- Lời Tựa
- Sơ Lược Tiểu Sử Thầy Thích Trí Châu
- Mở Đầu
- Tiểu Sử Bồ Tát Thế Thân
- Duy Thức Tam Thập Tụng
- Ba Mươi Bài Tụng Duy Thức
- Chương I Các Thức Năng Biến Trong Duy Thức Học
- Chương II Đại Cương Về A Lại Da Thức
- Chương III Đặc Tánh Của A Lại Da Thức
- Chương IV Mạt Na Thức
- Chương V Liễu Biệt Cảnh Thức
- Chương VI Các Tâm Sở Thiện, Phiền Não Và Bất Tịnh
- Chương VII Sắc Pháp Và Tiền Lục Thức
- Chương VIII Duyên Cảnh và Lượng
- Chương IX Căn Thân Và Thế Giới
- Chương X Bất Tương Ưng Hành Pháp
- Chương VI Các Tâm Sở Thiện, Phiền Não Và Bất Tịnh
- Chương VII Sắc Pháp Và Tiền Lục Thức
- Chương VIII Duyên Cảnh và Lượng
- Chương IX Căn Thân Và Thế Giới
- Chương X Bất Tương Ưng Hành Pháp
- Chương XI Tam Tánh
- Chương XII Tam Vô Tánh
- Chương XIII Các Địa Vị Tu Tập
- Chương XIV Tóm Tắt
- Tìm Một Hướng Đi
CHƯƠNG V: LIỄU BIỆT CẢNH THỨC ^
BÀI TỤNG THỨ TÁM
Thứ đệ tam năng biến
Sai biệt hữu lục chủng
Liễu cảnh vi tánh tướng
Thiện, bất thiện, câu phi.
Dịch là:
Thức năng biến thứ ba
Có sáu loại khác nhau
Tánh tướng là biết cảnh
Thiện, bất thiện và vô ký.
Có nghĩa là thức năng biến thứ ba có sáu loại khác nhau. Tánh chất và đặc tính của sáu thức này là nhận biết các đối tượng trần cảnh. Sáu thức này gồm đủ ba tánh thiện, ác và vô ký (không thiện không ác).
Sáu thức này tùy theo sáu căn nhận ra các sắc trần sai khác mà đặt tên. Sáu căn gồm có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý mà Duy thức đặt tên theo thứ tự là Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỷ căn, Thiệt căn và Ý căn. Sáu thức từ Nhãn thức cho đến Ý thức nương theo sáu căn mà phân biệt các pháp trần cảnh Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc và Pháp.
Năm thức đầu gọi là Tiền Ngũ Thức gồm Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức và Thân thức. Mỗi thức này chỉ nhận biết các đối tượng liên quan đến nó mà thôi. Nhãn thức chỉ nhận biết hình tướng tức Sắc trần, Nhĩ thức chỉ biết âm thanh tức Thanh trần, Tỷ thức chỉ biết mùi hương tức Hương trần, Thiệt thức chỉ biết mùi vị tức Vị trần, Thân thức thì phân biệt sự xúc chạm tức Xúc trần.
Nhờ vào Ý thức mà các nhận biết nơi Tiền ngũ thức mới được ghi nhận đầy đủ và chính xác.
Chẳng hạn khi đối tượng là một bông hoa, nếu chỉ có Tiền ngũ thức hoạt động mà không có sự tác động của Ý thức thì ta không biết đó là bông hoa gì, mầu sắc và hương vị ra sao.
Bài tụng nói Liễu cảnh vi tánh tướng là muốn nói cái dụng của sáu căn và sáu thức đầu này là phân biệt được đối tượng trần cảnh, biết đưọc đặc tính và hình tướng của đối tượng. Trần cảnh còn được gọi là pháp trần, hay đơn giản hơn thì gọi là pháp hay làcảnh. Cảnh hay là pháp ở đây là tất cả mọi thứ có cái tánh chất mà ta có thể có khái niệm và nhận biết được (nhậm trì tự tánh, quỹ sinh vật giải) chứ không phải là phương pháp hay là giáo pháp.
Theo bài tụng thì sáu thức này gồm cả ba tánh thiện, bất thiện và vô ký.
Tất cả các pháp đem lại lợi ích cho đời này hoặc đời vị lai đều gọi là thiện pháp. Tất cả các pháp không có lợi ích gì cho kiếp hiện tại hay vị lai đều gọi là bất thiện pháp. Còn tất cả những gì không xác định được có lợi hay không có lợi, là thiện hay là ác thì gọi là vô ký,nghĩa là không thiện lẫn không ác thí dụ hành động đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống chỉ là đi đứng nằm ngồi và ăn uống thôi không có gì là tốt hay xấu trong đó. Tốt hay xấu là tùy theo chủ đích của hành động, như đi ăn cướp thì là xấu, đi làm việc từ thiện thì là tốt, ăn uống chừng mực thì là tốt còn tham ăn tham uống thì là không tốt rồi.
Khi tương ưng với các tâm sở thiện thì sáu thức này được xếp loại là thiện, khi tương ưng với các tâm sở phiền não thì được xếp loại là bất thiện và khi chúng không tương ưng với cả hai loại tâm sở trên thì được xếp loại là vô ký nghĩa là không thiện cũng không ác.
BÀI TỤNG THỨ CHÍN
Thử tâm sở biến hành
Biệt cảnh, thiện, phiền não
Tùy phiền não, bất định
Giai tam thọ tương ưng.
Dịch là:
Các tâm sở biến hành,
Biệt cảnh, Thiện, Phiền não,
Tùy phiền não, Bất định,
Đều tương ưng ba thọ.
Có tất cả 51 tâm sở, được phân ra làm 6 loại: 5 biệt cảnh, 11 Thiện, 6 Căn bản phiền não, 20 Tùy phiền não và 4 Bất định.
Năm món Tâm sở biến hành Xúc, Tác ý, Thọ, Tưởng, Tư luôn luôn có mặt trong tất cả các loại Tâm vương, chu biến trong tất cả các giới và địa của cả ba thời nên gọi là tâm sở biến hành.
Năm món biệt cảnh Dục, Thắng giải, Niệm, Định, Huệ chỉ có mặt với các nhận thức riêng biệt liên quan đến đối tượng nhận thức nên gọi là Biệt cảnh. Dục có khả năng nhận biết tướng yêu thích và mong cầu, Thắng giải biết được tướng quyết định, Niệm biết được tướng đã thuần thục và ghi nhớ, Định và Huệ có khả năng biết được những chú tâm và các việc làm của Tâm vương.
Mười một món tâm sở thiện chỉ sanh khởi ở trong thiện tâm vương. Sẽ nói chi tiết khi giải bài tụng thứ mười một.
Các tâm sở căn bản phiền não và tùy phiền não chỉ sanh khởi trong các Tâm vương bị phiền não. Sẽ nói chi tiết về các tâm sở này sau.
Tâm sở bất định gồm có Hối, Miên, Tầm và Tứ thì có thể sanh khởi trong tâm thiện hay tâm phiền não nên gọi là bất định, sẽ từ từ bàn đến sau.
Tánh chất cảm thọ của sáu loại tâm sở này có thể là khổ thọ, lạc thọ hay là xả thọ tức là không khổ cũng không lạc nên nói chúng tương ưng với cả ba thọ.
BÀI TỤNG THỨ MƯỜI
Sơ Biến hành: Xúc đẳng
Thứ Biệt cảnh vị: Dục
Thắng giải, Niệm, Định, Huệ
Sở duyên sự bất đồng.
Dịch là:
Các biến hành: Xúc thẩy
Các biệt cảnh gồm: Dục,
Thắng giải, Niệm, Định, Huệ.
Cảnh sở duyên không đồng.
Năm món Tâm sở biến hành là các loại tâm sở luôn có mặt cùng mỗi tâm vương trong tất cả mọi hoàn cảnh, mọi không gian và mọi thời gian. Tâm sở biến hành có năm thứ gồmXúc, Tác ý, Thọ, Tưởng và Tư. Tất cả tâm sở này được gọi tắt là xúc đẳng tức là xúc cùng bốn biến hành còn lại gồm Tác ý, Thọ, Tưởng và Tư. Xúc đẳng này đã được bàn đến ở phần nói về A lại da thức nhưng để làm sáng tỏ thêm cũng xin nêu ra thí dụ sau:
Thí dụ một người đang lang thang trên những bờ ruộng nơi thôn dã. Bỗng ngửi thấy một mùi hương thơm man mát, dìu dịu. Người ấy chợt nhìn lên và thấy cảnh một hồ sen lớn với những đóa hoa sen đủ mầu sắc đẹp đẽ. Các hoa sen với những cánh vàng, trắng, hồng đang lay động trước gió phơi bầy những nhụy vàng lung linh múa nhẩy bên trong. Ngước nhìn lên người ấy thấy tượng Bồ tát Quán âm to lớn trắng tinh đứng trên một tòa sen lớn, gương mặt thật khả ái và từ bi, tay cầm bình nước như đang tưới những giọt cam lồ làm xoa dịu mọi khổ đau của chúng sinh. Người ấy cảm thấy lòng thật khoan khoái, nhẹ nhàng và mơ tưởng đến những cảnh giới trang nghiêm nơi cõi Tịnh độ.
Trong thí dụ trên mùi hương phảng phất đó dụ như tác dụng của tâm sở Xúc khiến cho chú tâm mà tập trung đến cảnh hồ sen đẹp đẽ, tươi mát với hình ảnh từ bi nhân ái của đức Bồ Tát Quán Thế Âm. Sự chú tâm và tập trung đó là Tác ý. Cảm giác nhẹ nhàng và khoan khoái cùng với sự tưởng tượng đến cảnh giới hoa sen nơi cõi tịnh độ đó là tác dụng của Thọ và Tưởng. Những thọ tưởng đó khiến người ấy suy nghĩ và tư duy rồi quyết định tìm hiểu thêm về Phật Pháp.
Do sự tìm hiểu đó mà nguời đó trở nên thích thú trong việc nghiên cứu kinh điển, hiểu rõ và ghi nhớ được những lời Phật dậy. Nhờ đó mà tin tưởng vào sự thực hành thiền định và lý giải được chân lý của đạo Phật. Đó là tiến trình của các tâm sở biệt cảnh Dục, Thắng giải, Niệm, Định và Huệ. Vì các tâm sở này chỉ xẩy ra một lúc nào đó và trong hoàn cảnh nào đó chứ không phải luôn luôn tác động nên gọi là tâm sở biệt cảnh.
Năm món Tâm sở biệt cảnh gồm có: Dục, Thắng giải, Niệm, Định, Huệ.
Dục là một sự mong ước sở hữu cảnh giới mà mình yêu thích. Dục là chỗ nương cho những nỗ lực kiên trì để đạt được điều mong ước, là căn bản đưa đến sự siêng năng và chuyên cần. Nói Dục là cội gốc của các pháp vì dục khởi ra mọi sự tạo tác, mọi hành động, mọi nghiệp lực để đạt được lòng mong cầu. Có yêu thích, có mong cầu mới có Dục, nên Dục là tâm sở biệt cảnh chứ không phải biến hành.
Thắng giải là do sự hiểu rõ về một việc gì dù là ác hoặc thiện khiến cho có quyết định làm một việc gì mà không bị lay chuyển và thay đổi bởi các ý kiến khác. Không thể có Thắng giải đối với những sự việc chưa được hiểu rõ hoặc còn có lòng nghi ngờ. Không có thắng giải khi trong lòng chưa quyết tâm làm một việc gì. Do đó Thắng giải là tâm sở biệt cảnh chứ không phải biến hành.
Niệm là một sự lập lại, tập quen làm cho nhớ rõ không quên những gì ta đã kinh nghiệm trải qua. Niệm luôn giữ cho những hiểu biết và kinh nghiệm được hồi tưởng lại một cách dễ dàng, không thể khởi ra Niệm đối với những gì chưa kinh nghiệm vì những gì chưa biết, chưa thấy thì dựa vào đâu mà nhớ. Do đó mà Niệm là tâm sở biệt cảnh chứ không phải biến hành.
Định làm cho tâm chú tâm vào một việc gì mà không bị tán loạn. Định là căn bản, là nơi nương tựa của Huệ. Vì các pháp luôn thay đổi nên muốn đạt được sự hiểu biết các pháp đó thì phải chuyên tâm vào từng pháp một. Nếu không chú tâm vào một đối tượng thì không có định nên Định tâm sở là biệt cảnh chứ không là biến hành được.
Huệ là sự hiểu biết một đối tượng được quán sát. Huệ làm tiêu trừ sự nghi ngờ, bất chánh tri. Với Huệ thì mọi sự được giản trạch nghĩa là được giải nghĩa rõ ràng khiến không còn lòng ngờ vực nữa. Như khi đã hiểu rõ Phật pháp, ta sẽ dốc lòng, quyết tâm tu trì mà không còn nghi ngờ gì về những lời dậy của đức Phật nữa. Huệ không thể là biến hành vì ta không thể có sự hiểu biết về một sự việc nếu sự việc đó chưa được quán sát và tư duy kỹ càng. Do đó Huệ là tâm sở biệt cảnh.
Mỗi món tâm sở biệt cảnh này duyên mỗi cảnh khác nhau và hành tướng không đồng nên năm món này có khi duyên cảnh chỉ khởi lên riêng rẽ một mình, có khi khởi lên hai thứ một lúc, có khi khởi lên ba thứ một lúc, có khi khởi lên bốn thứ một lúc, có khi khởi lên năm thứ một lúc nên bài tụng nói Sở duyên sự bất đồng.
Duyên cảnh chỉ khởi lên một tâm sở như với cảnh thuận chỉ khởi lên tâm sở dục tức mong cầu. Với việc đã quyết định chỉ khởi tâm sở thắng giải. Đối với cảnh đã quen thuộc chỉ khởi tâm ghi nhớ tức tâm sở niệm. Đối với cảnh đang chăm chú chỉ khởi tâm sở định. Với cảnh sở quán chỉ rong ruổi tìm cầu nên chỉ khởi tâm sở huệ chứ không có định. Tất cả gồm 5 thứ.
Duyên cảnh mà khởi lên hai loại tâm sở khác nhau như: tâm sở dục và thắng giải, dục và niệm, dục và định, dục và huệ, thắng giải và niệm, thắng giải và định, thắng giải và huệ, niệm và định, niệm và huệ, định và huệ. Tất cả gồm 10 thứ.
Duyên cảnh mà khởi lên ba loại tâm sở khác nhau như: dục, thắng giải và niệm; dục, thắng giải và định; dục, thắng giải và huệ; dục, niệm và định; dục, niệm và huệ; dục, định và huệ; thắng giải, niệm và định; thắng giải, niệm và huệ; thắng giải, định và huệ; niệm, định và huệ. Tất cả có 10 thứ.
Duyên cảnh mà khởi lên bốn loại tâm sở khác nhau như: dục, thắng giải, niệm và định; dục, niệm, định và huệ; dục, định, huệ và thắng giải; dục, huệ, thắng giải và niệm; thắng giải, niệm, định và huệ. Tất cả có 5 thứ.
Duyên cảnh mà khởi đủ năm tâm sở biệt cảnh dục, thắng giải, niệm, định và huệ thì chỉ có 1 thứ.
Tất cả gồm 5 trường hợp và có 31 loại kết hợp.