Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

35. Quán Âm, vợ Mã Lang

16/05/201314:24(Xem: 7243)
35. Quán Âm, vợ Mã Lang

Tu Tập Hạnh Bồ Tát

Truyền Thuyết Bồ Tát Quan Âm

35. Quán Âm, Vợ Mã Lang 

Diệu Hạnh Giao Trinh

Nguồn: Tủ sách Rộng mở tâm hồn



Một hôm, Bồ Tát Quán Âm vân du tới bờ biển Đông hải. Sở dĩ Ngài muốn đến đấy là vì nghe nói rằng dân chúng ở vùng biên giới xa xôi này không biết lễ nghĩa, không tin Phật Pháp, Tam Bảo, ích kỷ ngu muội, hung bạo hiếu chiến không khác gì cầm thú. Sau khi quan sát tìm hiểu thật lâu, Ngài thấy những gì tai nghe và mắt thấy đều hoàn toàn phù hợp.

Một buổi sáng sớm nọ, Ngài biến thành một vị tăng hành cước đến chợ cá của thị trấn nhỏ ấy. Dân chài ở thị trấn này chủ yếu sống bằng nghề đánh cá, mỗi ngày đánh cá về đem ra chợ bán. Hôm ấy nhằm ngày họp chợ, thị trấn nhỏ vô cùng náo nhiệt. Bồ Tát Quán Âm đi dọc theo con đường băng ngang qua chợ, hai bên đường quầy hàng chen chúc san sát, con đường vừa bẩn vừa loạn, chưa kể đến mùi tanh của cá. Nhưng điều đáng sợ hơn hết là dân chài thường gây lộn và đánh lộn. Người bán gây lộn với người mua, các quầy hàng tranh khách, tranh chỗ cũng gây lộn với nhau, có khi còn động đến chân tay đấm đá. Trong một quãng thời gian ngắn mà không biết bao nhiêu vụ gây lộn như thế đã xảy ra. Hai bên mắng chửi nhau với những lời lẽ thô tục.

Chính mắt Ngài Quán Âm nhìn thấy một thanh niên vạm vỡ lực lưỡng, vì muốn độc chiếm một chỗ tốt nên đã ngang tàng dùng tay đẩy một bạn hàng lớn tuổi một cách hung dữ. Cụ già bị đẩy ngã lăn xuống đất rồi mà còn bị thanh niên nọ dùng chân đá thêm mấy cái liên tiếp.

Người ta đồn rằng thanh niên này tên là Mã Lang, là người rất ngang ngược, thường xưng hùng xưng bá trong thị trấn này.

Nhìn thấy chuyện như thế rồi, trong tâm Ngài Quán Âm khởi lên một niềm thương cảm. Ngài thấy sở dĩ dân cư ở đây thích đánh nhau là vì họ ích kỷ, ngu muội, tham tiền, bị ba độc tham sân si trói buộc. Bồ Tát quyết tâm dùng Phật Pháp cải hóa những người dân ngu muội của thị trấn này, làm cho họ phải sùng kính Tam Bảo, giải trừ ba độc. Sau khi suy nghĩ cân nhắc chín chắn, Ngài Quán Âm xếp đặt một diệu kế.

Hôm sau, Bồ Tát Quán Âm hóa thành một cô gái thôn chài tuổi chừng đôi tám, tay cầm giỏ cá xuất hiện tại chợ. Cô gái dân chài này tóc bới song đào, mặc áo xanh thêu hoa, nhan sắc xinh đẹp, thân hình nở nang, đi chân đất uyển chuyển bước vào chợ, trong giỏ có vài con cá chép còn sống.

Cô tìm đến một chỗ vắng vẻ ít người, bày giỏ cá ra và bắt đầu rao: “Ai mua cá chép tươi không? Ai mua cá chép tươi không?”

Tuy cô không những không chen vào những chỗ đông người nhiệt náo mà lại còn ẩn mình dưới một chân tường kín đáo, thế mà lạ thay, chẳng mấy chốc cô được mọi người chú ý vì những người qua lại trên đường, dầu gần dầu xa cũng đều bị nhan sắc mỹ lệ của cô lôi cuốn, nhất là những anh chàng thanh niên trẻ tuổi. Họ tranh nhau đến gần đòi mua cá của cô, và lập tức, chỗ ấy trở nên thật đông đúc. Những anh chàng trẻ tuổi ấy biết rất rõ, họ viện cớ mua cá, chứ thật ra họ đến chỉ để ngắm nhìn nhan sắc mỹ miều của cô gái bán cá mà thôi. Giỏ cá của cô chỉ còn lại có hai, ba con, mọi người đều tranh nhau: “Bán cho tôi! Bán cho tôi!”

Cô gái bán cá cười hỏi những người đứng chen nhau trước mặt:

– Quý vị đừng tranh giành nữa, xin nghe tôi nói rồi sau đó hãy mua, được không? Đầu tiên tôi xin hỏi một câu, quý vị mua cá của tôi để làm gì vậy?

Người mua cá đáp:

– Còn phải hỏi, mua về nấu ăn chứ để làm gì?

Cô gái bán cá nói:

– Nếu mua về để nấu ăn thì tôi không bán, vì cá của tôi đặc biệt, không giống cá khác. Cá của tôi không thể dùng làm thức ăn cho người ta nuốt vào bụng. Cá này chỉ bán cho người từ thiện mua về phóng sinh mà thôi. Nếu quý vị muốn mua cá về nấu ăn thì trong chợ này thiếu gì chỗ bán, xin mời quý vị chiếu cố đến những quầy hàng khác vậy.

Nghe cô gái nói như thế xong, phần đông người nghe đều thấy buồn cười, một thanh niên mồm loa mép giải cười ha hả trả lời:

– Thật là chưa từng thấy người nào bán cá như cô, trong một cái chợ cá như thế này thì mua cá về chỉ để nuốt vào bụng chứ để làm gì nữa, nếu mua cá về phóng sinh thì cần chi mất công làm hai việc, cứ đem tiền vứt xuống biển có phải giản dị hơn không?

– Phải đấy, phải đấy, đúng là lần đầu tiên mới thấy người bán cá kiểu này, nếu cô muốn làm phước thì đừng đi đánh cá. Chợ cá này mỗi ngày bán cả ngàn, cả vạn cân cá, nếu ai cũng bảo mua cá về để phóng sinh thì người ta lấy gì ăn?

Mọi người cười ầm lên và từ từ tản mác.

Bồ Tát Quán Âm nghe tiếng cười của những người ấy, bất giác thầm thở dài. Đến chiều, cô gái bán cá lại hóa thành vị tăng hành cước vào miếu tạm trú, hôm sau lại lấy hình dạng cô gái bán cá, đi chân không, tay xách giỏ, vẫn ở chỗ hôm qua rao hàng. Và cũng như hôm qua, tuy có rất nhiều người vây quanh mà phần đông là những chàng trai trẻ, nhưng họ chỉ đến phá phách chứ không có một người nào thật tình chịu bỏ tiền ra mua cá phóng sinh.

Mấy ngày liên tiếp, sự việc cứ diễn tiến y như thế nhưng Bồ Tát Quán Âm vẫn kiên trì, ngày ngày vào chợ. Ngài lưu tâm quán sát, tuy mấy ngày qua có rất nhiều chàng trai trẻ đến vây quanh nhưng anh chàng thanh niên ngang ngược tên là Mã Lang kia thì không hề thấy mặt.

Hôm sau, Bồ Tát Quán Âm lại đúng lúc đúng thời có mặt tại chợ. Hôm ấy Mã Lang cũng đến, thì ra anh chàng đi xa mới về, nghe mọi người kể chuyện cô gái bán cá, anh chàng cũng muốn đến xem chơi cho vui. Khi nhìn thấy cô gái, Mã Lang cũng bị nụ cười của cô hớp hồn. Có lẽ trước nhan sắc của cô gái, Mã Lang không dám để lộ ra thái độ ngang ngược của mình, mà cũng chẳng cười nói phá phách như những chàng trai trẻ khác, trái lại tỏ ra rất lịch sự nho nhã. Mã Lang chỉ hiếu kỳ muốn xem cô gái bán cá với mấy con cá trong giỏ của cô. Lúc ấy trong giỏ có ba con cá, tuy ở trên cạn đã lâu nhưng vẫn còn sống. Mã Lang cảm thấy có chi khó hiểu, tự hỏi từ đâu lại xuất hiện một cô gái như thế, thật là kỳ quái. Nhưng cô gái lại nhìn ngay Mã Lang mà hỏi:

– Sao, đại ca, có muốn mua cá phóng sinh làm phước không?

Bị hỏi thẳng mặt Mã Lang không biết phải trả lời thế nào, đâm ra luống cuống nên ấp úng trả lời:

– Cá tôi câu biết bao nhiêu, nếu muốn phóng sinh thì thả cá của mình chứ mua làm gì...

Nói xong, Mã Lang mau mau rời xa cô gái bán cá, sợ cô hỏi nữa thì không biết phải trả lời sao cho phải. Bồ Tát Quán Âm nhìn bộ dạng lúng ta lúng túng xa dần của Mã Lang, không khỏi muốn bật cười.

Mỗi ngày Bồ Tát Quán Âm vẫn đi bán cá phóng sinh, Mã Lang cùng rất nhiều chàng trai trẻ khác bị nhan sắc của cô gái bán cá làm cho mê mẩn tới hồn điên phách đảo. Ngày ngày nhìn cô gái, vài chục anh thanh niên đã phải lòng, bèn đi tìm người mai đến cầu hôn với cô, ai cũng tranh nhau để cưới cô gái bán cá về làm vợ, và Mã Lang cũng là một trong số người ấy.

Đó chính là điều mà Bồ Tát Quán Âm đã dự liệu trước, Ngài thừa biết chỉ có cách đó mới lôi kéo được những người dân chài vô tri ấy đến gần mình để có thể thi hành kế hoạch, nghĩa là dần dần cải hóa đám thanh niên cứng đầu xấu tính ấy. Ngài bèn nói với những người đến cầu hôn rằng:

– Tiểu nữ xin cám ơn quý vị đã quan tâm đến. Trai lớn phải lấy vợ, gái lớn phải lấy chồng, tiểu nữ cũng muốn tìm một người tốt để nương thân suốt đời. Nhưng thân gái chỉ có thể có một chồng, mà quý vị đến cầu hôn lại đông như thế này, làm sao một mình tiểu nữ có thể cưới được cả mấy chục người đây?

Những người cầu hôn đều thấy cô gái bán cá nói đúng, không ai có thể trả lời câu hỏi cô gái. Phải rồi, bây giờ làm sao đây? Cô gái nói tiếp:

– Tôi có biện pháp này, không biết nói ra rồi, quý vị có làm theo được không?

Thấy có gái bán cá chủ động đưa ra biện pháp ai cũng muốn nghe theo, nên nhao nhao trả lời:

– Cô cứ nói, chúng tôi quyết y theo lời cô mà hành động.

Bồ Tát Quán Âm nói:

– Biện pháp của tôi rất công bình, nghĩa là ai muốn cầu hôn cũng phải học thuộc lòng một cuốn sách, một cuốn kinh Phật. Quý vị chưa ai từng đọc qua kinh Phật phải không, nhưng điều ấy không quan hệ. Tôi sẽ chỉ cho quý vị tụng kinh. Đây tôi có đem theo cuốn “Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn phẩm”, là một phẩm trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Tôi sẽ chỉ theo lối truyền khẩu cho quý vị, hôm nay quý vị học cho nhớ, để xem trong một đêm ai học thuộc lòng được thì tôi sẽ làm vợ người đó.

Mọi người nói:

– Hay, biện pháp hay, xin cô mau mau dạy!

Thế là Bồ Tát Quán Âm dạy cho họ từng câu, từng câu. Đám thanh niên học từng câu, từng câu và cũng ghi nhớ từng câu, từng câu. Sau đó, Bồ Tát Quán Âm nói:

– Quý vị nhớ hết chưa? Bây giờ hãy về nhà, sáng mai đến đây đọc.

Đám thanh niên ai cũng nhất tâm nhất chí, sợ quên mất nên ráng học thuộc lòng cẩn thận, nhưng mỗi người trời cho một trí nhớ tốt xấu khác nhau. Do vì muốn cưới cô gái bán cá xinh đẹp về làm vợ nên đêm ấy hầu như không ai ngủ, ai cũng đi qua đi lại trong nhà, chuyên chú đọc tụng điều đã học cho thuộc lòng, nhưng sau một đêm, chỉ còn có phân nửa số người có thể đọc thuộc làu làu. Phân nửa kia ra sức đến đâu cũng không sao nhớ được, chỉ biết buồn phiền rầu rĩ than thở vì đã đánh mất đi một cơ hội.

Còn phân nửa học được thuộc lòng thì vô cùng phấn khởi, người nào cũng đọc như cháo phẩm “Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn” cho cô gái bán cá nghe, và người nào cũng khoe mình học thuộc kỹ nhất, tụng hay nhất. Người nào cũng thấy rằng cô gái bán cá phải về làm vợ mình, tranh cãi nhau loạn cả chợ, người nào cũng đỏ mặt tía tai, thiếu điều đánh lộn nhau.

Ngài Quán Âm sợ đám thanh niên quá giận dữ mà đánh nhau thật, vội nói:

– Các anh đừng cãi nhau nữa. Người thuộc kinh này đông như thế, không thể phân biệt cao thấp, thật là khó xử, chúng ta phải tìm biện pháp giải quyết vậy. Các anh đã học thuộc được phẩm “Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn”, phẩm này là sơ thừa của Phật giáo, bài kinh ngắn gọn, văn vẻ dễ học. Hôm nay có kinh này dài hơn, đó là kinh “Kim Cang”, tôi cũng sẽ đọc lên cho mọi người ghi nhớ, cũng lấy hạn định là một đêm, trong một đêm ai học thuộc kinh này, tôi sẽ làm vợ của người đó.

Chừng khoảng mười người chân chính muốn cưới cô gái bán cá xinh đẹp này về làm vợ nên không tranh cãi nhau nữa, chân thành học với ngài Quán Âm một cách rất chuyên chú. Dĩ nhiên học kinh Kim Cang khó thuộc hơn, mười chàng trai trẻ ấy lại trải qua một đêm khổ ải, dốc hết tâm lực để học nhưng cuối cùng chỉ còn có bốn người là có thể học thuộc. Hôm sau bốn người ấy đi gặp ngài Quán Âm. Họ lại nhìn nhau, không biết phải làm thế nào. Sau đó bốn người thương lượng với nhau để lấy một quyết định. Mã Lang là một trong bốn người ấy, đứng ra nói:

– Chúng tôi còn có bốn người, không muốn tranh giành với nhau nữa. Cô muốn chọn người nào trong bọn chúng tôi? Cô hãy quyết định, chúng tôi sẽ theo ý của cô, tuyệt đối không có ý kiến nào khác.

Ngài Quán Âm nghe xong rất vui mừng. Mới có hai đêm tụng kinh Phật mà tâm địa bọn thanh niên này đã thanh tịnh được rất nhiều, tâm ích kỷ tham lam đã giảm xuống không ít. Nhưng Ngài đến đây không phải vì vấn đề hôn nhân mà vì muốn tìm cách cải hóa họ thêm một tầng bậc nữa. Ngài bèn nói với bốn anh chàng thanh niên rằng:

– Tôi nhìn bốn người còn lại cũng thấy khó xử, người nào cũng xứng đáng cả, nếu do tôi quyết định chọn lựa thì e không được công bình. Tôi nghĩ tốt nhất là mình tiếp tục phương pháp cũ, lại học thuộc kinh Phật một lần nữa, lần này tôi chọn một bộ kinh dài hơn, ai thuộc thì tôi sẽ làm vợ người ấy.

Bốn người không còn cách nào khác hơn là nghe theo. Ngài Quán Âm bèn lấy ra bộ kinh dài tới 10 vạn chữ là kinh “Diệu Pháp Liên Hoa” và nói với bốn người rằng:

– Bộ kinh lớn này tên là kinh “Diệu Pháp Liên Hoa”, các vị đã học thuộc một phẩm trong bộ kinh này rồi, tức là phẩm “Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn”. Bây giờ các vị về nhà học thuộc bộ kinh lớn này, nội trong 3 ngày sau, ai học thuộc được thì tôi nguyện làm vợ người ấy.

Bốn người đều đồng ý rằng biện pháp ấy rất công bình, hơn nữa chỉ còn lại có bốn người, người nào cũng còn giữ hy vọng, có ai lại không muốn cưới mỹ nhân về làm vợ? Thế là bốn người lại chăm chỉ ghi nhớ học từng chữ, từng chữ với Ngài Quán Âm.

Về tới nhà, bốn người lại thêm một lần nữa gian nan khổ sở ba ngày ba đêm. Bộ kinh này rất khó thuộc, trong số ấy 3 người học không nổi vì lòng nóng như lửa đốt, mà càng nóng nảy thì càng học sai, họ chỉ đành tự nhận rằng mình dở, buồn bã chấp nhận sự thất bại. Có ai ngờ anh chàng Mã Lang lỗ mãng ấy lại quá giỏi, đọc thuộc làu bộ kinh không sai một chữ. Nhìn Mã Lang độc tụng bộ kinh lớn ấy làu làu, Ngài Quán Âm cũng phải thầm khen là giỏi. Vì ngay từ đầu đã giao ước rõ ràng, Bồ Tát Quán Âm vui vẻ nhận lời cầu hôn và nói với Mã Lang rằng:

– Tôi nói là làm, anh cứ về chuẩn bị và định ngày hôn lễ.

Mã Lang thấy mình sắp cưới được cô gái bán cá xinh đẹp, thôi thì miệng cười không ngớt. Mấy ngày vừa qua Mã Lang đã thay đổi rất nhiều mà không biết, nhờ chuyên tâm đọc kinh Phật, không còn tranh giành gây gổ ngoài chợ nữa, nhờ thế chợ cá cũng trở nên yên ổn hơn. Bây giờ anh chàng lại hân hoan chuẩn bị lễ cưới, trong nhà từ già tới trẻ ai cũng vui mừng hớn hở, chờ đợi đón nàng dâu tuyệt sắc giai nhân về.

Ngày hôn lễ, giăng đèn kết hoa rực rỡ, vô cùng nhiệt náo nhưng có ai ngờ khi cô gái bán cá được các cô phù dâu quây quần xúm xít đưa đến phòng hoa chúc, khi mọi người trong làng đang vui vẻ chọc phá trước cửa phòng thì tân nương đột nhiên ngã xỉu xuống đất, chẳng bao lâu sau tắt thở mà chết.

Đương nhiên rõ ràng chuyện xảy ra như thế là do Bồ Tát Quán Âm dùng một chút thần thông mà làm nên. Niềm vui của Mã Lang chưa tàn mà bi thương đã ập đến, chỉ biết đem thi thể người vợ chưa cưới đi tẩm liệm. Mã Lang thương nhớ cô gái bán cá xinh đẹp nên quyết tâm không lấy vợ khác, mỗi ngày còn âm thầm đọc tụng và học thuộc kinh Phật khác cho bớt buồn khổ. Hơn nữa, ban đầu anh chàng học kinh một cách mù quáng nhưng bây giờ thì đã bắt đầu tìm hiểu nghiền ngẫm Phật Pháp, ngộ được rất nhiều đạo lý, và cuối cùng, cả con người chàng biến đổi, không còn hung hãn ngang ngược, không còn ức hiếp người làng nữa.

Mấy tháng sau, Bồ Tát Quán Âm thấy Mã Lang đã tỉnh ngộ nhiều, lại hoá thành vị tăng hành cước đến thị trấn để giáo hóa thêm một bước cho Mã Lang, chỉ cho anh chàng thấy đâu là bến mê, đâu là bờ giác.

Nhờ nhiều ngày tụng kinh tin Phật nên gặp vị tăng hành cước, Mã Lang cảm thấy có gì rất thân thiết, hai người nói chuyện với nhau rất tâm đầu ý hợp. Mã Lang bùi ngùi thương tiếc đem chuyện tụng kinh cưới vợ cho vị tăng nghe. Lúc ấy Bồ Tát Quán Âm mới nói với Mã Lang:

– Cậu đừng buồn chuyện ấy nữa, cậu có biết cô gái đánh cá ấy là ai không? Chính là Bồ Tát Quán Âm ở Nam Hải Phổ Đà đấy. Ngài đến thôn chài này chỉ là để cảm hóa các vị mà thôi. Nếu không tin hãy quật mồ lên xem, lúc ấy sẽ rõ.

Mã Lang nghe lời vị tăng, đi quật mồ lên xem và giật mình thấy trong mồ không hề có thi thể của cô gái bán cá nào cả, mà chỉ có một khúc xương đòn bằng vàng ròng. Bồ Tát Quán Âm lại bảo:

– Sao? Bây giờ cậu biết Pháp lực của Bồ Tát rồi chứ? Chỉ vì dân chúng các vị ở đây không biết lễ nghĩa, không tin Phật Pháp, ngang ngược hiếu chiến, vô tri ngu muội nên Ngài mới hóa thành cô gái bán cá đến đây cảm hóa các vị. Mà chính cậu là người có Pháp duyên nhiều nhất, đã được nghe và học hai bộ kinh Kim Cang và Pháp Hoa. Từ nay về sau, cậu nên theo sự chỉ dẫn của Bồ Tát mà hoằng dương Phật Pháp, hướng dẫn chúng sinh, sau này công đức viên mãn, hậu vận rất tốt.

Mã Lang gật đầu đồng ý, vâng dạ luôn mồm. Đang lúc nói chuyện, vị tăng đột ngột biến mất, Mã Lang hiểu rằng đây cũng chính là Bồ Tát Quán Âm về giáo hóa mình, nên nhìn lên không trung bái tạ không ngừng.

Từ đó trở đi, Mã Lang dùng căn nhà tranh ba gian của mình sửa thành cái miếu, dựa theo hình cô gái bán cá mà tạc bức tượng ngài Quán Âm. Vì tay Ngài cầm giỏ nên mới đặt tên là “Ngư lam Quán Âm”.

;(Quán Âm cầm giỏ cá), lại vì Bồ Tát Quán Âm thời ấy đã từng hóa hiện làm hôn lễ với Mã Lang nên còn gọi là “Mã Lang phụ Quán Âm” (Quán Âm vợ Mã Lang).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]