng trong phần chính, và do đó phần kết sẽ nêu rõ những người tôn trọng và nỗ lực thuyết giảng nó thì sẽ được sự hộ trì thiêng liêng nào.

KINH PHÁP HOA

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Hoa sen của Pháp vi diệu) thường được gọi là kinh Pháp Hoa, gồm hai mươi tám phẩm: phẩm 1 “Tự” (mở đầu); phẩm 2 “Phương tiện” (sự khéo léo); phẩm 3 “Thí dụ” (thí dụ); phẩm 4 “Tín giải” (niềm tin vững chắc); phẩm 5 “Dược thảo dụ” (thí dụ về cây thuốc); phẩm 6 “Thọ ký” (tiên đoán); phẩm 7 “Hóa thành dụ” (thí dụ về thành phố ảo hóa); phẩm 8 “Ngũ bách đệ tử thọ ký” (năm trăm đệ tử thọ nhận lời tiên đoán); phẩm 9 “Thọ học, vô học nhơn ký” (lời tiên đoán cho những người còn cần phải học và những người không còn cần phải học); phẩm 10 “Pháp sư” (vị Thầy dạy pháp); phẩm 11 “Hiện bảo tháp” (hóa hiện tháp báu); phẩm 12 “Đề-bà-đạt-đa” (Đề-bà-đạt-đa, Devadatta); phẩm 13 “Trì” (nắm giữ chắc); phẩm 14 “An lạc hạnh” (hạnh an lạc); phẩm 15 “Tùng địa võng xuất” (từ đất nhảy ra); phẩm 16 “Như-Lai thọ lượng” (tuổi thọ của đức Như Lai); phẩm 17 “Phân biệt công đức” (sự phân biệt các công đức); phẩm 18 “Tùy hỷ công đức” (Công đức về sự vui nhận); phẩm 19 “Pháp sư công đức” (các công đức của vị Pháp sư); phẩm 20 “Thường Bất Khinh Bồ-tát” (Bồ-tát Thường Bất Khinh); phẩm 21 “Như Lai thần lực” (Thần lực của đức Như Lai); phẩm 22 “Chúc lụy” (Dặn dò); phẩm 23 “Dược Vương Bồ-tát bổn sự” (Chuyện về Bồ-tát Dược Vương); phẩm 24 “Diệu Âm Bồ-tát” (Bồ-tát Diệu Âm); phẩm 25 “Quán Thế Âm bồ-tát” (Bồ-tát Quán Thế Âm); phẩm 26 “Đà-la-ni” (Mật chú); phẩm 27 “Diệu Trang Nghiêm vương bổn sự” (Chuyện về vua Diệu Trang Nghiêm); phẩm 28 “Phổ Hiền Bồ-tát khuyến phát” (Sự khuyến khích của Bồ-tát Phổ Hiền). Tựa đề của mỗi phẩm trỏ đến một phần hoặc toàn bộ nội dung của phẩm.

Từ thời xưa, các học giả Phật học đã chia kinh Pháp Hoa theo nhiều cách nhằm để hiểu kinh cho rõ hơn. Phần lớn các học giả đều chia kinh theo cách sau đây: gạch một đường giữa chương 14 và chương 15. Phân nửa trước của kinh được gọi là Tích môn (Shakumon - pháp môn hiển lộ) và phân nửa sau gọi là Bổn môn (Hommon - pháp nguyên bổn); mỗi phần (môn) được chia thành phần dẫn nhập, phần chính văn và phần kết luận. Ở phần Tích môn, phẩm 1 là phần dẫn nhập; từ phẩm 2 đến phẩm 9 là phần chính, và từ phẩm 10 đến phẩm 14 là phần kết luận. Ở phần Bổn môn, nửa đầu của phẩm 15 là phần dẫn nhập, nửa sau của phẩm 15, phẩm 16 và nửa đầu của phẩm 17 là phần chính, và nửa sau của phẩm 17 và mười một phẩm còn lại là phần kết luận.

TÍCH MÔN VÀ BỔN MÔN

Tích môn nghĩa là giáo lý của đức Phật hiển hiện trong lịch sử, tức là Tích Phật (Shakubutsu). Tích Phật là trỏ đức Thích-ca-mâu-ni lịch sử, sinh ra trong cõi đời này, đạt Giác ngộ sau nhiều năm khổ tu, và nhập diệt lúc tám mươi tuổi. Do đó, Tích môn bao gồm các giáo lý về cấu trúc vũ trụ, đời người, những quan hệ của con người trên căn bản của kinh nghiệm và chứng ngộ của đức Thích-ca, vị đã đạt đến trạng thái lý tưởng của một con người. Đức Thích-ca cũng dạy chúng ta rằng trí tuệ là thuộc tính quan trọng nhất để giữ vững những quan hệ đúng đắn giữa con người. Tinh yếu của Tích môn là trí tuệ của đức Phật.

Bổn môn, mà phẩm 16 là cốt lõi của nó, tuyên bố rằng đức Thích-ca vẫn tiếp tục giảng dạy người ta trong khắp vũ trụ kể từ thời vô thỉ, nói một cách khác, đức Phật là chân lý của vũ trụ, tức là, cái nguyên lý cơ bản hay năng lực cơ bản khiến cho mọi hiện tượng trong vũ trụ, gồm mặt trời, các vì sao khác con người, loài vật, cây cỏ v.v... sống và hoạt động. Do đó đức Phật đã hiện hữu khắp nơi trong vũ trụ từ lúc khởi đầu của vũ trụ. Đức Phật này được gọi là Bổn Phật (Hombutsu).

Cái hình tướng người mà đức Bổn Phật mang để xuất hiện trên đời này là đức Thích-ca-mâu-ni lịch sử, tức là đức Tích Phật. Chúng ta có thể dễ dàng hiểu mối liên hệ giữa hai đức Phật khi chúng ta xét mối liên hệ giữa những làn sóng điện với việc truyền hình. Các làn sóng điện do các máy phát hình (Television Transmitter) truyền đi đầy khắp chung quanh ta. Chúng ta không thể thấy, nghe hay sờ được chúng, thế mà thực sự là các làn sóng điện ấy đầy khắp khoảng không gian chung quanh ta. Khi chúng ta mở các máy truyền hình (Television Set) và đặt máy vào một kênh riêng, thì cùng một thứ hình ảnh, cùng một thứ âm thanh được nghe do mỗi máy đều được đặt vào độ dài sóng ấy. Đức Bổn Phật tương tự như người nói ở phòng phát hình, Ngài không những chỉ hiện diện trong phòng phát hình mà còn thấm nhập quanh ta như những làn sóng điện. Đức Tích Phật tương đương với hình ảnh của người nói trên xuất hiện trên máy truyền hình và với âm thanh do máy phát ra. Đức Tích Phật không thể xuất hiện nếu đức Bổn Phật không hiện hữu.

Ngược lại, chúng ta không thể nhìn thấy đức Bổn Phật nếu không nhờ đức Tích Phật, cũng như chúng ta không thể nhận được các làn sóng điện thành hình ảnh nếu không nhờ sự trung gian của máy truyền hình.

Do đó, Bổn Phật là đức Phật hiện hữu ở mọi nơi trong vũ trụ từ quá khứ vô thỉ đến tương lai vô chung, nhưng nhờ giáo lý của đức Thích-ca-mâu-ni là vị đã xuất hiện trên cõi đời này theo đúng sự thật của đức Bổn Phật, chúng ta hiểu được sự thật ấy. Chúng ta không thể tuyên bố rằng đức Bổn Phật hay đức Tích Phật, vị nào thánh diệu hơn hay quan trọng hơn: cả hai vị điều thiết yếu.

Các đài phát thanh và phát hình (Radio and Television Station) truyền các làn sóng điện mong càng được nhiều người thâu nhận càng tốt nhờ các máy thu thanh (Radio), truyền hình (Television set). Đằng này cũng vậy, đức Bổn Phật hiện hữu ở mọi nơi trong vũ trụ, sẵn sàng cứu độ hết thảy chúng sanh trong vũ trụ. Ngài dẫn dạy người, vật, cây cỏ; và cứu độ nghĩa là sự biểu hiện trọn vẹn, sự phát triển đầy đủ của cuộc sống cần thiết cho mọi hình thức sống tùy theo bản chất thực sự củanó.

Đức Bổn Phật thì đồng nhất với chân lý của vũ trụ. Chúng ta chỉ việc chuyển đặt độ dài sóng của cuộc sống riêng của chúng ta vào độ dài sóng của chân lý của vũ trụ, và thế là đức Phật sẽ hiện ra với chúng ta. Bấy giờ, đám mây của hư ảo bao phủ tâm và thân ta sẽ hoàn toàn tan biến và ánh sáng rực rỡ của đời sống tinh ròng của ta sẽ tỏa sáng từ bên trong tâm ta. Trạng thái này của tâm là sự cứu độ thực sự cho chúng ta, và là trạng thái tâm linh mà chúng ta cần phải đạt cho được.

Đức Bổn Phật thường xuyên hiện hữu từ quá khứ vô thỉ đến tương lai vô chung, tức là, đức Phật này không có sự khởi đầu cũng không có sự chấm dứt. Đức Phật này xuất hiện bằng nhiều hình tướng khác nhau, thích hợp với từng thời gian, và nơi chốn riêng để cứu độ hết thảy mọi người bằng những phương tiện tương ứng với khả năng hiểu biết của họ về giáo lý của Ngài. Đây là ý niệm về đức Bổn Phật.

Bổn môn là giáo lý biểu hiện mối quan hệ giữa đức Phật và con người, tức là, sự cứu độ con người của đức Bổn Phật. Sự cứu độ này tùy thuộc vào lòng từ bi của đức Phật và lòng từ bi này là tinh yếu của Bổn môn.

KINH QUÁN PHỔ HIỀN BỒ-TÁT HẠNH

Kinh này dạy về sự tu tập của Bồ-tát Phổ Hiền. Kinh gồm bài thuyết giảng của đức Thích-ca-mâu-ni tại Tinh xá Đại Lâm ở Tỳ-xá-ly (Vaisàlì), Trung Ấn, sau khi Ngài đã giảng kinh Pháp Hoa và kinh cũng nêu lên cách sám hối như là một tu tập tâm linh của kinh Pháp Hoa.

Chúng ta được khích lệ lớn lao khi đọc kinh Pháp Hoa, nắm được ý nghĩa thực sự của những bài giảng mà đức Thích-ca thuyết dạy trong lúc Ngài tại thế và hiểu rằng chúng ta có thể đạt đến cùng một trạng thái tâm thức như đức Phật nhờ thực hành giáo lý của Ngài. Tuy nhiên, thực tế là trong đời sống hàng ngày, chúng ta bị liên tục rối rắm vì khổ đau ưu não, và chúng ta liên tục bị các dục vọng này nọ nắm níu. Do đó, chúng ta có thể trở nên chán nản và quên đi những bài học giá trị của kinh.

Dù về mặt lý thuyết, chúng ta hiểu rằng chúng ta có thể thành Phật, chúng ta lại không biết làm sao để thoát khỏi các ảo tưởng; tâm của chúng ta có thể bị đám mây đen của ảo tưởng che phủ. Sám hối nghĩa là quét sạch những đám mây đen ấy, và kinh Quán Phổ Hiền Bồ-tát Hạnh dạy ta cách thực hiện điều ấy. Do đó, kinh này cũng có mối liên hệ chặt chẽ với kinh Pháp Hoa và như là lời bạt của kinh Pháp Hoa, nó được gọi là “kết kinh” (kekkyò) của kinh Pháp Hoa. Do bởi nội dung của nó, kinh được gọi là “Kinh Sám Hối”.


[1] Hokke-gisho (P<D>háp Hoa Nghĩa Sớ) là một bộ luận về kinh Pháp Hoa, gồm bốn quyển.
Dù được dựa vào bộ Pháp Hoa
Nghĩa Ký do Pháp Vân, người Trung Hoa viết, tác phẩm này cũng gồm nhiều giải thích và ý kiến độc đáo. Thủ bản do chính Thái tử chép hiện vẫn còn.

[2] Saichò (Tối Trường - 767 - 822) là người sáng lập Tông phái Thiên Thai (Tendai) Nhật Bản. Năm 804 ngài được lệnh hoàng gia phái sang Trung Quốc, tại đây, ngài nghiên cứu giáo lý Thiên Thai. Sau khi trở về Nhật Bản, ngài xin chính quyền công nhận tông Thiên Thai. Năm 806, ngài được hoàng đế tấn phong danh hiệu Truyền Giáo Đại Sư (Dengyò-daishi). Đây là lần đầu tiên danh hiệu Đại Sư (Daishi) được sử dụng ở Nhật Bản.

[3] Dògen (Đạo Nguyên - 1200-1253) là người sáng lập Tông phái Thạch Đầu (Sòtò) của Phật giáo Thiền tại Nhật Bản. Sau khi thọ giới trên núi Hiei, gần Kyoto, ngài trở thành đệ tử của Eisai, vị Thiền sư phái Lâm Tế. Ngài học bảy năm tại Trung Quốc. Sau khi về Nhật Bản, ngài sống một thời gian ở gần Kyoto, về sau, dựng Đại Thiền Viện Thạch Đầu của Eiliei-ji (Vệ Binh Tự) trong vùng đất nay là huyện Fukui. Ngài đã viết nhiều tác phẩm quan trọng, trong đó có tác phẩm Shòbò-genzò bất hủ.

[4] Nichiren (Nhật Liên - 1222-82) là người sáng lập tông phái mang tên ngài. Năm 1253 ngài tuyên bố rằng người ta nên niệm lên kinh Pháp Hoa bằng biểu thức Nam-mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Suốt công cuộc truyền bá tích cực kinh Pháp Hoa của ngài, ngài đã chịu nhiều khủng bố hành hạ, kể cả bị lưu đày. Trong những tác phẩm của ngài có một bộ luận rất quan trọng về kinh Pháp Hoa.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567