Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

8. Phẩm Ngũ bách đệ-tử thọ ký (Prédiction relative aux 500 Religieux)

06/05/201312:41(Xem: 13418)
8. Phẩm Ngũ bách đệ-tử thọ ký (Prédiction relative aux 500 Religieux)

Kinh Pháp Hoa Huyền Nghĩa - Quyển IV

8. Phẩm Ngũ bách đệ-tử thọ ký (Prédiction relative aux 500 Religieux)

Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Nguồn: Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Lúc bấy giờ Phú-Lâu-Na (Pûrna), sau khi nghe đức Phật nói về những phương-tiện tùy cơ nói pháp, lại nghe Phật thọ-ký cho các đệ-tử lớn, lại nghe việc nhân-duyên đời trước và ra sức tự-tại thần-thông lớn của chư Phật, lòng thanh-tịnh hớn hở, bèn quỳ lễ Phật, bạch rằng: “Thế-Tôn thật là đặc-biệt, làm việc ít có là thuận theo không biết bao nhiêu tánh của chúng-sanh mà nói pháp cứu vớt. Chúng con không thể dùng lời nói mà tuyên bày cho hết những công-đức của Thế-Tôn, nhưng xin Thế-Tôn biết cho bổn nguyện trong thâm tâm của chúng con”.
Phật bèn nhắc công-phu tu hành của Phú-Lâu-Na ở các tiền kiếp; ở nơi 90 ức đức Phật thuở quá-khứ, hộ trì trợ tuyên chánh-pháp của Phật và là bậc nhất trong nhóm người nói pháp thuở đó; ở trong pháp “Không” thông suốt rành-rẽ, đặng bốn trí vô-ngại, thường hay suy gẫm sâu xa, nói pháp thanh-tịnh, không chỗ nghi hoặc. Tuy đầy đủ thần-thông Bồ-tát, người lúc bấy giờ đều gọi là Phú-Lâu-Na là thật Thanh-văn. Ông dùng phương-tiện Thanh-văn đó mà làm lợi ích cho vô lượng chúng-sanh và giáo hoá vô số người đứng hẳn trong đạo Vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác.
Các Tỳ-khưu! Thời bảy đức Phật, Phú-Lâu-Na cũng là bậc nhất trong hàng người nói Pháp, rồi trong tương-lai, cũng là bậc nhất nói Pháp và cũng sẽ hộ trì trợ tuyên chánh pháp của vô lượng vô biên chư Phật. Vì muốn làm tịnh cõi Phật mà Phú-Lâu-Na thường siêng năng tinh-tấn giáo hoá chúng-sanh, lần lần đầy đủ đạo Bồ-tát. Nhờ đó mà qua vô lượng số kiếp sau, Phú-Lâu-Na sẽ thành Phật, hiệu là Pháp-Minh, lấy hằng-sa tam thiên đại thiên thế-giới làm thành một cõi Phật, lấy bảy báu làm đất, mặt đất bằng phẳng như mặt bàn tay, không núi gò, khe suối, rạch ngòi. Trong cõi ấy, đài bảy báu đầy dẫy, cung điện của chư Thiên ở gần với “hư không”, trời người giao tiếp nhau, hai bên đều thấy được nhau, không có ba đường dữ (địa-ngục, ngạ-quỹ, súc-sinh), cũng không có đàn-bà.
Chúng-sanh ở cõi ấy đều do biến-hoá sanh, không có dâm-dục, đặng thần-thông lớn, thân chói ánh-sáng, hay đi tự-tại, chí niệm bền chắc, tinh tấn trí huệ… Nhân-dân nước ấy có hai thức ăn: một là pháp-hỷ thực (satisfaction de la loi) và thiền-duyệt-thực (satisfaction de la contemplation). Bồ-tát ở đó đông vô số, còn Thanh-văn cũng thế. Nước Phật ấy tên là Thiện-Tịnh, kiếp gọi Bửu-Minh.
Nói xong, đức Phật trùng tuyên bằng một bài kệ.
Bây giờ, một ngàn hai trăm vị A-la-hán tâm tự-tại, nghĩ: nếu Phật đều thọ-ký cho mình như đã thọ-ký cho các vị đệ-tử lớn thì sung sướng biết bao!
Đức Phật biết tâm-niệm đó, bèn lần lượt thọ-ký cho 500 vị A-la-hán, bắt đầu là Tỳ-khưu Kiều-Trần-Như. Tất cả sẽ thành Phật đồng một hiệu là Phổ-Minh.
Được thọ-ký xong, 500 A-la-hán vui mừng, lễ Phật, bạch: “Thế-Tôn! Từ trước tới nay, chúng con cứ tưởng là được diệt-độ, nay mới biết chúng con vô trí. Vì sao? Vì đáng được trí-huệ của Như-Lai mà cứ cho là trí nhỏ của mình là đủ”. Rồi các vị trình một thí-dụ: “Trong kho-tàng Phật báu, chúng con chỉ mới được một phần mà lại tự cho là đủ. Thế chẳng khác người nghèo cùng, đến chơi một nhà thân-hữu giàu lớn. Tiệc rượu xong, anh nghèo say vùi nằm ngủ. Bạn giàu vì có việc ra ngoài gấp, bèn lấy một hột ngọc vô giá cột vào vạt áo của bạn say để tặng. Hết say, anh nghèo ra đi, không hay trong mình có ngọc. Đến một nước khác cầu y cầu thực, làm ăn vất vả, mỗi khi được một ít của cải, tự cho là đủ, không dám mong một tình-cảnh tốt đẹp hơn. Về sau, anh bạn giàu gặp trở lại anh nghèo, thấy anh khốn khổ quá, mới trách sao không dùng viên ngọc trong vạt áo để kinh-doanh. Chừng ấy anh nghèo mới hay là mình giàu, liền dùng vốn ấy mà kinh-doanh và trở nên giàu có”.
Các vị A-la-hán kết luận: “Chúng con cũng như vậy. Từ lâu xưa, Thế-Tôn thường giáo hoá cho, thế là Thế-Tôn, đã gieo trong chúng con cái nguyện Vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác. Thế mà chúng con vô trí, chẳng hay cũng chẳng biết, được chút phần niết-bàn, tưởng là đã đủ rồi, không cầu gì nữa. Nay Phật giác ngộ chúng con, dạy cho biết phải đặng Phật-huệ vô thượng mới thật là diệt-độ”.
*
* *

Huyền nghĩa

Thích sống gần Phật (Chân-lý, giải-thoát), hiểu được lời Phật và đem ra diễn giải là người đã trở về với Tánh sáng-suốt (Bodhi), nên gọi là Bồ-tát. Trong thì sáng-suốt, thanh-tịnh (tịnh quốc độ) mà ngoài sống như người thường mới nghe Pháp (Thanh-văn) để gần gũi chúng-sanh và dùng phương-tiện giúp Chân-lý soi sáng mọi người (trợ Phật), như thế mãi-mãi sẽ có ngày thành Phật, nghĩa là đạt đến sự Giác-ngộ vô thượng. Vì công-đức trợ Phật này mà có hiệu là Phổ-Minh (phổ biến, gieo rắc khắp cùng ánh-sáng).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]