Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 2

21/06/201319:29(Xem: 9174)
Phần 2

Hư hư lục

Phần 2

Thích Nữ Như Thủy

Nguồn: Thích Nữ Như Thủy

Bát Báu Của A Tu La

Tương truyền rằng A Tu La là một loài chúng sanh ở khoảng giữa loài người và loài trời. Nam A Tu La thì hung bạo, xấu xí, còn nữ A Tu La thì trái lại cực kỳ xinh đẹp.
Các tôn giả A Tu La cũng có phước báu như chư thiên, nghĩa là không phải lao động vất vả như chúng ta mà vẫn có cơm ăn. Mỗi A Tu La đều có một chiếc bát báu, màu sắc và hương vị khác nhau, không ai có thể ăn ké của ai được hết.
Ðiểm đặc biệt của dân chúng A Tu La là họ rất dễ nỗi giận. Vì vậy mà hầu hết đàn ông con trai A Tu La đều dùng thì giờ rảnh rỗi để đánh lộn với chư thiên thay vì trồng trọt mua bán như loài người. Phụ nữ A Tu La thì không bận nấu nướng giặt giũ, tề gia nội trợ như phụ nữ của loài người nên rất ư là diễm lệ...
Nhưng mà... ấy chứ! Xin các tôn giả loài người chớ nghe nói thế mà vội vã phát nguyện sinh về thế giới của A Tu La. Cũng theo tương truyền rằng chiếc bát báu của loài A Tu La là một vật dụng kỳ dị. Nghĩa là trong giờ ăn khi các tôn giả A Tu La đang xực phàn một cách ngon ơ thì bỗng dưng thức ăn của họ bỗng biến thành đồ bất tịnh, đầy dẫy những bùn đất dòi bọ... Vì thế mà các A Tu La cảm thấy nhàm chán, thống khổ kịch liệt khi phám phá ra mình đang ngậm và nhai những của quỷ ấy!
Như thế loài A Tu La chỉ được ăn có nửa bát mà thôi... Nếu kẻ nào húp hết cạn tàu ráo máng thì không sao tránh khỏi tình trạng trên.
Em thân mến!
Truyền thuyết trên đây hư thực thế nào chúng ta chưa rõ được nhưng em có nhận thấy loài người chúng ta chỉ hưởng được có phân nửa hạnh phúc trần gian, hệt chiếc bát báu của loài A Tu La chăng!
Từ lúc chúng ta chào đời thân bằng quyến thuộc đầy đủ, nhà cửa sung túc, cầu được ước thấy. Ðó chính là nửa bát trên và nếu phần trên ngon ngọt dễ chịu bao nhiêu thì phần dưới lại đắng cay ê chề bấy nhiêu. Ðó chính là lúc chúng ta vật vã khóc than chôn cất hết người thân này đến người thân khác, phải đối diện với cái già, cái chết, những tai biến thình lình xảy đến. Cũng giống hệt như loài A Tu La, chúng ta không biết phải nên dùng đũa nào để khỏi ăn nhằm đồ bất tịnh.
Mỗi lần vớ được ngũ dục là chúng ta hưởng thụ một cách mê ly cho đến bao giờ bị chúng làm cho đau khổ khốc liệt, nuốt không xong mà nhả chẳng ra... đợi đến lúc ấy chúng ta mới chịu dừng đủa thì ôi thôi... quá muộn rồi!
Các thứ tình đời, tình bạn, tình yêu... đều là những món nhấm khó chịu như thế cả. Em có thấy vậy không?
Hãy thử nhìn các cặp tình nhân mới yêu nhau thì biết, khoé mắt, làn môi, giọng cười tiếng nói của họ đều biểu lộ một niềm hỷ lạc, hạnh phúc sung mãn tràn trề. Ðó là nửa bát trên. Và sau em hãy cố gắng nhìn tiếp, khi họ bắt đầu hằn học tru tréo, chửu rủa, đánh đập... tìm đủ các hành hạ nhau cho thỏa tức. Ðó là nữa bát dưới.
Ðiều oái oăm nhất là loài người chúng ta cũng như loài A Tu La, không ai tìm được ranh giới phân chia giữa khoái lạc và đau khổ để có thể dừng lại kịp thời. Trong lúc đang hưởng hạnh phúc nếu có ai ngăn cản, bắt chúng ta dừng lại đương sự sẽ đòi... uống thuốc chuột tự vận ngay... và thật là tội nghiệp khi người ta đang phản đối ầm ĩ, tìm đủ trăm phương nghìn kế để được tiếp tục hưởng món ăn ngon thì... đùng một cái thức ăn hóa thành độc dược...
Nhận chân được điều đó Ðức Phật khuyên chúng ta rằng: "Thọ là khổ," nghĩa là cảm giác nào cũng khổ hết, kể cả các cảm giác gây khoái lạc vì bản chất của chúng là sinh diệt vô thường. Và Ngài cũng dạy chúng ta rằng nên thọ dụng những nhu cầu cần thiết sao cho diệt được thọ khổ mà đừng nảy sinh thọ lạc... nghĩa là nên dừng lại ở nơi đâu nhỉ?
- Thưa, ở nơi mà chúng ta thấy có đắm trước, trìu mến, lưu luyến thì phải một, hai, ba ngưng ngay lập tức... nguyên tắc thì như thế đó, nhưng khi thực dụng thì còn tùy theo sự không ngoan, mê hay tỉnh của từng người...
Nhưng mà có nhiều chúng sanh đã tình nguyện rằng: "Thà sống bên nhau (để được gây gổ, đánh đập hoài hoài) còn hơn là cô đơn gối lẻ," nghĩa là họ tình nguyện nốc chén của mình cho đến giọt cuối cùng đó em ơi!

Bà Chúa Xứ

Thuở xưa có một anh chành xấu xí kia, con nhà nghèo, thất học phải sinh sống bằng nghề khuân vác mướn ngoài chợ. Người ta gọi anh là thằng Bu.
Bu làm việc siêng năng giỏi giắn nên cuộc sống của anh không lấy gì làm chật vật cho lắm. Có điều anh rất buồn khi chung quanh chẳng có ai coi trọng nể vì anh hết. Cũng như hầu hết mọi người, anh thèm thuồng được quyền uy, lòng ái mộ khát ngưỡng của đồng loại. Mặt mũi anh đã không thuộc loại đẹp trai, anh lại không có một làn hơi thiên phú để ca vọng cổ hay tân nhạc, nên anh không thể tiến thân bằng con đường văn nghệ. Anh lại tứ cố vô thân không tiền của nên khó mà mua danh vọng chức tước, chữ nghĩa lại chẳng bằng ai... Vậy thì phải làm cách nào cho thiên hạ ngán mình đây? Suy nghĩ suốt một đêm chàng Bu nảy ra một sáng kiến.
Một hôm, sau vài ly ba xị đế, Bu đến ngồi trước miễu Bà Chúa Xứ, một vị thần không được thiêng cho lắm, nên nhang tàn khói lạnh, mỗi năm chỉ được người ta cúng cho một lần. Bu đến trước cửa miếu, ngồi lắc lư ợ ngáp liên hồi... Ban đầu chỉ có bọn trẻ con tụ tập chung quanh anh sau đó là các bà vô công rỗi nghề, rồi dần dần có đến cả hội đồng bô lão của làng nữa. Người ta nhìn nhau thì thầm:
- Bà về! Bà về!
Vài mụ đàn bà góp ý:
- Khoảng nửa tháng nay đêm nào tôi cũng thấy có cục lửa to xẹt lên xuống ngang chòm cây này. Tui sinh nghi trong bụng mà không dám nói ra chớ.
Mỗi người góp một ý, vàng hương hoa quả được mang đến và chàng Bu nghiễm nhiên thành cái xác của Bà Chúa Xứ.
Từ đó, Bu không còn phải đi khuân thuê vác mướn nữa, người gọi anh bằng "Bà," bằng "Ngài," xúm xít cười vả lả, đón rước những lời nũng nịu, õng ẹo thốt ra từ đôi môi xám xịt của Bu. Anh mặc áo lụa quần sa ten trắng, đi hài cườm, thoa son phấn và đeo đồ trang sức.
Một tháng sau, Bu đã có vô số người ái mộ, những kẻ trước kia dòm Bu chỉ bằng nửa con mắt bây giờ lại kính cẩn lễ bái đón nhận từng mệnh lệnh của anh. Người ta đến xin bùa phép của anh để mua may bán đắt, để được sinh con trai, con gái, đánh đề, đánh bạc, đua ngựa, đá gà v.v... Bởi vì chư Phật và Bồ Tát thường ít khi chịu khó chìu lòng những tham vọng ấy của chúng sanh, thánh thần thì bận thưởng thiện phạt ác, ma quỷ thì đòi ăn hối lộ. Duy có anh Bu không đòi hỏi gì cả, ngoài việc ước mong được thiên hạ chìu chuộng, tâng bốc vuốt ve lòng tự ái của mình.
Ba tháng trôi qua, những cuộc lên đồng cầu đảo bất kể đêm ngày đã khiến Bu xuống sắc rõ rệt. Lớp son phấn dày cộm không che khuất đôi mắt đầy quầng đen. Càng đông người tín mộ, anh càng phải lên đồng thật xuất sắc... Anh không còn đủ thì giờ để ăn uống ngủ nghĩ... Những lúc mệt quá, anh cũng muốn nghĩ ngơi "thăng" đồng để trở lại đời sống bình thường của anh... nhưng những lúc ấy anh phải trở lại chấp nhận cái bản thân bình thường thấp kém của anh Bu khuân vác muớn, một điều mà anh muốn chối bỏ, anh phải chịu đựng những ánh mắt lạnh nhạt khinh bỉ của người chung quanh. Người ta sẽ gọi anh bằng "thằng," bằng "mày." Vì thế, dù mệt mỏi anh vẫn phải đồng hóa mình với Bà Chúa Xứ, một nhân vật do cư dân trong vùng lập ra và tôn thờ, chỉ ăn hương, uống hoa, sống bằng giọng đàn, tiếng địch cùng lời xưng tụng của người chung quanh.
Em thân mến!
Số phần của anh chàng Bu này sẽ ra sao? Ðiều này tùy thuộc vào anh. Nếu Bu khám phá ra rằng chính mình là nạn nhân của trò chơi lên đồng ấy, rằng sau những lúc trà nghiêng rượu nhạt... anh cũng phải trở về đối mặt với con người thật của anh: một anh Bu tầm thường, vô danh tiểu tốt. Nếu anh nhận thấy rằng anh đang bày trò điên loạn và trong cảnh giới cuồng điên đó anh đã được sự tung hô tán tụng của những người điên khác. Và nhất là những danh vọng hão huyền đó cũng chẳng thú vị gì cho lắm. Tại sao anh không trở về với anh Bu khuân vác thường ngày dù không được sự nể vì kính trọng của bàng dân thiên hạ nhưng ít ra anh cũng còn có cái thế giới tỉnh táo chân thật của con người tầm thường và bình thường.
Mặt khác nếu anh không thể nào chấp nhận con người chân thật của mình, thì anh cứ tiếp tục bám vào cái vỏ Bà Chúa Xứ bôi son trét phấn, hò hét ban phúc giáng họa cho được đông người ái mộ. Tín đồ càng đông thì "Bà" càng phải thiêng. Và nếu Bà Chúa Xứ không còn hợp thời trang nữa thì anh có thể đổi danh hiệu thành Bà Ngũ Hành, Cửu thiên huyền Nữ, hay là cô... cậu... nào đó.
Nước đời lắm nỗi, chúng ta chỉ có thể đoan chắc một điều là... giữa lớp danh vọng hư huyễn phù hoa đó, anh chàng Bu sẽ chết lần chết mòn. Thể xác mệt mỏi tinh thần điên đảo... Nếu trò chơi cứ tiếp tục thì chung cuộc anh sẽ vào nhà thương dành cho bệnh tâm thần.
Em thân mến!
Câu chuyện trên đây tôi đã đau xót viết cho riêng mình, nói với em cũng có nghĩa là tôi độc thoại một mình. Vì tôi không tin tưởng rằng có một cuộc đối thoại thực sự cảm thông khi chúng ta mỗi người còn đang ngóng về một hướng, mải miết đuổi bắt những lý tưởng tận đâu đâu... Tôi chỉ muốn hỏi em đã có lúc nào em thấy mình giống hệt anh Bu trên đây không?
Riêng tôi, tôi còn nhớ rất rõ ràng thuở bé tôi rất là hồn nhiên, không nhớ mình là trai hay gái, đẹp hay xấu, giàu hay nghèo, giỏi hay dở gì hết. Tôi sống thoải mái và vô tư như một chú gà con thì bỗng nhiên, dần dần tôi nghe người chung quanh nhận xét rằng tôi không đẹp bằng chị tôi, không giàu bằng nhà hàng xóm, không giỏi bằng bạn bè chung quanh... và cũng dần dần từ đó, tôi bắt đầu cảm thấy thống khổ kịch liệt khi thấy sao mà mình tầm thường quá đỗi... Không có một sở trường gì để tự "lăng xê" mình, làm nổi bật mình lên trước bàng dân thiên hạ. Rất nhiều đêm tôi niệm danh hiệu Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát cầu mong sao cho mình được đẹp, được sang, được giỏi hơn thiên hạ. Mặt khác tôi cố gắng thức khuya dậy sớm bỏ ngủ quên ăn để học cho bằng bạn bè, những người hơn tôi cả tài lẫn sắc... để ít ra mình cũng chứng tỏ được cái khả năng của mình, rằng mình không phải là con số 0.
Em ạ!
Ðó chỉ là một thí dụ, một phần rất nhỏ trong cuộc đời đa thủ phức tạp của chúng ta. Ðiều khổ tâm nhất của chúng ta hằng ngày không phải là chuyện sanh, già, bệnh, chết, vì đó là một lý đương nhiên, không ai tránh khỏi, chúng ta thường khốn khổ, bứt rứt vì cái bản ngã của mình, sao mà mình nhỏ nhoi tầm thường quá, không có tí ti nào khả ái, khá kính dưới mắt ta và người chung quanh hết. Những lúc đối mặt với chính mình, ta phải cay đắng mà nhận chân rằng ta chỉ là một nhân vật quá mức tầm thường, một con số 0 to tướng. Thế là anh chàng Bu trong ta bắt đầu tham gia vào trò "lên đồng." Từ con số 0 tùy theo cơ hội, hoàn cảnh và nhu cầu của người ái mộ chung quanh mà chúng ta sẽ thành một cái gì đó... Mỗi người đội một danh hiệu khác nhau nhưng cùng giống nhau ở một điểm là - chối bỏ con người tầm thường chân thật của mình để sống dưới lớp áo của những nhân vật rất mực phù hoa và giả dối... và em ơi! Một điều kỳ thú là chỗ chúng ta lẫn trốn sợ hãi, lại chính là chỗ mà các thiền sư đại ngộ. Lục Tổ há chẳng xác định một cách hùng hồn rằng: "Bản lai vô nhất vật" đó sao? Dưới bất cứ lớp áo nào và nhãn hiệu nào, em và tôi đều phải công nhận rằng, trong những giây phút chiếu soi nhìn lại mình, ta thấy mình quả là "vô nhất vật", nghĩa là "ta không là gì cả, ta không phải là Bà Chúa Xứ, Bà Ngũ Hành, cô cậu... gì hết. Không là gì hết... nhưng ta vẫn thấy nghe hiểu biết rất rõ ràng, cái khả năng "kiến văn giác tri" ấy chúng ta đều bình đẳng như nhau. Ðây chính là Lục Tổ nói: "Ðâu ngờ tánh mình bản lai thanh tịnh, đâu ngờ tánh mình vốn tự đầy đủ cả v.v... đó em!"
Khi anh chàng Bu không còn lên đồng nữa, không còn là ông kia bà nọ thì không phải là anh ta chết, anh ta chỉ mất - mất hết những cái gì giả dối không phải là mình thôi.
Nếu em thấy rằng "bà đồng" của mình hãy còn thiêng lắm, và thà rằng em đội lốt, mang mặt nạ, chìu theo thị hiếu của bàng dân thiên hạ, để được thờ phụng tung hô... và được vô vàn quyền lợi phụ tùng khác, thì em cứ tiếp tục. Không có ai, sẽ không có ai dám lên án, chỉ trích hay cười cợt em đâu... Vì lên án Bà Ðồng cũng có nghĩa là lên án luôn đám quần chúng đang ái mộ, và ai mà dại gì đứng ra chọc giận thiên hạ nhiều như thế. Em có thể yên tâm mà tiếp tục...
Nhưng... nếu như có hôm nào, quá mệt mỏi với cái trò chơi xốc nổi ấy, mặt nhìn tận mặt, soi lại lòng mình giữa cảnh hoang tàn của trà ôi, rượu nhạt, hoa héo, hương phai, nhìn thấy người chung quanh cũng chán chường mệt mỏi không kém mình... thì, em hãy thử một lần, làm sống lại con người năm xưa của chính mình, của anh chàng Bu khuân vác thử xem. Ðiều này đòi hỏi nơi em rất nhiều can đảm và hy sinh, vì em sẽ mất hết uy danh, quyền lợi, mất hết những người ái mộ cung nghinh, em sẽ bị xem thường, khinh rẽ... Em phải hy sinh hết vàng son, phấn sáp, danh lợi cùng uy quyền để đi may thuê cuốc mướn, phải đổ mồ hôi nước mắt mới có miếng ăn.
Thế nhân thường đi tìm sự thực, nhưng sự thực lại quá ư phũ phàng không giống như ta hằng mơ tưởng... nên... thà rằng, cứ nhắm tít mắt lại để còn có một thế giới hoa mộng, huyền ảo, mê ly.
Câu chuyện này xin dừng lại nơi đây, vì tôi bất chợt nhận ra rằng, dường như tôi đang lên một cơn đồng xuất sắc hơn, hợp thời trang hơn... bà đồng thường, đôi khi ta ngỡ rằng mình đã thức dậy, đi ra khỏi cơn mơ, nhưng sau đó thật lâu, ta mới vỡ lẽ ra rằng mình chỉ thay đổi tình tiết của giấc mơ mà thôi và điều mà ta thấy mình đang lên đồng thật xuất sắc là... khi có một hành động nào đó của ta được nhiều người vỗ tay tán tụng, khi mà từ cái Không, ta trở thành Có, và cái Có này, ngày càng bành trướng nảy nở ra. Chính những tràng pháo tay đã báo hại chúng ta không ít, nó xui ta cứ tiếp tục... chiêm bao, để được khen hoài khen mãi, em có thấy như vậy không? Hèn chi mà trong kinh Duy Ma Cật, Bồ Tát khuyên ta cứ làm đi, làm mọi việc để lợi mình và lợi người, nhưng phải làm sao để cả "Tam luân" đều không tịch, nghĩa là không thấy có mình, có người và có pháp nữa, chỉ đem thân huyễn làm việc huyễn(dĩ huyễn thân tác huyễn sự) mà thôi. Các Ngài khôn quá phải không?

Ði Trắng Về Ðen

Xưa, có anh chàng thanh niên, đến nhà bạn chơi, lúc về gặp trời mưa ướt hết quần áo, chàng phải mượn y phục của bạn mặc rồi ra về.
Thấy chủ về con chó đã không mừng mà còn chạy ra cắn sủa ầm ỉ. Chàng trai tức giận cầm gậy định đánh chó, thời cha anh ta can:
- Ấy chớ! Không phải lỗi của nó đâu. Nếu con chó nhà ta đi đâu về màu lông trắng hóa thành đen thì con có đánh đuổi nó không đả?
Em thân mến!
Chỉ trách người thay đổi mà không thấy sự thay đổi của mình là một trong những chuyện thường xảy ra ở cái trần gian điên đảo này. Có lẽ vì vậy mà cổ nhân đã để lại cho ta một lời khuyên thật khôn ngoan:
"Trách người một trách ta mười
Bởi ta tệ trước nên người bạc sau."

Khi Người Ðẹp Trả Thù

Mạn La Hoa là cô gái đẹp nhất của kinh thành U Du. Vừa đẹp đẽ lại vừa giàu sang thuộc dòng danh giá vọng tộc nên cô được không biết bao nhiêu Vương tôn công tử gấm ghé cầu hôn. Cha mẹ cô thuộc dòng dõi danh giá vọng tộc và rất giỏi nghề tướng số. Như bao nhiêu đấng sanh thành khác, song thân của Mạn La Hoa rất lấy làm hãnh diện về cô con gái cưng của mình. Họ nhất định phải chọn cho được chàng trai nào có đầy đủ 32 tướng tốt, bất kể giàu nghèo để gả con gái cho.
Khi ấy đức Thế Tôn của ta mới ngoài 30 tuổi. Trên đường hoằng pháp Ngài đi ngang qua kinh thành U Da. Nhác trông thấy từ dung của Ðức Ðạo Sư, thân phụ cô Mạn La Hoa đã giật mình sửng sốt. Ðây quả là chàng rể đông sàng mà ông bà thầm ao ước. Nhìn tới ngắm lui thấy Ngài quả thật hết chỗ chê, ông Bà la môn thân phụ của Mạn La Hoa liền bước tới ngõ lời:
- Này cậu sa môn! Không nói giấu gì cậu, già đây cũng là người có chút đỉnh danh vọng ở vùng này, già hiếm hoi chỉ được một gái, tuổi vừa đôi tám, bộ dạng cũng huê mỹ mặn mà... không biết bao nhiêu người đã gấm ghé cầu hôn mà già đây chưa nhận lời. Bữa nay chợt gặp cậu đây, già liền sanh lòng yêu mến. Vậy, cậu hãy chịu khó đứng đây, già về dắt má bày trẻ đến bàn chuyện.. và đem quần áo tốt cho cậu thay đổi rồi về gia trang của già.
Ðức Thế Tôn làm thinh không đáp.
Ông Bà la môn hối hả chạy về nhà, gọi vợ:
- Này má nó ơi! Hỷ tín! Chàng rể nhà ta đã đến rồi.
Bà vợ tất tả chạy ra, ông liền thuật lại tự sự rồi dắt vợ đi tìm Ðức Thế Tôn.
Lúc bấy giờ Ðức Thế Tôn đang ngồi thọ thực dưới bóng mát của một tàng cây. Ông lão sốt ruột lẩm bẩm:
- Ủa! Ðâu rồi cà... Rõ ràng là tôi dặn y đứng chờ, y làm thinh có mòi chịu lắm mà!
- Hồi nãy, ba nó gặp ở chỗ nào?
- Thì ngay đây nè! Ðó... dấu chân y còn in rõ nơi đây... má nó thấy không? Bàn chân này có một không hai trên đời này...
- Ông à! Sao tui thấy dấu chân này lạ quá...
- Thì tui đã nói với bà rồi, còn lạ lùng gì nữa... Y đẹp trai số dzách, tướng hảo vô song, xứng đôi vừa lứa với con Hoa nhà mình lắm.
- Ông à... tui thấy không ổn rồi...
- Sao? Bà thấy cái giống gì mà không ổn?
- Cái dấu chân này có vần thiên luân... chứng tỏ người này đã dứt lòng dục nhiễm rồi.. Hạng này không chịu lập gia đình đâu ông.
- Thôi đi bà ở đó mà tướng với số. Y đã bằng lòng rồi mà. Kia kìa! Y đang ngồi dưới tàng cây kia.
Hai ông bà liền đến gặp Phật nhắc lại chuyện trăm năm. Ðức Thế Tôn liền tùy cơ nói pháp, sau thời pháp cả hai ông bà đều đắc quả Tu Ðà Hoàn, xin quy y làm đệ tử tục gia của Phật.
Trong khi ấy, Mạn La Hoa ở nhà trang điễm kỹ lưỡng theo lời cha mẹ dặn dò, hồi hộp chờ đợi vị hôn phu thì con hầu gái đã tất tả chạy về mách lẻo trước.
- Tiểu thơ ơi! Tiểu thơ.
- Cái gì?
- Dạ... dạ hỏng rồi!
- Cái gì hỏng? Cá khô hay là cơm khét?
- Dạ... hỏng phải chuyện đó...
- Chứ chuyện gì?
- Dạ... chuyện trăm năm của tiểu thơ đó...
- A! Con bé này láo thật, mi dám xen vào chuyện của chủ nhân à?
Cô hầu gái, bị rầy, tiu nghỉu:
- Xin tiểu thơ tha lỗi cho... từ rày về sao con không dám thế nữa...
- Ðược rồi lần đầu cô tha cho... lần sao thì phải đòn đấy. Mà này, em biết gì... nói cô nghe thử...
- Dạ... dạ cái ông sa môn đó, tuy có đẹp trai thật nhưng mà khinh người số một. Con núp đàng sau cội cây nghe ổng đối đáp với lão gia rõ mồn một... ổng chê rằng... nhưng ... con không dám nói đâu...
- Em cứ nói, cô cho phép...
- Thưa tiểu thư, ổng bảo rằng thân thể của tiểu thư bẩn thỉu, hôi thíu lắm...
Mạn La Hoa tái mặt, lần đầu tiên cô mới nghe một lời phẩm bình về cô quá khó nghe như thế. Con hầu gái vẫn thản nhiên nói:
- Ổng nói là: Cô con gái của hai ông bà chỉ có thể mê hoặc những tên đàn ông ngu ngốc thôi... ổng nói là... cơ thể của cô ngày đêm rỉ chảy đủ thứ đồ ô uế như đàm dãi, phân tiểu... Là lúc ổng tu hành ở trong rừng, mấy bà tiên ở trên trời xuống đòi làm hầu thiếp mà ổng còn hỏng thèm... Là, cái thể xác của tiểu thư, cho ổng đụng tới bằng ngón chân, ổng cũng không thèm là...
Quá sức chịu đựng, Mạn La Hoa ném ngay lọ hoa xuống đất, hét:
- Im ngay! Im ngay! Ta cấm mi không được lập lại những lời này với một kẻ thứ hai nào hết... Nếu trái lời, đừng trách ta độc ác... Nghe rõ chưa?
- Dạ rõ!
Thấy nữ chủ nổi trận lôi đình, con hầu gái vội vàng lẩn mất. Mạn La Hoa nằm vật xuống giường òa lên khóc nức nỡ.
Hồi lâu, cô hậm hực nhìn về phía Ðức Thế Tôn đang ngự, chỉ tay gằn giọng:
- Này ông sa môn ngạo mạn kia hãy mở con mắt chống lỗ tai lên mà xem Mạn La Hoa này, ông phải trả giá cho những lời nói hỗn xược của ông... Làm như ta đây là thứ ế ẩm để dành bán sol... không bằng.
Với chủ tâm trả thù Phật, ngày hôm sau Mạn La Hoa cho bắn tin với đại vương thành U Du rằng cô đã bằng lòng. Một tuần sau cô trở thành hoàng phi của vua U Du, đệ nhất phu nhân của vùng Kosambi.
Nhiều năm trôi qua, ngày mà hoàng phi Mạn La Hoa chờ đợi đã đến, đức Phật cùng A Nan du hóa qua vùng Kosambi. Những tay chửi lộn mướn chua ngoa nhất của kinh thành đều được tu tập lại... để đón chào đấng Ðạo Sư. Ngài điềm nhiên đi qua những con đường vang rền các âm thanh thô tục như không có chuyện gì xảy ra. Riêng tôn giả A Nan, tối mặt tối mũi trước những âm thanh kỳ quái ấy, bèn bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn... chúng ta đi về thôi...
- Về đâu? Hỡi A Nan...
- Thưa... đi đến một thành phố khác như thành Ðề Xá chẳng hạn.
- Nhỡ nơi ấy cư dân lại đón tiếp thầy trò y hệt nơi đây thì ông tính sao?
- Thưa, chúng ta sẽ đi qua thành Hoa Thị...
- Và nếu tình trạng của thành Hoa Thị lại tương tự như đây thì ông tính sao?
- Bạch Thế Tôn... chúng ta sẽ đi và sẽ đến những nơi nào mà người ta không bạc đãi mình như thành Vương Xá, thành Tỳ Xá Ly chẳng hạn.
- Này A Nan! Tại sao cư dân các thành phố đó lại ưu ái và ân cần với thầy trò mình?
- Thưa... vì họ đã nghe pháp, hiểu pháp, đã có trí huệ để biết đâu là hành động lành, đâu là hành động dữ... nên rất khát khao được chiêm ngưỡng Ðức Thế Tôn.
- Và này A Nan! Còn cư dân vùng này tại sao lại đón tiếp thầy trò mình kiểu này?
- Bạch Thế Tôn, vì họ chưa hề biết đến Phật pháp, chưa phân biệt rõ đâu là nghiệp lành hay nghiệp dữ nên họ mới hành động như thế.
- Này A Nan! Ví như có một vị đại lương y tài giỏi, thương bệnh nhân như con đẻ. Vị lương y này có bao giờ dán bố cáo trước cổng rằng:
"Nơi đây bổn hiệu chỉ nhận chữa bệnh cho người lành mạnh hoặc ít bệnh. Còn ai đau nặng thì xin miễn tiếp" hay không?
- Bạch Thế Tôn! Không bao giờ, vì thấy thuốc hay cần cho người bệnh nặng chứ không phải dành riêng cho người khoẻ mạnh.
- Này A Nan, cũng thế, Như Lai ra đời là vì lợi ích cho những chúng sanh si ám chưa phân biệt rõ thiện và ác, chuyên tạo nghiệp dữ để chiêu vời những quả khổ trong ba đường ác. Những người bệnh nặng cần lương y như thế nào thì cư dân nơi đây cũng cần đến sự hiện diện của Như Lai như thế đó. Cư dân của các thành Tỳ Xá Ly cùng Vương Xá giống như những người khoẻ mạnh hay ít bệnh, các đệ tử Như Lai hiện diện nơi đó cũng đủ rồi, còn nơi đây nếu Như Lai không đích thân giáo hóa thì còn ai dám đến nữa hở A Nan?
- Nhưng bạch Thế Tôn ở đây có ai thèm nghe Thế Tôn nói Thế pháp đâu? Họ đã đón tiếp Thế Tôn bằng những gì thối tha bẩn thỉu nhất. Những người bệnh nặng cả mà không cần thầy thuốc thì dù lương y có sẵn lòng từ tâm cũng chỉ luống công vô ích mà thôi.
- Này A Nan! Một người bị bệnh nặng, thân lẫn tâm bị xúc não, thống khổ... không thể nào có những tâm niệm, ngôn ngữ và hành vi như một người bình thường được. Vị lương y phải tận tâm hành nghề không xao xuyến vì lời nói và cử chỉ bất nhã của bệnh nhân, cho đến bao giờ, thấy rằng cư dân vùng này thật sự không còn cần đến Như Lai nữa, Như Lai sẽ đi ngay.
Ngay lúc ấy tên chúa trùm du đãng, thủ lãnh các tay anh chị chửi lộn mướn, liền bước ra nói:
- Thưa sa môn Cồ Ðàm! Con xin đại diện cho cư dân vùng này nói chung, và toàn thể anh chị em chửi lộn mướn chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư nói riêng, xin được ngỏ lời xin lỗi Ngài cùng ông thầy đây. Qua câu chuyện đối đáp giữa thầy trò của Ngài chúng con vô cùng hối hận... Vậy xin Ngài Cồ Ðàm đừng giận, mà hãy ở lại đây để dạy dỗ chúng con, những bệnh nhân đang hấp hối.
Một tuần lễ sau dân chúng thành U Du lại cư xử với đấng đạo sư hệt như cư dân thành Vương Xá, thành Tỳ Xá Ly.
Ngày đức đạo sư cùng tôn giả A Nan lên đường đi du hóa nơi khác dân chúng lũ lượt kéo nhau đi tiễn đưa, rải hoa và khóc than rất là bi thiết.
Tất cả những sự kiện ấy đều đến tai hoảng phi Mạn La Hoa, bà hoàng này không biết làm gì hơn là trút cơn giận vào những thái giám và thị nữ dưới tay mình.
Em thân mến!
Tất cả mọi chúng sanh đều có Phật tánh, đầy đủ trí huệ như Phật không khác... nhưng có lẽ điểm khác nhau rõ rệt giữa Ngài và chúng ta là:: Ðức Thế Tôn chuyển nghịch thành thuận không nề gian khổ trong chuyện độ sanh... còn chúng ta hàng đệ tử Phật – thì gặp phải nghịch cảnh thì vừa chạy vừa khóc, thối thất tâm bồ đề.
Có lần Ðức Thế Tôn đã dạy Sa di La Hầu La như thế này: "Nếu con đòi rằng, mỗi lần đi đến đâu chúng sanh phải trải chiếu bông để đón chân con, để con khỏi dẫm lên gai góc... thì điều đó thật là khó thực hiện... Vì làm sao người ta có thể tìm ra đủ số chiếu để làm vừa lòng con? Chi bằng hãy mang một đôi giày vào chân thì tha hồ mà xông bờ lướt bụi."
Ðôi giày này tức là đức nhẫn nhục đó em ơi! Bọn mình có thể thêu câu này vào chiếc khăn tay (thường được dùng để quẹt nước mắt và hỉ mũi) hay không, hở nhỏ?

Chim Cú Mèo

Xưa có con chim Cú mèo làm tổ chung trên một cây với chim Gáy.
Một hôm Cú mèo đến từ giã chim Gáy để dọn đi nơi khác, Gáy ngạc nhiên hỏi:
- Bác đi đâu thế?
- Tôi dời nhà sang phương Tây.
- Sao thế? Có việc gì làm trở ngại cho bác? Tôi trông nơi đây sinh sống dễ dàng, mát mẻ, sao bác lại bỏ đi?
Cú mèo buồn rầu đáp:
- Dân cư vùng này không ưa tôi.
Chim Gáy dịu dàng bảo:
- Này bác ạ! Chỗ thân tình với nhau tôi nói cho bác nghe... sở dĩ người ta không ưa bác là vì tiếng kêu của bác. Nếu sang phương Tây bác cũng kêu như thế thì người ta cũng ghét bác thôi... Chi bằng bác đổi tiếng kêu thì đông tây gì cũng tốt như nhau, chẳng ai ghét bác nữa đâu mà sợ.
Cú mèo nghe nói, giận dữ bỏ đi đến miền Tây ở. Ðúng như lời tiên đoán của chim Gáy, dân chúng miền Tây cũng ghét bỏ nó, Cú mèo đâm ra hận đời, nhất định đi vào thâm sơn cùng cốc, lánh xa loài người, loài vật, mặt trời, mặt trăng...
Em thân mến!
Ðổi chỗ ở bao giờ cũng dễ dàng hơn sửa đổi một số tật của mình, phản ứng nhất thời của chúng ta mỗi khi gặp trở ngại, bị bạc đãi là giận dữ bỏ đi. Ta chỉ muốn giữ lại mối tương giao nào mà cái huyễn ngã của chúng ta được ái mộ chìu chuộng vuốt ve, những hành động của ta được tung hô vạn tuế... Bằng ngược lại, ta hờn, ta dỗi, ta hận đời đen bạc, than rằng sao người ta không hiểu mình, rằng sao mà mình cô đơn quá v.v...
Vậy thì nên đổi cảnh hay đổi tâm đây? Em có để ý rằng chư vị Bồ Tát dù ở địa ngục mà vẫn hỷ lạc như cảnh trời đệ tam thiền, còn chúng ta ở giữa cảnh đời này trăng thanh gió mát, hoa thắm lá xanh, bụng no thân ấm mà vẫn muộn phiền khôn nguôi chăng?
Và có lẽ cứ mang cái mạng mộc của mình đi lang thang từ nơi này sang nơi khác, dù gặp được những chốn thong dong như cõi Cực lạc của Ðức Phật A Di Ðà đi nữa, chúng ta cũng chỉ tự làm phiền mình và các chúng sanh lân cận mà thôi. Em nghĩ sao?

Người Trong Mộng

Xưa, có một anh chàng họa sĩ tài ba đẹp trai nhưng phải cái tội nghèo.
Một hôm thừa hứng, chàng họa nên một bức tranh giai nhân tuyệt đẹp. Chàng họa sĩ say sưa ngắm nhìn người trong tranh, tô lục chuốt hồng vào, càng nhìn càng thêm ngơ ngẩn...
Nhìn tới ngắm lui, lâu ngày chày tháng họa sĩ đâm ra si tình người trong tranh... Suốt ngày chàng chỉ lẩn quẩn bên tranh để tỏ tình, quên cả ăn ngủ và làm việc để kiếm tiền mua gạo.
Tình trạng càng ngày càng bế tắc, sợ chàng họa sĩ chết mòn vì đói, song thân chàng tìm cách cho chàng một người vợ, nhưng khốn nỗi... Làm sao tìm cho được người trong mộng cho chàng họa sĩ tài ba này đây?
PC: Xin hỏi nhỏ: Khi chúng ta cảm thấy yêu (hay ghét) một người nào, là chúng ta yêu ngay đương sự hay là vớ nhằm một cái bóng do chính mình họa nên về nhân vật đó. Thưa chư hiền hữu!
Và trong tình trạng này thì phải "làm sao để giết được người trong mộng đây?"

Nắm Tay Không

Bé Xí rất khoái ăn bánh kẹo.
Một hôm, má đi chợ vắng, hũ bánh lại ở ngay tầm tay còn gì bằng, Xí thò tay bốc ngay một nắm thật to. Nhưng eo ôi! Sao hũ bánh níu chặt lấy tay bé... dùng hết sức bình sanh mà bé lôi bánh ra cũng không được... cả con nô cũng bó tay. Xí đành khóc đợi mẹ về.
Lúc mẹ về, mẹ chỉ cần bảo: "Con thả nắm bánh ra." Cái tay không có nắm bánh nào, chui ra khỏi hũ một cách dễ ợt! Sao lạ vậy?
Hèn chi có người làm thơ rằng: "Thà không nắm bắt còn hơn buộc ràng." Nhưng ai buộc ai đây?

Lợi Danh

Lão tử tuy nghèo khổ, có khi phải đói khát nhưng lại là một bậc hiền nhân của nước Trịnh. Vua Trịnh sai người chở đến cho Liệt Tử mấy chục xe thóc, ông chắp tay bái dài không nhận. Bà vợ Liệt Tử đấm ngực than, ông bảo:
- Vua mà thương ta không do chỗ thâm tình mà nhờ người mách lẻo. Vì thế mà ta không nhận lộc. Vả chăng nếu chịu bổng lộc của người gặp lúc người hoạn nạn mà mình không liều chết để giúp kẻ vô đạo thì thuộc loại bất nhân. Vì vậy mà ta không nhận. Thôi! Má bầy trẻ đừng có làm phiền ta nữa. Lời bàn
Kiếm được chút đỉnh lợi danh không phải là chuyện dễ. Ðược lợi thì mất danh, có danh thì hết lợi.

Tình Nghĩa

Xưa, nước Tề đem quân đi đánh nước Lỗ. Vừa đến biên giới, quân Tề thấy một người đàn bà nước Lỗ tay bồng tay dắt hai đứa bé đi lánh nạn.
Tướng quân giặc kéo đến, người thiếu phụ vội bỏ đứa bé đang bồng trên tay xuống, bế đứa kia chạy trốn. Ðứa bé bị bỏ rơi chạy theo kêu khóc, người thiếu phụ vẫn không ngoảnh lại.
Tướng quân nước Tề cho bắt người thiếu phụ lại hỏi:
- Ðứa bé chị đang bế là con ai? Ðứa chạy theo là con ai?
Thiếu phụ thưa:
- Ðứa tôi bế là con người anh tôi, đứa tôi bỏ lại là con ruột tôi. Sức tôi không thể nào bảo toàn cả hai đứa nên đành bỏ nó lại.
Tướng giặc ngạc nhiên hỏi:
- Phụ tử tình thâm, sao chị nỡ bỏ con mình để giữ lấy con của người?
Thiếu phụ đáp:
- Con tôi là tình riêng, con anh tôi là nghĩa công... Bỏ con đẻ tuy đau lòng quặn ruột thật, nhưng tôi không thể "bất nghĩa" mà sống được... Và con tôi, có lẽ cũng không muốn có một người mẹ vô nghĩa như thế.
Tướng quân nước Tề bèn tâu với vua xin bãi binh. Vì một người đàn bà ở vùng biên địa còn giữ gìn được như thế huống là các hàng sĩ phu. Vua Tề đồng ý.
Vua nước Lỗ biết chuyện, thưởng cho thiếu phụ 100 tấm lụa và phong cho hai chữ: "Nghĩa Cô"

Vậy Sao???

Thiền sư Hakuin là một tăng sĩ được cư dân quanh vùng ca tụng và kính trọng như một ông Phật sống.
Gần tịnh thất của sư có một thiếu nữ rất đẹp. Một hôm cha mẹ mỹ nhân chợt khám phá ra con mình có mang.
Qua biết bao là phiền phức, mỹ nhân thú thật rằng: thiền sư chính là người tình vụng trộm của mình. Bao nhiêu danh thơm tiếng tốt của sư đều đổ xuống bùn nhơ cả. Bà mẹ dẫn cô gái đến gặp thiền sư. Ðáp lại trận mưa ngôn ngữ thịnh nộ của khách, sư chỉ mở mắt hỏi:
- Vậy sao?
Khi đứa bé chào đời, nó được bà ngoại mang đến tịnh thất với những lời sỉ vả cay đắng kèm theo. Từ dạo đó cư dân thường thấy thiền sư đi trì bình với một đứa bé trên tay. Sư nuôi nấng đứa bé rất tử tế... Chú bé lớn lên rất bụ bẫm... chú tập bò, đứng và đi lẫm dẫm chung quanh chiếc thiền sàng của sư. Chỉ khi nào chú bé ngủ say, sư mới đi tọa thiền được.
Hơn một năm sau, mỹ nhân thú thật rằng: cha chú bé không phải thiền sư Hakuin.
Sau bao nhiêu lời sám hối dài dòng và phiền toái, thiền sư trao chú bé lại cho bà ngoại chú, cũng với hai tiếng "Vậy sao?"
Ngôi tịnh thất im lìm trở lại, vắng bặt tiếng u ơ của trẻ thơ và thiền sư khi đi trì bình chỉ còn vỏn vẹn cái bình bát.
Cư dân lại ca tụng và kính trọng sư như một ông Phật sống.
Lời bàn:
Có muốn bắt chước theo... cũng khó.

Cầu Ðược Ước Thấy

Xưa, có một chúng sanh đang chịu quả khổ ở địa ngục. Trong cơn đau tận mạng y niệm Phật luôn miệng, van:
"Xin Ngài cứu con thoát khỏi cái chảo dầu sôi này. Làm thân ngạ quỷ cho đỡ khổ hơn..."
Bụt và Diêm vương nghe van mủi lòng, bèn cho y được như nguyện.
Làm ngạ quỷ được vài hôm, y lại kỳ kèo:
"Xin Ngài làm phúc cho con được làm thân súc sanh, một con chó... cũng được, chứ làm ngạ quỷ... khổ quá trời ơi!
Y liền được mang thân một con chó tên là Nô. Nô lại than van:
"Hỡi ơi! Thân chó nào có sướng ức gì... ước chi con được thân người... Gâu... gâu... gâu!
Nô liền được như nguyện... mang thân một chị đàn bà xấu xí, bán ve chai sống qua ngày. Chị ve chai lại rên rỉ:
"Trời Phật ơi! Khổ thân tôi xấu xí thế này sống chi thêm cho nhục... ước chi tôi dễ coi một chút để kiếm một ông chồng mà nương tấm thân liễu yếu. Hu, hu!
Chị ve chai lại biến thành một thiếu nữ khá mặn mà... Và có vô số anh hùng rấp ranh bắn sẻ. Sau mấy năm kén cá chọn canh, treo cao giá ngọc, chị lên xe hoa với một người trong mộng. Mười năm sau chị lại than thở:
"Trời ơi, chồng với con ước gì tôi được như thời con gái, không có cả đống phụ tùng rắc rối, tui sẽ cạo đầu vô chùa tu quách. Ư hự!
Cầu được ước thấy, chị thành một tu sĩ.
Người ta lại nghe sư cô này than van:
- Ư hự! Phải chi mình được "sinh phùng trung quốc, hội ngộ minh sư" (sinh ra gặp chốn may mắn, gặp thầy sáng suốt dẫn dắt) thì tu mới không ngán, đàng này không ai chỉ dạy tu gì mà chỉ thấy phiền với não.
Sở cầu hợp pháp này được chuẩn y lập tức. Sư cô được gởi vào một Phật học ni viện, lần này các ni sinh bạn cô lại nghe kể lể:
"Học chi mà lắm thế. Học mà không tu thì như mang dãi sách, đói ăn mà không no... ước chi tôi được gặp một thiền sư, ở trong một thiền viện để vừa tu vừa học, tri thành hợp nhất... hi... hi...
Bụt liền giúp cô trở thành một thiền sinh trong một thiền viện "Bất tác bất thực." Thiền sinh này thường chống cuốc than thở:
"Chèn ơi! Quanh năm chỉ thấy cào bới với cuốc cày. Làm mãi không có thì giờ để tu. Ước gì tôi được nhập thất để giải quyết sinh tử, nhất đao đại hoạn, hừ hừ!
Bụt lại ra tay, một cái thất được dựng lên cấp tốc, một, hai, ba, bốn thí chủ hùn tiền giúp cô an tu. Ngồi bó rọ trong thất đương sự loay hoay tính toán:
- Phải chi có ai tu giùm, mình ké vô để thành Phật thì sướng biết mấy. Sư chưa kịp ao ước thì bỗng bắt được cái điện tín của Diêm vương gởi qua cái răng sâu... và cả tiếng thì thầm của bọn quỷ sứ dưới âm phủ:
- Tâu Diêm chúa, chảo dầu này hai đứa con chụm sắp sôi rồi, chừng nào Diêm chúa lôi cái tên đa sự đó về đây?
PC: Xin hãy đọc câu chuyện này giống như đọc một cuốn sách thuộc loại "khoa học giả tưởng."
Trân trọng!

Người Bốc Vác

Xưa, có hai thiền sinh có việc phải hạ sơn. Trên đường đi đôi bạn gặp một thiếu nữ xinh xắn ngồi buồn rầu bên vệ đường.
Chả là cô ta muốn đi ăn cỗ cho sáng sủa, mà lại bị một vũng bùn to ngang đường chẹn mất lối đi.
Vị thiền sinh trẻ tuổi nhất liền giúp cô ta qua đường. Sau lời cảm ơn đường ai nấy đi.
Buổi chiều vừa về đến cổng tu viện, vị thiền sinh lớn tuổi đã khều tay bạn hỏi một cách bực dọc:
- Này chú, tại sao hồi sáng chú dám cả gan bế một thiếu nữ xinh đẹp thế kia qua vũng bùn mà không sợ ô nhiễm đến giới thể ư?
Vị thiền sinh trẻ tuổi ngạc nhiên:
- Ơ hay! Em đã đặt cô nàng xuống bên kia vệ đường rồi cơ mà! Sao sư huynh còn cõng cô ta về tận nơi đây?
PC: Vác một cô nàng như thế từ sớm đến chiều thì kể cũng nặng thật.

Cô Lái Ðò

Xưa, có một thiền sinh có việc phải sang sông. Ngồi trên đò, sư cũng hơi kinh ngạc vì nhan sắc dễ coi của cô gái miền quê.
Ðến lúc lên đò, hành khách mỗi người phải trả một quan. Sư cũng định thế, không ngờ cô gái hóm hỉnh bảo:
- Xin thầy trả cho tôi hai quan.
Sư còn đang ngạc nhiên thì cô gái đã tiếp:
- Một quan tiền đi đò và một quan cho về khoản nhìn người lái.
Vốn không ưa tranh cãi lôi thôi, sư liền trả cô hai quan tiền nhưng trong bụng hơi tấm tức. Bận về sư cứ dí mũi xuống sàn thuyền không dám nhìn lên. Nào ngờ lần này cô lái bảo:
- Xin thầy cho em 5 quan.
Không nhịn được nữa, nhà sư cãi:
- Nhưng tôi có nhìn cô đâu nào?
Cô gái cười mĩm:
- Ðồng ý là thầy không nhìn tôi bằng mắt, nhưng thầy lại nhìn bằng tâm... Vì thế mà tôi tăng giá gấp đôi lên cơ chứ!
PC: Nếu mỗi móng tâm động niệm của chúng ta đều phải trả tiền kiểu này thì có lẽ chỉ còn nước đi ở đợ mới thanh toán nổi!

Kiếm Khách Lừng Danh

Xưa, có một chàng trai, con của một kiếm sư lừng danh. Dưới sự đào tạo của ông cha vô số kiếm khách đại tài xuất hiện. Nhưng điều lạ lùng là kiếm sư từ chối không truyền nghề cho con. Ðiều này khiến chàng trai rất buồn và cảm thấy lòng tự ái bị tổn thương.
Một hôm chàng bỏ nhà ra đi, tìm một kiếm sư lừng danh khác xin thọ giáo. Kiếm sư này lại từ chối y hệt như ông thân sinh của chàng:
- Chú không đủ tiêu chuẩn để học nghệ thuật này đâu!
Chàng trai đau khổ khẩn khoản:
- Kính bạch tôn sư... nhưng nếu con cố gắng chuyên cần nhất mực, thì sẽ mất bao nhiêu lâu mới đủ tiêu chuẩn để thành một kiếm khách?
- Cả cuộc đời còn lại của chú.
- Nhưng bạch tôn sư... con không chờ đợi lâu như vậy... con còn cho mẹ già phải phụng dưỡng. Con sẽ hiến thân làm một người giúp việc cho tôn sư và con không từ nan bất cứ một việc khó khăn nào... thì con phải mất bao lâu mới thành tài?
- Có lẽ khoảng 10 năm...
- Bạch tôn sư... thời gian ấy vẫn quá dài đối với con... Nếu chuyên cần hơn nữa, thì phải mất bao nhiêu lâu?
- Có lẽ... 30 năm.
- Bạch tôn sư! Người muốn đùa con chăng? Sao trước Ngài bảo con 10 năm, bây giờ lại tăng lên 30 năm? Con tha thiết học và sẽ không từ nan bất cứ trở ngại nào... Con xin tôn sư chiếu cố đến tấm chân tình của con... thâu bớt thời gian lại.
- Thôi được! Mi nóng nảy, bộp chộp quá. Ta giảm xuống 3 năm... Mi phải ở đây tối thiểu là 7 năm.
Chàng trai chợt hiểu ra khuyết điểm của mình là thiếu kiên nhẫn. Chàng vội vã kêu lên:
- Con đội ơn tôn sư vô cùng...
Từ đó chàng trai ở lại bên thầy, tận tụy lo cơm nước, rửa chén, quét nhà, làm vườn, đi chợ v.v...
Ba năm cực khổ trôi qua, kiếm sư vẫn chưa truyền cho chàng một bí quyết nào và chàng cũng không được sờ đến thanh kiếm. Một hôm, đang nấu cơm, thình lình chàng bị vị kiếm sư rón rén đến sau lưng và tặng cho một nhát kiếm gỗ vào mạng sườn đau điếng. Và từ đó lúc nào chàng cũng lưu ý đề phòng những cú đánh lén của thầy... dù là đang gánh nước, bửa củi, cuốc đất hay ngủ nghỉ. Chẳng bao lâu chàng trai trở thành một tay kiếm lừng danh, tên chàng là Matajuro.
PC: Nghệ thuật học thiền cũng học y như vậy đó. Người thiền sinh cũng phải làm những chuyện xem ra chẳng dính dáng gì đến thiền hết như nấu cơm, cuốc ruộng, trồng rau, tỉa lúa chẳng hạn...
Và cuộc đời là một ông thầy vô cùng tận tâm lúc nào cũng sẵn sàng đâm lén chúng ta bằng những thanh (kiếm gỗ) bát phong trí mạng. Hỡi ơi! Kiếm gỗ còn có thể đón được chứ bát phong thì dễ có mấy ai?

Ông Phật Mũi Ðen

Xưa, có một sư cô trên đường tìm giác ngộ sư cô có một tượng Phật bằng vàng y rất quý... đi đâu cũng mang theo bên mình, và đốt hương cúng hoa mỗi ngày.
Một hôm trên đường hành cước, sư phải tá túc chung với một hội chúng đông đảo. Và ông Phật vàng cũng phải ở chung với một đại chúng Phật đá, Phật đồng v.v...
Sư cô chỉ muốn xông hương trầm cho một mình ông Phật vàng thôi. Sau nhiều đêm suy nghĩ sư tìm ra một cách khiến hương trầm chỉ bay thẳng vào mũi ông Phật vàng, các ông Phật khác khó mà ngửi ké được.
Nửa tháng trôi qua... chiếc mũi được xông trầm hương của ông Phật vàng bỗng đen thui thủi!
PC: Ðược chúng sanh ái mộ chưa chắc là điều dễ thở...!

Sư Ðệ

Thiền sư Bankei có rất nhiều đệ tử đoanh vây để học pháp. Trong số đó có một chú đệ tử nhỏ thường hay ăn cắp vặt và đã bị bắt quả tang nhiều lần.
Thấy thiền sư cứ bỏ qua không đá động gì đến tội phạm, các sư huynh của chú tiểu phạm tội liền họp nhau làm một tờ đơn thỉnh nguyện, dâng lên sư phụ, dọa rằng họ sẽ bỏ ra đi tất cả nếu thiền sư còn làm ngơ không xử tội tên ăn cắp.
Ðọc xong tờ khiếu nại, thiền sư bèn họp chúng tuyên bố:
- Tốt lắm, cứ theo tờ thỉnh nguyện thư này thì các con đều là những người thông minh phân biệt rành rẽ về thiện và ác... các con có thể đi bất cứ nơi nào cũng xuôi chèo mát mái cả... Và thầy cũng không có gì để lo ngại. Duy có thằng đệ tử đáng thương này là chưa biện rõ tà chánh... Thầy có bổn phận phải dạy dỗ nó. Các con cứ lên đường, nó phải ở lại đây với thầy. Chú tiểu ăn cắp òa lên khóc... Và từ đó chú không bao giờ tái phạm lỗi cũ. Tất cả môn đồ đều xin ở lại, và họ sống bên thiền sư cho đến ngày khi người viên tịch.
PC: Tìm được một bậc thầy như thiền sư Bankei không phải là chuyện khó. Khó nhất là tìm người đệ tử biết hối cải như chú tiểu trên đây.

Thiền Trong Mọi Phút

Teno là một thiền sư vừa hạ sơn, sau 10 năm khổ luyện công phu, sư đến yết kiến thiền sư Nanin, một đại thiền sư nổi danh thời ấy.
Vừa gặp mặt Nanin đã hỏi:
- Lúc nãy nhà thầy bỏ chiếc dù bên phải hay bên trái đôi guốc trước khi vào thiền thất của ta?
Teno bối rối thú nhận rằng đã không nhớ rõ và đành ở lại xin thụ giáo với sư Nanin. Một lần khác Nanin lại hỏi:
- Khi nãy thầy bỏ dép trước khi vào thất thầy đã bỏ dép ở chân nào trước?
Teno cũng không thể trả lời được. Nhiều năm trôi qua Nanin vẫn không dạy dỗ gì thêm ngoài chuyện dù dép. Cho đến một hôm tự thấy mình đã hoàn toàn hành thiền được trong bốn oai nghi. Teno đến từ giã thầy ra đi. Nhưng lại thêm một lần rủi ro nữa. Thầy mở cửa hơi mạnh tay khiến nó vang lên một tiếng động nhỏ... điều này chứng tỏ thầy đã dụng một sức lực quá mức cần thiết... Teno lại phải ở bên thầy thêm vài năm để học về cách đóng cửa... Và sau 6 năm ở với Nanin, sư trở thành một thiền sư lừng danh của nước Nhật.
PC: Rốt cuộc cũng chỉ là chuyện dù với dép, tay với chân... Sao không là chuyện có chút gì là cao siêu huyền bí hết? Vậy mà Teno đã dám bỏ ra 6 năm dài để học những chuyện vặt vãnh ấy. Muốn bắt chước Teno còn khó hơn là bắt chước Tây Thi nhăn mặt nữa... Hỡi ai! Những điều mà chúng ta bỏ qua và khinh thường luôn luôn là những điều cổ nhân lưu ý nhất.

Ryonen

Ryonen là một thiếu nữ xuất thân từ một gia đình vương giả. Nàng được gia đình cho phép xuất gia vào năm 25 tuổi và hãy còn rất đẹp.
Sắc đẹp của Ryonen gây ra nhiều rắt rối không một thiền sư nào dám nhận nàng vào tu viện vì một lý do duy nhất là dung nhan của Ryonen sẽ gây xáo trộn cho đồ chúng họ.
Ryonen liền lấy cái bàn ủi nóng xóa đi cái chướng ngại cuối cùng ấy. Nàng đã viết lên tấm gương soi những dòng chữ đánh dấu sự thành công của mình:
"Ngày xưa ta đốt hương trầm
Ướp xông những chiếc quần hồng áo sa
Muốn làm khất sĩ ta bà
Chính tay ta đốt mặt hoa của mình."
Về sau, Ryonen trở thành một thiền sư đắc đạo.
Sư tịch vào năm 66 tuổi.
PC: Có vô số thiền sư ni, khỏi đốt mặt cũng không gây rắc rối cho ai ngoài chính mình.

Dòng Suối Trường Xuân

Xưa, có hai vợ chồng già yếu, hiền lương nhưng không có con cháu cấp dưỡng nên vẫn phải làm việc lam lũ.
Một hôm sau khi cuốc đất ông cụ than thở:
- Ước chi mình được khoẻ mạnh như thời trai tráng thì dù có vất vả mấy cũng không ngán... đàng này...
Nghe lời cụ than thở, bụt hiện ra bảo:
- Ta có thể giúp con thực hiện lời mong ước giản dị đó. Cách đây 5 dặm về hướng Ðông, có một dòng suối nhỏ. Ngày mai con xuống đó tắm sẽ cải lão hoàn đồng trở lại.. như ý con muốn.
Ông cụ mừng rỡ ra về, giữ kín chuyện và sáng hôm sau tất tả đi tìm dòng suối mầu nhiệm nọ. Quả nhiên là kỳ diệu. Vừa ngâm mình vào làn nước, cụ đã cảm thấy trong người dâng lên một sức sống kỳ diệu... Cụ thấy số tuổi mình giảm dần... từ 60 xuống đến 50 rồi 40... 30 cho đến lúc vừa trở thành một thanh niên 25 tuổi thì cụ già... (í quên)... chàng thanh niên chứ, bước lên bờ tự nhũ:
- Bây giờ mình đã đủ sức cầm một chiếc rìu rồi... phải về nhà báo tin cho bà nó mới được.
Lại đến lượt cụ bà tất tả chống gậy ra đi... giòng suối vẫn còn đó và sự mầu nhiệm lại tái diễn...
Từ số 70, bà cụ dần dần thục lui đến 60, 50, 40, 30 rồi 25. Ðáng lẽ phải bước ngay lên bờ như lời đấng phu quân căn dặn.. bà cụ... (í quên)... cô nàng lại ngẫm nghĩ:
- Dễ gì dịp may trở lại hai lần... mình là đàn bà thế nào cũng mau già hơn đàn ông... phải tắm thêm chút nữa đã. Dòng suối vẫn còn mầu nhiệm một cách vô hình, người thiếu phụ bước sang tuổi 20, rồi 19, 18, 17...
Buổi chiều chàng trai đợi mãi không thấy vợ về... nóng ruột... đi tìm, đến bờ suối chàng gặp phải một bé gái... và chỉ còn biết thở dài bế nó về nhà.
PC: Lo ra, lo xa và nhanh nhảu đoản là một trong những sở trường của phe ta ấy mà!

Ảo Ảnh

Thuở xưa có một vị hoàng tử chào đời trong niềm vui mừng của nhà vua, hoàng hậu và thần dân cả nước. Nhưng không may cho cậu bé, hoàng hậu mất đi rất sớm, bà mẹ kế muốn dành ngai vàng cho con trai mình nên âm mưu cho bộ hạ mang hoàng tử vào rừng giết đi.
Vị thái giám mang chú bé vào rừng nhưng không nỡ xuống tay, đành giao đứa bé ngây thơ lại cho một bọn thợ săn sống nơi triền núi. Chú bé lớn lên vô tư như một cây xanh dưới nắng và gió... hoàn toàn không hay biết gì đến nguồn gốc vương giả của mình.
Thời gian trôi qua, chẳng bao lâu chú bé trở thành một thanh niên cường tráng... Chàng trai vẫn vô tư sống giữa đoàn thợ săn như một cội tùng non xanh tâm tư hoàn toàn thoải mái như thú rừng. Chàng không hề biết đến những ai khổ lụy của những con người phố thị. Cho đến một hôm người trưởng đoàn thợ săn cho phép chàng theo ông ta xuống núi.
Những bước chân vô tư của chàng hoàng tử có cội nguồn vương giả này thản nhiên đặt chân trên những nẽo đường của đế đô nơi mà trước kia dân chúng đã đặt hương án chào mừng ngày sinh của chàng.
Chàng trai vô cùng kinh ngạc về sự xa xỉ của dân phố thị, chàng không hiểu tại sao thế nhân lại có thể chìm đắm cười khóc theo những trò đời, mà theo chàng nhận xét có vẻ ấu trĩ và điên rồ khôn tả.
Sau hai tháng rong chơi ở thành phố, thấy mãn nhãn những màu sắc vinh hoa phú quý của trần đời, chàng theo người trưởng đoàn trở về, lòng không vương một hạt bụi nhỏ, rừng núi gió trăng và kiếp sống hạc nội mây ngàn tưởng chừng là một thế giới riêng biệt thân yêu nhất của chàng. Trên đường về hai thầy trò dừng chân bên một bờ suối vốc nước uống... khi bất chợt ngẩng mặt lên chàng trai trẻ sửng sờ kinh ngạc, chưa bao giờ chàng trông thấy một thiếu nữ quyến rũ như thế. Trong khoảnh khắc, núi rừng trở nên âm u tẻ nhạc... một cái gì chợt thức dậy trong lòng chàng... một sức sống mãnh liệt bừng dậy khắp mọi nơi, chàng trai tưởng chừng như mình mới mở mắt lần đầu tiên... dường như chàng mới thức dậy sau giấc ngủ nghìn năm mê mệt... Trời xanh hơn, mây trắng bồng bềnh, cây cỏ lá hoa đều đậm đà màu sắc một cách kỳ diệu. Thần ái tình đã bắn mũi tên định mạng. Người trưởng đoàn đã thấy niềm xao xuyến của chàng tuổi trẻ... Ông bồi hồi nhớ lại thời thanh xuân của mình và bất giác rùng mình, cánh chim đại bàng vương giả sắp đến ngày ra ràng... những hốc đá hoang vu của ông không đủ rộng cho đại bàng giăng cánh, ông chỉ thấy lòng đau xót lẫn đắng cay. Có phải đây là đoạn đường mà ai cũng phải một lần hăm hở bước qua? Và mấy ai qua đó mà không thân bại danh liệt, nước mắt tràn mặt mày?
Vì thế khi chàng trai trẻ lúng túng ngỏ ý xin rời đoàn ít lâu, ông chỉ im lặng nhìn chàng... Và sau cái nhìn lặng lẽ của ông, con chim đại bàng liền tung cánh.
Người thiếu nữ đã đánh thức giấc ngủ bình an của chàng thanh niên quả là một nhan sắc hiếm có, và cũng giống hệt như bao nhiêu mỹ nhân khác nàng rất tự kiêu về mình. Chàng trai đã bao lần quỳ gối trước mặt nàng xin suốt đời làm kẻ nô lệ nhưng nàng vẫn lạnh lùng. Song thân cô gái khám phá ra nơi kẻ si tình có một sức mạnh vô địch và họ không bỏ qua điều đó. Ðể lấy lòng ông bà nhạc tương lai và nhất là người đẹp, chàng trẻ tuổi đã làm quần quật suốt ngày, phá rừng vỡ núi... chàng không từ nan một trở ngại nào miễn sao được thấy mặt nàng là đủ... Chàng cũng mơ hồ cảm thấy mình đã đặt mối đam mê vào một khoảng trống... nhưng hệt như tất cả kẻ si tình khờ dại khác, chàng trai mới lớn này đã hăng say lao đầu vào bể khổ với tất cả sự vụng dại lẫn thật thà. Niềm hy vọng của chàng sống leo lét cho đến một ngày kia nhà vua mở cuộc đi săn... qua vùng đất Hứa và như một định luật thiên nhiên, cô gái đẹp nhất vùng đã tìm đến đấng quân vương trẻ tuổi.
Mọi người đã không khám phá ra tài thiện xạ của chàng trai miền núi... mãi đến khi nhà vua trẻ tuổi của họ ngã gục dưới mũi tên của kẻ tình địch thì chàng trai đã nhanh chân chạy mất, lẹ như một con cheo. Chàng chạy trốn như một tên điên, toàn thân ướt đẫm mồ hôi và vết cào xướt của cây rừng... cho đến lúc kiệt sức, ngã gục bên bờ suối, chàng mới chợt thấy mình đang ở bước đường cùng... Cuộc đời chàng há không đã chấm dứt rồi sao? Hình bóng mỹ nhân như một mũi tên cắm sâu vào lồng ngực. Ðó là một nỗi niềm đau nhức mới lạ và khó chịu... số ngôn từ ít ỏi và chất phác của chàng không đủ để diễn tả nỗi u uất sầu khổ, chàng chỉ có cảm giác như một con thú rừng bị trúng tên độc và đang thoi thóp thở những hơi cuối cùng... Chưa đến một năm mà chàng đã đi đến cuối đoạn đường, chàng trai trẻ hồn nhiên vô tư của rừng núi đã ngã gục bên kia bờ suối... Con đại bàng vương giả vừa giăng cánh đã gục chết trên cây.
Khi chàng trai tình dậy chàng không biết mình ở đâu, mê hay tỉnh. Chàng đang nằm trên một đệm rơm, và bên bục đá là một vị sư đang ngồi tĩnh tọa. Gương mặt của người dường như phảng phất một nụ cười. Ðôi mày của nhà sư bạc trắng như một cách hạc nhưng màu da lại hồng hào. Khuôn mặt ấy có một cái gì vừa hồn nhiên vừa ngây thơ như trẻ nít. Chàng đưa mắt quan sát vẻ đơn sơ của một nơi ẩn dật và bắt gặp một rổ khoai nấu chín còn âm ấm, nằm trong tầm tay với của mình.
Mãi đến chiều hôm sau nhà sư mới xuất định. Người nhìn chàng trẻ tuổi với ánh mắt của một người thân, chàng trai đọc được niềm thương hại lẫn chế nhạo trong nụ cười của nhà tu. Chàng kính cẩn dâng nước cho ông như một chú tiểu sơ cơ vào đạo. Hai thầy trò không nói với nhau một lời. Trò không dám mở miệng trước và thầy sau khi uống một ngụm nước đã đi nhập định trở lại.
Nhìn gương mặt bình an của nhà tu, chàng trai thấy dường như nỗi thống khổ cay đắng của mình chỉ là một trò chơi trẻ dại. Chàng nhớ lại những ngày thơ ấu cùng bọn mục tử chơi đùa, trò chơi thường kết thúc bằng tiếng cãi vã, gây gổ, lắm khi lại đem đến những màn ấu đả phải nhờ đến sự can thiệp của người lớn mới chấm dứt được.
Thuở ấy chàng đã nhiều lần tự hỏi không hiểu tại sao mình đã để những quy luật ăn thua giả tạo của trò chơi gây buồn phiền uất hận. Khi từ giã đoàn mục tử để đeo đuổi mỹ nhân, chàng há đã không hăng say lao đầu vào một cuộc chơi mới đó sao? Trò chơi vẫn chưa kết thúc... Và chàng thì đã mất hết sức sống.
Thế giới của nhà tu bình an như một mặt nước, có phải nhờ họ bỏ cuộc chơi hay đã nắm vững trò đùa không bị nao núng bởi những qui ước giả tạo của thế gian?
Bảy ngày trôi qua, nhà sư ngoài những lời tĩnh tọa vẫn im lặng như một tảng đá. Chàng trẻ tuổi không thể nào chịu nổi nữa... Một hôm chờ lúc nhà tu vừa xả thiền, chàng tấn công ngay, bằng cách kể lại câu chuyện mình cùng những nỗi u uất, chán chường đang rút mòn sinh khí của chàng. Nhà sư im lặng lắng nghe và khi chàng trai đòi hỏi một câu nói, sư chỉ thốt lên hai tiếng "ảo ảnh". Chàng trai thất vọng nhiều hơn là tức giận. Chàng những tưởng đã tìm đâu đó một lối thoát qua phong cách thoát tục của nhà tu, nào ngờ sư chỉ buông hai tiếng nhẹ như một làn gió. Chàng gằn giọng:
- Sao có thể là huyễn hóa được?
Nhà sư bật cười, với tay lấy bình nước trao cho chàng trẻ tuổi:
- Ta khát quá, không thể nói nhiều được, con cho ta một ít nước suối mát.
Chàng trai ôm bình ra suối múc nước. Ðến lúc ngẩng mặt lên, ô kìa! Chàng có mơ chăng? Mỹ nhân đang đứng ở bên kia, mắt dáo dác như muốn tìm ai. Nhác trong thấy chàng, nàng đã nhanh như một con sóc, chạy đến quỳ ôm hôn chàng khóc tức tưởi...
Chàng trai mềm lòng... Chàng còn được biết thêm rằng sau khi nhà vua băng hà, quan thái giám tiết lộ tông tích của chàng và quần thần đang chờ tôn chàng lên ngôi cửu ngũ.
Và hệt như một chuyện đời xưa, chàng trai được rước về lên ngôi vua, mỹ nhân làm hoàng hậu. Họ sinh ra những đứa con kháo khỉnh và đẹp như tiên đồng ngọc nữ. Mười lăm năm trôi qua. Sau một trận chiến bại, đức vua bị quân giặc bắt giam vào ngục đá với bà hoàng gào khóc phát điên và bầy con chết nằm la liệt chung quanh...
Nhà vua thấy tim mình như vỡ ra từng mãnh... những sợ dây mắt xích, bà vợ điên, đám con chết nằm đoanh vây, tất cả đè nặng lên con tim già nua của ông.
Ngay lúc đó ông bỗng nghe tiếng nói nhẹ nhàng của thiền sư:
- Chỉ múc có một bình nước mà đã nửa giờ hơn... sao lâu vậy chú?
Chàng trai mở bừng mắt, chàng thấy mình còn đang đứng bên bờ suối, tay ôm bình nước... và tóc hãy còn xanh.
Nhà tu mĩm cười:
- Ảo ảnh là thế đó chú ạ!
Từ đó chàng trai không bao giờ rời núi nên không ai biết chàng tịch lúc nào và ở đâu!
PC: Ảo ảnh là như vậy đó em ơi!



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567