Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nyang-to Kyu-phug tu viện của người nhập thất

28/05/201317:50(Xem: 11011)
Nyang-to Kyu-phug tu viện của người nhập thất
Con Đường Mây Trắng


Nyang-To Kyu-Phug Tu Viện Của Người Nhập Thất

Nguyễn Tường Bách
Nguồn: Anagarika Govinda. Nguyễn Tường Bách dịch


Tất cả những gì mà tôi nghe thấy ở trung tâm tu phép Lung-gom tại Nyang-to Kyi-phug (hang động phước lại tại Nyang) xác định lòng tin của tôi là, mục đích của lung-gom, như phép thần túc thông hay bay bổng lên không, vượt xa tham vọng đạt thần thông, và trung tâm này không phải là nơi tụ họp của những kẻ tham vọng hay ích kỷ, vì cái đầu tiên đòi hỏi một người học phép lung-gom là hoàn toàn ẩn danh.

Khi nhập thất thì người đó đã chết đối với thế gian: không ai được biết tên tuổi, quyến thuộc hay quê hương người đó. Người đó đã bỏ luôn cái quá khứ của mình và sau nhiều năm khi ra khỏi động thì không còn gì của ngày xưa tồn tại với mình nữa, không ai biết người đó là ai. Đó là một người như mới sinh ra kẻ không những quá khứ đã chết, mà là người đã chủ động đi qua cánh cửa của thần chết và tái sinh lại, sống cuộc đời xả bỏ mọi tham chấp riêng tư. Con người mới đó sẵn lòng vì lợi ích của sự giác ngộ của mọi người mà còn giúp họ thoát vòng vô minh.

Điều này còn được lòng tin của quần chúng xác nhận rằng gốc của lung-gom là mong ước của một vị thánh nhân, muốn vượt lên cái chết bằng cách từ bỏ chính tự ngã mình. Vị này là nhà sử học danh tiếng Buston, sinh năm 1289 gần Schigaste và là tu viện trưởng của Schalu. Nơi đó là trung tâm khổ luyện phép lung-gom. Cách đó không xa có một nhà đại huyễn thuật tên Yung-ton Dorje Pal, trong một buổi lễ đặc biệt đã khẩn cầu thần chết, đừng bắt ai phải chết trong một thời gian mười hai năm. Thần chết đồng ý nhưng với điều kiện là phải có ai hy sinh thân mình để đổi mạng (ý này dễ chấp nhận vì một cái chết để cúng dường có giá trị bằng hàng ngàn mạng người chết vì phải chết). Trong buổi lễ đó không ai dám chịu cả chỉ trừ Buston. Cũng vì thế mà nhà huyễn thuật phải thừa nhận vị thánh nhân này là người duy nhất có thể cử hành buổi lễ, nên thay vì nhận sự hy sinh của Buston, ông trao cho Buston các đệ tử trách nhiệm cứ mười hai năm cử hành buổi lễ một lần.

Trong buổi lễ vì phải mời các vị phẫn nộ thần của các chính điện tại trung tâm Tây Tạng và chỉ có sứ giả không biết sợ và có tài đi nhanh đến các thánh thất đó trong vòng hai mươi bốn tiếng mới thực hiện được sứ mạng, nên người ta thiết lập trung tâm đào tạo Lung-Gom tại Samding và Nyang-to Kyi-phug, từ đó mà các sứ giả được gửi đi, cứ mười hai năm thay đổi lẫn nhau.

Câu chuyện này tôi được nghe tại Kyi-phug cũng được Alexandra David-Neel kể lại trong cuốn sách của bà. Tôi không có dịp thăm Samding nhưng cách đây vài năm tôi đọc một bài của Sven Hedin, trong đó ông nói về một cái hang “nằm cao hơn Linga và Pesu”, trong hang đó có một vị lạt ma nhập thất bít kín cửa. Ông thăm chỗ này vào một ngày mùa đông. Hang động này nằm dưới chân một vách đá cao, mang tên Samde-phug. Hang động có cửa sổ, cửa lớn; nhưng có một nguồn suối phun nước từ trong ra, dưới vách tường bít kín cửa ra vào.

“Khi vị lạt ma Rimpotsché bí ẩn này đến liga cách đâyba năm, ông nguyện với các sư trong viện sẽ sống vĩnh viễn trong bóng tối. Qua nghiên cứu kinh sách, người ta xác định ngày tốt sẽ bít cửa. Đến ngày đó thì tất cả các sư tề tựu đông đủ để tiễn ông vào mồ. Câm lặng và chậm rãi như trong một đám tang, các sư từ bình nguyên tụ về cao nguyên, đi từng bước, gần như muốn kéo dài phút giây cuối cùng để cho vị này còn được thấy mặt trời, ánh sáng và màu sắc. Ông biết rằng mình sẽ rời thế gian này vĩnh viễn, không bao giờ được thấy các ngọn núi đứng canh mồ mình. Ông biết mình sẽ chết trong hang, không còn ai nhớ tới.

Sau khi hang được bịt kính, ánh sáng sẽ tắt mãi mãi với ông. Ông sẽ cô đơn, không bao giờ nghe được tiếng người, chỉ còn vang vọng giọng nói của chính mình. khi ông cầu nguyện không còn ai nghe thấy ông, khi ông gọi không còn ai thưa đáp. Đối với bạn đồng môn đã chôn sống ông thì ông đã chết. Họ im lặng xuống tu viện và làm công việc hàng ngày của mình. Mối đây duy nhất giữa họ và người trong động chi là trách nhiệm mỗi ngày phải mang cơm nước cho ông. Một chén nhỏ gồm có tsampa, trà và bơ được chuồi vào khi nhỏ dưới vách, nhưng khe này nhỏ tới mức mà tiếng động, ánh sáng khó vào được với ông. Cách duy nhất để biết ông còn sống hay không là xem ông có ăn uống không. Khi thức ăn suốt sáu ngày liền không được đụng đến thì người ta phá cửa. Nhiều nhà sư kể lại đã có nhiều trường hợp xảy ra: “Cách đây ba năm có vị lạt ma chết sau khi ở trong thất mười hai năm, trước đây mười lăm năm có vị chết, vị này vào thất lúc hai mươi tuổi và sống trong bóng tối bốn mươi năm”.

Sven Hedin cố tưởng tượng những năm tháng vô tận mà kẻ nhập thất phải chịu đựng trong bóng tối: “Người đó không thể đếm ngày nhưng cứ tới mùa hè thì biết một năm đã trôi qua. Về sau chắc người đó không còn nhớ mình đã ở bao nhiêu năm. Cái duy nhất mà người đó đếm được là những hạt của tràng hạt và các lời cầu nguyện… Cuối cùng, sau những năm dài đằng đẵng có ai gõ cửa hang, người đó duỗi tay để đón bạn. Đó là cái chết đã đến ngưỡng cửa. Người tu hành đui mù này suốt chục năm chìm trong bóng tối, đột nhiên thấy ánh sáng rực rỡ… Người đó đã thoát khỏi cảnh luân hồi và đi vào ánh sáng của ân phước vĩnh viễn”.

Câu chuyện xúc động này theo đuổi bên tôi mãi, làm tôi thán phục liệu có ai và làm sao được, suốt một đời sống trong bóng tôi, không có khí trời trong lành, thiếu vận động mà chịu nổi - đó là chưa nói tới sự cùn lụt tâm trí bắt buộc không có khi không tiếp xúc với người. Có thể tin được chăng, khi loại bỏ ánh sáng mặt trời người ta tìm được ánh sáng tự thân hay thậm chí sự giác ngộ? Không phải chính Đức Phật cũng lên án cách tu hành khổ hạnh ép xác cũng như sự hưởng thụ dục lạc thế gian?

Sự tự hủy diệt tâm lý không bao giờ được đạo Phật xem là phương tiện thay đức hạnh. Và người Tây Tạng, dù họ tin nơi sức mạnh siêu nhiên và năng lực chuyển hóa, nhưng từ xưa đến nay trong cuộc sống thường ngày cũng như trong phương pháp tu hành, luôn luôn là người có đầu óc tỉnh táo. Tính chất của họ là thực tiễn và quan niệm tôn giáo của họ không hề hắc ám hay tách rời cuộc sống.

Điều này thì khi đến tại Nyang-to Kyi-phug, tôi hoàn toàn rõ, dù nơi đây có lỷ luật cao độ và tu hành nghiêm túc, tất cả những gì hiện diện nơi đó đều ngược lại với ý niệm cho rằng lung-gom phải tu trong bóng tối (điều mà bà David-Neel hình như cũng tin) và trong điều kiện thiếu vệ sinh không xứng hợp với con người. Ngược lại! Tôi vui mừng thấy các thất thiền định nằm trên dốc núi cao hơn các tu viện hay đền đài, được chăm sóc kỹ lưỡng, chúng được xây dựng hết sức thích hợp để bảo toàn cho sức khỏe vật lý cũng như tâm lý của hành giả, tạo cho họ một sự an tĩnh tuyệt đối, không bị quấy rầy. Nơi đây đúng là”tinh thần minh mẫn trong thân tráng kiện”.

Mỗi một thất đều xây sao cho không khí, nước và mặt trời đều vào được và người ở trong đó phải được vận động. Dù cách ly với thế giới bên ngoài, hành giả vẫn liên hệ được với không gian rộng lớn và có thể theo dõi vận động của trời mây và thiên thể cũng như quang cảnh của bốn mùa. Thất không phải là nơi hành xác hay hay chịu tội mà là chốn của an vui và đi sâu vào quán tưởng. Hoàn toàn không phải là một nấm mồ, thất đưa con người đến tâm an lạc, cũng như gọi tên của Kyi-phug (hang động an lạc). Ấn tượng chung đó làm tôi cũng ước muốn một ngày kia sẽ thiền định và quán tưởng không bị quấy rầy trong một cái thất như thế, trong một thời gian dài.

Kẻ nhập thất có thể mang theo sách vở, hình tượng, tranh thanka, tùy theo phép tu của họ, cũng như vật dụng để cử hành nghi lễ hàng ngày như kim cơnưg chử, chuông, đèn, bình đựng, kể cả tschoktse - một loại bàn thấp để bày biện các thứ. Từ những điều đó ta biết rõ, thời giờ của hành giả được chia rất cẩn thận, gồm học hỏi kinh sách, lễ nghi cầu nguyện và thiền địnhh, chỉ bị gián đoạn bởi sự tập luyện thân thể và các công việc cần thiết như nấu nướng, giữ gìn thân thể và áo quần sạch sẽ, lau chùi các vật dụng tế tự. Với trình độ ngày càng cao thì những hành động đó cũng trở thành các bước thiền quán, rồi cuối cùng toàn bộ cuộc sống của hành giả chỉ là hoạt động đơn thuần của thiền định.

Các thất này thường có một bếp nhỏ với vài cái nồi chảo để nấu trà bơ, đó là phần không thể thiếu được trong thực phẩm Tây Tạng (vì hầu n hư không thể nuốt tsampa khô rốc xuống họng được) và các món đơn giản khác. Các cứ sĩ đến thăm tu viện thường chỉ cúng dường các thứ chưa nấu và một ít thực phẩm khác, chuồi dưới khe bên cạnh cửa đã niêm phong. Bên cạnh bếp thường có một khoảng nhỏ, dưới dó là một con lạch tách từ một dòng suối chảy qua, dùng cho mọi nhu cầu quan trọng, kể cả vệ sinh cá nhân.

Chỗ thiền định thật sự thì rộng và thoáng - nhờ một khoảng trần trống hình vuông nên thành một cái sân nhỏ, xung quanh có mái. Mái che xung quanh một bên rộng, ba bên kia hẹp. Dưới mái rộng là chỗ ở chính của hành giả. Nơi đó gồm có một cái bệ hơi cao bằng đá và đất, dùng làm chỗ ngồi và nằm, trải trên đó là một tấm chiếu mỏng. Đối diện với chỗ ngồi là bàn thờ với tranh tượng, đèn, chén nước và các vật dụng khác. Vách tường đối diện, dưới mái che hẹp là nơi dùng để chứa chất đốt, vật dụng quan trọng trong thời tiết lạnh lẽo của Tây Tạng mà trà nóng hầu như là phương tiện duy nhất để giữ ấm. Tại Tây Tạng chất đốt quá quí, không ai dùng để sưởi phòng, mà trong trường hợp này lại càng không thể, vì trần mở phía trên.

Chất đốt sử dụng trong các thất không phải là phân trâu thông thường vì trong đó hay có sâu bọ - vì thế không phù hợp cho kẻ tu hành có lòng từ bi thương mọi chúng sinh - mà thường là tro trấu hay một loại thảo có hình nấm, có xơ gỗ, giống như một loại rêu cứng mọc trên các triền núi. Người ta cho rằng trong chất đốt này không có loại động vật nào cả.

Từ sân nhỏ có thang lên mái xung quanh và mỗi ngày hành giả có thể lên đó mà không ai thấy; nhờ có vách tường cao che kín có thể lên đó mà không ai thấy; nhờ có vách tường cao che kín nên có thể thiền hành mà không bị quấy rầy. Nhờ thế, hành giả có thể đi cả dặm mỗi ngày tùy thích mà không phải rời thất.

Cách đi này được gọi là “kinh hành” của thời Phật giáo nguyên thủy, ngày nay còn được thực hành trong các nước theo Thượng tọa bộ. Khi đi kinh hành các vị sư nhẩm đọc kinh sách. Còn các hành giả lung-gom thì đi trên mái nhằm giữ sức khỏe thân thể, vì đối với người nhập thất suốt cả tháng cả năm thì đó là cách duy nhất được vận động trong khí trời và ánh sáng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]