Kinh Nhập Lăng Già (Quyển 7-10)
Phẩm thứ mười lăm: Hóa
Nguồn: Hán dịch: Thiên Trúc Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi - Đời Nguyên Ngụy - Chứng nghĩa: Tỳ Kheo
Thích Đỗng Minh
Lúc bấy giờ, Thánh giả Đại Tuệ Đại Bồ tát lại bạch đức Phật rằng:
- Thưa đức Thế Tôn! Như đức Phật Thế Tôn cho các vị La Hán thọ ký Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đức Như Lai lại nói, các đức Phật Như Lai chẳng vào Niết Bàn, lại nói, Như Lai Ứng Chánh Biến Tri đêm nào đó chứng Đại Bồ tát, đêm nào đó vào Bát Niết Bàn và ở khoảng giữa ấy chẳng nói một chữ. Đức Như Lai lại nói, các đức Phật Như Lai thường vào định Vô giác Vô quán Vô phân biệt, lại nói, làm đủ thứ những ứng hóa độ các chúng sinh. Đức Thế Tôn lại nói, các thức sai khác từng niệm từng niệm chẳng trụ, Kim Cương Mật Tích thường theo thị vệ. Ngài lại nói, bản tế của thế gian khó biết, lại nói rằng, chúng sinh vào Bát Niết Bàn, mà nếu vào Niết Bàn thì nên có bản tế. Ngài lại nói, các đức Phật không có oán địch, mà thấy có các ma, lại nói, Như Lai đoạn tất cả chướng, nhưng mà thấy Chiên già, Ma na tỳ, Tôn đà lê.v.v... bài báng. Đức Phật vào thôn Ta lê na rốt cuộc chẳng được ăn, mang bát không mà đi ra.
Thưa đức Thế Tôn! Nếu như vậy thì đức Như Lai có tội nghiệp không lường. Làm sao đức Như Lai chẳng lìa khỏi tất cả những tội lỗi ác mà được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác! Được Nhất Thiết Chủng Trí!
Đức Phật bảo Thánh giả Đại Tuệ Bồ tát rằng:
- Hay thay! Hay thay! Hay thay! Này Đại Tuệ! Ông nay hãy lắng nghe! Ta sẽ vì ông giải nói!
Ngài Đại Tuệ bạch đức Phật rằng:
- Hay thay! Thưa đức Thế Tôn! Thưa vâng, con xin thọ giáo!
Đức Phật dạy rằng:
- Này Đại Tuệ! Ta vì các Thanh Văn.v.v... từng hành hạnh Bồ tát, y vào Vô Dư Niết Bàn mà cho thọ ký. Này Đại Tuệ! Ta cho Thanh Văn thọ ký là vì chúng sinh khiếp nhược làm cho họ sinh ra lòng dũng mãnh.
Này Đại Tuệ! Trong thế giới này và những nước Phật khác, có các chúng sinh làm hạnh Bồ tát mà ưa thích hạnh của pháp Thanh Văn. Vì chuyển cho họ chọn lấy Đại Bồ Đề nên ứng hóa Phật vì ứng hóa Thanh Văn thọ ký, chẳng phải là báo thân Phật, pháp thân Phật mà trao ký biệt.
Này Đại Tuệ! Niết Bàn của Thanh Văn, Bích Chi Phật không sai khác. Vì sao vậy! Vì đoạn phiền não không sai khác, đoạn phiền não chướng chẳng phải đoạn trí chướng.
Lại nữa, này Đại Tuệ! Thấy Pháp vô ngã thì đoạn được trí chướng. Thấy nhân (người) vô ngã thì đoạn phiền não chướng. Này Đại Tuệ! Chuyển ý thức nên đoạn pháp chướng, nghiệp chướng. Do chuyển A la gia thức huân tập của ý nên cứu cánh thanh tịnh.
Này Đại Tuệ! Ta thường y vào thể của bản pháp mà trụ lại chẳng sinh ra pháp, y vào bản danh tự chương cú chẳng giác, chẳng suy nghĩ mà nói các pháp. Này Đại Tuệ! Như Lai thường như ý biết, thường chẳng mất niệm, vậy nên Như Lai không giác, không quán. Các đức Phật Như Lai lìa khỏi bốn thứ Địa (?) rồi thì xa lìa hai thứ chết, hai thứ chướng, hai thứ nghiệp vậy.
Này Đại Tuệ! Bảy thứ thức ý, ý thức, nhãn, nhĩ, tỵ, thiệc, thân từng niệm từng niệm chẳng trụ, nhân vào hư vọng huân tập lìa khỏi các thiện pháp vô lậu. Này Đại Tuệ! Như Lai Tạng thế gian chẳng sinh, chẳng tử, chẳng lại, chẳng đi, thường hằng, thanh lương, bất biến.
Lại nữa, này Đại Tuệ! Y vào Như Lai Tạng nên có thế gian, Niết Bàn, nhân của khổ vui mà các phàm phu chẳng giác, chẳng tri mà rơi vào trống không, hư vọng, điên đảo.
Này Đại Tuệ! Kim Cương Mật Tích thường theo thị vệ, vây quanh trước sau đức Ứng Hóa Như Lai, chẳng phải pháp thân Phật, báo thân Phật, căn bản Như Lai Ứng Chánh Biến Tri.
Này Đại Tuệ! Căn bản Như Lai xa lìa các căn lớn nhỏ, các lượng, xa lìa tất cả phàm phu, Thanh Văn, Bích Chi Phật.v.v... Này Đại Tuệ! Người như thật tu hành được cảnh giới Chân như lạc hạnh đó thì biết căn bản Phật do được Bình Đẳng pháp nhẫn. Vậy nên Kim Cương Mật Tích theo Ứng Hóa Phật.
Này Đại Tuệ! Ứng Hóa Phật thì không nghiệp, không bài báng mà Ứng Hóa Phật chẳng khác Pháp Phật, Báo Phật Như Lai mà cũng chẳng là một. Như thợ gốm, muối.v.v... làm việc làm, Ứng Hóa Phật làm việc hóa chúng sinh khác tướng chân thật nói pháp, chẳng nói cảnh giới Nội sở chứng pháp Thánh trí. Lại nữa, này Đại Tuệ! Tất cả phàm phu, ngoại đạo, Thanh Văn, Bích Chi Phật.v.v... thấy sáu thức diệt thì rơi vào Đoạn kiến, chẳng thấy A lê gia thức thì rơi vào Thường kiến. Lại nữa, này Đại Tuệ! Chẳng thấy tự tâm phân biệt bản tế, vậy nên thế gian gọi là không bản tế.
Này Đại Tuệ! Xa lìa tự tâm phân biệt thấy thì gọi là giải thoát, được Niết Bàn chứng. Này Đại Tuệ! Các đức Phật Như Lai xa lìa bốn thứ huân tập khí (hơi), vậy nên không lỗi.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn một lần nữa nói kệ rằng:
Ba thừa và phi thừa
Chư Phật vô lượng thừa
Tất cả ký Phật địa
Nói đoạn các phiền não
Chứng Thánh trí nội thân
Và Vô dư Niết Bàn
Dỗ tiến chúng sinh khiếp(sợ)
Vậy nên nói ẩn tàng
Như Lai được chứng trí
Cũng nói đến đạo trên (đó)
Chúng sinh nương vào đạo
Nhị Thừa không Niết Bàn.
Thấy Dục, Sắc và Hữu
Và bốn thứ Địa huân (tập)
Ý thức cũng sở sinh
Thấy ý thức chung trụ.
Thấy ý nhãn thức... thường
Và vô thường, đoạn diệt
Thường kiến theo ý... nương
Mà khởi Niết Bàn kiến.