CHÚ GIẢI KINH PHẠM VÕNG
LỜI NGƯỜI DỊCH
Từ khi hội PĀLI TEXT LONDON ra đời, các bộ Nikāya và một số chú giải lần lượt được dịch sang tiếng Anh, nhưng chưa có bản dịch nào về chú giải kinh Phạm Võng. Do đó, tác phẩm của Ngài Bodhi là một đóng góp lớn lao cho nền văn học Phật giáo khắp thế giới. Kinh Phạm Võng là kinh đầu tiên trong Trường bộ kinh và qua toàn văn chúng ta cũng đủ hiểu giá trị của kinh này như thế nào. Như lời của Ngài Bodhi trong phần giới thiệu: "Phạm Võng đứng hàng đầu trong Dīghanikāya. Đây không phải là việc sắp xếp tình cờ, hoặc ngẫu nhiên của các trưởng lão khi kết tập kinh điển, nhưng hoàn toàn có chủ tâm. Việc phân loại của các trưởng lão phản ảnh tầm nhìn xa hiểu rộng về tính trọng yếu của kinh này qua tương quan với tất cả lời Phật dạy. Đứng ở lối vào của các Nikāya, thông điệp chính của Phạm Võng là cung cấp lời giới thiệu cho toàn thể mô hình Phật pháp."
Khi đọc qua kinh văn, chúng ta vấp phải những thuật ngữ đương thời như: Ngã, Thế giới, Như lai, Niết-bàn v.v… Một bản chú giải sẽ trợ giúp đắc lực cho việc lãnh hội những ý nghĩa cô đọng trong kinh. Khi dịch xong tôi nhận thức rằng kinh Phạm Võng giải thích cặn kẽ về nguồn gốc của ngã chấp - một bản đồ đưa đến kho tàng vô ngã tướng kinh. Qua đó tôi có một niềm xác tín: căn nguyên của mọi tà chấp sinh khởi do trình độ nhận thức về vấn đề nhân sinh và vũ trụ, về sự ngộ nhận chân lý. Tất cả tà chấp cứ tái diễn vô cùng tận khi người ta tiếp tục xây dựng đời sống trên nền tảng ngã kiến. Nơi đây trong kinh Phạm Võng Đức Phật đã tung ra lưới chánh pháp trên đại dương của những tư tưởng tà kiến và xác chứng rằng Ngài chính là nhân vật đã ly thoát thế giới điên đảo đó.
Phần đặc sắc nhất của kinh Phạm Võng liên quan đến sáu mươi hai tà kiến nên tôi dịch rất cẩn thận; phần còn lại bàn về giới chỉ là lời giới thiệu và khá đơn giản, tôi xin lược bỏ để bản chú giải kịp thời đến tay chư độc giả. Nếu bản dịch này giúp một phần nhỏ phương tiện cho người học Phật thành tựu tri kiến về Không tính của các pháp thì đó là phần thưởng dành cho người dịch.
Tỳ-kheo GIÁC LỘC
Pháp Bảo Tự
28-03-2000 - PL. 2543