Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bất Tư Nghì

10/05/201320:16(Xem: 11713)
Bất Tư Nghì

Bồ Tát Có Bệnh (Biên soạn về Kinh Duy Ma Cật)

Bất Tư Nghì

Thích nữ Như Đức

Nguồn: Thích nữ Như Đức

1- Cầu pháp chẳng cầu tòa


Cái thất không của Duy-ma-cật để tượng trưng cho chỗ “ưng vô sở trụ” vì thế không có chỗ để ngồi. Còn có chỗ để ngồi là còn có vị trí, có vị trí sẽ có cao thấp, mất tính cách bình đẳng. Tìm tòa ngồi cũng như mình tu mà mong đạt một quả vị, một chỗ nào đó trong thứ bậc của Phật pháp. Đó là đại ý những lời biện luận của Duy-ma-cật đối với ngài Xá-lợi-phất.
Nhân giả vì pháp mà đến hay vì ghế ngồi mà đến?

Nếu là người vì pháp thì không nghĩ đến thân mạng, vì nghĩ đến thân thì mới cầu một vị trí khả xứng, không quý thân nên chẳng cầu chỗ đứng ngồi. Ở đâu cũng là trong pháp tánh cả, đôi khi vì vị trí mà quên mất pháp tánh. Thế nên các bậc Đại Hòa thượng đôi lúc đi làm kẻ ăn xin, từ bỏ ngôi vị tôn quý trong chùa để ở dưới gầm cầu…
Pháp là thể Chơn như, là lý tánh tuyệt đối không phải là pháp của năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới… chẳng phải là pháp hạn cuộc trong ba cõi, vượt ra khỏi hình thức đối đãi nên người cầu pháp chớ kẹt trong tình lượng.
Người cầu pháp không bị kẹt vào Phật, Pháp và Tăng vì đó chỉ là sự thể hiện của lý tánh. Đắm vào Phật thì dính vào hình ảnh, danh từ chưa thể gỡ bỏ được. Kinh Kim Cang, Phật dạy:
“Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhân hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai”.

Người cầu pháp cũng không đi theo đường Tứ đế dù cho đó là chân lý do đức Phật nói ra. Không cần phải thấy khổ, dứt tập, tu đạo, chứng diệt vì đó cũng chỉ là vị trí tạm thời của Thanh văn.
Tóm lại pháp là tịch diệt, vắng lặng vượt ngôn ngữ tư duy và mọi hình thức, có tâm cầu là còn khởi ý niệm tư duy, không sống được với pháp thể. Pháp không nhiễm trước cho rằng có Niết-bàn là vị trí tối cao cũng là hình thức nhiễm trước không phù hợp với pháp. Pháp không có chỗ thực hành, nếu cho rằng có pháp môn để thực hành, cũng không đúng với ý nghĩa cầu pháp. Từ pháp môn này so với pháp môn kia, sanh kỳ thị hơn kém, thế gọi là kẹt ở chỗ thực hành, không thấu được pháp thể. Pháp không có nắm giữ hay buông bỏ, pháp không có chỗ nơi, pháp không hình tướng… pháp không thể dùng kiến văn giác tri để nắm bắt. Pháp là Vô vi, tất cả những hành động nắm buông, nhìn ngó… đều là Hữu vi không thể nào nắm được Chơn pháp.
Ở trong chỗ không thể cầu mà khởi một niệm - như ngài Xá-lợi-phất khởi niệm tìm ghế ngồi - là đã không thấy được pháp thể, cho nên Duy-ma-cật nhân đó đưa ra nguyên tắc “Đối với tất cả pháp nên không có chỗ cầu”.
Nếu không một niệm mới thật tìm,
Còn có tâm tìm toàn chẳng biết.

Chỗ thật pháp không dung một niệm, phải buông hết tất cả mới tương ưng.

2- Tòa Sư tử


Biện luận trên lý thể, nếu không bày tỏ sức thần thông diệu dụng dễ rơi vào chỗ cực đoan, chỉ nói suông mà không cho thấy hùng lực của thật pháp. Vì thế đến đây Duy-ma-cật trở lại việc tìm tòa ngồi. Ông hỏi Bồ-tát Văn-thù cõi nước nào có tòa ngồi tốt đẹp bậc nhất. Được trả lời rằng ở cõi nước Tu Di Tướng có tòa sư tử cao lớn trang nghiêm, ông vận thần thông khiến ba vạn hai ngàn tòa sư tử đều hiện ở trong thất mình, như thế không thấy chật và cả cõi nước, đô thành cũng không cảm thấy bị ép ngặt. Cái thất của Duy-ma-cật chỉ rộng khoảng 4m2 mà dung chứa mấy trăm ngàn trời người, rồi thêm mấy chục ngàn tòa ngồi, tòa nào cũng cao lớn đến bốn muôn hai ngàn do tuần (42.000 do tuần # 84.000 cây số), vẫn thấy thong thả. Duy-ma-cật chẳng phải ra sức vận chuyển hay trang hoàng, tòa ngồi tự có. Những việc này đều chỉ do sức diệu dụng, hoạt dụng tự nhiên khi đạt đến chỗ thấu suốt lý tánh, sống với tâm ấy thì mọi sự có đủ, như ta vốn sẵn đủ từ xưa nay.
Vô nhất vật trung vô tận tạng
Hữu hoa hữu nguyệt hữu lâu đài.

Chỗ “bản lai vô nhất vật” mà Lục Tổ nói đến, trong đó có cả kho tàng vô tận có hoa, có trăng và chứa đựng cả đền đài lầu các. Một đoạn kinh này cũng mô tả ý ấy.
Tòa ngồi cao rộng, Duy-ma-cật mời các đại Bồ-tát hiện thân cao bằng tòa rồi mới ngồi. Tòa và thân tương ưng nhau, tâm và cảnh xứng hợp, cảnh to lớn thì tâm cũng bao trùm. Xá-lợi-phất và các hàng bậc trung vì tâm chưa đạt mức viên dung vô ngại nên không thể lên tòa cao, cần phải đảnh lễ đức Phật Tu Di Đăng Vương. Đảnh lễ là quy mạng hướng về tức đem tâm nhỏ hẹp hướng về nơi cao rộng, tức có thể ngồi tòa này.

3- Bất tư nghì giải thoát


Nhân Xá-lợi-phất khen ngợi việc chưa từng có, Duy-ma-cật bèn giới thiệu sức giải thoát bất tư nghì của chư Phật và Bồ-tát. Chúng ta không giải thoát vì còn vướng mắc vào hình tướng, vào sự phân chia, vào thời gian không gian…
Ở đoạn kinh này giới thiệu sức giải thoát vượt ra khỏi hạn cuộc của hình tướng, của mọi ý niệm phân chia… bằng các ví dụ sau: Đem núi lớn nhét vào trong hạt cải, một vật thật nhỏ mà dung chứa cả ngọn núi trong lòng, không thấy bức bách. Đưa bốn biển lớn vào trong một lỗ chân lông mà nước biển không giảm sút. Lớn thật lớn, nhỏ thật nhỏ, chỉ là hình thức đối đãi, các vật chất đều phô bày hình tướng của chúng khác nhau. Nếu không kẹt vào tướng ấy, chúng ta có sức giải thoát, nên kinh mới cho đem vật lớn vào vật nhỏ. Ngày nay, một hạt nguyên tử có sức nổ lớn, khoa học có thể chứng minh điều đó.
Bồ-tát được sức giải thoát, có thể ngắt lấy tam thiên đại thiên thế giới như người thợ gốm nắm một cục đất sét. Thế giới của chúng ta thấy là to rộng, nhưng nhìn trong thế giới loài kiến, mối thì chúng cũng thấy thế giới của chúng là tam thiên đại thiên. Vậy thì phân biệt không có lý do tồn tại, không gian tùy quan niệm của đương sự.
Tiếp đến là giải thoát về thời gian. Dài hay ngắn, bảy ngày làm một kiếp, một kiếp rút lại làm bảy ngày là khả năng của Bồ-tát. Thật ra thời gian dài ngắn cũng là tương đối, tùy môi trường ánh sáng, tùy vòng quay của hành tinh. Thấu rõ những điều kiện này, chúng ta vượt qua giới hạn của thời gian.
Khả năng tập trung và khả năng phân bố, khả năng tự tại với sức gió sức lửa, khả năng tung hoành trong tất cả các phương sở nơi chốn, khả năng hiện các thân hình, biến các âm thanh… Những điều này nói về sức giải thoát đối với tứ đại, với các khoảng cách xa gần, với tất cả số nhiều không thể tính kể, đều là sự diệu dụng. Người thông đạt bản chất các pháp như nhà nghiên cứu nắm một số bí quyết kỹ thuật, có thể làm tất cả những gì mình muốn. Trong phạm vi vật chất còn tạo được vô số thần thông, huống chi trên tâm thể không ngăn ngại, tâm thể rộng lớn không bờ mé thì tất cả biến hiện chỉ là bọt nổi.
Hiểu được ý này nên ngài Đại Ca-diếp hết lời khen ngợi pháp giải thoát bất tư nghì và khuyến khích đại chúng hướng về tâm Bồ-đề Vô thượng. Thanh văn nghe pháp này nên khóc rống lên, Bồ-tát nên hoan hỷ vui mừng, vì Thanh văn không hiểu được ý vi diệu, còn Bồ-tát thì thấu hiểu sức đại tự tại của chính mình.
Duy-ma-cật nói thêm, người trụ sức giải thoát bất tư nghì thường hiện làm Ma vương để thử thách, vì có thế lực mạnh nên hiện các sự bức bách khiến cho tâm hành giả thêm kiên cố. Nếu vượt qua được thử thách này thì mới trụ vào sức giải thoát bất tư nghì. Vì giải thoát này không phải là giải thoát bình thường mà là một sự chấn động lớn, sức giải thoát vi diệu cởi toang mọi ràng buộc rối rắm từ vô minh, từ tận trong hang sâu thẳm của mê mờ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]