Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tạp A-hàm quyển 25 (640 - 641)

08/05/201317:22(Xem: 17409)
Tạp A-hàm quyển 25 (640 - 641)

Kinh Tạp A Hàm

Tạp A-hàm quyển 25 (640 - 641)

Tỳ kheo Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH 640. PHÁP DIỆT TẬN TƯỚNG[1]

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:

“Trong đời tương lai, nước Ma-thâu-la[2] này sẽ có con một thương nhân tên là Quật-đa[3]. Quật-đa có con tên là Ưu-ba-quật-đa[4], sau khi Ta diệt độ một trăm năm, sẽ làm Phật sự, là vị tối đệ nhất trong những vị thầy Giáo thọ. Này A-nan, ngươi có thấy cụm rừng màu xanh ở đàng xa kia không?”

A-nan bạch Phật:

“Thưa vâng, con đã thấy, bạch Thế Tôn!”

“A-nan, nơi đó gọi là núi Ưu-lưu-mạn-trà[5]. Sau khi Như Lai diệt độ một trăm năm, núi này có nơi A-lan-nhã là Na-tra-bạt-trí[6]. Nơi này thích hợp bậc nhất cho sự tịch tịnh vắng lặng.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nghĩ như vầy: ‘Nếu Ta đem giáo pháp phó chúc cho loài Người thì sợ rằng giáo pháp của Ta sẽ không tồn tại lâu dài. Nếu phó chúc cho loài Trời, thì cũng sợ rằng giáo pháp của Ta không tồn tại lâu dài và con người thế gian sẽ không có người nào nhận lãnh giáo pháp. Nay Ta nên đem Chánh pháp phó chúc cho cả Trời, Người. Chư Thiên và Người thế gian cùng nhau nhiếp thọ pháp, thì giáo pháp của Ta sẽ không bị dao động trong một ngàn năm.’

Khi ấy, Thế Tôn đang khởi tâm thế tục. Bấy giờ, Thiên đế Thích và bốn Đại Thiên vương biết tâm niệm của Phật, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, ngồi lui qua một bên.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Thiên đế Thích và Tứ thiên vương:

“Như Lai không còn bao lâu sẽ ở nơi Vô dư Niết-bàn mà vào Bát-niết-bàn. Sau khi Ta vào Bát-niết-bàn, các ông nên hộ trì Chánh pháp.”

Rồi Thế Tôn lại bảo Thiên vương phương Đông:

“Ông nên hộ trì Chánh pháp phương Đông.”

Lại bảo Thiên vương phương Bắc, phương Tây, phương Nam:

“Các ông nên hộ trì Chánh pháp ở phương Bắc… Sau một ngàn năm, khi giáo pháp của Ta bị diệt, ở thế gian sẽ xuất hiện phi pháp và mười điều lành ắt sẽ bị hoại. Trong cõi Diêm-phù-đề gió dữ sẽ bạo khởi, mưa không đúng thời, nhân thế phần nhiều đói kém. Mưa thì bị nạn mưa đá; sông rạch khô cạn, hoa quả thì không đậu; con người thì không còn nước da tươi sáng. Trùng thôn, quỷ thôn[7], tất cả đều bị tiêu diệt. Đồ ăn thức uống không còn mùi vị. Trân bảo chìm mất. Nhân dân ăn uống các loại cỏ thô nhám.

“Bấy giờ có Thích-ca vương, Da-bàn-na vương[8], Bát-la-bà vương[9], Đâu-sa-la vương[10], cùng nhiều quyến thuộc. Bát Phật, răng Phật, đảnh cốt của Như Lai được an trí ở phương Đông. Phương Tây có vua tên là Bát-la-bà, cùng trăm ngàn quyến thuộc, phá hoại chùa tháp, giết hại Tỳ-kheo. Phương Bắc có vua tên là Da-bàn-na cùng trăm ngàn quyến thuộc phá hoại chùa tháp, giết hại Tỳ-kheo. Phương Nam có vua tên là Thích-ca, cùng trăm ngàn quyến thuộc phá hoại chùa tháp, giết hại Tỳ-kheo. Phương Đông có vua tên là Đâu-sa-la cùng trăm ngàn quyến thuộc phá hoại chùa tháp, giết hại Tỳ-kheo. Bốn phương đều loạn, các Tỳ-kheo phải tập trung vào nước giữa.

“Lúc ấy, có vua nước Câu-diệm-di tên là Ma-nhân-đà-la-tây-na[11], sanh một người con, tay tựa thoa máu, thân như giáp trụ, có sức dũng mãnh. Cùng ngày sanh vương tử này, năm trăm đại thần cũng sanh ra năm trăm người con đều giống như vương tử, tay như thoa máu, thân như giáp trụ.

“Bấy giờ, nước Câu-diệm-di có một ngày mưa máu. Vua Câu-diệm-di thấy hiện tượng ác này thì vô cùng sợ hãi. Vua cho mời thầy tướng hỏi. Thầy tướng tâu vua:

“–Nay vua sanh con, người này sẽ làm vua cõi Diêm-phù-đề, sẽ giết hại nhiều người. Sanh con được bảy ngày đặt tên là Nan Đương. Theo năm tháng dần dần trưởng thành, bấy giờ bốn vua ác ở bốn nơi kéo đến, sát hại nhân dân.

“Vua Ma-nhân-đà-la-tây-na nghe việc này thì sợ hãi.

“Bấy giờ, có vị Thiên thần báo rằng:

“–Đại vương nên lập Nan Đương lên làm vua, thì mới có đủ khả năng hàng phục bốn vua ác kia.”

“Lúc ấy vua Ma-nhân-đà-la-tây-na vâng lời dạy của Thiên thần, liền nhường vương vị cho con, lấy hạt minh châu trong búi tóc, đặt lên đầu con mình. Tập hợp các đại thần, dùng nước thơm rưới lên đỉnh đầu con. Triệu tập những người con sanh cùng ngày của năm trăm đại thần, thân mặc giáp trụ, theo vua ra trận, đã chiến thắng và giết hại tất cả những người của bốn vua ác kia, làm vua cõi Diêm-phù-đề, cai trị nước Câu-diệm-di.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tứ đại Thiên vương:

“Tại nước Ba-liên-phất, sẽ có Bà-la-môn tên là A-kỳ-ni-đạt-đa[12], thông đạt kinh luận Tỳ-đà[13]. Bà-la-môn này sẽ cưới vợ, sau đó có chúng sanh trung ấm sẽ đến làm con. Lúc vào thai mẹ, người mẹ rất thích luận nghị cùng người. Bà-la-môn này liền hỏi các ông tướng. Thầy tướng trả lời rằng: ‘Vì chúng sanh ở trong thai này sẽ thông đạt tất cả các luận thuyết, cho nên khiến người mẹ sanh ra tâm ưa thích luận nghị với người như vậy.’ Như vậy, khi đủ ngày tháng, ra khỏi thai mẹ, trở thành một đồng tử thông đạt tất cả các thứ kinh luận. Thường dùng kinh luận để truyền dạy cho năm trăm người con Bà-la-môn; ngoài ra còn đem các thứ luận khác truyền dạy cho mọi người; dùng y phương dạy cho người học thuốc, nên có rất nhiều đệ tử như vậy. Vì có rất nhiều đệ tử nên gọi là ‘Đệ Tử’[14]. Sau đó cầu xin cha mẹ đi xuất gia học đạo. Cho đến khi cha mẹ đã chấp thuận ông xuất gia, ông liền xuất gia học đạo ở trong pháp của Ta, thông đạt ba tạng, thường khéo thuyết pháp, nói năng biện tài lưu loát, thu phục rất nhiều quyến thuộc.”

Lại nữa, Thế Tôn bảo Tứ đại Thiên vương:

“Trong ấp Ba-liên-phất này sẽ có đại thương chủ tên là Tu-đà-na[15], có chúng sanh trung ấm đến nhập thai mẹ. Chúng sanh kia khi vào thai mẹ, khiến cho người mẹ chất trực, nhu hòa, không có tâm niệm tà, các căn trầm lặng. Bấy giờ thương chủ liền hỏi các ông tướng. Thầy tướng trả lời rằng: ‘Vì chúng sanh ở trong thai cực kỳ lương thiện cho nên khiến cho người mẹ như vậy,… cho đến các căn trầm lặng.’ Đến khi đủ ngày tháng, đồng tử ra đời, đặt tên là Tu-la-tha; theo năm tháng trưởng thành. Cho đến một hôm đồng tử bộc bạch cùng cha mẹ, cầu xin xuất gia học đạo, cha mẹ đều đồng lòng. Đồng tử này xuất gia học đạo ở trong pháp của Ta, luôn nỗ lực siêng năng tu tập đạo nghiệp, chứng đắc lậu tận, chứng quả A-la-hán. Song ít học, ít muốn, biết đủ và ít biết. Luôn luôn sống nơi núi rừng, núi có tên là Kiền-đà-ma-la[16].

“Bấy giờ, vị Thánh nhân này thường đến nói pháp cho vua Nan Đương. Phụ vương của vua đã đến ngày bị vô thường mang đi. Nan Đương thấy cha qua đời, hai tay ôm lấy thi thể cha khóc lóc bi thảm, đau buồn thương tâm. Lúc ấy, vị Tam tạng này, dẫn theo nhiều tùy tùng đến chỗ vua, vì vua mà nói pháp. Sau khi vua nghe pháp xong, sầu não vơi đi, sanh lòng đại tín kính đối trong Phật pháp nên phát lời nguyẹân rằng: ‘Từ nay trở về sau, ta sẽ cúng dường cho các Tỳ-kheo không e sợ, vừa ý là vui.’ Rồi hỏi Tỳ-kheo:

“–Bốn vị vua bạo ác trước kia, đã hủy hoại Phật pháp bao nhiêu năm?

Các Tỳ-kheo đáp:

“–Trong vòng mười hai năm.

Nhà vua tâm nghĩ miêïng nói như sư tử rống:

“–Trong vòng mười hai năm ta sẽ cúng dường năm chúng, cho đến chuẩn bị mọi thứ để bố thí.

“Ngày vua bố thí trời sẽ mưa nước mưa thơm khắp cõi Diêm-phù-đề, tất cả các thứ cây trồng đều được tăng trưởng, dân chúng mọi nơi đều mang đồ cúng dường đến nước Câu-diệm-di để cúng dường Tăng chúng.

“Bấy giờ, các Tỳ-kheo nhận được sự cúng dường hậu hĩ. Các Tỳ-kheo ăn đồ của tín thí mà không đọc tụng kinh sách, không tát-xà vì người học kinh[17], hí luận cho hết ngày, nằm ngủ suốt đêm, tham đắm lợi dưỡng, thích trang điểm cho mình, thân mặc quần áo đẹp đẽ, tránh xa pháp lạc xuất yếu, tịch tĩnh, xuất gia cái vui của Tam-bồ-đề. Thân hình thì Tỳ-kheo, mà xa lìa công đức Sa-môn. Đó là kẻ đại tặc trong pháp Phật, kẻ đồng lõa phá hoại ngọn cờ Chánh pháp trong thời Mạt thế, dựng cờ ma ác; dập tắt ngọn đuốc Chánh pháp, đốt lên ngọn lửa phiền não; đập vỡ trống Chánh pháp, hủy hoại bánh xe Chánh pháp, làm khô biển Chánh pháp, làm đổ núi Chánh pháp, phá thành trì Chánh pháp, nhổ cây Chánh pháp, hủy diệt trí tuệ thiền định, cắt đứt chuỗi ngọc giới, làm nhiễm ô Chánh đạo.

“Bấy giờ, các loài Trời, Rồng, Quỷ, Thần, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, sanh lòng ác đối với các Tỳ-kheo, hủy nhục, mắng nhiếc, chán ghét xa lìa, không thân cận các Tỳ-kheo nữa. Mọi loài cùng thốt lên lời than: ‘Than ôi! Ác Tỳ-kheo như vậy thì không nên ở trong pháp của Như Lai.’ rồi nói kệ:

Làm hạnh ác, không tốt,
Làm các pháp tà kiến;
Những người ngu si này,
Làm đổ núi Chánh pháp.
Hành các giới pháp ác,
Bỏ các hạnh như pháp;
Xả các pháp thắng diệu,
Bỏ pháp Phật hiện tại.
Bất tín, không tự chế,
Thích làm các hạnh ác;
Hư ngụy lừa thế gian,
Đả phá pháp Mâu-ni.
Hủy hình tập việc ác,
Hung bạo và làm càn;
Dùng pháp lừa mọi người;
Sân hận, tự cao ngạo;
Tham đắm cầu lợi danh;
Không ác nào không làm.
Như pháp Phật đã dạy,
Dấu hiệu pháp tiêu mất,
Người nay ắt đã thấy,
Bị người trí khinh miệt.
Hiện tượng này đã hiện,
Biển Chánh pháp Mâu-ni
Không bao lâu khô cạn,
Nay Chánh pháp ít thấy;
Kẻ ác còn đến diệt,
Hủy hoại Chánh pháp ta.

“Bấy giờ, các loài Trời, Rồng, Thần đều lấy làm buồn, không còn ủng hộ các Tỳ-kheo nữa và cùng tuyên bố: ‘Pháp Phật sau bảy ngày nữa sẽ bị diệt tận.’ Họ cùng nhau thương khóc kêu gào và bảo nhau: ‘Đến ngày Tỳ-kheo thuyết giới họ cùng nhau đấu tranh, Chánh pháp Như Lai vì vậy mà bị tiêu diệt.’ Chư Thiên khóc lóc bi thương như vậy.

“Trong lúc đó, tại thành Câu-diệm-di có năm trăm Ưu-bà-tắc nghe chư Thiên nói những lời như vậy, cùng nhau đến giữa các Tỳ-kheo, ngăn cản các Tỳ-kheo đấu tranh và nói kệ rằng:

Than ôi! Năm kịch khổ,
Thương xót quần sanh sanh.
Nay pháp Phật sắp diệt,
Pháp vua Thích sư tử.
Ác luân hoại Pháp luân,
Như vậy, có kim cương;
Mới có thể không hoại.
Thời an ổn không còn;
Pháp nguy hiểm đã sanh;
Người minh trí đã qua;
Nay thấy tướng như vậy,
Nên biết không còn lâu.
Pháp Mâu-ni đoạn diệt,
Thế gian không sáng nữa.
Lời ly cấu, tịch diệt,
Mặt trời Mâu-ni lặn.
Người đời mất kho báu,
Thiện ác không khác nhau.
Thiện ác đã không phân,
Ai sẽ được Chánh giác?
Đèn pháp còn tại thế,
Kịp thời làm việc lành;
Vào ruộng phước vô lượng;
Pháp này ắt sẽ diệt.
Cho nên lũ chúng ta,
Biết của không bền chắc;
Kịp thời giữ lấy lõi.

“Đến ngày mười lăm lúc thuyết giới, Chánh pháp sẽ tiêu mất. Cũng trong ngày này, năm trăm Ưu-bà-tắc, tạo ra năm trăm tháp Phật trong cùng ngày. Lúc bấy giờ, các Ưu-bà-tắc bận công việc khác nên không tới lui trong chúng Tăng. Bấy giờ, A-la-hán Tu-la-tha[18] đang ở tại núi Kiền-đà-ma-la, ngài quán sát nơi nào trong ngày hôm nay ở cõi Diêm-phù-đề, có chúng Tăng thuyết giới. Ngài thấy có nước Câu-diệm-di đệ tử của Như Lai thuyết giới làm bố-tát; ngài liền đến Câu-diệm-di. Chúng Tăng nước này bấy giờ có đến trăm ngàn người; trong đó chỉ có một vị A-la-hán tên là Tu-la-tha. Lại có một vị Tam tạng tên là Đệ Tử. Đây là cuộc nhóm họp đại chúng cuối cùng của Như Lai. Bấy giờ, vị Duy-na hành thẻ sa-la[19], bạch Thượng tọa Tam tạng rằng:

“–Chúng Tăng đã họp, gồm trăm ngàn vị. Nay xin vì thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa.

“Lúc ấy vị Thượng tọa trả lời rằng:

“–Đệ tử của Như Lai ở cõi Diêm-phù-đề đều tập hợp nơi đây, gồm có trăm ngàn trong chúng này như vậy. Ta là Thượng tọa, đã thông đạt Tam tạng vẫn còn không học Giới luật, huống chi là những người khác mà có sở học! Nay sẽ thuyết Giới luật cho ai? Rồi nói kệ rằng:

Nay là ngày mười lăm,
Đêm vắng lặng, trăng tỏ;
Như vậy các Tỳ-kheo,
Nay họp nghe thuyết giới.
Tất cả chúng Tăng nhóm,
Diêm-phù-đề lần cuối.
Ta Thượng thủ trong chúng,
Không học pháp Giới luật.
Huống chi Tăng chúng khác,
Mà có chỗ học tập?
Sao giỏi pháp Mâu-ni,
Thích-ca sư tử vương?
Người nào có trì giới,
Người ấy mới nói được.

“Bấy giờ, A-la-hán Tu-la-tha đứng trước Thượng tọa, chắp tay thưa Thượng tọa rằng:

“–Thượng tọa, chỉ nói Ba-la-đề-mộc-xoa, như Đức Phật khi còn tại thế. Những pháp sở học của Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên cùng chúng Đại Tỳ-kheo, nay tôi cũng đã học hết. Như Lai tuy đã diệt độ đến nay đã ngàn năm, những Luật nghi mà Ngài đã chế lập, tôi cũng đã được đầy đủ.

Rồi nói kệ rằng:
Thượng tọa nghe tôi nói,
Tôi tên Tu-la-tha;
A-la-hán hết lậu,
Sư tử rống trong chúng.
Đệ tử thật Mâu-ni,
Các quỷ thần tin Phật
Nghe lời bậc Thánh dạy,
Buồn thương khóc rơi lệ.
Cúi đầu nghĩ pháp diệt,
Từ nay trở về sau,
Không có người nói pháp.
Tỳ-ni Biệt giải thoát.
Không còn tại thế gian.
Cầu pháp nay đã sập;
Nước pháp không còn chảy;
Biển pháp đã khô cạn;
Núi pháp đã sụp đổ.
Pháp hội tuyệt từ nay;
Cờ pháp không thấy nữa.
Chân pháp không đi lại.
Giới luật nghi mất luôn;
Đèn pháp không còn chiếu;
Bánh xe pháp không chuyển.
Cửa cam lộ bít kín.
Pháp sư không ở đời,
Người thiện nói diệu đạo;
Chúng sanh không biết thiện,
Không khác nào dã thú.

“Bấy giờ, Phật mẫu Ma-ha Ma-da Phu nhân từ trên Trời xuống, đến chỗ chúng Tăng kêu gào khóc lóc: ‘Than ôi, khổ thay! Đó là con của ta, đã từng trải qua a-tăng-kỳ kiếp tu các hạnh khổ, không màng gì đến việc lao thân khổ trí, tích đức thành Phật, mà hôm nay bỗng nhiên bị tiêu diệt!’, rồi nói kệ:

Tôi là thân mẫu Phật.
Con tôi từng khổ hạnh,
Trải qua vô số kiếp,
Cứu cánh thành Chánh đạo.
Khóc thương không kiềm được,
Nay pháp bỗng bị diệt.
Than ôi! Bậc Trí tuệ,
Hiện tại Ngài ở đâu,
Trì pháp bỏ tranh tụng?
Sanh ra từ miệng Phật;
Tối thượng trên các vua,
Đệ tử Phật chân thật.
Tu hạnh diệu Đầu-đà,
Đêm nghỉ nơi rừng sâu;
Thật sự con Phật vậy,
Hiện nay đang ở đâu?
Hiện tại ở thế gian,
Oai đức không hiện hữu.
Giữa núi rừng hoang vắng,
Các Thần đều im lặng.
Thí, giới, thương quần sanh,
Tin giới tự trang nghiêm;
Hạnh ngay thẳng, nhẫn nhục,
Quán sát pháp thiện ác:
Các thắng pháp như vậy,
Hiện nay bỗng biến mất!

“Bấy giờ, vị đệ tử của Thượng tọa kia nghĩ như vầy:

“–Tỳ-kheo Tu-la-tha tự nói: ‘Giới luật mà Đức Như Lai đã chế lập, ta giữ gìn đầy đủ.’

Lúc ấy, vị Thượng tọa này có người đệ tử tên là An-già-đà khởi lên tâm không nhẫn, phẫn hận cực độ, từ chỗ ngồi đứng dậy mạ nhục vị Thánh kia: ‘Ông là một Tỳ-kheo hạ tọa, ngu si, không trí mà dám hủy nhục Hòa thượng của tôi.’ Liền cầm dao bén giết vị Thánh kia. Rồi nói bài kệ:

Ta là An-già-đà,

Đệ tử của Thất-sa;

Dùng kiếm bén giết ngươi,

Tự bảo ‘Ta có đức’.

“Lúc này, có một con quỷ tên là Đại Đề-mộc-khư suy nghĩ rằng: ‘Thế gian chỉ có một vị A-la-hán này, mà bị tên đệ tử Tỳ-kheo ác giết hại.’ Liền dùng chày Kim cương bén, đầu chày lửa cháy rực, đánh vỡ đầu người này chết tại chỗ. Rồi nói bài kệ:

Ta là thần quỷ ác,
Tên Đại Đề-mộc-khư;
Dùng chày Kim cương này,
Chẻ đầu ngươi làm bảy.

Bấy giờ, đệ tử của vị A-la-hán, thấy người đệ tử Thượng tọa kia sát hại thầy mình, không kiềm được cơn tức giận nên giết vị Tam tạng. Lúc này, chư Thiên và loài Người đều bi thương kêu khóc: ‘Than ôi, khổ thay! Chánh pháp Như Lai hiện tại không còn nữa.’ Chợt cõi đất chấn rung động sáu cách, vô lượng chúng sanh sầu não cực độ, kêu gào khóc lóc: ‘Than ôi! Ngày nay Chánh pháp không còn hiện hữu ở đời.’ Than xong những lời này rồi mọi người giải tán.

“Bấy giờ, năm trăm Ưu-bà-tắc nước Câu-diệm-di nghe những lời này xong, đi vào chùa, đưa tay vỗ đầu, khóc lớn cao tiếng: ‘Than ôi! Như Lai thương xót thế gian, cứu giúp quần sanh không kể loài to lớn hay vi tế. Ai có thể vì chúng con mà nói nghĩa pháp? Từ nay Trời, Người không thể nào giải thoát được nữa. Chúng sanh ngày nay vẫn còn ở trong bóng tối, không có người dẫn đường; luôn luôn huân tập các thói ác và lấy đây làm vui thích như các loài dã thú mà không chịu nghe diệu pháp của Mâu-ni, để rồi khi thân hoại mạng chung đọa vào ba đường giống như sao rụng. Từ nay về sau người đời không còn nhớ đến trí tuệ tam-muội tịch tĩnh, pháp vi diệu thập lực.’

“Bấy giờ, vua Câu-diệm-di nghe các Tỳ-kheo giết hại chân nhân A-la-hán và Pháp sư Tam tạng, sanh lòng buồn thương, hãi hùng than thở ngồi im. Lúc ấy, bọn tà kiến tranh nhau đánh phá tháp miếu và hãm hại Tỳ-kheo, từ đó pháp Phật tan tác chóng tàn.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn, bảo Thích Đề-hoàn Nhân, bốn Đại Thiên vương, chư Thiên và Người đời:

“Sau khi Ta diệt độ, dấu hiệu diệt tận của pháp như trên đã nói. Cho nên, hiện tại các ông không thể không nỗ lực tinh tấn hộ trì Chánh pháp, để còn mãi tại thế gian.”

Lúc ấy chư Thiên và loài Người, sau khi nghe những gì Đức Phật đã dạy, mọi người đều tỏ ra thương cảm, dùng tay lau nước mắt, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi mọi người tự rút lui.

KINH 641. A-DỤC VƯƠNG THÍ BÁN A-MA-LẶC QUẢ NHÂN DUYÊN KINH[20]

Vua A-dục, đối với Pháp của Như Lai đạt được niềm tin kính sâu xa. Một hôm, vua hỏi các Tỳ-kheo:

“Đối trong pháp của Như Lai, ai là người thực hành bố thí nhất?”

Các Tỳ-kheo trả lời vua rằng:

“Trưởng giả Cấp Cô Độc, là người thực hành đại bố thí nhất.”

Vua lại hỏi:

“Ông bố thí bao nhiêu vật báu?”

Tỳ-kheo đáp:

“Có đến ức ngàn vàng.”

Vua nghe vậy, suy nghĩ như vầy: ‘Gia chủ kia còn có thể bỏ ra ức ngàn vàng. Nay ta là vua, vì lý do gì cũng lại bỏ ức ngàn vàng ra bố thí? Nên bỏ ra ức trăm ngàn vàng bố thí.’

Bấy giờ, vua cho khởi công xây dựng tám vạn bốn ngàn tháp Phật và trong mỗi tháp này lại bỏ ra ngàn trăm vàng để cúng. Lại cứ năm năm tổ chức đại hội một lần. Mỗi hội có ba trăm ngàn vị Tỳ-kheo. Dùng ba trăm ức vàng cúng dường vào trong chúng Tăng đó. Phần thứ nhất là A-la-hán. Phần thứ hai là những vị hữu học. Phần thứ ba là những phàm phu chân thật. Trừ kho tàng riêng ra, vật gì ở Diêm-phù-đề này; gồm phu nhân, thể nữ, thái tử, đại thần, đều có thể đem cúng dường cho Thánh tăng, rồi dùng bốn mươi ức tiền vàng chuộc chúng trở lại. Như vậy mà tính toán cho đến dùng hết chín mươi sáu ức ngàn tiền vàng.

Cho đến một hôm, vua bị bệnh nặng. Vua tự biết thân mạng mình sắp kết thúc. Lúc ấy có đại thần tên là La-đà-quật-đa[21], kiếp trước là đứa trẻ đồng bạn với vua, khi vua cúng dường nắm đất cho Phật. Bấy giờ, đại thần La-đà-quật-đa thấy vua đang bị bệnh nặng mạng sắp lâm chung, cúi đầu hỏi vua bằng kệ:

Dung mạo luôn tươi tốt,
Trăm ngàn nữ vây quanh;
Giống như những đóa sen,
Ong mật tụ tập lại.
Nay nhìn dung nhan vua,
Không còn tươi thắm nữa.
Vua liền dùng kệ đáp:
Nay ta không còn lo
Mất tiền tài, vương vị.
Thân này cùng người thân,
Và các thứ châu báu.
Nay ta chỉ có buồn
Không còn thấy Hiền thánh
Để cúng dường tứ sự.
Nay ta chỉ nghĩ thế,
Nên nhan sắc biến đổi,
Tâm ý lại không an.

“Lại nữa, sở nguyện của ta là muốn dùng hết ức trăm ngàn tiền vàng để làm công đức. Nhưng nay nguyện chưa thành, phải để lại đời sau. Nếu đem cả vàng bạc trân báu đã đem ra cúng dường mà tính góp lại trước sau, thì chỉ thiếu có bốn ức là chưa đủ.”

Vua liền chuẩn bị các thứ trân bảo gởi cúng vào chùa Kê tước[22]. Con của Pháp Ích tên là Tam-ba-đề[23] được lập lên làm thái tử.

Các đại thần thưa thái tử rằng:

“Chẳng còn bao lâu, Đại vương sẽ qua đời. Nay đem các thứ trân báu này gởi cúng vào chùa, trong khi của cải vật báu trong kho đã hết sạch. Theo pháp của các vua thì lấy vật làm trọng. Vậy nay thái tử nên xét lại việc này, không nên để Đại vương dùng hết.”

Bấy giờ, thái tử ra lệnh cho người giữ kho, không được xuất vật báu ra cho Đại vương dùng nữa. Lúc này nhà vua tự biết là những vật mà mình đòi hỏi sẽ không được nữa, nên đem đồ đựng thức ăn bằng vàng cúng vào cho chùa. Thái tử ra lệnh không cung cấp đồ đựng bằng vàng, mà cung cấp đồ bằng bạc. Sau khi vua ăn xong lại gởi cúng vào cho chùa. Lại không cung cấp đồ đựng bằng bạc, mà cung cấp đồ bằng đồng. Vua cũng đem đồ này gởi cúng vào cho chùa. Lại không cung cấp đồ đồng, mà cung cấp đồ gốm. Lúc này trong tay nhà vua chỉ có nửa trái a-ma-lặc[24], lòng buồn thương rơi lệ, vua bảo các đại thần:

“Hiện nay, ai là chủ đất này?”

Bấy giờ, các đại thần bạch Đại vương:

“Vua là chủ đất này.”
Nhà vua liền dùng kệ đáp:
Các ngươi hộ tâm ta,
Tại sao lại nói dối?
Ta đang ở vương vị,
Lại không được tự tại!
Nửa trái A-ma-lặc,
Đang ở trong tay ta;
Nó là vật của ta,
Ở đây được tự do.
Phú quý đáng chán bỏ,
Than ôi! Lại tôn trọng!
Xưa cai trị Diêm-phù,
Nay bỗng dưng nghèo hèn.
Như sông Hằng cuộn trôi,
Một đi không trở lại;
Phú quý cũng như vậy,
Qua rồi không trở lại.
Vua lập lại bài kệ như Phật đã dạy:
Phàm thịnh ắt có suy,
Vì suy là cứu cánh.
Nên Như Lai nói vậy,
Chân thật không sai khác.
Những lời dạy trước đây,
Nay tức thì thông suốt.
Nay có điều cầu cạnh,
Lại không vâng lời ta.
Như gió bị núi ngăn,
Như nước bị bờ cản;
Nay giáo lệnh của ta,
Từ đây tuyệt vĩnh viễn.
Theo sau, vô lượng chúng,
Đánh trống thổi loa ốc;
Thường chơi các kỹ nhạc,
Thụ hưởng vui năm dục.
Thể nữ hàng trăm người,
Ngày đêm ta khoái lạc;
Hôm nay đều không còn,
Như cây không hoa trái.
Tướng mạo dần khô kiệt,
Sắc lực cũng như vậy;
Như hoa dần héo tàn,
Nay ta cũng như vậy.

Bấy giờ, vua A-dục bảo người hầu rằng:

“Nay ngươi, nếu còn nhớ ân nuôi dưỡng của ta, thì ngươi hãy đem nửa trái A-ma-lặc này gởi cúng vào cho chùa Kê tước, thay ta lễ bái sát chân các Tỳ-kheo Tăng, thưa rằng: ‘Vua A-dục hỏi thăm các vị đại Thánh, tôi là A-dục vương, thống lãnh cõi Diêm-phù-đề này; tất cả mọi sở hữu của tôi ở cõi Diêm-phù-đề, ngày nay bỗng dưng mất hết, không còn của quý nào để cúng dường cho chúng Tăng nữa. Đối với tất cả mọi thứ của cải, tôi không còn được tự tại, nay chỉ có nửa trái A-ma-lặc này là tôi được tự do. Đây là lần cuối cùng bố thí ba-la-mật, xin thương xót tôi mà thu nhận sự cúng dường này, khiến tôi được phước khi cúng dường chúng Tăng.’”

Rồi nói kệ rằng:
Nửa trái A-ma-lặc,
Đây, sở hữu của ta;
Được tự tại đối ta,
Nay cúng dường đại chúng.
Tâm hướng về Thánh chúng,
Không ai khác giúp ta.
Xin thương xót cho ta,
Nhận lấy A-ma-lặc.
Vì ta ăn quả này,
Nhờ phước vô lượng này;
Đời đời được diệu lạc,
Dụng không bao giờ hết.

Bấy giờ, người sứ giả kia, nhận lệnh của vua rồi, liền đem nửa trái A-ma-lặc đi vào chùa Kê tước, đến trước Thượng tọa, năm vóc gieo xuống đất làm lễ, quỳ gối chắp tay hướng lên Thượng tọa mà nói kệ rằng:

Người thống lãnh Diêm-phù,
Một lọng, một tiếng trống;
Đi dạo không chướng ngại,
Như trời chiếu thế gian.
Báo nghiệp hành đã đến,
Ở đời chẳng còn lâu;
Vua không còn uy đức,
Như mây che mặt trời.
Vua hiệu là A-dục,
Cúi đầu lễ chân Tăng;
Gởi cúng dường vật này,
Nửa trái A-ma-lặc.
Nguyện cầu phước đời sau,
Xin vì vua, thương xót;
Thánh chúng vì thương vua,
Nhận nửa trái cúng dường.

Bấy giờ, vị Thượng tọa kia bảo Đại chúng:

“Ai nghe những lời này mà không nhàm chán thế gian? Chúng ta nghe việc này, không thể không sanh nhàm chán, xa lìa. Như kinh Phật đã dạy: ‘Thấy sự suy giảm của người, nên sanh ra nhàm chán, xa lìa.’ Nếu chúng sanh hiểu biết khi nghe việc này há không thể từ bỏ thế gian được sao?” Rồi nói kệ rằng:

Người trong đời, vua nhất,
A-dục dòng Khổng Tước;
Tự tại Diêm-phù-đề,
Làm chủ A-ma-lặc.
Thái tử cùng các thần,
Đoạt vật vua bố thí;
Gởi nửa A-ma-lặc,
Hàng phục người tiếc của.
Khiến họ sanh tâm chán,
Người ngu không biết thí;
Được diệu lạc nhân quả,
Chỉ cúng nửa Ma-lặc.

Lúc ấy vị Thượng tọa nghĩ như vầy: ‘Làm thế nào để đem nửa trái A-ma-lặc này chia đều cho khắp tất cả chúng Tăng được?’ Sau đó bảo đem nghiền nát, bỏ vào trong nồi nấu lên, làm vậy xong tất cả chúng Tăng đều được chia đủ cả.

Bấy giờ, vua lại hỏi vị đại thần bên cạnh rằng:

“Ai là vua cõi Diêm-phù-đề?”

Đại thần thưa vua rằng:

“Chính Đại vương.”

Lúc ấy vua đang nằm ngồi dậy, quay nhìn bốn phía, chắp tay làm lễ cảm niệm ân đức chư Phật, lòng nghĩ miệng nói: ‘Nay ta đem cõi Diêm-phù-đề này cúng dường cho Tam bảo, tùy ý sử dụng.’ Rồi nói kệ rằng:

Nay, Diêm-phù-đề này,
Nhiều trân bảo trang sức;
Cúng cho ruộng phước lành,
Tự nhiên được quả báo.
Đem công đức bố thí này,
Chẳng cầu Thiên đế Thích;
Phạm vương cùng nhân chủ,
Các diệu lạc thế giới.
Những quả báo như vậy,
Tôi đều không thụ dụng;
Nhờ công đức thí này,
Mà mau thành Phật đạo.
Nơi tôn ngưỡng cho đời,
Thành được Nhất thiết trí;
Làm bạn lành thế gian,
Là Đạo sư bậc nhất.

Bấy giờ, nhà vua đem những lời này viết lên trên giấy rồi phong kín lại, dùng răng cắn vào làm dấu ấn. Sau khi làm xong việc này, nhà vua qua đời.

Bấy giờ, thái tử cùng các quần thần, cung nhân thể nữ, nhân dân trong nước dâng các thứ cúng dường, tống táng theo nghi thức của quốc vương, mà làm lễ trà tỳ.

Lúc này, các đại thần muốn lập thái tử lên nối ngôi vị vua, nhưng trong triều có một đại thần tên là A-nậu-lâu-đà, nói với các quần thần rằng:

“Không được lập thái tử lên làm vua. Vì sao? Vì Đại vương A-dục lúc còn sanh tiền, vốn có nguyện đem mười vạn ức tiền vàng, làm công đức, nhưng còn thiếu bốn ức nữa, chưa đủ mười vạn. Vì muốn cho đủ số, nên nay cõi Diêm-phù-đề này đã được xả cúng cho Tam bảo. Nay đại địa này thuộc về Tam bảo, làm sao mà lập làm vua được?”

Sau khi các đại thần nghe vậy, liền đem bốn ức tiền vàng cúng vào cho chùa, sau đó liền lập con của Pháp Ích lên làm vua tên là Tam-ba-đề. Kế đến nối tiếp vương vị là thái tử Tỳ-lê-ha-ba-đê[25]; nối tiếp vương vị Tỳ-lê-ha-ba-đê là thái tử Tỳ-lê-ha-tây-na[26]; nối tiếp vương vị Tỳ-lê-ha-tây-na là thái tử Phất-sa-tu-ma[27]; nối tiếp vương vị Phất-sa-tu-ma là thái tử Phất-sa-mật-đa-la[28]. Bấy giờ Phất-sa-mật-đa-la hỏi các vị đại thần rằng:

“Ta phải làm những việc gì để khiến cho danh đức của ta tồn tại mãi ở thế gian?”

Lúc ấy, những vị hiền thần tin ưa Tam bảo thưa vua rằng:

“Đại vương A-dục là Quốc vương đầu tiên của dòng họ. Khi còn sống, vua cho xây dựng tám vạn bốn ngàn tháp Như Lai và phát tâm cúng dường đủ thứ, chính danh đức này lưu truyền mãi đến hôm nay. Nếu nhà vua muốn cầu danh đức này thì cũng phải cho tạo lập tám vạn bốn ngàn tháp và các thứ cúng dường.”

Nhà vua nói:

“Vì Đại vương A-dục có oai đức lớn nên có khả năng thực hiện được những việc làm này, ta thì không thể nào làm được, hãy nghĩ đến việc khác đi.”

Trong đó, có vị nịnh thần gian ác, không có lòng tin, tâu vua:

“Thế gian có hai loại pháp lưu truyền mãi ở đời không dứt: Một là làm lành, hai là làm ác. Đại vương A-dục đã làm các hạnh lành, thì nay vua nên làm các hạnh ác như phá hoại tám vạn bốn ngàn tháp.”

Lúc này vua nghe theo lời vị nịnh thần, lập tức cho khởi bốn binh chúng đi đến các chùa chiền phá hoại các tháp thờ. Trước hết vua đi vào chùa Kê tước, liền bị con sư tử đá trước cổng chùa rống lên, làm cho vua vô cùng kinh hoàng sợ hãi khi nghe nó và tự nghĩ: ‘Không phải là loài thú thật, mà có thể rống lên được sao?’ Vua trở về trong thành. Ba lần như vậy, nhà vua muốn phá hoại chùa này.

Bấy giờ, vua cho gọi các Tỳ-kheo lại và hỏi các Tỳ-kheo:

“Ta phá hoại tháp là thiện hay là pháp hoại Tăng phòng là thiện?”

Tỳ-kheo đáp:

“Không nên làm cả hai. Nếu vua muốn phá hoại chúng, thì thà phá hoại Tăng phòng, chớ nên phá hoại tháp Phật.”

Lúc ấy vua sát hại các Tỳ-kheo, cùng phá hoại các tháp thờ và như vậy dần dần cho đến nước Bà-già-la. Lại ra sắc lệnh: ‘Nếu có người nào mang được đầu Sa-môn Thích tử đến, sẽ được thưởng ngàn tiền vàng.’

Bấy giờ, trong nước này có một vị A-la-hán hóa ra rất nhiều đầu Tỳ-kheo cho mọi người mang đến chỗ vua, làm cho của báu trong kho tàng nhà vua đều cạn hết. Khi nhà vua nghe vị A-la-hán đã làm những việc như vậy, thì càng nổi giạân hơn, muốn giết vị A-la-hán này. Lúc này, vị A-la-hán vào định Diệt tận nên nhà vua dùng vô lượng cách để sát hại vị Thánh nhân này, rốt cuộc cũng không thể được. Vì ngài vào định Diệt tận nên không thể làm tổn thương thân thể ngài được và như vậy vua tiến dần đến cửa tháp Phật. Ở trong tháp này có một vị quỷ thần đang ở để bảo vệ tháp Phật tên là Nha Xỉ[29]. Vị quỷ thần này nghĩ rằng mình là đệ tử của Phật, vì thọ trì giới cấm không sát hại chúng sanh, nên nay mình không thể giết hại nhà vua được. Lại nghĩ: ‘Có một vị thần tên là Trùng[30], mạnh mẽ hung bạo, thường làm các việc ác, cầu kết hôn con gái ta, ta không chịu. Nay vì để bảo vệ Chánh pháp nên phải gả cho nó, khiến nó bảo hộ pháp Phật.’ Liền kêu vị thần kia bảo rằng:

“Nay ta gả con gái cho ngươi, song cùng lập giao ước là ngươi phải hàng phục vị vua này, chớ để ông ta tạo ra các việc ác, hoại diệt Chánh pháp.”

Lúc này chỗ vua lại có một vị đại quỷ thần tên là Ô-trà, vì oai đức đầy đủ nên vị thần kia không thể làm gì vua được. Lúc này thần Nha Xỉ muốn tìm cách hủy diệt sức mạnh tự nhiên hiện tại của vua do vị thần này mang lại. Nay ta nên giả làm thân với hắn và như vậy cùng làm bạn tri thức với vị thần kia. Sau khi kết bạn tri thức thân nhau rồi, liền dẫn vị thần này đến giữa biển lớn phương Nam. Lúc đó thần Trùng mới sang dẹp núi lớn, xua đuổi bức bách từ trên vua cho đến bốn binh chúng không ai là không chết hết. Dân chúng đều reo hò: ‘Sướng thay, sướng thay!’ và người đời cùng truyền nhau từ ‘sướng thay’ này.

Nhà vua này mất rồi, dòng dõi Khổng tước vĩnh viễn cáo chung từ đây. Cho nên sự giàu sang, sung sướng ở thế gian không đáng để tham. Đại vương A-dục là người có trí, giác ngộ cuộc đời là vô thường, thân mạng khó mà bảo tồn, của cải của năm nhà cũng như huyễn hóa. Khi đã giác ngộ được điều này rồi, thì phải nỗ lực tinh tấn tạo các thứ công đức, cho đến lúc mạng chung tâm luôn nhớ đến Tam bảo, niệm niệm không gián đoạn, không có gì phải luyến tiếc, chỉ có nguyện thành tựu rốt ráo Vô thượng, Chánh đẳng Chánh giác thôi.




CHÚ THÍCH

[1]. Nguyên Đại Chánh quyển 25, gồm hai kinh, số 640-641, học giả hiện đại đoán định không thuộc Tạp A-hàm. Quốc Dịch đưa xuống quyển 50, tiếp theo A-dục vương nhân duyên (Xem kinh số 604). Phật Quang đưa vào Phụ lục 2. Về kinh số 640, tham chiếu, Đại 12 No383 Ma-ha Ma-da kinh. Đại 13, No397 Đại Tập kinh, “15. Nguyệt tạng phần, phẩm 20. Pháp diệt tận”. Đại 49, No2028 Ca-đinh Tỳ-kheo Thuyết Đương Lai Biến kinh. Đại 49, No2029 Ca-chiên-diên Thuyết Pháp Một Tận Kệ. Đại 50,No2042 A-dục vương kinh; Đại 27, No1545 Đại Tỳ-bà-sa quyển 183, tr. 918a.

[2]. Ma-thâu-la 摩偷羅, xem cht.11, kinh 36.

[3]. Quật-đa 掘多, xem kinh 604, âm là Cù-đa.

[4]. Ưu-ba-quật-đa 優波掘多, xem cht.32, kinh 604.

[5]. Ưu-lưu-mạn-trà 優留曼茶, xem cht.34 kinh 604.

[6]. Na-tra-bạt-trí 那吒跋置, xem cht.35 kinh 604, âm là Na-trà-bà-đề.

[7]. Quỷ thôn 鬼村 chỉ các loại thảo mộc. Skt.: bhūtagrāma.

[8]. Da-bàn-na 耶槃那. Skt. yavana, nguyên chỉ người Hy-lạp. Về sau, chỉ người Hồi giáo.

[9]. Bát-la-bà 缽羅婆.

[10]. Đâu-sa-la 兜沙羅. Skt. Tukhāra, chỉ người Nhục-chi, ở Tây vực Trung quốc, xâm chiếm Tây bắc bộ Ấn độ.

[11]. Câu-diệm-di Ma-nhân-đà-la-tây-na 拘睒彌摩因陀羅西那; A-dục vương truyện nói là Đại Quan. Skt. KosambiMahenaresena.

[12]. A-kỳ-ni-đạt-đa 阿耆尼達多. Skt. Agnidatta.

[13]. Tỳ-đà kinh luận 比陀經論, chỉ các kinh điển thuộc Veda.

[14]. Đệ Tử 弟子, A-dục vương truyện gọi là “Đa Đệ Tử”.

[15]. Tu-đà-na 須 須陀那. Skt. Sudhana?

[16]. Kiền-đà-ma-la 揵陀摩羅. Skt. Gandhamālya? Xem Câu-xá 11 (Đại 29, tr.58a): Hương túy sơn 香醉山 Skt. Gandhamādana.

[17]. Hán: bất tát-xà vị nhân thọ kinh 不薩闍為人受經. Đại-tỳ-bà-sa 183: bất lộc độc xứ tĩnh lự tư duy 不祿獨處靜慮思性: không thích một mình ở chỗ vắng vẻ tu thiền.

[18]. Đại Chánh: Tu-la-tha 修羅他. Bản Minh: Tu-la-đà 修羅陀.

[19]. Hành sa-la trù 行沙羅籌: phát thẻ tre và đếm, một hình thức kiểm danh hay lấy biểu quyết tập thể giữa Tăng. Skt. Śalākā.

[20]. Kinh nói về nhân duyên vua A-dục bố thí nửa trái A-ma-lặc (quả xoài). Xem cht.1 kinh 640. Tham chiếu kinh số 604 (Đại Chánh, quyển 23).

[21]. La-đà-quật-đa 羅陀崛多. Skt. Rādhagupta.

[22]. Kê tước tự 雞雀寺. Skt. Kurkuṭārāma.

[23]. Tam-ba-đề 三波提. Skt. Sampadī, cháu nội của vua A-dục.

[24]. A-ma-lặc 阿摩勒. Skt. āmalaka, quả xoài.

[25]. Tỳ-lê-ha-ba-đê 毘梨訶波低. Skt.Bṛhaspati.

[26]. Tỳ-lê-ha-tây-na 毘梨訶西那. Skt. Vṛṣhasena.

[27]. Phất-sa-tu-ma 沸沙須摩. Skt. Puṣyadharma.

[28]. Phất-sa-mật-đa-la 沸沙蜜多羅. Skt. Puṣyamitra.

[29]. Nha Xỉ 牙齒. Skt. Daṃṣṭrānivāsī-yakṣa.

[30]. Trùng 蟲. Skt. Kṛmiśa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]