Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 5

21/06/201314:11(Xem: 9275)
Phần 5

Góp nhặt lá Bồ Đề.

Phần 5

Hòa thượng Thích Tịnh Nghiêm

Nguồn: Hòa thượng Thích Tịnh Nghiêm

Phật Độ Ông Gánh Phân

Khi Phật còn tại thế, ở thành Vương Xá có ông Ni Đề thuộc giai cấp hà tiện chuyên làm nghề gánh phân. Mỗi buổi sáng, ông gánh phân trong các nhà trong phố rồi đem ra ngoại ô mà đổ. Thân ông ốm gầy, quần áo rách nát.
Phật biết thời kỳ ông Ni Đề được độ. Hôm ấy, đức Phật cùng ngài A Nan đi du hành về phía ông Ni Đề. Ni Đề thấy Phật liền cố tránh né. Phật đi chận đầu và giáp mặt ông. Ông hổ thẹn, quay mặt vào tường và bạch Phật, "Bạch đức Thế Tôn, thân con nhơ uế, xin đức Thế Tôn đừng lại gần, mất sự thanh tịnh."
Đức Phật đến gần bên nói, "Này con, Ni Đề, con có muốn xuất gia học đạo không?"
Ni Đề thưa, "Con muốn lắm, nhưng thân con ô uế, nếu xuất gia tu, sẽ làm mất thanh tịnh cho giáo đoàn."
Phật dạy, "Giáo pháp của ta như nước, có thể rửa tất cả vật sạch, vật dơ, không có phân biệt. Giáo pháp của ta như lửa, có thể đốt tất cả vật thơm, vật hôi, không phân biệt. Con muốn xuất gia, ta sẽ độ cho."
Rồi Phật sai A Nan dắt ông ra sông tắm sạch. Phật gọi "Thiện lai tỳ kheo," râu tóc ông liền rụng, áo pháp mặc tại mình, đủ tướng tỳ kheo. Nghe Phật thuyết pháp, ông tinh tấn tu hành, chứng quả A La Hán.
Việc Phật độ tỳ kheo Ni Đề thuộc giai cấp hạ tiện, các nhà giàu có bàn tán với nhau rằng tại sao Phật độ ông Ni Đề làm trở ngại sự cúng dường, lễ bái của họ. Nếu khi họ trai tăng mà có tỳ kheo Ni Đề đến, họ sẽ mời ra. Nếu Ni Đề ngồi chỗ nào, họ sẽ lau quét chỗ đó.
Vua Ba Tư Nặc hay tin ấy, đến hỏi Phật. Khi vua đến trước cổng tịnh xá, thấy một vị tỳ kheo tướng hảo quang minh, oai nghi đĩnh đạc, đang ngồi vá y trên tảng đá, có đông chư thiên đứng hầu hai bên. Vua thưa với thầy tỳ kheo, "Nhờ thầy vào bạch Phật, có vua Ba Tư Nặc đến ra mắt đức Thế Tôn."
Thầy tỳ kheo đi xuyên qua tảng đá, vào bạch Phật rồi trở ra lại đi qua tảng đá như đi qua khoảng không.
Vua Ba Tư Nặc vào đảnh lễ Phật và bạch Phật, "Vị tỳ kheo ngồi trên tảng đá vá y là ai mà có thần thông tự tại, có đông chư thiên theo hầu?"
Đức Phật mỉm cười nói, "Chính là người mà bệ hạ muốn đến hỏi ta, đó là tỳ kheo Ni Đề, đã chứng quả A La Hán."
Phật dạy, "Ví như trong hồ có hoa sen tươi đẹp thơm ngát, bệ hạ có vì bùn nhơ mà bỏ hoa sen tươi đẹp đó không?"
Vua Ba Tư Nặc thưa, "Con sẽ nhận lấy hoa sen và xem bùn nhơ như chất liệu để sanh hoa sen thơm ngát." Vua sám hối quan niệm phân chia giai cấp và xin tứ sự cúng dường tỳ kheo Ni Đề.
Đây là câu chuyện nói lên đạo Phật là đạo bình đẳng không phân biệt giai cấp. Phật thường dạy: Không có giai cấp khi mọi người có nước mắt cùng mặn và máu cùng đỏ.
Pháp Phật như nước dòng sông
Rửa trừ muôn vật không phân sang hèn.
Phật tánh như đóa hoa sen
Sanh trong bùn đất không hôi mùi bùn.

Phật Là Nghệ Sĩ

Khi Phật còn tại thế, vào mùa hè có các chàng thanh niên rủ nhau vào rừng nghỉ mát. Họ đem theo đờn, sáo và thức ăn vào rừng ca hát, ăn uống.
Người có vợ dẫn vợ theo, người không có vợ thì dẫn bạn gái theo. Có một chàng trai dẫn theo cô gái làng chơi.
Sau khi ca hát ăn uống, họ ngủ quên. Cô gái làng chơi lấy nữ trang, quần áo, và chuồn mất. Đến khi thức dậy, thấy mất cô gái và mất số đồ quý giá, họ liền đi tìm kiếm và tình cờ họ gặp đức Phật đang tọa thiền. Họ hỏi, "Phật Sa môn Cù Đàm có thấy một cô gái đi ngang qua đây không?"
Đức Phật trả lời và hỏi, "Các anh cầm cái gì thế?"
Một người trả lời, "Đây là cây sáo." Phật bảo đưa cho ngài.
Ngài bắt đầu thổi những tiếng sáo du dương trầm bổng, có lúc cao vút đến chin tầng mây, khiến cho người nghe tưởng mình đang bước vào chốn cung tiên. Thổi xong, Phật trả sáo và nói, "Các anh nên tìm chính các anh, hay lại đi tìm cô gái ấy?" Các thanh niên nghe không hiểu và thỉnh Phật giải thích.
Nhân đó, Phật thuyết pháp: "Các anh tìm cô gái ấy là chạy theo sắc trần bên ngoài, sẽ làm cho tâm trí các anh mờ tối, điên đảo, tạo nghiệp bất thiện, chịu quả báo luân hồi khổ đau.
"Chi bằng các anh tự xoay lại đi tìm bản lai diện mục, Phật tánh, trí tuệ giác ngộ của chính mình thì các anh sẽ được giải thoát, chứng được niết bàn an lạc, hạnh phúc miên trường."
Sau khi nghe Phật dạy, các thanh niên đắc pháp nhãn tịnh và xin xuất gia học đạo.

Phước Bố Thí

Một hôm đức Phật đi du hành cùng Tôn giả A Nan, gặp các trẻ em đang lấy đất nắn làm nhà cửa, thành quách, chợ búa, trường học.
Khi thấy Phật, các em đứng dậy, chắp tay bái Phật. Một em hốt một nắm đất, quỳ xuống dâng cúng Phật. Phật bảo ngài A Nan đem về rải xung quanh phòng hương của Phật.
Phật huyền ký rằng, "Một trăm năm sau khi Phật diệt độ, sẽ có một vị quốc vương ra đời, mở mang bờ cõi nước Ấn Độ rộng lớn. Sau khi phát tâm quy y theo đạo Phật, nhà vua hiệu là A Sô Ca." Tàu dịch là A Dục Vương.
Vua A Dục đã cho xây bốn trụ đá kỷ niệm tứ động tâm (nơi đản sanh, nơi thành đạo, nơi chuyển pháp luân, nơi nhập niết bàn) và xây 8400 bảo tháp thờ xá lợi của Phật khắp nước Ấn Độ và khắp cõi Nam Diên Phù Đề.
Nhà vua bảo hộ cuộc kết tập kinh điển lần thứ hai và làm hưng thịnh Phật giáo một thời ở Ấn Độ.
Đối với Phật giáo, đã có nhiều nhà vua kính tín quy y Tam Bảo, hộ trì Phật pháp. Nhưng phải nói, ở Ấn Độ, vua A Dục là hơn hết. Ở Trung Hoa thì vua Lương Võ Đế xây 72 ngôi chùa và độ hơn 3000 vị tăng. Ở Việt Nam vào thời đại nhà Lý, nhà Trần, các vị vua đều sùng kính Tam Bảo.
Do câu chuyện này biết phước bố thí cúng dường thật vô lượng.
Người nào làm những việc lành
Xóa mờ nghiệp ác của mình thuở xưa.
Như trăng thoát khỏi mây mù,
Sáng soi trần thế, đẹp phô ánh vàng.

Phương Tiện Độ Cha

Hòa thượng Bạch Ẩn ở Nhật thời xưa, là một vị tăng đạo cao đức trọng. Ngài độ rấg nhiều người xuất gia và quy y hàng vạn Phật tử. Nhưng ngài có một ông cha rất ham tiền.
Một hôm, ngài về nói với cha, "Cha già yếu, nên niệm Phật cho thân tâm an lạc và khi quá vãng sẽ sanh về Tịnh Độ."
Ông cha nói, "Thầy bảo tôi niệm Phật, có té tiền té bạc ra không? Chi bằng để tôi bán bánh kẹo, có tiền cho con cháu, lợi ích hơn không?"
Ngài Bạch Ẩn hiểu ý cha, nên nói, "Có người bận việc, muốn thuê cha niệm Phật một chuỗi là 20.000 đồng. Một ngày niệm bao nhiêu thì ghi số, sau một tuần lễ đến chùa lấy tiền."
Cha ngài nghe nói vậy, hỏi, "Chắc không?" Hòa Thượng đáp, "Chắc"
Rồi từ đó về sau, ông vừa bán kẹo vừa niệm Phật. Lấy tiền về cất trong tủ. Sau, ông nghĩ vừa bán vừa niệm không nhiều, ông không bán nữa, chỉ chuyên niệm Phật cho được nhiều. Ở nhà, từng dưới thường bị ồn, không niệm được nhiều. Ông lên lầu ngày đêm chuyên niệm Phật.
Hễ ông càng niệm thì Phật tử càng xót lòng vì sợ hết tiền chùa. Nhưng Hòa Thượng ra lịnh, "Việc làm của tôi không được ai có ý kiến xen vào." Phật tử nghe Hòa Thượng nói vậy nên không dám làm gì.
Ông già chuyên niệm như vậy sau 1 tháng thì ông không lấy tiền nữa. Hòa Thượng về hỏi ông, "Sao cha không lấy tiền nữa?"
Ông nói, "Tôi không lấy tiền thầy đâu. Tâm tôi đã được thanh tịnh, an lạc rồi. Điều đó còn quý hơn tiền bạc. Số tiền tôi nhận còn cất trong tủ, xin gởi lại cho thầy làm Phật sự."
Thế là ngài Bạch Ẩn đã khéo léo độ người cha tham tiền trở thành người niệm Phật được nhất tâm bất loạn.
Niệm Phật diệt tội tiêu khiên
Đặng nhiều phước đức nhơn duyên căn lành
Lâm chung sẽ được vãng sanh
Về nơi Tịnh Độ hóa sanh sen vàng.

Quả Báo Đui Mắt

Một hôm đức Phật thuyết pháp, ngài A Na Luật ngủ gục. Phật thấy và quở, "Này A Na Luật, ông là thanh niên mạnh khỏe, tại sao Phật thuyết pháp ông lại ngủ gục? Các trưởng lão già yếu mỏi mệt có lỡ ngủ, hoặc các sa di còn nhỏ ham ngủ còn có thể tha thứ được. Còn ông, đang lúc thanh xuân khỏe mạnh mà không siêng năng tu hành nhiếp tâm, thật đáng quở trách lắm! Như con sò, con ốc ngủ mãi trong vỏ vô minh không biết ngày nào ra khỏi."
Bị Phật quở nặng như vậy nên ngài A Na Luật liền phát thệ nguyện là không nằm, không ngủ. Cặp mắt của ngài đã đỏ ngầu và sưng vù lên, nước mắt chảy xuống hai bên má trông rất đáng thương.
Thần y Kỳ Bà biết được liền chế thuốc đem lên nhỏ cho ngài A Na Luật y theo lời Phật dạy tinh tấn tu hành chứng quả A La Hán. Do chứng thiên nhãn thông nên ngài có thể thấy trong tam thiên đại thiên thế giới, như thấy trái xoài trong lòng bàn tay. Tuy nhiên những vật trước mặt lại không thấy.
Một hôm, ngài an cư xong về thăm Phật, đi nhiễu quanh Phật vô tình đạp chết kiến. Các tỳ kheo bạch Phật rằng, "Tôn giả A Na Luật phạm giới sát sanh."
Phật hỏi tôn giả, "Ông có cố ý sát sanh không?"
Tôn giả thưa, "Bạch đức Thế Tôn, vì mắt con không thấy nên vô tình dậm chết kiến."
Phật dạy: "Nếu tâm không cố ý thì không phạm."
Ngài A Nan bạch Phật, "Bạch đức Thế Tôn, Tôn giả A Na Luật do tội nghiệp gì mà bị mù mắt và do quả phước gì mà được gặp Phật nghe pháp chứng quả A La Hán?"
Phật dạy: Vào thời quá khứ xa xưa có một bà già bị đau mắt, mù lòa nhưng nhà nghèo. Bà đến thầy thuốc cầu xin chữa cho mắt sáng ra. Bà hứa nếu đôi mắt bà sáng ra thì gia đình bà sẽ làm tôi tớ cho ông thầy thuốc.
Ông thầy thuốc chế thuốc nhỏ vào mắt bà. Thời gian sau, mắt bà đã gần sáng, chỉ cần nhỏ một vài lần nữa là mắt bà sáng ra.
Khi thầy thuốc nhỏ thuốc và hỏi, "Bà đã thấy mờ mờ chưa?"
Bà suy nghĩ, "Nếu cặp mắt mình sáng, mà cả nhà làm tôi tớ thì quá đau khổ," nên bà nói, "Không thấy gì cả."
Ông thầy thuốc biết bà nói dối liền nói, "Bà hãy kiên nhẫn, chỉ nhỏ vài lần nữa là khôi phục."
Ông thầy thuốc nghĩ, "Bà này vong ân bội nghĩa." Ông sanh ác tâm về chế thuốc độc, khi nhỏ vào thì hai mắt bà bị đui vĩnh viễn.
Phật dạy: Ông thầy thuốc ác tâm làm cho bà già mù tối là tiền thân của tôn giả A Na Luật. Do quả báo này nên tôn giả A Na Luật nhiều kiếp mù mắt, cho đến nay đã chứng quả a la hán mà còn bị mù mắt.
Vào thời quá khứ, Phật Tỳ Bà Thi ra đời thuyết pháp độ sanh. Thái tử con vua phát tâm cúng dường phòng tắm nước nóng cho Phật. Thấy Phật thân vàng nên phát nguyện, "Đem công đức này hồi hướng cho đời đời sanh ra có nước da vàng ánh, và giàu có quyền uy cao sang"
Phật kết luận: Thái tử phát tâm cúng dường nước ấm tắm Phật và chúng tăng là tiền thân của tôn giả A Na Luật.
Phật nói kệ:
Trong các Pháp do tâm làm chủ
Tâm dẫn đầu tạo đủ các duyên
Tâm nhơ tạo nghiệp chẳng hiền
Như xe lăn bánh, khổ liền theo sau.
Trong các Pháp do tâm làm chủ
Tâm dẫn đầu tạo đủ các duyên
Tâm lành tạo nghiệp tốt hiền
Như hình với bóng, vui liền theo sau.

Quả Báo Giết Anh

Ngày xưa ở Ấn Độ có một gia đình có hai anh em, cha mẹ chết sớm, rất thương yêu nhau. Khi lớn lên người anh cưới vợ xinh đẹp, làm ăn giàu có, sống êm đềm hạnh phúc. Nhưng người anh, một hôm nghe Phật thuyết pháp, biết ân ái là rang buộc, gia đình là khổ đau, gặp Phật ra đời là khó, cho nên anh từ giã vợ và em để xuất gia theo Phật.
Theo phong tục bấy giờ, người anh chết hoặc đi tu thì người em phải cưới chị dâu và quản lý gia nghiệp. Nhưng khi người em ở với chị dâu thì chị dâu thấy em trai thô lỗ, cộc cằn, còn chồng cô ngày trước thì thuần lương, hiền hậu. Thấy thế nên cô buồn tủi không vui. Người em biết chị dâu còn thương anh mình, hơn nữa sợ anh mình hối hận, thôi tu, bỏ về thì mất gia nghiệp giàu có. Vì thế người em mướn người giết anh mình để dứt hậu hoạn.
Các người lãnh tiền mướn giết, đi tìm thầy tỳ kheo. Khi các người giết mướn thấy thầy tỳ kheo hiền hậu thì không nỡ giết. Nhưng không giết thì làm sao nhận tiền, các người giết mướn mới đem việc đó nói với thầy tỳ kheo. Thầy tỳ kheo nói, "Tôi thật chưa chứng đạo. Đợi tôi gặp Phật và tu trong 7 ngày rồi hãy giết." Các người giết mướn đồng ý chờ đợi.
Thầy tỳ kheo đến ra mắt đức Phật, xin Phật chỉ pháp môn tu rồi thầy tìm chỗ vắng tinh tấn thiền quán và đắc A La Hán. Các người giết mướn liền giết và chặt lấy một cánh tay đem về làm tin và lấy tiền mướn.
Khi người chị dâu thấy cánh tay, hỏi ra mới biết người em ác độc đã nhẫn tâm giết chết anh. Cô vào triều tâu vua. Vua sai quân lính bắt người em trị tội theo pháp luật hiện hành, tức phải xử tử.
Ngài A Nan bạch Phật, "Thầy tỳ kheo đó đã chứng thánh quả mà còn bị chặt tay. Đó là do ác nghiệp gì?"
Phật dạy: Về kiếp xa xưa, có vị vua đi săn bắn, gặp một vị Bích Chi Phật đang ngồi tu. Vua hỏi có thấy con nai chạy qua đấy không. Vị Bích chi Phật vì đau tay nên lấy chân chỉ hướng khác. Nhà vua nổi giận, chặt đứt cánh tay của vị Bích Chi Phật. Sau vua ăn năn sám hối, đem vị Bích Chi Phật về băng bó vết thương, tứ sự cúng dường và phát nguyện rằng nhờ công đức này sau được gặp Phật, nghe pháp và chứng thánh quả.
Phật kết luận: Tiền thân thầy tỳ kheo bị chặt tay là nhà vua đã chặt tay Bích Chi Phật nên nhiều đời bị ác báo chặt tay.
Tâm người thật ác độc
Giết anh để giàu sang
Liền bị quả báo ác
Án tử hình phải mang

Quan Âm Linh Cảm

Ở bờ biển Nha Trang, gần hòn đá chồng, có một hòn đảo bằng đá, trên có đất bằng độ ba sào đất. Đảo cách bờ biển khoảng 500 mét. Khi nước xuống thì lội nước đến ngực. Nhưng khi nước lên thì nước cao ngập đầu, phải đi ghe. Người ta gọi hòn đảo đó là Hòn Đỏ.
Hòn Đỏ có một vị thầy về đấy lập thất tu. Lâu năm đã trở thành một ngôi chùa nhỏ. Thầy trụ trì ngôi chùa đó hiệu là Thiện Ngộ. Thầy khoảng trên 50 tuổi, người ốm yếu mảnh khảnh, thường vô đất liền để làm Phật sự. Thầy có nuôi một chú Sa di, nhưng cho vào đất liền để đi học. Còn chùa có một mình thầy rất đơn chiếc.
Một hôm, vào mùa đông, thầy vào đất liền để mua sắm vài thứ cần thiết, định chiều ngày mai sẽ trở về chùa. Nhưng đêm đó trời đổ mưa lớn, nước nguồn về nhiều, nước biển dâng cao, gió sóng mạnh. Thuyền đánh cá của ngư dân họ kéo lên bờ hết. Thầy nóng lòng muốn về chùa nhưng không có thuyền ghe, sợ đi lâu có người lên đảo vào chùa ăn trộm.
Vì thế thầy mạo hiểm, xin một miếng xốp cứng lớn độ hai chiếc chiếu. Thầy thả trên đầu nước, dự định nước sẽ đưa miếng xốp tắp vào đảo. Nhưng không ngờ miếng xốp đã trôi thẳng ra biển khơi, mỗi lúc một xa và mỗi lúc lại gần đến tử thần. Gió lạnh, trời tối đen như mực. Bây giờ thì hết hy vọng.
Thầy mới suy nghĩ, "Chỉ có cách niệm danh hiệu đức Bồ Tát Quán Thế Âm, cầu mong sự cứu khổ cứu nạn của ngài." Thế rồi thầy niệm danh hiệu Bồ Tát một cách chí thành tha thiết.
Ngày thứ hai, sáng ra, thầy tiếp tục bềnh bồng trên mặt nước. Quần áo đã bị sóng đánh ướt hết. Phần đói khát, phần gió rét lạnh cóng nhưng thầy vẫn một lòng niệm danh hiệu Bồ Tát một cách tha thiết.
Rồi màn đêm phủ xuống. Miếng xốp lại trôi càng xa hơn ra ngoài khơi. Hình như có đèn của thủy quân. Thầy cất tiếng kêu to nhưng không ai nghe. Thôi thì đành phó mặc cho số phận.
Bỗng miếng xốp đụng cái gì nghe một tiếng cộp, rồi có nhiều ánh đèn pin rọi xuống. Họ thấy thầy, học nói, "Vi xi" (Việt cộng).
Thầy nói, "Không phải, tôi là người tu gặp nạn, xin các ông cứu hộ dùm tôi."
Một lần nữa, họ nhìn kỹ và đưa thang dây xuống cho thầy leo vào, vịn chặt. Họ kéo thầy lên tàu thủy. Họ lấy quần áo, bảo thầy thay và liệng quần áo ướt đã lên nhớt xuống biển. Họ nấu súp cho thầy ăn. Qua hai ngày sau, họ chở vào và giao cho Hải Quân Việt Nam. Thầy được đưa lên bờ và trở lại chùa.
Thầy đến bàn thờ Quan Thế Âm quỳ lạy, "Bồ Tát đã cứu độ con. Từ nay con càng tinh tấn tu tập hơn để tạ ơn Bồ Tát."
Chuyện này tôi được nghe kể trực tiếp thầy Thiện Ngộ, trụ trì chùa Hòn Đỏ. Thầy cho biết thuyền vớt thầy chính là Hải Quân Mỹ.
Đức Bồ Tát Quan Thế Âm linh thiêng nhiệm mầu. Nếu khi gặp nạn, chí thành niệm danh hiệu Ngài thì sẽ được cảm ứng, cứu độ. Cổ đức làm bài tán:
Quan Âm Bồ Tát rất nhiệm mầu
Thanh tịnh trang nghiêm nhiều kiếp tu
Ngàn xứ kêu cầu đều cảm ứng
Là thuyền tế độ chốn khổ đau.

Sa Di Châu-Na

Sa Di Châu Na là em ruột của ngài Xá Lợi Phất. Mẹ thầy không cho xuất gia, muốn cưới vợ cho chú để có cháu nối dòng. Ngài Xá Lợi Phất biết em mình sẽ xuất gia nên nói với chư tăng, "Nếu em tôi xin xuất gia thì chư tăng cứ nhận, không cần có sự đồng ý của cha mẹ."
Một hôm, mẹ ngài Xá Lợi Phất cưới vợ cho Châu Na. Khi làm lễ chủ hôn trao nhẫn cho hai người cô dâu chú rể. Bà ngoại của chú đứng ra trao nhẫn, Châu Na thấy vợ mình thì mỹ miều xinh đẹp, còn bà ngoại thì da nhăn miệng móm, tóc bạc lưng còm, không còn đẹp đẽ tí nào. Chàng nghĩ thầm, "Vợ mình sau này già đi thì cũng sẽ xấu xa như thế. Đời vô thường, cuộc sống là khổ đau, gặp Phật ra đời là khó. Thôi, mình trốn đi tu là hơn."
Thế rồi, đến lúc rước dâu về nhà, Châu Na giả đò đau bụng đi cầu liên tiếp. Bà mẹ đợi không được nên đưa dâu về trước, rồi Châu Na sẽ về sau. Bà không ngờ là Châu Na đợi lúc không có ai để ý đến mình thì chuồn êm, đến tịnh xá xin xuất gia. Vì ngài Xá Lợi Phất đã dặn trước nên chư tăng liền thâu nhận.
Thời gian không lâu, nghe Phật thuyết pháp, sai di Châu Na chứng quả A La Hán.
Dù cho xinh đẹp như tiên
Đến khi già bệnh xấu liền hiện ra
Dù cho trẻ đẹp mặn mà
Bên trong máu thịt thật là tanh hôi.

Sa Di Cứu Kiến

Ngày xưa, có một vị tỳ kheo nuôi một chú sa di nhỏ tuổi. Vị tỳ kheo nhập định, biết là chú sa di sau bảy ngày thọ mạng không còn nên sai chú về thăm nhà, sau bảy ngày sẽ trở về.
Qua bảy ngày, chú sa di trở về. Thầy tỳ kheo lấy làm lạ bèn nhập định và biết chú vừa mới tạo một phước đức lớn nên tăng tuổi thọ..
Thầy tỳ kheo hỏi chú sa di, "Con về nhà làm được công đức gì?"
Chú sa di đáp, "Con không có làm công đức gì. Chỉ khi đi đường, con thấy bầy kiến bị trôi nổi bập bềnh trên mặt nước, sắp bị chết đuối. Do đó con khởi tâm thương xót, cởi áo vớt bầy kiến để lên chỗ khô ráo rồi giặt áo, rửa tay chân, tiếp tục đi. Hết bảy ngày thăm nhà, con lại trở về."
Thầy tỳ kheo dạy, "Do phước đức cứu bầy kiến nên con được tăng thọ mạng."
Vậy nên biết phóng sanh được phước đức rất lớn.

Sa Di Giữ Tiền

Thuở xưa, có thầy tỳ kheo nuôi một chú sa di tuổi độ mười một, mười hai. Một hôm thầy có việc xuống nhân gian làm pháp sự, dẫn chú sa di đi theo.
Khi pháp sự xong, chú sa di ghé vềnhà thăm mẹ. Bà mẹ thương con, cho chú 50 đồng, chú cầm nơi tay đi theo sau thầy. Được một đoạn đường, có con rồng xuất hiện, đi nhiễu bên tả và tung bụi, nói, "Sa di mà cầm tiền, thật đáng xấu hổ lắm!"
Chú Sa di sợ quá, khóc òa lên, thầy tỳ kheo ngó lại, biết hết việc liền bảo, "Con hãy ném tiền đi."
Chú sa di nghe theo, liền ném tiền. Con rồng lại nhiễu bên mặt ca ngợi tán dương. Chú sa di không còn sợ nữa.
Nên biết, tiền bạc làm hại người tu, không biết là bao nhiêu!
Tiền bạc là rắn độc
Hại người khổ đến cùng
Người tu không giữ nó
Sống cuộc đời ung dung.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]