Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hóa thân (33)

28/05/201318:01(Xem: 10685)
Hóa thân (33)
Con Đường Mây Trắng


Hóa Thân (33)

Nguyễn Tường Bách
Nguồn: Anagarika Govinda. Nguyễn Tường Bách dịch


Sự tạo dựng một hình ảnh sáng tạo, chứa mầm mống của ý niệm cao đẹp nhất, đó là ý nghĩa đích thực của từ “Magie”, đó chính là lực tạo tác, nó có thể sinh thành hay chuyển hóa sắc thể. Vì thế một ý niệm chỉ có tác dụng khi nó phải được xuất hiện bằng một biểu tượng, biểu tượng đó không chỉ là một dấu hiệu thông thường ẩn dụ văn thơ, mà là một biểu tượng có giá trị nhất định, sinh động, cơ bản, đủ khả năng gây cảm thọ trực kiến nội tâm và chứng nghiệm. Đó là lý do tại sao Phật giáo Tây Tạng lại quan tâm nhiều đến linh ảnh và trực kiến về các biểu tượng của Phật quả - các biểu tượng đó cũng nhiều như các tính chất của một vị giác ngộ - và sự quán chiếu các hình tượng thờ cúng, man-da-la (linh phù), thần chú và các thứ tương tự. Tất cả những thứ này không phải là ngoại vật để họ tôn thờ mà chủ yếu là phương tiện để quán chiếu, qua đó mà hành giả trở thành đồng nhất với ý niệm của mình, bằng cách tự chuyển hóa mình trở thành chính niệm, biến mình thành hiện thân của ý niệm.

Tại Tây Tạng, người ta biết đến một phép tu dành cho những người biết giáo lý Bardo Thodol (nói về thân trung ấm, tức là dạng ý thức giữa sống và chết hay giữa chết và sự tái sinh). Mục đích của phép này là đi thẳng và trung tâm của tự tính chúng ta, đó là chỗ mà ý thức rút về khi cái chết của thân thể trờ tới, nơi ý thức chứng nghiệm sự chuyển đổi từ đời nay qua đời sau. Nơi đây không phải chỗ để soi xét lại quá khứ hay nhìn trước tương lai mà là nhận thức và tri kiến trọn vẹn những mầm mống đang hiện tiền của các khả năng sắp xảy ra. Ai nhận tức được tự tính đích thực của chúng, người đó sẽ làm chủ những năng lượng tàng ẩn trong chúng và trong phút giây của sự chết có thể lèo lái chúng, để khi chúng được giải thoát ra khỏi sự ràng buộc của thân cũ, chủ dộng tiếp nối sức mạnh của chúng để đưa vào một thân mới.

Quá trình này được Tây Tạng gọi là “chuyển thức” (hphoba). Đó là một hành động di chuyển ý thức, nó có thể xảy ra giữa hai cá nhân đã phát triển toàn vẹn hay sự chiếu rọi ý thức của một người lên một mầm sống vừa tượng hình trong lòng mẹ. Một sự tác động trực tiếp của ý thức lên ý thức hay sự tập hợp tinh lực tâm linh dồn lên một sinh cơ nhạy cảm, sẵn sàng cảm nhận mà bản thân nó chưa biết hoạt động chỉ thụ động nằm chờ; ngày nay dựa trên kiến thức của kỹ thuật radio, mối liên hệ giữa máy phát và máy nhận ta có thể hiểu được.

Nếu người bình thường hay chịu cái chết bất chợt và bị nó áp đảo thì những kẻ đã kiểm soát được thân tâm đủ khả năng tự rút ra khỏi thân thể mình, không phải chịu cái đau đớn vật vã chống lại cái chết và ngay lúc đó cũng vẫn không mất sự làm chủ về thân mình.

Điều này được chứng tỏ trong cái chết của Tomo Géché với bằng cớ là thân ông vẫn bất động trong thế ngồi thiền định sau khi chết lâu cũng thế. Không ai biết rõ cái chết đến từ lúc nào. Có thể nhiều ngày đã trôi qua khi người ta đưa tấm gương trước mặt ông. Cả tuần sau thân ông vẫn yên thế, như H.E. Richardson, vị đặc mệnh người Anh tại Tây Tạng dã xác nhận. Vài tuần sau khi nghe Tomo Géché chết, ông đi qua lũng, nơi có tu viện Dungkar Gompa. Và vì đã quen vị Rimpotsché lúc còn sống, ông dừng chân, đi ngựa lên tu viện nằm trên một đỉnh đá cheo leo giữa thung lũng phì nhiêu. Vị sư trưởng chào ông trân trọng và Richardson chưa kịp nói lời chia buồn thì vị vấy nói Rimpotsché vui mừng được tiếp ông. Hoàn toàn ngạc nhiên và nghĩ mình nghe tin sai, khách liền theo chủ vào phòng Rimpotsché. Ông ngạc nhiên xiết bao khi vào phòng thấy Tomo Géché ngồi yên trên chỗ thường lệ. Nhưng ông biết ngay đây chỉ là cái xác ngồi trước mặt mình. vị sư trưởng thì hầu như nghĩ khác, vì ông hành động y như vị Rimpotsché còn hiện tiền.
Ông giới thiệu khách vào và mời ngồi. Rồi ông nói - hầu như như lặp lại tiếng nói của Rimpotsché - “Vị Ripotsché chào mừng ông và hỏi ông đi đường ra sao, có khỏe mạnh không?” - Với cách này mà câu chuyện diễn ra thực sự giữa Rimpotsché và Richardson, trong lúc đó thì trà vẫn được dâng lên và tất cả mọi sự đều bình thường, đến nỗi người khách không tin vào giác quan của mình nữa. Thật là một chuyện kỳ lạ và nếu Li Gotami và tôi nghe chính Richardson nói, mà sau đó vài năm chúng tôi gặp lại ông tại Gyantse thì chúng tôi ắt hẳn phải nghi ngờ.

Dĩ nhiên không phải vị sư trưởng cố ý đóng kịch làm trung gian để tiếp xúc với thần thức Tomo Géché, ông làm trong niềm tin tưởng rằng vị đạo sư đang hiện tiền. Bao lâu mà tấm thân thiêng liêng đã từng chứa thần thức của ông duy trì - thì bấy lâu vị sư trưởng còn đối xử một cách đầy kính trọng như thời vị đạo sư còn sống.

Đối với người phương Tây, thật khó mà hiểu tâm tư của một người Tây Tạng ngoan đạo và lại càng khó hiểu thái độ của những kẻ mà cái sống và chết không phải là hai thái cực mà chỉ là hai mặt của một thực tại độc nhất. Từ thế đứng này, ta có thể hiểu được người Tây Tạng ít sợ chết hơn phần lớn người khác. Khía cạnh cúng tế thần chết của tôn giáo thời tiền sử cũng như di hưởng của nó trong truyền thống và lễ nghi của Phật giáo Tây Tạng - trong đó biểu tượng của cái chết như sọ người, bộ xương, thây ma và mọi dạng của nát rữa, sự hoại diệt… được ý thức - không phải phương tiện để xa lánh và quay lưng với cuộc sống mà là cách để chế ngự các thế lực đen tối chúng diễn tả mặt trái của đời sống.

Thân của lạt ma nổi tiếng (như Đại lai lạt ma và Ban thiền lạt ma) không được thiêu đốt hay hủy diệt mà được thờ như xá lợi, trong các đàn thờ dát vàng bạc mà ta gọi là Tschorten, được giữ lại cho hậu thế. Một đàn thờ như thế được dành cho Tomo Géché và sự trang hoàng tuyệt đẹp của đàn không phải chỉ là biểu tượng của sự chứng thực cao tột của ông mà còn nói lên tình yêu thương và sự tôn quí của người Tây Tạng dành cho ông. Khi nghe ông mất, hàng ngàn người xa gần đều đến Dungkar Gompa để tỏ lòng tôn kính lần cuối và mang theo phẩm vật như vàng bạc và đá quý để xây đàn. Ngay cả những người nghèo khổ cũng nhất định góp phần mình vào đó: nhiều người dâng tặng bông tai có gắn đá xanh, nhẫn hay vòng đeo tay, kẻ khác dâng vật trang sức bằng san hô hay vật dụng bằng bạc. Họ không tiếc gì công của để xây dựng một cái đàn xứng đáng, để đời sau còn nhắc nhở đến vị đạo sư vĩ đại, để con cháu được hưởng sự hiện diện tâm linh của ông. Lòng thiết tha và dâng cúng của tín đồ thật không sao kể xiết. Vì tặng phẩm quá nhiều,
ở dạng bảo vật, tiền bạc và đồ trang hoàng nên người ta phải làm một cái đàn bằng bạc cao hai tầng, khắc họa mọi hình tướng, dát vàng bạc, và đầy những thứ đá quý, san hô. Các thợ bạc khéo nhất được triệu đến để hoàn thành một công trình mỹ thuật và hoàn hảo.

Phần dưới của đàn đủ lớn để tạo ra một không gian, nơi đó đặt xác ướp của Géché cùng với mọi pháp khí để trên bàn thờ trước thân ông, như lúc còn sống. Còn đàn thì được để trong một tòa nhà lớn xây lên chỉ dành cho ông mà các vách tường xung quanh đều được tô vẽ bằng hình tượng Phật, Bồ-tát và các vị hộ pháp đầy uy lực cũng như một số thánh nhân khác, trong số đó có hình tượng của tám mươi bốn vị thành tựu giả (Siddha)

Trước khi thân ông được chính thức đưa vào an nghỉ trong đàn(34) thì một bức tượng gần bằng người thật với thân người và nét mặt giống ông được hoàn thành bởi các nghệ nhân truyền thống. Trong mỗi đền do Tomo Géché dựng lên và cai quản đều nhận được một bức tượng đúc lại từ đó và thờ bên cạnh tượng Di Lặc. Tượng Tomo Géché được trình bày với ấn giáo hóa, tay mặt đưa lên cao bàn tay ngửa ra ngoài, như ấn vô úy của Phật Bất Không Thành Tựu, nhưng khác ở chỗ là ngón tay cái và tay trỏ chạm nhau làm thành vòng tròn, ám chỉ sự giáo hóa của pháp phi thời gian, từ đó mà sinh ra tri kiến vô úy.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]