Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hạnh Nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền - Hòa thượng Thích Trí Quảng

16/05/201312:44(Xem: 8821)
Hạnh Nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền - Hòa thượng Thích Trí Quảng

Tu Tập Hạnh Bồ Tát

Tìm Hiểu Các Vị Bồ Tát

Hạnh Nguyện Của Bồ Tát Phổ Hiền 

Hòa thượng Thích Trí Quảng

Nguồn: Trong Phẩm nhập bất tư nghì giải thoát cảnh giới PHỒ HIỀN HẠNH NGUYỆN
H T. Thích Trí Quảng


Tôi tu các hạnh đều vô lượng,
Được các công đức bất tư nghì,
An trụ những hạnh rộng lớn này,
Suốt thấu tất cả thần công lực.



Theo Phổ Hiền Bồ Tát, việc làm không có giới hạn, việc gì cũng làm và làm bất cứ lúc nào, không nề hà. Chúng ta không cố định một ngày phải tụng bao nhiêu thời, bất cứ lúc nào có việc quan trọng hơn, người cần giúp sức thì ta sẵn lòng làm. Vì vậy, chúng ta luôn ý thức tu vô lượng kiếp, thể hiện vô lượng hạnh.

Lúc tốt nghiệp ở Nhật, trở về nước, nhiều người lớn tuổi đến với tôi để tìm an lành cho tháng ngày còn lại của họ. Tôi thấy rõ đó là duyên hành đạo lúc ấy như vậy, không thể khác hơn. Thấy được việc trước mắt phải làm, còn quyết định mình phải làm gì, rồi chờ đợi, chê bỏ việc khác, e rằng việc ta mong muốn không đến thì sao ?

Vì tu vô lượng hạnh nên được các công đức bất tư nghì. Nhưng người dù lớn hay nhỏ ở trong pháp giới đều nhờ ta giúp đỡ. Đã từng ban ơn cho nhiều người, việc của ta tất nhiên thành tựu dễ dàng.

Điển hình như một bà người Nhật Bản chuyên ra nghĩa địa tụng kinh Pháp Hoa và lau rửa mồ mả. Một thời gian sau, bà có đến ba triệu tín đồ. Điều này có thể hiểu là những người quá cố đã thọ ơn tế độ của bà, nên tái sanh làm đệ tử, trung thành một cách lạ lùng và mặc dù bà không học, nhưng đệ tử lại là những người có học vị tiến sĩ hoặc giáo sư đại học.

Thiết nghĩ, khi thấy rõ nhân duyên hành đạo, chúng ta sử dụng giáo pháp đúng chỗ, đúng đối tượng đều có kết quả lợi lạc. Độ người giàu không được, chúng ta độ người nghèo; dạy người sống không được, chúng ta cứu người quá vãng.

Được công đức vô lượng rồi, chúng ta an trụ công đức đó để hành đạo; đừng bỏ chạy khỏi môi trường ấy. Công đức và nhân duyên tu tạo được, ta nương theo thành quả ấy mà đi lên. Nếu khởi tham vọng, nghĩ đến việc cao xa ngoài cầm tay, sẽ mất hết.

Riêng tôi, trên bước đường tu, luôn an trụ công đức và đạo tràng đã dày công xây dựng, vì biết giỏi dở gì cũng là quyến thuộc của tôi; từ bỏ để kiếm cái khác không bao giờ có.

Trí huệ rộng lớn của Văn Thù,
Huệ hạnh Phổ Hiền cũng dường ấy,
Tôi nay hồi hướng các căn lành,

Thường theo các Ngài mà tu học.

Tấm gương sáng của Bồ Tát Phổ Hiền và Văn Thù, chúng ta nguyện học theo. Các Ngài kề cận với đức Phật, đã thành tựu những hạnh lành ấy, chúng ta nối gót theo, xem các Ngài làm gì và so với việc của mình để điều chỉnh, chắc chắc cũng thành công.

Chư Phật ba đời luôn khen ngợi.
Những nguyện rộng lớn khó sánh bằng,
Tôi nay hồi hướng các căn lành,
Để được Phổ Hiền hạnh thù thắng.

Ba đời các đức Phật đều khen ngợi hạnh Phổ Hiền, đều chọn Ngài làm Trưởng tử, nên chúng ta biết đó là hạnh tốt. Chúng ta nguyện đem tất cả phước đức, nhân duyên đã tu tạo để hồi hướng cho chúng ta có được hạnh Phổ Hiền thù thắng.

Chúng ta nguyện như vậy vì tu hành cần có định hướng rõ ràng, không mục tiêu khó đi đến nơi, đến chốn. Vạch ra mục tiêu xong, chúng ta bắt đầu tích lũy. Như tôi lập hạnh tu rồi, bằng mọi cách tạo nên phước và dồn phước này thành hạnh thù thắng. Nói khác, tạo được công đức, chúng ta không dám hưởng, phải dùng phước ấy để tạo các công đức khác, vì biết rằng tạo rồi huởng thì đời đời kiếp kiếp, cũng chẳng được gì.

Hồi hướng tức để dành, nhưng để dành ở đâu ?

Đầu tiên, chúng ta tạo phước báo hữu lậu và sau đó, đổi sang vô lậu phước báo, hay hồi hướng về Phật, cúng cho Phật. Nhưng cúng Phật nghĩa là lo cho chúng sanh. Lo cho chúng sanh càng nhiều, công đức càng lớn. Vì vậy, đức Phật thường dạy thành tựu chúng sanh là tối thượng cúng dường. Lo cho chúng sanh, tức gieo vào lòng họ mối thiện cảm, kế đến chúng ta mới đưa giáo lý vào nhận thức của họ, để cải tạo tâm ác xấu thành tốt đẹp.

Thật vậy, người có cảm tình rồi mới có thể nghe ta. Lúc ấy mới đem phải trái dạy họ. Trái lại, không làm chúng sanh cảm tình, mà chúng ta cứ răn đe cũng vô ích, người không nghe, thậm chí họ nghĩ ta không ra gì mà còn lên mặt dạy đời. Khi người nghe, mới dạy giáo lý khó tin, khó làm. Giáo pháp đưa vào tâm người, tiêu diệt nghiệp chướng phiền não của họ. Đầu tư thiện cảm và tri thức cho người, cả hai đều vô hình, vô ảnh, nên được chứa đựng trong hư không tạng, có một sức chứa kỳ diệu. Từ đó, người cảm nhận được sự gắn bó mật thiết, không thể nào giải thích, giữa ta và họ, giữa họ và Phật.

Chúng ta hồi hướng căn lành theo Phổ Hiền, thì mặc dù không giữ tiền, nhưng có đủ tiền làm lợi ích chúng sanh, đủ trí khôn giải quyết được mọi việc, đủ sức làm được tất cả như Ngài. Nay chúng ta chưa làm được như Ngài, phải tự biết kiến thức ta còn kém, sức lực yếu, nên phải làm nhỏ và tiền ít thì phải để dành.

Tôi cảm nhận sâu sắc hạnh Phổ Hiền, hồi hướng Phật đạo, nghĩa là sử dụng tiền của, hiểu biết của tôi, đầu tư cho Tăng Ni Phật tử, giúp họ tiếp thu đạo đức và tri thức, thể hiện trong cuộc sống. Bấy giờ ta đã biến việc làm này thành công đức rồi và gởi cho chúng sanh trong vô tận tạng, không ai có thể lấy cắp phước báo vô lậu thánh tài này.

Trong sinh hoạt đời thường, chúng ta thấy rõ phước báo tuy vô hình, nhưng nó thể hiện trong cuộc sống, trong thân tướng của người có phước. Họ hiện hữu ở nơi nào, cảnh quang nơi đó cũng thành tốt đẹp, tiện nghi cũng đầy đủ. Nhưng người không phước làm vất vả, phải bòn từng đồng, cái gì cũng ham, mà có được cho thì cũng bị mất cắp, không giữ nổi.

Chư Phật ba đời luôn khen ngợi việc làm của Phổ Hiền, không có nguyện nào, hạnh nào so được với Phổ Hiền. Hòa Thượng Trí Thủ, lúc sanh tiền, cảm hạnh này mà tặng cho Ban Hoằng Pháp bài kệ:

Phần hương nhứt niệm pháp không vương.
Đại hạnh đồng tham biến kiết tường.
Sát hải trần thân thi diệu lực.
Trầm kha chướng nghiệp tổng an khương.

Nguyện lớn của Phổ Hiền là luôn tìm việc khó làm, luôn tìm người khó độ để tiếp độ. Ngài thường sanh vào quốc độ có hoàn cảnh khó khăn để gánh vác việc lợi ích chúng hữu tình, nên nguyện của Ngài khó sánh bằng là vậy.

Hàng Thanh Văn thì nguyện Phật sanh đâu, các Ngài sanh đó và chỉ làm việc với Phật thôi. Điều này dễ hiểu vì ai cũng thích gần gũi người hiền, giỏi, tốt; chẳng ai thích chơi với người xấu ác. Bồ Tát sơ phát tâm cũng nguyện tu ở thế giới Phật, không hành đạo ở Ta Bà, nơi toàn người hung ác, ngang bướng.

Riêng chúng ta cũng vậy, thích về Tịnh độ vì có toàn thượng thiện nhân; còn ở đây, khó lòng kiếm được người tin cậy để cùng làm việc. Sơ phát tâm hành đạo, chúng ta không sợ cực, nhưng phải có bạn đồng tu hiểu ta, cùng hợp tác, ta mới làm. Tất cả cùng làm thì vui, còn một mình ta làm mà tất cả hưởng thụ, chẳng mấy chốc ta sẽ chán nản, bỏ cuộc.

Bồ Tát Phổ Hiền thì khác, Ngài tâm niệm ở cõi này không ai làm Ngài mới có cơ hội hành đạo. Đối tượng của Bồ Tát Phổ Hiền là chúng sanh cang cường, nghiệp chướng sâu dày mà Phổ Hiền nguyện chữa lành bệnh họ, nên Phật nói khó có Bồ Tát nào so với Ngài được. Hạnh Phổ Hiền thù thắng, Ngài không cần nói, không dụ dỗ, không mua chuộc mà người tự qui phục; trong khi người khác nói hay, nhưng việc làm của họ không đúng với lời nói, nên không có sức thuyết phục chúng ta. Phổ Hiền chủ về hạnh, thể hiện bằng việc làm thành tựu tốt đẹp hơn người.

Trên bước đường tu, chúng ta nối gót theo hạnh Phổ Hiền, là chúng ta nguyện vượt khó, làm việc khó. Tuy nhiên, chúng ta muốn đạt được thù thắng như Phổ Hiền, cần sử dụng căn lành để tu, nghĩa là phải triệt tiêu tánh ác và tăng trưởng tánh lành. Vì tạo được căn lành trước rồi, nên ta khởi tu, làm được những việc thù thắng mà người không làm nổi. Bình thường, người hay tránh nặng, tìm nhẹ; nhưng tu hạnh Phổ Hiền hồi hướng các căn lành, tức dùng sức khỏe, trí khôn, tiền bạc, khả năng dồn lại để gánh vác Phật sự.

Ngoài ra, chúng ta tạo điều kiện cho người khác làm. Thí dụ ta thể hiện lời Phật dạy hành bố thí cúng dường được hưởng quả báo giàu có. Người thấy ta được phước như vậy nên họ bắt chước làm theo và ta sẵn lòng nhường cho họ, vì có nhiều người làm việc tốt càng lợi cho đời.

Đức Phật diệt độ, nhiều người sợ khó khăn hiểm nguy ở thế giới hung ác này thì Phổ Hiền Bồ Tát xuất hiện trong phẩm cuối kinh Pháp Hoa. Ngài khuyến khích mọi người cứ lo tu, Ngài sẵn sàng ủng hộ. Nói suông thì không ai nghe, đi một mình họ cũng không nghe, nên Phổ Hiền đi với vô số Bồ Tát, bát bộ thiên long, đến đâu cũng rãi hoa trời. Ngài biểu dương thế lực mạnh như vậy cho chúng ta yên tâm tu hành.

Bản thân tôi tu được cũng nhờ niềm tin vững chắc nơi Phổ Hiền và cảm nhận được lực gia bị của Ngài giúp tôi vượt qua nhiều chướng nạn trên đường hành đạo.

Phổ Hiền cho biết ai tu bị ma phá, Ngài sẽ dùng thần thông lực bắt ma hộ trì Phật pháp. Thay vì chống ta, lực Phổ Hiền buộc họ phải theo ta, định nói xấu thì có lực Phổ Hiền ngăn cản.

Ta cũng tu tập hồi hường cho có đủ thần thông lực như Phổ Hiền Bồ Tát, làm được những việc khó làm như Ngài mới thực sự là Trưởng tử của Như Lai, được chư Phật ba đời khen ngợi./.


Trích Hoa Sen Số 34




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]