Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Phát Bồ đề Tâm Luận (Thệ nguyện phẩm thứ ba)

07/05/201312:44(Xem: 8594)
4. Phát Bồ đề Tâm Luận (Thệ nguyện phẩm thứ ba)

Thệ nguyện phẩm thứ ba

Luận nói:Bồ tát phải như thế nào mà phát tâm đắc quả Bồ đề, và do đâu mà hạnhh nghiệp được thành tựu Đạo Bồ đề?

Hàng Bồ Tát khi phát Tâm trụ được Càn-huệ-địa, trước hết tâm phải kiên cố, phát Đại chánh nguyện, nhiếp thọ tất cả vô lượng chúng sanh, rằng: Ta nay cầu Vô thượng Bồ đề để cứu hộ độ thoát chúng sanh, không để thiếu sót, đều khiến cho tất cả rốt ráo vào địa vị Vô dư niết bàn.

Cho nên, sơ phát Tâm Bồ đề, hàng Bồ tát phải do tâm đại bi làm đầu, do Đại bi tâm nên hay phát chuyển Thập thắng Đại chánh nguyện. Những gì gọi là mười ?

1/ Ta nguyện từ thân đời trước, đến thân đời này, đã làm các thiện căn, đều đem các thiện căn hồi hướng cho tất cả vô lượng chúng sanh, cùng nhau hướng về quả Vô Thượng Bồ đề. Nguyện cho tâm niệm, nguyện lực cho chúng ta luôn luôn tăng trưởng, đời đời phát huy, thường giữ niệm tại tâm, trọn chẳng quên mất. Tâm niệm, nguyện lực ấy cũng như Đàlani (tổng trì) thường phải thủ hộ.

2/ Chúng ta nguyện hồi hướng đến đạo quả Đại Bồ đề, do thiện căn này đối với tất cả chúng sanh,ở bất cứ nơi nào, thường đến cúng dường tất cả chư Phật, chẳng sanh về các quốc độ không có Phật.

3/ Chúng ta nguyện sanh vào quốc độ của chư Phật. rồi, thường được thân cận, thường xuyên có mặt hai bên, như bóng theo hình, không sát na nào vắng mặt xa rời chư Phật.

4/ Chúng ta nguyện được thân cận chư Phật rồi, tùy theo thu cầu khế hợp, mà chư Phật, thuyết pháp cho chúng ta nghe, nghe rồi thành tựu Bồ Tát đạo, đắc ngũ thần thông.

5/ Ta nguyện thành tựu Bồ tát ngũ thông rồi, lại thông đạt thế đế, dẫu cho danh xưng được lưu bố, giai liễu đệ nhứt nghĩa đế, đắc Như-thật-tánh, và Chánh-pháp-trí.

6/ Ta nguyện được chánh-pháp-trí rồi, do tâm không mệt mỏi (vô yếm tâm) vì chúng sanh mà nói pháp khai thị, khiến cho lợi ích và đều giải thoát.

7/ Ta nguyện đủ khả năng khai thị giải thoát cho chúng sanh rồi, nương vào thần lực chư Phật, đến khắp mười phương vô lượng thế giới cúng dường chư Phật, thỉnh thọ Chánh Pháp, rộng độ chúng sanh

8/ Ta nguyện khi thính thọ Chánh pháp của chư Phật rồi, tức đủ khả năng tùy theo căn cơ chúng sanh mà chuyển khai thanh tịnh pháp luân (chuyển pháp luận thanh tịnh), đến mười thế giới, tất cả chúng sanh nghe ta thuyết pháp, nghe danh tự ta, liền được xả ly tất cả phiền não, phát Tâm Bồ đề.

9/ Ta nguyện, khi đã khiến cho chúng sanh phát tâm Bồ đề rồi, thường thường gần gũi hộ trì chúng sanh, khiến trừ những điều bất thiện, đem đến vô lượng an lạc, xả bỏ thân mạng tài bảo nhiếp thọ chúng sanh, gánh vác Chánh Pháp.

10/ Ta nguyện khi được gánh vác chúng sanh rồi, tuy thực hành Chánh pháp, mà tâm vô-sở-hành. cũng như chư Bồ tát thực hành chánh pháp, mà vô-sở-hành, cũng lại là vô sở bất hành.Vì giáo hóa chúng sanh nên không rời bỏ Chánh nguyện, đó là hàng Bồ tát phát tâm Bồ đề thành tựu Thập Đại nguyện. Thập Đại nguyện này biến khắp chúng sanh giới, nhiếp thọ tất cả hằng sa chư nguyện lực. Nếu chúng sanh giới tận thì đại nguyện của ta mới hết, mà chúng sanh giới thật không thể hết, cho nên đại nguyện của ta cũng không cùng.

Lại nữa, BỐ THÍ, là chánh nhơn phát Tâm Bồ đề, vì nhiếp thủ tất cả chúng sanh vậy .

TRÌ GIỚIlà chánh nhơn phát Tâm Bồ đề, vì cụ túc thiện pháp, đầy đủ bổn nguyện này.

NHẪN NHỤClà chánh nhơn phát Tâm Bồ đề, vì thành tựu 32 tướng hảo, và 80 tùy hình hảo vậy.

TINH TẤN, là chánh nhơn phát Tâm Bồ đề, vì tăng trưởng thiện hạnh, đối với chúng sanh khuyến hóa tu tập vậy.

THIỀN ĐỊNHlà chánh nhơn phát tâm Bồ đề, vì tự mình điều phục tâm tư của chúng sanh.

TRÍ TUỆlà chánh nhơn Bồ đề tâm, vì đầy đủ trí huệ nên biết rõ chánh tướng của các pháp.

Tóm lại, mà nói đó, Lục Độ Ba la mật là chánh nhơn Bồ đề, Tứ vô lượng tâm, 37 phẩm trợ đạo, và vạn thiện chư hành, tương ứng hòa hợp phù trợ mà thành Đạo Bồ đề vậy.

Cho nên, nếu Bồ tát tu tập Lục Độ Ba la mật, tùy theo pháp hạnh dó, mà dần dần đắc cận quả A nậu đa tam miệu tam Bồ đề.

Chư phật tử, người cầu Đạo Bồ đề, tâm hành không được phóng dật, khi tâm hạnh phóng dật thì hư hoại thiên căn. Nếu Bồ tát chế phục lục căn không cho phóng dật, tất người đó đã tu tập sáu Pháp Ba la mật vậy. Hàng Bồ tát phát tâm, trước phải kiến lập quyết định, chí thành lập thệ nguyện, hành giả trọn không phóng dật, giải đãi, kiêu mạn, Vì cớ sao?

Khi lập quyết định, thệ nguyện có năm pháp chấp trì:

1/ Phát tâm phải cho kiên cố

2/ Phải thường ngăn ngừa và diệt trừ phiền não

3/ Phải ngăn ngừa tâm phóng dật.

4/ Phải phá trừ ngũ cái.

5/ Tinh tấn tu.tập sáu Pháp ba la mật. Vì sáu Pháp này như chư Phật đã tán thán:

Như Lai Đại Trí Tôn

Hiển thuyết công đức chứng,

Nhẫn, Huệ phước nghiệp lực,

Thệ nguyện lực tối thắng.

Tạm dịch:

Đấng Như Lai bậc Đại trí đáng tôn kính,

Nói rõ các công đức đã tu chứng

Nhẫn nhục, Trí huệ, Phước nghiệp lớn,

Thệ nguyện lực, là Pháp tối thắng.

Làm thế nào lập thệ nguyện?

Nếu có người lúc bấy giờ đến nơi ta cầu xin cácthứ cho được, thì chúng ta phải tùy theo sự mong cầu của họ mà bố thí giúp đỡ. Bố thí như vậy, cho đến không khởi lên một niệm sẽn tiếc. Nếu tâm ta khởi niệm ác (tiếc rẽ), dù chỉ trong thời gian một cái khảy móng tay, rằng lấy sự ấy bố thí làm nhơn duyên cầu được quả báo an vui. Thì ta (Luận chủ) liền chê trách, cho đến 10 thế giới vô lượng vô biên A tăng kỳ chư Phật hiện tại, và chư Phật vị lai cũng chê trách, người ấy quyết định bất thành A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Nếu chúng ta THỌ TRÌ CẤM GIỚI, cho dẫu mất thân mạng, kiến lập tịnh tâm, thề không cải hối (hối tiếc việc tu tập).

Nếu ta tu tập PHÁP NHẪN NHỤC, có người đến xâm hại cho đến họ cắt xẻo thân ta, thì cùng phải giữ lòng từ ái, thề không khởi tâm sân hận ngăn ngại. Nếu ta tu tập Pháp TINH TẤN gặp cảnh cơ khát bức ngặt, nóng lạnh trái mùa, cho đến lúc các tai nạn, như vương tặc, thủy hỏa, sư tử hổ lang, cho đến những nơi không nước uống, không cơn ăn, cũng phải giữ tâm vững bền, thề không thối chuyển đạo nghiệp. Nếu ta phát tâm tu tập THIỀN ĐỊNH, đến nơi ngoại cảnh nhiễu loạn, cũng phải nhiếp tâm, chớ để dao động. Phải giữ tâm thật kiên cố, nhứt niệm tại cảnh, thề chẳng vọng khởi phi pháp loạn tưởng. Nếu ta tu tập PHÁP TRÍ HUỆ, quán sát « nhứt thiết pháp như thật tánh », tùy thuận Pháp mà thọ trì, đối với các khổ bất thiện. Với Pháp hữu vi, vô vi, cho đến pháp sanh tử Niết bàn, chẳng khởi nhị kiến. Nếu bấy giờ tâm ta sanh hối hận, sân si, thối tâm, quên lảng, loạn tưởng khởi lên nhị kiến, dù chỉ trong thời gian khảy móng tay, liền phải dùng Giới, Nhẫn, Tinh tấn, Thiền định, mà cầu được tịnh báo. Như vậy, ta (Luận chủ) cũng chê trách, cho đến 10 phương thế giới vô lượng vô biên A tăng kỳ chư Phật hiện tại, chư Phật vị lai cũng chê trách, mà người kia trọn không thành quả vị A Nậu đa la tam miệu Tam bồ đề.

Cho nên, nếu có Bồ tát nương vào Thập Đại nguyện, thọ trì chánh pháp, thực hành theo LỤC ĐẠI THỆ NGUYỆN (sáu Balamật), tức ngăn ngừa tâm hành phóng dật, tất phải tinh cần, tu học Pháp lục Ba la mật, tất sẽ thành tựu quả vị VôThượng chánh đẳng chánh giác vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]