Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 4: Lâu Ðài Trên Cát

14/05/201316:53(Xem: 10465)
Phần 4: Lâu Ðài Trên Cát
chung_toi_co_mat

Chúng Tôi Có Mặt


Phần 4




16. Lâu Ðài Trên Cát

Không còn nhớ rõ vào trường hợp nào và do miệng ai mà Khỉ Thọt có ý niệm "Khỉ là Tổ tiên của loài Người". Người là thứ gì. Khỉ Thọt không hề biết, vì chưa bao giờ thấy. Khu rừng này nằm sâu giữa một vùng rừng rậm hoang vu. Ý niệm mơ hồ về loài người có lẽ bắt nguồn một phần từ một cuốn sách mà cha của Khỉ Thọt đã giữ lại được từ một ngày xa xưa, khi Khỉ Thọt còn nhỏ. Ngày đó có một chiếc phi cơ bay qua khu rừng, ngộ nạn đâm nhào xuống đất. Cả hành khách và phi hành đoàn đều chết. Thú rừng một phen hoảng vía vì những tiếng nổ long trời. Mãi một, hai ngày sau thấy yên tĩnh mới mon men tới chỗ tai nạn. Ban đầu rụt rè, sau bạo dạn lần. Chúng lượm những vật văng rớt vung vãi, ban đầu sợ sệt, sau yên tâm, đấm đá giành giựt. Cha của Khỉ Thọt yếu đuối và nhút nhát chỉ lượm được một cuốn sách văng nằm ở một khe đá. Cố nhiên chẳng biết đó là vật gì và dùng để làm gì. Cạp ăn thử, biết ngay không phải là đồ ăn. Quay qua xoay lại, lật từng tờ, tiếng rèn rẹt nghe hay hay, Khỉ cha cứ lật đi lật lại hoài. Nhìn những chữ in rậm đen, chen chúc, thoạt đầu tưởng là kiến, rờ tay thấy không phải, liền hích hích cười một mình. Nhiều trang có hình vẽ tô màu. Không biết đó là cái gì. Nhìn thế này thì ngó như con nai, mà quay ngược lạïi thì con nai đâu mất. Lật thêm vài trang thấy có hình gì giống con gấu. Cũng đứng hai chân và đôi tay buông thõng. Và cũng vậy, khi xoay ngang xoay ngửa thì con gấu cũng đâu mất. Lật tiếp lật tiếp một hồi, thấy những hình gì lạ hoắc, xanh xanh đỏ đỏ.
Nghịch chơi một lát thấy chán, Khỉ cha ném cuốn sách vào một bụi rậm bỏ đi về. Thong dong như một đồ đệ Lão Trang, quay lưng lại Văn minh. Nhưng đi một đỗi chợt nhớ thằng con ở nhà. Có lẽ nên lượm lại đem về cho nó chơi. Nó sẽ không thích vì bỏ vào miệng không ăn được, nhưng mình sẽ giải thích rằng đó không phải là lỗi do mình.
Như vậy đó, cuốn sách hiện diện trong gia định khỉ Thọt, bắt đầu lịch sử Thư tịch trong giới Linh Trưởng.
Như vậy đó, cuốn sách hiện diện trong gia định. Khỉ Thọt, bắt đầu lịch sử Thư tịch trong giới Linh Trưởng.
Ban đầu Khỉ Thọt chơi với cuốn sách như trước đây vẫn thường chơi với một cái vỏ dừa, với một hột thị khô. Phải mãi sau, bỗng một hôm Khỉ Thọt chợt nghĩ rằng con gấu đứng trong bức hình là một "loài Người". Khuôn mặt con gấu, dáng đứng của nó có nét gì phảng phất giống mình, giống cha mình. Và vậy là Khỉ Thọt hay nghĩ mông lung về "loài Người" xa xôi, mờ ảo. Cho tới ngày Khỉ Thọt có vợ, có con có cháu nội.
Biết được loài Người thì chỉ có loài có cánh bay xa. Như Ngỗng trời. Khỉ Thọt nhiều lần tò mò hỏi, nhưng lũ này tính không bép xép. Khảo lắm mới lọt một tiếng:
- ..."nó" không lót ổ ... không bay được ...ờ, hình như "nó" đứng giống gấu...
May có mấy mụ Két ngồi lê nên biết được một số chi tiết:
- ... tụi nó chun vô chun ra những cái hộp có khoét lỗ... như kiến vậy đó... Hả? Lông nó ít hơn ông.... Ô, mình nó nhiều màu, hoặc trên trắng dưới đen, hoạëc trên vàng dưới nâu ... Ô, ngó dị hợm chớ sao...
Ngoài việc thấy sai hiểu sai, còn thêm ba hoa nói láo. Ai kiểm tra lại được đâu mà lo?
- ... Ồ, tất nhiên là tụi nó quý cháu ... Có chớ, nó mời cháu dự tiệc hoài ... Món ăn ngon khỏi chê ... Hẳn nhiên là có khế, ớt, chuối ... Hôm về nó tặng quà cả đống ... Nhận đâu được, vì làm sao đem về? ... trời ơi, bay mỏi cánh thấy mồ...
Khỉ Thọt sung sướng đến mê người mỗi lần được nghe Két nói về loài Người, lũ cháu xa của mình. Cháu? Chớ sao? Mình là Tổ tiên thì lũ nó phải là cháu.
Khi Két chào từ giã, luôn luôn Khỉ Thọt kéo Két ra một chỗ riêng để hỏi riêng.
- Mày thấy mặt mũi lũ nó có giống tao không?
Tức thì Két lia liạ:
- Y như đúc khuôn. Giống sao mà giống như cắt cái mặt ông mà lắp vô vậy.
- Nói nho nhỏ. Nó có nói với mày nó nhớ tổ tiên của nó trên này không?
- Ui cha, nó bỏ ăn quên ngủ. Nó nhớ quá đến nỗi phải làm ca dao:
Chim có tổ, người có tông
Cây có cội, nước có nguồn.
- Bữa nào gặp lại tụi nó, mày nói dùm, tao cũng nhớ tụi nó lắm. Nhưng tao làm sao đi thăm được?
- Chớ sao! Con cháu, ai lại không nhớ? Ông mà xuống đó, tụi nó cưng, nó chìu, nó để trên đầu trên cổ.
- Khỉ Thọt thích quá, cười híp đôi mắt.
Một lần khác Khỉ Thọt bẻ tặng Két một trái chuối chín trước khi hỏi chuyện. Vừa nói:
- Tặng mầy trái chuối. Vừa hái chiều qua.
Thực tế thì đã đễ dành hơn bốn bữa, thấp thỏm đợi Két tới. Phải quà cáp chút ít cho nó.
Lần tặng Két trái ổi, nó khoái quá, mổ những miếng thật bự rồi cái lưỡi cứ nhăm nhăm lia lịa. Ăn xong, cười toe toét:
- Ngon quá! À, bữa trước cháu có dặn tụi nó hôm nào lên mời ông xuống ở chơi với tụi nó dưới thành phố. Tụi nó hẹn, nội trong năm nay thế nào cũng lên đón ông.
Khỉ Thọt cười híp mắt:
- Lũ nó biết ăn ở. Lễ nghĩa chu đáo.
Bao nhiêu niềm êm ái, Khỉ Thọt không thể giữ kín cho riêng mình. Ông phải tìm nơi thổ lộ. Ðầu tiên là thằng khỉ cháu nội. Một lần ngồi chơi coi chừng nó, nhân nó cứ leo lên lưng ông, trèo xuống đùi ông, bám vào cổ ông, kẹp ngang hông ông, kéo tai ông, bịt mắt ông, thọc ngón tay ngoáy vào miệng ông... ông mệt quá, ông dọa nó:
- Mày quấy tao quá, tạo chịu hết nỗi. Bữa nào tao xuống ở dưới thành phố.
- Cái thành phố ở cái chỗ nào? Mà ông đi lạc đường, beo nó chụp ông liền.
- Xì! Có "loài Người" nó lên đón ông.
- Loài Người là cái gì? Nó lớn bằng con Ngựa vằn hả? Ông leo ngồi trên lưng nó hả?
- Không. Nó là cháu. Cháu cũng như mày vậy.
- Vậy thì nó cũng leo lên lưng ông, cũng thọc ngón tay ngoáy vào miệng ông.
Khỉ Thọt cười to, cười ngoặt ngoẽo.
- Nó lễ nghĩa. Có đâu như mày?
Tỉ tê ngồi nói chuyện với mụ Khỉ vợ thì cứ bị mụ nạt ngang:
- Dẹp! Dẹp! Ngày nào cũng bấy nhiêu chuyện đó. Ði khoe cả đầu trên ngõ dưới. Ngày nào cũng đi khoe. Ðến nỗi gặp tôi đâu là họ nói móc nói mỉa. Có ham lắm thì xuống dưới đó mà ở với tụi nó.
- Chớ ở đây mỗi ngày bà thí cho tôi có hai ba trái chuối, bốn năm trái ổi, sáu bảy trái sim.
- Bộ tưởng kiếm cho ra bấy nhiêu đó, dễ lắm? Thử đi kiếm coi.
Khỉ Thọt hết nhịn được:
- Nếu Tao không bị thọi cái tay thì tao chấp. Chẳng qua không bám vào cây được, không leo trèo được, tao đành phải...
Khỉ vợ bất nhẫn, dịu giọng an ủi:
- Thì tôi đâu có trách chi ông. Thôi cũng mong ông gặp được con cháu.
- Con cháu tôi thì cũng là con cháu bà. Tôi sướng thì bà sướng. Có điều tôi đang băn khoăn là cứ chun ra chun vô cái hộp...
- Ai nói với ông vậy? Mà... cái hộp nào vậy?
- Mụ Két nói. Mụ nói lũ cháu sang lắm, chúng ở trong những cái hộp chớ không ở hang ở ổ như lũ mình.
Khỉ vợ giơ hai tay lên trời:
- Trời ơi! Ngồi mà nghe con mẹ đó! Nói láo một cây. Nói dốc một cây. Nói láo quá, mác lẻo quá, bị chúng vả miệng, cong queo cái mỏ lại, không thấy à?
Thỉnh thoảng có cụ Gấu tạt ghé chơi. Khỉ Thọt cũng thường lái câu chuyện hướng về loài Người. Chẳng hạn:
- Trưa hôm kia có con chim gì bay lên trời, bay ngang qua rừng mình, tiếng la rầm rầm, rung rinh cả núi.
Giọng Gấu đủng đỉnh:
- Tôi tưởng sấm nheo mắt nhìn hoài, chẳng thấy gì. Mắt tôi bị hột cườm.
- Nào ai có biết là gì. Có đứa tưởng sập trời. Hồi sáng gặp chị Ngỗng trời cho biết: đó là máy bay của loài Người.
- Máy?... Bay?...
- Ngỗng trời đi đó đi đây nhiều nên chị ta biết rõ. Nhất là chị ta nói: tháng trước bầy Ngỗng trời của chị đang bay, gặp cái máy bay gì gì đó, nó hút cả vài chục con vô trong máy, chết luôn.
- Nghe nói có cái máy hút... bụi thôi mà?
Khỉ Thọt cười, đập nắm tay vào lưng Gấu, tỏ dấu hiệu thân mật.
- Ngỗng trời nó nói loài Người có nhiều máy lắm. Nó đi, nó chạy toàn bằng máy.
Gấu ngồi xích lại gần, nói nhỏ:
- Chạy bằng máy thì chắc mau bằng Ngài sư tử.
- Hơn nhiều chớ. Sư tử sức mấy mà chạy mau bằng.
Cứ như vậy đó, những chuyện về loài Người tha hồ kéo dài, nối dài, không hẹn bao giờ sẽ dứt. Khả năng và phạm vi của tưởng tượng và nói láo thì vô biên.
Một ngày nọ chợt có tiếng nỗ rầm rầm ở khu rừng. Thú vật hoảng hốt chạy loạn xạ. Sau đó một ngày, chị Sóc thoăn thoắt chuyền cành tới báo tin:
- Có một lũ gì lạ lắm. Tới đốt lửa ở gần hồ nước.
Thú rừng lao xao. Có ý kiến nên chạy trốn. Có ý kiến nên ở lại. Một khi đã ở lại thì tự nhiên có sự thập thò tới gần, gần thêm, gần nữa. Trong số tò mò có Khỉ Thọt.
Núp trong lùm cây, Khỉ Thọt nhìn. Nhìn kỹ. Rồi về vỗ đùi một cái mạnh. Ðúng rồi! Loài Người! Nó đứng trên hai chân như trong hình này. Nó bước đi, hai cái chân rộng mà dài như hai tàu lá chuối đây nè! (ống quần của người ta mà nó nói vậy đó!). Miệng nó ngậm một lóng sậy, lặp lòe cháy một đầu, có khói bay. Kìa, rõ ràng hai bàn chân của nó bó trong hai cái bắp chuối hột. Rõ quá rồi! Ðầu đứa nào cũng để trần, cũng được chụp kín bằng một cái gì gì... Thôi, rõ ràng là lũ Người, lũ cháu đi lên đón mình về thành phố y như lời chúng nó đã hẹn với Két. Muốn kiếm Két để hỏi lại cho kỹ, nhưng không biết Két hiện ở đâu. Mà sao... lũ nó không đi thẳng tới ổ mình để mời?... Ô, chắc tụi nó không biết đường. Chắc tụi nó đang đợi.
Khỉ Thọt bàn với vợ sắp đặt hôm sau xuống gặp lũ cháu để chúng đón về thành phố. Mụ vợ quen với nếp sống thường nhật, không muốn đi. Mụ đưa ra bao nhiêu lý lẽ, bị lão bác hết. Thằng khỉ cháu nội thì mừng không để đâu cho hết. Bởi cả mấy tháng nay ông Nội nó cứ vẽ ra những cảnh sung sướng khi nó theo ông nội về thành phố. Thấy nó ôm một của nâu héo, món đồ chơi, đứng đợi. Khỉ Thọt gắt:
- Ném đi! Quí gì! Xuống thành phố mày chơi... bằng máy thiếu gì?
Chẳng có chí để mà sắp đặt. Hôm sau cả gia đình Khỉ Thọt đi về hướng hồ nước. Ðáng lễ có cả thằng con trai và con dâu, - cha mẹ của thằng Khỉ nhỏ nhưng thằng con trai chết vị bệnh ỉa chảy, con dâu xin tái giá, ẳm con giao trả về cho ông bà nội. Nghĩ thương hai đứa, chỉ hưởng được cái khổ, nay bắt đầu sướng thì...
Ði ngang qua hang Gấu, Khỉ thọt kêu:
- Bác Gấu ơi! Xin tạm biệt. Bác ở lại mạnh giỏi. Tôi xuống thành phố với lũ cháu. Chúng nó đã lên đón.
Giọng Gấu chậm chạp:
- Ò... Ò... chúc thượng lộ bình an. Lâu lâu nhớ về thăm chơi.
- Khỏi lo, cứ rằng là mỗi tháng sẽ về thăm một lần. Ði bằng... máy mà.
Ði ngang hang chị Chồn Mướp, Khỉ Thọt bảo cháu:
- Mày vô chào từ giã thằng Mướp Tí đi. Nó là bạn chơi của mày.
Nhưng thằng cháu lắc đầu:
- Ðể hôm nào cháu về thăm nó bằng... máy. Cho nó lé mắt.
Bà Nội giục:
- Thôi! Cứ dằng dai. Thăm hỏi chào mời! Rộn người ta!
Khỉ Thọt:
- Cái bà này. Ðộng một tí là gắt. Xuống dưới thành phố, ai chịu bà nổi? Kém văn minh.
- Xuống đó mà văn minh. Xuống đó kiếm một con khỉ cái gì văn minh mà ở với nó.
Qua hang Nhím. Nhím thò cái mỏ nhọn ra hỏi:
- Về thành phố đó hả? Cho mình theo với.
Khỉ Thọt đứng lại phân trần:
- Lũ cháu nó đón bằng... mấy. Không dư chỗ. Bác cảm phiền.
- Không đi được thì mình ra đó tiễn ông.
Vậy là Nhím đi theo. Lát sau gặp Thỏ, và Thỏ cũng xin theo tiễn. Lần lượt trên đường đi, những con vật khác gặp được, nghe nói, cũng rủ nhau đi theo tiễn: chuột đồng, chồn, hươu, rùa... kể cả chim: chèo bẻo, bìm bịp, cuốc, chìa vôi, cu cườm, quành quạch, sáo sậu... Vì tò mò nhiều hơn vì tình nghĩa. Chỉ có Két là không hiểu vì sao mà trốn biệt.
Cả đoàn đi tới chỗ loài Người dựng lều. Khách tiễn đưa vốn nhút nhát. Xin dừng lại nơi xa xa để bắt tay, ôm hôn, chúc, hứa, gạt nước mắt. Chỉ gia đình Khỉ Thọt tiến tới.
Ðoàn thám hiểm gồm bốn người đang loay hoay dùng đục, búa để tách những mẫu nham thạch. Nghe tiếng động, họ chợt ngừng nhìn lên. Khỉ Thọt cất tiếng:
- Khẹt khẹt khọt khọt khịt khịt (= Chào mấy cháu... ông nghe Két nó nói mấy cháu lên đón ông...)
Thấy ba vị khách cứ xăm xăm bước thẳng tới, vừa "khọt khẹt khịt", bốn nhà thám hiểm đều nhất loạt đứng dậy đề phòng. Khỉ Thọt tiếp tục:
- Khịt khẹc khẹc khọt khò khè... (= bữa nay ông, bà và anh Út mới tới được).
Vị trưởng đoàn có hàm râu quai nón khoát tay đuổi đi. Nhưng cả gia đình "tổ tiên" cứ bình tĩnh bước tới, bài huấn từ cứ thao thao tiếp tục:
- Khọt khọt khịt khẹc... (= Phàm cây có tổ, nước có tông...)
Bây giờ thì cả bốn "đứa cháu" đều khoát tay, vừa dậm chân, trợn mắt, vừa la hét: "Ði đi! Ði chỗ khác". Nhưng tổ tiên không hiểu. Tổ tiên cứ tưởng đó là cách chào mừng văn minh. Nên tổ tiên cứ đi tới, sợ trễ giờ, cái máy nó... mất công đợi.
Một người lượm đá ném. Tổ tiên hơn ngạc nhiên, khựng lai, nhưng rồi cũng đi tới nữa. Cả bốn người cùng lượm đá ném tới tấp. Tổ tiên đứng lại. Có cách nào để hiểu rằng đó cũng là dấu hiệu chào mừng nồng nhiệt? Khó quá. Trí óc Khỉ Thọt đen mò, chịu không nghĩ được.
Như theo một phản xạ. Khỉ Thọt lại cứ bước tới. Vợ và cháu nội cũng bước tới. Có điều lúc này thì miệng không còn nói huấn từ.
Một người trẻ nhất trong đoàn quay nhanh vào lều, xách ra cái súng săn lên cò. Ðưa lên mắt nhắm. Tổ tiên không hiểu đứa cháu đang làm gì. Nhưng bỗng Khỉ Thọt nghĩ: "Có thể đó là một thứ... máy đón tiếp". Nên càng vững mạnh bước tới. Chợt:
"Ðoàng!" Giật mình. Cái gì? Có tiếng đập cánh bay tan tác của lũ chim chóc đi tiễn đưa ở đằng sau. Khỉ Thọt quay lại. Uở, có cái cảm giác đau nhói ở cánh tay phải. Cúi xuống nhìn. Có máu từ đâu chảy dính trên đám lá cỏ dưới chân. Máu còn ướt.
Khỉ Thọt quay lên nhìn mấy đứa cháu, ngơ ngác không hiểu. Chợt một tiếng "Ðoàng" nữa. Lũ chồn, thỏ, cáo, hươu đi tiễn cất tiếng la hoảng hốt và chân chạy rầm rập. Mụ khỉ vợ nhảy thót lên cành cây, tay chân siết cỗ, lão gần nghẹt thở.
Cái chân bên mặt sao bỗng nhức buốt như xé. Khỉ Thọt nhăn mặt. Ðau rát đến nổi không khóc mà sao nước mắt cứ chảy tuôn thành dòng.
Khỉ Thọt thẫn thờ nhìn bốn loài Người. Nhìn chăm chăm. Rồi chầm chậm quay lưng, bước lảo đảo trên những lối cũ. Những giọt máu rơi lộp độp trên tầng lá, màu đỏ tươi, như đánh dấu con đường trở về.

--o0o--


17. Tinh Thần Ái Hữu (^)

Trăm bản vạn sự cũng do anh Gà Cồ Chuối bày ra hết. Vẽ vằn vẽ vện, vẽ rắn vẽ rồng cũng do anh ta.
Tính ba hoa, ưa huyênh hoang, muốn tỏ ra cái gì mình cũng biết, cũng thạo, thậm chí có lần anh lấy cánh chỉ vào cái đầu của anh mà khoe với mấy mụ Vịt mái: "Cái hội đầy những ý kiến".
Bữa đó nhằm vào giờ ăn, sân gà việt rộn ràng. Sau khi các chậu, các mang đã vơi, các cái bụng cũng đã đầy ứ. Cồ Chuối ợ liên tiếp hai cái rồi dõng dạc nói:
- Chúng ta sống kề cận nhau, phải thương yêu nhau.
Vịt đực ngớ ngẩn hỏi:
- Tôi thương yêu mụ Vịt mái của tôi chớ đâu có ghét?
Cả sân cười rộ lên. Mụ Vịt mái mắc cỡ đỏ mặt, lườm chồng. Phải năm phút mới dẹp yên trận cười. Cồ Chuối ân cần giải thích:
- Ý tôi muốn nói là các loài thương yêu nhau. Ðừng có gây sự cãi cọ, cắn đá nhau. Chẳng hạn gà đá vịt, bò húc heo, ngỗng mổ bồ câu...
Thỏ đang nhấm cỏ trong chuồng, thò đầu ra hỏi:
- Còn gà đá gà thì có được không? Bò rượt bò thì có được không?
Có vài tiếng cười lác đác. Heo:
- Hẳn nhiên là không được rồi. Khác loài còn thương, huống chi cùng loài!
Nhiều tiếng vỗ tay tán thưởng câu nói của Heo. Lâu lâu Heo cũng bật ra thông minh.
Cồ Chuối tiếp tục: - Nhiều khi cũng cần nhường cơm xẻ áo.
Bò:
- Cái đó thì không được rồi. Tôi nhường rơm cỏ cho gà, nhưng gà nó chỉ ăn lúa. Vả chăng món ăn có chủ lo. Sức mấy mà chủ nó dám cho ăn thiếu? Nó còn cầu mong mình ăn nhiều gấp ba, gấp năm để mau mập, đẻ sai, nặng cân, dày mặt mỡ.
Cồ Chuối bí. Ðứng khựng. Heo đang hứng chí vì vừa được vỗ tay, nói:
- Khỏi cần nhường. Nó nhào vô nó giựt cơm của ông, chớ ở đó mà nhường. Máng cám của tôi, nó ào tới cả bầy, lựa miếng nào ngon, mổ ráo trọi. Lũ con của ông, chớ ai. Mấy con gà con quỷ sứ, ai chịu cho nổi.
Cả sân lại cười rộ lên. Cồ Chuối:
- Thôi, trở lại cuộc họp. Tôi đề nghị chúng ta lập một Hội Ái Hữu.
Mọi khuôn mặt ngơ ngác. Chị Ngỗng đẻ mới đầy tháng nên tại còn lùng bùng nghe tiếng được tiếng mất, ngớ ngẩn hỏi Chồng:
- Ông nói cái hũ gì?
Tưởng mình nói nhỏ, ngờ đâu cả sân đề nghe rõ. Lại một trận cười ngả nghiêng. Thằng Thỏ lém lỉnh lại khỏe tô đậm nét hài hước bằng cách hét to:
- Ái Hữu chớ không phải cái hũ!
Cồ Chuối nghiêm mặt:
- Hội ta sẽ lấy tên "Hội Ái Hữu gia súc!"
Bồ câu đậu ở cửa chuồng trên cao, thò cổ xuống:
- Tôi nghe người ta gọi gà, vịt, ngỗng... là gia cầm mà. Gia súc thì như bác Bò, chú Dê, dượng Heo...
Cồ chuối vội chụp ngay:
- Vâng, thì Hội Ái Hữu gia súc và gia cầm!
Một chị Gà mái:
- Phàm theo tôn ti thì "Thượng cầm hạ thú". Vậy phải để gia cầm lên trước gia súc.
Một con Heo Dooc-sia (Yorkshire) lông trắng hếu, mập cả tạ, đến nỗi mở mắt không ra, nói giọng lơ lớ:
- Noi vệi khâm diệc. Ai lơn hơn, mện hơn thi đưa đo đươnh trư-ac (Nói vậy không được. Ai lớn hơn, mạnh hơn thì đứa đó đứng trước).
Một chú Gà Tre bé choắt nhảy phóc ra, nhanh tựa một trái banh ten-nít vụt tới, cất giọng the thé nghe như có ai đâm một cái dùi vào tai:
- Nói sao? Lớn là sao? Mập ù là lớn hả? Là mạnh hả? Ðứa nào "lơn, mện" ra đây thử sức coi chơi!
Bò vội dàn hòa:
- Thôi. Chuyện không đâu. Ðang lập Hội Ái Hữu, lại nổi đánh lộn.
Gà Tre lúc lắc lia lịa bộ lông đuôi:
- Nghe giọng nói dễ ghét! Nếu không vì tình "ái hữu" thì tôi đã mổ rồi.
Rồi vừa bước lui, vừa hầm hầm nhìn mặt Heo Dooc-sia:
- Ðể lát nữa xong buổi họp Ái hữu, tao sẽ cho mày biết tay.
Nhìn "tạ thịt" đang cúi mặt xuống nhịn và "ba lạng lông" đang hiu hiu nghếch cái mặt, lão Ngỗng Ðực bỗng bật cười không nín được. Nào ngờ con vợ thằng Gà Tre đang đứng gần đó the thé hỏi liền:
- Mày cười chồng tao cái gì? Hở thằng mặt ngu?
Ngỗng nạt, giọng ồ ồ:
- Ðồ hỗn! Tao mổ một cái thấy cha mày.
Tức thì như một cơn lốc thổi tới, cả người con Gà Tre mái tung lên, loáng loáng, xoay vòng, dán chặt vào lưng, bám quanh cái cổ... và cứ tọa chỉ thấy Ngỗng Ðực chạy lạch bạch, chạy quáng quàng, miệng la quang quác:
- Thôi! Thả ra! Thả ra! Tao chịu thua. Thả ra!
Với tinh thần "ái hữu", các gia cầm phải chạy lại gỡ giùm.
Cồ Chuối lại tiếp tục thuyết trình:
- Hội Ái Hữu gia cầm và gia súc...
Mới nói tới đó, Ngựa đã "hí" lên hỏi:
- Như con chó Mực có được vô Hội không?
Cồ chuối:
- Ðược chớ! Nó cùng gia súc.
Ngựa cười khẩy:
- Nó "ái hữu" với ai mà mày biểu người ta "ái hữu" với nó?
Tao đây, xác to hơn ông nội nó mà nó rượt, nó sủa, nó cắn, coi như đồ bỏ. Sá gì lũ gà, vịt, ngỗng.
Nó bước tới đâu là cả sân tê tái sợ chạy. Cả mày nữa, tao thấy mày cũng bị rượt chạy có cờ.
Dê thêm:
- Nó nịnh theo chủ, liếm tay và vẫy đuôi. Nó vâng lệnh chủ rượt đuổi mình. Nó thuộc "Hội Ái hữu những nịnh thần tay sai".
- Còn con Mèo Tam Thể?
Thỏ hỏi.
Dê:
- Nó cũng một húi với con Mực. Ðể hai đứa lập riêng một Hội.
Bò thắc mắc:
- Lấy tư cách là gia súc, chúng nó có thể kiện. Hỏi tại sao không cho nó vô Hội. Tên Hội là "gia súc", nói trổng, chớ có ghi là "gia súc cao thượng, gia súc quân tử" gì đâu?
Thỏ:
- Nếu vậy thì cũng dể. Mình thêm "Hội Ái Hữu gia cầm và gia súc cao thượng".
Cả sân lại có dịp cười rộ. Cồ Chuối:
- Thôi, xin im lặng! Ðể giải quyết thắc mắc vừa rồi, xin đọc phần "Ðiều kiện gia nhập" ghi ở chương Hai.
A! Té ra ông này sắp đặt mưu mô, bày mâm cỗ sẵn rồi. Vậy mà làm như bất chợt, tùy hứng. Cồ Chuối tiếp tục:
- Hội Ái Hữu gia cầm và gia súc của chúng ta...
Lại mới nói tới đó thì đã có một cái chân giơ lên ngăn lại xin nói của cụ Dê:
- Cho tôi xin có ý kiến. Mình phải ghi rõ là gia cầm gia súc ở đâu. Chẳng hạn mình ở số nhà...
51 đường Hồng Bàng thì ghi là Hội Ái Hữu gia cầm và gia súc ở số nhà 51 đường Hồng Bàng Chớ chẳng lẽ bắt tôi "ái hữu" với một chị gà mái ở tận số nhà 31 đường Cửu long, phường Phước Hải?
Lại có dịp để cả sân cười.
Cồ Chuối bắt đầu cảm thấy bực bội. Ý kiến phát biểu cái kiểu đâm họng này thì cha ai mà chủ trì cho nổi. Cứ tưởng tượng phải treo một cái bảng hiệu chữ nghĩa dài thoàng "Hội Ái Hữu gia cầm và gia súc ở số nhà 51 đường Hồng bàng Nha trang" thì còn gì khôi hài hơn? Mà lý luận cách nào để lũ nó tán thành cho cắt ngắn bớt Tam ngu thành hiền, ba đứa ngu cộng lại thành một đứa khôn, vậy mà trong sân này, lớn nhỏ đâu có dưới sáu chục đứa?
Hy vọng mãi cười không ai để ý, Cồ Chuối nhẹ lướt qua mục khác.
- Về cái danh hiệu, sau này có nhiều thì giờ chúng ta sẽ thảo luận thêm. Bây giờ thì bầu ban chấp hành. Tôi xin đưa ra một liên danh để quý vị dễ chọn. Hội trưởng: Tôi!
Nhiều tiếng cười ồn ào. Có tiếng hòn đá gõ lốc cốc xuống hòn đá. Có tiếng huýt sáo nữa. Cồ Chuối gằm mặt khkông dám ngửng nhìn lên, lật đật nói tiếp thật mau như đọc thuộc lòng:
- ... Phó Hội trưởng: Bò. Tổng thư ký: Ngỗng. Cố vấn: Dê.
Ngựa phát biểu:
- Trong bốn tên đưa ra, chỉ có ngỗng là xứng hợp với chức vị. Lông nó được vót thành ngòi viết. Nên cử nó làm Tổng thư ký là phải. Hội mình sẽ đỡ tốn tiền mua ngòi viết.
Có tiếng cười rúc rich. Thỏ:
- Ông Dê tài cán gì mà đề cử làm cố vấn? Chẳng lẽ chỉ vì có bộ râu?
Lại có tiếng cười. Gà tre:
- Còn chức Phó Hội trưởng?
Loài người nó đã khen ông là "ngu như Bò".
Bị sỉ nhục, Bò không tự chế được, chửi liền:
- Mồ tổ mày, thằng ranh con hỗn hào!
- Mồ tổ mày, thằng to đầu mà dại!
Vừa nói Gà Tre vừa vỗ cánh bay tót lên đầu Bò, mổ lia lịa, chân đá tới tấp. Bò xoay trở lung túng, không biết trả đòn lại bằng cách nào, đành sải chạy, khiến cả sân náo loạn, tiếng la quang quác. Giữa tiếng ồn ào, chợt có tiếng Thỏ ré lên:
- Trời ơi! Bớ hội nghị ơi! Thằng Dê xồm nó lé nó đá ngang hông tôi. Trời ơi!
Tại hồi nãy tôi chê nó bất tài, không xứng chức Cố vấn. Bớ làng xóm ơi, thằng cố vấn Dê xồm nó thù, nó đá tôi trặc xương hông rồi. Trời ơi!
Cả sân càng náo loạn dữ. Nhân cảnh lộn xộn, Vịt Cồ bước lại gần Vịt Xiêm:
- Này thằng hủi kia! Tao để ý cả nửa tháng nay mày lẽo đẽo theo tán tỉnh con vợ tao. Mày tán tỉnh đủ khắp mười mấy con Vịt mái trong sân này. Tao biết hết. Mà tưởng mấy cục thịt đỏ lòm, sần sùi nơi mặt mày là đẹp lắm? Như phong cùi, biết chưa? Bữa nay phải trị tội mày.
Nói xong, nhào tới mổ, rỉa. Thọc mỏ vào bụng dưới của Vịt Xiêm mà rỉa. Cánh đập phành phạch. Nhưng Vịt Xiêm kháng cự hùng dũng. Nó to con, mạnh hơn. Qua đi nửa phút ngỡ ngàng, nó đè được Vịt Cồ, mổ loạn xạ. Vịt Cồ kêu cứu:
- Hỡi tất cả Vịt Cồ của Hội! Hãy nhào tới mà giết con Vịt ngoại lai này. Nó tán tỉnh vợ các bạn không bỏ sót chị nào.
Mấy anh Vịt Cồ nổi cơn ghen, lạch bạch nhào tới. Một trận xấp chiến hung hãn không thể tưởng tượng. Trong giới động vật, đòn ghen cũng được liệt vào hạng đòn ác liệt thượng thặng.
Nhìn thấy bà con náo loạn trong cảnh đấm đá hăng say, một chú Gà Tía thấy ngứa chân tay, chợt thấy dũng khí lên cao và tức khắc hạ quyết tâm trả thù thằng... Cồ Chuối. Thằng này chuyên môn chơi cha, ỷ mạnh cứ ăn hiếp Gà tía. Có món ăn ngon, nó chạy tới giành. Ðang dè dè một con gà mái tơ, nó chạy tới giành. Rồi nó đạp mái luôn trước mắt mình.
Gà Tía rón rén đến sau lưng Cồ Chuối. Rồi bất ngờ nhảy lên mổ đầu và đá một cái mạnh vào mặt. Cồ Chuối tá hỏa. Ðá tiếp một cái nữa rồi bỏ chạy về phía Bò và Gà Tre đang đứng nghỉ lấy hơi. Cồ Chuối la bai bải:
- Ðồ cắn trộm! Thằng hèn nhát cắn trộm. Tao giết mày!
Và chạy rượt theo. Gà Tre thấy Cồ Chuối hùng hổ xăm xăm chạy tới, tưởng nó tấn công mình liền nhảy tung lên đá vào mặt một cái như trời giáng, vừa la:
- Tao đang "ái hữu" ông Hội trưởng đây, bây ơi! Lại coi!
Gà Tía thấy Cồ chuối mắc mưu mình rồi liền quay lại nhào vô đá tiếp. Ba bạn Gà Cồ khác trong đó có một anh Gà Ri bé choắt, cũng từng bị Cồ chuối hiếp đáp, lật đật chạy tới bao vây Cồ chuối đá như điên. Cứ đá một cái "rẹt" kèm theo một câu hạch tội:
- Này, Hội trưởng! ... này, hống hách!... Này, giành ăn!
Thấy bốn chú gà thanh niên dư sức để Cồ chuối xiểng liểng, Gà Tre bỏ chạy đi tìm thằng Heo Dooc-sia. Hồi nãy đã hứa cho nó một trận kia! Nó kia!
Heo Dooc-sia đang say mê nhìn cảnh chiến trường hỗn loạn, cười híp mắt, miệng ba hoa với mấy con vịt mái, chợt thấy Gà Tre tê tái chạy tới. Hoảng quá, Heo vụt bỏ chạy, tống vào nhóm này, đẩy vào nhóm khác.
Nhiều chị Gà Mái hiền lành vội vã tránh đường, bưới lui, đạp nhằm chân các chị đứng phía sau, hoặc ngã dúi vào mình họ.
Vậy là nhen lên những lò lửa chiến tranh mới: Cãi cọ, chửi bới, giằng xé. Khắp sân rộn rịp.
Lũ Gà Giò hăng máu cũng sẵn sàng nhớ lại những mối bất hòa cũ, những vụ tranh chấp chưa ngã ngũ... và vậy là những cuộc đọ sức nổ rải rác đó đây. Khắp sân rộn rịp trong một không khí đấm đá tưng bừng. Không còn ai đứng ra tuyên bố Hội Ái hữu gia cầm và gia súc ở số 51 Hồng Bàng sẽ tái nhóm ngày vào.

--o0o--


18. Bình Ðẳng Lý Tưởng (^)

Kiến Ðen bò thong dong trên sàn nhà phòng ăn, bò ngang bò dọc, bò chậm rãi như một kẻ nhàn du. Có kinh nghiệm, Kiến Ðen biết phòng ăn là nơi đem lại nhiều bất ngờ lý thú cho loài Kiến. Thỉnh thoảng ngẫu nhiên gặp một miếng "ăn được" Rơi nằm đâu đó.
Kìa, có món gì nằm lù lù kia! Bay mùi thơm béo. Kiến Ðen bò gấp lại gần. Trời! Một cái xác ruồi mập ú còn nóng hổi. Kìa! Một cái xác nữa! Xác này đang còn thở thoi thóp. Ủa, còn kia nữa! Này, phía này cũng có. Kiến Ðen bắt đầu bấn loạn, chạy quáng quàng, phát hiện thêm nhièu tử thi, toàn là tử thi, đầy dẫy, ngổn ngang. Mà toàn là ruồi, no ú, mập béo, có con đã nát bẹp, có con còn rên khừ khừ.
Chiến trường nào đây? – Kiến Ðen tự hỏi. Giao chiến với ai đây mà không thấy xác địch quân?
Sau vài phút ngẩn ngơ. Kiến Ðen biết mình phải làm gì. Chọn một xác ruồi còn non, thịt mềm, xơi cho ngon miệng cái đã. Sau đó, bò về ổ, kêu bà con ra khiêng.
Cả ổ rùng rùng chạy ra. Thật là tấp nập. Vô cùng hào hứng. Thịt ngon và mỡ béo, dẫu chưa bỏ vào miệng, dẫu mới lởn vởn trong óc, cũng đủ năng lực thổi bùng ngọn lửa hăng hái. Hăng hái nhất vẫn là Kiến Ðen. Nghĩ mình là kẻ có công lớn. Kiến Ðen báng nháng luôn miệng.
- Chạy mau lên. Chỉ khiêng miếng ăn bỏ vô miệng mà cũng rề rề.
- Này, không có cái điệu vừa đi vừa nói chuyện kiểu đó. Làm ra làm, chơi ra chơi.
- Sao cứ đi tụt ra sau? Cái cẳng cà nhắc chi vậy? Hồi nãy tao thấy mày đi với tốp trước, một lát mày lọt xuống tốp hai, rồi bây giờ mày lai rai ở tốp ba.
Có phản ứng lại liền:
- Bộ đui không thấy cái cẳng sưng đây sao? Hôm qua con Mèo Mướp trời đánh nó làm rớt cái thớt, rớt nhằm cái cẳng.
- Làm tàng hoài! Lánh nặng tìm nhẹ là mày, ai còn lạ. Hễ thấy công việc là tránh, khai bệnh khai đau, mà lựa toàn thứ bệnh khó thấy: đau dạ dày, tim nhói, tắc cuống mật...
Cả bọn cười hô hố. Kiến Ðen tái mặt; nhưng quả bất địch chúng, thôi, nhịn. Ðể tốp đó đi qua, mình ve ve với tốp sau. Phải luôn luôn nhắc cho lũ nó nhớ rằng món bổng này do mình mà có.
- Ê! Chạy lẹ lẹ lên. Tốp trước người ta sắp về rồi đó.
Một cụ kiến bướng bỉnh:
- Nó vẽ trước thì nó ăn trước. Cơm Vua ngày Trời. Tao làm theo kiểu chấm công, kiểu công nhật.
Kiến Ðen nạt:
- A! Thằng già này khéo ăn nói! Tao tâu lên...
- Thì cứ chạy về mà tâu.
Khi đàn kiến ra đến bãi chiến trường thì tất cả đều khiếp đảm: ngổn ngang những xác ruồi. Ý kiến rào rào:
- Trời ơi, khiêng sao cho hết?
- Chứ mắc cái dịch gì mà rũ nhau đến một chỗ vậy, hở các ông Ruồi?
Chà! Cái mụ Ruồi này mập quá. Thịt thơm lựng. Ðể mình nếm thử một miếng. Tức thì Kiến Ðen chạy lại kéo ra:
- Mày muốn chết. Chỉ khiêng về không được ăn tại trận.
Có vài con ruồi bị thương chưa chết, hễ thấy kiến thò thò râu đụng tới là rẫy, là hất. Nhiều chú kiến ngã lăn kềnh. Chúng liền hò nhau nhào vô một lượt. Lại rẫy, lại hất. Có anh kiến lì lợm cứ đeo chặt chân ruồi. Hai bên giằng co, bám nhau mà lăn. Nơi chân ghế có một tên ruồi chỉ bị thương nơi cánh, cố bay lên nhưng lại không nổi. Một chú kiến nhỏ lại gần, lừa thế xông vào chụp ngay cổ, nhưng ruồi hất mạnh. Kiến ngã bắn ra xa. Hoẳng quá, chú lảo đảo chạy lung tung, chạy thành vòng. Thấy vậy. Kiến Ðen hét:
- Cứ nhào đại vô! Nhào ào vô!
Kiến nhỏ nổi khùng:
- Lại đây nhào! Chỉ giỏi cái miệng.
Nhưng Kiến Ðen đã chạy ra xa, kêu gọi viện trợ. Miệng inh ỏi:
- Có bạn nào vô phụ lực để triệt con ruồi này. Mau mau. Có bạn nào...
Vừa lúc đó có mấy con kiến đang lễ mễ khiêng một xác ruồi mà chạy. Kiến Ðen hét to:
- Cánh nào đó? Các anh ở từ đâu đến? Không phải là cánh của bọn tôi mà.
Một tiếng trả lời:
- Ðúng là ta không phải. Tụi tôi ở ổ khác. Dưới chân cầu thang.
- Vậy thì không được khiêng ruồi. Về đi. Ruồi này thuộc quyền sở hữu của ổ chúng tôi.
- Ðưa giấy chứng minh chủ quyền ra coi. Khéo nói giỡn! Của trời cho "tiên chiếm giả đắc", ai chiếm trước thì được.
- Nói vậy mà nghe được hả? Này anh em! Xông vô trị tội bọn này. Bỏ ruồi lại đó, nhào vô trị tội bọn trộm cướp này trước đã.
Nghe có chuyện đánh nhau. Một tốp kiến trẻ đang chán ngấy cái việc khiêng xác, liền ùa tới, nhào vào, cắn đàn kiến lạ. Hai bên giao chiến. Ban đầu còn hưỡn đãi, một lát hăng máu, nhào lộn cắn xé như điên. Ban đầu chỉ một đám, một lát nhiều đám xảy ra. Nơi này nơi khác, tùm lum. Bởi chưng có nhiều ổ kiến lạ khác cũng được báo động là có xác ruồi, mau đến mà khiêng. Mạnh ai nấy khiêng, và bây giờ xác ruồi cứ bỏ đó, mạnh ai nấy đánh cắn nhau cái đã. Một nhà luân lý cỡ nhỏ than: cốt nhục tương tàn!
Kiến Ðen bỗng nhiên đóng vai thị sát chiến trường. Do việc tự coi mình là quan trọng và thầm kín hơn, do tính nhát gan. Kiến Ðen hùng hổ bỏ ngược bò xuôi miệng không ngớt cổ vũ hò hét.
Bò đến chân bàn chợt một cảnh tượng lạ lùng khiến Kiến Ðen trố mắt ra nhìn: một con ruồi chỉ còn cái đầu và cái ức đang mải mê liếm một hột đường. Cái gì lạ vậy? Còn cái bụng đâu? Liền hỏi:
- Sao mày không có cái bụng:
Trả lời:
- Tao đang nhấm nháp hạt cơm rơi. Ðột nhiên có tiếng "Rầm" như trời giáng. Tối tăm mặt mày, thấy văng đâu ra mất cái bụng. Bò kiếm hoài không ra.
Nghe giọng quen quen, nhìn kỹ, thì ra con ruồi này mình đã đụng độ mấy lần. Có mấy lần mình đang liếm miếng cá, miếng thịt rơi, nó bay vù tới, ỷ mạnh, đá hất mình, chiếm lấy miếng ăn. Bấy giờ nhìn nó tàn tật, thật mát ruột. Hỏi móc:
- Mày liếm đường rồi nuốt vô đâu, khi mà không có cái bụng?
- Thấy ngon miệng thì liếm cái đã. Còn vô đâu, thây kệ. Tao đâu còn được sống lâu nữa, vậy thì tìm hiểu để làm gì?
- Mày cũng nên sám hối đi thì vừa. Hồi nào mày hống hách hà hiếp tao.
- Ðó là luật tranh sống mạnh được yếu thua. Ðem chi chuyện Ðạo đức vô đó?
- Ðúng là lý luận của đứa tiểu nhân. Hèn chi lũ người đó ghét mày.
- Tiểu nhân hay quân tử, lũ nó cũng đều ghét, khi món ăn của lũ nó mình nhào vô liếm.
- Mày còn đem bệnh truyền nhiễm cho chúng: Bệnh tả, bệnh thương hàn...
Ruồi cười lạt:
- Còn mày, dễ thương mày đem lại hạnh phúc cho chúng? Tao thấy chúng nó cũng giết mày, ghét mày, ghê tởm mày. Rắc bột DDT vào ổ mày, rắc vôi bột, rắc tro... chắc chắn đó không phải là lễ vật, là sơn hào hải vị.
- Mày quên rằng loài người ca tụng tao, lấy họ hàng tao làm tấm gương sáng cho chúng nó noi theo, bắt chước.
Ruồi nghếch mắt không hiểu.
- Trong những cuốn sách hay trẻ con, người ta hay vẽ hình tao, còn kiến khuân một hạt gạo, và dưới hình vẽ ghi hàng chữ "Gương kiên nhẫn" hoặc "Phải chăm chỉ làm việc".
- Tao có nghe nói.
- Trong khi những cuốn sách Vệ sinh người ta vẽ mày, con Ruồi, tay xách va ly trong có chứa những vi trùng bệnh truyền nhiễm.
Ruồi cười:
- Nó nói kệ nó, mình lo việc mình. Chỉ khi nào nó đút miếng ăn vô miệng mình thì mình mới tin. Khi mày đói, mày có lấy cái hàng chữ khen này "Gương kiên nhẫn... siêng năng làm việc" nhét đút vô miệng cho no, hay cũng phải đi kiếm hạt cơm rơi như tao?
Kiến Ðen mắng:
- Ðồ thiển cận. Mắt mày không thấy xa hơn miếng mỡ. Loài người có quý trọng tao rành rành, mày cố ý không tin cũng được. Nó đặt bài thơ "Con Ve và con Kiến", trẻ em nào cũng thuộc. Trẻ em nào cũng chê Ve khen Kiến. Lớn lên, làm cha mẹ, chúng lại dạy con học tính tốt của Kiến. Khắp cả giới Ðộng vật hàng chục vạn loài, hàng trăm vạn loài, thử hỏi con người nó quý trọng ai, lấy ai làm gương giáo dục cho con cháu nó? Ờ, còn thêm con Ong, cầu cù hút mật. Chỉ có Kiến và Ong. Mày thấy không? Tao hãnh diện là phải quá, mà quả thật tao đáng hãnh...
Vừa nói tới đó chưa dứt câu thì chợt từ đâu trên cao, một bàn tay cầm bó chổi đập mạnh xuống, đập liên tiếp nhiều lần, thật mạnh, thật lực, đập xuống bầy kiến dông đen đang say sưa giao chiến, đập xuống lũ ruồi bị thương nặng và bị thương nhẹ, đập luôn con Ruồi bị thất lạc cái bụng tìm mãi không ra, đập luôn vị Kiến Ðen đang ba hoa rằng mình được loài người quý trọng, rằng thế hệ nào cũng nêu cao họ Kiến làm tấm gương kiên nhẫn dạy cháu dạy con.

--o0o--


19. Niềm Ân Hận Của Người Quân Tử

Khu vườn này có trồng nhiều hoa và cây cảnh đứng xúm xít cạnh nhau. Có cây đứng trong chậu, có cây trồng thẳng dưới đất. Dáng uy nghi sang trọng là cây Bách Tùng. Cao mà không gầy, thân thẳng đơn độc, cành không nứt ngẫu nhiên, rườm rà, mà có qui luật chặt chẽ. Cây như một bậc quân tử tự tại, biết tự kiềm chế, tự kiểm soát mình, biết phải làm gì để giữ phẩm cách độc lập của mình.
Cách chừng ba, bốn thước có cây Tường Vi dáng đứng cũng thẳng, cũng không nứt cành xum xuê, và chỉ nở hoa ở chót đỉnh. Hai cây có nét giống nhau nên kết bạn cùng nhau và thường trò chuyện với nhau. Khoảng giữa hai câu là những chậu cúc, thược dược, đinh lăng, mẫu đơn, tóc tiên... Có những chậu Bông giấy được ông cai vườn uốn thành hình vòng tròn. Có mấy cây Chùm rụm được uốn thành con kỳ lân, con rùa, con phượng.
Bách Tùng có nghe chủ nhà khoe với khách rằng gốc gác mình ở xứ Nhật Bản. Cũng qua lời chủ nhà mà biết đại cương những nét về phong cảnh, phong tục, sinh hoạt của cố hương nên nhiều khi Bách Tùng tưởng tượng cảnh núi Fuji tuyết phủ, cảnh trà đạo, cảnh phụ nữ Kimono đi lễ đến chùa. Thật thơ mộng. Nhưng mang cốt cách của dòng họ. Bách Tùng khiêm cung cẩn trọng. Cây Tường Vi thì vì có hoa đẹp và thơm nên hơi tự mãn kiêu căng. Trước đây có lần cây hoa Tứ quí cất lời hỏi:
- Chị Hường! Chị Hường! Hồi hôm gió to, chị có sợ không?
Tường Vi không trả lời. Làm như không nghe. Cây Tứ quí thiệt thà kêu to hỏi nữa. Ðành phải bực bội trả lời:
- Tên tôi không phải là Hường. Không phải là bông Hường. Tên tôi là Tường Vi.
Cây Tứ quí lí nhín xin lỗi:
- Tôi nghe quanh đây người ta kêu vậy, nên...
- Ðó là những người dốt nát. Người lịch sự hơn kêu là hoa Hồng. Chỉ người quí phái mới biết mà kêu đúng. Tường Vi. Khang Hi từ điển có ghi rõ: Tường vi.
Buổi tối, nhân có ngọn gió mạnh thổi nghiêng đọt Tường Vi lại gần. Bách Tùng khẽ nói:
- May mà Tứ quí ít thông chữ nghĩa, chớ gặp người thông thái thì cô bị chê đó. Người Trung Hoa, người Nhật Bản gọi cô bằng Tường Vi.
Người Việt miền Nam gọi bằng bông Hường. Người Việt miền Bắc gọi là hoa Hồng. Người Mỹ gọi là X, người Nga gọi là Y, người Etxki-mô gọi là Z hay là W các tên gọi đó có tên nào là quí phái hơn tên nào.
Cây Tường Vi im lặng. Nể anh Bách Tùng có tổ tiên quí phái ở xứ hoa Anh Ðào chớ trong lòng vẫn còn nặng trọng khinh.
Một hôm nghe bụi Lài kề bên chắc lưỡi kêu đau và khóc thút thít. Tường Vi hỏi:
- Sao vậy?
Trả lời:
- Hồi chiều người cô của bà chủ ở từ quê Phước Lãnh xuống thăm. Ði ngang thấy mình nở hoa, hõi ngắt xin để về uống nước trà. Thanh lam bứt nhiều, bức vội vàng, làm tướt da mình, đau nhức.
Tường Vi nổi giận:
- Học đòi! Trước khi đến với ông chủ này, tôi đã từng bị hành hạ bởi cái thói học đòi ngắt hoa Tường Vi bỏ vào bình trà của một tên xấu xí ngu độn. Nó bẩn thỉu, thô tục, tàn bạo... và xin hãy tưởng tượng mắt nó nhìn tôi sáng rực lửa thèm muốn. Chị chịu đựng nổi sự phũ phàng đó không.
Bụi Lài:
- Em dư sức chịu. Em bị ngắt hoa hàng ngày. Hoa em bị sấy khô ướp trà bán ngoài chợ.
Buổi tối Bách Tùng bảo Tường Vi:
- Hồi chiều nghe cô nói chuyện với bụi Lài, và tôi tự hỏi: có thật một người giàu sang quí trọng cô, thưởng thức cô hơn một người nghèo hèn dốt nát không?
Tường Vi:
- Hơn hẳn đi, phải biết giá trị của em, phải tinh tế biết cách thưởng thức em..., những cái "biết" đó đâu có phổ thông như những tờ giấy bạc?
- Nhưng cô không nghĩ rằng kẻ tinh tế kia có quá nhiều cái đẹp để thưởng thức, còn người dung tục này thì chỉ độc có cô làm mặt trời rọi sáng tâm hồn nó? Nhưng thôi, giải thích tâm lý thì đâu có luật nào tuyệt đối? Cứ để hai cách nghĩ nghịch nhau song song có mặt, bổ khuyết cho nhau. Như cô luôn luôn nở những cái hoa đẹp và tôi thì mãi mãi không hoa.
Im lặng một phút, rồi chợt giọng Tường Vi:
- Này anh Bách Tùng, anh thông minh mà đôn hậu. Nếu em không bị chôn chân dưới đất, nếu em đi lại được thì em sẽ tới hôn anh một cái.
Sau một tuần mưa dầm đầu mùa, một buổi sáng hánh nắng, ông cai vườn miệng ngậm thuốc lá phì phèo, tay cầm cái kéo lớn, thong dong bước giữa những lối hoa. Cái kéo, dụng cụ giáo hình vênh vang thấy giá trị của mình đang cao vọt: Khắp các loài hoa vội vã cúi nhìn xuống đất run sợ. Ðao phủ cai vườn đưa một cái nhìn bao quát rồi đi lại phía mấy chậu cây bắt hình phụng hình lân.
Những nhánh mới nứt đã dài trội khiến hình thù con vật không còn rõ. Con Rùa này đã um tùm phủ mai phủ đầu như sắp trở thành một tảng đá. Con Phụng kia nét cong uyển chuyển những ngày trước, nay dày ra, nặng nề, nhác trông không khác một cụ cá voi. Vậy là lưỡi kéo say sưa cắt xoạc xoạc, bén ngọt, chính xác, đầy tự tin.
Bách Tùng từ trên cao đưa mắt nhìn xuống đau lòng nhìn những nhánh nhỏ vừa rồi bị cắt rời ra, nằm ngổn ngang dưới đất. Những cuộc vĩnh biệt không có tang lễ!
Cái kéo có nhiều ngập ngừng khi đứng trước một chậu bắt hình con Két đang đứng. Ðao phủ đã khéo lấy một cái muỗng nhựa cong màu đỏ từ một lon sữa bột Hòa lan, cắt gọt làm thành cái mỏ. Hai hột cườm lắp làm hai con mắt. Gốc cây tẽ hai, vỏ sù sì, màu xám mốc thật giống hệt đôi chân của một con Két.
Buổi tối Tường Vi lại khẽ gọi Bách Tùng:
- Một ngày đau đớn, anh Bách tùng ơi!
- Ðúng vậy.
- Cái cây chùm rụm quỷ tha ở từ xó núi nào về! Nó đã làm cho bao nhiêu cây hoa hồi hộp lo sợ cả buổi.
Bách Tùng thầm nghĩ: "xó núi" thì đâu có gì là xấ? Thậm chí nếu muốn khen thì có dư yếu tố để khen. Nên Bách tùng chỉ nói:
- Xét cho công bằng thì dù không có chùm rụm, ông làm vườn cũng vẫn cứ đến. Nghề nghiệp sinh nhai mà. Có chùm rụm thì có thể là ông đến cần mẫn hơn, và vậy là làm phiền các bạn. Cô nói đúng. Nó cứ vui tay cắt cái chùm lá này của bụi Dạ Lý hương, xén cái cành kia của cây Vạn Thọ. Có tiêu chuẩn nào đâu? Cái gọi là nghệ thuật đâu có ranh giới để gọi là tôn trọng hay vi phạm?
- "chùm rụm", cái tên đã quê mùa.
- Ðừng nói vậy. Chị ấy không tự chọn tên.
- Nhưng em tức lắm, chị ta chịu cong lưng uốn mình. Ông cai vườn thử uốn cây Hồng môn coi thử! Cô ấy gãy ngay. Thử uốn cong Thổ lan coi thử! Cô ấy gãy liền tay.
Giọng Bách Tùng điềm đạm:
- Ðúng. Hồng môn, Thổ lan không chịu để bàn tay người uốn đâu. Hai cô ấy thà chịu gãy.
Nhiều cây hoa khác cũng vậy. Cây Hoàng mai đó, muốn chặt về cắm lọ thì chặt, nhưng đừng hòng uốn cành theo hình Phụng, hình Long. Cây Cúc đó, cây Thược dược đó, cây Huệ đó, cây Cẩm chướng đó... biết bao nhiêu cây đều như vậy, hầu hết các cây đều như vậy.
- Ðó, anh đồng ý với em rồi đó. Em trách chị ta là phải.
- Thì cũng đáng trách. Cong lưng uốn mình, chìu theo ý thích của người ta thì đúng là không hay.
- Như em, động đến em là em đâm lủng tay.
Bách Tùng phì cười:
- Nhờ cô có gai. Hơi nhiều gai là khác. Gai đã bén mà còn quấu cong lại, mà còn bám chắc vào vỏ cây, có đời nào chịu gãy đâu?
- Ðâu phải vì nhờ có gai mà em được miễn sự khuất phục. Do nơi tinh thần đó chớ. Giả như thân em không gai đi nữa mà bắt em uốn cong, em cũng gãy liền, chết luôn, không cần.
Thoáng thấy giọng Tường Vi có chút bất bình, Bách Tùng cười xòa:
- Dĩ nhiên. Dĩ nhiên. Tôi không nói trái lại ý cô là Chùm rụm không đáng trách. Và cô không đáng quí trọng.
Buổi xế chủ nhật vắng vẻ. Cả nhà ông chủ về quê, khóa cổng. Ðường phố cũng vắng. Có một con Két ở đâu bất thần bay ngang qua vườn hoa. Nhìn thấy con Két đứng dưới đất, nó quay lại, hạ cách đậu xuống. Hỏi:
- Sao đứng đó? Mát trời mà không bay chơi đây đó?
- Tôi thèm bay lắm, thèm bay hơn anh mà bay không được. Tôi bị dính chặt dưới đất.
- Tội hình gì vậy?
- Tôi là cây. Cây Chùm rụm. Ðược mang hình két nhưng đâu sống được đời Két?
- Két nhìn lại kỹ, biết hết sự việc.
- Như vậy thì mang hình Két để được gì?
Tôi đâu muốn mang? Tôi cứ muốn được sống đời Chùm rụm. Không phải chùm rụm đứng ở trong chậu kiểng có đất thịt, có phân, có nước tưới... mà muốn sống ở xó núi như ngày xưa, vật lộn với nắng gió, len rễ giữa sỏi đá mà sống, sống khốn khổ, sống nghèo đói, nhưng mà được thong dong.
- Lời chị hợp với ý tôi. Chính tôi đây cũng vừa từ giã cái lồng đẹp có đầy chuối, ổi mà chủ nhà cung phụng, có bát nước mát để tắm vào buổi trưa. Có cột đoạn cây nhiêu mắc nhiều cảnh để tôi dùng mỏ bâu vào mà leo xuống leo lên tiêu khiến. Nói chung, đó là một cuộc sống vật chất đầy đủ.
Cây chùm rụm ngăn lại:
- Tôi biết anh sắp nói gì, để tôi nói thay anh coi có đúng không. Anh thèm khoảng rộng, muốn bay muốn nghỉ tùy ý, cho dẫu kiếm được chuối để ăn không phải dễ, và kỷ niệm những bữa nằm nhịn đói cũng làm anh ngại ngùng. Nhưng cuối cùng cái ý muốn thong dong tự tại nơi anh đã thắng.
Két gật đầu:
- Ðúng. Sao chị biết rõ vậy?
- Vì đó là những ý nghĩ, những ước mơ, những thèm muốn... tuyệt vọng của tôi.
- Tôi cứ tưởng là chị thích được đứng trong một cái chậu to tráng men sứ vẽ hình bát tiên quá hải này. Có đất pha phân đạm phân lân, phân u rê này.
Chùm rụm thou dài:
- Nhiều cây đứng cạnh cũng tưởng vậy và có cây còn nặng lời khinh khi. Nhưng tôi biết giãi bày thế nào? Lòng mình đâu phải trái chuối, trái cam để lột vỏ ra phơi bày cái ruột? Tôi còn thêm mang tiếng là đứa quê mùa xó núi may về được nơi đây.
Két gật gù:
- Lại còn thêm chị cong lưng uốn cổ nịnh theo bàn tay người mà khoe hình Phượng, hình Long.
- Anh mà cũng nỡ nghĩ rằng tôi hãnh diện khoe khoang sao? Này anh Két, trẹo lưng trặc cổ, thân thể bị cắt xẻo, đứt thịt nát da, nhưng than thở có ích gì? Mấy lần tôi quyết định tự hủy hoại: khi người ta cầm cành tôi uốn cong, tôi mượn đà tự bẻ cho cong thêm, cong nữa, cho gảy tiện đi. Những lão làm vườn tưởng tay nó vụng về, nó nắn lại và mình không gãy được.
Có tiếng còi ô tô bấm gọi trước cổng và tiếng người nhà cầm chìa khóa chạy ra. Két vội nói:
- Thôi, mình bay đây. Ở lại nghe!
- Chúc anh mạnh khỏe. Có dịp bay qua đồi núi Lò gốm thôn Ngân sơn xin nhắm lời dùm với mấy bụi chùm rụm nơi đó rằng tôi nhớ bà con, thèm về ở cạnh bà con. Nhưng biết làm sao? Mang hình dáng lố lăng này về, bà con sẽ nghĩ sao, liệu có chấp nhận tôi không?
Nói tới đó, nước mắt Chùm rụm tuôn lả chả. Vừa lúc đứa con ông chủ đi giày sào sạo lại gần và Két vỗ cánh bay lên, bay vút.
Bách Tùng nghe rõ đầu đuôi cuộc chuyện vãn. Bách Tùng ân hận có lần mình đã nghĩ không hay về cây chùm rụm. Dẫu chỉ nhẹ nhàng là "... không hay... cũng đáng trách..." Mình vốn cẩn trọng, bao dung mà sao mình nỡ có nhận xét nông nỗi bất công như vậy. Mình dẫu, quá biết "không nên nhìn bề ngoài để định giá trị", nhưng khi va vào thực tế mới thấy không dễ gì thực hiện. Mình vẫn bị cái đáng xấu xí của Chùm rụm ảnh hưởng. Dẫu không nhiều, thái độ im lặng bất chấp lời thị phi, nếu của cô Phong lan, bám nơi đọt cây cao thì mình sẽ tìm hiểu và giải thích một cách trân trọng. Còn đối với cô Chùm rụm, mình coi nhẹ không để ý. Bị xuyên tạc, bị chê bai, bị hiểu lầm mà không lên tiếng giãi bày, đính chính. Gặp tay dữ như Móc Ó, Móc Mèo thì sao tránh khỏi đôi co. đằng này Chùm rụm cho qua đi những nỗi bất bình. Âm thầm lắng chịu. Một phẩm cách cao hơn mình. Cao hơn mình...
Có tiếng Tường Vi:
- Anh có nghe chùm rụm nó ba hoa triết lý không?
Lần đầu tiên Bách Tùng nói đối:
- Không.
Bách Tùng muốn được yên lặng suy nghĩ tự xét, tự vấn. Không nỡ làm phật ý Tường Vi, vừa tránh bị quấy rầy. Bách tùng nói dối thêm:
- Lúc nãy tôi mệt nằm ngủ lơ mơ. Nên không có nghe. Cô nghỉ đi. Tôi cũng cần một chút yên tĩnh để nghỉ ngơi một lát.

--o0o--


20. Chìa Khóa Hạnh Phúc (^)

Lũ chuột này thật mất dạy. Chúng nó sục sạo cả đêm. Rượt nhau chạy có luồng trên đòn dông, trên đòn tay, cắn nhau chí chóe. Rồi lại rúc rích men theo mấy cây cột chạy xuống đất, chạy khắp các xó xỉnh. Ðố có để cho cụ Trâu được ngủ yên. Ðang lơ mơ chợp mắt thì có tiếng cắn nhau làm cụ giật mình. Chúng nó còn đuổi nhau chạy cả lên mình cụ nữa. Có đứa hốt hoảng cứ nhằm vào tai cụ mà rúc vào trốn, tưởng như đó là một cái hang. Thật bực bội. Cả ngày làm lụng cực nhọc chỉ mong đêm về nghỉ ngơi, vậy mà cứ bị mất ngủ liên miên. Làm cách nào đây?
Cụ Trâu suy nghĩ những đêm và những đêm. Âm thầm lý luận: lũ này đang sống đầy đủ, thỏa mãn, bằng lòng nên mới sinh những hiện tượng rửng mỡ như vậy. Bây giờ phải làm sao cho chúng mơ ước cảnh sống khác, làm xáo trộn tâm tư chúng, dằn vặt chúng thường xuyên.
Một buổi chạng vạng tối, cụ gọi bọn chuột lại gần. Nhập đề bằng một lời khen:
- Các cháu ngoan quá. Cháu nào đứng lên giới thiệu các bạn cho ông được làm quen?
- Dạ đây là anh chuột Vá. Gọi như vậy vì trên lưng anh có một tiếng vá màu trắng lợt.
Nhiều tiếng cười rúc rích:
- Anh này là anh Bốn ngón, hồi nhỏ anh bị một khúc gỗ rơi đè nát một ngón chân. Anh này là anh Cà lăm. Chị này là chị Ðương Nhiên, chị ưa dùng chữ "đương nhiên" trong khi nói chuyện. Anh này là anh Ngáo Ngổ, trên đời chẳng biết sợ cái gì anh này là anh Triết gia, ưa nói triết lý. Anh này là anh Hỏa tiễn, mõm dài và nhọn như cái hỏa tiễn. Chị này là chị Bông Bụt trắng, vì có lần chị chỉ cái hoa huệ trắng mà gọi là bông bụt...
Cụ Trâu đưa chân ngăn lại:
- Thôi, bấy nhiêu đó đủ rồi. Lần lần ông sẽ biết sau. Cháu nói một lát, ông lộn tùng phèo, quên ráo trọi.
Cả bọn cười rộ, thích thú vì cụ Trâu coi vậy mà vui tính.
- Bây giờ ông hỏi: các cháu ở đây có thích không?
Nhiều tiếng nói nổi lên rào rào.
- Thích lắm. Thích lắm ạ. Có nhiều món ăn ngon.
- Chiều qua mẹ cháu tha về một miếng thịt bò nướng thơm điếc mũi.
- Hồi trưa cháu lén ăn cắp được một miếng mỡ của bà chủ nhà. Bả lơ đễnh quên đậy.
- Còn cháu, cháu liếm cái lòng trắng gà ở ngoài chuồng gà. Thằng con bà chủ lượm trứng, nghe bạn kêu, lật đật làm rớt cái trứng xuống đất, để hai.
Cụ Trâu lại đưa chân ngăn:
- Thôi, bấy nhiêu đó tạm đủ. Ông biết là các cháu rất sung sướng, đầy đủ ở đây. Bây giờ ông hỏi: có cháu nào đã đi ra cánh đồng chưa?
Nhiều tiếng cùng hỏi:
- Cánh đồng là cái gì vậy ông?
- Ðó là một nơi có nhiều hoa nở. Không phải chỉ có hoa huệ và bông bụt. Có nhiều con bướm màu vàng, màu trắng, hoặc lốm đốm đỏ, nâu.
- Bướm là cái gì vậy ông? Nâu là cái gì vậy ông?
- Ờ, bướm là... là... Thôi, để ông kể cho hết đã. Chúng nó đẹp lắm, bay rập rình trên những đóa hoa. Có nhiều con chim đứng hót, hay hơn tiếng nhạc trong máy truyền hình của ông chủ. Có gió ban mai, có gió ban chiều thổi mát, đưa hương thơm của hoa, mát và thơm hơn gió mát nơi cái quạt máy trong phòng bà chủ.
- Trời ơi!
- Trời ơi! Thích quá!
Cụ Trâu làm bộ không để ý.
- Có những ruộng lúa mênh mông, lúa ngậm sữa, lúa chín vàng. Có những đồng bắp cũng mênh mông, bắp ngậm sữa, bắp non, bắp già. Lúa và bắp ngậm sữa thì vừa mềm, vừa ngọt, vừa thơm.
Có nhiều tiếng nuốt nước miếng. Một chú chuột không nén nổi. Cất tiếng hỏi:
- Ngon hơn lúa và bắp ở đây sao?
- Dĩ nhiên. Dĩ nhiên ngon gấp trăm lần. Chưa hết. Có những cây ổi rừng trái chín đầy cành, trái chín rụng xuống đầy đất.
Chuột Ngổ ngáo thúc vào hông chuột Vá:
- Nếu gặp tao...
Chuột Triết gia:
- Im! Ðể nghe ông nói.
Cụ Trâu đằng hắng:
- Nào phải chỉ có ổi? Có bụi sim chín...
Chuột Hỏa Tiễn:
- Chúng cháu chưa biết "sim" là gì.
- Cũng ngọt như ổi. Ngọt hơn. Có những bụi chà là chín từng chìm trái đen...
Chuột Bốn ngón:
- Chà là là cái gì vậy ông?
- Cũng ngon như sim. Vỏ mềm hơn. Hột to hơn. Còn nhiều món nữa. Nói không hết.
Mà đó mới là chuyện ăn. Còn chuyện "chơi" nữa mới chứa chớ. Tha hồ mà rượt chạy giữa cánh đồng thênh thang. Có ao, có hồ sen, có mương nước.
Nhiều cậu chuột nhúc nhích tỏ vẻ muốn hỏi. Trâu đưa cao chân trước, đập đập xuống, tỏ ý bảo im, nhẫn nại.
- Ðể ông nói hết. Khoái chí, chạy luôn lên núi gần đó. Núi! Núi! Trời ơi, cao chót vót! Ðứng ở đó nhìn xuống, thấy hết.
Chuột Cà Lăm không nhịn được, "cà" lên một cách nặng nhọc.
- thấy ... thấy... thấy cả cái ... cái... cái nhà mình đây?
- Ðã nói thấy hết mà còn hỏi. Rộng rãi, khoáng đãng chớ có đâu tù túng như ở đây?
Còn bạn bè thì vô số. Chim bay trên trời và đậu trên cành: quạ, sáo, chèo bẻo, chích chòe, bìm bịp, bói cá, bạc mả, ác là, tu hú, cưởng két, cú, công, cò, cuốc, cồng cộc, cu cườm...
Chuột Ðương Nhiên nói nhỏ với Chuột Vá:
- Nhiều quá hả? Ở đây mình chỉ quen có chim Sẻ.
- Ðâu đã hết? Còn thú rừng nữa: hươu, cáo, nhím, heo rừng, thỏ, beo, cọp... Dưới đồng thì có bờ, heo, dê, ngựa...
Chuột Bốn Ngón rụt rè hỏi:
- Có Trâu không, hở ông?
Câu hỏi bất ngờ làm Trâu bật cười, cười sằng sặc.
- Hẳn nhiên là có. Nếu không thì làm sao mà ông biết?
Sau phần giới thiệu, Trâu trả lời những câu hỏi của bầy chuột. Giảng thế nào là rừng, thế nào là ao bèo, thế nào là bãi cát, thế nào là con suối... thế nào là cày ruộng, là chặt củi, là chèo ghe... vân vân... thật không phải dễ. Trâu không hùng biện, số vốn tư ø ngữ không giàu, đã vậy còn phải tùy theo cái hiểu biết quá hẹp của lũ chuột. Dù vậy, khi chia tay, Trâu cũng ngạc nhiên thấy mình không đến nỗi kém thông minh như mình hằng đinh ninh. Và sau bốn, năm ngày thì, dù bản chất khiêm tốn đến mức tự ti, Trâu cũng phải tự khen là mình quả thông minh thật. Vì kế sách của mình có kết quả hoàn mỹ.
Những con chuột không còn hào hứng đùa giỡn nữa. Chúng trở nên trầm lặng suy tư. Cả con chuột mang danh Ngáo Ngổ. Chúng đi lại nhẹ nhàng, ăn uống khoan thai. Con Triết Gia thì còn đi quá trớn, nó gần như thẫn thờ quên ăn, khiến Chuột mẹ cứ băn khoăn lo lắng:
- Sao vậy con? Bệnh hả?
Triết Gia lắc đầu.
- Hay là mày tương tư con nhỏ nào?
Triết Gia đồ khùng:
- Bà này!
Con Bông Bụt Trắng và con Bốn Ngón thường rủ nhau lên tận hồ nước, nhìn ra xa rồi thủ thỉ tâm sự. Bông Bụt Trắng:
- Kia chắc là núi.
- Bốn Ngón:
- Không phải đâu. Ông Trâu nói trên núi có cây mà. Mình thấy phía đó không có cây.
- Nhưng mà có chim bay kia kìa. Ông Trâu nói trên núi có chim bay.
- Ồ, vậy là núi rồi.
Thực tế thì không phải núi, mà chỉ là một đàn cò bay ngang qua một đám mây màu xám đậm.
- Mình thích được ở nơi một cánh đồng, - Bông Bụt mơ màng nói.
- Mình cũng vậy. Mình thích ăn những trái sim và trái thà là.
Chuột Ðương Nhiên thì cứ cau có hục hặc mỗi khi chui ra chui vô cái hang:
- Chật quá. Xoay qua cạ đuôi, chồm lên cụng đầu. Tối đen như hũ nút.
Chuột cha tức:
- Nó chật hồi giời. Mới biết đây à? Chịu chật không được thì kiếm chỗ khác rộng mà ở.
- Lẽ đương nhiên là như vậy.
- Tao vác cái hột mãng cầu tao ném một cái, chết cha mày. Học thói hỗn ở đâu đem về đó?
Chuột vợ vội can:
- Thôi đi ông. Con nó dại.
Trâu nằm lắng nghe, bấm bụng mà cười. Vậy là lũ chuộc nghịch ngơm, xông xáo, ồn ào... bây giờ chuyển sang im lặng, ưu tư, cáu kỉnh, bực dọc. Ðể yên cho cụ ngủ, nghỉ, thoải mái.
Từ sự thành công bất ngờ đó. Trâu muốn đem thí nghiệm thử nơi lũ chuột đồng. Lũ này cũng phá phách kinh khủng, đã ăn hột lúa lại còn ngứa răng...
Còn ngứa cắn choi những giẻ lúa mới làm đòng, những bụi lúa còn ở mã con gái. Lại còn đùa giỡn rượt nhau chạy, thách nhau nhảy cao nhảy xa, bày trò chơi đủ loại... khiến ruộng lúa rối tung góc này, bị cắn nát góc kia. Thu hoạch sút kém, khẩu phần của Trâu bị giảm đi. Nay thí nghiệm mà thành công thì... (Trâu bí, không biết dùng chữ gì ở đây để diễn ý cho hay).
Một buổi trưa cày xong, Trâu nằm nghỉ ở góc bờ ruộng dưới bóng một cây mù u. Thấy đó đây im lặng, mấy con chuột thập thò nơi cửa hang. Trâu cất lời:
- Ra đây chơi các bạn nhỏ! Mình là bà con với nhau mà. Thấy không? Thân mình cũng màu đen mốc như mấy bạn. Bữa nào mình thuê ai cưa phăng cặp sừng là mình giống y các bạn.
Chuột Còi bò lại gần:
- Ông to như hòn núi mà giống Chuột.
Trâu cười, chỉ một chú Chuột Phệ đang mon men bò tới:
- Hồi nhỏ mình cũng mập như bạn kia thôi. Càng lớn mình càng to, cuối cùng to như thế này. Ôm còi như bạn, chắc bị cam tích đấy.
Nghe giọng vvui vẻ hòa nhã của Trâu, nhiều chuột khác tụ hội bao quanh.
Một chuột bé lắc nhắc hỏi:
- Sao cháu chỉ thấy ông ở đây ban ngày? Còn buổi tối ông ở đâu?
- Buổi tối mình về chuồng ở dưới xóm.
Một chú chuột Thọt Chân:
- Chuồng là gì, ông?
- Nó là một cái nhà..., không là một cái gì gì... mà nằm trong đó khỏi bị mưa ướt. Một cô chuột xinh xắn tròn xoe mắt.
- Khỏi bị mưa ướt! Sung sướng quá! Ổ của cháu cứ bị mưa xối xuống ào ào. Lạnh run.
- Mình biết. Ðến mùa lụt nước tràn mênh mông thì còn bị đe dọa chết đuối. Chớ ở chỗ mình thì cho lụt thả cửa, chuồng mình ở trên cao.
Chuột Còm:
- Mà ở chỗ ông có chuột như cháu không?
Trâu cười ngon lành:
- À quên, quên hỏi. Chỗ mình ở cũng có chuột như ở đây. Có điều sung sướng hơn. Khỏi bị mưa, khỏi bị nước lụt.
Ngửng con mắt mơ màng, Chuột Phệ rụt rè hỏi:
- Chuột ở... đó có lúa để ăn không?
Trâu lại cười ngất:
- Trời ơi, lúa mà sá gì? Chúng nó ăn thịt nướng, mỡ heo, pa tê, xúc xích, bánh ngọt, bánh kem, trái nho, trái táo.
- Mấy món đó... ngon lắm hả?
- Khỏi phải nói. Ăn một miếng rồi chết, cũng ăn.
Những con mắt nhìn xuống đất.
- Chưa hết. Tối tối nằm ở kẹt trần nhà, dòm xuống coi truyền hình. À, cái "truyền hình" thì mình chịu không biết giảng sao cho các bạn hiểu. Nó đẹp quá sức, hay quá cỡ. Có nhạc độc tấu, hòa tấu, đơn ca, đồng ca...
Bầy chuột cắn môi suy nghĩ.
Vừa lúc đó ông nhà nông đi lại, ra lệnh bằng máy tiếng "nha... nha.." ngụ ý: dậy đi! Lo cày buổi chiều. Bầy chuột nhanh nhẹn rút vào ổ.
Những hôm sau, các cô cậu chuột cứ đợi cụ. Trâu lại nằm nghỉ là lân la hỏi chuyện. Toàn những chuyện sung sướng ở cái nơi thần tiên mà lát chiều Trâu sẽ về. Có hôm Chuột còi hỏi:
- Ở cái nơi của ông chắc không có chuột nào còi như cháu.
Trâu gật đầu, vẽ ân cần thương xót.
- Ðúng vậy, ăn sang thì chỉ sợ mập chớ không còi nổi.
Có hôm Chuột Phệ hỏi:
- Nơi lũ nó có trái sim và chà là không ông?
- Vô khối. Nhưng lũ nó đâu có thèm ăn. Ðã nói lũ nó ăn toàn táo toàn nho.
Có hôm cô Chuột nhỏ xinh xắn hỏi:
- Tối tối lũ nó có ra, ngồi hóng mát không ông?
Trâu ngắt lời:
- Luôn luôn mát có sẵn ở cái quạt máy thì việc gì mà phải hóng? Còn các bạn mê hóng mát, coi chừng có bữa Cú Mèo nó bay qua nó xớt.
Cô Chuột nhỏ le lưỡi.
Ngày qua ngày, nọc độc ngấm ngầm cắn rỉa tâm hồn của lũ chuột. Một hôm nằm nghỉ, trâu nghe văng vẳng ở một cái hang gần đó:
- Sao mày không ăn? Miếng ổi thơm lừng.
- Cứ ăn ổi hoài! Mẹ không kiếm cho con một miếng thịt nướng.
- Thịt nướng là cái gì? Ở đâu? Mẹ đâu hề biết "trái thịt nướng".
Trâu cười sằng sặc.
Một buổi chiều mát trời. Trâu gọi thằng Trâu Nghé lại gần, chầm chậm nói:
- Này con, muốn có hạnh phúc ở đời, phải biết hạn chế ham muốn, khi không có cái mình thích, hãy thích cái mình có.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]