Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

5. Những luận chứng về ăn chay

05/04/201318:36(Xem: 8972)
5. Những luận chứng về ăn chay
Vấn Đề Ăn Chay, Ăn Mặn Trong Đạo Phật


Phật Giáo Và Vấn Đề Chay Mặn, Phân Tích Quan Điểm Của Đức Phật Về Việc Sử Dụng Thịt

V.A. Gunasekara


5. Những luận chứng về ăn chay

Kế đến, chúng ta phải xem xét đến ý nghĩa đạo đức và những tác động khác của chủ nghĩa ăn rau đậu. Có nhiều luận chứng được đưa ra về vấn đề ăn chay, trong số đó những luận chứng sau đây cần phải cứu xét: luận chứng đạo đức, sinh học, sinh thái, và văn hóa - xã hội.

* Xét theo quan điểm tôn giáo thì luận chứng đạo đức là quan trọng nhất và sẽ được đề cập đến đầu tiên. Nhiều người ăn chay rất thích thú dùng cơ sở đạo đức cao. Họ cho là khẩu phần ăn của họ không liên quan gì đến sát sinh và gây đau khổ cho thú vật, hoặc cho dù nếu có liên quan đi chăng nữa thì nếu họ chấp nhận chế độ không ăn chay thì mức độ gây đau khổ cho súc vật và sát sinh sẽ còn lớn hơn. Tuy nhiên, một thực tế đơn giản là nền nông nghiệp thương mại, vốn là căn bản cho khẩu phần ăn chay, sẽ không thể thực thi được nếu không có sự hủy diệt sự sống. Ngay cả chỉ một hành động cày đất thôi thì cũng đã hủy hoại cuộc sống của nhiều côn trùng sống trong đất, nhưng hình thức sát sinh chính yếu lại xuất hiện từ nhu cầu bảo vệ mùa màng và vụ thu hoạch khỏi côn trùng, dã thú và một số thú vật phá hoại khác. Chúng ta chỉ cần ngẫm nghĩ đến việc giết hại toàn bộ các loài heo rừng, thỏ rừng, kăng-ga-ru v.v... cho mục đích này. Các loại thuốc độc, cạm bẫy, và những bệnh dịch cho chính con người gây ra đã tạo ra những sự hủy diệt chết chóc tàn bạo và khủng khiếp. Những con ốc sên, châu chấu, các con giòi, cào cào, và nhiều côn trùng khác đã bị hủy diệt bằng các chất thuốc trừ sâu cực mạnh, và con số phải lên đến hàng triệu. Ngay cả số chuột bị tiêu diệt để bảo vệ những kho chứa ngũ cốc khỏi bị chúng phá hoại thì còn lớn hơn con số đoàn gia súc bị giết mổ để phục vụ cho những người sử dụng thịt. Thật thế, có thể tranh luận là con số thú vật và côn trùng bị giết hại để làm ra một bữa ăn trung bình cho người ăn chay còn lớn hơn con số súc vật bị giết để làm ra một bữa ăn cho người ăn thịt với cùng một giá trị dinh dưỡng. Nếu quả đúng như thế, sự chấp nhận khẩu phần ăn chay thực sự có thể gia tăng số sinh vật bị giết trong quy trình sản xuất thực phẩm.

Còn nữa, nhiều người ăn chay còn dùng các sản phẩm lấy từ gia súc như sữa. Trong khi xem ra các sản phẩm này "nhân đạo" vì không phải sử dụng đến sát sinh, nhưng thực chất không phải là như vậy. Giả sử như mọi người đều bỏ không dùng thịt nữa và chỉ duy trì uống sữa mà thôi. Một hậu quả chắc chắn sẽ xảy ra ngay đó là các con bò đực sẽ bị giết ngay từ lúc mới sinh (trừ một số được giữ lại để dùng vào mục đích lấy giống), trừ phi các bò đực không có giá trị sản xuất lại được lưu giữ và điều này rất khó xảy ra. Sữa là sản phẩm đuợc thiên nhiên dành cho các con bê con, và việc ép buộc dành riêng cho con người lại là một vấn đề luân lý gây tranh cãi. Một điều lạ kỳ cần lưu ý là một số người ăn chay nghiêm khắc nhất, như nhóm Hare Krishna, lại là những người rất thích dùng các loại sản phẩm lấy ra từ sữa . Hình như họ không nhìn ra sự mâu thuẩn đạo đức liên quan đến những thói quen ăn uống của họ. Giới luật Tam Tịnh Nhục của Ðức Phật, tuy không phải là giới luật hoàn chỉnh nhất, bởi vì không có giới luật nào mà tuyệt đối hoàn chỉnh, nhưng ít nhất cũng tránh được những vấn nạn luân lý đã làm bối rối người ăn chay vì lý do đạo đức.

* Luận chứng sinh học cho chủ nghĩa ăn rau đậu có giá trị hơn luận chứng đạo đức. Một điều rất rõ ràng là cơ thể con người không được thiết kế để tồn tại chỉ nhờ vào thịt (như là kinh Lăng Già khẳng định). Hai khía cạnh cơ thể học con người cho thấy thực phẩm chay là thực phẩm thích hợp cho con người. Ðầu tiên là cấu tạo của răng con người (trong đó răng hàm lại quan trọng hơn là răng cửa) và một khía cạnh khác nữa là ruột con người chiếm một tỷ lệ chiều dài, dài hơn là cơ thể con người. Những loài thú ăn thịt có răng cửa sắc bén để xé thịt, và có bộ ruột ngắn hơn để cho lượng thịt bị thối rữa nhiễm trùng có thể được tống ra khỏi cơ thể càng nhanh càng tốt. Cơ thể con người ta thường giống hơn với loài vật ăn cỏ, nhưng không hoàn toàn là loại ăn cỏ vì chúng lại có một cấu trúc dạ dày khắc hẳn. Thực ra, cơ thể con người là một sự thỏa hiệp giữa loài ăn cỏ thuần túy và loài ăn thịt thuần túy -- do đó, con người là một loài ăn tạp. Còn nữa, hiệu quả gây tác hại từ việc sử dụng các sản phẩm động vật (thí dụ Cholesterol) đã không được cân bằng do thiếu hụt các chất đạm cao trong các thức ăn chay. Sau khi cân nhắc kỹ, thì luận chứng sinh học xem ra có phần thiên về ăn chay hơn là ăn thịt.

* Luận chứng sinh thái cũng có phần thiên về ăn chay. Thịt là một cách thức thiếu hiệu quả để chuyển đổi toàn bộ năng lượng thành thực phẩm. Thật dễ dàng và rẻ tiền hơn nhiều để chuyển đổi năng lượng thành sinh khối (biomass) rất thích hợp cho con người tiêu thụ trực tiếp hơn là một cách gián tiếp sau khi đưa sinh khối đó vào thú vật và rồi lại tiêu thụ thịt thú vật. Sản xuất hàng loạt gia súc (gà, heo, bò) có thể dẫn đến hoặc là phá hủy toàn bộ những cánh rừng nguyên sinh để tạo đồng cỏ chăn nuôi, hoặc là với phương pháp nuôi gà công nghiệp dẫn đến sự tàn nhẫn cùng cực, thải ra lượng khí mêtan v.v... Sự gây giống chọn lọc ở các trại chăn nuôi súc vật và việc sử dụng hóa chất và các chất kích thích hóc-môn để làm tăng trọng có thể tạo ra những hậu quả phụ thuộc không ngờ được trong một số lãnh vực khác. Nhưng cũng cần phải được đề cập đến ở đây là việc chuyển đổi sang chế độ ăn chay sẽ không nhất thiết có thể cải thiện được môi trường sinh thái. Ðiều cần thiết chính là giảm gia tăng dân số và áp dụng những tiêu chuẩn sinh sống lâu bền mà không gây tác hại đến môi trường.

* Luận chứng văn hóa - xã hội lại dính líu đến luận chứng thẩm mỹ thuộc về những gì xã hội cho là thích hợp để ăn. Các qui luật xã hội rất khác biệt nhau về khía cạnh này. Ða số các xã hội đều loại bỏ tục ăn thịt người và không cho phép tiêu thụ xác chết thối rữa và ăn xác các súc vật chết. Tại hầu hết các quốc gia Tây phương và nơi tiểu lục địa Ấn độ đã có một sự chống đối ăn thịt các thú vật yêu chuộng (chó, mèo) hay các loài bò sát. Tuy nhiên không có sự ngăn cấm như vậy tại một vài nơi khác ở Phi Châu và vùng Viễn Ðông (mặc dù ở Trung Hoa vào năm 511 Tây lịch, Lương Vũ Đế đã ra lệnh cấm ăn thịt). Thực ra, không có gì khác nhau trong việc tiêu thụ thịt của một loại thú vật này và tránh ăn thịt của loại khác. Nhưng xét dưới khía cạnh thẩm mỹ và văn hóa, ta thấy có khác biệt đáng kể. Chắc chắn là các thực phẩm chay thì hay hơn so với các sản phẩm về thịt xét dưới góc độ thẩm mỹ, cho dù sản phẩm thịt được đóng gói để dễ nhìn hơn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]