Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 21: Như Lai thần lực

22/05/201313:41(Xem: 11819)
Phẩm 21: Như Lai thần lực

Lược giải Kinh Pháp Hoa

Phẩm 21: Như Lai thần lực

Hòa Thượng Thích Trí Quảng

Nguồn: Hòa Thượng Thích Trí Quảng

I. LƯỢC VĂN KINH

Bấy giờ vô số Bồ tát từ đất vọt lên ở trước Đức Phật, chắp tay bạch Phật rằng : "Bạch Thế Tôn, sau khi Ngài diệt độ, chúng con sẽ nói kinh Pháp Hoa ở các nước của Đức Thế Tôn phân thân diệt độ".
Lúc ấy đức Thế Tôn ở trước đại chúng, hiện thần thông le lưỡi đến Trời Phạm Thế và từ lỗ chân lông phóng ra vô số tia sáng đủ màu soi khắp mười phương thế giới. Các Đức Phật ngồi tòa sư tử dưới cội cây báu cũng làm như thế. Đức Phật Thích Ca và chư Phật hiện thần thông đến trăm ngàn năm mới ngừng, đồng thời tằng hắng và khảy móng tay. Hai tiếng vang đó lan rộng mười phương thế giới của chư Phật.
Bát bộ chúng cùng loài người nương sức thần của Phật thấy trong cõi Ta bà có vô lượng vô số Phật ngồi tòa sư tử, thấy Phật Thích Ca và Phật Đa Bảo ngồi trong tháp báu, cũng thấy vô lượng Bồ tát và tứ chúng vây quanh Đức Thích Ca.
Lúc đó, chư Thiên trên hư không xướng rằng : "Cách đây vô lượng thế giới có nước Ta bà, trong đó có Phật Thích Ca đang nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa giáo Bồ tát pháp Phật sở hộ niệm. Các ông nên tùy hỷ, lễ bái cúng dường Đức Phật Thích Ca". Chúng sanh nghe xong chắp tay quay về Ta bà niệm : "Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật" và dùng hoa hương châu báu rải vào Ta bà. Bấy giờ, thế giới mười phương thông nhau thành một nước Phật.
Khi đó, Phật bảo các Bồ tát Thượng Hạnh : "Sức thần thông của chư Phật không thể nghĩ bàn. Nếu dùng thần thông ấy mà nói về công đức kinh Pháp Hoa để lưu truyền về sau, thì không bao giờ nói hết được. Tóm lại, tất cả pháp Như Lai, thần lực Như Lai, kho tàng bí yếu của Như Lai đều được giải nói trong kinh Pháp Hoa. Sau khi Như Lai diệt độ, các ông phải một lòng thọ trì, đọc tụng, giảng nói, biên chép đúng theo kinh mà tu hành. Nơi nào có người tu theo kinh Pháp Hoa hay có kinh Pháp Hoa, phải nên dựng tháp cúng dường. Vì đó là đạo tràng, là nơi chư Phật được Vô thượng giác, là nơi chư Phật chuyển pháp luân và nhập Niết bàn"

II. GIẢI THÍCH

Khi Phật đem sự nghiệp ủy thác cho người thừa kế hay đem kinh Pháp Hoa phú chúc cho các Bồ tát tùng địa dũng xuất, các Ngài rất tâm đắc. Và đồng loạt lục vạn hằng sa Bồ tát vâng lời Phật dạy truyền bá kinh Pháp Hoa sau Phật diệt độ, đúng theo tinh thần của Phật Oai Âm Vương và Vân Tự Tại.
Tất cả nhà chú sớ đều nhận thấy điểm này lạ vì có nhiều kinh mà Phật không cần phú chúc như kinh Tiểu Thừa, hoặc kinh Bát Nhã được Phật phú chúc cho Ngài A Nan. Trong khi kinh Pháp Hoa, Phật phú chúc đến hai lần.
Phẩm Như Lai thần lực phú chúc về mặt siêu hình. Sinh hoạt và đối tượng của Phật phú chúc là Bồ tát tùng địa dũng xuất. Ngài Trí Giả gọi là thần lực phú chúc. Phẩm 28 Chúc Lụy thuộc về phần phú chúc ở mặt hữu hình cho chúng đương cơ và hành giả Pháp Hoa đời sau. Trí Giả xếp vào loại ma đảnh phú chúc.
Để mở đầu phẩm Như Lai thần lực, Bồ tát tùng địa dũng xuất phát nguyện thọ trì, đọc tụng, biên chép, giảng nói kinh Pháp Hoa ở Ta bà. Về vấn đề đức Phật có chấp nhận sự hoằng truyền kinh Pháp Hoa của chúng hội hay không, chúng ta nhớ lại ở phẩm Trì. Trong đó, các vị Thanh văn được thọ ký thành Phật và các Bồ tát do Dược Vương dẫn đến đều xin Phật cho họ truyền bá kinh Pháp Hoa ở Ta bà, nhưng Ngài không chấp nhận. Phật trả lời trong phẩm Tùng địa dũng xuất rằng ở Ta bà có các Bồ tát cựu trụ thị tùng Pháp thân Phật. Các vị này đông hơn số cát sáu sông Hằng, sau khi Như Lai diệt độ, lãnh trách nhiệm hoằng truyền kinh Pháp Hoa.
Tại sao Phật không giao trách nhiệm hoằng truyền kinh Pháp Hoa ở Ta bà cho Bồ tát mười phương, Ngài lại phú chúc cho Bồ Tát cựu trụ hay Bồ tát tùng địa dũng xuất ? Giữa Bồ tát mười phương và Bồ tát cựu trụ khác nhau như thế nào ?
Bồ tát mười phương như Trí Tích Bồ tát tích lũy công đức, tích lũy học vấn cũng chưa được Phật giao trách nhiệm giữ gìn kinh Pháp Hoa. Vì vấn đề quan trọng là muốn thành tựu được việc, cần nhìn thấy sự thật của sự vật ở Ta bà. Điều này đòi hỏi hành giả Pháp Hoa phải sống, phải trưởng thành ở nơi đó.
Đức Phật giao kinh Pháp Hoa cho Bồ tát tùng địa dũng xuất là Bồ tát xuất thân từ Ta bà, sống ở Ta bà mới hiểu rõ tâm tình chúng sanh Ta bà và giáo hóa họ phát huy được. Nếu không hiểu họ và đứng ở lập trường riêng mà dạy, chắc chắn không kết quả. Bồ tát mười phương đến Ta bà chỉ làm công việc trợ hóa.
Ngoài ra, các Bồ tát cựu trụ có người mang theo 6 vạn hằng hà sa quyến thuộc, có người đem 5 vạn, 4 vạn, 3 vạn quyến thuộc hoặc có Bồ tát đi một mình. Đối với người thích viễn ly sẽ gặp Bồ tát đi một mình. Người thích có nhiều quyến thuộc sẽ thích hợp với Bồ tát Thượng Hạnh. Ngài dạy họ tổ chức điều hành, giáo dưỡng toàn mỹ sáu vạn hằng hà sa quyến thuộc.
Các Bồ tát cựu trụ tiêu biểu cho mọi tầng lớp xã hội, thể hiện được giáo pháp của Đức Phật Thích Ca mới có khả năng giáo hóa ở Ta bà, vì Ta bà có nhiều ác ma. Các Ngài nhờ quan sát ác ma này mà phát sanh thật trí, diễn dịch chân lý không cùng tận. Trong khi các Bồ tát ở thế giới khác không có đối tượng, không có điều kiện để trắc nghiệm kinh Pháp Hoa như Bồ tát cựu trụ.
Ngài Trí Giả chú giải điểm này cho rằng Phật phú chúc giáo pháp cho Bồ tát cựu trụ Ta Bà, không phú chúc cho Bồ tát phương khác. Vì Phật thấy rõ tâm các Bồ tát mười phương ở xa thương Phật muốn đến Ta bà hoằng truyền Pháp Hoa. Tuy nhiên, chạm phải những chúng sanh hung dữ, kỳ khôi, ngang bướng của Ta bà, các vị này sẽ hoảng sợ, chán nản bỏ cuộc. Nói cách khác, chỉ có Bồ tát cựu trụ có khả năng chịu đựng những bức ngặt của Ta bà, biết rõ căn tánh hành nghiệp của chúng sanh Ta bà và đáp ứng dễ dàng những yêu cầu của chúng.
Ngoài ra, tư cách đặc thù của Bồ tát tùng địa dũng xuất để được Phật phú chúc việc hoằng truyền kinh Pháp Hoa, chính vì các Ngài là những Bồ tát đã vượt ngoài ngũ uẩn thân. Các Ngài không còn bị ngũ uẩn chi phối, mới lãnh hội được pháp chân thật của Phật truyền trao và đủ khả năng giữ gìn pháp ấy để làm lợi lạc cho chúng hữu tình ở đời sau. Đối với những Bồ tát chưa vượt qua được sự chi phối của thân ngũ uẩn, tất nhiên không thể nào tiếp nhận pháp chân thật. Họ chỉ có thể tiếp cận và sống với pháp phương tiện mà thôi.
Dưới nhãn quan của hành giả Pháp Hoa ngày nay, chúng ta còn sống và tu hành trong bể Phật pháp, tăng tiến đạo hạnh, là nhờ sự mật tá của các Bồ tát tùng địa dũng xuất. Mặc dù chúng ta không thấy các Ngài, nhưng vẫn cảm nhận được nếu không có sự hộ niệm của Bồ tát tùng địa dũng xuất, chúng ta không thể nào tiến tu được.
Sau khi các Bồ tát cựu trụ phát nguyện, Đức Phật lặng thinh, mặc nhiên bằng lòng cho các vị này hoằng truyền kinh Pháp Hoa. Đức Phật liền hiển bày thần lực. Phô diễn thần lực là phương cách mà Phật dùng để dạy kinh Pháp Hoa, một pháp chân thật nằm trong sanh diệt khó hiểu khó vào, vượt ngoài suy tư thế gian, nên Đức Phật phải trải qua suốt 49 năm giáo hóa.
Đối với chúng đương cơ và các Bồ tát phương khác đến dự hội Pháp Hoa, thần lực của Phật thật bất tư nghì. Chúng sanh đời sau thiếu căn lành, không có niềm tin, cho đó là biểu tượng, không phải là sự thật, hoặc chỉ là chuyện giả tưởng. Riêng chúng ta khi chưa hiểu được thần lực Như Lai, phải xem đó như một trong mười tám pháp bất cộng của Phật là pháp chân thật nằm ngoài ngôn ngữ thế gian và chỉ dành riêng cho Bồ tát tùng địa dũng xuất nghe, giữ gìn, truyền bá. Tùy thân phận, trình độ tu chứng của người dự pháp hội thấy thần lực này mang ý nghĩa khác nhau.
Tướng bất khả tư nghì thứ nhất là tướng lưỡi rộng dài, le thẳng đến cùng tột Trời Sắc cứu cánh hay Trời Phạm Thế. Theo tôi, tướng này tiêu biểu cho khẩu chuyển pháp luân của Phật. Ngài thuyết pháp, âm thanh đi khắp mười phương đến Trời Phạm Thế. Hay nói cách khác, tất cả loại hình đều trực nhận được ngôn ngữ của Phật theo nghiệp riêng của họ. Chúng ta đã thấy diễn tả pháp hội Phật thuyết kinh Pháp Hoa trong phẩm Tựa gồm đủ Trời, người, bát bộ chúng, tứ Thánh lục đạo trong chín cõi, những người đang trụ Thiền định hoặc đang sống với ngũ uẩn thân đều tiếp nhận được ngôn ngữ Phật.
Tướng lưỡi rộng dài đến Trời Phạm Thế, có lẽ là một cách diễn tả của người kiết tập kinh điển, nhằm nói lên sức thuyết phục của Phật thật vô cùng khi Ngài sử dụng khẩu chuyển pháp luân.
Tướng thứ hai là lỗ chân lông của Phật đều phóng ra ánh sáng chiếu khắp mười phương. Thân phóng ánh sáng tiêu biểu cho thân phạm hạnh trong sạch đạo đức của Đức Phật. Ngài được mọi loài kính ngưỡng, nghe theo, vì từ thân Ngài tỏa rực ánh sáng đạo đức thuần thiện. Đây là phần thân chuyển pháp luân của Phật, Ngài thuyết pháp giáo hóa chúng sanh một cách nhẹ nhàng bằng chính cuộc sống đạo hạnh trọn lành của Ngài vậy. Hình ảnh thân Phật tỏa ánh sáng cũng là một cách thức diễn tả cảm nghĩ của người kiết tập kinh điển.
Tướng thứ ba diễn ra bằng hình ảnh tất cả Phật mười phương tụ hội về cùng làm một việc như Phật, cũng le lưỡi, lỗ chân lông cũng phóng ra ánh sáng. Những nhà chú giải kinh Pháp Hoa đều đồng kiến giải tất cả chư Phật cùng làm một việc và ánh sáng xuyên qua mười phương thế giới tiêu biểu cho thần lực của Phật, sức mạnh của Phật, sức chiết phục của Phật thường được ví như mặt trời phá trừ hắc ám.
Ngoài ra, hiện tướng này mang ý nghĩa tiêu biểu cho Phật đạo đồng. Tuy có nhiều Đức Phật khác nhau, nhưng các Ngài đều giống nhau, có 32 tướng tốt và thần lực như nhau. Chỉ khi hành Bồ tát đạo hiện ra sai khác.
Tướng bất khả tư nghì kế tiếp là các Đức Phật đồng làm một việc tằng hắng và khảy móng tay. Khi Phật phô diễn thần lực, thế giới cho đến Trời Phạm Thiên đều nổ tung, biến động sáu cách, trong trăm ngàn năm thu lại thành chớp mắt. Thế giới nổ tung nhưng những người dự hội không biết, tất cả chỉ còn giữ lại hiện hữu dưới dạng tâm thức, không có gì trở ngại được gọi là Kim Cang thân. Tiếp theo, trong mười phương thế giới đều thấy Phật và phân thân Phật cùng tháp Đa Bảo và vô số Bồ tát về dự hội Pháp Hoa.
Thần lực thứ chín là chư Thiên dùng vật báu rải vào cõi Ta bà, cúng dường Phật Thích Ca. Do thần lực của Phật, những món báu này biến thành phan lọng che các Đức Phật.
Bất khả tư nghì thứ mười là chư Phật mười phương thông làm một cõi, chư Phật liên hệ nhau không chướng ngại. Tuy thông làm một cõi nhưng mỗi Đức Phật vẫn có Phật độ riêng. Đây là cảnh giới mầu nhiệm của kinh Pháp Hoa, là pháp chân thật của kinh Pháp Hoa.
Cảnh giới của chúng ta và cảnh giới Phật thực ra không khác nhau. Thế giới đau khổ buồn phiền này do nghiệp ác của chúng sanh tạo nên. Với phước đức và trí tuệ trang nghiêm, chư Phật xây dựng thế giới an vui tốt đẹp. Điều này dễ hiểu vì cũng đồng một chất, một nguyên tố nhưng tùy tâm lượng và khả năng từng người mà tạo nên vật khác nhau. Khổ vui đều tùy thuộc vào hành giả. Nếu là Bồ tát, là Phật, hành giả sẽ có cảnh giới của Bồ tát, của Phật. Trái lại hành giả là chúng sanh, cảnh giới chúng sanh sẽ hiện tương ưng.
Tóm lại, Đức Phật phô diễn thần lực thể hiện đầy đủ ý nghĩa tam chuyển pháp luân của Ngài : thân chuyển, khẩu chuyển và ý chuyển, được người kiết tập kinh điển diễn tả bằng hình ảnh Phật phóng ánh sáng, thè lưỡi, khảy móng tay v.v…
Theo Ngài Nhật Liên, nếu hiểu thần lực của Phật một cách đơn giản như kinh diễn tả, chúng ta không thể nào thâm nhập vào cảnh giới Pháp Hoa. Với kiến giải của Ngài, lúc đó Phật không sử dụng nhân gian ngôn ngữ. Ngài sử dụng Phật ngữ để lưu lại pháp chân thật. Tuy pháp đó chúng ta không thấy, không nghe, không biết, nhưng các vị Bồ tát tùng địa dũng xuất lãnh trách nhiệm duy trì, giữ gìn, pháp âm của Ngài mới tồn tại mãi đến ngày nay hơn 25 thế kỷ.
Thật vậy, pháp âm của Ngài đã vượt ra khỏi ranh giới hạn hẹp của đất Ấn Độ. Pháp âm đã được truyền thông đi khắp năm châu, hiện hữu trong các quốc gia dưới những hình thái sinh hoạt khác nhau. Nó bàng bạc phổ biến trong không gian vô cùng. Chúng ta thấy ở một giai đoạn nào đó, xuất hiện những con người tiếp thu được pháp chân thật. Nếu pháp âm không tiềm ẩn sẵn trong vũ trụ, thì khó mà tồn tại dài lâu như vậy. Đó chính là ý nghĩa Đức Phật làm cho Phật pháp cửu trụ dưới dạng thức giao cho Bồ tát tùng địa dũng xuất siêu hình giữ gìn.
Theo tôi, trên thực tế một con người không thể điều động duy trì một công việc theo ý mình lâu dài được. Chúng ta thấy có ba hạng người mà tầm vóc hoạt động ảnh hưởng khác nhau. Hạng người thứ nhất tuy còn sống nhưng hết phước, không được ai để ý đến, họ không khác gì người đã chết. Hạng người thứ hai, việc làm của họ chỉ có giá trị khi còn sống. Lúc họ qua đời mọi việc trôi theo quá khứ, chẳng ai nhớ đến. Và hạng người thứ ba, tuy chết nhưng vẫn như còn sống, vẫn còn mọi người nhắc nhở noi theo, tiếp tục làm công việc của họ. Coi như họ còn hiện hữu, tồn tại ở dạng Pháp thân.
Trên thế gian này, duy nhất chỉ có Đức Phật sống lâu hơn cả. Thọ mạng của Ngài kéo dài hơn 2.000 năm. Từng thế hệ tự động nối tiếp phát triển giáo pháp của Phật, nhờ sức mạnh gọi là Như Lai thần lực, một sức mạnh có thực của người đắc đạo mà người đời không thể thấy, không thể hiểu.
Tuy nhiên, Như Lai thần lực không mang ý nghĩa nào khác hơn là sức mạnh tinh thần. Đức Phật khi còn là Thái tử Sĩ Đạt Ta, lịch sử ghi Ngài có sức mạnh đến độ khiêng một cung đồng nặng đến 36 người mới khiêng nổi. Nhưng sức mạnh tinh thần của Ngài quan trọng hơn. Khi Ngài thành Phật, đạt đến trí tuệ cao tột hay phát huy sức mạnh tinh thần ở tuyệt đỉnh, kinh gọi là Như Lai thần lực.
Như Lai lực có sẵn trong con người chúng ta, vì Như Lai tánh tồn tại trong tất cả pháp. Nhưng chúng ta không sử dụng được, không khai thác được Như Lai lực của mình, nên chỉ sống trong vòng lẩn quẩn hạn hẹp của nhân lực bình thường. Khi chúng ta phát triển sức mạnh tinh thần của mình ở khía cạnh triết học hay khoa học, chúng ta trở thành triết gia, khoa học gia.
Cũng vậy, chúng ta bước vào con đường tu hành với phương châm duy tuệ thị nghiệp, cố nâng đời sống tinh thần theo lời dạy của Phật. Tinh luyện tinh thần trong hiểu biết đặc thù của Phật, để điều động mọi sự vật theo mô hình "điều mà không điều", không qua lời nói, cử chỉ, hành động. Mỗi ngày sức mạnh tinh thần phát huy rộng lớn thêm, đến một lúc nào đó đắc đạo, chúng ta sử dụng trọn vẹn Như Lai lực của chính mình đồng với Đức Phật vậy.
Bồ tát tùng địa dũng xuất từ cùng tột trong lòng đất, nhận lãnh giữ gìn pháp chân thật, tiêu biểu cho hành giả Pháp Hoa trở về nội tâm quán chiếu sâu tận đáy lòng để thấy được chân thật pháp. Tùy mức độ thâm nhập vào cảnh giới thiền định đến đâu, tạo thành lực chi phối đến đó.
Qua sự phô diễn thần lực, Đức Phật chỉ dạy cho con người ở Ta bà cái thấy toàn diện hay thần lực siêu việt của Ngài đều phát xuất từ thiền định. Chúng hội thấy diễn biến của toàn bộ pháp giới, không thể hiểu được, nên việc nào cũng thành bất tư nghì.
Lực của Như Lai đi thẳng vào thể của sự vật, làm xoáy mòn phiền não chúng sanh dễ dàng. Ở dạng thể thì tâm, Phật và chúng sanh, ba thứ này không sai biệt. Thật vậy, khi Như Lai lực chỉ tác động vào thể của sự vật, bấy giờ lực Như Lai nằm trong chính ta. Hay nói cách khác, hành giả tập trung cao độ, thọ trì, đọc tụng, giảng nói, biên chép, đúng như pháp tu hành, dù ở Tăng phường hoặc ở điện đường hay núi hang đồng trống, hành giả chính là toàn thân Như Lai. Trên bước đường hành Bồ tát đạo, dù khoác vào chiếc áo xuất gia hay cư sĩ, từng bước thâm nhập pháp chân thật diễn nói trong kinh Pháp Hoa, vượt ngoài lý luận ngữ ngôn bình thường. Chúng ta mới sống được trong Như Lai thần lực, nhận được trí lực của Phật gia bị đến. Nương theo sự mật tá của Phật, chúng ta phát huy trí tuệ và đạo đức theo mô hình Phật dạy từ phẩm thứ nhất đến phẩm 20. Được như vậy, chúng ta mới thực sự là hành giả Pháp Hoa kiểu mẫu, có khả năng duy trì, giữ gìn kinh Pháp Hoa hay tạng bí yếu của Như Lai mà Đức Thế Tôn đã ân cần phú chúc cho chúng ta trong phẩm Đà la ni thứ 22.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]