Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giai đoạn mới: Adscho Rimpotsché

28/05/201318:09(Xem: 10343)
Giai đoạn mới: Adscho Rimpotsché
Con Đường Mây Trắng


4. Miền Nam Và Trung Tây Tạng
Giai Đoạn Mới: Adscho Rimpotsché

Nguyễn Tường Bách
Nguồn: Anagarika Govinda. Nguyễn Tường Bách dịch


Kể từ chuyến đi lên vùng cao nguyên miền tây Tây Tạng và Ladakh mà từ đó tôi mang về lại toàn thể hình ảnh của tám mươi bốn vị Thành tựu giả (Siddha) và một số lớn bản sao các bích họa trong các đền thờ thì tôi quan tâm về đạo lộ huyền bí của các vị tất địa, về giáo pháp và cuộc đời của họ, có phần lịch sử, có phần huyền hoặc cũng như hình tượng của họ, mối quan tâm đó ngày càng lớn. Với mối quan tâm đó, tôi quyết định đi thăm đền của vị Rintschen Sangpo tại vương quốc Guge ngày nay đã hoang phế, vì tôi hy vọng sẽ tìm thấy những gì còn sót lại của truyền thống tâm linh cũ nhất và cũng hoàn hảo nhất của nghệ thuật tôn giáo Tây Tạng.

Kể từ ngày xuất hiện linh ảnh trong đến núi đá trên đường đi Tschang-Thang đến nay thì sáu năm đã trôi qua - đó là một biến cố đã mở mắt cho tôi về ý nghĩa phi thường của những linh ảnh đầy sáng tạo và vai trò của nghệ thuật trong tôn giáo, nó vượt lên giá trị thiện mỹ thông thường, nó ẩn chứa cái chìa khóa mở ra cho chúng ta thấy các man-đa-la, mở ra các linh ảnh và cả toàn bộ phép tu thiền định cũng như mỗi song hành giữa thế giới nội tại của con người với vũ trụ xung quanh.

Tôi dùng sáu năm đó để nghiên cứu đời sống tâm linh và kinh sách Tây Tạng và để sưu tầm tất cả thông tin về hoạt động của Rintscheen Sangpo cũng như vài trò của ông trong việc thiết lập và củng cố Phật giáo tại miền tây Tây Tạng bị điêu tàn sau thời Langdarma. Thế nhưng lúc chuẩn bị chuyến viếng thăm lại tây Tây Tạng thì chiến tránh thế giới lần thứ hai nổ ra và hủy tất cả hy vọng thực hiện kế hoạch của tôi.

Tsaparang trở nên một cái đích hầu như không thể đạt tới đối với tôi. Trong thời gian đó thì tôi tìm được nơi Li Gotami - người bạn đồng hành trong kế hoạch của mình, người đàn bà quyết định cùng chia sẻ công việc và cuộc đời với tôi, trên cơ sở mục đích tâm linh và nghệ thuật chung cũng như quan tâm đặc biệt của Li về nghệ thuật Tây Tạng. Chúng tôi làm quen với Rabindranath Tagore(37) trong viện đại học quốc tế Santinikentan tại Bengal, nơi tôi làm giảng viên cho lớp cao học và cũng là nơi Li Gotami trải qua mười hai năm nghiên cứu nghệ thuật Ấn Độ (lúc đầu với Nandal Bose và về sau với Rabindranath Tagore) và học được nghệ thuật làm bích họa cũng như tranh thanka của nghệ nhân Tây Tạng. Tôi đưa Li vào các chi tiết của hình tượng cũng như thế giới quan Tây Tạng và cuối cùng Li cùng tôi thọ giới phái Kargyutpa, trở thành vợ tôi và là bạn đồng tu. Hình như Tomo Géché Rimpotsché đã biết trước điều này vì ông đã ban phép cho Li trong lần gặp cuối cùng tại Sarnath và khi nghe Li hỏi liệu có thành công lớn nếu dâng hiến đời cho phương pháp.

Lễ cưới tôn giáo của chúng tôi được chủ trì bởi Adscho Rimpotsché(38), ông là tu viện trưởng của Tsé-Tscholing. Một vị lạt ma thân thiết lâu năm với tôi khuyên tôi nên cầu thỉnh đến Adscho, lúc đó Adscho đã tám mươi bốn tuổi và là một đại sư trong phép tu thiền định. Niềm tôn kính ông ở miền nam Tây Tạng cũng như tại Bhutan và Sikkim được thể hiện bằng một ngôi đền hai tầng tuyệt đẹp xây nên do sự cúng dường của tín đồ. Mặc dù trong tay ông là những số tiền khổng lồ cho tòa nhà, tranh tượng cũng như mua thỉnh nhiều kinh sách và trang thanka quí giá, ông không có tài sản cá nhân nào cả và sống hết sức đạm bạc trong một căn nhà gỗ nhỏ dưới chân đền.

Cũng như các vị lạt ma tại Latchen và các vị tất địa trước mình, ông là người có gia đình. Vợ ông là một người Damema đích thực, một con người vị tha, như vợ của Marpa. Bà là mẹ của tất cả những ai nằm trong vòng quen biết của bà và của chồng bà, nhất là đệ tử của ông. Adscho Rimpotsché là hiện thân của vị tất địa Dombhi-Beruka vào thế kỷ thứ tám sau Công nguyên, người đã từ bỏ ngôi vua để sống cuộc đời thiền định trong sự cô tịch của rừng núi, nơi mà sau nhiều năm tinh tấn giác ngộ và trở thành một vị tất địa. Sau khi chứng ngộ, ông trở lại với quần thần và trở thành vị nhà lãnh đạo tâm linh, là tấm gương sinh động của sự chứng thực của con người và phụng sự cho chúng sinh. Được nhận phước lành của một người như thế va được ông khai thị cho các phép thiền định và ấn quán đặc biệt, đối với chúng tôi là một biến cố, thêm sức mạnh cho đời sống tâm linh của mình.

Sau Tomo Géché Rimpotsché, không có sự tiếp nối nào hoàn hảo hơn, để có thể hướng dẫn và cảm khái chúng tôi. Thậm chí tôi thấy rằng, tất cả những lần quán đỉnh vào các phép thiền định và giáo pháp của Kim cương thừa mà chúng tôi nhận được trong hai năm sau đó từ những lần đi hành hương tại miền nam, trung và tây Tây Tạng, chúng không những chỉ có liên hệ với nhau, mà nằm trong một man-da-la hoàn hảo. Nằm trong một “vòng tròn huyền bí”, trong đó chứa đựng tất cả khía cạnh quan trọng của đời sống tâm linh Tây Tạng.

Điều kỳ lạ là trong thời gian ở Yiga Tscholing tôi được một người bạn gốc Sikkim tặng cho một bức tranh thanka vẽ một đồ hình man-đa-la: Phật Thích-Ca Mâu-Ni ở giữa, phía trên là A-Di-Đà, hiện thân của Vô lượng quang, phía dưới là Liên Hoa Sinh, người giảng Tử Thư (Bardo Thodol) và giáo pháp huyền bí “đạo lộ trực tiếp”. Hai góc phía trên một bên là Văn Thù, hiện thân của trí huệ siêu việt và góc kia là thần Tara, nữ thần giải thoát, hiện thân của tình thương từ mẫu, mặt bổ túc của trí huệ siêu việt của Văn Thù. Hai góc kia, một bên là Quán Thế Âm, hiện thân của lòng từ bi và tâm sẵn sàng cứu độ, còn góc kia là Kim cương thủ, người giữ Kim cương chử của sức mạnh tâm linh và của giáo lý bí truyền.

Ý nghĩa sâu kín của bức thanka được trình bày qua vị trí của các hình. Nó là then chốt mở cánh cửa của đạo lộ thiền định mà man-đa-la chứa đựng. Không có nó thì các hình ảnh chỉ là những biểu tượng chết cứng chứ không phải là bảng chỉ đường dẫn lối cho hoạt động tâm linh trên đường giác ngộ.

A-Di-Đà, Thích-Ca Mâu-Ni và Liên Hoa Sinh đại diện cho sự giáng hiện của nguyên lý tâm linh xuất hiện từ pháp thân thường trụ, biến thành dạng xuất hiện nhất thời của Ứng thân, trong dạng của Đức Phật lịch sử và người đại diện vĩ đại của Ngài, người đưa đạo Phật đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ tám.

Trục trung tâm của sự giáng hiện tâm linh và thứ tự thời gian nằm thẳng đứng trên bình diện phi thời gian (vì luôn luôn hiện diện) của bình diện tâm linh. Từ nơi đây pháp thân tùy theo tính chất của Phật quả, tách ra: tương tự như một lăng kính trong đó một tia sáng tách ra nhiều màu khác nhau. Nơi đây là chỗ sinh ra các hình ảnh uyên nguyên của phép thiền định: nó trình bày những thân khác nhau tùy theo tính chất của kẻ giác ngộ. Báo thân chỉ là thân hữu sắc nhưng phi thời gian và phi vật chất, đó là thân nằm giữa pháp thân, vô sắc, phi thời gian và ứng thân, đó là thân vừa thân vật chất (thân người) vừa phi vật chất (một dạng xuất hiện thấy được của thiên nhân giáng thế).

Trong man-đa-la này của chúng ta thì các báo thân chính là bốn góc của hình vuông (hay bốn cánh của một hoa sen), mà đường chéo của nó cắt nhau tại chỗ Thích-Ca Mâu-Ni, điều đó nói lên các tính chất của những báo thân đó hội tụ trong Ngài.

Nếu hai đường chéo của hình vuông nối hai hình lại với nhau trong một nguyên lý như nhau, thì những đường ngang và dọc của hình vuông báo thân nối lại những hình mà chúng có tính chất đối lẫn nhau; vì theo quan điểm Phật giáo thì sự thăng bằng tâm linh là điều kiện tiên quyết của giác ngộ. Nếu chỉ thuần trí huệ hay thuần từ bi cũng không dẫn đến giải thoát. Trí huệ thiếu từ bi sẽ dẫn đến sự khô cứng, từ bi thiếu trí huệ sẽ dẫn đến sự tan rã. Chỉ nơi mà tim và óc hợp lại thì mới có giải thoát đích thực. Trong thuật ngữ Phật giáo thì Bát Nhã (prana, trí huệ, tri kiến) và phương tiện (upaya), phương cách để tỏ lộ những gì tri kiến như lòng từ, lòng bi, hai mặt đó phải thăng bằng với nhau. Nói cách khác: sự thống nhất của nguyên lý nhận thức và nguyên lý cảm xúc, giữa Logos và Ethos, giữa tư duy và hành động, giữa tính chất lý trí và cảm xúc, giữa hiểu biết và hành động… là cần thiết để chứng thực cái cao nhất mà con người đủ sức đạt tới. Thế nên các đường nằm ngang phía trên thể hiện như sau;

- (trái) Văn Thù, nguyên lý nhận thức với kinh trí huệ siêu việt ở tay trái (thụ động), với lưỡi kiếm của trí huệ phân biệt ở tay phải (chủ động).
- (phải) Tara, lòng cứu độ từ mẫu, người giải thoát hiểm nguy, nguyên lý cảm xúc.

Đường ngang phía dưới;

- (trái) Quán Thế Âm, thể hiện lòng từ bi, nguyên lý dương - chủ động cảm xúc; và ngược là với Quán Thế Âm là
- (phải) Kim cương thủ, khía cạnh mạnh của Bát Nhã.

Sự đối cực tương tự được nhắc lại trong đường thẳng đứng của hình vuông báo thân:

- (trái) phía trên là Văn Thù, là khía cạnh trí huệ và Quán Thế Âm (dưới) là khía cạnh từ bi của Phật tính.
- (phải) phía trên là Tara, là khía cạnh cảm xúc và Kim cương thủ (dưới) là khía cạnh sức mạnh của nguyên lý nhận thức.

Tất cả những tính chất của hình vuông báo thân đều được biểu hiện trong dạng ứng thân của Phật Thích-Ca Mâu-Ni và cũng trong người kế vị là Liên Hoa Sinh. Thế nhưng nếu trong Thích-Ca Mâu-Ni, dạng trí huệ của Văn Thù và khía cạnh bổ sung là lòng từ bi mẫu tử (như trong kinh Từ Bi thể hiện) được nhấn mạnh thì với Liên Hoa Sinh, khí cạnh uy lực của nhận thức mật điển và lòng từ bi cứu độ mọi loài của Quán Thế Âm Bồ-tát là chủ yếu. Để bày tỏ mối liên hệ này, Văn Thù và Tara được để trên cao tả hữu của Thích-Ca Mâu-Ni, trong lúc Quán Thế Âm và Kim cương thủ nằm bên tả hữu của Liên Hoa Sinh.

Cũng như vị Phật Thích-Ca Mâu-Ni, người được xem là bổn sư của thời đại chúng ta, nằm trong trung tâm của thanka thì vị đạo sư luôn luôn nằm trong tim của người trò, vì giữa cá vị thầy đích thực không bao giờ có sự cạnh tranh - cũng như không bao giờ có sự cạnh tranh giữa các khía cạnh của sự thực. Mỗi vị thầy chỉ có thể đáp ứng những gì bản thân ông đã chứng thực, điều mà ông đã hiện thân nơi chính con người mình. Không có vị thầy riêng lẻ nào có thể tận dụng hết mọi khía cạnh của thực tại; và dù điều này xảy ra thì ông vẫn có con đường riêng của mình đã đi đến đích cao nhất. Thế nên, không những chỉ tùy thuộc nơi sự thành tựu của thầy mà còn tùy nơi cá tính và khả năng của trò, qua đó mà biết phương pháp nào là hiệu nghiệm nhất cho trò. Vì rằng mục đích cuối cùng của mọi phương pháp chỉ là một nên thực ra không có mâu thuẫn hay bất hòa giữa chúng với nhau. Thật là bất hạnh nếu cứ nhảy từ phương pháp này qua phương pháp khác mà không học được điều gì đáng kể trong mỗi thứ đó.

Lễ điểm đạo của một đạo sư đích thực không hề giống các giáo phái mê tín: đó là sự tỉnh thức để thấy chính tực tại nội tại của mình, cái mà dù có ngắn ngủi nó phải được thấy, cái sẽ quyết định sự phát triển tiếp theo cũng như thái độ sống tích cực của chúng ta. Vì thế, điểm đạo là món quà quý nhất của vị đạo sư, một món quà quí hơn vô số lần gia nhập tăng đoàn một cách hình thức (hay bất cứ một hội đoàn tôn giáo nào). Điều này thường được diễn ra bất cứ lúc nào, không đòi hỏi chất lượng tâm linh của người chủ lễ hay người gia nhập - chỉ cần lượng tâm linh của người chủ lễ hay người gia nhập - chỉ cần người gia nhập chấp nhận các qui luật đã định và không bị những bất toàn về tâm linh, đạo lý hay vật lý của ứng viên.

Thế nên một vị thầy chỉ có thể cho những gì ông đã chứng đạt được và để trao truyền những gì đã chứng thực, ông phải đủ trình độ động viên tất cả năng lực nơi mình trước khi làm lễ điểm đạo. Vì thế ông cần chuẩn bị kỹ lưỡng, không phải chỉ thuần lý như một vị thầy giáo trong trường trung hay đại học về bài giảng của mình bừng cách thu nhặt tất cả những điểm chính yếu và trình bày lại với một trình tự có lý và thuyết phục. Ngược lại, sự chuẩn bị của một đạo sư tâm linh là tự đưa mình tiếp xúc với nguồn suối sâu xa nhất của năng lực tâm thức, để ông có thể trình bày được cái năng lực và tính chất mà ông muốn trao truyền. Một sự chuẩn bị như thế có thể kéo dài nhiều ngày hay nhiều tuần, tùy theo tự tính của năng lực đó hay tính chất của các biểu tượng tạo tác, chúng là thứ phải được đánh thức trong tâm của người trò và biến thành sinh động. Người được ấn chứng vì thế phải chuẩn bị bằng cách thanh lọc tâm thức và chú tâm lên các ý niệm và mục đích, họ sẽ thông qua lễ điểm đạo mà trở thành thực tại được chứng nghiệm.

Thế nhưng nước thánh của Vô Lượng Thọ có thể chuyển bằng lễ nghi nguyên thủy, trong đó lễ chuẩn bị cho học trò sự tham gia đầy ý thức và giảng rõ những hành động và biểu tượng của lễ. Nếu được như thế thì kẻ tiếp nhận có đủ khả năng hô triệu năng lực của Vô Lượng Thọ cho chính mình và cho người khác, bằng cách người đó phải thực hành diệu pháp (sadhana) của Vô Lượng Thọ và phát huy được những tính chất hiện thân cho Vô Lượng Thọ trong các câu chú của Ngài, cho đến lúc hành giả trở thành chỗ dung chứa xứng đáng của những tính chất đó. Chỉ khi nào đạt được mức này thì hành giả mới có thể truyền những năng lực tâm linh lên người khác, những năng lực đã được tự mình chứng ngộ. Adscho Rimpotsché là một trong những đạo sư hiếm hoi hoàn toàn ý thức về những điều này. Ông không ngại bất cứ điều gì để chuẩn bị cho chính mình và cho học trò buổi lễ điểm đạo đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Bàn thờ điểm đạo là một tác phẩm nghệ thuật, được dựng lên kỹ lưỡng và đúng nghi lễ của truyền thống tâm linh - truyền thống mà cái đẹp được diễn tả một cách tự nhiên, hồn nhiên của ý nghĩa nội tại nằm trong nó, chứ không phải nhằm mục đích đạt tới một hiệu quả mỹ thuật nào. Yếu tố hiệu ứng của loại nghệ thuật xa lạ, trống rỗng không hề có tại Tây Tạng.

Bàn thờ tạo nên một man-đa-la hoàn hảo gồm nhiều biểu tượng và Adscho Rimpotsché giảng cho chúng tôi ý nghĩa và chức năng của chúng, nhờ đó mà chúng tôi hiểu vai trò của chúng trong buổi lễ. Điều làm chúng tôi quí nhất là các khai thị của ông về các chi tiết trong nghệ thuật thiền định và phép tạo linh ảnh, mà lễ điểm đạo đã mở đường cho chúng tôi cũng như các câu chú được trao truyền mà chúng tôi cần tu tập hàng ngày. Chỉ trên cơ sở của linh ảnh tạo tác (dhyana), chúng được kết tinh bởi sức mạnh sinh động của các âm nội tại (mantra) để thành thứ bậc toàn thể của một man-đa-la, chúng tôi mới hiểu được ý nghĩa của nghệ thuật tôn giáo Tây Tạng nhất là của các tranh thanka và các bích họa.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]