Con Đường Mây Trắng
Linh Ảnh Tại Đền Tsaparang
Nguyễn Tường Bách
Nguồn: Anagarika Govinda. Nguyễn Tường Bách dịch
Nguồn: Anagarika Govinda. Nguyễn Tường Bách dịch
Mặc chiếc áo hữu hiện,
Chân Như bị hạn chế.
Lấy dạng hình thi ca,
Vận động nhẹ như bông.
(Rabindranath Tagore)
Đó là một đêm đầy dông bão trên cổ điện hoang tàn tại Tsaparang, ngày xưa là thủ phủ của một vương quốc hùng hậu của miền tây Tây Tạng. Mây kéo nhau qua dầy đặc trên bầu trời, làm vầng trăng tròn khi chiếu rọi khi biến mất, để cho ánh trăng, như phát ra từ một chiếc đèn ma quái, nhảy múa trên một sân khấu khổng lồ, diễn lại lịch sử của một bi kịch bất tử. Tôi nói “bất tử” vì đó là bi kịch miên viễn của sự hoại diệt, của sự phục hưng trong trò chơi kỳ diệu của sức mạnh và thiện mỹ, của vẻ rực rỡ thế gian và của thành tựu tâm linh.
Sức mạnh đã suy tàn nhưng vẻ đẹp vẫn còn vương trên cung điện hoang phế, còn nằm yên trong những tác phẩm nghệ thuật, chúng đã được tạo thành bằng sự kiên trì và nhẫn nhục, trong bóng tối của một thời thịnh trị. Cái rực rỡ và hùng mạnh đã trở thành cát bụi, cái thần của văn hóa và niềm xác tín tôn giáo đã rút lui trong sự độc cư xa lánh cuộc đời, chúng còn hiện diện trong ngôn ngữ từ hay tác phẩm của thánh nhân, thi sĩ hay đạo sư và qua đó mà khẳng định lại lời của Lão Tử, rằng cái mềm yếu mới sống còn, cái cứng mạnh chỉ thuộc về cõi chết.
Số phận của Tsaparang đã an bài. Công trình của con người và tạo tác của thiên nhiên hầu như không còn phân biệt được nữa. Cổ điện đã biến thành cát đá và cát đá vươn lên như cung điện uy nghi. Toàn bộ ngọn núi hùng vĩ hiện ra như một tảng đá cẩm thạch vĩ đại, trong đó khắc họa một thành quách hoang đường: với lâu đài và cung điện, với tháp với vách, cao như muốn đụng đến mây, dựng đứng trên vách đá thẳng cheo leo, như một tổ ong với hàng trăm hàng ngàn ngăn hộc.
Ánh trăng mờ tỏ chiếu rọi làm cảnh vật hầu như vô thực và thêm đáng sợ, trong đó mọi sự đột nhiên biến mất, nhanh như chúng đã xuất hiện.
Ngôi đền màu đỏ thờ Phật Thích-Ca Mâu-Ni chìm trong bóng tối tĩnh lặng. Chỉ riêng khuôn mặt bức tượng vàng to lớn Thích-Ca Mâu-Ni hầu như tỏa ra một thứ ánh sáng êm dịu, ánh sáng này được tiếp nhận và phản chiếu bởi tượng của các vị Thiền Phật ở bên cạnh tả hữu của Ngài.
Bỗng nhiên tường vách của ngôi đền bắt đầu rung động và tiếng ầm ầm đáng sợ của đá đổ vang lên. Hộp gỗ đựng đèn thờ Phật Thích-Ca bỗng vỡ tung và khuôn mặt tượng Phật rực sáng ánh trăng, cả ngôi đền được chiếu sáng rực.
Cả không gian bỗng đầy tiếng than thở, hầu như cả ngôi đền rên rĩ dưới sức nặng của bao thế kỷ.
Một kẽ nứt to lớn hiện ra trên bức tượng bên cạnh bức họa nữ thần sắc trắng Tara và gần đụng một cánh hoa nằm cạnh tòa sen của thần.
Thần thức sống trong cánh hoa hoảng sợ nhảy ra khỏi trú xứ của mình, hai tay chắp lại hướng về thần Tara:
“Hỡi thần, kẻ cứu độ mọi loài sinh linh, hãy cứu chúng con và ngôi đền thiêng liêng này, đừng để bị hoại diệt!”
Với cặp mắt từ bi, Tara nhìn chỗ phát tiếng nói và hỏi: “Ngươi là ai, thần thức nhỏ bé kia?”
“Con là thần thức của cái đẹp, trú trong cánh hoa bên cạnh Ngài”.
Tara nở một nụ cười đẹp như người mẹ và chỉ vào một góc khác của ngôi đền: “Trong các lời giáo hóa quí báu hiện được cất chứa trong các bộ kinh có một kinh mang tên Bát-Nhã Ba-la-mật. Trong đó có lời dạy sau đây của Đức Thế Tôn.
Cần phải quán như sau:
như đám mây trôi nổi,
như sao sớm bầu trời,
như ánh lửa vô thường,
như sóng nước suy tàn,
như bóng ma, ảo ảnh,
như giấc mộng chóng tan”.
Thần thức cánh hoa nước mắt đầy tròng: “Ôi, những lời này chân thực biết bao, hết sức chân thực, hết sức thiện mỹ! Và nơi đâu có vẻ đẹp, dù cho chỉ một lần để ánh mắt ngời sáng, là ở đó có một dây đàn bất tử dã rung lên trong ta. Vâng, chúng ta đều ở trong cơn đại mộng, và ta hy vọng cuối cùng sẽ thức tỉnh, như Như Lai, Đức Thế Tôn, vì lòng từ bi đã xuất hiện trong “dạng mộng” của Ngài để đưa chúng ta đến giác ngộ”.
Khi nói như thế, thần thức của cái đẹp nghiêng mình hướng về Thích-Ca Mâu-Ni, mà tượng Ngài cũng như tất cả mọi hình tượng khác của ngôi đền, trong phút giây kỳ diệu này đã trở thành sống động.
“Không phải vì con thôi”, thần thức nói tiếp, “mà con xin Ngài cứu độ. Con biết tất cả mọi sắc thể đáng sống nơi đây sẽ hoại diệt - cũng như những lời dạy của Đức Như Lai chứa trong các kinh bản bám bụi đã nói. Điều con mong cầu là: đừng để cho các kinh điển đó mất đi trước khi chúng ta truyền được thông điệp vĩ đại đã ghi trong đó.
Con lạy Ngài, hỡi mẹ của tất cả sinh linh, của tất cả các vị Phật, hãy có lòng từ bi với tất cả mọi người chỉ vướng ít bụi trong mắt, những người có thể thấy và hiểu được, chỉ cần chúng ta ở lâu thêm một chút trong dạng đại mộng của mình, để cho thông điệp của chúng ta đến được với họ, hay trao được cho những người có thể phổ biến thêm ra, vì ích lợi của mọi loài hữu tình.
Đạo sư của chúng ta là Thích-Ca Mâu-Ni ngày xưa cũng được các thiên nhân khẩn cầu, khoan hãy nhập Đại Niết bàn khi Ngài đạt giác ngộ vô thượng. Hãy cho con được cầu khẩn Ngài với lý do như thế, xin được quy y với Ngài và với vô số dạng hình của Ngài”.
Thần thức lại cúi mình, hai tay chắp trước trán, trước hình tượng uy nghi sáng rực của Phật Thích-Ca Mâu-Ni và tất cả chư Phật và Bồ-tát tề tựu xung quanh.
Thần Tara nhắc tay bắt ấn cứu độ và khuôn mặt sáng rực của Thích-Ca Mâu-Ni mỉm cười đồng ý. “Thần thức của cái đẹp đã nói lên sự thực, tâm của thần thức đày lòng thành khẩn. Vì làm sao khác được? Không phải cái đẹp là kẻ chuyên chở và phụng sự cho Chân như sao? Cái đẹp là nơi thể hiện của sự hòa điệu mọi dạng hình, dù đó là sắc thấy được hay âm nghe được, dù đó là vật chất hay phi vật chất. Dù mọi dạng hình là vô thường nhưng sự hòa điệu, điều mà các dạng đó trình bày và thể hiện, thuộc về vương quốc bất tử của tâm, thuộc về quy luật sâu kín nhất của Chân như mà ta gọi là Pháp.
Nếu ta không diễn đạt Pháp vĩnh cửu đó bằng sự hòa điệu hoàn hảo trong ngôn từ và tư tưởng, thì ta cũng đã không thông qua thần thức của vẻ đẹp mà kêu gọi loài người, giáo pháp của ta đã không rung động tim óc họ, giáo pháp đó đã không sống nổi một thế hệ.
Ngôi đền này sẽ sụp đổ cũng như các kinh sách nằm trong các góc nọ sẽ tàn tạ, đó là những kinh sách mà các đệ tử của ta đã chép lại, với sự nghiêm túc và nhiệt thành vô lượng. Nhưng những người khác cũng đã chép lại, từng chữ một, cho nên dù các văn bản này có thể bị hủy hoại, giáo pháp vẫn tiếp tục được truyền bá. Cũng như thế, mong sao các công trình khác của nghệ sĩ hay thánh nhân, các vị đã làm nên ngôi đền thiêng liêng này, sẽ được bảo toàn cho những thế hệ sau.
Hỡi thần thức cái đẹp, mong ước của ngươi sẽ được toại nguyện. Dạng hình của ngươi cũng như tất cả các dạng hình sống trong đền này sẽ không bị hủy hoại, bao lâu thông điệp cả các ngươi chưa đến với thế gian, thì bấy lâu mục đích thánh thiện của các ngươi chưa được toàn vẹn”.
Gửi ý kiến của bạn