Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04. Bụi giữa đời

11/06/201319:15(Xem: 8431)
04. Bụi giữa đời

Tu bụi

Trần Kiêm Đoàn

CHƯƠNG BỐN

Bụi Giữa Đời

Giữa mùa Hè, trời nóng đến nỗi cá con chết từng đàn trên ruộng cạn. Hàng phượng già hai bên đường cái dọc theo mé sông Hương nở đỏ rực như vừa thoát ra khỏi lò lửa nấu đồng của Phường Đúc. Lạ lùng là khắp kinh thành không có một tiếng ve. Mọi năm vào giờ nầy tiếng ve đã kêu ran đến nỗi nhiều người không ngủ trưa, ngủ sớm được. Nhiều đoàn thân binh nội thành phải chia nhau đi bắt ve ve, đuổi ve ve cho nhà vua an giấc và triều thần khỏi bị chói tai vì tiếng kêu ra rả của bản hòa âm đầy âm thanh đơn điệu và khô rốc từ muôn triệu con ve.

Bao nhiêu năm, người ta nghe tiếng ve giữa mùa Hè như một điều mặc nhiên. Không ai thắc mắc sự có mặt hay không của ánh sáng từng ngày đến và đi buổi sớm buổi chiều. Người ta sinh ra, lớn lên, già nua, bệnh tật và chết đi cũng chẳng có gì lạ hơn những cơn mưa qua, rồi lại nắng ngoài đồng nội. Từng cuộc đời hay từng mảnh đời giàu sang hoặc khốn khổ đã có cái “ông số phận” đứng đó để hứng chịu khen chê. Cho đến một ngày nào đó, cái ngỡ như thường hằng hiện hữu kia mất đi, người ta mới nhận ra điều mình mất. Dù tiếc nuối, vui mừng, hay chẳng quan tâm gì cả thì sự vắng bóng đó cũng là dấu vết bất thường của một nếp sống đã quen trôi chảy theo nhịp điệu hàng ngày của một dòng sông không bão tố.

Đối mặt với vô thường, người ta sợ đổi thay. Sợ đổi thay nên cứ tảng lờ xem vô thường như thể hằng thường. Nhà đại phú ôm lâu đài cũng như kẻ khốn cùng ôm manh chiếu rách đều cảm ơn mặt trời đã đến mỗi sớm mai. Thói quen làm cho người ta sợ sự đổi thay và mất mát, dẫu cho sự đổi thay đi lên và cái mất mát xóa bớt sự khốn cùng. Cầm được cái trứng nhỏ trong tay vẫn hơn theo đuổi bầy chim trên ngọn cây. Cũng có người ôm cây đợi thỏ để cố bắt con thỏ trong ký ức của ngày qua hoặc đánh dấu mạn thuyền nơi gươm rơi xuống nước để tìm cây gươm đã lạc xuống đáy sâu mất dạng từ lâu, mong giữ cái “thường hằng” bằng ảo ảnh. Người ta tìm hạnh phúc trên ảo tưởng; rồi người ta khổ tâm vì ảo tưởng không phải là thực tế dù đã biết rõ luật chơi và đích đến của trò mơ mộng. Nhưng con người không chịu bỏ cuộc dễ dàng, dù đó chỉ là cuộc chơi hoang mê phù phiếm đến điêu linh.

Sau ngày vua Gia Long mất, người lão bộc của Trí Hải một thời hiện lại hình tích là cựu tướng quân Phạm Xảo. Một điều bí mật chỉ có hai người chia sẻ để biến mối quan hệ chủ và tôi thành tình bằng hữu. Sự thay đổi trong mối quan hệ mới không nhiều. Thay đổi nhân xưng và danh từ nhiều hơn là thực chất. Sự giải phóng thân phận và giải thoát tinh thần đột biến, do hoàn cảnh bên ngoài tác động, ban ân mà không do chính kẻ được giải phóng hay giải thoát làm chủ đời mình thì cũng giống như việc chiết trồng cây kiểng trên chậu hoa hay trên hòn non bộ. Những cây lá mọc tự do. Tự do đâm chồi nảy lộc trên hòn non bộ dưới bàn tay nhỏ bé chăm sóc của người chủ. Làm sao có thể tự do vươn mình làm cây cổ thụ, rừng bạt ngàn, núi hoang vu!

Tướng quân Phạm Xảo trong hoàn cảnh mới cũng giống thế thôi. Tất cả chỉ còn mang dư âm và dư ảnh của những ngày tháng cũ. Thuyền chiến còn mơ cuộc viễn chinh, nhưng Phạm Xảo thì không. Không giang sơn, không hùng binh xe pháo, không chiến lũy, sa trường... thì dũng tướng và gã nài voi, người thồ ngựa chỉ khác nhau là tiếng vọng quá khứ.

Trước đôi mắt sắc bén nhưng cũng đầy nhân hậu của Trí Hải, Phạm Xảo chẳng muốn dấu điều gì. Sự quanh co không hợp với con đường thẳng. Ông lão sống ngay thẳng một phần vì lòng thương kính và phần khác, vì biết dấu diếm hay nói thẳng thì cũng chẳng khác gì trong cái nhìn không vướng bận khen chê của Trí Hải. Bán buôn không cần lời lỗ thì cần gì thách giá trả hàng.

Dùng dằng đôi co mãi, dù với chính mình hay kẻ khác, rồi cũng phải ra đi. Sự lên đường nào cũng đầy hấp dẫn vì đó là khởi điểm của một chân trời mới. Nhưng một chân trời hứa hẹn ngày mai chưa định hướng thường là một sự mời gọi phiêu lưu đối với tuổi trẻ; đồng thời cũng là sự e ngại mạo hiểm đối với tuổi già. Lão tướng Phạm Xảo tự biết sức mình. Những hướng nhìn nổi gió từ 30 năm trước giờ chỉ còn chút hơi phảng phất hiu hiu. Những giấc mơ chuyển núi một thời giờ chỉ còn chút niềm vui quanh quẩn bên mấy giò lan, chậu cúc. Thời gian không tàn phá hay đánh lừa ai cả. Thời gian chỉ là con đường ngay thẳng và biến dịch của những bước đi - về. Kẻ làm chủ thời gian là kẻ đứng ở cuối nguồn đời mà không nuối tiếc vì họ đã sống thực sự trong từng nấc nhỏ của thời gian. Sự có mặt cũng vừa là sự sống nên kẻ khôn ngoan là có mặt ở đời để sống, không phải sống để than van.

Tuổi già đến cùng một lần với cảm giác cô đơn. Mỗi ngày qua là thêm một bước gần hơn với sự ra đi sau cùng một mình với hai bàn tay trắng. Ông già Phạm Xảo không muốn mình như một hòn đá ném xuống hồ trong đêm tối. Âm thầm. Mất dạng. Ông muốn cái gọi là cuộc đời của ông còn lưu lại một cái gì đàng sau và kéo dài một cái gì đằng trước. “Một cái gì” ông chưa biết nhưng ông tin là có đó. Nếu chết là chấm dứt mọi sự, là xoá sạch dấu vết của quá khứ và tương lai thì phi lý quá. Đời sống không thể nào là một cuộc chơi phù vân đến thế... Nghĩ vậy, Phạm Xảo lại trăn trở trong đêm như hai mươi năm trước.

Sống không khó nhưng tìm cho ra một ý nghĩa của cuộc sống thật khó. Cái hang động mang ý nghĩa cứu rỗi với con nai đang bị săn đuổi nhưng lại là chướng ngại cản đường đối với người thợ săn. Phạm Xảo đối diện với sự cô đơn của chính mình và ngủ vùi trong những phòng chứa sách của Trí Hải.

Trở mình, với tay, co chân đều vướng vào sách, Phạm Xảo quý sách nhưng lại không yêu sách. Sách nói những điều quá cao xa làm ông chóng mặt vì chẳng muốn dính dáng đến cái thế giới chữ nghĩa. Nó nói quá nhiều. Lý luận phân tích trường giang đại hải mà lại không biết im lặng, lắng nghe. Sự hoài nghi chữ nghĩa làm ông phiền muộn và mệt mề. Ông quơ đại một cuốn sách xếp hờ trên giá. Cuốn “Nhân Minh Luận” của Đạt Lai Đề Văn xứ Tây Tạng.

Đạt Lai là ai mà lại ví von cường điệu đến thế. Đạt Lai ví giống người như một cái đuôi sao chổi khổng lồ với hàng tỷ thế giới Trời, người, lớn bé khác nhau, xuất phát từ một nơi xa xăm nào đó và bay theo sức kéo đầu nậu của một lực mạnh nhất gọi là “ông Trời”. Chùm đại trà thế giới nầy trôi hoài tới một chốn không có điểm tận cùng. Thân phận con người nằm trong đó, cứ mãi trôi theo dòng thời gian. Người ta sinh ra, lớn lên rồi chết đi. Người thì mang đức tin rằng chết là kết thúc của sự sinh ra và sinh ra là bắt đầu cuộc hành trình của sự chết. Chết và tái sinh sẽ diễn tiến lập đi lập lại từ vô thủy đến vô chung. Kẻ lại tin tưởng rằng chết để lên Trời và được sống đời đời trong bàn tay cứu rỗi của đấng toàn năng. Kẻ khác lại cho rằng chết là hết. Đời người cũng như bọt bóng xà phòng, sinh ra và biến mất chẳng còn lưu lại một dấu vết nào cả.

Bên cạnh lớp người không băn khoăn thắc mắc, cũng có bao nhiêu người ngạc nhiên tự hỏi: “Đời người có ý nghĩa gì? Đời sống chỉ là cuộc chơi tình cờ của một thế lực vô hình và bí ẩn không ai hiểu mà người ta tạm gọi là 'Tạo Hoá' hay đời người còn mang một ý nghĩa nào khác?” Đó là một ẩn số chưa ai giải ra cho nên thế giới hữu hình của con người tự do gọi tên và minh họa. Vì ẩn số không có đáp số nên chẳng có ai sai mà cũng chẳng có ai đúng. Giữa chốn mịt mù, có người im lặng để chiêm nghiệm và suy tư. Có người gắng giải thích và truyền đạt để cố giúp cho người khác hiểu điều mình không hiểu. Có kẻ lại tranh cãi hơn thua về cái bóng tối phía mình dày đặc hơn phía bên kia. Và chỉ trong bóng tối mịt mù con người mới tha hồ vẽ. Vẽ chân dung trong bóng đêm thì thần thánh hay ma quỷ đều giống nhau vì chung quy cũng chỉ là bóng tối. Rồi khát khao như người đi trong sa mạc tìm thấy ảo giác về dòng sông xanh trước mặt, họ nhìn bóng tối để tưởng tượng ra hình, ra dáng, ra những điều khôn ngoan, lý thuyết hay ho. Nhưng đấy chỉ là tiếng dội lại của khát vọng chính mình.

Trong cuộc phấn đấu trường kỳ đi khai phóng những biên giới chật hẹp của hiểu biết giữa ước vọng vô biên nhằm giải thích câu hỏi truyền đời: “Ta là ai. Ta từ đâu đến và sẽ đi về đâu?” người người, hết lớp nầy đến lớp nọ, sáng tạo và kế thừa tri thức cùng ảo tưởng của nhau. Con người từ những thế kỷ trước thuyết phục những người trăm, nghìn năm sau rằng: “Ta đã về. Ta đã thấy...” Họ đều là những người chân thật nhưng lại thiếu can đảm để nói rằng: “Điều ta thấy… đã thấy gì đâu ngoài những ảo tượng mịt mù bóng tối!”

Giữa trưa Hè vắng tiếng ve, Phạm Xảo đọc những suy niệm của Đạt Lai Đề Văn xứ Tây Tạng nói với môn sinh về đức tin và ảo tưởng. Phạm Xảo hoài nghi: “Như thế có nghĩa là ông Đạt Lai đầy sôi nổi nầy khuyên môn đồ phải hoài nghi tất cả những lý thuyết, triết lý, những đức tin của người xưa truyền lại?!” Còn nữa... Đề Văn ghi tiếp rằng:

Ông ta chẳng khuyên môn đồ mình chối bỏ hay chấp nhận. Ông chỉ kêu gọi học trò mình hãy tự mình cất bước, dò đường mà đi. Theo Đề Văn thì tất cả sao trời, ngày đêm, phương hướng, lý thuyết, sách vở, chuyện kể, tin đồn đều là phương tiện để nhìn ngắm và học hỏi. Dựa vào đó như người nương tạm thuyền trong cơn mưa lũ và thuyền nương tạm ghềnh đá trong cơn bão. Đừng để nó cuốn phăng mình đi. Tương tự như chiếc thuyền, như dòng sông, như cỗ xe, như con đường, như ngọn đuốc... như tất cả mọi thứ vật chất trên đời, mọi kinh nghiệm sẵn có... đều là sản phẩm, đều là kinh nghiệm của người khác, của siêu nhân khác, của ông thần ông thánh khác. Toàn là một thế giới ngoài ta. Có mang kiệu linh hồn để rước thì cũng không thể nhập vào linh hồn ta được. Ta là ta. Chỉ có ta mới ở trong ta. Ta phải tự mình thực chứng lấy. Nhắm mắt hay bay lên trời; leo lên núi, nằm giữa đồng hoang hay quên mình trong thánh địa chỉ có ý nghĩa khi cách kiểu đó hợp với mình, tự mình làm trong tỉnh thức. Không đi mà đến, không động mà chuyển, không tự mình tạo ra mà chỉ ngửa tay cầu xin ân sủng của kẻ khác là điều phi lý, không hợp với lẽ công bằng và đạo lý tự nhiên của trời đất. Muốn có sự hiểu biết cần phải học, muốn có tài năng cần phải tu rèn tâm chí. Sự mầu nhiệm dù có hay không có thì cũng ở bên ngoài như biển cả bao la, như sông dài vô tận. Muốn đến bến, thuyền phải ra khơi, phải giương buồm, phải chèo chống. Thuyền để mặc cho nước trôi là thuyền tự biến thế năng động của mình thành thế bị động của thân gỗ mục. Không ý thức, không hành động, không cầm bánh lái thì dẫu cho sự hiển linh hay phép lạ từ tin đồn muôn năm mang lại cũng chỉ là niềm ước mơ mà đích cuối cùng là sự phó thác cho một định mệnh có khi chỉ là những đam mê đầy hoang tưởng như đêm dài trên mặt đất hoang vu.

Đến lượt Phạm Xảo không tán đồng. Tiếng phản kháng dấy lên tiếng từ trong tâm thức: “Vậy thì ông Đề Văn ấy cũng tự cho mình chỉ là con số không trên hướng đi của đám môn sinh hay sao? Bất quá, ông ta cũng nhai lại sách vở của người xưa và mớm lại cho đám môn sinh ngoan ngoãn ngày hôm nay những gì ông đã học hay bắt chước được. Ông ta đã thực sự làm gì, tạo tác được gì bằng năng lực của chính ông ta và đám môn sinh đó?”

Chẳng có ai trả lời ngoài chính tiếng vọng từ bên trong: “Người muốn nói đến thứ giá trị nào? Giá trị cơm áo, giá trị tinh thần hay giá trị làm người?” Ơ, mà dẫu cho giá trị nào đi nữa thì ông ta cũng làm được điều mà chính ta không làm được. Đó là một thái độ bất chấp, nhưng rất khiêm tốn, không gào thét phản bác ai cả, chỉ độc lập nhắm cho mình một hướng đi. Ông ta cũng là người can đảm vì không tìm cách dấu quanh cái bất lực của mình mà thẳng thắn nói với học trò về những ngõ cụt tư tưởng xung quanh mình hay của chính mình để cùng nhau đi tìm một con đường mới.

Phạm Xảo ném cuốn sách lại trên giá và bước ra khỏi phòng sách. Trí Hải đang làm vườn. Một hình ảnh tuyệt đẹp làm Phạm Xảo ngừng lại trên hành lang nhìn qua cửa sổ. Trí Hải chống cuốc nhìn nắng mai một cách đam mê. Có quá nhiều góc khuất sau vẻ nhìn lặng lẽ ấy. Nắng ướt sương bềnh bồng như lõa thể. Rồi nắng đến và nắng đi chẳng vương lại một sợi mỏng manh nào.

Ông già Phạm Xảo đến từ phía sau, bước trên cái bóng trải dài của Trí Hải. Ông lão đã dần quen lối nói chuyện tự nhiên, đơn giản, không thưa bẩm rào trước đón sau đầy lễ nghi phiền toái dành cho một ông hoàng:

- Hoàng thân à! Thế bao nhiêu năm vây màn đọc sách người đã tìm ra được những gì?

Sự ngạc nhiên của ông già dâng cao khi Trí Hải không ngoái lại mà trả lời buồn buồn trong giọng nói:

- Nhiều điều thú vị lắm, nhưng khổ nỗi là chưa tìm ra được chính mình!

- Thật lạ lùng. Hoàng thân đi tìm chính mình?

- Phải. Thế lão huynh có biết chắc mình là ai không?

Ông lão im lặng nhìn quanh. Thật ngộ nghĩnh khi có người hỏi một câu hỏi gần gũi, đơn giản đến ngớ ngẩn như thế. Nhưng sao lại khó trả lời đến vậy. Ta là ai? Thì ta là ta! Thế nào là ta? Ta là một động vật có hai chân, là một cây tre nơi làng quê sinh ta ra, là một nhân loại có tư duy, là một công dân lương thiện, một lão tướng hết thời... Ông lão cố đào bới tất cả những gì về mình mà người khác đã nói, cũng như chính mình nghĩ và thấy. Nhưng cái mớ thông tin hỗn độn ấy chỉ tạo ra được một hình nhân kỳ cục. Nó gần gũi như đang thở với ông cùng một xoang mũi, nhưng cũng vừa xa lạ với chính ông. Có vẻ như Có chăng đó là cá “ta” thật sự của ông già. Ông nhìn nó và muốn bật cười. Một thằng người quá lạ lẫm. Nó vừa mang một chút nhân dáng về ông, vừa không phải là ông. Ông vừa muốn ôm nó bầu bạn, nhưng cũng vừa muốn tống khứ nó ra khỏi đời mình. Ông lão bỗng trở nên thất vọng và nói với vẻ trịnh trọng một cách bất ngờ:

- Xin hoàng thân làm ơn, đừng hỏi tôi câu đó nữa. Tôi chẳng đáng là gì cả để cần phải xác định mình là ai bằng cách thêm bớt kể lại tiểu sử đời mình.

- Vậy thì lão huynh càng phải cố nhìn mình cho rõ hơn để đập vỡ cái ảo tưởng về mình đi.

- Hoàng thân đã đập vỡ được cái vỏ ảo tưởng ấy chưa?

- Chưa nhiều. Nhưng đang cố gắng từ sau lần cuối từ giã sư Trúc Lâm.

Phạm Xảo âm thầm nghĩ đến mình. Cả tuổi thanh xuân ngang dọc đánh thắng không biết bao nhiêu trận lớn nhỏ, quật ngã không biết bao nhiêu kiện tướng đối thủ mới được lên hàng tướng quân. Nhưng đánh thắng chính mình để đập vỡ lớp vỏ vô hình thường xuyên bao bọc mình, để hiểu mình thật khó. Khó vì không nghĩ đến và không màng đến hay khó vì bất lực và xa vời. Với sự đảm lược của con nhà tướng, ông tin rằng, sau cùng ông sẽ thắng cái trận chiến vô hình, không gian nguy nhưng cũng đầy gian khổ đó.

Ngọn gió mát hiếm hoi của một buổi chiều mùa Hạ đánh thức những hàng cây rủ lá. Lá không tươi nổi để xào xạc với nắng chiều. Ông lão dợm đi nấu cơm, nhưng Trí Hải đã ngăn lại:

- Chiều nay ông đình trưởng Thái ấp mời dùng cơm chiều và họp cúng Thần Nông để cứu mấy nghìn mẫu ruộng đang bị khô hạn và sâu rầy. Sắp chiều rồi, chúng ta cùng đi thôi.

Dọc đường đến đình Thái ấp, biển lúa đang trổ đòng đòng hai bên dường như co rúm lại. Màu xanh mướt mắt của đồng lúa chuyển dần sang màu xanh lam trắng đục mà người nông dân quen gọi là “bị bạc.” Trên đồng những cặp vợ chồng nông dân đang còng lưng, luôn chân nhấn những cái vồ trên chong chóng cần phải quay đều để kéo lê dòng nước đục khè, yếu ớt từ thửa ruộng thấp lên thửa ruộng cao. Cái “xe đạp nước” là phương tiện cổ xưa để đưa nước vào ruộng, không ai rõ nó đã được chế tạo lần đầu từ bao nhiêu trăm, ngàn năm hay thế hệ trước. Ruộng Thái ấp, tuy có đất màu mỡ nhất vùng nhưng vẫn không thoát khỏi mô thức tiểu nông làng xã đã có từ lâu đời. Mỗi thửa ruộng là một hình ảnh của tâm lý tiểu xảo. Sự phân biệt giai cấp từ trong tâm lý xã hội làng xóm nhỏ bé đã thể hiện thành sự chia cắt những mảnh ruộng lớn nhỏ cao thấp từ nhất đẳng điền đến hạ đẳng điền. Mỗi thửa ruộng nhỏ là một bồn chứa nước mong manh nuôi lúa. Chỉ cần một cơn nắng hạn kéo dài, những con rắn, con lươn, con cua đồng đào hang thông qua hai bờ ruộng thì cái bồn nước tạm bợ đó sẽ bị cạn kiệt hay rút thoát dễ dàng. Ruộng sẽ khô, lúa sẽ chết, người nông dân sẽ lâm nguy.

Năm nay, ngoài nạn hạn hán khắc nghiệt, lũ sâu, rầy, bọ xít là đại hung thần của người nông dân từ đâu kéo đến. Chúng ùn ùn sinh sôi nẩy nở như vãi trấu trên đồng. Người nông dân còng lưng chống hạn với mồ hôi, còn phải sôi nước mắt để chống sâu rầy. “Sôi nước mắt” không phải chỉ là chuyện nói cho có vần có điệu mà đấy là một hiện thực rất chua cay. Để đuổi lũ sâu rầy ra khỏi ruộng, nông dân phải càn quét như đánh giặc. Cỏ khô, rơm khô xông lửa; tranh tre, rác rến hun khói; ớt bột, cám trấu, muối sống, tiêu hành gây cay đều dồn ra ruộng đốt lên để xua đuổi sâu rầy rộ lên nhưng rồi tắt ngấm. Sức người, sức của có hạn mà lũ côn trùng ác sát lại sinh sôi nẩy nở như vô cùng. Trong tuyệt vọng, con người khốn khổ chỉ còn hướng chút hy vọng le lói vào phép lạ của thần linh.

Đình trưởng Thái ấp không cần kể lể dài dòng nhưng tất cả gia trưởng Thái ấp có mặt đều đã hiểu rõ tình hình nguy cấp của đồng lúa đang bi hủy diệt. Mọi người nóng lòng chờ đợi quyết định của chủ nhân Thái ấp. Trí Hải ngồi giữa hội người dân Thái ấp thân thương. Ông ngồi đó mà hồn thì bay bổng đâu đâu tận những đồng lúa mì phì nhiêu chín vàng của nước Pháp. Thời gian ở Pháp với danh nghĩa phò tá cho hoàng tử Cảnh, Trí Hải đã đi qua những cánh đồng nho, đồng lúa mì từ Ý sang Anh. Ông tận mắt nhìn những nông cụ mới lạ, những loại phân bón được chế biến gọn nhẹ mà có hiệu quả rất cao, những loại thuốc trừ sâu rầy xịt ra từ những chiếc bình nén hơi xách tay mà đuổi được hết lũ sâu rầy ngay trước mắt. Người bên Tây làm ít mà hưởng nhiều vì hiệu quả sản xuất rất cao. Người bên mình thì ngược lại, làm nhiều mà hưởng ít vì mọi gánh nặng chỉ có hai bàn tay trần và bắp thịt của vợ chồng con cái với dăm ba cái dao, rựa, cào, cuốc… thô sơ. Trí Hải thấy mà không nói được vì chẳng ai nghe. Và dẫu có chăng người nghe thì cũng như cảnh nàng tiên đóng tuồng hát. Xiêm y dẫu rực rỡ mà không có phép lạ thì cũng chỉ cứu nhân độ thế bằng dăm câu nói ngọt ngào duyên dáng mua vui.

Đám đông vẫn thường mang hai loại tâm lý: Tâm lý cá nhân và tâm lý tập thể. Khi giữa một đám đông có tâm lý tập thể làm chủ, con người có thể đang nghĩ theo lối của mình nhưng lại cần nói theo ngôn ngữ của tập thể. Ngôn ngữ tập thể trong những tụ điểm của cao trào quần chúng thường có vẻ coi trọng sự hợp tình mà xem nhẹ sự hợp lý. Những ý kiến cá nhân đơn lẻ không trôi xuôi theo dòng chảy chung rất có thể bị xem nhẹ hay trở thành phản tác dụng. Thậm chí, lời trung nghĩa sẽ thành lời phá hoại; lời chí tình sẽ thành lời trở cờ chống lại đám đông. Lịch sử nhân loại đã cưu mang nhiều biến cố tâm lý đám đông như thế để tạo ra những anh hùng cảm tính, một loại anh hùng thời thế tế thần. Trong cảnh tranh tối tranh sáng, loại anh hùng tượng đài thời thế đó chỉ cần một vóc dáng đường bệ và một lịch sử oanh liệt sáng tạo màu mè, dẫu mơ hồ cũng chẳng ai tra hỏi. Anh hùng tượng đài trong lịch sử nhân văn sá chi chuyện có thật hay không một con người thật.

Trước sự đe dọa nghiêm trọng của nạn khô hạn và sâu rầy đang đốt cháy và thiêu hủy mùa màng, người nông dân sẽ tôn xưng là anh hùng, là chí thánh cho những ai giúp họ cứu mùa. Người đình trưởng vẫn gào lên chế ngự đám đông toàn cả người nói mà có quá ít người nghe. Sau cùng thì ông đình trưởng lên tiếng. Ông ta khôn khéo ca tụng oai Trời, ơn Vua, lộc nước và ân đức của Hoàng thân chủ Thái ấp. Chiến thuật tiến quân của đình trưởng chẳng làm ai ngạc nhiên khi ông cung kính thi lễ trước mặt Hoàng thân chủ Thái ấp. Ông dâng ý kiến xin tháo khoán toàn bộ kho lúa dự trữ phòng xa quanh năm của phủ ông Hoàng. Tận dụng hết cả ba kho lúa dự trữ, đủ để đối lấy phương tiện cứu lúa và tổ chức Đại Trai Đàn Bạt Độ Giải Oan cho âm siêu dương thái để cầu mưa giải hạn. Việc lập đàn cầu mưa là một tín lý mơ hồ. Nhưng khi đời sống trơ trụi không còn hy vọng thì người ta phải dựa vào ảo ảnh và ước mơ. Một đời sống có ước mơ cũng như hôn nhân có tình yêu, người ta sẵn sàng hy sinh cái đã có giới hạn trước mắt để đổi lấy cái sẽ có đầy ước mơ và sáng tạo bao la hơn. Trong bầu không khí nghiêm trọng trước mặt con dân Thái ấp, Trí Hải đứng dậy, đối diện với đám đông và trả lời ngắn gọn, miệng mỉm cười đầy vẻ bao dung che chở:

- Được!

Trí Hải nghe nhiều hơn nói vì hiểu rằng đám đông cần sự đóng góp hào phóng; cũng như người hầu cận cần nhận lời khen và ban ơn thực tế hơn là những lời phát biểu hoa mỹ. Lời nối lời trang điểm làm vui tai người nghe. Trong lúc nguy khốn không có gì giá trị bằng một tiếng “được” xả bỏ, không dính mắc với khối nam châm vật chất trong tay và giữa đời.

Trên đường về, Phạm Xảo lên tiếng:

- Cho tháo khoán hết cả ba kho, thì còn đâu lương thực để dự trữ. Lỡ khi cần đến là chịu bó tay!

Trí Hải dường như không quan tâm, trả lời hờ hững:

- Lúa thu của họ thì trả về cho họ. Mình không được mà cũng chẳng mất. Có thu thì có phát; có vay thì có trả. Mình vay mà bắt người khác trả là trái luật công bằng. Đây là lúc phải trả.

- Chỉ sợ trắng tay thôi.

- Khi huynh bơi chung mảnh ván qua sông với ông vua tương lai qua Rạch Gầm, Xoài Mít chắc là còn trắng tay hơn chúng ta bây giờ nữa.

*

Đại trai đàn “cầu vũ, tống ôn” diễn ra rầm rộ ba ngày, ba đêm trước sân đình Thái ấp. Tám ông trưởng họ trong Thái ấp ăn chay nằm đất từ mấy hôm trước, thường xuyên phủ phục trước các án thờ, sẵn sàng cung nghinh dâng lễ bái bất kỳ lúc nào hội Hội đồng nghi lễ cần đến. Suốt ngày tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng mõ, tiếng phèn la, tiếng người lĩnh xướng hành lễ... lúc nhanh lúc chậm, lúc dày lúc thưa cứ nối đuôi nhau chạy vòng vòng không dứt. Đêm đến, tiếng sênh, tiếng trống nhịp, tiếng kèn, tiếng đàn của phường lễ nhạc càng nghe rõ mồn một xuyên qua những cánh đồng vắng.

Đặc biệt nghi lễ tống ôn lần nầy không chỉ nhằm đưa tống dịch bệnh sâu rầy như thường lệ mà còn một hiện tượng bất thường, đó là lễ “tống kỳ ôn”. Trí Hải ngẩn người khi thấy xuất hiện trong nghi thức hành lễ một hình nhân đan bằng tre nứa với tóc tai, trang phục kiểu Trung Hoa. Hình nhân mặc áo đỏ, chít khăn vàng và mang bên vai một bao may bằng vải gấm có khắc chữ “Hàn Kỳ Gia Bảo” màu trắng nổi bật trên nền đen. Hình nhân được cột trói chằng chịt và bị bốn người mặt mũi tô vẽ ghê rợn như quỷ sứ, mỗi người kéo một tay hay một chân và lôi hình nhân đi xềnh xệch. Hình nhân vừa di chuyển theo sau ngọn đuốc lớn, cháy đỏ phần phật, vừa có toán người xung quanh ném bột chai, muối sống, bột trấu, mạt cưa, chổi cùn... lên ngọn lửa, gây tiếng nổ lách tách, khói đụn từng hồi và ngọn lửa bùng lên dẹp xuống khi bừng, khi lụn.

Khi Trí Hải thắc mắc về nguyên nhân của loại lễ nghi mới mẻ và kỳ dị nầy, người đình trưởng Thái ấp giải thích rằng:

Từ sau Tết Nguyên Đán, có một người đàn ông Tàu nói rành tiếng Việt xuất hiện tại kinh thành Huế. Người nầy tự xưng tên là Hàn Kỳ Vương, dòng dõi Hàn Tín. Hàn tự xưng là một ông vua đánh cờ tướng đệ nhất kỳ vương trong thiên hạ. Bất kỳ đi đâu hay cả đến lúc ăn lúc ngủ, ông ta đều mang bao gấm bên mình. Trong đó đựng một bộ cờ tướng tối cổ, làm bằng “Tinh Huyết Thạch” là một loại đá sống đời và phát triển như sinh vật. Hàn Kỳ Vương tuyên bố rằng, ông ta chỉ đánh cờ với ai có sự nghiệp. Nếu thắng thì Hàn Kỳ Vương chịu mất bộ cờ gia bảo, truyền đời. Nếu thua thì phải giao trọn sự nghiệp cho Hàn Vương. Những tin đồn “chính quy lẫn du kích” và sự suy diễn, thêu dệt quanh bộ cờ cùng lời phóng đại về ma lực của chủ nhân bộ cờ ngày một sôi nổi và lan xa đầy tính huyền thoại và thách đố. Tin đồn cuốn hút người nghe đủ mọi lứa tuổi và mọi thành phần xã hội. Nghe để thỏa mãn tò mò cũng nhiều và nghe để loan truyền phóng đại thổi phồng tin đồn từ mặt đất lên đến tận mây xanh cũng lắm. Tuy chưa ai tận mắt thấy được những quân cờ nằm im trong đãy gấm, nhưng người người kháo với nhau rằng, những quân cờ có khả năng tự di động và phát ra ánh sáng làm mờ mắt các kỳ thủ kém bản lĩnh. Lại có tin đồn là những quân cờ phải được nuôi và tắm trong máu của “tam sinh” trâu, dê, lợn hàng tháng.

Hàn Kỳ Vương kể đi kể lại lịch sử và dòng dõi của mình rằng, tổ gốc của ông ta là Hàn Tín, danh tướng khai quốc công thần nhà Hán. Năm 204 trước Tây lịch, giữa mùa đông lạnh giá bên bờ sông Hồng Câu đóng băng, quân Hán đóng quân đợi tiết xuân sang để tiến quân qua sông giao chiến với quân Sở. Đối mặt với quân Hán, lập tuyến phòng ngự sau những dãy đồi tuyết phủ, quân Sở cũng đang án binh bất động chờ đợi và sẵn sàng nghênh chiến sau mùa lạnh. Đại nguyên soái Hàn Tín mô phỏng theo môn chơi Thiên Biến Vạn Hóa (Chaturanga) từ Ấn Độ, truyền qua Ba Tư theo đường tơ lụa đến Trung Hoa từ thuở tinh mơ của lịch sử, để chế ra môn Tượng Kỳ là tiền thân của Cờ Tướng. Suốt mùa Đông, quân sĩ nhà Hán chia phe chơi đấu cờ. Bàn cờ cũng là chiến trường thu nhỏ. Nhờ vậy mà quân của Hàn Tín tinh luyện đuợc nếp suy nghĩ và un đúc được khả năng chiến lược và chiến thuật mềm dẻo và tài tình khi lâm trận. Khi mùa Xuân đến, quân sĩ của Hàn Tín đã tiến công và phá vỡ được trận tuyến của quân Sở, đem lại sự thắng trận vẻ vang cho quân Hán.

Thế nhưng mãi đến triều đại nhà Tống (960-1279), môn cờ tướng mới được canh tân và hoàn thiện, nhưng trên bàn cờ thì dòng sông giữa hai phe theo Tướng Điều hay Tướng Lát vẫn còn ghi dấu “Sở hà” và “Hán giới” của thuở sơ khai.

Một nhánh của dòng họ Hàn sản sinh những tay kỳ vương lẫy lừng trong thiên hạ và kế tục truyền từ đời nầy sang đời khác cho đến ngày nay.

Ngày ngày, Hàn Kỳ Vương cùng với các vệ sĩ và tay chân thân tín lũ lượt kéo đến khắp chốn trà đình tửu điếm trong kinh thành. Càng không có người đứng ra ứng đấu, thái độ thách thức đầy kiêu mạn của phe Kỳ Vương càng tăng lên. Phe bình dân hay cờ, phe kẻ sĩ cao cờ, phe kỳ sĩ danh cờ, phe ẩn sĩ tuyệt cờ... khắp kinh thành đều rùng mình im lặng trước thực tế và huyền thọai lẫy lừng của bộ cờ “huyết thạch” có lịch sử bách chiến bách thắng cả ngàn năm từ Trung quốc đem sang. Bộ cờ cũng là món gia bảo của dòng họ Hàn vua cờ trong thiên hạ.

Khi cán cân vũ khí đối kháng trên chiến trường quy ước không ngang sức thì hệ quả tất nhiên là một bên thắng và một bên thua.

Giữa sự im lặng kéo dài như nhận chịu, bỗng vang lên tin đồn rằng, chính Hàn Kỳ Vương và bộ cờ ma quái của ông ta đã mang lại sự xui rủi, thiên tai, sâu bệnh, mất mùa, đói khổ đang đe dọa trong vùng. Tâm lý đối kháng quần chúng thường là nguyên nhân tạo ra một loại vũ khí du kích mới...

Nhìn đám nông dân đang reo hò xua đuổi hình nhân “tống kỳ ôn” và câu chuyện kể rạch ròi của người đình trưởng, Trí Hải xúc động. Những lớp áp bức của thần quyền, thế quyền, vương quyền và ngoại quyền thường xuyên đe dọa. Trong lúc trình độ thấp kém của quần chúng và sự lạc hậu của một nếp sống ao tù là vùng đất thánh cho những thế lực u ám đó nẩy mầm, đâm rễ.

Đêm Thái ấp ủ kín dưới bóng cây lưu niên bốn mùa không rụng lá. Dinh ông Hoàng im vắng như lầu liêu trai dưới tàn cây xanh. Trí Hải không ngủ được, ra đứng ngắm trời. Đom đóm và sao khuya gặp nhau trên những đọt cây thông xa vút. Điểm gặp gỡ của hai đốm sáng là bóng tối. Nguồn sáng xa nhau nhưng lại hiển hiện gần nhau trên đọt thông già và trong mắt người đứng ngắm. Vì sao đêm, con đom đóm nhỏ, rặng thông già, đêm tốt và người đứng ngắm là những cái duyên vừa khởi lên trong một sự tình cờ mà hoà điệu. Tất cả hiện và biến rất nhanh như một cuộc cờ. Trong dòng sống trôi mãi về phía trước, sẽ không có hai cuộc cờ lặp lại. Trong thân phận làm người, không có hai cuộc đời giống nhau.

Trí Hải mơ hồ nghĩ đến mình, nghĩ đến những gì không phải là mình và nghĩ đến một cuộc cờ cuối cùng khó tránh khỏi. Dường như cũng đồng tâm trạng với những tay cao cờ khắp xứ, Trí Hải và Phạm Xảo đều cảm thấy như mình đang đối diện với một cuộc chiến vô hình đang diễn ra trước mắt. Hàn Kỳ Vương đang xua đại quân đến giang sơn bờ cõi của mình để khiêu chiến. Im lặng là mặc nhiên chấp nhận đầu hàng, thua cuộc. Nhưng chiến đấu với một địch thủ có binh lực bách chiến bách thắng, đầy khí thế hiển hách vừa cả uy, lại vừa cả vũ như thế kia thì làm sao địch lại. Bàn cờ là một chiến trường quy ước, binh tướng quân phân, ranh giới rạch ròi. Voi, ngựa, tướng, sĩ đều phải nhất nhất tuân theo những hành động tiến thủ đã thành nguyên tắc. Sức mạnh dồn tụ lại để tranh thắng nằm ở bản lĩnh điều binh khiển tướng của hai tay “phù thủy” được gọi là kỳ vương, kỳ thủ, kỳ sĩ... ra sức khuynh loát làm chủ chiến trường.

Bên cạnh bàn cờ những ngày sau đó, Phạm Xảo có lần hỏi Trí Hải:

- So với Ấm Thuyên, hoàng hữu cao hay thấp?

Trí Hải hồi tưởng và trả lời:

- Ý huynh muốn nói cao thấp có nghĩa là ăn thua hay cao thấp về cái tâm, cái trí và cái đạo của người chơi cờ?

- Nói chung ấy mà.

- Cuộc cờ là cuộc sống, có muôn nghìn vẻ khác nhau. Có đất tranh nhưng không có đất chung giữa những con người chấp ngã. Người chơi cờ chỉ cốt sát phạt ăn thua nhau là Hầu Kỳ (hành trạng của loài khỉ, loài vượn ham ăn và bắt chước). Chơi cờ như một cách thực hành điều binh khiển tướng là Tượng Kỳ. Chơi cờ như một cách biểu thị cái ngã khoáng đạt, cái nhìn phiêu dật của mình là Tiên Kỳ và chơi cờ như một sự thể hiện cái tâm rỗng lặng, cái chí an nhiên của mình là Đạo Kỳ.

Ông lão suy nghĩ một hồi về “cái đạo đánh cờ” và nói khó:

- Đánh cờ như đánh giặc, thắng người hay bị người đánh thắng; sát người hay bị người sát... làm gì có quân tử và tiểu nhân trên bàn cờ khi hai bên đều thủ thắng.

Sau câu nói đó, không có tiếng trả lời. Phạm Xảo nhìn quanh và nhìn qua Trí Hải thì thấy ông ta đã ngủ, miệng lộ nét mỉm cười như đang nói: “Biết rồi! Xưa nay vẫn thế!”

----o0o---

Nguồn: Phương trời cao rộng
Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]