Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm thứ 1: Phẩm bảy pháp

09/05/201316:00(Xem: 20888)
Phẩm thứ 1: Phẩm bảy pháp

Kinh Trung A Hàm (17 phẩm)

Phẩm thứ 1: Phẩm bảy pháp
1. Kinh Thiện pháp

Thích Tuệ Sỹ dịch

Nguồn: Thích Tuệ Sỹ dịch

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Thế Tôn du hóa tại nước Xá-vệ, ở trong Thắng lâm vườn Cấp cô độc[2].

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

"Nếu có Tỳ-kheo thành tựu bảy pháp tất được hoan hỷ an lạc trong pháp Hiền thánh[3], thẳng tiến đến lậu tận. Bảy pháp đó là gì? Đó là biết pháp, biết nghĩa, biết thời, biết tiết độ, biết mình, biết chúng hội và biết sự hơn kém của người[4].

"Thế nào gọi là Tỳ-kheo biết pháp? Nghĩa là Tỳ-kheo biết chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết nghĩa[5]. Ấy là Tỳ-kheo biết pháp. Nếu Tỳ-kheo không biết pháp, tức không biết chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết nghĩa. Tỳ-kheo như vầy là không biết pháp. Nếu có Tỳ-kheo khéo biết rõ pháp, đó là biết chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết nghĩa. Ấy là Tỳ-kheo khéo biết rõ pháp.

"Thế nào gọi là Tỳ-kheo biết nghĩa? Nghĩa là Tỳ-kheo biết nghĩa của giáo thuyết này hay giáo thuyết kia, biết điều này có nghĩa như thế kia, biết điều kia có nghĩa như thế này[6]. Đó là Tỳ-kheo biết nghĩa. Nếu Tỳ-kheo không biết nghĩa tức là Tỳ-kheo không biết nghĩa của giáo thuyết này hay giáo thuyết kia; không biết điều này có nghĩa như thế kia, điều kia có nghĩa như thế này. Tỳ-kheo như vậy là không biết nghĩa. Nếu có Tỳ-kheo khéo biết rõ nghĩa, đó là biết nghĩa của giáo thuyết này hay giáo thuyết kia, biết điều này có nghĩa như thế kia, biết điều kia có nghĩa như thế này. Đó là Tỳ-kheo khéo biết rõ nghĩa.

"Thế nào gọi là Tỳ-kheo biết thời? Đó là Tỳ-kheo biết thời nào nên tu phương pháp thấp, thời nào nên tu phương pháp cao, thời nào nên tu phương pháp xả[7]. Ấy là Tỳ-kheo biết thời. Nếu có Tỳ-kheo không biết thời tức là không biết thời nào nên tu phương pháp thấp, thời nào nên tu phương pháp cao, thời nào nên tu phương pháp xả. Tỳ-kheo như vậy là không biết thời. Nếu có Tỳ-kheo khéo biết rõ thời, đó là biết thời nào nên tu phương pháp thấp, thời nào nên tu phương pháp cao, thời nào nên tu phương pháp xả. Ấy là Tỳ-kheo khéo biết rõ thời.

"Thế nào là Tỳ-kheo biết tiết độ? Đó là Tỳ-kheo biết tiết độ trong việc ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng, giảm bớt ngủ nghỉ, tu tập chánh trí. Ấy là Tỳ-kheo biết tiết độ. Nếu có Tỳ-kheo không biết tiết độ tức là Tỳ-kheo không biết tiết độ trong việc ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng, đại tiểu tiện, giảm bớt ngủ nghỉ, tu tập chánh trí. Tỳ-kheo như vậy là không biết tiết độ. Nếu có Tỳ-kheo khéo biết rõ sự tiết độ, đó là biết tiết độ trong việc ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng, giảm bớt ngủ nghỉ, tu tập chánh trí. Ấy là Tỳ-kheo khéo biết rõ sự tiết độ.

"Thế nào là Tỳ-kheo biết mình? Tỳ-kheo tự biết mình có mức độ ấy tín, giới thí, tuệ, biện, a-hàm và sở đắc[8]. Tỳ-kheo như vậy là biết mình. Nếu có Tỳ-kheo không biết mình tức là không tự biết mình có mức độ ấy tín, giới, văn, thí, tuệ, biện, a-hàm và sở đắc. Tỳ-kheo như vậy là không biết mình. Nếu có Tỳ-kheo khéo tự biết rõ mình, đó là biết mình có mức độ ấy tín, giới thí, tuệ, biện, a-hàm và sở đắc. Tỳ-kheo như vậy là khéo biết rõ mình.

"Thế nào là Tỳ-kheo biết chúng hội? Tỳ-kheo biết đây là chúng hội Sát-lợi, đây là Phạm chí, đây là chúng hội Cư sĩ, đây là chúng hội Sa-môn. Ở nơi các chúng hội ấy, ta nên đi như vậy, đứng như vậy, ngồi như vậy, nói như vậy, im lặng như vậy. Ấy là Tỳ-kheo biết chúng hội. Nếu có Tỳ-kheo không biết chúng hội tức là không biết đây là chúng hội Sát-lợi, đây là chúng hội Phạm chí, đây là chúng hội Cư sĩ, đây là chúng hội Sa-môn. Ở nơi các chúng hội ấy, ta nên đi như vậy, đứng như vậy, ngồi như vậy, nói như vậy, im lặng như vậy. Tỳ-kheo như vậy là không biết chúng hội. Nếu có Tỳ-kheo khéo biết rõ chúng hội, đó là biết đây là chúng hội Sát-lợi, đây là Phạm chí, đây là chúng hội Cư sĩ, đây là chúng hội Sa-môn. Ở nơi các chúng hội ấy, ta nên đi như vậy, đứng như vậy, ngồi như vậy, nói như vậy, im lặng như vậy. Ấy là Tỳ-kheo khéo biết rõ chúng hội.

"Thế nào là Tỳ-kheo biết sự hơn kém của người[9]? Đó là Tỳ-kheo biết có hai hạng người: có tín và có bất tín[10], người có tín là hơn, người bất tín là kém. Người có tín lại có hai hạng: Thường đến gặp Tỳ-kheo và không thường đến gặp Tỳ-kheo. Người đến gặp thấy Tỳ-kheo là hơn, người không thường đến gặp Tỳ-kheo là kém. Người thường đến gặp Tỳ-kheo lại có hai hạng: có lễ kính và không lễ kính. Người có lễ kính là hơn; người không lễ kính là kém. Người có lễ kính lại có hai hạng: có hỏi kinh và không hỏi kinh. Người có hỏi kinh là hơn, người không hỏi kinh là kém. Người có hỏi kinh lại có hai hạng: nhất tâm nghe kinh và không nhất tâm nghe kinh. Người nhất tâm nghe kinh là hơn, người không nhất tâm nghe kinh là kém. Người nhất tâm nghe kinh có hai hạng: nghe rồi thọ trì pháp và nghe rồi không thọ trì pháp. Người nghe rồi thọ trì pháp là hơn, người nghe rồi không thọ trì pháp là kém. Người nghe rồi thọ trì pháp lại có hai hạng: nghe pháp có quán sát nghĩa và nghe pháp không quán sát nghĩa. Người nghe pháp có quán sát nghĩa là hơn, người nghe pháp không quán sát nghĩa là kém. Hạng nghe pháp quán sát nghĩa lại có hai: biết pháp, biết nghĩa, hướng về pháp và thứ pháp, tùy thuận pháp, thực hành đúng như pháp[11]; và hạng không biết pháp, không biết nghĩa, không hướng về pháp và thứ pháp, tùy thuận pháp và thực hành đúng như pháp. Người biết pháp, biết nghĩa, hướng về pháp và thứ pháp, tùy thuận pháp, thực hành đúng như pháp là hơn; người không biết pháp, không biết nghĩa, không hướng về pháp và thứ pháp, không tùy thuận pháp, không thực hành đúng như pháp là thấp kém. Hạng biết pháp, biết nghĩa, hướng về pháp và thứ pháp, tùy thuận pháp, thực hành như pháp lại có hai hạng: Tự làm ích lợi cho mình và cũng làm ích lợi cho người khác, làm ích lợi cho mọi người, xót thương thế gian, cầu nghĩa và lợi, an ổn khoái lạc cho trời và người; và hạng không tự làm lợi ích cho mình và cũng không làm lợi ích cho người, không xót thương thế gian không cầu nghĩa và lợi, an ổn khoái lạc cho trời và người. Nếu người nào tự làm lợi ích, cũng làm lợi ích cho người, làm lợi ích cho mọi người, xót thương thế gian, cầu nghĩa và lợi, an ổn và khoái lạc cho trời người. Người ấy là bậc nhất là lớn, là trên, là tối cao, là hơn hết, là tôn quí, là tuyệt diệu giữa mọi người khác. Ví như từ bò có sữa, từ sữa có lạc, từ lạc có sinh tô, từ sinh tô có thục tô, từ thục tô có tô tinh[12]. Tô tinh là thứ bậc nhất, là lớn, là trên, là tối cao, là hơn hết, là tôn quí, là tuyệt diệu đối với những loại kia. Cũng vậy, nếu người nào tự làm lợi ích cho mọi người, xót thương thế gian, cầu nghĩa và lợi, an ổn khoái lạc cho trời người, thì trong hai hạng người như trên đã nói, đã phân biệt, đã thi thiết, người ấy là bậc nhất, là lớn, là trên, là tối cao, là hơn hết, là tôn quí, là tuyệt diệu. Ấy là Tỳ-kheo biết sự hơn kém của người.

Phật thuyết như vậy. Các vị Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

[1]. Tương đương Pāli: A. VII.64 Dammaññū-sutta; biệt dịch: No.27 Thất Tri Kinh, 1 quyển, Ngô Chi Khiêm dịch (Đại 1, tr.810); No.125 (39.1) Tăng Nhất, "Đẳng Pháp Phẩm" (Đại 2, tr.728).

[2]. Hán: Xá-vệ quốc, Thắng lâm, Cấp cô độc viên 舍 衛 國 勝 林 給 孤 獨 園. Pāli: sāvatthiyam... Jetavāne Anathapiṇḍikassa ārāme.

[3]. Hán: Ư Hiền thánh đắc hoan hỷ lạc 於 賢 聖 得 歡 喜. No.27: Hiện thế an ổn, hân duyệt đa hạnh 現 世 安 隱 欣 悅 多. No.125 (39.1): ư hiện pháp trung thọ lạc vô cùng 於 現 法 中 受 樂 無 窮. Cả hai bản đều có nghĩa: "Được an ổn ngay trong đời hiện tại".

[4]. Tri pháp, tri nghĩa, tri thời, tri tiết, tri chúng, tri nhân thắng như 知 法 知 義 知 時 知 莭 知 眾 知 人 勝 如. Pāli: dhammaññū ca hoti atthaññū ca attaññū ca mattaññū ca kālaññū ca parisaññū ca puggalaparoparaññū ca.

[5]. Chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết nghĩa 正 經, 歌 詠, 記 説, 偈 他, 因 縁, 撰 録, 本 起, 此 說, 生 處, 廣 解, 未 曾 有, 說 義 Cả ba bản đều liệt kê mười hai bộ. Pāli chỉ có chín: suttaṃ geyyaṃ veyyākaraṇaṃ gāthaṃ udānaṃ ittivuttakaṃ jātakaṃ abbhutadhammaṃ vedallaṃ.

[6]. Hán: tri bỉ bỉ thuyết nghĩa, thị bỉ nghĩa, thị thử nghĩa 知 彼 彼 說 義, 是 彼 義, 是 此 義. Pāli: ayaṃ imassa bhāsitassa attho, ayaṃ imassa bhāsitassa, "Đây là ý nghĩa của điều được nói này. Đây là ý nghĩa của điều được nói này."

[7]. Hán: hạ tướng, cao tướng, xả tướng 下 相, 高 相, 捨 相. Tập dị 17 (Đại 26, tr.457b): tu chỉ tướng, tu cử tương, tu xả tướng. Pāli: ayaṃ kālo uḍessa, ayaṃ kālo paripucchāya, ayaṃ kālo yogassa, ayaṃ kālo paṭisallānassā. "Đây là thời để giảng thuyết; đây là thời để chất vấn; đây là thời để tu tập, đây là thời để tĩnh chỉ''. Trong bản Hán, đọc uddha(?) hay ucca (cao), thay vì uddesa (giảng giải).

[8]. Hán: tín, giới, văn, thí, tuệ, biện, a-hàm, sở đắc 信 戒 聞 施 慧 辯 阿 舍 所 得. Tập dị 17 (Đại 26, tr.457c): tín, giới, văn, xả, tuệ, giáo, chứng, niệm, tộc tánh, biện tài 信 戒 聞 捨 慧 証 念 族 姓 辯 扌. Pāli: saddha (tín), sīla (giới), suta (văn), cāga, (thí xả), paññā (tuệ), paṭibhāna (biện tài).

[9]. Hán: tri nhân thắng như 知 人 勝 如. Tập dị 17, đã dẫn: tri nhân thắng liệt 知 人 勝 劣.

[10]. Hán: hữu tín, hữu bất tín 有 信 有 不 信. Tập dị 17, đã dẫn: hơn kén về đức hạnh.

[11]. Hán: Tri pháp, tri nghĩa, hướng pháp, thứ pháp, tùy thuận ư pháp, như pháp hành chi 知 法, 知 義, 向 法, 隨 順 於 法, 如 法 行 之. Pāli: atthamaññāya dhammamaññāya dhammānudhammappaṭipanno, "sau khi tư duy về nghĩa, tư duy về pháp, rồi thực hành pháp và tùy pháp".

[12]. Hán: nhũ, lạc, sinh tô, thục tô, tô tinh 乳 酪 生 酥 熱 酥 酥 精. Pāli: khīra (sữa), dadhi (sữa đông hay sữa chua), takka (bơ lỏng, ¼ nước ), navanīta (bơ đặc), sappi (dầu bơ hay bơ tinh, đề hồ). Bản Pāli tương đương không có thí dụ này.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]