Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Phật Thuyết Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện

23/05/201311:28(Xem: 21103)
Kinh Phật Thuyết Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện

Những bản kinh ngắn dịch từ Hán Tạng

Kinh Phật Thuyết Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện

Thích Nữ Tâm Thường

Nguồn: Thích Nữ Tâm Thường

BÀI TỰA KINH DƯỢC SƯ
NHƯ LAI BỔN NGUYỆN CÔNG ÐỨC

Kinh Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện Công Ðức là kinh pháp chính yếu đạt đến phước đức tiêu trừ tai nạn. Ngài Mạn Thù dùng năng lực từ bi thỉnh đức Thế Tôn giảng về danh hiệu tôn quý này. Mười hai nguyện rõ ràng, nhơn và hạnh rộng sâu, bảy báu trang nghiêm, chỉ bày rõ về quả đức thuần tịnh. Ghi nhớ và trì niệm danh hiệu thì các khổ được thoát khỏi. Thỉnh cúng dường thì các nguyện đều được viên mãn. Cho đến như người bị bệnh, lẽ đáng phải chết, nhưng cầu nguyện thì được sống. Vua chúa bị tai ương hoạn nạn, trì niệm thì liền được chuyển họa thành phước. Người tin thì tiêu trừ được bùa chú của trăm quái, trừ được chước khéo của chín hoạnh.

Thuở xưa, đời vua Hiếu Võ Ðế, nhà Tống, có Sa-môn Huệ Giản, chùa Lộc Giả, đã từng dịch kinh này và lưu hành ở đời, nhưng do vì giữa tiếng Phạn và Tống văn từ còn lẫn lộn chưa thông suốt, đến nỗi khiến cho những người đọc tụng phần nhiều sanh nghi ngờ. Do đó, sớm học hỏi về sách tiếng Phạm, thường xem kinh điển, gặp được bản kinh này, nghiệm xét được chỗ sai lầm. Năm thứ mười bảy, niên hiệu Khai Hoàng, ban đầu tìm được một bản, còn sợ sai lầm nên chưa dám dịch ngay. Ðến năm thứ mười một, niên hiệu Ðại Nghiệp lại gặp được bản thứ hai, đem so sánh nhau mới tin chắc, bèn cùng với Ngài Tam-tạng Ðạt Ma Cấp Ða và Sa-môn Pháp Hành, Minh Tắc Trường, Thuận Hải.v.v... đời Ðại Tùy, dịch kinh nơi Lâm Viên Quán, ở Ðông-nam kinh đô Lạc Thủy, cùng nhau dịch lại bản kinh này. Xem xét kỹ thấy được cái sai của quyển trước mới sửa chữa cái lỗi của quyển sau, cho nên một lời nói ra khỏi miệng phải tra xét lại ba lần mới thành sách thì việc truyền đạt ý chỉ sâu xa mới không bị sai lầm quá lớn.

Ngày mồng tám tháng mười hai năm đó, xét định lại mới xong, nhưng chỉ được một quyển.

Sở nguyện của kinh này nghĩa lý rất sâu xa, người người được hiểu. Danh hiệu của đức Phật khắp mọi nơi đều được nghe. Mười hai vị Dược-xoa nhớ ơn Phật nên cùng nhau hộ trì quốc độ, bảy ngàn quyến thuộc nương năng lực của kinh này mà làm lợi ích cho muôn dân. Vua được phước lộc đời đời, quần sanh được an vui.

Bài tựa để lại cho đời sau đã ghi rõ như vậy.

KINH PHẬT THUYẾT
DƯỢC SƯ NHƯ LAI BỔN NGUYỆN

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Bà-già-bà đi chu du giáo hóa trong nhơn gian, đến nưóc Tỳ-xá-ly, nghỉ lại dưới gốc cây âm nhạc, cùng với đông đủ chúng đại Tỳ kheo tám ngàn người và ba vạn sáu ngàn Bồ-tát; các quốc vương, đại thần, Bà-la-môn, cư sĩ, các trời, rồng, A-tu-la, Kiền-đạt-bà, Ca-lâu-trà, Khẩn-na-la, Ma-hô-la-già.v.v... Trước đại chúng cung kính vây quanh, đức Thế Tôn thuyết pháp.

Bấy giờ Mạn Thù Thất Lợi Pháp vương tử nương oai thần của Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, bày một bên vai, gối phải quỳ sát đất, chấp tay nghiêng mình hướng về đức Bà-già-bà, bạch:

- Bạch đức Thế Tôn! Cúi xin đức Thế Tôn nói rõ về danh hiệu và chí nguyện rộng lớn thù thắng của chư Phật đã phát xưa kia, để cho chúng sanh được nghe pháp, nghiệp chướng sẽ tiêu trừ và cũng để hộ trì cho các chúng sanh trong đời vị lai khi chánh pháp đã bị hoại diệt.

Bấy giờ, đức Bà Già Bà khen ngợi đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Lành thay! Lành thay! Mạn Thù Thất Lợi đại từ bi, phát vô lượng thương xót nên cầu thỉnh Ta nói, vì muốn lợi ích cho chúng sanh bị vô số nghiệp chướng ràng buộc và cũng vì muốn lợi ích an vui cho chư thiên và loài người. Này Mạn Thù Thất Lợi! Thầy hãy lắng nghe và ghi nhớ kỹ những điều Ta nói.

Khi ấy, đồng tử Mạn Thù Thất Lợi ưa thích được nghe lời Phật dạy nên bạch:

- Dạ vâng, kính bạch Thế Tôn, con xin ưa thích được nghe.

Phật bảo Mạn Thù Thất Lợïi:

- Phương Ðông, cách cõi Phật này ngoài mười hằng hà sa các cõi Phật có thế giới tên là Tịnh Lưu Ly, cõi đó có Phật hiệu là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Ứng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn.

Này Mạn Thù Thất Lợïi! Bổn hạnh của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai kia khi còn tu hạnh Bồ-tát có phát mười hai nguyện lớn là:

- Nguyện lớn thứ nhất: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Vô thượng Bồ-đề, thân Ta có hào quang chói sáng rực rỡ, chiếu thấu suốt vô lượng vô số vô biên thế giới với ba mươi hai tướng đại trượng phu và tám mươi vẻ đẹp phụ để trang nghiêm. Thân của Ta như vậy và thân của tất cả chúng sanh cũng được như thân Ta không khác.

- Nguyện lớn thứ hai: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Vô thượng Bồ-đề, thân Ta như ngọc lưu ly, trong ngoài trong sạch không có chút bợn nhơ, ánh sáng chói suốt khắp nơi, oai đức rực rỡ, thân an trú giữa tầng lưới bằng tia sáng trang nghiêm, đẹp đẽ hơn cả mặt trời mặt trăng. Nếu có chúng sanh nào sanh trong thế giới đó, hoặc là sanh trong loài người mà bị tối tăm, không biết phương hướng, đều nhờ vào ánh sáng của Ta mà tùy ý muốn đi đến chỗ nào để làm các công việc gì cũng đều được.

- Nguyện lớn thứ ba: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Vô thượng Bồ-đề, dùng vô lượng vô biên trí tuệ phương tiện làm cho vô lượng cõi chúng sanh thọ dụng không hết, không để cho một người nào bị thiếu thốn.

- Nguyện lớn thứ tư: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Vô thượng Bồ-đề, có các chúng sanh tu theo đạo tà thì Ta làm cho tất cả an trú trong đạo Bồ-đề. Người thực hành theo Thanh văn hay Bích Chi Phật đạo Ta cũng đều lấy Ðại thừa mà chỉ dạy, hướng dẫn họ.

- Nguyện lớn thứ năm: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Vô thượng Bồ-đề, nếu có chúng sanh nào ở trong giáo pháp của Ta tu hành phạm hạnh thì vô lượng vô biên các chúng sanh này đều được giới không thiếu khuyết, đầy đủ Tam tụ tịnh giới, không có người phá giới hướng đến nẻo ác.

- Nguyện lớn thứ sáu: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Vô thượng Bồ-đề, nếu có chúng sanh nào thân hình hèn hạ, các căn không đủ, xấu xí, khờ khạo, tai điếc, mắt đui, tay chân cong queo, tật nguyền, thân thể co quắp, lưng gù, lác hủi, điên cuồng; hoặc có bao nhiêu thứ bệnh khác nữa nơi thân, mà khi đã nghe danh hiệu của Ta rồi thì tất cả đều được các căn đầy đủ, thân phần hoàn mãn.

- Nguyện lớn thứ bảy: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Vô thượng Bồ-đề, nếu có chúng sanh nào bị những chứng bệnh hiểm nghèo không người giúp đỡ, không ai nương cậy, không có chỗ ở, xa lìa tất cả, không có của cải, thuốc men, cũng không có bà con thân thích, nghèo hèn đáng thương; người này nếu được nghe danh hiệu của Ta thì các bệnh hoạn khổ não đều tiêu trừ, cho đến chứng được Vô thượng Bồ-đề.

- Nguyện lớn thứ tám: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Vô thượng Bồ-đề, nếu có người nữ nào làm vợ người, bị trăm thứ xấu ràng buộc khổ sở, nhàm chán thân nữ, mong xả bỏ thân nữ, mà nghe được danh hiệu Ta thì sẽ chuyển thân người nữ thành thân tướng trượng phu, cho đến cuối cùng chứng được đạo Vô thượng Bồ-đề.

- Nguyện lớn thứ chín: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Vô thượng Bồ-đề thì khiến cho tất cả chúng sanh thoát khỏi lưới ma. Nếu bị rơi vào bao nhiêu rừng rậm tà kiến, Ta sẽ đặt yên họ ở nơi chánh kiến và thứ tự chỉ dạy cho họ tu tập theo pháp môn Bồ-tát hạnh.

- Nguyện lớn thứ mười: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Vô thượng Bồ-đề, nếu có chúng sanh nào phải bị vô số pháp luật nhà vua xiềng xích, đánh đập, giam cầm có thể chết, hoặc bị nhiều tai nạn buồn rầu bức rức thân tâm đau khổ; những chúng sanh này nhờ năng lực phước đức của Ta nên được thoát khỏi tất cả khổ não.

- Nguyện lớn thứ mười một: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Vô thượng Bồ-đề, nếu có chúng sanh nào bị lửa đói khát thiêu đốt thân tâm, vì tìm cầu miếng ăn phải tạo các nghiệp dữ, thì Ta ở ngay nơi chỗ của những chúng sanh ấy, trước hết dùng các món ăn uống hương vị màu sắc ngon ngọt tốt đẹp giúp cho họ được no đủ, rồi sau đem pháp vị kiến lập cho họ được an lạc hoàn toàn.

Nguyện lớn thứ mười hai: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Vô thượng Bồ-đề, nếu có chúng sanh nào nghèo không có áo mặc, bị nóng lạnh, muỗi mòng ngày đêm bức xúc thì Ta sẽ giúp cho những chúng sanh đó tất cả những thứ tùy theo chỗ cần dùng, cũng ban cho các thứ y phục màu sắc tốt đẹp như chỗ họ ưa thích và cũng đem tất cả những thứ bảo vật trang nghiêm cùng tràng hoa, hương thơm, trống nhạc, các thứ ca múa tùy theo chỗ các chúng sanh đó cần những gì đều khiến cho được đầy đủ.

Mười hai nguyện lớn này là của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Ứng Chánh Biến Tri phát ra khi hành đạo Bồ-tát.

Lại nữa, này Mạn Thù Thất Lợi! Ðức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai có các nguyện lớn và những công đức trang nghiêm nơi thế giới của Ngài, cho đến nói mãn một kiếp cũng không thể hết. Quốc độ của Phật đó hoàn toàn thanh tịnh, không có người nữ, lìa các dục nhiễm xấu xa, cũng không có tất cả các đường ác và âm thanh khổ. Lưu ly làm đất, thành quách, cung điện, tường thành bao bọc chung quanh. Cổng ngõ hai tầng, cửa lớn cửa sổ đều có mái che. Lầu gác, thành quách, cột trụ, cho đến các lớp lưới bao bọc chung quanh cũng đều làm toàn bằng bảy thứ báu, giống như ở nước Cực Lạc. Cõi Tịnh Lưu Ly đẹp đẽ trang nghiêm cũng y như vậy.

Trong cõi nước đó có hai vị Bồ-tát là: Nhật Quang và Nguyệt Quang, Chính hai Bồ-tát này là bậc Thượng thủ, đứng đầu trong vô lượng vô số các chúng Bồ-tát. Hai Bồ-tát này giữ gìn kho tàng chánh pháp của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Thế nên, này Mạn Thù Thất Lợi! Những thiện nam, thiện nữ nào có lòng tin vững chắc thì nên nguyện sanh về cõi nước của đức Phật kia.

Bấy giờ đức Thế Tôn lại bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Này Mạn Thù Thất Lợi! Nếu có chúng sanh nào không biết điều lành, điều dữ, nhiều tham lam, không nhàm chán, không biết bố thí và cũng không biết quả báo của sự bố thí, ngu si vô trí, thiếu hẳn đức tin, chứa chất của cải cho nhiều, bo bo gìn giữ, không muốn phân chia cho ai. Những chúng sanh này không có tâm bố thí, cho nên thấy người khác đến xin, họ không vui, như cắt thịt nơi thân mình đem cho người vậy.

Lại có vô lượng chúng sanh tham lẫn, tự mình không dám ăn tiêu, cũng không muốn cho cha mẹ, vợ con ăn tiêu, huống chi là tôi tớ, người làm thuê và những kẻ đến xin khác. Những chúng sanh này khi ở cõi nhơn gian chết, sẽ bị sanh trong đường ngạ quỷ, hoặc đường súc sanh, nhưng do xưa kia ở nhơn gian đã từng được nghe danh hiệu của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, hoặc ở trong đường ngạ quỷ hay đường súc sanh mà hiện tiền tạm được nghe danh hiệu của Như Lai thì ngay khi nhớ đến liền từ chỗ chết được sanh trở lại trong nhơn đạo, được trí túc mạng, sợ hãi đường ác, không ưa đắm dục lạc, ưa làm việc bố thí, khen ngợi người làm việc bố thí, tất cả của cải đều có thể xả thí hết. Lần lần có thể đem đầu, mắt, chân tay hay máu thịt của thân mình bố thí cho những kẻ đến xin, huống chi là những của cải, vật dụng khác.

Lại nữa, này Mạn Thù Thất Lợïi! Có các chúng sanh tuy phụng thờ và thọ trì học tập theo giáo pháp của Như Lai, nhưng lại phá giới, phá phạm hạnh, phá hủy chánh kiến, hoặc tuy có kẻ lãnh thọ học tập theo giáo pháp, giữ gìn cấm giới, nhưng lại không cầu đa văn, không hiểu được nghĩa lý sâu xa trong kinh Phật dạy, hoặc lại có kẻ đa văn mà lại có thói tăng thượng mạn, cho mình là phải, người khác là quấy, chê bai chánh pháp, kết bè đảng với ma. Những kẻ ngu si ấy và vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sanh khác đi theo đường tà, sẽ đọa địa ngục. Những chúng sanh ấy bị trôi lăn trong đường địa ngục không có thời kỳ ra khỏi, nhưng do nhờ nghe được danh hiệu của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai nên ngay trong chốn địa ngục, nhờ oai lực của đức Phật đó nên danh hiệu của đức Như Lai tạm được hiện tiền. Ngay khi ấy liền xả thân mạng, sanh trở lại nhơn đạo, được chánh kiến tinh tấn, tâm thanh tịnh, thuần thiện, có thể bỏ nhà xuất gia học đạo trong giáo pháp của đức Như Lai, dần dần tu hành theo các hạnh Bồ-tát.

Lại nữa, này Mạn Thù Thất Lợïi! Hoặc có những chúng sanh do ganh ghét, đố kỵ, chỉ khen ngợi mình, không khen người khác. Các chúng sanh này do cao ngạo, khen mình chê người nên bị đọa trong ba đường ác, chịu các sự đau đớn khổ sở trải qua vô lượng ngàn năm. Từ nơi đó chết, sanh trong loài súc sanh, làm trâu ngựa, lạc đà, lừa, thường bị roi gậy đánh đập, đói khát dày vò, thân phải chở nặng, đi đường xa. Nếu sanh trong loài người thì thường bị sanh ở chỗ hạ tiện, làm tôi tớ cho kẻ khác, bị người sai khiến. Nếu những người ấy khi ở trong nhơn đạo được nghe danh hiệu của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, do căn lành này được thoát khỏi các khổ, các căn lanh lợi, trí tuệ sáng suốt, học rộng nghe nhiều, thường cầu thiện bổn, được cùng bạn lành kết bạn với nhau, cắt đứt lưới ma, đập nát vỏ vô minh, tát cạn sông phiền não, thoát khỏi tất cả sanh, lão, bệnh, tử, ưu bi khổ não.

Lại nữa, này Mạn Thù Thất Lợi! Có các chúng sanh ưa thích sự ngang trái, chia rẻ, tranh cãi, kiện cáo lẫn nhau, những người này làm cho chúng sanh phát khởi tâm ác; thân khẩu ý luôn tạo các nghiệp ác, vì muốn tổn hại nhau nên mỗi người thường đem những việc không lợi ích làm hại nhau. Hoặc cáo triệu những quỷ thần ở rừng, ở cây, ở núi, ở gò mã và các loại quỷ thần khác, giết hại các loài súc sanh, lấy máu thịt cúng tế cho tất cả quỷ dạ-xoa, la-sát ăn. Hoặc biên chép tên họ và làm hình tượng của người cừu oán, làm các thứ chú thuật độc hại, trù ẻo, rủa nộp, chú làm cho quỷ tử thi đứng dậy, vì muốn chấm dứt mạng sống và phá hoại thân mạng của người đó. Người đó do nhờ nghe được danh hiệu của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai nên các việc ác đó không thể làm hại, mà còn trở lại hỗ trợ nhau phát khởi tâm từ bi, tâm lợi ích, tâm không hiềm giận, ai nấy đều vui vẻ và đều giúp đỡ lẫn nhau.

Lại nữa, này Mạn Thù Thất Lợi! Bốn chúng: Tỳ kheo, Tỳ kheo ny, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di và các kẻ thiện nam tín nữ khác thọ trì tám phần trai giới, hoặc trong một năm, hoặc là ba tháng, lãnh thọ giữ gìn các giới, do căn lành này, tùy theo sự ưa thích, tùy theo sự mong cầu, hoặc muốn sanh về chỗ của đức Phật A-Di-Ða Như Lai ở thế giới Cực Lạc phương Tây, do được nghe danh hiệu của đức Thế tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai nên khi thân mạng cáo chung có tám Bồ-tát nương hư không đến chỉ cho người đó con đường tắt thì liền ngay nơi thế giới đó được tự nhiên hóa sanh trong những hoa sen đủ màu sắc. Lại nữa, nếu như người này muốn sanh lên cõi trời thì liền được vãng sanh. Căn lành xưa kia vô tận nên không còn sanh trở lại trong các nẻo ác khác. Mạng sống ở trên cõi đời chấm dứt, sẽ sanh trở lại trong nhơn gian làm bậc Chuyển Luân Vương, tự tại trong bốn châu, thành tựu cho vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sanh khác nơi mười thiện nghiệp đạo. Hoặc lại sanh trong dòng họ lớn Sát-đế-lợi, Bà-la-môn hay cư sĩ đại gia, vàng bạc lụa là tràn đầy kho lẫm. Hình dáng đầy đủ, oai đức đầy đủ, quyến thuộc đầy đủ, dõng mãnh nhiều sức lực như đại lực sĩ. Nếu có người nữ nào nghe nói đến danh hiệu của đức Như Lai này, chí tâm thọ trì thì người này về sau vĩnh viễn lìa hẳn thân nữ.

Bấy giờ đồng tử Mạn Thù Thất Lợi bạch Phật:

- Kính bạch Thế Tôn, con ở thời gian sau đem danh hiệu của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai ở chỗ có thiện nam tử thiện nữ nhơn có lòng tin sẽ bằng vô số phương tiện truyền bá rộng rãi cho họ nghe. Cho đến trong giấc ngủ cũng đem danh hiệu Phật thức tỉnh bên tai họ. Nếu có người nào thọ trì kinh này, đọc tụng giảng thuyết, hoặc phân tích, chỉ dạy cho người khác, hoặc tự mình biên chép, hay bảo người khác biên chép, hoặc lấy quyển kinh đựng trong đãy dệt bằng hàng ngũ sắc rồi rưới nước, quét dọn một nơi sạch sẽ để đặt quyển kinh này lên, đem các thứ bông hoa thơm, các thứ hương đốt, hương xoa, tràng phan, cờ báu, lọng báu để cúng dường. Bấy giờ có bốn vị Ðại Thiên Vương cùng với quyến thuộc của họ và trăm ngàn vạn ức các chư thiên khác đều đến chỗ đó cúng dường. Hoặc nơi chỗ quyển kinh này đang lưu hành, hoặc chỗ có người thọ trì đọc tụng kinh này cũng đều được nghe danh hiệu và nguyện lớn thù thắng của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai đã phát trướùc kia. Nên biết chỗ đó không còn bị nạn chết oan, cũng không còn bị những ác quỷ bắt giữ, đoạt lấy hồn phách. Giả sử có bị đoạt cũng được hoàn lại như cũ.

Phật dạy:

- Ðúng như vậy! Ðúng như vậy! Mạn Thù Thất Lợi! Ðúng như lời thầy nói. Này Mạn Thù Thất Lợi! Nếu có tịnh tín thiện nam thiện nữ nào hoặc muốn cúng dường đức Như Lai kia thì người này nên tạo lập hình tượng của đức Như Lai, bảy ngày bảy đêm thọ trì tám phần trai giới, ăn chay, ở chỗ thanh tịnh, dâng các thứ hoa, đốt các thứ hương, dùng các thứ tơ lụa, các thứ cờ lọng để trang nghiêm chỗ đó. Tắm gội sạch sẽ, mặc y phục mới sạch đẹp, nên phát khởi tâm không cấu bẩn, không giận dữ, ghen ghét mà nên phát khởi tâm làm lợi ích, tâm từ bi hỷ xả bình đẳng đối với tất cả chúng sanh. Ðánh trống nhạc, ca hát, tán thán, đi nhiễu quanh bên phải tượng Phật. Nên nghĩ nhớ nguyện lớn của đức Như Lai trước kia và giải thích kinh này thì như sự nhớ nghĩ, như sự nguyện cầu, tất cả sự mong muốn được viên mãn. Cầu sống lâu được sống lâu, cầu phước báo được phước báo, cầu tự tại được tự tại, cầu sinh con trai, con gái, được sinh con trai, con gái.

Hoặc lại có người bỗng thấy điềm chiêm bao xấu, hoặc thấy các tướng xấu, hoặc chim quái đến đậu, hoặc nơi chỗ ở hiện ra trăm điều quái dị... người này nếu có thểâ dùng các thứ của báu cung kính cúng dường đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thì tất cả các điềm chiêm bao xấu, các tướng xấu và những việc không tốt lành ấy đều ẩn hết.

Nếu có những sự khủng bố về nạn nước, lửa, gươm đao, thuốc độc, nạn treo lơ lững, voi dữ, sư tử, cọp, sói, gấu, rắn độc, bọ cạp, rít, sên.v.v... với những sự đáng sợ như vậy mà nếu nhớ nghĩ cúng dường đức Như Lai Dược Sư thì được thoát khỏi tất cả. Hoặc nếu bị nước khác xâm lăng nhiễu hại, trộm cướp phản loạn... với những sự đáng sợ như vậy thì cũng nên nghĩ nhớ và cung kính tôn trọng đức Như Lai.

Lại nữa, này Mạn Thù Thất Lợi! Nếu có thiện nam thiện nữ tín tâm, trọn đời lãnh thọ ba pháp quy y, không phụng thờ các vị trời khác, hoặc thọ trì năm giới, mười giới, hoặc thọ trì 104 giới Bồ-tát, hoặc xuất gia thọ trì 250 giới của Tỳ kheo, hay là thọ trì 500 giới của Tỳ kheo ny, mà đối với các giới đã thọ hủy phạm giới cấm, sợ đọa đường ác, nếu có thể cúng dường đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thì nhất định sẽ không bị quả báo trong ba đường ác. Hoặc có người nữ nào đang khi sinh sản phải chịu sự cực khổ đau đớn, mà nếu có thể xưng niệm danh hiệu, cúng dường đức Thếâ Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai kia thì mau được thoát khỏi những sự đau khổ ấy và đứa con sanh ra thân thể được đầy đủ, hình tướng đoan nghiêm, ai thấy cũng vui mừng, thông minh lanh lợi, an ổn, ít bệnh, không có phi nhơn cướp đoạt hồn phách.

Bấy giờ đức Thế Tôn bảo ngài Huệ Mạng A-Nan:

- Này A-Nan! Như Ta đã khen ngợi những công đức của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thầy có tin nhận không ? Thầy đối với cảnh giới thậm thâm của chư Phật Như Lai như vậy, phần nhiều có sanh nghi ngờ không ?

Khi ấy, ngài Huệ Mạng A-Nan bạch Phật:

- Bạch đức Thế Tôn! Ðối với pháp Như Lai giảng thuyết, không bao giờ con còn nghi ngờ. Vì sao? - Vì tất cả nghiệp thân khẩu ý của các đức Như Lai đều thanh tịnh.

Kính bạch Thế Tôn! Mặt trời mặt trăng có thần thông lớn như vậy, có oai lực lớn như vậy còn có thể rơi xuống, núi chúa Tu Di còn có thể lay động, nhưng những lời của chư Phật nói ra không bao giờ sai khác.

Kính bạch Thế Tôn! Nếu có những chúng sanh nào tín căn không đầy đủ, nghe nói đến những cảnh giới của chư Phật Như Lai thì suy nghĩ: "Làm sao chỉ niệm danh hiệu của Như Lai kia mà được nhiều công đức như vậy ?" Trong lòng không tin nên trở sanh hủy báng. Những hạng người này suốt đời không được điều lợi ích, sẽ bị đọa lạc trong nẻo khổ.

Phật dạy:

- Này A-Nan! Nếu danh hiệu của đức Như Lai lọt vào lỗ tai của những người ấy, mà những người ấy bị đọa vào nẻo ác, không bao giờ có lẽ đó.

Này A-Nan! Cảnh giới của chư Phật thật là khó tin nhận. Nay thầy tin nhận được thì nên biết đó là nhờ oai lực của Như Lai vậy. Chẳng phải tất cả hàng Thanh văn, Bích Chi Phật Ðịa có thể tin nhận được, chỉ trừ các hàng đại Bồ-tát chỉ còn một đời bổ xứ.

Này A-Nan! Thân người khó được nhưng đối với Tam bảo tín kính tôn trọng cũng khó có thể được. Nghe danh hiệu của đức Như Lai kia lại còn khó hơn đây.

Này A-Nan! Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai tu vô lượng hạnh Bồ-tát, dùng vô lượng phương tiện thiện xảo, phát vô lượng nguyện rộng lớn: Ta hoặc một kiếp hay hơn một kiếp nói về những hạnh nguyện Bồ-tát của Như Lai kia cho đến cùng kiếp, những việc làm và những nguyện lớn thù thắng của Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai xưa kia cũng không thể hết.

Bấy giờ trong chúng có đại Bồ-tát tên là Cứu Thoát, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, bày một bên vai, gối phải quỳ sát đất, chấp tay cúi đầu hướng về đức Bà Già Bà bạch:

- Bạch đức Thế Tôn! Nơi đời vị lai sẽ có chúng sanh bị nhiều bệnh nặng, khốn khổ, thân hình gầy ốm, ăn uống không được, miệng cổ khô rang, tướng chết hiện tiền, mắt không nhìn thấy, cha mẹ, bà con, bạn bè quen biết vây quanh khóc lóc, thân thể người bệnh vẫn còn nằm đó mà Diêm ma đã sai người dẫn thần thức để ở trước Diêm ma Pháp vương, sau lưng người này có vị thần câu sanh, tùy theo chỗ người đó đã làm - hoặc tội hoặc phước - tất cả đều biên chép hết và đem dâng lên Diêm ma Pháp vương.

Bấy giờ Diêm ma Pháp vương hỏi người đó tường tận rồi kê tính những việc người đó đã làm, tùy theo lành hay dữ mà phân xử. Nếu người nào có thể vì người bệnh này mà quy y đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai và như pháp cúng dường thì liền được bình phục. Thần thức của người này được trở lại như cũ. Khi ấy như tỉnh giấc chiêm bao, tự nhớ biết, hoặc trải qua 7 ngày, hoặc 21 ngày, 35 ngày, 49 ngày, thần thức hoàn phục trở lại rồi, tự nhớ biết đầy đủ những nghiệp báo lành dữ. Bởi chính mình chứng biết như vậy cho nên dù phải bị mất mạng cũng không dám tạo những nghiệp ác nữa.

Vậy nên những thiện nam thiện nữ có lòng tin phải nên cúng dường Như Lai Dược Sư.

Bấy giờ, ngài Huệ Mạng A-Nan hỏi Bồ-tát Cứu Thoát:

- Thưa thiện nam tử! Nên cung kính cúng dường đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai như thế nào ?

Bồ-tát Cứu Thoát nói:

- Thưa Ðại-đức A-Nan! Nếu có người bệnh nào muốn khỏi bệnh nặng thì quyến thuộc nên vì người bệnh này thọ tám phần trai giới trong bảy ngày bảy đêm, tùy theo khả năng mình nên đem các thức ăn uống và các đồ cần dùng khác cúng dường Tỳ-kheo Tăng, ngày đêm sáu thời lễ bái cúng dường đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, đọc tụng kinh này 49 biến và thắp 49 ngọn đèn. Nên tạo 7 hình tượng của đức Như Lai kia và trước mỗi hình tượng đặt 7 ngọn đèn, mỗi ngọn đèn lớn như bánh xe, đốt sáng luôn trong 49 ngày đêm, đừng cho tắt. Còn cái lọng (thần phan) thì làm bằng hàng ngũ sắc dài 49 thước.

Lại nữa, thưa Ðại-đức A-Nan! Nếu trong dòng Sát-lợi có những vị vua làm lễ quán đảnh, gặp lúc có tai nạn xảy ra, nghĩa là nạn nhân dân bị bệnh dịch, bị nước khác xâm chiếm, bị trong nước phản loạn hay bị nạn tinh tú biến ra nhiều điềm quái dị, nạn nhật thực, nguyệt thực, nạn mưa gió trái mùa hay nạn quá thời tiết không mưa, thì lúc ấy các vị vua dòng Sát-lợi quán đảnh kia phải đem lòng từ bi thương xót tất cả chúng sanh, ân xá cho các tội nhơn bị giam cầm rồi y theo pháp cúng dường đã nói ở trước mà cúng dường đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Khi vua dòng Sát-lợi quán đảnh do căn lành này và do nhờ sức bổn nguyện thù thắng của đức Thế Tôn Dược Sư lưu Ly Quang Như Lai nên trong nước của vua liền được an ổn, mưa thuận gió hòa, lúa thóc được mùa, quốc độ giàu có. Tất cả chúng sanh trong quốc độ không có bệnh tật, an lạc, được luôn vui vẻ, trong nước cũng không có thần Dạ-xoa, La-sát, Tỳ-xá-xà.v.v... và các quỷ thần bạo ác não loạn chúng sanh. Các tướng ác hoàn toàn không hiện. Vua dòng Sát-lợi quán đảnh kia được sống lâu, mạnh khỏe, không bệnh hoạn, được tự tại và được tăng thêm lợi ích.

Bấy giờ, ngài Huệ Mạng A-Nan hỏi Bồ-tát Cứu Thoát:

- Thưa thiện nam tử! Vì lẽ gì mạng sống đã hết mà còn sống thêm được nữa ?

Bồ-tát Cứu Thoát nói:

- Này Ðại đức A-Nan! Thầy lẽ nào không nghe Như Lai nói về chín thứ chết oan hay sao ? Cho nên dạy dùng thuốc thần chú làm phương tiện: Hoặc có chúng sanh mắc bệnh chẳng phải nặng nhưng không có thầy, không có thuốc và không có người săn sóc, hoặc lại có thầy chữa trị nhưng lại cho uống lầm thuốc nên chết. Ðó là chết oan thứ nhất.

Thứ hai là bị phép vua giết.

Thứ ba là buông lung chơi bời săn bắn, đam mê tửu sắc vô độ, bị các phi nhơn hại thần hồn.

Bốn là bị chết thiêu.

Năm là bị chết đắm.

Sáu là bị vào trong các chỗ thú dữ, sư tử, hổ lang ăn thịt.

Bảy là bị đói khát khốn khổ, không được thức ăn, do đây mà chết.

Tám là bị chết vì thuốc độc, rủa nộp, trù ẻo và bị quỷ tử thi.v.v... làm hại.

Chín là chết vì bị rơi từ trên núi cao xuống.

Ðó gọi là Như Lai lược thuyết có chín thứ chết oan. Ngoài ra còn có vô lượng các thứ chết oan khác.

Bấy giờ ngồi trong đại hội, đại chúng có mười hai vị đại tướng Dược-xoa là: Ðại tướng Cung Tỳ La, đại tướng Phạt Chiết La, đại tướng Mê Súy La, đại tướng An Ðể La, đại tướng An Ðát La, đại tướng Ma Niết La, đại tướng Nhơn Ðà La, đại tướng Ba Di La, đại tướng Ma Hổ La, đại tướng Chơn Ðạt La, đại tướng Chiêu Ðổ La, đại tướng Tỳ Yết La. Mười hai đại tướng Dược xoa này mỗi vị đều có bảy ngàn Dược xoa quyến thuộc, đều đồng cất tiếng bạch đức Thế Tôn:

- Chúng con hôm nay nhờ oai lực của Phật mà được nghe danh hiệu của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai nên không còn sợ hãi trong các đường ác nữa. Nay chúng con đồng một lòng cho đến trọn đời quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, sẽ gánh vác tất cả chúng sanh, làm các việc lợi ích an vui. Tùy theo những chỗ nào, hoặc làng xóm, thành ấp, tụ lạc, hoặc chốn A-lan-nhã, nếu có truyền bá kinh này, hoặc thọ trì danh hiệu Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, gần gũi cúng dường thì quyến thuộc chúng con sẽ hộ vệ cho người này, làm thoát khỏi tất cả khổ nạn và khiến cho họ có mong cầu việc chi cũng đều được thỏa mãn.

Bấy giờ đức Thế Tôn khen ngợi các đại tướng Dược-xoa:

- Lành thay! Lành thay! Này đại tướng Dược-xoa! Các ông nếu nghĩ đến ân đức của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thì nên nghĩ đến việc làm lợi ích cho tất cả chúng sanh.

Bấy giờ ngài Huệ Mạng A-Nan bạch Phật:

- Kính bạch Thế Tôn, kinh này tên là gì ? Và phụng trì như thế nào ?

Phật dạy:

- Này A-Nan! Pháp môn này tên là Ðại Nguyện Thù Thắng, được đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai đã phát đời quá khứ, nên y như vậy mà thọ trì. Cũng gọi là "Mười hai đại tướng Dược-xoa thệ nguyện". Cũng gọi là "Tịnh Nhất Thiết Nghiệp Chướng", nên y như vậy mà thọ trì.

Khi đức Bà Già Bà nói như vậy xong, các đại Bồ-tát, đại Thanh văn, cùng quốc vương, đại thần, Bà-la-môn, cư sĩ và tất cả đại chúng A-tu-la, Kiền-đạt-bà.v.v... nghe Phật dạy đều rất vui mừng và hoan hỷ phụng hành.

KINH PHẬT THUYẾT DƯỢC SƯ NHƯ LAI BỔN NGUYỆN

Hết

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]