Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 20: Thường Bất Khinh Bồ tát

22/05/201313:41(Xem: 11111)
Phẩm 20: Thường Bất Khinh Bồ tát

Lược giải Kinh Pháp Hoa

Phẩm 20: Thường Bất Khinh Bồ tát

Hòa Thượng Thích Trí Quảng

Nguồn: Hòa Thượng Thích Trí Quảng

I. LƯỢC VĂN KINH

Phật nói với Bồ tát Đắc Đại Thế về cuộc đời hành đạo của Bồ tát Thường Bất Khinh : "Thuở xưa cách nay vô số kiếp, có Đức Phật Oai Âm Vương ra đời. Ngài sống lâu 40 ức na do tha hằng sa kiếp. Sau khi Phật Oai Âm Vương diệt độ, tuần tự có 20 muôn ức Phật ra đời đều cùng một danh hiệu Oai Âm Vương. Khi Phật Oai Âm Vương sau cùng diệt độ, trong thời tượng pháp, các Tỳ kheo tăng thượng mạn rất có thế lực. Có vị Bồ tát tên Thường Bất Khinh. Sở dĩ mang tên như vậy, vì mỗi khi Ngài gặp Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, đều lễ lạy khen ngợi "Tôi không dám khinh quý vị, quý vị đều sẽ thành Phật".
"Bồ tát Thường Bất Khinh không đọc tụng kinh điển. Ngài chỉ chuyên lễ lạy và khen ngợi mọi người bằng câu trên, cho đến bị mắng chửi, đánh đập hay bị ném đá, Ngài cũng không sờn lòng. Khi Bồ tát Thường Bất Khinh mạng chung, Ngài nghe được trong hư không 20 ngàn muôn ức bài kệ kinh Pháp Hoa của Phật Oai Âm Vương thuở trước. Nghe xong sáu căn của Ngài được thanh tịnh và sống thêm 200 muôn ức na do tha tuổi, Ngài giảng kinh Pháp Hoa cho mọi người. Lúc ấy những người đã khinh rẻ Bồ tát Thường Bất Khinh, thấy Ngài được thần thông, nhạo thuyết biện tài, họ nghe Ngài thuyết pháp đều kính phục và theo tu.
"Bồ tát Thường Bất Khinh giáo hóa vô số người trụ Vô thượng giác. Sau khi mạng chung, Ngài gặp 2.000 ức Phật đồng hiệu Vân Tự Tại Đăng Vương nói kinh Pháp Hoa. Nghe xong, sáu căn của Ngài được thanh tịnh. Sau khi cúng dường, trồng căn lành với các Đức Phật như thế, Bồ tát Thường Bất Khinh gặp ngàn muôn ức Phật thường nói kinh Pháp Hoa, thành tựu công đức.
"Bồ tát Thường Bất Khinh chính là ta. Bốn chúng thường khinh rẻ ta, nên trong 200 kiếp chẳng gặp Phật, Pháp, Tăng, ngàn kiếp ở địa ngục. Hết tội, họ được gặp lại Bồ tát Thường Bất Khinh giáo hóa. "Những người tăng thượng mạn hiện nay ở trong pháp hội này, chính là 500 Bồ tát do Hiền Hộ (Bhadrapala) dẫn đầu, 500 Tỳ kheo Ni đứng đầu là Sư Tử Nguyệt (Simhacandra) và 500 Ưu bà di thuộc nhóm Thiện Thệ Tư (Sugatacetana).
"Phải biết kinh Pháp Hoa có nhiều lợi ích cho đại Bồ tát, giúp họ mau đến Vô thượng bồ đề. Sau khi Phật diệt độ, phải siêng năng thọ trì, đọc tụng, giảng nói kinh này".

II. GIẢI THÍCH

Việc làm của Thường Bất Khinh Bồ tát diễn tả trong phẩm này nhằm chứng minh công đức của Pháp sư thọ trì kinh Pháp Hoa ở phẩm trước không phải là ảo tưởng. Đó là thành quả sống thực của Phật đã đạt được khi tu Bồ tát đạo ở kiếp quá khứ.
Mở đầu, Phật hồi tưởng lại thuở quá khứ từ vô số kiếp trước có Đức Phật Oai Âm Vương Như Lai. Kế đến có hai muôn ức đức Phật đồng hiệu như vậy. Khi Phật Oai Âm Vương cuối cùng diệt độ, trong thời tượng pháp có Tỳ kheo Bồ tát Thường Bất Khinh xuất hiện.
Bản dịch kinh Pháp Hoa của Ngài Trúc Pháp Hộ gọi là Thường Bị Khinh. Theo tôi danh từ Thường Bị Khinh đúng hơn. Vì diễn tả được sự khó khăn của người tu hành đạo Bồ tát thường gặp phải, bị khinh chê, đánh đập, mắng chửi.
Thường Bất Khinh là tiền thân Phật Thích Ca. Ngài lấy kinh nghiệm trong quá khứ tu hành của mình dạy chúng nhân. Tại sao Ngài phải gặp mắng chửi đánh đập ? Ngài quan sát, phân tích, tìm hiểu nguyên nhân quả báo và tự điều chỉnh, thay đổi tâm niệm, việc làm để tạo thành kết quả tốt. Trong khi chúng ta tu hành mãi, cũng không thành Phật được. Vì không bao giờ chúng ta biết nhìn nguyên nhân sâu xa của một sự kiện, chỉ thấy phớt qua mặt thực tế rồi sanh phiền muộn, bất mãn, sân hận.
Phật đưa ra hình ảnh Tỳ kheo Bồ tát Thường Bất Khinh, tuy xuất gia làm Tỳ Kheo vẫn nuôi ý chí cứu đời. Trong lúc ông tu hạnh giúp người cứu người, ông bị đại chúng khinh thường, đánh mắng. Theo tôi, những sự kiện này đều có thực, chúng ta thường gặp trên bước đường tu. Người quyết tâm tu phải khác với người không quyết tâm. Bồ tát Thường Bất Khinh hạ quyết tâm tu, có lời nói chân thật đúng đắn, có một đời sống đức hạnh, đương nhiên tạo thành thế đối lập với cuộc sống đạo đức giả dối theo hình thức bên ngoài của các Tỳ kheo khác. Nói lên những ý kiến khác, sống khác với đại chúng, tự nhiên làm khó chịu những người đồng tu và đưa đến tai họa cho Bồ tát Thường Bất Khinh. Việc ấy không thể tránh được.
Riêng bản thân tôi, thuở nhỏ cũng đã gặp những tai nạn như vậy. Chỉ vì tôi nỗ lực tu hành đến độ quên cả ăn mặc ngủ nghỉ. Quần áo thì xốc xếch, chẳng buồn quan tâm đến ngôn ngữ xã giao với bạn đồng tu, khiến họ bực bội, ghét bỏ, khinh chê tôi là "cây khô". Nhưng ngày nay, nhìn thấy những thành quả của tôi trên bước đường hành đạo, họ lại nói tôi là "cây khô trổ bông".
Thiết nghĩ muốn thành công, chúng ta phải có một quá trình nỗ lực hành đạo, triệt để phát huy trí tuệ và tiềm lực của mình. Công phu tu tập đến độ trong kinh diễn tả rằng Thường Bất Khinh mạng chung, mới nghe được 20 ngàn muôn ức bài kệ Pháp Hoa của Phật Oai Âm Vương.
Qua câu chuyện Thường Bất Khinh, Phật dạy hành giả Pháp Hoa tự sửa đổi, điều chỉnh lời nói cho thích hợp. Biết đúng nhưng có nên nói hay không ? Vì tư cách của người nói mới thực sự quan trọng. Tuy cùng một lời nói mà Đức Thế Tôn nói sẽ có tác dụng khác với lời nói của vị La hán hay người ăn mày.
Phật dạy sau khi Ngài thành tựu công đức, nhìn lại quá khứ, Ngài thấy có nhiều sai lầm. Thật vậy, lúc đó tư cách của Thường Bất Khinh chỉ là một chiêu đề Tăng nghĩa là một Tỳ kheo lang thang không có trụ xứ. Thường Bất Khinh với tư cách người ở trọ đến nương tựa các Tỳ kheo khác, mà lại muốn làm Thầy họ, là một sai lầm lớn. Những Tỳ kheo này có phước báo hữu lậu, nhưng tâm họ không thanh tịnh. Sự nghiệp vật chất của họ rất lớn, nên chỉ lo khư khư bảo vệ.
Thường Bất Khinh làm người lang thang, năm phước báo thế gian không có, lại đem Phật pháp đến dạy họ, làm sao tránh khỏi đụng chạm tự ái. Tuy Ngài mang tâm niệm tốt, thích sửa đổi nhanh chóng những sai trái, nhưng chẳng ai nghe. Từ đó, Ngài rút kinh nghiệm, chuyển nghiệp lần, bằng cách lo tự tịnh hóa bản thân. Dù bị đánh chửi, khinh chê, Thường Bất Khinh Bồ tát vẫn không oán hận. Ngài luôn xem những hành động đánh chửi là đối tượng để suy cứu. Ngài dạy chúng ta phải thấy rõ, vì chưa có phước đức nên bị đánh chửi, vì nói sai lầm nên bị khinh chê. Hành giả cần lo tu bồi phước đức, điều chỉnh những sai lầm của mình.
Hành Bồ tát đạo, nhờ quan sát cách hành sử của đối tượng bên ngoài, tự thấy rõ mình đang ở chặng đường nào. Và khởi điểm từ đây tu, cố gắng phá từng phần phiền não. Muốn không bị chê dốt nát, không có cách gì khác ngoài việc nỗ lực học. Muốn không bị khinh chê nghèo đói đê tiện, ta phải vượt khỏi những thứ này.
Ý thức như vậy, khi còn yếu kém nhiều mặt, muốn không bị khinh chê, không nên cầu thân với người sang giàu hơn, giỏi hơn ta. Nguyện tu thành Vô thượng đẳng giác, không làm ăn mày suốt đời, bằng mọi cách vượt lên những tầm thường thế gian. Phật đầy đủ mười hiệu, ít nhất chúng ta cũng cố gắng được một hiệu.
Ta tự kiểm xem có chút phần nào đúng theo nghĩa Như Lai không. Như Lai là tâm như như bất động, không bị phiền não nhiễm ô quấy rầy. Hiện hữu nơi nào, Ngài trang trải phước lành đến đó. Hoàn cảnh không bao giờ chi phối được Phật. Ngược lại, Ngài luôn luôn tạo cho hoàn cảnh tốt đẹp hơn. Thử hỏi sao người không kính trọng Phật.
Chúng ta quan sát tư cách của Phật để tự sửa mình, luôn nghĩ đến mang lợi ích cho người. Riêng tôi, không bao giờ đến nơi nào mà không giúp ích gì cho họ. Tôi chỉ đến theo yêu cầu của người mà thôi. Đến để nhờ vả, mượn tiền, van xin cầu khẩn, chắc chắn chẳng ai muốn tiếp chúng ta.
Ngoài ra, lòng hành giả Pháp Hoa không được giao động trước hoàn cảnh. Thiên hạ giàu sang, có địa vị là việc riêng của họ, có dính líu gì đến ta. Đừng để buồn vui vinh nhục trần gian làm hoen ố tâm hồn chúng ta. Giữ trạng thái tâm bình ổn, mới khả dĩ bước vào cửa Phật.
Đức Phật là bậc Ưng cúng, được Trời người cung kính cúng dường. Tại sao Ngài đạt quả vị này ? Trải qua quá trình hành đạo Bồ tát, Phật đã xả thân mạng, không chỗ nào nhỏ bằng hạt cải mà Ngài không làm lợi ích chúng hữu tình. Nói cách khác, không ai trong pháp hội không thọ ơn Phật. Cho đến ngày nay, nhìn về công ơn giáo dưỡng thâm sâu của Phật, mọi người vẫn còn dâng cúng Ngài. Chúng ta tự xét thân phận mình đã làm được gì cho chúng sanh, mà đòi chúng sanh cung kính. Không có quá trình làm lợi ích cho người giống như Phật, nhưng muốn được bằng Ngài, chắc chắn phải lãnh lấy hậu quả bị khinh chê, đánh đập.
Phật là bậc Chánh biến tri, hiểu biết chính xác nội tại và ngoại tại không sai lầm. Hoàn cảnh nào Ngài cũng thấy chính xác, phê phán đúng đắn các học thuyết đương thời. Và những gì Phật dạy chúng ta, Ngài đã làm đúng, nên được tôn danh là bậc Minh hạnh túc. Chúng ta tự xét hiểu biết mình đến đâu và việc làm có tương ưng với lời nói chưa ? Phải nhìn thấy vấn đề, điều chỉnh tu tập đúng pháp để dần tiến đến quả Toàn giác.
Hình ảnh xấu ác của Tỳ kheo tăng thượng mạn tu sai pháp, chỉ tu hình thức, chỉ nói suông lời Phật dạy, gợi ý cho Thường Bất Khinh nhận chân được nghĩa lý sâu xa của kinh và thế nào là hiện hữu quý báu có ý nghĩa của sứ giả Như Lai trên cuộc đời. Dưới nhãn quan của Thường Bất Khinh Bồ tát, việc làm của những người tăng thượng mạn này thật đáng thương hại. Họ khoác vào lớp áo xuất gia để che đậy tâm hoàn toàn thế tục, chẳng khác gì người đóng vai vua trên sân khấu.
Học hạnh của Bồ tát Thường Bất Khinh, từng bước thâm nhập kinh, tâm chúng ta lần lần chuyển đổi, không lo hướng ngoại, không bực tức với sai trái của người. Chúng ta cố gắng tịnh hóa tâm, sửa đổi tánh tình bớt phiền não. Một phần phiền não phá trừ là một phần thân nghiệp dứt sạch. Cho đến khi gạn lọc tâm hoàn toàn thanh tịnh, tham sân nghiệp chướng hoàn toàn không còn, mới nghe được pháp âm Phật. Giống như Thường Bất Khinh Bồ tát mạng chung, nhận được 20 ngàn muôn ức bài kệ kinh Pháp Hoa của Phật Oai Âm Vương.
Thường Bất Khinh mạng chung, hay nói khác gặp việc khó khăn có thể tan thân mất mạng. Ở trạng thái tuyệt mạng tuyệt thể, không còn ý thức sống, tâm hồn lắng yên cùng tột. Theo Bồ tát Quan Âm đó là "ngũ uẩn giai không". Nghĩa là mạng nghiệp hết, Thường Bất Khinh hiện hữu ở dạng hư không thân và huệ mạng mới tiếp thu được kinh Pháp Hoa bằng pháp ngữ của Phật quá khứ.
Đến đây cần lưu ý, có hai giai đoạn tu. Giai đoạn một, tu Thanh văn sử dụng sáu căn để tu pháp Phật và ngộ pháp bằng thức. Kinh Pháp Hoa mà chúng ta suy nghĩ, ứng dụng, giảng giải chỉ là pháp phương tiện, không phải pháp chân thật của Bồ tát. Ở giai đoạn hai, Bồ tát đã vượt qua cửa Bát Nhã, nghe Pháp Hoa bằng pháp ngữ, không dùng thính giác nghe ngôn ngữ. Kinh diễn tả Thường Bất Khinh Bồ tát mạng chung hay vượt qua được thân ngũ uẩn mới nghe kinh Pháp Hoa của Phật Oai Âm Vương. Trực nhận pháp ngữ của Phật Oai Âm Vương, Thường Bất Khinh trở lại cuộc đời hành đạo, sự việc diễn tiến hoàn toàn khác hẳn.
Trước kia, hành giả bị người đánh, vì đến với thân tội lỗi nghiệp chướng. Nhưng khi thành tựu công đức, sáu căn hoàn toàn thanh tịnh, thực sự đầy đủ tư cách hành giả Pháp Hoa thì đến với người bằng tâm thanh tịnh, không lỗi lầm và hiểu biết đúng hoàn toàn. Tất nhiên, phải được người quý trọng.
Trên bước đường hành đạo, quý Thầy nỗ lực tu sẽ thấy rõ có lúc khuyên dạy người bằng tất cả chân tình, nhưng họ không nghe. Đến khi chúng ta an trụ thế giới thanh tịnh của chư Phật, cảm nhận được pháp ngữ và thích thú sống trong thế giới giải thoát. Ta chẳng buồn quan tâm đến khuyên dạy người, lúc ấy họ lại đến cầu xin được nghe pháp.
20 ngàn muôn ức bài kệ kinh Pháp Hoa tiêu biểu cho vô số việc làm khó khăn chướng ngại Thánh đạo mà Phật đã phải đương đầu và vượt qua được trên bước đường hành Bồ tát đạo của Ngài. Nghe xong 20 ngàn muôn ức bài kệ kinh Pháp Hoa, sáu căn trở thành thanh tịnh; Thường Bất Khinh Bồ tát nhận chân được tất cả căn tánh hành nghiệp chúng sanh, dù tốt hay xấu, mỗi chúng sanh đều có khả năng thành Phật.
Trang nghiêm sáu căn bằng công đức thanh tịnh, cuộc sống của Thường Bất Khinh Bồ tát đổi khác. Ngài làm tất cả mọi việc nhân gian, vẫn không trái đạo Vô thượng đẳng giác, mới thực sự là người trì kinh Pháp Hoa biểu hiện cho nhị đế dung thông. Đối với cuộc đời, phục vụ thật nhiều lợi lạc, nhưng vẫn không mất tư chất giải thoát của người tu.
Khi Thường Bất Khinh tạo được đầy đủ phước đức, các Tỳ kheo tăng thượng mạn hết phước báo, phải đọa địa ngục, vì quá khứ đầy tội lỗi. Nhìn lại Thường Bất Khinh trở thành Bồ tát có uy đức, họ khởi lên tâm cầu cứu. Lúc ấy, Thường Bất Khinh đủ tư cách thuyết pháp giáo hóa, kéo họ ra khỏi địa ngục, dạy họ kinh nghiệm hành đạo của Ngài. Nghĩa là làm thế nào từ bị khinh chê đánh mắng chuyển đổi thành Bồ tát có uy đức.
Việc làm của Thường Bất Khinh gợi cho người tăng thượng mạn tự kiểm lại lòng họ, thấy được sai trái. Nhờ Thường Bất Khinh khai tri kiến, thức tỉnh những Tỳ kheo tu sai pháp khiến họ từng bước thay đổi suy nghĩ và việc làm trở thành tốt đẹp. Khi Thường Bất Khinh Bồ tát thành Phật, những người ném đá mắng chửi Ngài, được Ngài giáo hóa đều trở thành Bồ tát, Bích chi Phật, Thanh văn.
Ở hội Linh Sơn, hàng tăng thượng mạn này không ai xa lạ, 500 Tỳ kheo chính là 500 Bồ tát trụ vững chắc nơi bậc bất thoái, dẫn đầu là Hiền Hộ Bồ tát (Bhadrapala), 500 Tỳ kheo Ni đứng đầu là Sư Tử Nguyệt (Simhacandra) là những người an trụ quả vị Bích chi Phật hay Độc giác và 500 cư sĩ nay là nhóm ông Thiện Thệ Tư (Sugatacetana).
Có thể nói chính sự đắc đạo của Bồ tát Thường Bất Khinh thể hiện bài pháp sống, chuyển hóa những người chống đối đang đọa địa ngục tự phát tâm tu. Ngài không thuyết pháp bằng ngôn ngữ, họ nghe Ngài qua tâm và đạt được quả vị giải thoát.
Với thành quả của Thường Bất Khinh được Phật nêu lên, chúng ta nhận chân rằng nếu tu đắc đạo, nghiệp chướng trần lao tự động xóa tan, nghịch thuận đều biến thành nhân duyên hóa độ.
Đây là kinh nghiệm tu hành của Phật trong quá khứ được Ngài thuật lại để chỉ dạy chúng ta. Ngài không thuyết pháp suông, mơ hồ hay tưởng tượng.
Chúng ta phát nguyện trì kinh Pháp Hoa cần phải ghi nhớ sâu sắc tấm gương sáng của hành giả Pháp Hoa kiểu mẫu Thường Bất Khinh Bồ tát. Ghi đậm hình ảnh và việc làm của Ngài, chúng ta dầu gặp chống trái khó khăn, xin chớ chán nản buồn phiền lâu. Có lỡ dại tiếp xúc với ma phiền não, đánh mất tâm hồn trong sáng của mình, xin hãy mau trở lại trạng thái thanh tịnh an nhiên của hành giả Pháp Hoa để tiến tu trên đường đạo.
Quan sát kỹ, phải chấp nhận rằng Thường Bất Khinh Bồ tát nhờ đối tượng hung dữ, kỳ quái, chướng ngại nhất. Ngài luyện tâm tánh và vận dụng trí tuệ, giáo hóa họ thành Bồ tát. Dưới cái nhìn sáng suốt hoàn toàn thanh tịnh của Thường Bất Khinh Bồ tát, trên sanh diệt có đầy đủ tốt xấu. Nhưng trên bản thể, tất cả đều tốt. Ý thức như vậy, Ngài mới có thể hướng dẫn, điều chỉnh những người chống trái tu hành thành Phật.
Hơn nữa, đối với người thật tu, lắng lòng thanh tịnh, nhận thấy mọi hoàn cảnh tốt xấu đều tùy thuộc nơi ta hơn là tùy người. Khi ta thành Phật, thành người tốt thật sự, có trí tuệ tuyệt luân, đạo đức thánh thiện, thì việc nào cũng giải quyết êm đẹp. Cái xấu không có môi trường tồn tại, mọi hoàn cảnh dù thuận hay nghịch đều phải trở thành tốt. Mọi người đối với chúng ta chưa tốt, hoàn cảnh chưa tốt, chứng tỏ chúng ta còn nhiều nhược điểm cần khắc phục.
Trên bước đường hành Bồ tát đạo, gia công tu bồi trí tuệ và đạo đức. Cho đến khi suy nghĩ, lời nói, hành động, việc làm của chúng ta đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của người, của xã hội, dìu dắt mọi người cùng thăng hoa trên đường thánh thiện. Khi ấy, hành giả chẳng còn gì để đối phó, cũng chẳng mong cầu bất cứ điều gì trên cuộc đời. Hành giả hoằng truyền kinh Pháp Hoa an nhiên tự tại, như voi chở nặng leo ngược dốc, không có sức nào ngăn cản được.
Tinh thần giáo hóa hoàn toàn tự tại của hành giả Pháp Hoa, được kinh diễn tả dưới dạng Thường Bất Khinh gặp Phật Vân Tự Tại. Gặp Phật Vân Tự Tại hay hành đạo như Đức Phật Vân Tự Tại, theo tôi, là mô hình Bồ tát giáo hóa trên cuộc đời tự tại như mây nổi giữa hư không. Mây kết hợp thành muôn hình muôn vẻ, kết hợp rồi lại tan, nhưng bản vị của mây không bao giờ mất. Bồ tát cũng vậy, hành đạo thanh thản giải thoát không khác gì mây bay. Các Ngài vẫn luôn ở trong sanh tử giáo hóa chúng sanh không mệt mỏi buồn chán, không vướng bận chút mảy trần trong tâm. Nói cách khác, các Ngài giáo hóa mà không giáo hóa.
Ngày nay, chúng ta tu hành thường vấp phải sai lầm cố gắng dạy dỗ người. Họ không nghe, chúng ta lại sanh buồn phiền, phải biết chúng ta chỉ là Bồ tát giả hiệu.
Tên Phật, Bồ tát do hạnh mà thành danh như Bồ tát Trì Địa chuyên làm cầu, sửa đường. Bồ tát Quan Âm thì luôn lóng nghe những tiếng cầu cứu của chúng sanh. Hoặc Phật Vân Tự Tại đáp ứng lợi lạc cho yêu cầu từng lúc từng nơi khác nhau, ví như những cụm mây đủ hình dạng màu sắc. Nhưng tính chất giải thoát của Ngài muôn đời không thay đổi.
Bước theo dấu chân các Ngài, phải học và làm như các Ngài, mới thâm nhập ý nghĩa giải thoát của đạo Phật. Nếu chúng ta nghĩ rằng gặp Đức Phật Oai Âm Vương hay Vân Tự Tại là giáp mặt thực với các vị Phật ở thời xa xưa. Nghĩ như vậy cũng được.
Tuy nhiên theo tôi, chúng ta trở lại thực tế Đức Phật lịch sử có thật để hiểu, sẽ thấy rõ tự tại của Phật dạy là cái gì có thực mà chúng ta có thể ứng dụng. Thật vậy, khi Phật xuất gia tu làm Sa môn, Ngài thể hiện rõ nét vai trò một Thường Bất Khinh Bồ tát.
Chúng ta không thấy được Thường Bất Khinh bằng con người xương thịt. Nhưng nhìn lại cuộc sống thực tiễn của Phật Thích Ca, chúng ta thấy Ngài tu khổ hạnh, dồn tất cả nỗ lực để trắc nghiệm các pháp. Ngài tập trung thân tâm cho việc đắc đạo, nên vấn đề giao tế tiếp xúc bên ngoài không để tâm, trở thành vụng về đến độ năm anh em Kiều Trần Như sống chung với Ngài cũng không vừa lòng. Họ rời bỏ Ngài, không ai theo Ngài cả.
Nhưng khi Phật đắc đạo, làm chủ được thân ngũ uẩn. Ý này được kinh diễn tả bằng hình ảnh Thường Bất Khinh mạng chung, nghe được pháp âm của Phật Oai Âm Vương. Nghe được pháp Phật Oai Âm Vương, tức đắc đạo, Ngài trở lại cuộc đời với tư cách một vị Phật, Ngài có sức thuyết phục lạ lùng kỳ diệu. Lịch sử ghi rõ Kiều Trần Như vừa nhìn thấy Phật, liền đắc La hán và lần lượt các người gặp Phật đều chứng từ sơ quả cho đến tam quả, tứ quả. Ngay như vua Ba Tư Nặc ngang bướng, rất bực bội khi nghe Phật độ Sunita thuộc giai cấp cùng đinh. Thay vì phản đối gây gổ với Phật như đã định trước, không hiểu tại sao khi đến gặp Phật, ông lại răm rắp nghe lời Phật đảnh lễ Sunita.
Phật đắc đạo, giáo hóa chúng sanh đơn giản nhẹ nhàng. Cũng như Thường Bất Khinh sau khi nghe pháp Phật Oai Âm Vương, trở lại cuộc đời, chuyển đổi những người chống đối thành pháp lữ hằng thuận. Điều này nhắc nhở chúng ta khi hành Bồ tát đạo, phải thuyết pháp như Phật Oai Âm Vương. Nghĩa là chỉ nói khi lời nói chúng ta có giá trị, có đủ quyền uy để giáo hóa.
Trước kia, tánh tôi không chịu thua ai. Tụng Pháp Hoa, tôi tâm đắc nghĩa Phật dạy rằng lời nói mình chưa có giá trị, cậy miệng cũng không nói, huống chi là cãi lại. Tổ Đạt Ma không nói lời nào, ngồi chín năm nhìn vô vách, cũng không nằm ngoài nghĩa này.
Qua phẩm Thường Bất Khinh Bồ tát, Phật đưa ra mô hình kiểu mẫu cho hành giả Pháp Hoa làm đạo ở Ta bà, phải thuyết pháp như Phật Oai Âm Vương và tu hành như Phật Vân Tự Tại, mới giữ được pháp chân thật còn mãi trên thế gian lợi lạc chúng hữu tình.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]