Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Nhân Quả Ba Đời

23/05/201311:07(Xem: 19757)
Kinh Nhân Quả Ba Đời

Những bản kinh ngắn dịch từ Hán Tạng

Kinh Nhân Quả Ba Đời

Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Nguồn: Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
kinhnhanquabadoi_thientam

Lời Nói Đầu

Thuở xưa, có người đến hỏi một vị Thiền sư: "Bậc tu hành đã ngộ lý Chân Không, có lạc vào vòng Nhân Qủa đặng?". Thiền sư đáp: "Bậc đại tu hành chẳng lạc vào vòng nhân qủa".

Vì câu trả lời này mà khiến cho Thiền Sư phải đọa làm kiếp chồn năm trăm năm, sau gặp ngài Bá Trượng mới được giải thoát.

Cũng do câu chuyện trên đây, nên các vị cổ đức khuyên người học Phật, trước tiên phải duyệt các kinh nói về nhân qủa tội phước, chú trọng phần giới hạnh, cùng hiểu biết sự luân hồi trong ba cõi sáu đường, sau mới nghiên cứu qua kinh cao. Nếu trái thứ tự, bước đầu tiên đọc những kinh như: Kim Cang, Pháp Bảo Đàn...nếu không phải là người có nhiều căn lành, tất dễ sinh lòng khinh mạn và lạc vào lối chấp không?. Thật ra, nhân qủa không phải là chuyện thấp nhỏ, vì từ chúng sinh đọa tam đồ cho đến chư Phật thành Chính Giác đều không ngoài nhân qủa. Do sự kiện trên bút giả mới phiên dịch quyển kinh nầỵ

Vì kinh Nhân Qủa nói tóm tắt không mấy trang nên bút giả lại phụ thêm một ít câu chuyện tạm gọi là "Nhân Qủa Luân Hồi Tạp Lục".

Về việc luân hồi nhân qủa ở Việt Nam ta cũng có nhiều, tiếc vì không ai ghi chép thành sách, nên tản mác đi. Vì thế, bút giả đành tìm dịch các câu chuyện bên Trung Hoa, và những việc này đều có thật. Cái thông bệnh của người tu Phật, là hay luận huyền nói diệu, mà việc thường nhỏ lại ít khi làm được. Nhớ lại hồi xưa sư cụ Khánh Hòa còn tại thế, có một Phật tử hỏi về đạo lý "vô thỉ vô chung". Sư Cụ mỉm cười đáp: "Hỏi chi xa vời vậy? Gắng ăn chay và niệm Phật cho đều đều là tốt lắm rồi!", Đại để, người đã lăn lội trong nhiều giáo điển, lại không muốn nói diệu huyền mà chỉ chú trọng đến sự thật hành thông thường, là như thế.

Kinh Hoa Nghêm nói: "Lòng tin là bước đầu của đạo, và mẹ của tất cả công đức". Mong những vị hữu duyên, khi xem đến quyển sách này, bắt đầu tu niệm tin có linh hồn ma qủy, đến tin có tội phước báo ứng, việc chuyển kiếp luân hồi, cũng sự linh hiển của Phật Pháp. Do đó, lần lượt tiếp tục xem những kinh cao hơn. Chừng ấy, lẽ không không sắc sắc, đường thị thị phi phi, sẽ hỏi Phật đà mà tỉnh ngộ.

Thích Thiền Tâm

Kinh Nhân Quả Ba Đời

Một hôm, Tôn giả A Nan Đà, ở trên hội Linh Sơn cùng với một ngàn hai trăm năm mươi đại Tỳ Kheo câu hội.

Khi ấy A Nan Đà Tôn giả, chắp tay đảnh lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng, rồi quỳ xuống thưa thỉnh đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn rằng:

- Bạch Thế Tôn! Đến thời mạt pháp, tất cả chúng sinh ở cõi Nam Diêm Phù Đề, nhiều kẻ sinh niệm chẳng lành, không kính Tam Bảo, không trọng cha mẹ, không có tam cang. Năm giềng rối loạn, nghèo khó, thấp hèn, sáu căn chẳng đủ, trọn ngày sát sinh hại mạng cho đến nghèo giàu sang hèn không đồng nhau. Do nhân duyên qủa báo gì khiến nên như thế?

Cúi xin đức Thế Tôn từ bi, vì chúng con giải thích mọi sự việc.

Phật bảo A Nan cùng các đại đệ tử: ! Lành thay ! Lành thay ! Các ông hãy lắng nghe! Ta sẽ vì các ông mà giải thích rành rẽ".

Tất cả nam nữ ở thế gian giàu sang hay nghèo hèn, chịu khổ vô cùng hoặc hưởng phước vô lượng đều do nhân duyên từ đời trước mà cảm qủa báo.

Cho nên tất cả chúng sinh, trước phải hiếu kính cha mẹ, kế đó phải tin trọng ngôi Tam Bảo, thứ ba nên bỏ giới sát mà phóng sinh, và thứ tư cần ăn chay bố thí mới có thể gieo giống ruộng phước về sau.

Phật liền nói bài kệ nhân qủa rằng:

Giàu sang đều bởi mạng
Đời trước có tu nhân
Ai thọ trì kinh nầy,
Đời đời hưởng phước lộc.
Thiện nam, tín nữ nghe ta nói:
Suy nhớ kinh Nhân Qủa ba đời
Nhân qủa ba đời việc chẳng nhỏ,
Phật nói lời Phật chớ chê khinh.


1. Đời nay làm quan do nhân gì?
Kiếp trước vàng ròng thếp tượng Phật
Đời nay hưởng phước bởi nhân xưa
Đai vàng, áo tía, cầu nơi Phật.
Vàng trang nghiêm Phật, trang nghiêm mình.
Làm đẹp Như Lai, đẹp từ thân.
Đừng bảo làm quan là chuyện dễ,
Không tu phước ấy đến từ đâu?


2. Cưỡi ngựa, ngồi kiệu do nhân gì?
Kiếp trước làm cầu, bồi đắp lộ.


3. Do nhân duyên gì mặc gấm vóc?
Đời trước thí áo giúp Tăng Ni.


4. Có ăn, có mặc do nhân gì?
Xưa giúp kẻ nghèo cho ăn uống.


5. Ăn mặc thiếu thốn bởi nhân chi?
Kiếp trước một nửa không xả thí.


6. Lầu cao nhà lớn do nhân gì?
Xưa lên chùa am cúng thí gạo.


7. Phước lộc đầy đủ cho nhân gì?
Xưa lập chùa am cất nhà mát (1)


8. Tướng mạo xinh đẹp do nhân gì?
Đời trước hoa tươi cúng dường Phật.


9. Thông minh trí tuệ do nhân gì?
Kiếp trước ăn chay, thường niệm Phật.


10. Người thấy vui mừng do nhân gì?
Xưa kết duyên lành cùng đại chúng.


11. Chồng vợ bền lâu do nhân gì?
Đời trước tràng phan nghiêm cúng Phật.


12. Cha mẹ song toàn do nhân gì?
Đời trước kính trọng người cô độc.


13. Không cha mất mẹ do nhân gì?
Kiếp trước là người đánh bẫy chim.


14. Con cháu đông nhiều do nhân gì?
Đời trước mở lồng thả chim thú.


15. Nuôi con không được do nhân gì?
Xưa sinh con gái dìm cho chết? (2)


16. Đời nay không con do nhân gì?
Kiếp trước bẻ gãy hại trăm hoa.


17. Đời nay sống lâu do nhân gì?
Kiếp trước mua vật phóng sinh nhiều.


18. Đời nay mạng yểu do nhân gì?
Kiếp trước xẻ thịt giết chúng sinh.


19. Đời nay không vợ do nhân gì?
Kiếp trước tham mưu gian vợ người.


20. Đời nay ở góa do nhân gì?
Kiếp trước buông lung khinh rẻ chồng.


21. Làm thân tôi đòi do nhân gì?
Kiếp trước quên ơn cùng phụ nghĩa.


22. Đời nay mắt sáng do nhân gì?
Kiếp trước cúng dầu đốt đèn Phật.


23. Đời nay đui mù do nhân gì?
Kiếp trước chỉ đường chẳng phân minh.


24. Môi miệng sứt thiếu do nhân gì?
Kiếp trước thổi tắt đèn cúng Phật.


25. Đời nay câm điếc do nhân gì?
Xưa từng ác khẩu mắng cha mẹ.


26. Đời nay lưng gù cho nhân gì?
Kiếp trước chê cười người lễ Phật.


27. Tay bị cong quẹo do nhân gì?
Đời trước đều là người tạo nghiệp.


28. Chân bị co rút do nhân gì?
Kiếp trước ngăn đường đánh cướp người.


29. Làm thân trâu ngựa do nhân gì?
Xưa thiếu nợ người không chịu trả.


30. Đọa làm heo chó do nhân gì?
Kiếp trước lừa gạt phỉnh hại người.


31. Đời nay nhiều bệnh do nhân gì?
Xưa đem rượu thịt bày cúng Phật.


32. Đời nay không bệnh do nhân gì?
Xưa thí thuốc men cứu bệnh nhân.


33. Hằng bị lao tù do nhân gì?
Kiếp trước làm ác chẳng nhượng người.


34. Đời nay chết đói do nhân gì?
Kiếp trước thường lấp hang rắn chuột


35. Bị thuốc độc chết do nhân gì?
Kiếp trước đăng lưới giết hại cá.


36. Nổi trôi cơ khổ do nhân gì?
Ác tâm lấn hiếp mưu hại người.


37. Đời nay lùn bé do nhân gì?
Kiếp trước xem kinh để dưới đất. (3)


38. Nay thường thổ huyết do nhân gì?
Xưa ăn thịt rồi đi tụng kinh. (4)


39. Đời nay ngu điếc do nhân gì?
Kiếp trước tụng kinh chẳng lắng nghe.


40. Ghẻ lác phong điên do nhân gì?
Xông hơi thịt cá trước bàn Phật.


41. Thân có mùi hôi do nhân gì?
Xưa bán hương thơm trọn dối gian.


42. Đời nay chết treo do nhân gì?
Kiếp trước đem dây săn bẫy thú.


43. Quan, qủa, cô độc do nhân gì?
Xưa thường ganh ghét hiềm mắng người.


44. Sét đánh lửa thiêu do nhân gì?
Cân non, già, thiếu lòng gian xảo.


45. Rắn cắn cọp ăn do nhân gì?
Kiếp trước gây oan tạo đối đầu.
Muôn việc mình làm lại mình chịu
Thọ khổ địa ngục oán trách ai?
Đừng nói nhân qủa người không thấy.
Xa trả con cháu, gần trả mình.


46. Chỉ nhìn trước mắt người hưởng phước.
Sẽ tin bố thí với trì trai.
Kiếp trước tu nhân nay hưởng qủa.
Đời nầy tu tích để về sau.
Nếu ai hủy báng kinh Nhân Qủa
Kiếp sau đọa lạc mất thân người.
Kẻ nào thọ trì kinh Nhân Qủa.
Chư Phật, Bồ Tát đều chứng minh.
Kẻ nào biên chép kinh Nhân Qủa,
Truyền đời tu học đạo nhà hưng.
Ai mà mang đội kinh Nhân Qủa,
Tai hung hoạnh họa chẳng vào thân.
Nếu người giản nói kinh nhân qủa
Đời đời kiếp kiếp được thông minh
Kẻ nào đề xướng kinh Nhân Qủa
Đời sau người thấy sinh cung kính.
Người nào ấn tống kinh Nhân Qủa.
Kiếp sau sẽ được thân Đế Vương.
Theo Kinh Nhân Qủa hỏi đời trước.
Chính sự thọ hưởng của đời nay.
Theo Kinh Nhân Qủa hỏi đời sau.
Chính sự gây nhân của kiếp này,
Nếu như nhân qủa không cảm ứng,
Do đâu Mục Liên cứu được mẹ?
Người nào tin sâu kinh Nhân Qủa.
Đồng sinh Tây phương cõi Cực Lạc.
Nhân qủa ba đời nói không hết.
Thiên long chẳng bỏ ý người lành.
Nên ngôi Tam Bảo ruộng phước lớn,
Nhân tu tuy một, hưởng muôn ngàn.
Gởi kho bền chắc không hư mất, (5)
Nhiều đời thọ dụng phước vô cùng.
Muốn biết nhân đời trước,
Xem sự hưởng đời nay,
Muốn biết qủa đời sau,
Xem việc làm kiếp này.

(1) Nhà dưỡng Lão, cô nhi

(2) Thuở xưa từ Ấn Độ, cho đến Trung Hoa, những nhà nghèo sinh con nhiều nuôi không tham nên dìm cho chết bớt con gái lúc mới sinh ra.

(3) Ngồi dưới đất xem kinh, nên để kinh trên một cái bệ, khinh mạn cũng là nhân của tướng lùn bé. Lễ Phật, khiêm hạ là nhân của tướng cao hơn.

(4) Ăn mặn rồi muốn tụng kinh, phải súc miệng rửa tay, rửa miệng sạch, và tụng chú như sau. Tất được thanh tịnh không tội lỗi: Tịnh tam nghiệp chân ngôn: Um Soa Pha Va Suýt Đà, sạt và đạt ma, soa phạ va suýt đa hàm (7 biến) Aum! Syabhava sudaha, sarva drama svabhava suddhà hàma.

(5) Gởi kho đây không phải đốt giấy tiền vàng bạc gởi vào kho, mà ý nói tiền của thế gian không bền, khi chết rồi phải bỏ lại tất cả. Chỉ có tu phước làm lành ăn chay, tụng kinh, tham thiền, niệm Phật, là kho.

Kinh Nhân Quả

Bài giảng của HT Thanh Từ

Một hôm Phật ở nước Xá Vệ rừng Kỳ Đà vườn ông Cấp Cô Độc, tôi nghe như vầy:

Khi ấy vua Ba Tư Nặc đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, lui ngồi một bên, bạch Phật:

-- Thế nào Thế Tôn! Bà La Môn chết rồi trở lại sanh trong dòng Bà La Môn chăng? Sát Lợi, Tỳ Xá, Thủ Đà la cũng thế chăng?

-- Đại Vương! Đâu được như vậy. Đại Vương nên biết có bốn hạng người:

1. Có người từ tối vào tối.

2. Có người từ tối vào sáng.

3. Có người từ sáng vào tối.

4. Có người từ sáng vào sáng.

Đại Vương! Thế nào là hạng người từ tối vào tối?

- Có những người sanh ra trong nhà ty tiện hoặc nhà Chiên Đà La (Candala), nhà làm lưới bẫy, nhà đương lát, nhà thợ mộc và các nghề nghiệp hạ tiện, nghèo cùng, chết yểu, thân thể xấu xa, mà lại làm những nghề hạ tiện, cũng bị người sai làm những việc hạ tiện, ấy gọi là tối.

Ở trong chỗ tối, người kia lại thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, do nhơn ấy thân hoại mạng chung sẽ sanh cõi ác đọa địa ngục. Ví như có người từ tối vào tối, từ nhà xí vào nhà xí, dùng máu rửa máu, xả ác thọ ác, người từ tối vào tối cũng như thế.

Thế nào là người từ tối vào sáng?

- Có những người sanh trong gia tộc ty tiện, cho đến làm nghề hạ tiện, ấy gọi là tối. Nhưng người kia ở trong chỗ tối này, thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện, do nhân duyên ấy thân hoại mạng chung, sanh vào cõi lành, được hóa sanh lên cõi trời. Ví như có người bước lên chõng từ chõng cưỡi ngựa, từ ngựa lên voi, từ tối vào sáng cũng như thế.

Thế nào là người từ sáng vào tối?

- Có những người sanh trong gia tộc giàu sang hoặc nhà Sát Lợi giàu sang, hoặc nhà Bà La Môn giàu sang, nhà trưởng giả và các gia đình giàu sang nhiều tiền của, tôi tớ, nhiều trí thức, thân tốt đẹp, thông minh trí tuệ, ấy gọi là sáng. Ở trong chỗ sáng này, thân hành ác, khẩu hành ác, ý hành ác, do nhân duyên ấy thân hoại mạng chung sanh cõi ác, đọa địa ngục. Ví như có người từ lầu cao xuống cưỡi voi, từ voi xuống lưng ngựa, từ ngựa xuống xe, từ xe xuống chõng, từ chõng xuống đất, từ đất rơi xuống hầm, từ sáng vào tối cũng như thế.

Thế nào là người từ sáng vào sáng?

- Có những người sanh trong gia tộc giàu sang cho đến hình tướng tốt đẹp. Ở trong chỗ sáng này tâm hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện, do nhân duyên này thân hoại mạng chung sanh cõi lành được hóa sanh cõi trời. Ví như có người từ lầu đẹp đến lầu đẹp, như thế cho đến từ chõng đến chõng, người từ sáng vào sáng cũng như thế. Khi ấy Thế Tôn nói bài kệ:

Người bần cùng khốn khổ
Không tin thêm sân hận
Sân tham tưởng ác tà
Si mê không cung kính
Thấy Sa Môn, Đạo Sĩ
Người trì giới, đa văn
Chê bai, không khen ngợi
Chướng người trí kẻ thọ
Kẻ sĩ phu như thế
Từ đây đến đời sau
Sẽ đọa trong địa ngục
Từ tối vào nơi tối.
Nếu có người bần cùng
Tín tâm ít sân hận
Thường sanh tâm tàm quí
Bố thí lìa xan tham
Thấy Sa Môn, Phạm chí
Người trì giới, đa văn
Thấp mình và thăm hỏi
Tùy nghi khéo giúp đỡ
Khuyên người khiến bố thí
Khen thí và người thọ
Người tu thiện như thế
Từ đây đến đời sau
Cõi lành sanh lên trời
Từ tối vào nơi sáng.
Có sĩ phu giàu vui
Không tin nhiều sân hận
Sân tham, tật tưởng ác
Tà si không cung kính
Thấy Sa Môn, Phạm chí
Chê bai không khen ngợi
Chướng ngại người bố thí
Cũng đoạn người thọ thí
Sĩ phu ác như thế
Từ đây đến đời sau
Sẽ sanh địa ngục khổ
Từ sáng vào trong tối.
Nếu có sĩ phu giàu
Tín tâm không sân hận
Thường khởi tâm tàm quí
Huệ thí lìa sân đố
Thấy Sa Môn, Phạm Chí
Người trì giới, đa văn
Trước kính đón thăm hỏi
Tùy nghi cấp chỗ cần
Khuyên người khiến cúng dường
Khen thí và thọ thí
Kẻ sĩ phu như thế
Từ đây đến đời sau
Sanh tam thập tam thiên
Từ sáng vào nơi sáng.

Phật nói kinh này rồi, vua Ba Tư Nặc nghe Phật nói hoan hỷ tùy hỷ làm lễ rồi lui đi.

Bình:

Đọc qua bài kinh Nhân Quả trên, chúng ta thấy lý nhân quả của đạo Phật rất rộng rãi và phóng khoáng. Bởi một số đông người trong thế gian lầm chấp: Hể người chết sanh cõi người, trời chết sanh cõi trời, thú vật chết sanh thú vật v.v... Họ đâu biết cuộc sống của chúng ta là một dòng chuyển biến, chuyển biến liên tục từng sát na. Từ khi chào đời đã chịu quả báo nghiệp nhân của quá khứ. Dần dần thành một con người là nó đã tạo thêm nghiệp mới. Nếu gặp duyên lành ở trong hoàn cảnh tốt, gần thiện tri thức dạy điều lành, điều tốt thì nó sẽ tiến lên các cõi lành. Trái lại gần người ác, hoàn cảnh xấu xa nhiễm theo nghiệp ác, nó sẽ đọa xuống các cõi dữ. Như thế cứ tiếp tục thăng trầm từ đời này sang kiếp khác, không bao giờ dứt (gây nghiệp trả quả báo, trả quả báo rồi gây nghiệp v.v...)

Vì thế ở đây Phật nêu lên bốn hạng người:

- Người từ tối vào tối.

- Người từ tối vào sáng.

- Người từ sáng vào tối.

- Người từ sáng vào sáng.

Hạng người thứ nhất là người kém phước đức. Đời trước đã gieo nhân bất thiện, nên hiện nay gặp quả báo sanh chỗ xấu ác. Thế mà cũng chẳng biết làm thiện để chuyển đổi nghiệp nhân đau khổ, họ đành chịu quả khổ mãi mãi (như từ tối vào tối).

Hạng người thứ hai, cũng ở trong hoàn cảnh xấu ác (của nghiệp qua khứ), nhưng họ biết chuyển nghiệp dữ thành nghiệp lành, tức họ hết khổ đau (như từ tối vào sáng).

Hạng người thứ ba là hạng người có phước đức, do đời trước tạo nhân tốt, đời này hưởng quả lành, nhưng họ không biết tu tiến, cứ tha hồ thụ hưởng dục lạc, gây tạo ác nghiệp để rồi phải gặt hái quả khổ đau (như từ sáng vào tối).

Hạng người thứ tư, người này vừa có phước đức lại biết huân tu nghiệp lành, tránh xa nghiệp ác. Người này mỗi ngày một tiến lên, tâm trí sáng ngời, tương lai họ sẽ lên quả giải thoát (như từ sáng vào sáng).

Tóm lại trong bốn hạng người nói trên, có hai hạng biết cầu tiến (hạng thứ hai và thứ tư) và hai hạng không biết cầu tiến (hạng thứ nhất và thứ ba). Như thế việc tu hành có tiến hay thối đều do chúng ta có chịu chuyển đổi nghiệp nhân hay không, chứ không phải do ai định đoạt. Và nghiệp nhân cũng không phải cố định thiện ác, mà tùy chúng ta chuyển đổi đó thôi.

Biết được lẽ này, chúng ta mới nỗ lực tu thiện, đoạn ác, và không kẹt vào hai chấp "thường" và "đoạn" của ngoại đạo.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]