Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ (sách)

03/02/201211:41(Xem: 20088)
Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ (sách)

A_Di_Da_Phat_3

Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ

MINH CHIẾU


MÙA AN CƯ

PL. 2553 – 2009

Lời Nói Đầu

Đây không phải là một sáng tác. Tài liệu nhỏ này chỉ trích soạn những lời hay ý đẹp trong các bài giảng của chư Tôn Đức, sách báo của Phật giáo đã xuất bản từ trước đến nay, hệ thống lại thành một bài giảng chuyên đề.

Công việc của chúng tôi là lượm lặt những bông hoa thơm đẹp để kết thành một tràng hoa đẹp.

Phổ biến tập tài liệu này, ước mong nó sẽ cung cấp một vài kiến thức cần thiết cho quý vị “Tân Giảng sư”, cũng như sẽ là tài liệu nghiên cứu cho những người học Phật sơ cơ.

Kính mong quý vị cao minh chỉ giáo những điểm còn khiếm khuyết.

Cẩn Chí

Minh Chiếu


NIỆM PHẬT

Cầu sanh Tịnh Độ

I. MỞ ĐỀ :

Đạo Phật có nhiều Tông phái, có nhiều pháp môn tu hành, nhưng trong đời Mạt pháp, pháp môn Niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ là hợp với căn cơ chúng sanh hiện tại và dễ tu nhất.

Theo lời đức Phật Thích Ca, thế giới Ta Bà có nhiều đau khổ, nên Ngài giới thiệu cảnh giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà, là một thế giới hoàn toàn an vui, không còn đau khổ, để chúng sanh tu hành phát nguyện vãng sanh về cõi ấy. Thế giới ấy cũng gọi là cảnh giới Tịnh Độ, Chánh báo (thân người), Y báo (hoàn cảnh sống) trang nghiêm, thanh tịnh.

  1. A. Sao gọi là Mạt Pháp?

Nghĩa là cách thời đức Phật còn tại thế quá xa.

Người ta chia ra làm 3 thời kỳ: Chánh Pháp, Tượng Pháp và Mạt Pháp.

Trong 3 thời kỳ đó lại chia ra 5 thời đại:

Chánh Pháp: 1. Giải thoát Kiên cố, cũng gọi Tu chứng Kiên cố

Tượng Pháp: 2. Thiền định Kiên cố

3. Đa văn Kiên cố

Mạt Pháp: 4. Pháp tự Kiên cố

5. Đấu tranh Kiên cố

1. Giải thoát Kiên cố: Trong 500 năm đầu từ thời đức Phật còn tại thế cho đến sau khi Ngài nhập diệt thuộc Chánh Pháp, gọi là Giải thoát Kiên cố, nghĩa là thời đại này người tu hành rất dễ chứng ngộ, có người đến xin xuất gia, Ngài chỉ nói: “Thiện Lai Tỳ Kheo”! Tức thì râu tóc người ấy rụng sạch, tự nhiên có y đắp vào người. Thời đại này cũng gọi là thời đại Tu chứng Kiên cố, chữ Kiên cố ở đây có nghĩa là chắc chắn như vậy.

2. Thiền định Kiên cố: Từ 500 năm đức Phật nhập diệt trở về sau gọi là Thiền định Kiên cố, tuy đức Phật không còn tại thế, nhưng các đệ tử của Ngài y theo giáo pháp tu hành vẫn chứng ngộ.

3. Đa văn Kiên cố: Từ 1.000 năm đức Phật nhập diệt trở về sau gọi là thời đại Đa văn Kiên cố, nghĩa là giai đoạn này các đệ tử của Ngài phần nhiều đã chuộng về học hỏi, lý thuyết mà không còn tu chứng.

Hai thời đại “Thiền định” và “Đa văn Kiên cố” thuộc về Tượng Pháp.

4. Pháp tự Kiên cố: Từ 1.500 năm đức Phật nhập diệt trở lên gọi là thời đại Pháp tự Kiên cố, các đệ tử của đức Phật đã lơ là việc tu chứng nội tâm, học hỏi giáo lý, mà chỉ lo đấu tranh xây dựng về hình thức bên ngoài, như xây chùa cho to, đúc tượng Phật cho lớn, chuông cho kêu v.v…

5. Đấu tranh Kiên cố: Là cách đức Phật nhập diệt 2.000 năm trở lên, giai đoạn này ngoài thế gian thì Đạo Đức suy đồi, về tôn giáo thì tôn giáo này muốn xâm chiếm tôn giáo khác, không những thế mà cùng một tôn giáo, cùng thờ một vị giáo chủ, nhưng vì khác Phái, khác Tông, vì tranh giành ảnh hưởng, vì tranh giành quyền lợi, do đó bôi bác lẫn nhau, hãm hại lẫn nhau. Ngay trong nội bộ Phật giáo cũng vì chùa chiền, đất đai, địa vị, danh lợi mà tranh giành lẫn nhau hơn cả thế tục, bất chấp thể diện cá nhân hay đoàn thể. Đó là chưa nói người thế tục và ngoại đạo xâm nhập vào tổ chức của Phật giáo để xuyên tạc Phật Pháp, phá hoại Phật giáo.

  1. B. Vì sao gọi thế giới này là Ta Bà, Ngũ trược ác thế?

Ta Bà dịch là “Nhẫn Độ”, “Kham Nhẫn Khổ” – thế giới chúng sanh chịu nhiều đau khổ. Ngũ trược là Kiếp trược, Kiến trược, Phiền não trược, Chúng sanh trược và Mạng trược. Trược có nghĩa là “Nhơ bẩn, cặn bả”.

1. Kiếp trược: Thời đại con người sống ở thế gian này phải chịu bao nhiêu sự đau khổ như: chiến tranh, bão lụt, động đất, sóng thần, dịch bệnh v.v…

2. Kiến trược: Sự hiểu biết sai lầm, chấp trước con người chết là hết, hoặc sau khi chết linh hồn lên thiên đàng sống mãi mãi… tức lợi sử.

3. Phiền não trược: Thế giới con người đầy tâm lý tham lam, hận thù, ngu muội… tức độn sử.

4. Chúng sanh trược: Sắc thân do tinh huyết nhơ nhớp của Cha Mẹ hòa hợp mà có, thiếu thiện căn, say mê ngũ dục, luân hồi sanh tử trong tứ sanh*…

5. Mạng trược: Thân người bất tịnh, đời sống ngắn ngủi…

Vì cõi Ta Bà nhiều sự khổ sở, nhơ bẩn như trên, nên chúng sanh niệm Phật cầu sanh thế giới an vui của đức Phật A Di Đà, tức là cầu sanh Tịnh Độ.

Tông Tịnh Độ niệm Phật cầu vãng sanh là Tông mà các vị Đại Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Thế Chí đều xưng dương tán thán.

Các vị Tổ Sư như ngài Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân, Trí Giả, Hiền Thủ và các vị Tổ Sư khác đều chuyên Niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ của Giáo chủ A Di Đà.


II. THÂN BÀI :

Niệm Phật thuộc Tông Tịnh Độ, cũng gọi là Liên Tông, thọ sanh Liên Thai. Nghĩa là người nào ở cõi Ta Bà phát tâm niệm Phật thì ở cõi Cực Lạc mọc một hoa sen, tùy theo sự siêng năng hay nhác nhớm mà hoa sen tươi tốt hay héo tàn, khi người ấy được vãng sanh thì ngồi trên hoa sen ấy. Liên đài lại có chín phẩm, người thượng căn vãng sanh hoa sen liền nở, người hạ căn hoặc đới nghiệp vãng sanh thì một thời sau hoa sen mới nở.

Vị Tổ Sư sáng lập Tịnh Độ Tông ở Trung Quốc là ngài Huệ Viễn, nhưng vẫn tôn thờ ngài Phổ Hiền Bồ Tát làm Sơ Tổ. Ở Việt Nam, người sáng lập Tịnh Độ Tông là ngài Nhất Định ở chùa Từ Hiếu, ngài Tường Vân ở Huế, ngài Hòa Thượng Tế Xuyên ở Hà Nam.

Có 3 Kinh căn bản của Tịnh Độ Tông:

1. Kinh Vô Lượng Thọ: Phật nói tại núi Kỳ Xà Quật, thành Vương Xá, đương cơ là ngài A Nan và đức Di Lặc.

2. Kinh Quán Vô Lượng Thọ: Phật nói tại cung vua Tần Bà Ta La, thành Vương Xá, đương cơ là bà Vi Đề Hy, hoàng hậu của vua Tần Bà Ta La.

3. Kinh Di Đà: Phật nói tại Kỳ Hoàn tịnh xá, nước Xá Vệ, đương cơ là ngài Xá Lợi Phất.

Có nơi nói Tịnh Độ Tông có 5 thứ Kinh căn bản – Là 3 thứ kinh trên và Phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện trong Kinh Hoa Nghiêm và chương Đại Thế Chí niệm Phật viên thông trong Kinh Lăng Nghiêm.

  1. A. Định nghĩa:

Niệm là nhớ nghĩ, Phật là người đã giác ngộ hoàn toàn, chữ Phật ở đây chỉ cho đức Phật A Di Đà, giáo chủ thế giới Cực Lạc ở phương Tây, cách cõi Ta Bà 10 vạn ức cõi Phật, do đức Phật Thích Ca giới thiệu, cõi nước của Ngài hoàn toàn trang nghiêm thanh tịnh, nên gọi là Tịnh Độ.

A Di Đà có 3 nghĩa:

a. Vô lượng Thọ : sống lâu vô lượng

b. Vô lượng Quang : ánh sáng vô lượng

c. Vô lượng Công đức : công đức vô lượng

B. Ba điều kiện để vãng sanh:

1. Tín: Là lòng tin.

Tin thế giới Ta Bà này là nhiều đau khổ, tin thế giới Cực Lạc là hoàn toàn an vui, tin Nghiệp lực của mình quá nặng, không thể tự lực mình để liễu sanh thoát tử, phải nhờ tha lực của đức Phật A Di Đà giúp đỡ, tin lời nói của đức Phật Thích Ca là đúng, tin lời thệ nguyện của đức Di Đà là không sai, hễ ai niệm Phật thì giờ phút lâm chung chắc chắn sẽ được Ngài tiếp dẫn về Tây phương.

Trong Kinh Vô Lượng Thọ, điều nguyện thứ 18 của đức Phật A Di Đà như sau:

“Nếu con được thành Phật mà chúng sanh trong mười phương dốc lòng tin tưởng, muốn sanh về nước con chỉ trong mười niệm, nếu không được toại nguyện thì con chẳng trụ ngôi Chánh Giác, trừ kẻ phạm 5 tội nghịch* và gièm chê Chánh Pháp”.

Đây là lý do căn bản để chúng ta tin tưởng và thực hành, cầu vãng sanh. Đức Phật không bao giờ nói dối.

2. Nguyện: Nguyện mau ra khỏi thế giới Ta Bà đau khổ này, sanh về thế giới an vui của đức Phật A Di Đà.

3. Hạnh: Thành tâm khẩn thiết thường niệm Nam mô A Di Đà Phật, luôn luôn tưởng nhớ đức Phật A Di Đà không gián đoạn, vì:

“Ái dục bất trọng bất sanh Ta Bà

Hạnh nguyện bất chuyên bất sanh Tịnh Độ”

C. Phương pháp niệm Phật:

Có 4 cách niệm Phật:

1. Trì danh Niệm Phật: Là miệng niệm lớn tiếng hoặc nhỏ câu: “Nam mô A Di Đà Phật” suốt cả ngày, dù đi đứng nằm ngồi đều không quên, ý thì tưởng nhớ đức Phật A Di Đà và cầu vãng sanh về cõi Cực Lạc. Sự tưởng nhớ như con nhớ mẹ.

Miệng niệm, Tâm lắng nghe tiếng niệm, làn sóng điện của Tâm hòa đồng vào quang minh của đức Phật.

Người mới sơ cơ niệm Phật, chưa niệm Phật thường xuyên, thì 3 thời sáng, trưa, tối mặc áo tràng vào ngồi trước bàn Phật để niệm. Nếu không có bàn thờ Phật thì trước khi ngủ và sau khi thức dậy, ngồi ngay trên giường niệm Phật. Nên niệm Phật đi đôi với việc lần chuỗi, vì xâu chuỗi có công dụng giúp ta nhiếp tâm, định tâm, khi tâm ta tán loạn phóng dật.

2. Quán tưởng Niệm Phật: cũng tương tợ như Trì danh niệm Phật, nhưng chỉ niệm trong Tâm, môi miệng không động, niệm không ra tiếng. Quán tưởng hình dung đức Phật A Di Đà ở trước mặt ta, hình dung trang nghiêm đẹp đẽ, đứng trên hoa sen.

3. Quán tượng Niệm Phật: Nhìn vào hình ảnh hoặc tượng Phật A Di Đà, quán 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp mà niệm Phật, nguyện cầu vãng sanh Tịnh Độ.

4. Thật tướng Niệm Phật: Thật tướng niệm Phật là niệm Phật hợp với Chân Tâm. Vì tất cả các pháp đều do Tâm biến hiện, Chân Tâm thì không sanh không diệt, không khứ không lai, xưa nay thanh tịnh, Như Như bình đẳng, không hư vọng, không biến diệt nên gọi là Thật Tướng.

Ba pháp trên thuộc về Sự, pháp này thuộc về Lý. Pháp này cao siêu khó thực hiện, là pháp tu dành riêng cho các bậc thượng căn, thượng trí.

Pháp này như trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương Phật nói: “Niệm đến chỗ vô niệm”, hay trong Kinh Di Đà nói được “Nhất tâm bất loạn”, “Tự Tánh Di Đà, Duy Tâm Tịnh Độ”.


D. Lợi ích của sự Niệm Phật:

v Tu theo pháp môn niệm Phật của Tịnh Độ Tông gồm cả 2 phần “Tự lực” “Tha lực”. Tự lực là công phu tu hành niệm Phật của mình và Tha lực là sự trợ giúp của Đức Phật A Di Đà.

Về điểm này, có người chủ trương tự lực, không cần tha lực, cư sĩ Vương Mẫn Trọng, đời Tống có ý kiến: “Các ngài có kiến tánh ngộ đạo được địa vị cao như ngài Mã Minh, ngài Long Thọ không? Có được đại tam muội như ngài Huệ Tư, ngài Trí Giả không? Có được tôn thông, thuyết thông như ngài Trung Quốc Sư, ngài Thọ Thiền Sư không? Tất cả các ngài trên đây đều để lời thâm thiết, khuyên người niệm Phật vãng sanh, các ngài há làm cho người lầm lạc? Huống chi miệng vàng được Phật khen có, dặn có, Pháp môn niệm Phật của ngài dạy, ba đời mười phương hết thảy Hiền Thánh đều cung kính lãnh thọ, như thế quyết định không sai lầm. Các ngài nói tự độ mà khi chết đi ở tự tại chưa? Vô thỉ ác nghiệp đã hết hiện tiền chưa? Hết báo thân này rồi, đã quyết định hết luân hồi chưa? Trong đường hiểm tam đồ đã ra vào tự tại chưa? Trên trời, nhân gian và mười phương thế giới đã tùy ý vãng sanh vô ngại chưa? Nếu đã độ được như vậy thì thôi, còn chi quý hơn nữa! Nhưng nếu chưa được thì xin các nhân giả cố gắng siêng năng niệm Phật”.

v Tu theo các pháp môn của các Tông phái khác phải trải qua thứ lớp địa vị, phải chờ “Đoạn” hết “Hoặc Nghiệp” mới liễu sanh thoát tử. Tu theo Tịnh Độ Tông thì được “Đới Nghiệp vãng sanh”. Đới Nghiệp vãng sanh, nghĩa là mang Nghiệp theo mà vãng sanh, còn ác nghiệp, còn tội lỗi mà vẫn được sanh về cõi Tịnh Độ.

Nói cách khác tu theo các Tông khác phải “Đoạn Hoặc”, còn tu theo Tịnh Độ Tông thì có thể “Chế Phục Hoặc”. Hoặc là chỉ cho các phiền não.

v Người niệm Phật hiện tại trừ được các tánh xấu, các phiền não, tâm buồn phiền, đau khổ v.v…

v “Vạn nhân tu, vạn nhân vãng sanh”.

Cổ nhân dạy: Người tu Thiền mà không tu Tịnh Độ (Niệm Phật) thì 10 người lầm hết 9. Còn muôn người tu Tịnh Độ thì cả muôn người được vãng sanh. Nếu người niệm Phật có cả tham Thiền chẳng khác nào cọp đã có sức mạnh lại còn mọc thêm sừng.

Từ xưa đến nay đã có biết bao nhiêu người Niệm Phật, khi sắp lâm chung có các triệu chứng vãng sanh, như biết trước ngày giờ chết, lúc sắp lâm chung có mùi hương thơm lạ, có ánh sáng kỳ diệu, nghe tiếng nhạc trời, có ngọc xá lợi…

Và dưới đây là một câu chuyện thực tế mà Thầy Bạch Sa ở Quy Nhơn đã kể lại với Hòa Thượng Thích Trí Thủ:

Bà Thái Xương, vợ một Hoa kiều nguyên buôn bán ở Quy Nhơn, là một đàn việt chùa Bạch Sa và đã giúp Thầy ấy kiến tạo ngôi chùa Bạch Sa hiện nay. Bà chuyên tu pháp môn Niệm Phật và chỉ phát nguyện khi thọ chung được gặp ngày vía đức Phật A Di Đà (tức là ngày 17 tháng 11 âm lịch) và được biết trước giờ phút thọ chung ấy.

Năm bà mất, đã 80 tuổi mà vẫn khỏe mạnh. Đầu tháng 11 năm ấy, bà đến xin Thầy Bạch Sa tụng cho một bộ kinh Thủy Sám và một bộ kinh Pháp Hoa để kịp đến ngày 17 tháng ấy bà về chầu Phật. Thầy Bạch Sa lấy làm kinh ngạc vô cùng, nhưng vì bà là bổn đạo thuần thành đã lâu năm nên Thầy cũng phải chiều theo. Cái tin ấy đã làm cho bà con và đạo hữu kinh ngạc. Đến ngày 17, họ tụ tập đến nhà bà rất đông để thỏa mãn tính hiếu kỳ. Suốt buổi sáng hôm ấy, bà vẫn khỏe mạnh và bình tĩnh như thường ngày, khiến Thầy Bạch Sa trong thâm tâm e sợ, không khéo phen này làm trò cười cho thiên hạ. Bỗng đâu đến khoảng 10 giờ sáng, bà bảo người giúp việc in một in cơm đem lên nhờ Thầy cúng Phật rồi đem xuống cho bà, bà chấn in cơm làm hai phần, tự mình ăn một nửa, còn một nửa bảo người giúp việc ăn mà từ tạ rằng: “Gọi là đền đáp công ơn Mụ giúp đỡ tôi trong mười mấy năm trường, nay đến ngày vĩnh biệt, xin biếu Mụ ăn nửa phần cơm này để sau nhờ Phật tiếp dẫn Mụ về Tây phương”. Nói xong, rửa mặt súc miệng và thay áo quần thì đúng 12 giờ trưa, bà chào tất cả mọi người, ngồi xếp bằng, hai tay chấp trước ngực mà hóa một cách vui vẻ trước sự kinh ngạc của mọi người trong nhà. Năm ấy ở Quy Nhơn, thiên hạ xôn xao bàn tán rất nhiều về cái chết của bà Thái Xương, tiếng đồn bà thành Phật lan ra khắp các tỉnh.

v “Một câu Niệm Phật tiêu diệt trọng tội tám mươi ức kiếp sanh tử”.

Theo trong Kinh: Một câu Niệm Phật của người Niệm Phật tiêu trừ được tám mươi ức kiếp trọng tội.

v “Người chân thật Niệm Phật đầy đủ Lục Độ”:

- Trong thì quên thân, ngoài thì quên cảnh, đó là Đại Bố Thí.

- Không sanh lòng Tham Sân Si là Đại Trì Giới.

- Không chấp thị phi Nhân Ngã là Đại Nhẫn Nhục.

- Niệm Phật không gián đoạn là Đại Tinh Tấn.

- Nhất tâm bất loạn, vọng niệm không móng khởi là Đại Thiền Định.

- Không bị sự khác và pháp khác làm mê lầm là Đại Trí Tuệ.

Đ. Sự sai biệt giữa Thiền Tông và Tịnh Độ Tông.

v Mỗi Tông đều có những pháp môn tu sai khác nhau, không thể lấy pháp môn tu hành của Tông này áp dụng vào Tông khác. Ví dụ:

Thiền Tông chú trọng về “Không”

Tịnh Độ chú trọng về “Có”

Thiền Tông rất sợ Tâm phát khởi những tâm niệm Thích, Chán v.v… Nhưng Tịnh Độ Tông lại khuyến khích chúng sanh nên Chán cái khổ ở Ta Bà mà Ưa Thích cầu sanh về cảnh giới an vui Tịnh Độ.

G. Những bài kệ và thơ văn khuyến khích Niệm Phật và nguyện cầu vãng sanh Tịnh Độ.

v “Dương gian là cảnh, Tịnh Độ là quê,

Sống thì ta ở, chết ta trở về!”

v “Nẽo đến Nhân Thiên phước duyên trên hết.

Ba đào sanh tử Niệm Phật đứng đầu”.

v “Tay lần trăm tám hạt châu,

Diệt trừ tội lỗi, buồn rầu tiêu tan.

Xa lìa khổ ác ba đàng,

Thế gian phiền lụy hóa thành liên hoa”.

v “Ví dù muôn đắng ngàn cay,

Một câu Niệm Phật tan ngay cấp kỳ!

Niệm Phật dứt bỏ oán thù,

Lòng không hung dữ ngục tù đâu vương?

Niệm Phật mở rộng lòng thương,

Oán thân bình đẳng tai ương nào vào?”.

v “Ít nói một câu chuyện,

Niệm nhiều một câu Phật.

Đánh chết mỗi ý niệm,

Để Pháp Thân được sống”.

v “Khi Niệm Phật thì buông bỏ vạn duyên, một Ác niệm vừa khởi lên thì dùng ngay một câu Nam mô A Di Đà Phật để áp chế nó”.

v “Thân làm việc lợi ích,

Miệng nói điều phải,

Ý nghĩ tốt đẹp,

Như thế là Niệm Phật”.

v “Làm phước không Niệm Phật (chỉ tu Phước)

Phước hết lại nổi chìm,

Niệm Phật không làm phước (chỉ tu Huệ)

Làm người nhiều đắng cay.

Không phước không Niệm Phật

Địa ngục, Quỷ, Súc sanh,

Vừa niệm vừa làm phước

Mau chứng quả phước trí”.

v “Ái hà ngàn thước nước xao,

Muôn trùng bể khổ sóng nhào thương ôi!

Muốn cho khỏi kiếp luân hồi,

Phải mau sớm niệm Nam mô Di Đà”.

v “Nguyện con lúc sắp lâm chung,

Không còn vướng mắc những gì trần gian.

Thấy ngay Từ Phụ Di Đà,

Vãng sanh Cực Lạc, sen vàng hóa sanh”.

v “Xét ra Niệm Phật dễ mà không,

Ý khẩu buông lung giữ chẳng đồng,

Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn

Dầu cho khan cổ vẫn là không”.

v “Đem cái nghe để nghe danh hiệu các đức Phật, sao không tự nghe tánh nghe của mình”.

v Sở nguyện của người xuất gia:

“Tam y nhất bát

Vạn lý thiên gia

Tuyên dương du hóa ư Ta Bà

Duyên mãn ký qui y Tịnh Độ”.

v Niệm Phật đừng thối tâm giải đải:

“Năm đầu Phật ở trước mắt

Năm thứ hai Phật về Trời

Năm thứ ba không thấy Phật”.

H. Nghi thức Niệm Phật:

Bài sám phát nguyện vãng sanh:

Trước bàn Tam Bảo

Đèn rạng hương bay

Cúi đầu chấp tay

Con xin lạy Phật.

Lòng con thành thật

Chí nguyện theo Ngài

Lánh cõi trần ai

Mong về Tịnh Độ.

Thấy đời lắm khổ

Lắm kẻ điêu tàn

Sống kiếp lầm than

Vì chưa giác ngộ.

Nay con đã rõ

Dầu trễ hơn không

Cố sức gắng công

Xã thân cầu Đạo.

Lánh vòng phiền não

Núp bóng từ bi.

Mạn, tham, sân, si

Con nguyền từ khước

Lỗi lầm từ trước

Vì tánh còn mê

Nay con xin thề

Thành tâm sám hối.

Lấy công chuộc tội

Con quyết tu hành

Lánh dữ làm lành

Vun trồng cội phúc;

Nước kia tuy đục

Lọc mãi phải trong.

Con nguyện hết lòng

Bồ Đề kiên cố

Lợi danh cám dỗ

Chẳng chút động tâm;

Mùi tục bụi trần

Con nguyền rũ sạch

Cho lòng thanh bạch

Cho chí thanh bình

Chánh niệm phân minh.

Cầu xin chư Phật

Khi con nhắm mắt

Liền phóng hào quang

Rước thần thức con

Đưa về Tịnh Độ.

Nguồn mê bể khổ

Nghiệp chướng luân hồi

Giải thoát đặng rồi

Con xin phát nguyện:

Nguyện độ chúng sanh

Nguyện thành Phật đạo.

Qui mạng lễ A Di Đà Phật

Ở phương Tây thế giới an lành

Con nay xin phát nguyện vãng sanh

Cúi xin đức Từ Bi tiếp độ.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc thế giới Đại từ Đại bi, tiếp dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

Nam mô A Di Đà Phật…

I. Quyết nghi:

v Có người trong Tâm nghi ngờ, không biết mình trọn đời làm ác, quá nhiều tội lỗi, không biết nay niệm Phật, lúc lâm chung đức Phật có tiếp dẫn vãng sanh về thế giới Cực Lạc không?

- Người niệm Phật quyết phải tuyệt đối tin tưởng vào lời phát nguyện thứ 18 của đức Phật A Di Đà:

“Nếu con được thành Phật mà chúng sanh trong mười phương dốc lòng tin tưởng, muốn sanh về cõi nước con chỉ trong 10 niệm, nếu không được toại nguyện thì con chẳng trụ ngôi Chánh Giác, chỉ trừ kẻ phạm 5 tội nghịch và gièm pha Chánh Pháp”.

Đức Phật quyết không bao giờ nói dối, chỉ sợ chúng ta không quyết tâm.

v Có người lại nghĩ: Mình quá nhiều tội lỗi làm sao có thể “Đới Nghiệp vãng sanh”?

- Pháp môn Niệm Phật cầu vãng sanh không những nhờ ở “Tự lực” mà còn nhờ vào “Tha lực”, là nương vào nguyện lực và phước đức của đức Phật A Di Đà. Cũng như một hòn đá nhỏ quăng xuống nước nó sẽ bị chìm, nhưng nhiều hòn đá lớn nếu được chở trên ghe thì nó vẫn nổi.

v Cũng có người nghĩ: Đức Phật A Di Đà đã phát nguyện nếu ai trong lúc sắp lâm chung mà niệm mười danh hiệu Phật thì sẽ đến tiếp dẫn, vậy thì mình để lúc sắp chết sẽ niệm!

- Người sắp chết sẽ bị Nghiệp lực, bệnh tật chi phối rất nặng, nhất là sự đau đớn về thể xác, như con rùa muốn trút bỏ cái mai đâu phải là việc dễ dàng, làm sao bình tĩnh mà niệm Phật!

Như gặp trường hợp: xe tông, trúng gió, điện giật thì làm sao mà niệm Phật kịp? Đó là chưa nói các trường hợp vợ con than khóc níu kéo, dục niệm còn vương ân ái chưa dứt, tính toán chưa xong, nợ nần chưa trả thì làm sao đây?

v Vì sao nói Pháp môn Niệm Phật liễu sanh thoát tử khỏi luân hồi mau hơn các Pháp môn khác, các Tông khác?

- Pháp môn Niệm Phật như con kiến đục ngang ống tre, các Tông khác thì phải theo thứ lớp, từng địa vị như phải theo chiều dọc của từng mắt tre nên chậm hơn.

v Ở đây nói “Sanh” về Tịnh Độ có trái với lý “Vô Sanh” chăng?

- Thật sự Tịnh Độ không xa (Lý), vì ngoài Tâm Không Độ (thế giới) ngoài Độ Không Tâm, dù trong Kinh nói cõi Tịnh Độ cách xa cõi Ta Bà 10 vạn ức cõi Phật (Sự).

- Ngài Thiên Thai nói: Người Trí cầu Sanh Tịnh Độ, nhưng thông suốt được cái “sanh thể” vẫn không có, tức “Sanh” mà thiệt “Không Sanh”. Còn kẻ ngu thì bị cái “Sanh” ấy ràng buộc, hễ nghe nói “Sanh” thì chấp rằng “Sanh” thật; chứ không biết “Sanh” tức là “Không Sanh”, mà “Không Sanh” tức là “Sanh”.

- Ngài Trường Lô giải thích: Lấy “Sanh” làm “Sanh” thật, tức là lỗi về phần “Thường Kiến”, lấy “Không Sanh” làm “Không Sanh” thật, tức là lầm về “Đoạn Kiến”.

- Ngài Thiên Y giải thêm: “Sanh” thì quyết định “Sanh” mà đi tới, “mà đi tới” thì thật “không đi tới” đâu cả. Bản tánh chúng sanh vốn thanh tịnh, không nhiễm, không động. Nhưng vì nhân duyên mà có tướng “Sanh” như tượng trong gương, bóng trong nước mà gọi là “Sanh”.

Bởi “Tánh” hay hiện “Tướng” cho nên “Không Sanh” mà tức là “Sanh”. Còn “Tướng” do nơi “Tánh” mà hiện ra, chứ tự thể không có, cho nên “Sanh” mà tức là “Không Sanh”.

III. KẾT LUẬN:

Pháp môn Niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ là một Pháp môn dễ tu hành hơn cả. Người trí thức hay kẻ bình dân, bất luận ở đâu hay lúc nào cũng đều có thể thực hành. Điều cốt yếu là Tín Hạnh Nguyện phải đầy đủ, chuyên tâm Niệm Phật không gián đoạn, miệng và ý phải hiệp nhất, cho đến lúc “Nhất tâm bất loạn” thì chắc chắn được vãng sanh về Cực Lạc, liễu sanh thoát tử.

Theo lời đức Phật dạy, cuối đời Mạt Pháp tất cả Tam Tạng Kinh điển của đức Phật đều bị tiêu diệt, chỉ còn lại “Kinh A Di Đà”, riêng Pháp môn Niệm Phật 6 chữ “Nam mô A Di Đà Phật” đặc biệt sẽ tồn tại lại thế gian thêm 200 năm sau rốt. Thời Mạt Pháp, tín tâm của thầy Tỳ Kheo không bằng người nam Cư Sĩ, người nam Cư Sĩ không bằng người Nữ Cư Sĩ.


IV. Những mẫu chuyện liên quan đến Niệm Phật.

Niệm Phật

Ngày xưa, có một Phú Ông rất sùng mộ đạo Phật. Phú Ông xuất tiền xây cất một ngôi chùa cực kỳ nguy nga tráng lệ. Ông già hảo tâm ấy lại có tánh hiếu kỳ. Sau khi hoàn thành ngôi Bảo Điện ông già muốn có một điểm gì đặc biệt khác thường nên ông chạm trổ một bức hoành phi thật đẹp và khắc sáu chữ vàng “Nam mô A Di Đà Phật” bằng chữ Phạn rồi treo trước Chánh điện. Những học gia và bô lão trong làng đều chịu không biết là chữ gì. Họ rất thán phục Phú Ông, cho Phú Ông là một học gia uyên bác, thông hiểu cả Phạn ngữ. Kỳ thật thì Phú Ông đã nhờ một Pháp sư người Ấn Độ viết cho sáu chữ đó.

Được thiên hạ trầm trồ khen ngợi bao nhiêu thì tính hiếu kỳ tự đắc của Phú Ông càng bị kích thích bấy nhiêu. Một hôm, ông cho viết sáu chữ ấy lên các bảng gỗ kèm theo mấy hàng chữ bản xứ ở dưới: “Nếu ai đọc được mấy chữ này tôi sẽ gả con gái cho làm vợ và chia một nửa gia tài”. Đoạn Phú Ông cho dựng những tấm bảng đó khắp nơi trong vùng và mỗi nơi cắt một người đứng gác.

Sau khi những tấm yết thị được dựng lên, các học gia, văn gia, thi sĩ và nho sinh nô nức đến xem, nhưng không một ai đọc được cả.

Một ngày nọ có chàng thanh niên bán chiếu tên “Hoàng Kim Ấn” đi qua một nơi có dựng bảng, thấy rất nhiều người đang chen lấn nhau vào xem chữ, dĩ nhiên là ai cũng ôm một bầu hy vọng to tướng trong lòng. Tò mò, chàng bán chiếu cũng cố len lỏi để vào cho được. Nhưng khi đến nơi, nhìn lên tấm bảng chàng chẳng hiểu cái quái gì, chỉ thấy mấy dòng chữ ngoằn ngoèo như giun bò, chàng thất vọng quay ra. Song, lúc chàng vừa quay ra thì không may đầu đòn gánh của chàng đụng ngay vào trán của một văn sĩ đang đứng bên cạnh. Hoàng Kim Ấn hoảng hốt la lên: “Nam mô A Di Đà Phật”. Lập tức người đứng gác bảng tóm lấy cổ chàng và nói: “Đúng người này rồi!”. Hoàng Kim Ấn chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, cứ van lạy để xin lỗi vì trót vô ý để đòn gánh đụng vào trán nhà văn. Nhưng người gác nhất định không buông tha chàng, và vội vàng đưa chàng về trình với Phú Ông. Chàng bán chiếu vẫn kêu van lạy lục xin tha, nhưng người gác lại nói:

- Anh này thật dại dột, sắp được vợ đẹp và giàu sang đến rồi mà không biết, còn cứ xin tha mãi! Bộ anh sợ vợ hay sao?

Hoàng Kim Ấn càng hoang mang ngơ ngác thêm không hiểu chi hết và cứ bước theo người gác về nhà Phú Ông.

Chả là Hoàng Kim Ấn là một Phật tử rất kiên thành. Mặc dù nhà nghèo, học ít, không đọc được Kinh sách, nhưng chàng rất tin Phật, nên chỉ trì sáu chữ: “Nam mô A Di Đà Phật” và lúc nào cũng nhớ Phật, niệm Phật, dù đi đứng, nằm, ngồi, không bao giờ quên cả. Niệm Phật đối với chàng đã thành một thói quen. Mỗi khi gặp nguy hiểm, hay việc gì ngoài ý muốn của chàng, chàng lại niệm Phật to hơn. Do đó, lúc vô ý để đòn gánh của mình đụng vào trán nhà văn sĩ, chàng cất tiếng niệm danh hiệu Phật, mục đích để cầu cho việc đó được vô sự. Nhưng không ngờ sáu chữ chàng niệm lại đúng với sáu chữ viết bằng chữ Phạn ở trên bảng, nên người đứng gác tưởng là chàng biết những chữ ấy, nên liền tóm lấy chàng rồi lôi cổ chàng về để Phú Ông gả con gái cho. Khốn nỗi chàng bán chiếu không hiểu cứ tưởng là người ta bắt chàng đi để mang “gông” vào cổ, vì đã làm sứt trán của nhà văn lúc nãy, nên cứ kêu xin tha tội hoài!

Khi về tới nhà Phú Ông, chàng bán chiếu mới vỡ lẽ chàng được tôn lên hàng học giả để cùng sánh vai với tiểu thư, con gái Phú Ông để cùng ca khúc “Phượng cầu Kỳ Hoàng”. Chàng bán chiếu thấy bàn tay của định mệnh xếp đặt kỳ diệu quá. Bất giác chàng khẽ ngâm hai câu đối để ghi lại một biến chuyển trong quãng đời chàng mà chàng cho là vô cùng huyền bí:

“Phúc chủ, lộc thầy bất tất con hiền

con thận ,

Thơm tay, may miệng, hà tu phụng thỉnh

phụng chư

(Ý nói người dốt chữ, đọc sai cả chữ, chữ Hiền đọc thành chữ Thận, chữ Thỉnh đọc thành chữ Chư, nhưng nhờ vận may vẫn được giàu sang phú quý).

Từ đó, Hoàng Kim Ấn sống cuộc đời trưởng giả, nhưng hàng ngày chàng vẫn không quên công việc Niệm Phật của quãng đời bán chiếu hồi xưa.

Một hôm, vì trái nắng trở trời, vợ chàng cảm gió. Chàng chỉ tưởng qua loa, nào ngờ mỗi ngày bệnh tình mỗi trầm trọng, cứ sốt li bì, không thuốc nào khỏi. Hoàng Kim Ấn đâm lo và lúc nào cũng ngồi bên giường bệnh nhân để niệm Phật. Vừa niệm, chàng vừa đưa tay thoa từ đầu đến chân của tiểu thư, và huyền diệu thay! Hễ chàng đưa tay đến đâu là nàng cảm thấy nhẹ nhỏm đến đó. Chẳng bao lâu, vợ chàng bình phục hẳn. Thật là đã “may miệng” lại “thơm tay”.

Từ đó, Hoàng Kim Ấn nổi tiếng là một “Đại Y Vương” thanh danh lừng lẫy, đồn đến tai Vua.

Thật là một sự trùng hợp ly kỳ. Cũng trong thời gian trái nắng, trái gió ấy, Công chúa cũng lâm bệnh và bao nhiêu danh y đã được triệu vào để trị liệu cho Công chúa nhưng đều vô hiệu. Khi tiếng tăm của Hoàng Kim Ấn được đồn đến Hoàng cung, lập tức nhà vua hạ chiếu chỉ vời chàng vào để chữa bệnh cho Công chúa. Nhận được chiếu chỉ, Hoàng Kim Ấn cảm thấy bối rối, lo sợ, sợ vì không biết miệng chàng còn “may” không nữa? Câu niệm Phật còn có hiệu nghiệm để chữa bệnh cho Công chúa nữa không? Mặc dù lo sợ, song không có cách nào để khước từ mệnh lệnh của nhà vua, bởi vậy chàng đành nhắm mắt đưa chân và chỉ tin tưởng vào sức vạn năng của một câu Niệm Phật chí thành, đã đến chỗ “Nhất tâm bất loạn”.

Khi tới Hoàng cung, Hoàng Kim Ấn được đưa ngay vào phòng bệnh của Công chúa. Chàng đuổi hết người hầu cận ra ngoài. Trong phòng chỉ còn có chàng và Công chúa! Bây giờ chàng bắt đầu chữa cho Công chúa bằng phương thần dược: miệng chàng Niệm Phật, tay chàng thoa vào đầu và mình mẩy Công chúa. Công chúa ngạc nhiên vì không thấy Y sư cho uống thuốc gì cả, mà trong người thì cứ thấy nhẹ nhàng dần, rồi cuối cùng, như một chiếc đũa thần hễ tay Hoàng Kim Ấn đưa đến đâu là bệnh hết đến đấy. Mừng và lạ quá, Công chúa chạy vào tâu với Hoàng hậu và đức Vua. Nhà vua thấy con mình bình phục mau quá cũng hết sức ngạc nhiên và trong bụng nghĩ thầm: Hoàng Kim Ấn đúng là Thánh Sư.

Nhà vua hạ lệnh mở yến ăn mừng và khoản đãi Thánh Sư. Trong bữa tiệc không thiếu một thứ gì, đủ cả sơn hào hải vị. Trong lúc rượu đã ngà ngà, nhà vua nhìn ra sân, nơi có đắp một con rồng thật lớn và nói với Hoàng Kim Ấn:

- Trẫm đố Khanh biết trong miệng con rồng kia có cái gì? Nếu Khanh nói đúng, Trẫm sẽ cho làm Phò mã và gả Công chúa cho, bằng không Trẫm bắt tội!

Nguy to rồi, nếu lần này mà cái miệng của chàng hết “may” thì đến “du địa phủ”. Đầu óc Hoàng Kim Ấn lúc này thật là rối tùng xòe, như một túi bòng bong vậy. Chàng tự nghĩ: Nếu không nói đúng, chắc mình phải chết, còn nếu nói đúng thì cái nghĩa “tào khang chi thê” mới làm sao đây? Thật là tiến thoái lưỡng nan. Đúng cũng khổ mà không đúng thì chết. Chàng cứ băn khoăn lo lắng, tự nghĩ đời tàn, bất giác chàng than một câu để than cho số phận: “Hoàng Kim Ấn!”. Nhưng chàng vừa dứt lời thì bỗng nhà vua vỗ tay reo và truyền gọi Công chúa ra dâng cho chàng ly rượu. Hoàng Kim Ấn ngơ ngác, không hiểu ra sao. Chàng còn ngơ ngác thì nhà vua nói:

- Khanh nói đúng, thật là Thánh Sư! Trẫm có cất chiếc “Hoàng Kim Ấn” trong miệng rồng đó! Kỳ diệu biết bao!

Tưởng mình chết đến nơi, kêu tên mình lên để than thở cho số phận, không ngờ tên mình lại trùng với tên con dấu bằng vàng ròng của nhà vua, chết thì thoát rồi, còn việc Phò mã và lấy Công chúa thì sao? Hoàng Kim Ấn dập đầu xin nhà vua tha cho tội đó, viện lẽ mình đã có vợ và phải giữ trọn đạo thủy chung. Nhà vua cảm kích vì người có tiết nghĩa, không nỡ ép buộc, liền ban thưởng thật trọng hậu rồi sai cận vệ đưa tiễn về đến nhà…

Huyền diệu và linh nghiệm thay sáu chữ “Nam mô A Di Đà Phật” khi được phát ra với niềm chí thiết, chí thành và “Nhất tâm bất loạn”.

Ngu Ông


Tại sao phải Niệm Phật?

Thành Thất La Phiệt có một ông hoàng tánh rất hung bạo. Thêm vào đó, quyền thế và địa vị của ông có thể giúp ông thủ tiêu tội án trước pháp luật. Chưa một lời phải, một đạo giáo nào cảm hóa được ông. Một hôm ông gặp Phật khi Phật du hóa xứ này. Mới thấy Phật, lòng ông bỗng cảm phục như voi dữ trước quản tượng. Ngài có dạy ông vài lời sơ lược: “Hãy tưởng niệm Phật Đà, hãy từ bi thương người, sốt sắng cứu người”. Ông cung kính vâng lời. Nhưng khi về đến nhà, vừa thấy người hành khất, ông liền đùng đùng nổi giận. Lời vàng của Phật không còn trong lòng của ông nữa, khi ông toan đánh đuổi người. Bỗng sực nhớ lại hình dáng từ nghiêm của Phật, ông liền dịu lại, nhưng không bố thí chút gì. Tối hôm đó, vợ ông lấy làm lạ, gạn hỏi đầu đuôi. Ông bèn tuần tự thuật lại. Nhờ thuật lại, ông nhớ lại rõ ràng hình dung đức Phật và lời Ngài dạy. Đêm hôm ấy, ông suy nghĩ mông lung: “Nhớ Phật, phải nhớ đến người nghèo khổ, tưởng Phật, phải tưởng đến người nghèo khổ”.

Rồi trời sáng ông liền đi tìm Phật. Giữa đường gặp một người hành khất ốm liệt bên vệ đường, ông suy nghĩ, ông đến ân cần hỏi han và dốc hết tiền túi ra cho. Người ấy e sợ, cảm ơn rối rít. Nhưng ông chỉ bảo: “Vì tưởng nhớ Phật nên tôi giúp anh. Anh nhận tiền này khiến tôi được phước, thế là tôi chịu ơn anh, chớ nào anh có mang ơn gì với tôi”. Người hành khất nghe thế, lấy làm lạ, vì không lạ gì tánh nết của ông và uy danh của đức Phật. Bỗng nhiên người ấy cất tiếng niệm: “Nam mô Phật Đà” (Kính lễ Đấng Giác Ngộ). Ông hoàng cũng bất giác niệm theo và đi mau tìm Phật. Khi gặp Ngài, ông thuật rõ đầu đuôi mọi việc. Nghe xong, đức Phật mỉm cười hiền từ bảo: “Phải! Niệm Phật ông hãy tưởng niệm người nghèo khổ. Tưởng niệm người nghèo khổ là tưởng chư Phật đó”.

Trích báo VIÊN ÂM


Hoàng hậu Vi Đề

với Pháp môn Niệm Phật

Trong lúc đức Thế Tôn còn tại thế, ở Ấn Độ có vua Tần Bà Ta La, nước giàu dân mạnh, tiếng oai hùng khắp cả bốn phương chư hầu thảy đều quy phục.

Song không bao lâu ông bị nghịch tử là A Xà Thế, sanh lòng ác muốn hại để đoạt ngôi. A Xà Thế bắt Phụ Hoàng giam vào ngục tối và cấm không cho ai được vãng lai. Hoàng hậu Vi Đề mật lo với ngục tốt lén đến thăm, khi vào bà thấy vua ngồi trong ngục tối, nhan sắc tiều tụy, tinh thần bạc nhược sắp chết vì đói! Hoàng hậu vật mình chết ngất, sau khi tỉnh dậy về cung, bà tìm phương cứu chồng. Hoàng hậu mới hòa bột cùng mật làm thành một chuỗi anh lạc, mỗi khi vào thăm bà đổ ra cho vua dùng, nhờ vậy mà vua Tần Bà Ta La sống cầm chừng khỏi chết. Nhưng rủi thay, cơ mưu bại lộ, A Xà Thế biết được, ông giận quá xách gươm tìm Mẹ để giết, may có vị đại thần can, bà mới thoát chết. Song bà bị giam vào lãnh cung. Từ đó Hoàng hậu không thể đem thức ăn cho vua được nữa. Ôi! Còn chi đau đớn bằng mình bị tù ngục và cảnh tượng chồng đói sắp chết hiện ra trước mắt! Bà kêu gào than khóc đến nỗi hai mắt gần mờ, nhân đó bà nhận thấy cuộc đời giả dối, ngai vàng là lao ngục, danh lợi là gông cùm, ân ái là hổ lang, địa vị như rắn độc.

Khi ấy bà liền nhớ đến Phật, nhờ sự cảm thông đức Thế Tôn ở trong Kỳ Hoàn Tịnh Xá, vận thần thông trên hư không cùng các đệ tử hiện vào trong lãnh cung. Trong lúc bà đang quỳ gối chấp tay hướng về đấng Đại Giác bỗng thấy hào quang chói khắp, bốn bức tường lạnh lẽo trở nên ấm áp. Ngẩng đầu lên bà thấy Phật và các vị Thánh chúng mà bạch Phật: “Bạch đức Thế Tôn không biết con đã gây tội gì mà nay sanh đứa con đại ngỗ nghịch đến nỗi toan giết Cha giam Mẹ để đoạt ngôi? Nay con được may mắn gặp Phật, nguyện đức Như Lai cứu độ cho con xả báo thân này để được sanh vào thế giới nào đừng gặp nghịch tử và chịu những điều oan khổ như thế này”.

Đức Thế Tôn dịu lời an ủi:

Hoàng hậu hãy bình tĩnh để nhớ lại chuyện xưa. Khi Hoàng hậu chưa sanh Thái tử thì Đại vương và Hoàng hậu đêm ngày lo buồn, cầu các vị thần linh để mong sanh con quý.

Vì lòng quá tin tưởng nên một đêm kia Đại vương chiêm bao thấy thần mách bảo: “Trên núi cao cách thành mấy dặm có vị Tiên nhân đương tu trên ấy, khi xả báo thân sẽ đầu thai vào làm con bệ hạ”. Lúc tỉnh dậy vua thuật lại cho Hoàng hậu nghe và truyền xa giá đưa đi, đến nơi quả nhiên thấy vị Tiên nhân đang tĩnh tọa dưới gốc cây, vua quỳ làm lễ, và đem việc mình cầu tự cùng điềm chiêm bao mà thưa với đạo sĩ.

Vị đạo sĩ nghe xong, nhập định một lúc lâu, rồi bảo: “Quả có như vậy, song tôi còn ba năm nữa mới ly khai được xác thân này, vậy bệ hạ hãy chờ”. Vua nghe xong, buồn rầu thưa lại: “Mạng người vô thường đâu có hẹn được, xin Ngài từ bi cho tôi mau mau được như nguyện, nếu chờ ba năm lâu quá, biết tôi còn sống mà đợi được chăng?” Vua nằn nì rất lâu mà không được, phần quỳ đã mỏi gối, ông liền nổi sùng bảo sẳng: “Trẫm làm vua trong một nước, chủ trị cả giang sơn, Ngài tuy tu hành song cũng ở trong đất nước Trẫm, nay Trẫm đã hết lời yêu cầu, nếu Ngài không nghe chắc không được”. Đạo sĩ ngậm ngùi sẻ bảo: “Mạng tôi chưa hết, bệ hạ lấy thế lực áp bức tôi, nếu tôi không nghe chắc sẽ nguy hại, tôi nghe thì khi vào làm con bệ hạ tôi sẽ hại bệ hạ mà đoạt ngôi, thật là đáng tiếc”. Đạo sĩ nói xong tự vận mà chết, và bắt đầu Hoàng hậu có thai, nhưng Vua rất buồn vì câu nói và cái chết của Đạo sĩ vẫn ám ảnh trong lòng.

Chẳng bao lâu Hoàng hậu sanh Thái tử, Vua đem việc ấy bàn với Hoàng hậu, cả hai đồng tình quẳng con từ lầu cao rơi xuống, cố cho Thái tử chết, nhưng Thái tử chỉ gãy một ngón tay mà lại lớn rất mau, diện mạo càng lớn càng đẹp đẽ oai nghiêm, tư chất lại thông minh khác thường, làm cho Vua và Hoàng hậu yêu quý như ngọc minh châu mà quên lần câu chuyện cũ.

Tiếng Phật êm dịu như tơ đàn la miên, Vi Đề Hoàng hậu vừa nghe vừa nhớ lại việc ác của mình, nên dịu lòng đau khổ và ăn năn tội lỗi, bà liền đảnh lễ Phật, cầu Phật dạy cho phương pháp tu hành để diệt tội và khi xả thân được sanh về thế giới thanh tịnh bất sanh bất diệt.

Đức Thế Tôn phóng hào quang sáng chói hiện ra tất cả thế giới trong mười phương, trong đó có một thế giới Hoàng hậu nguyện sanh tức là thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà, cõi nước ấy an vui, không thấy khổ. Nhân đó đức Phật dạy cho bà Pháp môn Tịnh Độ là chuyên niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà để cầu vãng sanh theo chí nguyện. Bà chí tâm chuyên niệm đêm ngày không hở, nhờ vậy mà bà hết sự buồn khổ và chuyển được lòng ngỗ nghịch của Thái tử. Nên từ khi giam Mẹ vào lãnh cung một thời gian ngắn, một hôm A Xà Thế thấy lòng bâng khuâng và nhớ lại Mẹ, nhớ tội ác của mình, ông bèn tự thân vào lãnh cung thăm Mẹ.

Khi ngục tốt tận lực đẩy cánh cửa sắt nặng nề, A Xà Thế bước vào, bỗng ông dừng lại, ông đã thấy gì? Ông thấy Mẫu hoàng tĩnh tọa trên tấm đá lớn, hai tay chấp trước ngực, mắt hơi nhắm, nét mặt điềm đạm hiền từ mặc dù trời lạnh ở trong cung lạnh mà bà vẫn thản nhiên, dừng vài phút, ông rón rén đến bên và như một cái máy, ông quỳ xuống chân Mẹ, Hoàng hậu giật mình mở mắt thấy A Xà Thế, bà nhẹ nhàng để hai bàn tay lạnh lên đầu con…

Chúng ta ngày nay biết Pháp môn Niệm Phật là khởi nguyên từ đó.

Thích Nữ Thế Quán


Phật dạy:

Ấn tống Kinh, Tượng được mười công đức

  1. Đã lỡ phạm tội, nếu tội nhẹ thì liền được tiêu tan, nếu tội nặng thì được chuyển thành nhẹ.
  2. Thường được thiên thần ủng hộ, tránh khỏi tất cả ôn dịch, đao binh, giặc cướp, tù tội, lửa cháy, nước trôi v.v…
  3. Nhờ Chánh Pháp mà những kẻ oán thù với mình trong kiếp trước được giải thoát nên tránh được sự khổ sở về tội báo thù.
  4. Quỷ Dạ Xoa không thể xâm phạm, cọp đói, rắn độc không hại được.
  5. Tâm được yên ổn, ngày không có sự nguy hiểm, đêm không có ác mộng, nhan sắc sáng sủa tươi tắn, khí lực dồi dào, việc làm tốt, lợi.
  6. Hết lòng phụng sự Chánh Pháp, tuy không mong cầu nhưng cơm ăn áo mặc tự nhiên đầy đủ, gia đình hòa thuận, phước thọ miên trường.
  7. Lời nói và việc làm, trời, người đều hoan hỷ, đến nơi nào cũng được nhiều người kính mến.
  8. Nếu ngu si thì chuyển thành trí tuệ, bệnh tật chuyển thành lành mạnh, nguy hiểm chuyển thành yên ổn, nếu là đàn bà sau khi chết chuyển thành đàn ông.
  9. Xa lìa các đường dữ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) được sanh vào cõi thiện (người, trời), tướng mạo đoan chánh, thông minh xuất chúng, phước lộc hơn người.
  10. Đủ năng lực để gây căn lành cho chúng sanh, lấy tâm chúng sanh làm ruộng phước và sẽ thâu hoạch được nhiều quả tốt. Sanh vào chỗ nào cũng được thấy Phật, nghe Phật, ba thứ trí tuệ (văn, tư, tu) mở rộng, chứng được sáu thần thông (thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm, túc mạng, thần túc và lậu tận thông).

Ấn tống Kinh, Tượng được nhiều công đức thù thắng như thế. Cho nên, gặp khi chúc thọ, cầu an, sám hối, cầu siêu, nên hoan hỷ ấn tống.




Địa chỉ liên lạc:

Thầy MINH CHIẾU

Chùa PHẬT ÂN, Khu 14, Xã Long Đức,

Huyện Long Thành, Tỉnh Đồng Nai

ĐT: 0612.643334



Trang Nhà Quảng Đức chân thành cảm ơn Thầy Trung Đạo và Thầy Hiếu Niệm

đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này (Thích Nguyên Tạng, 17-10-2013)



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com