Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chuyện 11 - Chuyện 20

13/05/201313:03(Xem: 12504)
Chuyện 11 - Chuyện 20

Chuyện Bách Dụ

Chuyện 11 - Chuyện 20

Thích Nữ Viên Thắng

Nguồn: Pháp Sư Thánh Pháp. Thích Nữ Viên Thắng dịch

Chuyện 11
Quạt mật cho mau nguội

Lời dẫn: Bậc Cổ đức nói: "Dùng đức để chinh phục người giàu, dùng lực để bắt người chạy trốn". Thế gian này, phần đông đều dùng lực để kiềm chế sức mạnh, dùng tranh chấp ngăn chặn tranh chấp. Cho nên xưa nay, lịch sử ghi lại chiến tranh xảy ra không dứt. Mỗi ngày trong xã hội đều xảy ra việc đấu tranh đúng sai. Chúng ta lấy chum bể chứa đầy nước, muốn nước đừng chảy là việc không thể được. Ban đêm ra ngoài phơi nắng, muốn được nắng ấm là kẻ ngu ngốc. "Con người là tối linh trong muôn vật". Nhưng họ cũng thường làm những việc ngu xuẩn.
Thuở xưa có một người nuôi ong. Một hôm, hắn suy nghĩ: "Ta nhờ nuôi ong bán mật nên kiếm tiền lời nhưng không được nhiều, ta phải nghĩ cách pha chế để mật có giá trị hơn, sản xuất nhiều thực phẩm để bán thì mới có thể kiếm được nhiều tiền, phát triển công việc kinh doanh của ta". Do đó, ban đầu hắn đem mật ra nấu, muốn nấu keo lại thành mật đường, rồi chế tạo nhiều thực phẩm hấp dẫn. Lúc hắn đang làm thì có khách đến thăm. Hắn bảo:
- Xin anh đợi một tí! Tôi đang sắc mật ong, sắc xong anh hãy nếm thử thành phẩm của tôi ngon tuyệt vời.
Vì mật đang sôi, hắn muốn làm cho mật mau nguội để đãi khách, nên hắn giở nắp nồi và lấy quạt ra sức quạt. Nhưng hắn cố sức quạt lấy quạt để mồ hôi ướt dầm dề mà mật trong nồi vẫn sôi ùng ục. Hắn càng sốt ruột ra sức quạt mạnh hơn, nhưng mật trong nồi chẳng nguội chút nào. Người khách nhìn thấy liền nói:
- Anh đừng sốt ruột, hãy quạt từ từ.
Vị khách đi xuống nhà bếp nhìn kĩ, té ra lửa dưới nồi vẫn bốc cháy hừng hực thì mật trong nồi làm sao nguội được? Cho nên khách hỏi chủ nhà:
- Anh muốn mật mau nguội phải không?
Hắn đáp:
- Đúng vậy! Nhưng bất luận tôi quạt như thế nào, mật cũng không nguội được, phải làm cách nào?
- Anh chỉ ra sức quạt trên nồi mà không chú ý lửa đang cháy dưới nồi; cho nên mật không nguội được.
- A, đúng rồi! Hóa ra dưới đáy nồi củi còn cháy. Tại sao tôi không nghĩ ra nhỉ?
Thế là, cả hai cùng cười vang.

Câu chuyện đạo lý

Chuyện này chứng minh có những kẻ ngoại đạo không y theo Phật pháp tinh tiến tu hành mà chỉ lén trộm cắp danh từ Phật học đem sửa lại, muốn lập một tôn giáo khác; hoặc làm theo nghi thức của Phật giáo để tu hành, nhưng trong tâm đầy ắp danh lợi, làm những việc trái với Phật pháp.
Tu hành học Phật và hoằng pháp lợi sinh chính là công việc của người xuất gia. Nếu như chúng ta không chuyên tâm nghiên cứu Phật pháp và nỗ lực tu hành thì không thể nào làm được; hoặc không có chính tri, chính kiến thì dễ lạc vào tà đạo. Cảnh năm dục ở thế gian đầy cám dỗ, dễ lôi cuốn như thế, nên chúng ta cần có nội lực. Thời đại mạt pháp, bọn tà sư ngoại đạo thuyết pháp rất đông. Nếu chúng ta không có chính kiến thì bị chúng lôi kéo; hoặc không tinh tiến tu tập định lực trí huệ thì không thể khắc phục được cám dỗ năm dục, danh lợi, giống như mật ong đang sôi mà ra sức quạt thì không thể tiêu diệt lửa phiền não đang bốc cháy.
Con người từ vô thỉ kiếp đến nay đã tích chứa nghiệp, cho nên trong thân đầy ắp năm dục và phiền não. Nếu chúng ta không tu giới, định, huệ thì không cách gì dập tắt được lửa dữ phiền não. Bất kì, chúng ta muốn độ mình hay độ người thì trước tiên phải dập tắt dục vọng của mình.
Nếu như chúng ta còn tâm danh lợi mà làm việc thì tất nhiên lấy việc lợi mình là trên hết, làm việc như thế thì tà nhiều chính ít. Thông thường người thế gian qua lại với nhau đều muốn lợi dụng nhau, có lợi cho mình thì mới chịu làm việc. Còn trong tôn giáo, nhiệm vụ của họ là "thay trời hành đạo", hoặc "hoằng pháp lợi sinh", nên không có tâm mong cầu. Ngược lại thì giống như quạt cho mật mau nguội, phiền não của chúng ta càng sinh khởi mạnh.
Quạt mật cho mau nguội chỉ là một thí dụ mà thôi, chúng tôi nghĩ người thế gian không có ai ngu xuẩn như thế. Nhưng kẻ ngoại đạo học Phật pháp chỉ biểu hiện bên ngoài, còn trong tâm không tha thiết cầu học. Có người hoằng pháp không có chính tri chính kiến, tâm còn ham muốn, phiền não mà muốn độ người thì giống như câu chuyện quạt mật cho mau nguội.

Chuyện 12
Nghe lỗi liền nổi giận

Lời dẫn: Con người đều có tâm tự tôn, cũng là sinh vật rất sĩ diện. Cho dù là kẻ ngu si đần độn, cũng không chịu người khác nói khuyết điểm của mình. Đặc biệt là người chuộng sĩ diện làm việc hiếu thắng, họ chỉ biết men say thành công chứ không chấp nhận nếm mùi thất bại và sỉ nhục. Nhưng ở thế gian này, mười việc không vừa ý thì có đến tám, chín việc; vả lại, tất cả việc thành công đều phải nếm trải mùi thất bại. Người nặng tâm tự tôn thì không chịu nổi sự phê bình dễ sinh phiền não, nản chí không chịu cầu tiến; hoặc tự hủy hoại mình; đây là việc rất nguy hiểm. Chúng ta phải biết có được sự nghiệp huy hoàng ở thế gian thì phải chịu phê bình, nếm mùi thất bại mới đạt được.
Thuở xưa ở một vùng nông thôn, ban đêm mọi người thường tụ họp lại rất đông để tán gẫu, luận bàn việc đời, cả chuyện trên trời dưới đất. Một hôm, họ bàn chuyện anh A. Anh B nói:
- Anh A có đức hạnh rất tốt, cũng là người nhân từ; nhưng đáng tiếc có một chút tính xấu.
Mọi người tranh nhau hỏi:
- Xấu điểm gì?
Con người thật là kì lạ, thích nghe chuyện thị phi của người khác. Anh B đáp:
- Anh A tuy là người tốt, nhưng tính tình nóng nảy một chút, làm việc hay hấp tấp.
Ngay lúc đó, anh A đi ngang qua, nghe anh B phê bình mình, liền nổi giận đùng đùng nói:
- Tao nóng nảy khi nào?
Hắn tát ngay anh B. Người bên cạnh bảo:
- Tại sao anh đánh người ta như thế?
Hắn nói:
- Tại sao tao không đánh? Nó dám nói tao tính tình nóng nảy, làm việc hấp tấp. Tao nóng nảy, làm việc hấp tấp khi nào? Các anh nói thử xem?
Mọi người nói:
- Chẳng phải anh đang nóng nảy đó sao, hành động đánh người không phải thô lỗ là gì?
Hắn nghe mọi người nói bị đuối lý, ngượng ngùng vội chuồn lẹ.
Bài học đạo lý
Mỗi người chúng ta đều có ưu điểm và khuyết điểm, nếu chúng ta biết phát huy ưu điểm của mình, sửa bỏ khuyết điểm là người thành công. Còn chúng ta sợ người phê bình, lại không chịu sửa đổi thì ưu điểm cũng do đây mà bị mai một. Vì thế, ngày xưa bậc Thánh thường dạy: "Nghe lỗi liền vui". Nghĩa là chúng ta khiêm tốn tiếp nhận nghe người khác phê bình, cũng là người thành công. Người học Phật tu hành lại càng khiêm tốn, cầu người chỉ dạy, tiếp nhận người khác phê bình thì mới có thể thường xuyên sửa đổi. Nếu người không chịu nghe người khác phê bình, khi nghe họ nói lỗi của mình liền buồn giận; hoặc muốn tranh cãi đến cùng, thậm chí còn thượng cẳng tay, hạ cẳng chân. Người như vậy, chẳng những làm trở ngại tương lai tốt đẹp mà còn xảy ra chuyện tranh cãi thị phi đều do đây mà ra.
Bậc Cổ đức dạy: "Người đời ai mà không lỗi, người biết sửa sai là bậc thánh". Đức Phật dạy: "Từ vô thỉ đến nay, chúng sinh ngụp lặn trong sáu đường luân hồi; người làm nhiều việc thiện thì trong tâm có nhiều tính thiện. Kẻ làm nhiều việc ác thì trong tâm cũng chứa nhiều tính ác". Tính thiện nhiều là người tốt; tính ác nhiều là người xấu; chỉ cần chúng ta chịu sửa đổi tính ác để phát huy tính thiện của mình thì mọi người đều có thể thành Thánh hiền. Chúng tôi nói cách khác: "Nếu người không chịu sửa đổi ác là để tính ác ngày càng tăng trưởng thì chẳng những là người ác mà tương lai nhất định đọa vào địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh".
Thế gian có rất nhiều người thích uống rượu, cờ bạc, mê gái đẹp, ăn chơi trác táng mà không chịu làm ăn; hoặc có người chơi bời lêu lỏng, làm ăn bất chính, làm những việc hại người lợi mình. Nếu có người thiện ý khuyên nhắc, chẳng những họ không chịu nghe lời mà còn tức giận oán hận người tốt. Có người ưa tranh cãi vô lý; cho nên, làm người tốt rất ít. Nếu mọi người cùng đồng lõa theo thói xấu với họ, hoặc kết bạn cùng chơi thì bạn xấu càng nhiều.
Trước đây, chúng tôi nghe nói tự viện ở Trung Quốc, người xuất gia ở từ năm, sáu trăm người, hoặc trên một nghìn người; cho nên quy củ và giới luật rất nghiêm túc. Hiện nay chùa ở Đài Loan mỗi chùa ở mười mấy người, hoặc năm, sáu người. Bởi vì, chùa nhiều người ít, quy củ cũng hơi dễ dàng; cho nên bạn nói họ quá lời năm, sáu câu thì họ bỏ đi. Họ cũng chọn địa phương ở đây, không có người quản lý họ thì họ mới chịu ở. Quy củ như thế, làm sao nghiêm túc được? Tất nhiên đạo nghiệp tu hành như vậy thì nhất định sống buông lung, muốn cầu thoát khỏi sinh tử thật là khó.

Chuyện 13
Giết con cầu danh

Lời dẫn: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín là đức hạnh tốt của người Trung Quốc. Giả dối, lừa đảo là điều xấu xa trong nhân loại. Đức hạnh tốt và điều xấu xa là đối lập nhau cũng trở thành chứng cớ rõ ràng. Nếu không có mặt xấu thì không hiển lộ được mặt tốt. Văn hóa nhân loại tiến bộ, trí thức của con người cũng hiểu rộng thì dường như lừa dối, xảo trá cũng đi đối với nhau, bộ mặt xấu xa được trang điểm rất xinh đẹp. Làm người, ai cũng muốn có đức hạnh tốt thật sự phải không? Nhưng khi họ làm không được thì giở trò gian xảo, lừa dối để che đậy, làm cho vẻ đẹp của nhân sinh bị bóng tối tội ác bao trùm.
Xưa kia ở Ấn Độ có một bà-la-môn. Thường ngày, hắn rất chuộng sĩ diện, lại thích danh lợi, nhưng làm việc bất chính, thường dùng thủ đoạn lừa đảo để được chút danh lợi nhỏ. Trải qua thời gian, mọi người biết việc làm của hắn; do đó, hắn không thể tiếp tục sống ở địa phương mình, nên dắt vợ con đi xa đến làng khác. Sống nơi đất lạ quê người, vì lo cơm áo, gạo tiền mà hắn đành phải hành nghề coi bói ở trên đường phố. Hắn tùy tiện viết bản quảng cáo: "Nơi đây xem thiên văn, thông cả địa lý, tiên đoán họa phúc của người và biết nhân quả ba đời". Nhưng hắn làm ăn vẫn thất bại.
Một hôm, hắn nghĩ ra diệu kế nói với mọi người: "Tôi biết được quá khứ và tương lai, nếu mọi người không tin thì chúng ta có thể làm thí nghiệm; tôi đoán biết thằng bé con tôi, bảy ngày sau sẽ chết. Xin các vị bảy ngày nữa hãy đến chứng minh lời nói của tôi là sự thật".
Đến ngày thứ bảy, vì để chứng minh lời tiên đoán của mình, hắn giết chết đứa bé nên được mọi người tin tưởng. Từ đó, mọi người tranh nhau kéo đến nhờ hắn coi bói, xem nhân quả. Nhà của hắn lúc nào cũng ồn ào, hắn thu được một ít đáp lễ của mọi người. Nhưng chẳng bao lâu, ai ai cũng biết lời hắn nói không có linh nghiệm. Hắn lại không thể tiếp tục sống ở đây, nên lưu lạc phương khác.

Bài học đạo lý

Con người có tâm hiếu kì, lại mắc chứng bệnh chung ham của rẻ. Cho nên, họ vì chút lợi mà thường hi sinh tương lai tốt đẹp; hoặc tự đánh mất nhân cách của mình. Nếu người không có chính tri chính kiến; hoặc người tu hành cho qua ngày thì khó thoát được hai cửa danh lợi này. Như những người hành nghề đồng bóng; có người lợi dụng coi bói, xem nhân quả để lôi cuốn mọi người; có người lợi dụng uy danh của thần để lừa gạt tiền của, gái đẹp; có người lợi dụng một chút thần thông của quỷ thần mà trục lợi; có người học chút pháp thuật để mê hoặc người lấy tiền; có người dụng công tu hành chút ít, lại đi khoe khoang tôi đắc thần thông, giải đáp tất cả vấn đề, tự nêu cao tên tuổi mình làm việc cứu đời; kì thật là vì danh lợi cá nhân.
Câu chuyện giết con cầu danh chỉ là một thí dụ, loài người không đến nỗi ngu ngốc như thế. Nhưng chúng ta tìm hiểu kĩ có rất nhiều người giống gã ngu này. Như có người vì vợ con mà bất hiếu với cha mẹ. Có người vì cầu danh lợi mà phản bội thầy. Có người vì chút địa vị hư danh mà bán nước bán dân. Có người vì được vài đồng tiền mà tranh cãi đỏ mặt tía tai. Những kẻ đó, đều là hạ thấp nhân cách, đánh mất đạo đức, hủy diệt tương lai, chỉ cầu chút ích lợi trước mắt mà thôi. Họ khác gì kẻ ngốc?
"Trời có đức hiếu sinh, người có lòng trắc ẩn". Nếu chúng ta làm trái lòng trắc ẩn là đánh mất nhân cách; huống gì, vì một chút lợi nhỏ mà hủy diệt tương lai của mình. Cho nên, trung hiếu, nhân nghĩa là căn bản làm người xử thế, không làm được nhân nghĩa thì cũng phải giữ bản vị nhân tính, mới không đánh mất tối linh trong muôn vật. Bằng không thì một khi mất thân người muôn kiếp khó được lại. Thật là oan uổng!

Chuyện 14
Giết người dẫn đường tế thần

Lời dẫn: Tất cả học vấn, trí thức, tài nghệ ở thế gian đều phải nhờ thầy chỉ dạy; mỗi người đều có chuyên môn và tri thức của mình. Chúng ta muốn học một về nghiên cứu giảng dạy, hay học nghề nào để mưu sinh cũng phải theo thầy chỉ dạy. Cho nên, đối với thầy- bậc tiên tri tiên giác, chúng ta phải hết lòng tôn trọng và cung kính, mới có thể đạt được lợi ích, cũng là phù hợp nguyên tắc căn bản làm người. Bằng không, chúng ta tự hủy hoại nhân cách và tương lai của mình.
Ngày xưa có mấy vị thương buôn thân nhau muốn ra biển tìm châu báu. Thời đó, chưa có la bàn và đài thiên văn dự báo thời tiết như ngày nay, chỉ dựa vào người có kinh nghiệm để dẫn đường- gọi là người dẫn đường đi biển. Vì người dẫn đường mới có thể biết được phương hướng trên biển và thời tiết thay đổi. Nhóm người thương buôn này muốn ra biển thì phải mời một người dẫn đường. Vì thế, họ đi các nơi dò la, thăm hỏi, thật khó khăn lắm họ mới tìm được người dẫn đường, họ đem vàng đến biếu trước để mời người này. Mọi người chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cần dùng, chọn ngày tốt cúng bái thần thánh rồi khởi hành ra biển.
Trải qua mấy ngày, thuyền chạy trên biển, sóng lặng gió êm rất thuận lợi. Bỗng một hôm, trên biển nổi sóng gió, tiếp đến sấm chớp mưa to gió lớn nổi lên, liên tục suốt mấy ngày, đoàn người sống trong sợ hãi. Trước tình thế cấp bách, chợt có người nhớ lại nói: "Chúng ta đi biển phải cúng tế thần biển mới được sóng lặng gió êm". Nhưng tế thần phải có sinh mạng động vật làm vật cúng tế, vì mọi người trong đoàn đều là người thân, chỉ có người dẫn đường là người ngoài; kết quả, mọi người bàn luận, chỉ có hi sinh người dẫn đường giết anh ta làm vật tế lễ. Đoàn người chí thành cầu nguyện thần biển, cầu xin thần gia hộ biển lặng, tìm được châu báu yên ổn trở về nhà.
Đúng ngày hôm sau, thời tiết thay đổi tốt. Nhưng biển cả mênh mông, họ không biết đi về hướng nào mới tìm được châu báu; ngay cả hướng trở về nhà họ cũng không cách gì nhận định được. Do đó, họ cứ lênh đênh trôi dạt trên biển cả, dần dần lương thực mang theo đã hết cạn, mọi người vừa đói vừa khát; cuối cùng, cả đoàn người đều chết hết trong biển.

Bài học đạo lý

Người đi đường vào ban đêm cần phải có đèn; ra ngoài lúc trời mưa phải có dù và áo mưa. Con người sống ở thế gian phải có cha mẹ, thầy tổ, thiện tri thức, nuôi dưỡng và chỉ dạy; lẽ nào chúng ta vong ân phụ nghĩa. Tục ngữ có câu: "Học Phật một năm, hai năm Phật ngay trước mắt; ba năm, bốn năm không Phật đã đi xa". Người không nghe Phật pháp thì không có trí huệ. Người không tinh tiến tu hành thì không có định lực, không thể đoạn trừ phiền não. Người mới tin Phật cho rằng việc gì cũng có Đức Phật gia hộ; vì thế, họ rất cung kính, cúng dường Tam bảo. Nhưng dần dần lâu ngày họ sinh ra lười biếng, gặp nghịch cảnh thì trách Phật không gia hộ; cho nên, họ khinh thầy, xem thường Phật, hoặc phá giới, lòng tin đạo trước đây cũng không còn.
Có người chỉ cầu Phật gia hộ mà không chịu gần thiện tri thức, không nghe Phật pháp nên lòng tin không kiên cố. Có người không có chính tri chính kiến, chỉ hiếu kì cầu cảm ứng. Bởi vì, thời đại mạt pháp, tà sư, ngoại đạo thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng; cho nên, mọi người bị ngoại đạo dụ dỗ, mê hoặc đi vào đường tà. Khác nào như người đi biển mà chẳng có người dẫn đường?
Thế gian có rất nhiều người muốn học Phật, muốn vào biển cả Phật pháp tìm châu báu. Khi họ mới đến đạo Phật rất nỗ lực tu tập, nghiên cứu Phật pháp; lại nghiêm trì giới luật. Trải qua thời gian, họ sinh lười biếng, lại còn làm ác, phá giới mà chẳng lo sợ. Điều này khác gì giết người dẫn đường đi biển? Người học Phật lấy giới làm thầy, phá giới là mất đi căn bản học Phật mà muốn thoát khỏi biển khổ sinh tử là điều vô lý.

Chuyện 15
Muốn nhanh việc không thành

Lời dẫn: Pháp sư Huyền Trang ở đời Đường đi Ấn Độ thỉnh kinh, phải mất thời gian hai, ba năm mới đến. Ngày nay, chúng ta ngồi máy bay khoảng sáu tiếng thì đến. Ngày xưa, làm việc gì cũng phải dựa vào sức người. Ngày nay, mọi việc đều dựa vào máy móc hiện đại, khoa học tiến bộ, quả thật mang đến cho nhân loại hạnh phúc rất nhiều. Con người sinh ra có thể bằng thụ tinh nhân tạo, cũng có thể hạn chế được kế hoạch sinh đẻ. Y dược có thể chữa trị được nhiều chứng bệnh nan y, bác sĩ dùng phương pháp phẫu thuật thay tim, ghép thận; hoặc chữa bệnh bằng cách máy móc tối tân hiện đại, kéo dài mạng sống con người. Nhưng không thể làm cho con người vừa sinh ra lớn ngay lập tức.
Xưa kia ở Ấn Độ có một vị vua, vì lớn tuổi mới sinh được một cô công chúa nên nhà vua muốn cô lớn nhanh lập tức. Nhà vua liền triệu tập tất cả đại thần văn, võ vào để thảo luận, trình bày ý kiến của mỗi người. Nhà vua thấy không có phương pháp nào làm cho công chúa lớn nhanh được. Vị quan võ thưa:
- Tâu bệ hạ! Nếu quốc gia bị giặc xâm chiếm thì chúng thần có thể hi sinh thân mình để đánh dẹp quân địch; cho dù quân địch có thiên binh vạn mã, chúng thần cũng không lùi bước, nhưng việc bệ hạ muốn làm cho công chúa lớn ngay thì chúng thần đành bất lực, xin bệ hạ thứ tội.
Vị quan văn thưa:
- Tâu bệ hạ! Bất kì việc lớn nhỏ của quốc gia, chúng thần đều có thể vận dụng trí tuệ, mưu lược xử lý, giải quyết mọi vấn đề; còn về việc công chúa, xin lỗi chúng thần không am hiểu việc này.
Vị thần khác thưa:
- Tâu bệ hạ! Ngài muốn làm công chúa lớn nhanh chóng, đây là vấn đề sinh lý y học can thiệp. Vì sao bệ hạ không mời một vị thầy thuốc tài giỏi đến luận bàn thử.
Do đó, nhà vua liền cử người đi mời tất cả thầy thuốc nổi tiếng trong nước đến. Vua hỏi:
- Các khanh giỏi về y dược, không biết có loại thuốc nào làm cho công chúa lớn ngay lập tức không?
Các thầy thuốc nghe nhà vua nói muốn làm cho công chúa lớn ngay, nên vô cùng kinh hãi, liền nghĩ: "Vua muốn làm cho cô bé lớn ngay, khắp thiên hạ làm gì có việc này, nhưng nếu chúng ta nghĩ không ra biện pháp thì nhà vua nổi giận, bay đầu như chơi còn cả nhà phải làm thế nào?". Trong lúc nguy cấp, có một thầy thuốc chợt nghĩ ra kế liền thưa:
- Tâu bệ hạ! Nếu ngài muốn công chúa lớn ngay, quả thực có linh dược này, nhưng rất khó tìm, có thể nói nghìn năm mới thấy gặp được thuốc hay; nó lại mọc trong núi thẳm hang cùng, nơi không có người đi đến, cũng phải đợi đến thời kì nó chín mới có thể hái được; cho nên cần phải có thời gian rất lâu để đi tìm. Thần không biết bệ hạ có kiên nhẫn đợi được không?
Nhà vua bảo:
- Chỉ cần khanh làm cho công chúa lớn ngay lập tức, bất luận thời gian bao lâu trẫm vẫn đợi được; nhưng phải có kì hạn là chờ bao lâu?
- Tâu bệ hạ! Lâu nhất là 15 năm, sớm nhất là 10 năm; nhưng trước khi thần chưa tìm được linh dược, tạm thời bệ hạ cho thần bế công chúa đi. Bởi vì, khi tìm được linh dược phải bào chế thuốc ngay và uống liền tại chỗ mới có hiệu quả, nếu để lâu thuốc không có linh nghiệm; cho nên thần muốn bế công chúa đi.
- Rất tốt! Cách này hay lắm!
Từ ngày công chúa bị thầy thuốc bồng đi không còn ở trong cung, dần dần nhà vua cũng quên lãng việc này, thấm thoát đã 12 năm trôi qua. Một hôm, thầy thuốc này đem công chúa trở vào cung, nhà vua nghe tin vui mừng khôn xiết, lập tức cho họ vào. Vua thấy công chúa đã trở thành thiếu nữ, xinh đẹp tuyệt trần, càng hớn hở vui mừng ban cho thầy thuốc rất nhiều vàng bạc châu báu.

Bài học đạo lý

Chúng ta học Phật, trước tiên phải quy y Tam bảo, gần gũi thiện tri thức, tu lục độ vạn hạnh, tích lũy công đức và tu tâm tính, bồi dưỡng dần dần mới được thành tựu. Có người dám ngụy xưng trời ban chân đạo. Họ có bí quyết gì làm cho mau đắc đạo, thật giống như nhà vua trong câu chuyện, đứa bé vừa sinh mà muốn lớn ngay lập tức, giống như trẻ con làm trò cười.
Đức Phật là bậc Chánh Tri Chánh Giác Vô Thượng đầy đủ từ bi, trí huệ, phúc đức và thần thông vô lượng. Ngài tu hành tích lũy nhiều đời nhiều kiếp. Trong đạo Phật tuy có pháp môn đốn ngộ, nhưng cũng phải dựa vào một nửa nỗ lục tu hành, một nửa căn lành, trí huệ sắc nhạy bén đời trước, mới có khả năng đốn ngộ. Sau khi đốn ngộ, cũng phải tiệm tu, tích lũy công đức, mới có thể thành Phật. Thế gian này không có chuyện một bước lên trời.

Chuyện 16
Lấy nước mía tưới cây mía

Lời dẫn: "Lòng cha mẹ như trời biển". Người làm cha mẹ trong thiên hạ không ai mà không yêu thương con mình. Nhưng thương con không đúng cách thì dẫn đến con cái thành thói hư tật xấu. Trong giới sĩ, nông, công, thương mỗi người đều phải làm việc kiếm tiền sinh sống; nhưng cách kiếm tiền bất hợp pháp sẽ đưa đến nguyên nhân thất bại. Mỗi người đều có một công việc, nhưng làm việc phải chính đáng, nếu làm bất chính là kẻ hư hỏng. Chúng ta suy một mà ra ba, muôn việc ở thế gian đều có chính-tà và có đúng-sai.
Ngày xưa ở một vùng nông thôn nọ có hai người nông dân rất thân nhau. Một hôm, hai người ngồi bàn tán thảo luận về việc trồng mía. Anh A nói:
- Chúng ta thi nhau trồng mía người nào thắng thì được nhận một số tiền thưởng, người nào thua phải chi ra số tiền thưởng nhé! Anh thấy thế nào?
Anh B đáp:
- Được đó! Như thế thật là thú vị, cũng là khích lệ công việc sản xuất, nâng cao thành phẩm, lời nói như đinh đóng cột nhé!
Hai người giao kèo quy ước thi đấu xong. Họ chia đám đất mỗi người một nửa và bắt đầu thi đấu.
Trải qua mấy ngày, anh A vắt óc suy nghĩ muốn tìm cách nào để thắng được thi đấu lần này. Sau mấy ngày suy tính, cuối cùng anh chọn một cách. Anh nghĩ: "Mía ngon là nhờ ngọt, chắc phải dùng thứ ngọt tưới nuôi dưỡng nó. Vì thế, ta dùng nước mía tưới lên, nhất định sẽ thu hoạch bội phần". Vài ngày sau, hai người bắt đầu cày đất, trồng mía. Anh A thường đem nước mía tưới lên. Anh B vẫn làm những công việc bình thường, nhưng chăm chỉ hơn; anh siêng năng xới đất, nhổ cỏ, bón phân, tưới nước.
Sau vài tháng, đám mía của anh A dần dần vàng úa. Mía của anh B ngày càng tươi tốt, cao lớn mập mạp. Cuối cùng, đám mía của anh A chết khô héo; mía của anh B lại được trúng mùa. Đây vì nguyên nhân gì? Là làm đúng phương pháp hay không đúng mà thôi.

Bài học đạo lý

Tục ngữ có câu: "Giặc trộm kế của trạng nguyên". Người thông minh lại mắc phải sai lầm thông minh làm hại, việc này đâu đâu cũng có. Những kẻ lưu manh, trộm cắp cho rằng không cần lao động cực nhọc mà vẫn được hưởng. Kẻ lừa dối, gạt người cho mình động ba tấc lưỡi thì được tiền của. Nhưng theo luật nhân quả "thiện có quả báo thiện, ác có quả báo ác". Báo ứng liền theo sau.
Muôn sự ở thế gian, chúng ta làm việc một phần thì hưởng một phần; tuyệt đối không có chuyện kẻ lười lao động mà hưởng thành quả. Cho nên đạo Phật nói: "Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu". Không có đạo lý trồng cỏ um tùm mà được gặt lúa.
Trong giới sĩ, nông, công, thương nỗ lực làm việc đều có phương pháp của họ. Nếu người chỉ chuyên vắt óc suy nghĩ tìm cách chiếm đoạt tài sản của người khác; hoặc dùng thủ đoạn đầu cơ trục lợi để mình có lợi thì sẽ chịu quả báo hại mình. Như người làm việc văn phòng tham ô trái pháp luật. Người nông dân dùng phân bón hóa học quá liều lượng để thu hoạch cao có hại sức khỏe người tiêu dùng. Công nhân tham lam lấy trộm vật liệu, làm việc qua loa. Doanh nhân dùng hàng giả bán lừa gạt mọi người để được lời nhiều. Kết quả, họ đều chịu báo ứng thích đáng tội mình làm. Mỗi người ở thế gian đều có một nghề, ai cũng có thể làm lợi ích cho xã hội. Chúng tôi nói cách khác, mọi người đều có thể bóc lột xã hội, vấn đề là chúng ta có lương tâm hay không mà thôi.
Tiền đồ của mỗi người sáng sủa hay mờ mịt, nhân cách thanh cao hay thấp hèn, tương lai tiến thân hay sa đọa đều bắt đầu từ một ý niệm của chúng ta. Nếu người giữ tâm lương thiện, mặc dù hiện tại chịu thiệt thòi một chút nhưng tương lai nhất định được quả báo tốt đẹp. Kẻ gian ác tuy trước mắt chiếm được lợi phẩm một chút, nhưng dần dần nhân cách bị sa đọa. Mọi người chán ghét, tương lai nhất định sẽ tăm tối, chính là do có tâm xấu. Dùng người, làm việc không đúng phương pháp, cũng tạo thành kết quả không tốt. Vì thế, chúng ta phải học theo Đức Phật, Thánh hiền dạy, lý do là ở đây.

Chuyện 17
Tham việc nhỏ bỏ việc lớn

Lời dẫn: Rất nhiều người ở thế gian này gặp việc lớn thì mê muội còn việc nhỏ thì sáng suốt; đây chính là nói: "Chỉ tham một chút lợi nhỏ mà bỏ việc lớn". Như nói: "Người làm nghề buôn bán ngồi tính từng đồng, từng cắt, nhưng khi ăn chơi thì xả láng, vung tay quá trán". Kẻ trộm cắp lưu manh kiếm được tiền từ lừa đảo cướp giật, cũng đốt vào chuyện ăn chơi cờ bạc, rượu chè, trai gái. Kẻ làm quan lớn tham ô tiền của nhà nước, lại bị sạch túi vì các em chân dài. Những ví dụ này đều là tham việc nhỏ mà bỏ việc lớn.
Thuở xưa có một lão phú ông rất giàu, tiền của, châu báu nhiều vô số; lại còn có ruộng đất, đồn điền cò bay thẳng cánh, có thể nói lão địch nổi với nước giàu có. Nhưng khi buôn bán, lão tính toán từng đồng, từng cắt tỉ mỉ. Nếu có khách hàng lỡ thiếu lão một đồng, lão cũng tìm trăm phương nghìn kế đòi lại cho bằng được.
Bốn năm về trước, có một khách hàng thiếu phú ông một đồng. Một hôm, lão bỗng nhớ đến việc này. Mỗi lần, lão đến nhà người kia đòi phải tốn hai đồng tiền xe. Vì khách hàng không có ở nhà nên lão phải tốn thêm hai đồng trở về. Vài ngày sau, lão lại đi đòi nợ, người này vẫn không có ở nhà; tổng cộng lão đi ba lần mới đòi được một đồng tiền nợ. Tổng cộng lão tốn mười hai đồng tiền xe, lại còn hao tổn tinh thần và sức khỏe rất nhiều để đòi được một đồng. Chuyện này chẳng phải khôi hài hay sao?

Bài học đạo lý

Thực tế trong xã hội có rất nhiều người lòng dạ hẹp hòi, như trong cuộc sống thường ngày, mọi người vì một việc rất nhỏ mà mắng chửi nhau. Có người vì giành nhau một tờ giấy, một tách trà mà đánh nhau mẻ đầu sứt trán; hoặc vì một câu nói không hợp ý nhau, hay trái tai thì liền hạ cẳng tay thượng cẳng chân; cho đến, đặt điều vu oan kéo nhau ra tòa án. Chuyện mua bán thường ngày, chẳng những tính toán thiệt hơn mà còn vì tranh chấp vài đồng tiền lẻ mà cãi nhau đỏ mặt tía tai. Kết quả thế nào? Đánh mất nhân cách, mọi người đều xa lánh, cho đến kết oán thù. Những việc này xảy ra hàng ngày như cơm bữa.
Trong tôn giáo vốn khuyên người làm thiện, hướng dẫn mọi người chánh tín; cho đến, chỉ dạy mọi người tu hành, giải thoát sinh tử và thờ cúng thần thánh thì nhân cách và tu dưỡng của người này cao thượng hơn người bình thường. Nhưng có những người từ việc thờ thần, cho đến làm chức vụ trong Phật giáo. Bất kì, chính pháp, tà pháp; nội đạo, ngoại đạo; chánh tín, mê tín họ đều làm càn, kêu gọi tín đồ quyên góp tiền của vì chút lợi ích cho mình mà rơi vào đường tà. Lẽ nào không oan uổng, đáng thương?
Con người sinh ra thế gian này là theo nghiệp lực, vì cuộc sống mà phải lao tâm khổ tứ, suốt đời cũng vì cơm ăn áo mặc mà ra sức làm việc, thậm chí tạo nhiều ác nghiệp như: sát, đạo, dâm, vọng v.v…làm cho nhiều đời nhiều kiếp luân hồi trong sáu đường, oán thù lẫn nhau không dứt. Đây không phải vì tham việc nhỏ mà bỏ việc lớn hay sao?
Xã hội ngày nay, có một số người sống thực dụng. Bạn đối với tôi có lợi thì tôi cung kính, tôn trọng, nịnh nọt, hối lộ. Còn không có lợi thì tôi xem thường, ganh ghét, lừa dối, tàn hại lẫn nhau; thậm chí, giở trò gian trá liều mạng hạ gục anh để tôi tiến thân, mạnh hiếp yếu, cá lớn nuốt cá bé. Đạt Nhĩ Văn nói: "Muôn vật ở trong sự cạnh tranh hơn, kém. Vật hơn thì được sinh tồn, vật kém thì bị đào thải". Làm cho thế gian như bãi chiến trường của a-tu-la. Là cõi người, hay cõi súc sinh? Truy tìm đến tận gốc, chỉ vì chút lợi nhỏ mà thôi.

Chuyện 18
Mài dao trên lầu

Lời dẫn: "Người phải vươn lên, nước thường chảy xuống". Ai mà không muốn vươn lên cuộc sống? Khi con người sống cảnh thiếu thốn cơm ăn, áo mặc, nhà ở thì họ nỗ lực phấn đấu làm việc để cuộc sống đầy đủ về mặt vật chất. Lúc đầy đủ vật chất thì tìm cầu chuyện làm đẹp bản thân. Khi cuộc sống tạm đầy đủ, họ vẫn chi tiêu tiết kiệm cũng dành dụm chút đỉnh, họ càng gom góp càng muốn cho nhiều; cho nên, ham muốn của con người mãi mãi là túi tham không đáy. Người chưa đạt danh vọng, địa vị trong xã hội thì họ làm cho bằng được, được rồi lại muốn thăng quan tiến chức. Vì thế, sự mong cầu của con người không bao giờ thấy đủ.
Ngày xưa có một người rất nghèo, phải đi xin ăn khắp mọi nơi để duy trì cuộc sống. Hắn thường bị chó dữ ức hiếp, hoặc bị mọi người khinh bỉ, mắng chửi, hủy nhục. Trải qua những ngày tháng rất khổ sở như thế, hắn nghĩ mình sinh nhầm thế kỉ. Trong lúc hắn tuyệt vọng, thì gặp được một người hỏi hắn:
- Anh còn trẻ mạnh khỏe, lại không tật nguyền vì sao phải đi ăn xin như vậy?
Hắn đáp:
- Nếu tôi không đi ăn xin thì tôi biết làm nghề gì để sống; vả lại, kiếp sống ăn xin tôi cũng làm chưa nổi, tôi sống chẳng có ý nghĩa gì?
- Anh đừng quá bi quan thất vọng, tôi sẽ giúp anh tìm công việc làm. Anh có đồng ý làm không?
- Tôi tìm được công việc nhưng không thích hợp nên mới đi ăn xin. Anh nói thử công việc để tôi xem thử nhé!
- Hiện nay trong cung vua đang thiếu người coi chăm sóc vườn hoa, tôi giới thiệu giúp anh hãy làm việc ở đó.
Nhờ đó, hắn được làm việc ở trong cung rất chăm chỉ, làm mãi cho đến khi tuổi về hưu. Nhà vua ban thưởng cho hắn rất nhiều của cải, một con lạc đà đã chết và ngôi nhà lầu nhỏ xinh xắn.
Gã người nghèo dọn về ngôi nhà của mình. Hắn muốn làm thịt con lạc đà cắt từng miếng thịt nhỏ ướp muối, để dành ăn từ từ. Hắn đi tìm con dao, nhưng dao quá cùn; hắn đi lên lầu mài xong, vừa xuống lầu cắt được vài miếng thì lại cắt không được, hắn lại lên lầu mài tiếp. Cứ như thế, hắn chạy lên, chạy xuống không biết bao nhiều lần, thật là cực khổ. Cuối cùng, hắn nghĩ ra một cách: "Ta cứ chạy lên lầu xuống lầu như thế quá mệt, chi bằng ta vác con lạc đà lên lầu, vừa lóc thịt, vừa mài dao, khỏi phải cực nhọc chạy lên chạy xuống".

Bài học đạo lý

Chúng sinh từ vô thỉ đến nay luân hồi trong sáu đường, cứ mãi trôi lăn trong sinh tử không biết mấy nghìn vạn lần, xương của chúng sinh chất cao như núi, nước mắt chúng sinh khóc cho nỗi khổ sinh tử nhiều như biển cả, vẫn không thoát được luân hồi trong sáu đường. Chúng ta sống ở thế gian này, giống như gã nghèo muốn ăn miếng thịt. Hắn chạy lên lầu, xuống lầu, dụ cho luân hồi trong sáu đường, thật khó mà nghĩ ra biện pháp hay. Hắn đem thịt lên lầu, dụ cho sinh lên cõi trời vừa được hưởng thụ khoái lạc thì lại bị đọa. Hắn ăn được miếng thịt phải chạy lên xuống thật là cực khổ, lại luân hồi trong sáu đường.
Tất cả chúng sinh lặn ngụp trong sinh tử, vì cuộc sống của họ vừa cực khổ vừa tạo nghiệp, chịu đau khổ kiếp người rất nhiều mới có thể sống. Có người cho rằng đó là vận mệnh; hoặc thần thánh sắp đặt; hoặc sinh lên trời là hiện tượng tự nhiên, không có biện pháp tự làm chủ mình. Vì thế, chấp nhận số phận trôi qua một đời trong mờ mịt; hoặc tạo các nghiệp ác để cầu chút an vui, được vui tạo nhân khổ, không biết quả về sau càng đau khổ hơn. Khi nào họ mới thoát khổ được an vui? Điều này phải tìm trong Phật pháp mới biết được.
Có ai bằng lòng đi làm những việc tốn công vô ích, ai mà không muốn mình tiến thân? Ai mà không muốn sinh lên cõi trời để được hưởng thụ cuộc sống sung sướng? Hoặc giải thoát sinh tử không còn nghiệp lực trói buộc; hoặc sinh về Tịnh độ được an lạc tự do tự tại? Tất cả những điều này đều dựa vào sự nỗ lực của chúng ta, không phải nằm trong tay thần thánh điều khiển; chỉ cần chúng ta nương theo Phật pháp tu hành thì chúng ta có khả năng làm được những việc này. Đức Phật dạy: "Thế gian và xuất thế gian thành tựu theo nguyện". Chúng ta muốn không còn mê hoặc sinh tử thì về đi thôi! Tây phương Tịnh Độ sao ta không về?

Chuyện 19
Khắc dấu dưới nước

Lời dẫn: Thế gian có rất nhiều việc mà mọi người cho là sự thật. Nhưng trên thực tế là nhận thức sai lầm mà theo thói quen cho là đúng; hoặc tự mình sai lầm mà không biết được. Như ngày xưa con người cho rằng mặt trời xoay quanh trái đất, trên thực tế là trái đất xoay quanh mặt trời. Khi chúng nhìn thấy con đường quốc lộ, hay đường sắt ở trước mặt, nhưng khi cách xa thì con đường càng nhỏ, trên thực tế con đường vẫn như vậy. Ban đêm, chúng ta nằm mộng thấy rõ ràng có nhà cửa, có con đường, có những người nào đó và cũng có xảy ra những sự việc; nhưng khi tỉnh dậy chẳng thấy có việc gì.
Chúng ta sống ở thế gian này, cũng giống như nằm mộng, chẳng có vật gì là thật. Nhưng trong ý thức hoặc cảm nhận của chúng ta mỗi sự việc đều là thật. Vì cảm nhận sai lầm nên gây ra sự đau khổ và tạo nghiệp suốt một đời; đây là chúng sinh bị mê hoặc.
Ngày xưa có một thương nhân muốn vượt biển ra nước ngoài để mua bán. Lúc đó, chưa có máy bay, đi thuyền cũng chưa có máy móc như ngày nay, chỉ giương buồm mà đi; cho nên không may gặp sóng to, gió lớn là việc rất nguy hiểm. Thương nhân này vì muốn kiếm tiền lời nhiều, nên không tiếc thân mạng, mạo hiểm vượt biển để đi buôn. Một hôm, thuyền đang chạy ra giữa biển. Lúc đó, hắn đang đứng trên mũi thuyền ngắm nhìn phong cảnh, vì sơ ý nên đánh rơi xâu chuỗi ngọc xuống biển. Hắn muốn lặn xuống nước để tìm xâu chuỗi, nhưng vì đi cho kịp nên liền khắc dấu một đường lằn sóng dưới nước để nhớ. Khi trở về, hắn có thể nhờ dấu khắc này mà biết chỗ vớt xâu chuỗi lên cũng không muộn; vì thế, hắn vội giương buồm chạy.
Thời gian trôi qua rất nhanh, thoáng chốc đã qua hai tháng, khi trở về hắn tìm dấu khắc, vẫn tìm không được, thật không dễ gì tìm được lằn sóng, hắn chạy tìm xuôi ngược, nhưng làm sao tìm được. Người bên cạnh nói: "Mặc dù đường lằn sóng nước giống nhau, nhưng mỗi chỗ khác nhau. Làm sao tìm được?"

Bài học đạo lý

Mỗi người đều có quan niệm. Người thông minh có quan niệm của người thông minh. Người ngu si có quan niệm của người ngu si. Ngoại đạo có quan niệm của ngoại đạo. Trong Phật giáo, mỗi người hiểu Phật pháp cũng không giống nhau. Quan niệm có chánh có tà. Cổ đức dạy: "Chọn điều thiện mà giữ". Nếu chúng ta quan niệm chính pháp là trợ giúp tu hành giải thoát; còn quan niệm tà kiến thì hại không biết bao nhiêu người rơi vào pháp tà, có làm việc cũng uổng công vô ích.
Người thông minh trí huệ nhạy bén, nếu cố chấp quan niệm không chịu học hỏi và không tiếp nhận ý kiến hữu ích thì thường chấp sai cho là đúng, chấp tà cho là chánh; hoặc mưu mô xảo quyệt để chiếm đoạt tài sản của người khác, nhất định tương lai họ sẽ bị đọa. Người ngu kiến thức hẹp hòi, đem tâm tiểu nhân đo lòng quân tử thì sai lầm nhiều. Nếu họ khiêm tốn thỉnh giáo thiện tri thức, cũng được hưởng là người có phúc. Ngoại đạo chấp tà kiến, vào trước là chủ, khăng khăng không nhận sai lầm, chắc chắn đọa vào đường tà, thật là đáng thương.
Phật pháp có tám vạn bốn nghìn pháp môn, vì theo căn cơ của mỗi người mà Đức Phật thuyết pháp. Có người tự cho mình đúng, người khác sai; hoặc bài trừ những điều khác mình; hoặc khăng khăng cố chấp cho mình là đúng, đều là tôn sùng quan niệm của mình.
Có người sáng thế này, chiều thế khác tu hành xen tạp. Tuy họ không có kiến chấp nhưng vẫn là người không được thành tựu, giống như một khoảnh đất gieo nhiều loại hạt giống. Chúng ta có thể thu hoạch được nhiều trái cây không? Chúng ta tinh tiến tu hành cũng phải có mục tiêu, chỉ chuyên tu hành một pháp môn thật sự thì mới đạt được thành tựu. Vì thế, xả bỏ quan niệm không phải là người không có chủ kiến, mà phải khiêm tốn nghiên cứu, cầu thỉnh thiện tri thức chỉ dạy. Sau đó,chúng ta chọn pháp môn thích hợp căn cơ của mình rồi bắt đầu tu, phải thấy được trí huệ và thiện duyên của mình.

Chuyện 20
Cắt mười cân đền một trăm cân

Lời dẫn: Ánh điện dễ tắt, lửa đá xẹt nhanh, nước chảy ra biển cả, hoa nở thì hoa tàn. Nhân loại hàng ngày cũng thường nói với nhau, tuy lời nói gió bay nhưng điều tốt, xấu lưu lại trong lòng người. Cổ đức dạy: "Nói nhiều lỗi nhiều". Ai cũng biết nói, nhưng khi nói thường mắc phải sai lầm; hoặc nói lỗi lầm của người khác; hoặc phê bình họ, xảy ra nhiều chuyện phiền phức. Mỗi người đều có thể phê bình người khác, và cũng bị người khác phê bình lại mình; nhưng ai cũng sợ người khác phê bình mình.
Thuở xưa có một vị vua rất sợ người khác phê bình mình; cho nên, vua rất căm ghét những người nói chuyện đúng sai của mình. Vì vua là bậc đứng đầu trong nước, cho nên tùy tiện đặt ra những điều trong pháp luật, có thể khép tội người phải chết. Đây chính là khuyết điểm của thời đại chuyên chế. Mặc dù vị vua này thường giết những người dám nói chuyện đúng sai của ông ta, nhưng nhân dân không sợ vẫn cứ nói. Có người dám nói xúc phạm vua rồi chịu chết chứ không thể im lặng. Do đó, người nói chuyện đúng sai của vua ngày càng nhiều.
Một hôm, khi vừa bãi triều, vua rình sau bức rèm lén nghe các đại thần phê bình mình. Có người nói: "Ông vua này là hôn quân bạo tàn vô đạo, so với loài thú dữ càng ghê gớm hơn". Vua nghe đại thần nói nổi giận đùng đùng, giống như thú dữ điên cuồng, giận dữ nhìn các đại thần. Nhưng lúc đó, các vị đại thần đã đi nơi khác rất nhiều, chỉ còn lại vài vị lão thần lớn tuổi. Trong cơn thịnh nộ, vua không biết rõ thủ phạm là ai, chỉ nghe theo lời sàm tấu của kẻ tiểu nhân bên cạnh. Vua liền hạ lệnh bắt ngay một lão thần tra khảo và cắt hơn mười cân thịt trên thân ông, mới hạ cơn phẫn nộ lôi đình, làm cho lão thần đau đớn chết đi sống lại. Trải qua vài ngày, nhà vua điều tra sự việc rõ ràng, vua biết lão thần không có nói nên vô cùng áy náy, liền bồi thường cho lão thần này một trăm cân thịt, nhưng lão thần vẫn rên rỉ đau đớn. Vua nói:
- Trẫm chỉ cắt khanh mười cân thịt, nay bồi thường lại một trăm cân không đủ hay sao?
Lão thần mệt mỏi hỏi:
- Nếu như bệ hạ bị người khác cắt mất một cái đầu, rồi họ đền lại một trăm cái đầu; ngài có đồng ý không?
Vua hét lên:
- Việc này không thể được!
Khi vua hiểu rõ đạo lý này thì lão thần từ từ trút hơi thở cuối cùng.

Bài học đạo lý

Có khi, chúng ta đưa ra ý kiến sai lầm trong nhất thời, hoặc tạo tội nghiệp. Sau đó, cho dù có hối hận nhưng đã muộn. Vì thế, chúng ta phải học Phật, tu học trí tuệ mới hiểu rõ đúng-sai, tà-chánh, thiện-ác sẽ không tạo nghiệp làm ác; nếu không thì, khi báo ứng đến có hối hận cũng không kịp. Mỗi người đều có ưu điểm và khuyết điểm. Người có chút ưu điểm thì luôn khoe khoang, muốn mọi người ca ngợi mình; còn có khuyết điểm thì che dấu không muốn cho ai biết; lại thích nói chuyện thị phi của người khác và phê bình khuyết điểm của họ. Cho nên, chuyện thị phi ở thế gian rất nhiều.
"Mạnh hiếp yếu", " cậy thế ức hiếp người", làm cho người yếu, người ngu chịu hàm oan nuốt hận, cũng là chuyện thường tình ở thế gian. Khiến cho con người nhiều đời, nhiều kiếp oan gia đối đầu tìm cách báo thù lẫn nhau, là khổ báo sinh tử xoay chuyển không ngừng.
Cổ đức dạy: "Có lúc sao sáng, có lúc trăng sáng, gió nước theo sự di chuyển". Khi có tiền, có thế lực không thể suốt đời. Nhưng con người vẫn mong muốn ai ai cũng kính phục mình, nói ra một câu ai nấy đều vâng theo, không muốn ai cãi lại câu nào. Người thấp hèn, người yếu đuối chỉ biết nói lén sau lưng vài câu bất bình cho hả dạ; nhưng họ thường chuốc họa vào thân. Lòng oán hận như thế, ngày tháng dồn chứa, khí oán thù đầy khắp vũ trụ, nhân duyên thành thục nhất định có báo ứng. Cho nên, thế gian mãi mãi không có cuộc sống bình yên.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]