Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 2: Cứ như là từ một xứ khác: 1910-1952

28/05/201311:24(Xem: 8130)
Chương 2: Cứ như là từ một xứ khác: 1910-1952

77pgiaoucchau-cover

LỊCH SỬ PHẬT GIÁO ÚC ĐẠI LỢI
(History of Buddhism in Australia)

Nguyên tác: Paul Croucher
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng

---o0o---

Chương 2

Cứ như là từ một xứ khác: 1910-1952

Sự kiện đầu tiên có thể được kiểm chứng về một tăng sĩ Phật Giáo, hay ít nhất một người tự xưng là tu sĩ, đặt chân lên xứ Úc, được xem là vào đầu năm 1910. Đó là Đại Đức U Susana Dhaja (Lá Cờ Chân Lý),một tăng sĩ thuộc “Dòng Áo Vàng” (Order of the Yellow Robe) ở vùng đồi Sagaing, Miến Điện, vị này còn được biết với tên E. H. Stevenson, một người Anh sinh năm 1863 ở Yarmouth. Ông nói rằng Phật Giáo Miến Điện đã gây ấn tượng cho mình trong khi làm công việc kinh doanh ở đó, và không thỏa mãn với cuộc sống thế gian, nên đã quy y thọ giới vào tháng chín năm 1908. Ông đến Úc Châu là để truyền giáo, theo lời đề nghị của những người bạn Miến Điến, và cũng để dưỡng bệnh sau khi bị bệnh sốt rét nặng. Sau một chuyến diễn thuyết trước rất đông thính giả ở Perth, ông đến Adelaide vào đầu tháng năm, tuyên dương Phật Giáo như một “hệ thống phát triển tâm trí, giống như sân vận động là hệ thống phát triển thân thể”(Buddhism as a system of mental development just as a gymnasium is a system of physical development). Như vậy, “người ta có thể vừa là tín đồ Ca Tô Giáo lại vừa theo sống lối sống của tu sĩ Phật Giáo một cách tự nhiên cũng như một người có thể vừa là sinh viên vừa là một vận động viên thể dục cùng một lúc”.

Ngày 31 tháng năm, ông diễn thuyết ở Ballarat City Hall, với sự chủ tọa của ông thị trưởng. Hôm đó trời rất lạnh, nhưng ông chỉ mặc chiếc áo vàng, đi chân không với cái đầu cạo trọc, và Nhật báo “Ballarat Star” đã ghi nhận rằng ông “nói chuyện một cách rất hùng biện và nhiệt thành”. Ông đã tô điểm thêm cho bài diễn thuyết của mình với “màu sắc và những giai thoại Đông phương để hấp dẫn thính giả”. Nhưng về chính Phật Giáo thì ông không có gì nhiều để nói, và ông kết luận rằng Đức Phật là ánh sáng của Á Châu, và Đức Christ vẫn là ánh sáng của thế giới.

Ông đã nói là chỉ đến Úc Châu trong một thời gian ngắn, nhưng vào ngày 16 tháng mười hai, Stevenson vẫn còn diễn thuyết ở Sydney. Theo tờ báo “Adelaide Advertiser” thì mấy năm trước ông đã làm một chuyến diễn thuyết ở Úc rồi và với một cái tên khác, vì vậy người ta nghi ngờ về nhân vật mờ ám này. Người ta cũng được biết là ông có một danh thiếp kinh doanh và đang tài trợ cho chuyến đi của mình bằng cách bán những bức tượng Phật làm bằng thạch cao mà ông nói là xưa bảy trăm năm trước, vì một bức tượng với tờ chứng nhận kèm theo về sau đó đã lọt vào tay của Leo Berkeley, người sáng lập Hội Phật Giáo New South Wales.

Năm săm sau chuyến diễn thuyết của Stevenson, một nhóm tu sĩ Phật Giáo khác đã đến Sydney trong hoàn cảnh rất khác. Đứng đầu là Thượng tọa Nyantiloka, năm tăng sĩ này đều là người Đức đã thọ giới ở Tích Lan, và từ đó họ được đưa đến Trại Tập Trung Holdsworthy ở Liverpool như những tù nhân thời chiến. Là một trong những tiên phong thực sự của Phật Giáo Tây Phương, Ngài Nyantiloka có tên tục là Anton Gueth, sinh năm 1878 ở Wiesbaden, nước Đức, là một tay đàn vĩ cầm có tài, và sau người Anh Allan Benett, là người Âu Châu thứ hai trở thành tu sĩ Phật Giáo, ở Rangoon, Miến Điện, năm 1903. Cuốn “Lời Đức Phật" (The Word of the Buddha) của ông xuất bản lần đầu tiên năm 1906 đã làm cho ông nổi tiếng, và cuốn này được xuất bản lần thứ mười sáu vào năm 1988.

Năm tăng sĩ Nyantiloka, Vappo (Ludwig Stolz), Mahanama, Kondanna, và Vimaha, cũng như hai sinh viên cư sĩ đến bến Sydney vào đầu tháng tám năm 1915 cùng với ba trăm người Đức khác. Một người chứng kiến mô tả hoàn cảnh của họ ở trại tập trung như sau: “Các tu sĩ Phật Giáo mặc áo vàng và áo nâu vừa mới đến trại đã trở thành đề tài chế giễu. Họ được gọi là chim yến, và trong mấy ngày sau đó, chỗ nào họ đi đến cũng có tiếng huýt sáo giả tiếng chim yến ... Việc ăn mặc của họ rất dễ dàng, họ không nhận một món vật dụng thông thường nào mà trại cấp phát, cũng không cần chăn mền, còn về gối thì họ xin phép được đi lấy những cục đác lớn ở bên ngoài trại để gối đầu khi nằm ngủ. Nhưng về sau đa số những người trong nhóm đã bỏ đạo của mình, có lẽ vì sự chế giễu của những đồng bào của họ, mặc trở lại quần áo bình thường và ăn đủ ba bữa mỗi ngày”.

Họ thay đổi có lẽ vì bị chế giễu và vì lạnh, chỉ có ngài Nyantiloka và Vappo là vẫn mặc áo tu sĩ. Theo đệ tử nổi tiếng của ngài là Nyanaponika Thera thì Đại Đức Nyantiloka vẫn giữ những ký ức không vui về thời gian ở trong trại tập trung đó. Nhưng có một người Ý nhớ rằng ngài là một người “mập, hay nói chuyện và dễ làm quen ... lúc nào cũng đi quanh trại để tìm người theo đạo”. Còn Vappo thì “không nói gì cả, làm lơ những người chế giễu mình, kết quả là họ cụt hứng và ngượng nghịu”.

Sau đó ít lâu, “tăng đoàn” nhỏ những tu sĩ và cư sĩ này được đưa đến chỗ ở tốt hơn ở Trial Bay, phía Bắc thành phố New Castle, tiểu bang NSW. Ở đây, Nyantiloka làm một cái nhà tranh nhỏ ở gần bờ biển, và có thể viết sách mà không bị làm rộn. Ngài được cho phép đi Hawaii vào tháng mười một năm 1916, còn Vappo thì ở lại đây cho đến khi thế chiến thứ I chấm dứt (1918). Ngay sau đó ngài tìm được chỗ dạy học ở Đại Học Tokyo và trở lại Tích Lan năm 1926. Có điều đáng ngạc nhiên là báo chí Sydney không nói gì về việc ngài đến hay đi khỏi thành phố này, và sự có mặt của ngài cũng không được tạp chí của Hội Thông Thiên Học ghi nhận. Có lẽ điều này cho thấy Hội Thông Thiên Học đã xa rời căn bản Phật Giáo lúc đầu của mình. Khi F. L. Woodward đến Úc Châu năm 1915, ông được xem là tín đồ Phật Giáo thứ hai đến đây, sau Đại Tá Olcott.

77pguc-Nyanatiloka


Thượng tọa Nyantiloka và năm Tăng Sĩ vừa đến Vịnh Trial (Sydney) từ Tích Lan

Frank Lee Woodward sinh năm 1871 ở Norfolk, Anh Quốc, con trai thứ ba của một giáo sĩ Anh Giáo. Ở trung học, và sau đó ở Sydney Sussex College, Cambridge, ông là một tay chơi thể thao nổi tiếng, nhưng vào khoảng năm mười chín tuổi, ông trải qua một thời kỳ “u trầm” về tâm lý (psychological distress), đưa ông đến triết lý khắc kỷ của Marcus Aurelius, là người mà ông gọi là “cột trụ vững chắc cho những người sống nội tâm” (a pillar of strength to those who live inwardly). Từ năm 1898 ông dạy học ở Stamford trong năm nam, nhận bằng tiến sĩ ở Đại Học Cambridge vào năm 1901. Trong khoảng thời gian này ông khám phá ra Thông Thiên Học (Theosophy), lúc đầu là qua thuyết luân hồi (reincarnation) của Plato. Ông gia nhập Hội Thông Thiên Học năm 1902, và rất tin vào Đại Tá Olcott và loại hình Phật Giáo của ông này. Dù ngay từ lúc đó đã là một điều lỗi thời, nhưng như một người theo Phật Giáo Thông Thiên Học, Woodward vẫn tuyệt dối tin vào các vị Mahatmas vùng Hy Mã Lạp Sơn mà bà Blavatsky đã nói đến. Về sau ông viết cho một người bạn: “Đừng chê giáo lý Thông Thiên Học chỉ vì mình không nắm được hay vì có sự thiên về một mặt, tức là thiên về Ấn Giáo. Đức Bồ Tát Di Lặc đang quán sát thế giới này” (Do not repulse Theosophy Society’s teachings because you cannot grasp them or because on side is prominent i.e Hinduism… the Bodhisatava Maitreya is watching over this world).

Là một người Thông Thiên Học thuộc phái cũ, ông sẵn sàng làm theo ý Đại Tá Olcott. Năm 1903, Olcott công cử cho ông chức vụ hiệu trưởng Trường Makinda của Hội Thông Thiên Học Phật Giáo ở Galle, Tích Lan.

Ở đây ông làm việc không mệt mỏi trong mười sáu năm, đạt một địa vị huyền thoại gần ngang với Đại Tá Olcott. Không nhận tiền lương, ông dùng nhiều tài sản của mình để xây dựng những cơ sở mới và nghĩa cửa này làm cho ông phải sống nghèo khó vào cuối đời. Tuy là một thầy giáo nghiêm khắc, ông vẫn được 350 nam sinh của trường này xem là thần tượng.

Ngoài công việc điều hành trường, ông đích thân giảng dạy với nhiều lớp khác nhau. Ông biết rõ tên của từng học sinh và nhớ cả tên lóng mà chính ông đặt cho từng đưa theo tên của nhân vật trong các vở kịch của Shakespear. Woodard cũng dạy những lớp Phật Học cao cấp. Ông thường mặc áo sơ mi trắng và thọ trì tám giới cấm vào ngày trăng tròn, ông cũng thường đích thân rửa chân cho nhiều vị tăng khi họ đến trường khất thực. Trong một thời gian ông làm chủ bút tờ “Buddhist”, tạp chí Phật Giáo hàng đầu của Tích Lan, và năm nào cũng đi Madras, Ấn Độ, để tham dự hôi nghị hàng năm của Hội Thông Thiên Học. Tuy nhiên, khí hậu nhiệt đới bắt đầu có ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe của ông, vì thế năm 1919, trang bị với trọn một tấn sách và những “xá lợi”, tặng phẩm của các tăng sĩ ở quận Galle, ông về hưu ở Tasmania (Úc châu) và sống phần đời ba mươi năm còn lại của mình và dịch kinh sách tiếng Pali.

77pgiaoucchau-woodward.jpg


Frank Lee Woodward

Wooward mua một vườn táo nhỏ cùng với ngôi nhà tranh của một hội viện Thông Thiên Học. Tọa lạc ở bờ sông Tamar cách Launceston bốn mươi cây số, ngôi nhà của ông nhìn ra phong cảnh hùng vĩ của núi Ben Lemond, một trong những đỉnh núi cao nhất ở Tasmania, cách đó 65 cây số. Trong khung cảnh thơ mộng này, ông bắt đầu thực hiện công trình thực sự của đời mình, ở tuổi gần năm mươi. Ngoài việc thỉnh thoảng đóng góp bài vở cho tạp chí “Theosophy in Australasia”, công việc chính của Woodward là dịch thuật cho Hội Kinh Điển Pali (Pali Text Society), do Tiến sĩ Rhys Davids thành lập năm 1881 ở Luân Đôn. Tính từ năm 1916 trở đi, số kinh sách đóng góp của ông không dưới mười sáu cuốn, trong đó có các kinh như Trường Bộ Kinh(The Digha Nikaya, or "Collection of Long Discourses"), Trung Bộ Kinh(The Majjhima Nikaya, or "Middle-length Discourses),Tương Ưng Bộ Kinh(The Samyutta Nikaya or The Grouped Discourses), Tăng Chi Bộ Kinh (The Anguttara Nikaya, The "Further-factored" Discourses). Đáng kể nhất là tuyển tập “Lời Dạy của Đức Phật” (Some Sayings Of The Buddha), có lẽ là cuốn này làm cho ông được nhớ đến nhiều nhất. Chirstmas Humphreys, một tín đồ Phật Giáo Thông Thiên Học nổi tiếng ngang với Woodward, viết vào năm 1972 rằng ông xem cuốn này vẫn là tuyển tập về Kinh Điển Pali hay nhất đã được xuất bản. Cuốn này cũng được đưa vào loạt sách “Cổ Thư Của Thế Giới” (World’s Classics Series) với lời giới thiệu của Sir Francis Younghusband. Đối với nhiều người Tây Phương, kể cả những tín đồ PG Úc nổi tiếng sau này, thì cuốn “Lời Dạy của Đức Phật”vẫn là ngưỡng cửa để bước vào Phật Giáo, và dù ngày nay văn phong của cuốn này có vẻ hào nhoáng, nó vẫn làm cho Wooward được đặt ngang hàng với Rhys Davids và Nyanatiloka như một học giả kinh điển Pali.

Đời sống của F. L. Wooward ở Tasmania có tính cách đơn sơ và thôn dã. Ông sống cho những tác phẩm dịch thuật của mình và Tasmania cung cấp sự tịch tỉnh cần thiết cho ông. Tuy những người trong làng này xem ông là có phần lập dị, ông vẫn giao tiếp thân mật với những người láng giềng gần nhất và được trẻ em địa phương yên mến. Mỗi khi đến tiệm tạp hóa ông lại mua kẹo phân phát cho chúng. Ông cũng lập những lá số tử vi (astrological charts) cho các em, và đây là một thú giải trí Thông Thiên Học. Là người ăn chay trường và yêu súc vật, ông làm cho hàng xóm ngạc nhiên khi họ thấy ông thích loài rắn trong vùng, trong đó có những con rắn được ông đặt tên riêng.

Trong những năm cuối đời của ông, khu vườn không được chăm sóc, và lối sống “ thiểu dục tri túc” của ông không tiện nghi gì hơn đời sống của một tu sĩ Phật Giáo, với số tiền trợ cấp khoảng 70 bảng một năm, nhưng ông vẫn xem là luôn luôn khá “vui vẻ và sôi nổi” rồi. Ông hành thiền mỗi đêm, và trở nên xao lãng với vẻ bên ngoài của mình đến mức trong những dịp ít có rời khỏi “bán kính đạo viện”, ông thường chỉ mặc “một cái quần pyjamas, một cái bao giấy thay cho áo sơ mi, và cái khăn đội đầu màu trắng”, theo lời kể của ông. Những người láng giềng nói rằng trong một chuyến đi dạo, ông tình cờ gặp Sir Robert Menzies lúc đó đang đi thăm người bạn trong vùng, và đã mời ông đến nhà mình uống trà. Woodward chỉ đi thành phố Launceston hai hay ba lần mỗi năm, thường là để tham dự những hoạt động của chi hội Thông Thiên Học địa phương. Ông tuyên bố rằng mình luôn luôn “tin tưởng vào phương diện tốt đẹp của bất cứ sự việc gì xảy ra”. Có lẽ sự nhiệt thành này đã giảm bớt phần nào khi ông giao tiếp với những Phật tử Úc mỗi lúc mỗi đông hơn trong mấy năm trước khi ông qua đời vào năm 1952.

Một người khác thuộc Hội Thông Thiên Học của Olcott cũng sống ở Úc nhiều năm là Charles Webster Leadbeater (1847-1934), cánh tay phải của Annie Besant, và theo ý kiến của Jill Roe, có lẽ cũng là “gót chân Achilles” tức “nhược điểm" của bà. Leadbeater là một giáo sĩ Anh Quốc Giáo bất mãn với giáo phái của mình, đi theo Olcott và Blavatsky đến Tích Lan, ở đây vào năm 1884 ông chính thức trở thành tín đồ Phật Giáo như một phần công việc của mình cho Hội Thông Thiên Học. Trong số những tác phẩm của ông là cuốn “Sơ Lược Giáo Lý Phật Giáo" (Smaller Buddhist Catechism), nhưng có lẽ ông không bao giờ cảm thấy tự nhiên với Phật Giáo. Ông là người thuộc phái bảo thủ trung kiên, và theo John Cooper thì ý tưởng của ông về “người tiến hóa” có lẽ luôn luôn là một “gentleman người Anh”. Leadbeater đến Úc vào năm 1914, ngay khi thế chiến thứ I nổ ra, và ở lại Úc cho đến năm 1929 . Cuộc chiến tranh này làm nối lại liên hệ mật thiết với nước Anh và từ đó phát sinh một loại thân Anh (Anglophilia) mà lý thuyết Thông Thiên Học của ông phù hợp một cách kỳ lạ. Leadbeater là tác nhân chính yếu ở phía sau nhiều thay đổi lớn về chiều hướng của Hội Thông Thiên Học trong thời kỳ này. Leadbeater là người khám phá ra Krisnamurti và do đó đặt ra “Dòng Ngôi Sao Đông Phương” (Order of the Star of the East). Ông cũng là người dựng lên Giáo Hội Công Giáo Tự Do ở Sydney (Liberal Catholic Church) và Giảng Đường Ngôi Sao (Star Amphitheatre) ở Balmoral nơi “Đức Christ Tái Lâm” được xem là sẽ xuất hiện. Leadbeater thu hút một số lớn hội viên Thông Thiên Học đến Úc, kể cả Giáo Sư Ernest Wood, sống ở Úc một thời gian, và là tác giả của cuốn “Từ Điển Thiền Học” (Zen Dictionary) xuất bản năm 1957. Trong thập niên 1920, nhờ có Leadbeater mà Hội Thông Thiên Học Sydney là chi hội lớn nhất và giàu nhất thế giới.

Nhiều người đả kích cũng như báo chí Sydney thích nói rằng Leadbeater có lẽ cũng là một người không đứng đắn, và hình như điều này còn là một phần trong chương trình học của trường Thông Thiên Học ở Sydney. Người ta không thấy ông bác bỏ lời tố cáo này, vì vậy cảnh sát có một hồ sơ về ông và công luận cũng có những lời phê bình nặng nề. Đa số tác giả xem Leadbeater là người thủ đoạn, gần như một mình làm cho phong trào Thông Thiên Học bị mang tiếng - chỉ có một điều thắc mắc là làm sao một nhân vật như bà Annie Besant lại chấp nhận Leadbeater. Gandhi xem ông là “một kẻ lừa bịp” (humbug), còn cuốn “Australian Dictionary of Biography” thì viết “ Có lẽ ông ta đã sống cả đời của mình trong vùng bóng tối ở giữa chủ nghĩa tôn giáo vô nguyên tắc và hoang tưởng tự đại” (He seems to have lived out his life in the shadowy borderlands between antinomianism and clinical megalomania).

Vào năm 1922, khi Alice Cleather, đệ tử của bà Blavatsky cũng như của Ngài Panchen Lama đang ở Úc, có một phong trào thuộc loại “Trở Về Với Blavatsky” nổi lên ở Sydney để chống lại cái mà nhiều người nghĩ là “những hoạt động nhỏ mọn giống như đỉa hút máu” do Leadbeater chủ trương, và cũng chống lại việc bà Annie Besant thay đổi chiều hướng của Hội Thông Thiên Học “dưới ảnh hưởng của Ấn Giáo”. Các hội đoàn Phật Giáo rốt cuộc được thành lập vào đầu thập niên 1950 có ý kiến chung là Thông Thiên Học đã trở thành một “tín ngưỡng pha trộn không phải thế này mà cũng không phải thế kia”. Ở trong quan điểm này những giáo thuyết kỳ cục của Thông Thiên Học vẫn không bị bác bỏ, vì một lý do là Thông Thiên Học đã trở thành một mớ ý tưởng hỗn tạp mà không ai hiểu nổi, và một lý do nữa là đa số hội viên Thông Thiên Học thuộc giai cấp trung lưu trên. Như vậy không muốn nói rằng nhiều người trong Hội Thông Thiên Học không nhận ra rằng lúc đầu phong trào này đã mắc nợ Phật Giáo. Khi các hội đoàn Phật Giáo được tổ chức, họ đã được các hội viên Thông Thiên Học giúp đỡ rất nhiều, thường là về phương tiện vật chất. Dù đã bị mất nhiều sức mạnh kể từ năm 1929, khi Krishnamurti bất ngờ chối bỏ bất cứ một vai trò đấng cứu thế hay nhà tiên tri nào người ta gán cho mình, những tiệm sách của Hội Thông Thiên Học Úc vẫn là nơi chứa nhiều sách Phật Giáo nhất có thể có được ở Sydney và Melbourne, và như vậy tiếp tục đóng góp vào việc quảng bá thông tin về Phật Giáo, giống như ý nguyện của Đại Tá Olcott.

Chắc chắn việc phản đối Thông Thiên Học đã có ảnh hưởng đến ý kiến của công chúng về tôn giáo Đông Phương nói chung trong những năm giữa hai thế chiến. Tình cảm “thân Anh” được tái lập và Chính Sách Úc Châu Trắng(White Australia Policy) tạo ra một không khí văn hóa không thuận lợi cho việc ca tụng những thành quả vĩ đại của nền văn minh Á Châu. Úc Châu không chỉ là một lục địa trống không, mà phần lớn lại còn không được phòng vệ, và điều này làm phát sinh bóng ma những đạo quân xâm lược người Á Châu. Hậu quả là sự quan tâm đầy cảm tình dành cho Đông Phương đã suy giảm, và cuộc khủng hoảng kinh tế có lẽ đã tạo thêm sức mạnh cho chủ nghĩa duy vật. Thập niên 1930 là những năm khó khăn cho Phật Giáo ở Úc Châu. Sách báo Thông Thiên Học và báo chí nói chung hiếm khi viết về Phật Giáo, và con số những tín đồ Phật Giáo hoạt động không phải là người Á Châu có thể chỉ đếm được trên một bàn tay.

Năm 1926 các đại biểu Úc Châu tham dự hội nghị của Hội Thông Thiên Học ở Madras, miền Nam Ấn Độ, đã mang về cùng với họ một cậu bé chín tuổi, người Anh, tên là Peter Finch. Peter đã được bà nội của mình, một tín đồ Phật Giáo lập dị, dắt đi khắp Ấn Độ và Tích Lan, và rồi sau đó ở hội nghị đã mất tích mấy ngày. Cậu ta đi theo một tăng sĩ Phật Giáo nhiều tuổi và được vị này cho mặc áo vàng. Có lẽ chuyện này không đáng được nhắc đến nếu không có một sự kiện là suốt đời mình Peter Finch luôn luôn nói mình là Phật tử. Những lời dạy bảo của bà nội và kinh nghiệm làm tu sĩ của Peter đã để lại ấn tượng lâu bền:

Tôi không phải đi giày. Tôi cảm thấy tự do và mát mẻ một cách kỳ lạ ... Tôi thích đi vào chùa nơi có nhiều bóng tối, nơi có một bức tượng Phật lớn, ngồi khoanh chân, hai tai dài, nói chuyện với ngài và hỏi đủ thứ câu hỏi. Người ta sẽ ràng buộc vào những hình nào đó, nếu những hình đó là một phần của cuộc đời khi người ta còn nhỏ”.

77pguc-peter-finch


Peter Finch

Sau khi học Thông Thiên Học ở Sydney, một phần là với Leadbeater, Peter Finch trở thành một Tỳ khưu, hay một tu sĩ khất thực ở Úc, sống bằng những việc tạm thời với thái độ kiêu kỳ. Một trong những người viết tiểu sử của ông cho rằng dù đã là một diễn viên thành công lớn, một phần con người của ông vẫn luôn luôn muốn trở thành tu sĩ lần nữa. Chắc chắn ông đã nói nhiều về Phật Giáo, đến mức làm cho nhiều người bạn của ông phát ngán. Ông ghét tất cả mọi loại bạo động, và như vậy có lẽ Phật Giáo đã có ảnh hưởng đến ông ở mặt này cũng như đã ảnh hưởng đến ý kiến của ông về diễn xuất: “Cái ta” không có thật. Có một ngàn cái “ta” khác nhau. Một diễn viên giỏi có thể trình bày hàng ngàn cái “ta” của mình đã quan sát một cách tinh tế”. Vật sở hữu giá trị nhất của ông là một bức tượng Phật lớn màu đen. Có lần ông nói: “Tôi nghĩ rằng một người chết trên thập giá là một biểu tượng kinh dị cho một tôn giáo. Tôi nghĩ rằng một người ngồi dưới gốc bồ đề và giác ngộ là một biểu tượng đẹp” (I think a man dying on a cross is a ghastly symbol for a religion. And I think a man sitting under a bodhi tree and becoming enlightened is a beautiful one). Ông thường nói với mọi người rằng mình là tín đồ Phật Giáo, như vậy theo tiêu chuẩn nào ông cũng phải được xem là một trong vài người Phật Giáo Úc Châu đơn độc trước thế chiến thứ II.

Năm 1926, năm Peter đến Úc Châu, David Maurice lên đường đi Á Châu để nghiên cứu Phật Giáo. Có thể xem Maurice là tín đồ Phật Giáo đầu tiên sinh ra ở Úc và không có liên hệ gì với Hội Thông Thiên Học. Ông ra đời ở Maclean, New South Wales, năm 1899. Cha của ông là một tín đồ Presbyterian nghiêm khắc, nhưng lại có một thư viện với nhiều loại sách khác nhau. Khoảng năm 12 tuổi, David Maurice đã đọc cuốn Trường Bộ Kinh(Digha Nikaya) bản dịch tiếng Anh của Giáo Sư Rhys Davids, và ông cho biết: “Dù không hiểu trọn vẹn, nhưng tức khắc tôi biết đây chính là mình” (though not able fully to understand it all, at once I knew, this is me). Sau hai năm học y khoa ở Đại Học Sydney, ông nghỉ học và trở thành một nhà văn, đi theo những nhóm “Bohemian” thuộc thành phố Sydney. Trong số những người bạn thân của ông vào đầu thập niên 1920 là Walter Burley Griffin, Rosaleen Norton, họa sĩ “huyền bí”, và Dulcie Deamer, “Nữ Hoàng Bohemian”, nổi tiếng về mặc một tấm da beo xuất hiện trước mọi người. Khoảng năm 1925, Maurice gặp thi sĩ Max Dunn sinh ở Ái Nhĩ Lan, mới đến Úc được một năm, và có lẽ ông còn gặp một, hai người nữa quan tâm đến Phật Giáo. Có lẽ họ đã thảo luận thân mật với nhau, và trong một phút nổi thi hứng, Dunn đã gọi đây là “Hội Đoàn Nhỏ Những Người Gặp Giáo Pháp”. Max Taylor và M. Johnstone, có khi được viết là Johnson, cũng được xem là thuộc nhóm này. Người ta nói rằng Max Taylor đã thọ giới một thời gian ở Miến Điện, còn Johnstone quy y ở Thái Lan. Khi sư trưởng người Thái Phra Dharmmadhiraraja Mahamuni đến thăm Úc năm 1956, ngài nói rằng có một người Úc đã quy y trước thế chiến thứ II, như vậy có lẽ đây là Johnstone. Tuy nhiên như chúng ta sẽ thấy, người ta nghi ngờ rằng không có một nhóm tín đồ Phật Giáo người Úc nào xuất hiện năm 1925, với lý do là Max Dunn thường” thêu dệt quá khứ của mình”.

77pguc-david-maurice


David Maurice (giiữa) & hai người bạn Miến Điện

Giống như Dunn và một số người Phật Giáo Úc khác sau đó, Maurice là một đảng viên của Đảng Cộng Sản Úc (Communist Party of Australia). Suốt đời ông mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa đế quốc thuộc bất cứ loại nào, và có lẽ điều này góp phần giải thích việc ông yêu mến nước Miến Điện. Ông có một cách giải thích khác, đó là luân hồi. Ông đã viết rằng mình không bao giờ cảm thấy thoải mái ở Úc, còn khi đến Miến Điện thì “cảm tưởng trở về quê hương mạnh thêm với mỗi bước chân của tôi”. Thật ra khi mới rời khỏi Úc Châu ông đã có ý định nghiên cứu Phật Giáo ở Trung Hoa, nhưng sau khi hết tiền ở Singapore, ông nghe nói ở Rangoon, thủ đô Miến Điện, có nhiều việc làm hơn. Ông sống ở Miến Điện 34 năm, chỉ vài lần trở về Úc trong những thời gian ngắn.

Khi mới đến Miến Điện, ông rất bất mãn vì thấy các tu sĩ Phật Giáo đến lui trong các chợ để khất thực, và vì vậy ông “nhập bọn với những người làm chính trị”. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1981, ông đã nói với giọng nửa đùa nửa thật rằng lúc đó ông là “người tả phái thứ hai độc nhất ở Miến Điện”. Ông biết nhiều người trong nhóm “Thakin” sau này lãnh đạo nước Miến Điện, trong đó có U Nu, là người mà trong thập niên 1950 đã dành cho ông một tiếng nói quan trọng trong chính trường Đông Nam Á. Ở Miến Điện, lúc đầu ông làm một công việc khiêm nhường trong ngành quảng cáo, rồi làm cho xưởng chất nổ của Nobel, cho ICI, và sau khi chính quyền Anh ra lệnh cho một người chủ đuổi việc ông, ông đã dùng kiến thức về hóa học của mình để chế tạo mực viết và dầu bóng từ những nguyên liệu địa phương Miến Điện. Ông luôn luôn sống rất đạm bạc, như một người Miến Điện, ở trong một cái nhà tranh rộng 4.2 thước, dài 4.8 thước. Nhưng ông vẫn luôn luôn là chính mình, không bao giờ “trở thành người bản xứ”, và có rất nhiều bạn bè người Âu là những công chức hay làm việc ở những sứ quán.

77pguc-david-maurice-2


Ông David Maurice và quý Sư Miến Điện

Đã đến lúc ông nghĩ rằng mình phải đi tìm những vị cao tăng am tường Giáo Pháp, và ông bắt đầu nghiên cứu Phật Giáo Miến Điện. Ông học tiếng Miến Điện và làm bạn với các tu sĩ trong xứ. Ông cũng nghiên cứu những kỹ thuật thiền định của Mahasi Syadan và các vị khác, dù không bao giờ là một học giả tiếng Pali giống như F. L. Woodward, ông vẫn đọc kinh điển một cách trọn vẹn và kiến thúc tổng quát của ông về Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravada) trở nên rất đáng khâm phục. Ông luôn luôn muốn trở thành tu sĩ, mà U Nu và những người khác cũng thúc đẩy ông xuất gia, nhưng do tôn trọng ý muốn của mẹ mình, ông đã không làm như vậy. Vì vậy mà ông chỉ là “một tu sĩ mặc thường phục” ( a monk in mufti).

Trong trận oanh tạc Rangoon đầu tiên của thế chiến thứ II, David Maurice đã góp phần chống lại chủ nghĩa phát xít Nhật với một số hành động can đảm. Trong cuốn “Bom Rơi Trên Đất Miến” (Bombs over Burma) người bạn cộng sản của ông là Wilfred Burchett kể rằng có lẽ ông đã cứu được bến tàu Rangoon bằng việc tổ chức một nhóm công nhân đang sững sờ vì bom, trút bỏ hàng chiếc tàu chở thuốc nổ trong khi máy bay địch oanh tạc mà biển đang bốc cháy ở xung quanh. Burchett cũng kể rằng vì Maurice là tín đồ Phật Giáo và là một trong vài người Tây Phương nói giỏi tiếng Miến Điện nên ông được mọi người ở Rangoon ưa thích thực sự, và họ thường đến hỏi ý kiến ông về mọi việc. Khi quân Nhật sắp tiến chiếm Miến Điện, ông đi đến Trung Hoa bằng đường bộ rồi từ đó đến miền Bắc Ấn Độ. Ở Ấn Độ ông gia nhập một nhóm người Miến chống Nhật trước khi về làm cho đài phát thanh Úc ở Melbourne, đọc bản tin tiếng Miến. Năm 1945, ông bí mật trở lại Miến Điện, và là người không phải gốc Á độc nhất tham dự cuộc Đại Diễn Hành Tự Do do Tướng Aung San tổ chức để đòi độc lập cho Miến Điến. Như chúng ta sẽ thấy khoảng thời gian tốt đẹp nhất của Maurice là thập niên 1950, với việc đại diện Miến Điện trong những cuộc họp với các quốc gia Phật Giáo khác, làm chủ bút tạp chí Phật Giáo bằng tiếng Anh “ Ánh sáng của Chánh Pháp” (Light of the Dhamma) được đọc khắp thế giới, và soạn cuốn “ Tiếng rống của Sư Tử” (The Lion’s roar), một tuyển tập kinh văn Pali được nhà Rider xuất bản năm 1962. Theo bất cứ tiêu chuẩn nào thì những thành tựu này cũng làm cho ông được xem là một trong những quan trọng nhất đóng góp cho việc phát triển Phật Giáo Tây Phương. Chắc chắn ông cùng với Harold Steward và Marie Byles, là những tín đồ Phật Giáo độc nhất cho đến ngày nay đã đạt được danh tiếng quốc tế. Marie Byles là người tập hợp một nhóm nhỏ những người chú ý đến Phật Giáo ở Sydney và Melbourne, và do đó làm nảy sinh tổ chức Phật Giáo ở Úc Châu.

Nổ lực nghiêm chỉnh đầu tiên thiết lập một hội đoàn Phật Giáo ở Úc năm 1938 là của Len Bullen, một kiến trúc sư ở Melbourne. Sinh năm 1908 ở Anh Quốc và được đưa đến Úc lúc còn nhỏ trước thế chiến thứ I, Bulllen gặp Phật Giáo sau khi đi từ thiên văn học đến chiêm tinh học rồi đến Thông Thiên Học. Ông bắt đầu liên lạc với Chirstmas Humphrey thuộc Hội Phật Giáo ở London năm 1932, và sau đó với F. L. Woodward ở Tasmania. Người ta cũng nói rằng ông giúp đỡ các đệ tử người Đức của Ngài Nyanatiloka ở Tích Lan bằng cách dịch một số tác phẩm của họ sang tiếng Anh. Là hội viên của Hội Thông Thiên Học, nhưng về căn bản ông là một người duy lý Theravada, không chấp nhận một điều dị đoan thuộc bất cứ đạo nào. Phật Giáo của ông là một loại tâm lý thực hành, được lột bỏ những đặc điểm tôn giáo. Đối với ông thì những câu hỏi về những nghi lễ cổ truyền, những tục lệ dị đoan, và về tu viện” tốt hơn nên “được gửi đến những tòa đại sứ liên quan”. Quan điểm cứng rắn làm cho ông đụng chạm với nhiều người trong hội Phật Giáo khi hội này rốt cuộc được thành lập.

Vào giữa thập niên 1930, Len Bullen bắt đầu diễn thuyết ở phòng trà Tudor ở Flinders Walk, Melbourne. Những người chủ của phòng trà này tổ chức cho ông diễn thuyết là để kiếm tiền, với một cô gái Trung Hoa bán những tượng Phật nhỏ giá 2 si linh 6 xu và một người khác xem bói bằng bã trà. Nhưng công việc này không lâu dài. Năm 1938 ông tổ chức một nhóm nghiêm chỉnh và phát tờ truyền đơn có nội dung như sau: “Nhóm Nghiên Cứu Phật Giáo Melbourne. Mục đích của nhóm nghiên cứu Phật Giáo là khuyến khích việc tìm hiểu Phật Giáo như một môn tâm lý học thực tiễn có thể thích ứng với những vấn đề của thời đại. Những cuộc họp được tổ chức mỗi tháng một lần ở Martell Library, tầng thứ hai, số 149 Swanston Street, Melbourne, để thảo luận thân mật, và vì các hội viện không nhất thiết phải là tín đồ Phật Giáo nên những đề tài khác như Yoga hay tâm lý học Tây Phương có thể được thảo luận. Kính mời quý vị tham dự cuộc họp sắp tới. Mrs. C. Ross, thư ký”.

Có lẽ thế chiến thứ II đã cắt ngang hoạt động của nhóm này trước khi họ thực sự làm việc, và Leonard Bullen được đưa đến một đơn vị ngụy trang ở Darwin. Elizabeth Bell viết rằng trong mấy năm đó, sự quan tâm đến Phật Giáo là “lẻ tẻ và phân tán”, và những lời này dũng được dùng để mô tả chính Bullen. Là người chủ trương hòa bình, có sự hấp dẫn và được nhiều người hâm mộ (đa số là phụ nữ), ông cũng là người mơ mộng. Giống như nhiều người Phật Giáo tiên phong của Úc Châu, ông có cái nhìn xa xôi, hay như D. H. Lawrence mô tả một nhân vật của ông, cái nhìn xa vời “cứ như là từ một xứ khác”.

Nếu F. L. Woodward, David Maurice và Len Bullen có vẻ lạc lõng ở Úc Châu trong những năm giữa hai thế chiến thì số ít những họa sĩ chú ý đến triết lý và mỹ thuật Phật Giáo cũng vậy. Nói chung thì giới làm văn hóa thường lưỡng lự trong việc đưa huyền học vào nghệ thuật, nhất là đối với huyền học Đông Phương. Như chúng ta sẽ thấy, Godfrey Miller và Ian Fairweather là hai họa sĩ năng động ở Úc trong thập niên 1930, nhưng lúc đó hai người chưa nổi tiếng. Một số họa sĩ Thông Thiên Học như Ethel Carrick Fox và Frank Hinder ít nhất cũng gián tiếp chịu ảnh hưởng của Phật Giáo, còn Lionel Lindsay thí nghiệm loại tranh thủy mặc Trung Hoa. Nhưng người nhiệt thành nhất với mỹ thuật Đông Phương là Margaret Preston, một nhân vật trung tâm trong hội họa hiện đại Úc Châu. Bà được biết về tranh Nhật Bản năm 1905, và học với con trai của họa sĩ Hiroshige ở Nhật năm 1934 trước khi đến Trung Quốc, nơi mỹ thuật và kiến trúc Phật Giáo gây ấn tượng mạnh cho bà. Bà viết những lời nồng nhiệt về các họa sĩ Trung Hoa, là những người cho rằng “tranh phong cảnh phải có sự huyền diệu”, phải là sự biểu lộ những ý tưởng, chứ không chỉ là một “nơi” hay “cảnh”.

Bà đưa ra loại tranh pha trộn của mình, vay mượn các loại mỹ thuật Lập Thể, Bản Địa, và Đông Phương, và bà tin rằng nếu người Úc muốn “được hướng dẫn mà không còn bị điều khiển “bởi ảnh hưởng hải ngoại nữa thì họ nên “nghiêng về phương Đông”.

Cuốn sách viết về Margaret Preston “Con Thiên Nga Đen Xâm Nhập” ( The Black Swan of Trespass) của Humphrey McQueen có tựa đề lấy từ một bài thơ của “Ern Malley”, một thi sĩ không có thật được dựng lên trong một vụ giả mạo văn học nổi tiếng mà có người cho là “làm chậm lại chủ nghĩa hiện đại ở Úc một thế hệ”. Một trong những bài thơ của “Ern Malley” có những câu sau đây:

“Tôi thấy các sách viết rằng nghệ thuật không dễ,
Nhưng không ai cảnh cáo rằng do vô minh
Tâm trí lập lại quan kiến của người khác,
Tôi vẫn là con thiên nga đen xâm nhập vùng nước lạ”.

Điều đáng nói ở đây là trong hai người dựng lên vụ giả mạo, Harold Stewart, cũng quan tâm đến Đông Phương ngang với Margaret Preston. Cả hai chịu sự tác động mạnh của “vương quốc hảo huyền" (kingdom of nothingness), sự trống rỗng về văn hóa và tâm linh ở Úc Châu. Họ đều nghĩ rằng chủ nghĩa địa phương, tôn thờ vật chất, và chính sách tinh thần của xứ này đã bưng bít nhãn quan mỹ thuật, và do đó họ hướng về Á Châu, nơi họ thấy Phật Giáo và triết lý Đông Phương hứa hẹn một sự tái hợp nhất của con người và thiên nhiên, một môn huyền học mà trong Ca Tô Giáo hầu như đã bị xem là dị giáo. Nhưng có lẽ khuynh hướng chính trị không làm được gì cho việc này, vì trong khi Margaret Preston là người cấp tiến thì Stewart lại thuộc hạng người chính thống, và còn được mô tả là “Bảo Thủ bốc lửa”, là người dùng vụ giả mạo “Ern Malley” để phá hoại trường phái thí nghiệm trong mỹ thuật và thi ca Úc Châu.

Năm 1944, Stewart cùng với người đồng mưu cũng chính thống và bảo thủ ngang với mình là James Mc Auley đưa một tập thơ mà họ bảo là do “Ern Malley” viết cho “Angry Penguins”, một tạp chí đăng loại thơ tự do. Ý định của họ là bôi lọ chủ nghĩa hiện đại. Về sau hai người nói rằng những bài thơ này tuyệt đối không có ý nghĩa hay nghệ thuật gì cả, mà cũng không có giá trị như một văn bản ghi lại một giòng tâm thức liên tục, vì họ thay phiên nhau viết mỗi người một câu. Tuy nhiên chủ bút tờ “Angry Penguins” đã cắn câu, và cho đăng những bài thơ này trong số Mùa Thu 1944, tin rằng mình đã khám phá ra một nhà thơ mới. Vấn đề là khi Stewwart và Mc Auley tiết lộ danh tánh của họ thì một số người, trong đó có cả Sir Herbert Read nổi tiếng, một người thuộc phải vô chính phủ, đã chạy đến bênh vực cho ông chủ bút, nói rằng những bài thơ đó có giá trị thực sự, và lại còn “rõ ràng siêu đẳng hơn bất cứ bài thơ nào mà hai người đã viết riêng rẽ”. Mọi người vạch trận tuyến trong vụ giả mạo này, và theo ý kiến của A.D. Hope thì đây là vụ hay nhất “kể từ khi Francis Bacon viết những vở kịch của Shakespeare”. Cuộc tranh luận trở thành tin tức loan truyền khắp thế giới, được được đăng trong tạp chí “Time” của Mỹ và nhật báo “Times” ở London. Mọi người đồng ý cho rằng vụ này là “tiêu điểm của văn hóa Úc hiện đại”. Stewwart rất hãnh diện với vụ giả mạo và cú đánh mạnh mẽ của nó vào thơ tự do, và chính chủ nghĩa truyền thống này đã được ông đưa vào Phật Giáo của mình, vì trong năm 1944 có ai ngờ rằng một nửa Ern Malley sẽ có ngày trở thành tu sĩ Phật Giáo?

Giống như David Maurice, Sewwart viết rằng ông luôn luôn cảm thấy mình là “người lưu vong ở chính nơi mình đã sinh ra” (exile in the land of my birth). Tuy nhiên, hai người chỉ giống nhau ở chỗ cùng theo Phật Giáo, còn ở những điểm khác thì họ rất khác nhau, vì Sewwart là bằng chứng cho thấy người Phật Giáo Úc Châu trước đầu thập niên 1970 đã không có ý tưởng chống văn hóa. Sinh năm 1916 ở Sydney, Sewwart bắt đầu chú ý đến Phật Giáo và Lão Giáo khi đọc những tác phẩm của nhà tâm lý học người thụy Sĩ C. G. Jung vào năm 1939. Từ đó ông viết về phong trào ưa chuộng thi ca Trung Hoa trong thời gian diễn ra thế chiến thứ II (1939-1945), nhưng ông nói rằng mình không bao giờ nhắm đến cái tạm thời mà chỉ quan tâm đến cái vô thời gian. Nguyên nhân gây ra phong trào này là Trung Hoa trở thành đồng minh đáng ngưỡng mộ trong thế chiến thứ II, và từ đó sách của nhà văn Lâm Ngữ Đường (Lin Yu Tang) trở nên phổ thông, cùng với những bài thơ như bài “Lư Hương Trở Về Quê Nhà” của Frederic Macartney. Trong khung cảnh như vậy, Stewwart trở thành nhà thơ Úc quan trọng đầu tiên đưa ý niệm Phật Giáo vào thi ca, kể từ những tác phẩm của Bernard O’Dowd xuất hiện gần nửa thế kỷ trước. Tư tưởng thiền đặc biệt thâm nhập vào tinh thần của những bài thơ đầu tiên thuộc loại này như “Ba Người Nếm Thức Ăn”, “Feng Lên Cao”, “Đối Thoại Về Đạo”, và “Chuyến Bay Của Đàn Ngỗng”. Bạn của ông là nhà phê bình văn học Dorothy Green thấy ảnh hưởng này không phải là do một sự hướng về về Đông Phương cần thiết “để thơ phải luôn luôn có vẻ xa xôi’”, mà là do “ý thích sự mờ ảo riêng tư” tìm thấy “sự dung nạp” trong Phật Giáo.

Vào đầu thập niên 1950, Sewwart làm những bài thơ Phật Giáo về đề tài Ấn Độ, như trong bài “Muchalinda”:

“Ngài hy sinh đầu của mình trong rừng,
Ngài là người mà trong cuộc đời đã chết,
Nhưng vẫn sống trong an lạc bất tận, trong Hiện Tại vĩnh cửu.
Chìm xuống với sự trì giới lâu dài,
Hai mắt nhắm, không Mù Quáng, mà quay vào nội tâm,
Con mắt thứ ba thấy Niết Bàn,|
Trong khi môi ngài vẫn nở nụ cười chiến thắng
”.

Những người phê bình Sewwart có thể nói rằng tài làm thơ của ông rất đáng nể, còn khuynh hướng dùng chữ hoa của ông thì gợi nhớ Sir Edwin Arnold, và người ta cảm thấy chữ hoa được quý trọng nhất là chữ ‘T’ trong “Tradition”, “Truyền Thống”. Ông phản đối những người như Len Bullen có ý định đưa ra một “bản soạn lại” của Phật Giáo để làm “phương thuốc tâm lý trị liệu cho người Tây phương". Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy, cống hiến lớn nhất của Sewwart cho việc nghiên cứu Phật Giáo chính thống phần lớn thuộc về thời kỳ sau năm 1966, khi ông rời Úc Châu sang Nhật sống ở Kyoto.

Như Dorothy Green nhận xét, sự quan tâm đến văn hóa Á Châu, đặc biệt là văn hóa Nhật Bản, được gây dựng bởi A. L. Sadler, giáo sư Ban Đông Phương Học của Đại Học Sydney từ năm 1922 cho đến sau thế chiến thứ II. Ông rất có cảm tình với Phật Giáo, và thực hành trà đạo theo kiểu thiền. Do ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp của ông, nhiều người Úc trong ngành tình báo quân đội làm việc ở Nhật sau chiến tranh đã rất thông thạo Phật Giáo và văn hóa Nhật Bản. Một trong những người này, Les Oates, có thể được xem là người Úc đầu tiên thực hành Thiền Tông một cách chính thức, và sau đó giúp việc thành lập và duy trì Hội Phật Giáo ở Victoria. Sinh năm 1926, ông bắt đầu học tiếng Nhật vào năm 1939 ở trường University High School ở Melbourne. Cũng trong thời gian này ông đọc cuốn “Ánh Sáng Á Châu" (The Light of Asia), và chịu ảnh hưởng của “sự thực tế không tình cảm” trong cuốn “Lời Phật Dạy" (Some Sayings of the Buddha) của F. L. Woodward.

Như vậy, với số vốn Phật Giáo căn bản, Les Oates đã đến nước Nhật, và bị lôi cuốn bởi “sự hòa hợp về mỹ thuật và sức mạnh trong tất cả những vật đơn sơ” mà thiền tông Nhật Bản cống hiến. Kết quả là ông theo học ở một tu viện Soto Zen (TôngTào Động) gần thành phố Hiroshima, và tham dự những khóa “sesshin” (nhiếp tâm) cuối tuần trong khoảng bốn năm. Trong cùng thời gian này, một thanh niên Úc khác là Len Henderson làm việc ở một bệnh viện trên một hòn đảo trong Vịnh Hiroshima, và dù không gặp Les Oates lúc này, cũng đã chú ý đến Zen. Len Hendersen viết rằng ông đã có cảm tình sâu đậm với Á Châu từ thời thơ ấu, khi xem cuốn sách nói về cuộc nổi loạn ở Ấn Độ “Nhớ Lại Lawnpore”. Trong khi ở Nhật Bản và gần như không biết gì về Phật Giáo, ông đã đến thăm những ngôi chùa và đã ghi lại những cảm tưởng đầu tiên của mình một cách thành thực:

Tôi đã không biết rõ là mình đang ở trong một loại đền chùa nào, chỉ được nghe nói rằng Zen là một giáo thuyết về “trí huệ". Tôi nghĩ “trí huệ" nghe có vẻ được với mình, và thế là trong sự kiêu kỳ như vậy, tôi bắt đầu nghiên cứu về thiền. Lúc đó tôi không biết trí huệ là trí huệ về cái gì, vì vậy tôi đã bắt đầu với ý tưởng hoàn toàn sai lầm".

Ông xem kinh sách một cách đơn độc cho đến khi Hội Phật Giáo ở Victoria được thành lập vào năm 1953. Trong nhiều năm, hai người, một Les Oates rất trí thức và một Len Henderson rất tinh tế, là lực vận hành của hội.

Thế chiến thứ II làm cho chủ nghĩa Thân Anh giảm bớt sức mạnh, và cũng làm giảm nỗi sợ về “hiểm họa da vàng” (yellow peril). Với sự chấm dứt của chủ nghĩa thực dân, mặc cảm “Gánh Nặng Của Người Da Trắng” dịu đi phần nào, và một thế hệ mới những người Úc lý tưởng thoát khỏi chủ nghĩa duy vật chất của thời kỳ Suy Thoái Kinh Tế đã có thể nhìn văn hóa và triết lý Đông Phương với một nhãn quan khác. Phong trào dành độc lập dân tộc và chiến tranh Triều Tiên đã làm nổi vị trí của Úc Châu ở bên cạnh Á Châu, giống như Việt Nam đối với thế hệ tiếp theo sau. Vì vậy, có lẽ không đáng ngạc nhiên khi trong mười năm cho đến khoảng năm 1956, ở Úc bộc phát một sự quan tâm đến Phật Giáo để rồi đi vào một thời kỳ yên lặng khác, chỉ chấm dứt vào đầu thập niên 1970. Nhưng lúc đầu, theo một số điều kể về người Úc gặp gỡ Phật Giáo trong cuối thập niên 1940 thì sự quan tâm mới này có những tính chất trái ngược nhau, vừa khen vừa chê.

Trong lời kể của tiểu thuyết gia George Johnston về việc ông đến thăm một số tu viện Tây Tạng vào cuối năm 1945, người ta thấy một thí dụ tiêu biểu về tính kiêu ngạo thực dân nhường chỗ phần nào cho chủ nghĩa lãng mạn. Johnston là bạn thân của Peter Finch, và theo người viết tiểu sử của ông, Gary Kinnane, thì ông vẫn chú ý đến triết học Đông Phương. Ông đến miền Đông Tây Tạng trên một chiếc máy bay với mấy người Mỹ muốn đổi một máy bay đầy loại mũ mềm của người Úc để lấy ngựa Tây Tạng. Johnston và các bạn dâng tặng sị sư trưởng của tu viện địa phương một đĩa hát “Cái Này Chắc Chắn Là Thạch’ Vì Mứt Trái Cây Đâu Có Run Rẩy Như Vậy” (‘It Must Be Jelly’ Cause Jam Don’t Shake Like That), và khi cái máy hát cũ phát ra tiếng nhạc “nó liền được hưởng ứng nhiệt liệt, vị Phật Sống gật gù theo điệu nhạc Jazz nóng bỏng, hai mắt nhắm và trên mặt hiện lên nét hoan lạc”. Khi nhạc đã lắng xuống, Johnston gợi chuyện vị Lama hóa thân về luân hồi và về những điểm khác nhau giữa Phật Giáo và Ca Tô Giáo. Trước khi trả lời những câu hỏi của ông, vị Lama lại “mỉm cười lặng lẽ, và tôi lại cảm thấy mình giống như một em bé mẫu giáo khờ khạo”. Kinnane cho rằng trước đây khó có thể có một người Úc nào lại có một cuộc hội kiến cao trọng như vậy. Ý kiến này không đúng lắm vì đã có một số nhà truyền giáo Úc đến Tây Tạng, nhưng có lẽ đây là cuộc đối thoại đầu tiên mà ở trong đó người hỏi thực sự sẵn lòng nghe. Trong một chuyến đi phụ, Johnston và một người bạn đến thăm mấy ngày tu viện Konda Gomba ở trên độ cao gần bốn ngàn thước, được xem là bối cảnh thật của cuốn tiểu thuyết “Shangri-la” của James Hilton. Ý kiến chung của ông về việc tu tập của các tu sĩ ở đây là “làm cho họ trở thành con két nhắc lại những giáo lý, với một chút thực hành bên ngoài”. Johnston không hiểu ý nghĩa của những bức tranh mật giáo trong tu viện, nhưng ông rất khâm phục một nữ hành giả người Trung Hoa đang thực hiện một kỳ nhập thất ba năm. Nét mặt an lạc của bà ta làm cho ông ngạc nhiên, và có lẽ hình ảnh của bà ta đã được đưa vào cuốn tiểu thuyết “Thung Lũng Trên Cao” (The High Valley) của ông mà trong đó nhân vật chính là Salom.

Một cuộc gặp gỡ Phật Giáo khác với ít ấn tượng trái ngược hơn được kể lại trong cuốn tiểu sử của một đại biểu 23 tuổi tham dự hội nghị thế giới Thanh Niên Ca Tô Giáo ở miền Nam Ấn Độ năm 1952, Robert J. Hawke. Ông đã rất bất mãn với thái độ của nhiều người ở hội nghị, và sau đó ông đã đi Colombo, nơi ông trú với một người bạn Tích Lan, mà ông đã quen trong khi học đại học ở Perth. Năm 1982 ông nói về chuyến đi này với Blanche d’Alpuget như sau:

Họ là những người Phật Giáo, có nhà ở trong khu đất của chùa. Không khí trong nhà rất an lạc và hiền hòa đến mức không thể tin được. Tôi nói nhiều về Phật Giáo với họ, và họ đưa tôi đến một ngôi chùa trên đồi ở Kandy, nơi tôi gặp các tu sĩ và nói chuyện với vị sư trưởng rất già. Ngài giảng giải thêm về giáo lý cho tôi ... Sau kinh nghiệm đáng bất mãn ở Ấn Độ, thì sự duy lý hấp dẫn của Phật Giáo làm cho tôi bất mãn thêm. Tôi chưa bao giờ đi đến chỗ chấp nhận Phật Giáo, nhưng tôi đã thấy và vẫn thấy Phật Giáo đáng thỏa mãn hơn là triết lý Do Thái- Ca Tô Giáo”.

Một năm trước khi Hawke đến Tích Lan, một doanh gia giàu có người Sydney tên là Leo Berkeley đã có những cuộc thảo luận tương tự với Đại Đức Narada Thera thuộc tu viện Vajirarama ở Colombo. Sinh năm 1902 ở Hòa Lan, Leo Berkeley đến Úc năm 1947 sau hơn hai mươi năm trông xem một tiệm sách cũ ở London. Vào đầu năm 1951, trên một chuyến tàu trở về Anh Quốc, ông gặp Sir Lalita Rajapakse, lúc đó là bộ trưởng tư pháp của Tích Lan, và được ông này giới thiệu Phật Giáo. Berkeley đặc biệt chú ý đến tư tưởng có thể trong Phật Giáo người ta có thể kiểm soát được vận mệnh của mình. Khi tàu ghé Colombo, Rajapakse giới thiệu ông với Đại Đức Narada. Đại Đức đưa cho ông một số sách Phật Giáo và mời ông đến thăm ngài lần nữa trên đường trở về Úc. Hai tháng sau ông trở lại thăm Đại Đức Narada, và khi ngài đề nghị ông lập một hội Phật Giáo ở Sydney, ông đã rất phấn khởi. Ngay sau khi trở về Úc vào giữa năm 1951, ông đọc một bài báo viết về Marie Byles trong tờ “Sydney Morning Herald”, và đã liên lạc với bà để nói về việc thành lập một hội Phật Giáo. Lúc đầu bà này lưỡng lự, cho rằng Úc Châu chưa sẵn sàng chấp nhận Phật Giáo, nhưng sau đó cũng đồng ý, vì sức quyến rũ không ít của Berkeley. Vào ngày thứ sáu trong tuần đó, Leo Berkeley cho đăng thông báo việc lập hội trên các nhật báo, và trong hai tuần đã có mười hội viên họp ở nhà của ông ở East Roseville. Một tổ chức Phật Giáo trên quy mô lâu dài đã ra đời.

Đến năm 1951, Marie Byles đã tiến xa trên con đường trở thành một nhân vật huyền thoại. Bà là phụ nữ đầu tiên tốt nghiệp luật khoa ở New South Wales và là một người tiên phong trong việc bảo tồn thiên nhiên, leo núi, đi rừng, chống chiến tranh, ủng hộ phong trào nữ quyền, và Phật Giáo. Trong cuốn tiểu sử tự thuật “Nhiều Kiếp Sống Của Một Người” (Many Lives in One) chưa xuất bản, bà viết rằng dù vẫn sống thân thiện với xã hội chính thống, nhưng đa số những điều mưu cầu khác của bà được hướng về phía “góp phần một cách vô thức trong việc phá hoại xã hội đó”. Bà nói rằng mình là người “không tim” bẩm sinh, có cha mẹ là tín đồ bất mãn của giáo phái Unitarian, ra đời ở gần thành phố Manchester, Anh Quốc vào tháng tư năm 1900, và được đưa đến Úc năm 1911. Cha của bà là người theo chủ nghĩa xã hội Fabian, và mẹ của bà cho bà ăn chay hoàn toàn, vì vậy 1957 bà nói rằng mình chưa bao giờ ăn thịt.

Từ khi còn nhỏ Marie Byles đã là người có ý chí mạnh mẽ, và cha của bà đã gọi bà là “Mrs Mahabili Pushbar”, “bà làm được mọi việc”. Khi lớn lên, các bạn của bà thấy bà là “người tự lập” và “có tính thích cô độc”. Bà tự mô tả mình là “người độc thân tự nhiên”, và như vậy tất cả những năng lực của bà được dùng để hướng về những mục tiêu khác nhau. Sau khi tốt nghiệp Đại Học Sydney năm 1924, bà góp phần thành lập hội người đi rừng ở Sydney (Sydney Bushwalkers) năm 1927 và đóng một vai trò quan trọng trong việc vận động cho khu vực Bouddi được công nhận là công viên quốc gia. Trong thập niên 1930 bà dành nhiều thời giờ cho việc leo núi, dù chỉ cao 1m57 và lúc nào cũng rất mảnh mai, và xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình “Bằng Tàu Chở Hàng Và Núi” (By Cargo Boat and Mountain). Năm 1936 bà khởi hành trong một chuyến thám hiểm đã được hoạch định từ lâu để chinh phục Núi Sansato cao hơn sáu ngàn thước ở miền Tây Trung Quốc, nhưng quả núi đã không để cho bị chinh phục, và cuộc đời của bà có một sự thay đổi lớn. Đây là lần đầu tiên bà cảm thấy mình thất bại và không vững chắc, và trong một thời gian ngắn bà đọc tác phẩm của Gandhi và cả đi lễ nhà thờ nữa, nhưng việc làm theo tập quán xã hội như vậy không thích hợp với bà; bà sợ bị người khác khám phá ra mình không phải là người cấp tiến.

Do hoạt động trong phong trào hòa bình vào cuối thập niên 1930, bà có nhiều bạn thuộc giáo phái Quaker và thường tham dự những cuộc họp của họ, nhưng có lẽ bà đã không bao giờ có thể tin vào một Thượng Đế (God); như một nhà báo về sau đã viết rằng luôn luôn chỉ có “sự hùng vĩ của trái đất làm cho bà sững sờ”. Mùa xuân năm 1941 bà chịu thêm một tai họa nữa khi chân của bà bị thương, không thể đi rừng được nữa. Với những viễn cảnh bên ngoài không còn nữa, bà quay vào bên trong, đọc cuốn “Lời Đức Phật" của F. L. Woodward trong một thời kỳ quan trọng, vào khoảng lễ Giáng Sinh 1941. Bà tiếp tục tham dự những cuộc họp của các tín đồ Quaker, và một người bạn ở đó dạy bà tham thiền với thế ngồi hoa sen, nhưng bà thường dùng những dịp như vậy để trình bày những quan điểm Phật Giáo và Gandhi của mình. Bà xin gia nhập giáo phái Quaker, nhưng sau sáu tháng cứu xét, bà là một trong số rất ít người bị từ chối. Bà cho rằng nguyên nhân là vì “như thường lệ, tôi đi trước người khác hai mươi năm”, còn các bạn Quaker của bà thì nghĩ rằng một lý do không nhỏ là bà mặc quần mà không mặc váy.

Hệ quả của việc bị từ chối này là bà chú ý đến Phật Giáo nhiều hơn, và bắt đầu nghiêm chỉnh nghiên cứu kinh điển Pali, cũng như liên lạc với F. L. Woodward, David Maurice, và Hội Phật Giáo ở London. Có người nói rằng bà không bao giờ xem mình là tín đồ Phật Giáo, mà thích thảo luận về Phật Giáo khi gặp những Ca Tô Giáo, và thảo luận về Ca Tô Giáo với người Phật Giáo. Đúng như vậy, bà là người chiết trung, nhưng những người bạn Quaker thân nhất của bà cảm thấy rằng bà luôn luôn là người Phật Giáo ở trong tâm. Khi viết cho những tạp chí Phật Giáo như tờ ‘Trung Đạo’ (The Middle Way), bà dùng câu “Người Phật tử chúng ta” (we Buddhists), và vậy có thể nói rằng lý do chính mà bà thảo luận về tư tưởng Ca Tô Giáo và Gandhi với Phật Giáo là để mang lại sư khoan dung trong số không ít người chống Ca Tô Giáo một cách vô lý. Như chúng ta sẽ thấy, sự kiện bà ở Ấn Độ một năm, ba lần đến thăm các tu viện ở Miến Điện, hai lần đi Nhật Bản để nghiên cứu Zen, và Itteen, viết bốn cuốn sách về Phật Giáo, và tiên phong trong việc thành lập Hội Phật Giáo New South Wales, cho thấy Phật Giáo là ảnh hưởng quan trọng nhất trong đời bà, nếu không phải là ảnh hưởng quan trọng độc nhất.

Ngay từ 1946 Marie Byles đã dự tính xây dựng Trung Tâm Tu Tập Phật Giáo với tiến sĩ Chalmers, một nhà thiên văn học thuộc đài thiên văn Mount Stromlo, và bà vợ của ông, có 364 ha đất trên một cao nguyên cao hơn 900 thước, gần Shelley, Victoria. Họ thông báo kế hoạch này trên tạp chí “The Middle Way” số tháng năm 1946, và Marie đã mời một số bạn đi rừng của mình tham dự, nhưng vì nguyên nhân nào mà kế hoạch này bị hủy bỏ thì không rõ. Giống như Marie, vợ chồng Chalmers là những người thuộc phái tự nhiên nhưng họ có khuynh hướng Thiền Tông, vì vậy có thể có một sự bất đồng ý kiến nào đó trong vụ này, vì Marie Byles thiên về Phật Giáo Theravada. Có lẽ nguyên nhân có lý hơn là họ đã thảo luận với nhau về việc thành lập trung tâm này qua thư từ, và khi ông bà Chalmers gặp mặt marie Byles thì họ bất mãn về lối xử sự có phần độc đoán của bà.

Có lẽ phải đến năm 1951, Marie Byles mới lại liên lạc với những tín đồ Phật Giáo ở Sydney. Trong một cuốn sổ tay nhan đề “Phật Giáo ở New South Wales” được tìm thấy trong những cái thùng đựng tài liệu chưa xuất bản của bà ở Thư Viện Mitchell, mục đầu tiên nói đến một cuộc “Khóa Tu Tịnh Khẩu” (Silent Retreat), gồm tám người tham dự vào ngày 20 tháng năm 1951, ở nhà một người bạn ở Lindfield để kỷ niệm lễ Phật Đản. Lúc đó Marie Byles có lẽ không phải là người tụng kinh niệm Phật, nhưng có thể bà đã đọc một đoạn kinh, và như vậy đây là lễ Phật Đản đầu tiên được cử hành bởi một nhóm người Úc không phải là người gốc Á Châu. Mục thứ hai đề ngày 9 tháng chín, nói đến một nhóm mười người, gồm cả Leo Berkeley, tụ tập để gặp David Maurice ở nhà của Marie Byles ở Cheltenham. Trong tháng mười một năm 1951, Maurice hướng dẫn một nhóm nhỏ về Pháp thiền Miến Điện. Trong chuyến viếng thăm này ông cũng diễn thuyết về Phật Giáo ở Đại Học Melbourne, và dành được sự chú ý của một số người trong nhóm bạn cũ của Len Bullen.

77pguc-Dhammadina


Ni sư Dhammadinna

Trong khi đó ở Sydney, trong khoảng từ hai đến ba tháng sau khi ông thông báo việc thành lập một hội Phật Giáo, những cuộc họp tối chủ nhật của Leo Berkeley thu hút được đến ba mươi người. Như vậy, đến cuối năm 1951, Phật Giáo có tổ chức đã hoạt động tốt ở Úc Châu. Tuy nhiên theo một thuyết vẫn được mọi người nói chung chấp nhận thì một ni sư người Mỹ có pháp danh là Dhammadinna đã đưa Phật Giáo đến Úc Châu vào cuối năm 1952. Tất nhiên tất cả các truyền thống tôn giáo đều có những huyền thoại của mình, và đây là huyền thoại lớn nhất trong lịch sử Phật Giáo ở Úc Châu. Huyền thoại này đã xuất hiện là vì vào năm 1956, một phái mới với lối tiếp cận Phật Giáo rất khác đã nắm quyền điều khiển Hội Phật Giáo ở New South Wales, đẩy Leo Berkley ra khỏi địa vị của ông và trục xuất Marie Byles. Lịch sử thời kỳ đầu của hội đã bị viết lại, dù có lẽ một cách vô thức, và ni sư Dhammadinna được nâng lên địa vị “Người Sáng Lập Phật Giáo Úc Châu" một cách không xứng đáng. Huyền thoại này có tính chất phức tạp vì những người tạo ra nó đã biết rất ít về Ni sư Dhammadinna hay về quá khứ của bà.

---o0o---

Vi tính: Cao Thân - Quảng Như
Trình bày: Nhị Tường
Bìa: Diệu An - Lê Hiếu

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]