- Tựa
- Chương 1: Học đạo cần phải sanh lòng tin quyết định
- Chương 2: Học đạo cần phải tin được sanh tử là việc lớn
- Chương 3: Chẳng phạm phép tắc Phật Tổ
- Chương 4: Lòng hổ thẹn
- Chương 5: Chọn Thầy Lựa Bạn
- Chương 6: Tin Nhận Đúng Như Thật
- Chương 7: Học Ngôn Hạnh Người Xưa
- Chương 8: Dụng Tâm Trong Lúc Bệnh
- Chương 9: Phân Biện Tà Chánh
- Chương 10: Học Giải Là Bệnh
- Chương 11: Tu Tập Tọa Thiền
- Chương 12: Kiến Tánh Minh Tâm
- Chương 13: Công Phu Thoại Đầu Làm Chủ Yếu
- Chương 14: Tham Thẳng Tắt Một Đường
- Chương 15: Phương Tiện Tổ Sư Từ Bi Chỉ Dạy
- Chương 16: Con Đường Hướng Thượng
- Chương 17: Lãnh Hội Chỗ Tâm Yếu
- Chương 18: Kiến Địa Cạn Sâu
- Chương 19: Ngộ Bất Tất Hiềm Tri Giải
- Chương 20: Biện Câu Khách Chủ
- Chương 21: Công Phu Thực Tiễn
- Chương 22: Nơi Hoàn Toàn Thôi Nghỉ
Kho báu nhà Thiền
Chương 8: Dụng tâm trong lúc bệnh
Nguồn: Thiền sư Văn Thủ, Dịch giả: Ðịnh Huệ
Huyễn Trụ lão nhân nói:
Thân thuộc về báo duyên, ai mà không già bệnh! Tổ Bá Trượng kiến lập Diên Thọ Ðường là ý tại chỗ nầy. Người xưa treo biển " Diên Thọ Ðường" cốt cho người tỉnh xét hành khổ mà khởì bi trí. Hoặc có câu: " Người bệnh hoạn dễ sanh phiền não, kẻ mạnh khỏe thường mang lòng trắc ẩn". Mười phương tụ hội, bốn bể một nhà, đã không có sự khác biệt thân sơ, giàu nghèo thì người bệnh tức mình bệnh, người an tức mình an, cho nên trong kinh nói: "Săn sóc người bệnh là phước điền bậc nhất" thì săn sóc đâu nên không!
Lại nói: Hoặc gặp lúc săn sóc người bệnh ta phải sanh lòng trắc ẩn thầm khởi lòng từ bi quán bệnh của người như của mình, ấm lạnh đói no tùy theo sự cần thiết mà săn sóc, thuốc thang cần dùng luôn luôn thăm hỏi. Người bệnh nếu có hiểu lầm sanh lòng giận dỗi, ta phải ôn tồn đối đáp để người bệnh giữ được chánh niệm, đó là tự lợi, lợi tha vậy.
Thiền sư Viên Ngộ nói:
Lúc thân bị bệnh làm khổ, phải khéo nhiếp tâm đừng để ngoại cảnh làm động, trong tâm cũng chẳng khởi niệm, thường nghĩ sanh tử là việc lớn, vô thường mau chóng, không nên phóng túng. Ở nơi ba nghiệp chỉ một pháp giận hờn là tai họa lớn, ví như có thuận, nghịch, cốt đừng cho tâm giận hờn mà phải để tâm mình rỗng rang. Quán cảnh bên ngoài như thuyền rỗng ngói nổi thì vật, ngã đều lặng lẽ, đến chỗ bất động. Ông nên suy xét kỹ điều đó.
Cổ đức nói:
Sanh ra cũng như mặc áo, chết đi cũng như cởi khố, chẳng lấy sanh tử làm sự thay đổi lớn lao, phải nên biết như thế!
Trong các nổi khổ, cái khổ của bệnh là sâu xa. Trong các việc làm phước, săn sóc người bệnh là phước lớn hơn hết. Thế nên, người xưa thấy người có bệnh làm thiện tri thức, dạy người lấy việc săn sóc người bệnh làm phước điền.
Săn sóc người bệnh cần phải có năm đức tính Luật Tứ Phần ghi:
1/ Biết người bệnh nên ăn món gì, kiêng cữ món nào.
2/ Chẳng nhờm gớm cứt đái, đàm dãi của người bệnh.
3/ Có lòng thương xót, chứ không phải vì lý do cơm áo mà săn sóc.
4/ Lo lắng thuốc thang.
5/ Nói pháp cho người bệnh nghe để họ hoan hỷ rồi tăng trưởng pháp lành.
Sáu điều lầm lỗi khi săn sóc người bệnh, kinh Tăng Nhất A Hàm ghi:
1/ Chẳng biết thuốc hay
2/ Lười biếng.
3/ Ưa giận, thích ngủ.
4/ Chỉ tham cơm áo.
5/ Chẳng dùng pháp cúng dường.
6/ Chẳng cười nói vui vẻ với người bệnh.