Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3. Quan điểm các tôn giáo khác về việc ăn thịt.

05/04/201318:33(Xem: 10122)
3. Quan điểm các tôn giáo khác về việc ăn thịt.
Vấn Đề Ăn Chay, Ăn Mặn Trong Đạo Phật


Phật Giáo Và Vấn Đề Chay Mặn, Phân Tích Quan Điểm Của Đức Phật Về Việc Sử Dụng Thịt

V.A. Gunasekara


3. Quan điểm các tôn giáo khác về việc ăn thịt.

Những quan điểm của Ðức Phật về ăn thịt phải được xét đến trong khung cảnh thời đại của Ngài. Các bản văn tôn giáo Ấn độ sớm nhất, như Vệ-đà, lại không cấm sử dụng thịt hay giết mổ súc vật. Thực vậy, một số lớn các nghi thức sát tế đã trở thành qui luật, đặc biệt là nghi thức tàn nhẫn Asvamedha đã dần dà được thừa nhận là cách tỏ rõ sức mạnh của các nhà cầm quyền đang gia tăng.

Thoạt đầu mang tính thăm dò, chính những người Upanishads đã đề ra nguyên tắc "không gây tổn thương" (ahimsà - vô hại) vào cuộc sống tôn giáo Ấn độ. Nhưng ngay cả nghi thức sát tế cho các thần linh cũng được cho phép, tuy nhiên không phải trên qui mô được thừa nhận dưới thời Vệ-dà sau này. Nơi những người Upanishads đầu tiên, như Chandogya, lại cho phép sử dụng thịt đặc biệt nếu một phần thịt đó đã được cúng cho các vị thần linh. Chỉ sau thời Đức Phật, một số người theo đạo Hindu (Ấn độ giáo, Bà-la-môn giáo) mới chấp nhận việc ăn chay như một luật chung. Nhưng giới luật này cũng không phổ biến mấy và một số giáo phái Hindu như những người theo việc thờ cúng Tara lại dính líu đến nghi thức giết mổ và sử dụng thịt. Tuy nhiên đa số tín đồ Hindu lại là người ăn chay, hay ít nhất cũng tránh sử dụng một vài loại thịt, như là thịt bò.

Chính nơi các người Kỳ-na giáo, chúng ta thấy rõ sự khẳng định đặc biệt đối với nguyên tắc vô hại - ahimsà. Họ nghiêm cấm giết hại tất cả các hình thức sự sống, ngay cả những sinh vật cực nhỏ. Toàn bộ nền đạo đức của người Kỳ-na bao gồm hàng loạt những giới luật và các điểu khoản liên quan đến qui luật Ahimsà. Thực vậy, tám điều kiêng cữ cơ bản (mùlaguna) người cư sĩ Kỳ-na thường phải tuân thủ liên quan đến kiêng cữ: thịt, rượu, mật, và năm loại quả vải đặc trưng. Bảy loại thức ăn sau bị cấm sử dụng vì có thể tìm thấy một số sinh vật nhỏ sống trong đó. Thêm vào đó, toàn bộ một loạt những giới luật khác cũng phải được tuân thủ, thí dụ như không được dùng bữa sau khi mặt trời lặn (vì bếp lửa nấu ăn có thể thu hút một số côn trùng đến thiêu thân.) và không được uống nước chưa được lọc (rất có thể trong nước đó có chứa một ít sinh vật). Những người thường dân Kỳ-na còn loại bỏ cả công việc trồng tỉa ra khỏi những nghề tạo"sinh kế hợp lý" của họ, vì canh nông cũng đưa đến phá hoại sự sống. Rất nhiều người chỉ làm nghề thương mại và đổi chác. Các giới luật dành cho các tu sĩ đạo Kỳ-na (muni) còn nghiêm khắc hơn nhiều. Một số giáo phái còn tránh không cả mặc quần áo vì sợ có thể hủy diệt các loại ký sinh trùng sống trên thân thể con người. Một số các tu sĩ khác còn thi hành việc tuyệt thực đến chết (sallekhana) vì không có loại thực phẩm nào có thể thực sự không gây hại đến các thú vật. (xin đọc phần dưới đây bàn về những luận chứng về ăn chay).

Trong số các Phật tử, một số nhóm theo phái Bắc Tông hết mực tán dương việc ăn chay. Ðã thấy xuất hiện trong kinh Đại Niết-bàn phiên bản chữ Sanskrit, lời tuyên bố sau đây được gán cho là do Ðức Phật nói: "Như Lai ra lệnh toàn thể các đệ tử từ nay về sau không còn được tham gia vào các bữa ăn có thịt." Dĩ nhiên, lời tuyên bố này không thấy xuất hiện trong phiên bản tiếng Pàli của bài kinh có cùng tên. Một điều được biết rõ ràng là có nhiều tuyên bố khác nữa cũng đã được thêm vào bản kinh Sanskrit này dựa vào uy tín của Ðức Phật sau khi Ngài đã qua đời. Sự kết án việc ăn thịt được thấy trong các kinh điển khác của Bắc Tông, như trong phiên bản của họ về kinh Phạm Võng, và quan trọng hơn là kinh Lăng Già. Trong chương Tám của kinh này đã được dành trọn vẹn cho vấn đề ăn thịt, và có đến 24 luận cứ được đưa ra chống lại việc ăn thịt. Một vài luận cứ tiêu biểu được viện dẫn chống lại việc ăn thịt trong kinh Lăng Già là:
  1. Những thú vật hiện nay có thể là bạn bè họ hàng với chúng ta trong quá khứ.
  2. Chính cha mẹ và họ hàng chúng ta có thể được tái sinh là một con vật trong cuộc sống mai sau.
  3. Theo lý lẽ thông thường thì không có lý do gì để cấm dùng thịt một số loài vật, đang khi đó lại không cấm sử dụng tất cả các loại thịt khác.
  4. Thịt luôn được xem là ô uế vì nó luôn luôn bị nhiễm các chất phóng uế của thân xác
  5. Viễn cảnh bị giết thịt có thể khiến cho thú vật phải kinh hoàng.
  6. Toàn bộ thịt chẳng là gì khác hơn là xác chết thối rữa.
  7. Việc dùng thịt có thể kiến cho người sử dụng trở nên độc ác và gợi cảm nhục dục.
  8. Theo bản chất tự nhiên, con người không phải là con vật ăn thịt.
Trong kinh này, Đức Phật đã chỉ vẽ cho Bồ Tát Đại Huệ như sau:"Không có loại thịt nào lại tinh khiết, xét theo ba cách thức sau đây: không được dự tính trước, không được yêu cầu, và không bi ép buộc; chính vì vậy mà nên tránh không ăn thịt."

Thật rõ ràng đây là câu trả lời của phái Bắc Tông về luật Tam Tịnh Nhục của Ðức Phật đã đề ra trong kinh Pàli và trong kinh điển của các bộ phái nguyên thủy khác. Nhưng ba điều kiện đề cập đến ở trên không ăn khớp với những điều kiện đã được Ðức Phật qui định trong các kinh điển Pàli. Cho dù có rất nhiều lời phê phán trong kinh điển về việc ăn thịt, những người theo phái Bắc Tông nhìn chung trong thực tế cũng vẫn tiêu thụ thịt. Đặc biệt điều này hoàn toàn đúng nơi các Phật tử Tây Tạng. Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đã đưa ra lời biện hộ cho rằng đó là vì đất đai và khí hậu tại Tây Tạng khô cằn và khắc nghiệt, không có lợi cho việc trồng tỉa. Nhưng điều này cũng là do những ảnh hưởng của môn phái Mật Tông trong đó, thịt và cá là hai trong số 5 loại "thịt" mà người thuộc phái Mật tông thường ham mê thích thú.

Như chúng ta đã thấy, phái Nam Tông cố gắng tuân giữ giới luật của Ðức Phật. Duy chỉ có một ngoại lệ đáng chú ý nhất đó là cuộc ly khai của Ðề Bà Ðạt Ða, trong đó Ðức Phật đã thẳng thắng từ khước ngay việc đưa ăn chay thành giới luật. Tuy vậy một số tàn dư của của cuộc ly khai bởi Ðề Bà Ðạt Ða vẫn thấy xuất hiện nơi một vài phái Tàpasa trong Nam Tông. [6]

Các tôn giáo thờ độc thần đã xuất hiện tại vùng Trung Ðông (Do thái giáo, Ky-tô giáo và Hồi giáo) đã không phát triển nền đạo đức "vô hại" cho loài súc vật. Cả Do thái giáo lẫn Hồi giáo đều qui định dùng súc vật làm tế cho Thượng đế. Và họ còn qui định cả cách thức giết thịt súc vật làm thức ăn cho con người (một cách thức thường rất dã man). Theo Kinh Thánh, ngay sau khi tạo dựng nên trời đất muôn vật, Thượng đế đã ra lệnh cho con người phải ăn rau đậu, tuy nhiên huấn thị này không tồn tại được lâu và đã bị hủy bỏ sau cơn "Lụt đại hồng thủy" thần thoại. Giờ đây, con người được phép giết và ăn thịt kèm theo một số giới hạn thật là kỳ quặc có liên quan đến việc gây đổ máu. Ðó là cơ bản của một phương pháp giết mổ dã man được người Do thái và người Hồi giáo sử dụng. Kinh thánh Do thái và Ky-tô giáo thừa nhận sự "thống trị" mà Thượng đế đã đặt lên thú vật và môi trường, và đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong lịch sử.

Chúng ta sẽ thấy Phật giáo giữ một vị thế trung dung giữa lý tưởng Vô hại của Kỳ-na giáo và sự bỏ rơi hoàn toàn trong vị thế của Do thái - Ky-tô - Hồi giáo.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com