- Phần mở đầu
- Bài 1 - Tôn kính Phật
- Bài 2 - Kính Trọng Pháp
- Bài 3 - Cung Kính Tăng
- Bài 4 - Trụ Am Thất
- Bài 5 - Hầu Thầy
- Bài 6 - Phụng Dưỡng Người Thân
- Bài 7 - Làm Bồ Tát Ở Nhà
- Bài 8 - Tiếp Đãi Khách
- Bài 9 - Đọc Kinh Sách
- Bài 10 - Làm Quan Chức
- Bài 11 - Làm Thương Mại
- Bài 12 - Làm Nghề Nông
- Bài 13 - Làm Công Cho Người
- Bài 14 - Làm Việc Chúng
- Bài 15 - Lễ Bái Tụng Niệm
- Bài 16 - Ngồi Thiền
- Bài 17 - Nghi Biểu Khi Ăn
- Bài 18 - Ngủ Nghỉ
- Bài 19 - Cùng Người Chung Ở
- Bài 20 - Chăm Sóc Người Bệnh
- Bài 21 - Nhập Thất Tịnh Tu
- Bài 22 - Duyên Sự Khi Ra Ngoài
- Bài 23 - Tống Táng Hậu Sự
- Bài 24 - Các Việc Trong Thiền Đường
- Phần Phụ Lục Lời Di Chúc - Dặn Dò Những Điều Cần Thiết Lúc Lâm Chung
- Những Điều Gia Quyến Cần Biết - Hộ Niệm Lúc Lâm Chung
- Điều Cần Biết Khi Hộ Niệm
- Khai Thị Cho Người Lúc Lâm Chung Pháp Ngữ Của Đại Sư Ấn Quang
- Quy Tắc Và Ý Nghĩa Của Sự Hộ Niệm - Tuyết Lư Lão Nhân Giảng
Học Phật Hành Nghi
Bài 21 - Nhập thất tịnh tu
Nguồn: Tam-bảo đệ tử Thích Minh Thông kính đề
Phàm sa-môn, cư sĩ muốn nhập thất tịnh tu càng phải nghiêm túc hơn, chẳng được phóng dật tự tiện, chẳng được ăn riêng một mình trừ lão bệnh. Chẳng được hút thuốc, uống rượu. Ngoài hành lý và y bát ra, chẳng được đem theo các vật dụng tinh xảo quý báu chi khác, để làm đồ trang sức xem cho đẹp. Chẳng được chế tạo tơ lụa làm y phục, chẳng được chế da lông thú làm y phục để chống cực hàn (giá rét).
Lời phụ: cách thức việc đóng cửa khóa tu khởi đầu từ Kinh Viên Giác, Phật vì hành giả tu thiền quán mà qui định thời gian tu tập.
Kinh Viên Giác, Phật bảo Viên giác Bồ tát rằng: “Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh, hoặc khi Phật còn tại thế, hoặc sau khi Phật diệt độ, hoặc trong đời mạt pháp, có những chúng sanh sẵn đủ tánh Đại thừa, tin giác tâm viên mãn bí mật của Phật, muốn theo đó tu hành; nếu có ngoại duyên chướng ngại thì nên tùy theo bổn phận quán chiếu như ta đã nói ở trên. Nếu chẳng bị ngoại duyên chướng ngại, thì nên cho đồ chúng an cư nơi Già Lam (chùa chiền), đại chúng cùng tu.
Kiến lập đạo tràng, thiết lập kỳ hạn: dài là 120 ngày, trung bình là 100 ngày, ngắn là 80 ngày, tùy duyên sắp đặt chỗ ăn ở sạch sẽ cho dễ nhập đạo.
Xưa có vị cao tăng, quanh năm chỉ mang một đôi giầy, lại cả đời gần như chỉ mặc một chiếc áo nạp. Cho nên làm đệ tử Phật đều phải nên sống đạm bạc.
Lời phụ: Cao Tăng ở đây tức ý nói ngài Huệ Hưu pháp sư đời nhà Đường, ngài theo hầu đức Tổ Hồng luật-sư, nghe bộ Luật Tứ Phần hơn ba mươi lần, rồi ngài nói với hậu học rằng: “Ta trước nghe tạng Kinh, tạng Luận một quận thời nhập tâm, thế mà nay nghe bộ Luật. Ôi thôi! càng nghe càng mờ ám, đâu chẳng phải cái Lý còn có thể dễ tìm, sự thật khó mà tỏ biết.
Ngài Huệ Hưu kính cẩn ba nghiệp, giữ tụng sáu thời, tuân giới cấm, giữ đạo hạnh, càng già càng cố gắng, y phục vừa đặng che thân, khăn vắt trên vách (không cần chỗ vắt kỹ). Mang một đôi giầy bằng gai, hơn ba mươi năm, gặp chỗ nào dễ đi thì đi chân không.
Có người hỏi: sao vậy?
Ngài trả lời “của tín thí khó tiêu.”
Ngài Huệ Hưu thường thân hành đến nghe đức Lệ Công giảng luật.
Lệ Công hỏi: pháp sư đại đức tuổi già, còn cần bộ luật làm chi?
Huệ Hưu đáp: tôi nhớ thuở mới xuất gia, từ trong miệng cọp mà ra, đâu thể vì việc già yếu mà hòng thôi học ấy ư. Tôi buồn, vì không được thường nghe vậy thôi”.
Chẳng được thiết kế điêu khắc hoa văn lên giường lớn. Trong phòng ngoài giường chõng bàn ghế ra chẳng nên bày biện thêm nhiều vật khác. Trong phòng chẳng nên treo đồ họa đối liễn chi khác, ngoài những lời cảnh sách khắc lên chỗ ngồi.
Lời phụ: Tăng chú viết: Giường, mùng, mền và tọa cụ là một trong bốn món thánh chủng, không thể thiếu. Song đồ ngồi và nằm, phải biết vừa đủ chớ quá cao sang, để tấn tu đạo nghiệp, hầu mong chứng quả Bồ-đề, nên đức Phật gọi là Tri túc thánh chủng.
Khi xưa vua Hy Tông ban cho ngài Ngộ Đạt thọ tòa trầm hương còn tổn phước mà mắc báo, nên bỗng nhiên thấy một hột châu lăn vào cổ vế bên trái của mình, làm thành mụn ghẻ có hình mặt người, đau nhức vô cùng. Ngài Ngộ Đạt quốc sư chỗ kiến giải hơn người, ngôi thứ biết bao, chỉ vì mống tâm một niệm không tri túc, đức tổn họa đến. Chúng ta là hạng người nào, chẳng lấy đó để răn dè ư!?
Chẳng được để bày lưng hông ngực, chẳng được ngủ ngày, chẳng được tu tập công phu ngoại đạo, chẳng được học quyền thuật, chẳng được học tập đồ họa tranh ảnh trừ họa vẽ Phật-tượng, v.v... chẳng được tích chứa tài vật, trân bảo, v.v...
Lời phụ: Khi Phật còn tại thế, được thân cận Phật quán chiếu theo chánh pháp. Sau khi Phật diệt độ thì treo bảy hình tượng Phật, mắt nhìn tượng Phật, tâm nghĩ hạnh Phật, sanh niệm tưởng nhớ Chánh Pháp như lúc Phật còn tại thế.
Lại treo những tràng phan, hương, hoa, trải qua 21 ngày, đảnh lễ danh hiệu của mười phương chư Phật, thiết tha cầu Sám hối, luôn luôn nhiếp niệm tu theo Thiền quán kể trên, trải qua 21 ngày, nếu gặp cảnh giới lành thì tâm được khinh an.
Khi cạo tóc nên thầm niệm bài kệ rằng:
Thế trừ tu phát
Đương nguyện chúng sanh
Viễn ly phiền não
Cứu cánh tịch diệt.
Tạm dịch:
Cạo bỏ râu tóc
Nên nguyện chúng sanh
Xa lìa phiền não
Rốt ráo thanh tịnh
Án tất điện đô mạn đa ra, bạt đà dạ, ta bà-ha.
(3 lần)