Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

26 - 30

06/05/201311:14(Xem: 13117)
26 - 30
Bát Nhã Ba La Mật Kinh


26 - 30

Pháp Sư Thích Từ Thông
Nguồn: Pháp Sư Thích Từ Thông


XXVI. LÝ VÔ NGÃ THỂ NHẬP NHƯ PHÁP NHẪN VÔ SANH NGƯỜI ĐÓ PHƯỚC ĐỨC RẤT NHIỀU

TU BỒ ĐỀ! GIẢ SỬ: SỐ THẾ GIỚI NHIỀU NHƯ CÁT SÔNG HẰNG, BỒ TÁT CHỨA THẤT BẢO ĐẦY NGẬP TẤT CẢ ĐỂ LÀM VIỆC BỐ THÍ, PHƯỚC ĐỨC CỦA BỒ TÁT NÀY VỐN ĐÃ LÀ NHIỀU. VẬY MÀ NẾU CÓ NGƯỜI NHẬN BIẾT TẤT CẢ PHÁP VÔ NGÃ NHƯ THỂ NHẬP PHÁP NHẪN VÔ SANH, THÌ CÔNG ĐỨC CỦA BỒ TÁT NÀY NHIỀU HƠN BỒ TÁT TRƯỚC. VÌ BỒ TÁT NÀY LÀ NGƯỜI KHÔNG NHẬN LẤY PHƯỚC ĐỨC.

_ BẠCH THẾ TÔN! BỒ TÁT KHÔNG NHẬN LẤY PHƯỚC ĐỨC LÀ NGHĨA THẾ NÀO?

_ KHÔNG NHẬN LẤY PHƯỚC ĐỨC, NGHĨA LÀ BỒ TÁT LÀM VIỆC PHƯỚC ĐỨC MÀ KHÔNG KHỞI TÂM THAM CHẤP CÔNG VIỆC CỦA MÌNH LÀM. GỌI ĐÓ LÀ KHÔNG NHẬN LẤY PHƯỚC ĐỨC.

TRỰC CHỈ

Muốn nhận biết "tất cả pháp vô ngã" đòi hỏi phải có quá trình tư duy sâu sắc, từ tích không đến quán thể không. Nhận thức lý vô ngã đến độ như thể nhập pháp nhẫn vô sanh lại càng đòi hỏi sự nổ lực đấu tranh gay gắt, phải kiên trì bền bỉ đối với bản thân.

Bởi vì NGÃ PHÁP là vấn đề then chốt. Chúng là đối tượng đối kháng của chiến sĩ Phật giáo xung kích diệt giặc phiền não vô minh. Nhận biết tất cả pháp vô ngã là công việc đầu tiên, người chiến sĩ Phật giáo phải làm. Nhưng nếu chỉ biết tất cả pháp vô ngã thì người chiến sĩ ấy mới vừa nhận biết mục tiêu đối tượng. Diệt hết, quét sạch "kẻ thù" cần phải có hành động. Hành động thể nhập lý vô ngã như thể nhập pháp nhẫn vô sanh, đó mới là mục tiêu của người chiến sĩ đạt đến. Nói cách khác, vấn đề vô ngã và tất cả pháp vô ngã đối với người này đã đến trình độ tự tại. Nhận biết lý vô ngã, không còn trải qua công dụng quán niệm tư duy. Nó tự động, nó thành thục như hơi thở ra vào, như sự thấy của mắt, như cái bước của chân đi. Thể nhập đến độ hòa tan vào tự tánh vô ngã bản nhiên không ý niệm. Trạng thái ý thức đó, gọi là trạng thái không nhận lấy phước đức của một Bồ tát ở đoạn kinh này. Nói rõ ra: Không nhận lấy phước đức, có nghĩa là làm tất cả việc phước đức mà Bồ tát không chấp lấy công việc của mình làm. Tuy nhiên, không vì vậy mà Bồ tát ấy, không có phước đức.

Vì theo Phật giáo:

LỢI THA TỨC LÀ TỰ LỢI, cũng như CỨU NƯỚC LÀ ĐÃ CÓ CỨU NHÀ RỒI.

*****


XXVII. PHẢI HIỂU THẾ NÀO VỀ MỘT NHƯ LAI?

TU BỒ ĐỀ! NẾU CÓ NGƯỜI NÓI: NHƯ LAI CÓ ĐI, CÓ ĐỨNG, CÓ NẰM, CÓ NGỒI, NGƯỜI ĐÓ KHÔNG HIỂU GÌ VỀ NHƯ LAI CỦA PHẬT NÓI.

_ VÌ SAO?

_ NHƯ LAI GIẢ VÔ SỞ TÙNG LAI DIỆC VÔ SỞ KHỨ CỐ DANH NHƯ LAI. ĐẾN KHÔNG CHỖ TỪ, ĐI KHÔNG CHỖ TỚI. ĐÚNG NGHĨA NHƯ LAI, PHẢI HIỂU NHƯ VẬY.

TRỰC CHỈ

Có đủ 32 tướng "NHƯ LAI" mà vẫn chưa phải Như Lai thật. Có 32 tướng giống Như Lai, đã chẳng phải như Lai! Dựa trên tướng đi, dáng đứng, cách nằm, kiểu ngồi hoặc tổng hợp tất cả những cử chỉ đó cho là Như Lai cại càng xa với nghĩa NHƯ LAI, Phật muốn chỉ cho chúng sanh cung dưỡng (cúng dường).

NHƯ LAI GIẢ TỨC CHƯ PHÁP NHƯ NGHĨA (Như Lai là bản thể như như).

NHƯ LAI GIẢ VÔ SỞ TÙNG LAI DIỆC VÔ SỞ KHỨ: Đi không chỗ từ, đến không chỗ tới, Như Lai là vô thỉ vô chung.

  • Phải hiểu NHƯ LAI qua bản thể chân như của các pháp.
  • Phải hiểu NHƯ LAI qua pháp thân vô thỉ vô chung.
  • Phải hiểu NHƯ LAI qua Tỳ lô Giá Na Phật: Thân NHƯ LAI BIẾN NHẤT THIẾT XỨ.

Hiểu như thế, mới tìm thấy THẾ NÀO LÀ MỘT NHƯ LAI để mà tôn trọng cúng dường.

NHẤT THIẾT CHÚNG SANH CỤ HỮU TRÍ HUỆ NHƯ LAI ĐỨC TƯỚNG. Chính là thứ đức tướng NHƯ LAI mà Phật vừa khai thị ở đoạn kinh này.

*****


XXVIII. VI TRẦN VÀ THẾ GIỚI CHỈ LÀ HAI MẶT CỦA MỘT THỰC THỂ TỒN TẠI KHÁCH QUAN

TU BỒ ĐỀ! NẾU CÓ NGƯỜI THIỆN NAM, THIỆN NỮ ĐEM THẾ GIỚI ĐẠI THIÊN NGHIỀN NÁT RA VI TRẦN, ÔNG HIỂU THẾ NÀO? NHỮNG VI TRẦN ĐÓ, CÓ NHIỀU CHĂNG?

_ BẠCH THẾ TÔN! RẤT NHIỀU. VÌ SAO? VÌ NẾU VI TRẦN ẤY THẬT CÓ, PHẬT CHẲNG NÓI ĐÓ LÀ NHỮNG VI TRẦN, VÌ NHỮNG VI TRẦN, PHẬT NÓI CHẲNG PHẢI NHỮNG VI TRẦN, GỌI LÀ NHỮNG VI TRẦN, VẬY THÔI.

_ BẠCH THẾ TÔN! THẾ GIỚI TAM THIÊN ĐẠI THIÊN, NHƯ LAI NÓI CHẲNG PHẢI THẾ GIỚI GỌI LÀ THẾ GIỚI, VẬY THÔI, VÌ SAO? VÌ THẾ GIỚI NẾU THẬT CÓ THÌ ĐÓ LÀ TƯỚNG HỢP NHẤT, NHƯ LAI NÓI TƯỚNG HỢP NHẤT, KHÔNG PHẢI TƯỚNG HỢP NHẤT, GỌI LÀ TƯỚNG HỢP NHẤT, VẬY THÔI.

TU BỒ ĐỀ! TƯỚNG HỢP NHẤT KHÔNG THỂ NÓI KHẲNG ĐỊNH. CHỈ DO NHỮNG PHÀM PHU HỌ CHẤP MẮC VIỆC ẤY THÔI.

TRỰC CHỈ

Vi trần và thế giới chỉ là hai mặt của một thực thể tồn tại khách quan.

Nếu hỏi thế giới là gì? Người ta sẽ trả lời: Thế giới là quả địa cầu của chúng ta đang ở chứ còn gì nữa. Thế giới có cả ngàn chủng tộc ngôn ngữ khác nhau. Còn ai chẳng nghe các Hòa thượng, Thượng tọa thỉnh thoảng đi hội nghị Phật giáo thế giới đó sao? (Chỉ tạm khoanh vùng thế giới trong phạm vi nhiều người cùng chung hiểu).

Nếu có người hỏi: Vi trần là gì? Sẽ có người trả lời: Muốn có vi trần thì lấy thế giới nghiền ra. Nghiền nát thế giới thành vi trần. Hợp nhất vi trần thành thế giới. Có gì nghĩ ngợi khó khăn.

Khác với số người trên, có hàng thức giả nhiều tư duy, thích tìm hiểu thế giới tường tận bằng cách: phân tích nguyên nhân cấu tạo, phát hiện yếu tố hình thành, tìm nguồn gốc của vạn pháp phát sanh...Từ xưa nay có chẳng biết bao nhiêu lý thuyết, bao nhiêu con người đóng góp kiến thức để cùng phục vụ cho một mục đích ấy. Người ta gọi sự tìm hiểu nguồn gốc vũ trụ vạn hữu là vấn đề triết học. Nói đến triết học là đề cập vấn đề không giản đơn chút nào! Hồi sinh tiền, Phật có nói câu chuyện: Những người mù rờ voi. Chỉ một con voi thôi, thế mà những người mù diễn tả con voi qua nhiều hình dạng. Rồi họ cãi vã nhau, đi đến đánh đấm nhau, làm cho nhà vua nọ chứng kiến cuộc thi tài ấy một trận cười ý vị. Người nói voi như cái quạt mo, kẻ nói voi như cây cột nhà. Người nói: rõ ràng, tôi đã biết con voi như cái chổi. Tùy sự sờ mó của họ: trúng đuôi, trúng chân, và trúng phải cái vành tai....

Nói đến triết học là nói đến "thế giới quan", "nhân sinh quan" những vấn đề rất lớn. Ở đoạn kinh này, đề cập vi trần và thế giới. Có phải chăng Phật dạy cho đệ tử mình về món triết học Phật giáo, theo đường hướng nhận thức:

VŨ TRỤ VẠN HỮU, TẤT CẢ NHÂN DUYÊN SANH VÀ TỒN TẠI KHÁCH QUAN

Bởi vì, nếu ta trả lời thế giới là gì? Ta sẽ thấy:

THẾ là thời gian. GIỚI là không gian. Thế giới là thời gian và không gian cộng lại.

Nhưng thời gian và không gian sẽ không là gì hết, nếu không có một thực thể tạm đứng yên nào đó, tồn tại khách quan. Nói cách khác, phải có sắc pháp, hiện hữu tồn tại khách quan, vấn đề thời gian không gian mới được đặt ra, mới có lý do tồn tại.

Theo định nghĩa của Phật học: THẾ GIẢ THIÊN LƯU CHI NGHĨA, thời gian chỉ là một khái niệm, phản ánh quá trình biến dịch vô thường vận động từng sát na của sự vật hiện tượng, không có sự vật hiện tượng, không có thời gian.

Không gian cũng thế: GIỚI GIẢ GIÁN CÁCH CHI NGHĨA. Không gian cũng chỉ là khái niệm, nếu không có một thể tích to nhỏ, một kích thước rộng hẹp, ngắn dài, một qui mô cao thấp của sự vật để choán một diện tích ít nhiều bé lớn thì không thể có không gian.

Do đó Như Lai nói: thế giới chẳng phải thế giới, gọi là thế giới, vậy thôi. Nói thế giới chẳng qua đứng bên mặt HỢP mà nhìn một thực thể khách quan tồn tại. Mà bất cứ cái HỢP nào cũng là HỢP của cái LY. Cũng như bất cứ cái CHUNG nào cũng là CHUNG của cái RIÊNG vậy.

Ngược lại, vi trần cũng thế. Những vi trần Như Lai nói chẳng phải vi trần, gọi là vi trần, vậy thôi. Thử hỏi: Vi trần là gì? Do đâu mà có? Có phải do nghiền nát thế giới có ra?

_ Vâng. Đúng vậy. Do nghiền nát thế giới mà có vi trần.

Do vậy, Như Lai nói những vi trần không phải những vi trần, gọi là vi trần, vậy thôi.Gọi là những vi trần, chẳng qua đứng về mặt LY mà nhìn một thực thể khách quan tồn tại. Mà bất cứ cái LY nào cũng là LY của cái HỢP. Cũng như bất cứ cái RIÊNG nào, cũng là RIÊNG của cái CHUNG.

Vì thế, tướng HỢP NHẤT, Như Lai không thể nói. Không thể nói, nghĩa là không thể nói khẳng định rằng: Đó là THẾ GIỚI hay VI TRẦN.

Chiều hướng nhận thức thế giới quan của Phật giáo qua cái nhìn tổng quát của Bát Nhã Ba La Mật là như vậy.

*****


XXIX. PHẢI HIỂU THẾ NÀO VỀ TỨ TƯỚNG CỦA NHƯ LAI NÓI

TU BỒ ĐỀ! VỚI VẤN ĐỀ CHẤP NGÃ, CHẤP NHƠN, CHẤP CHÚNG SANH, CHẤP THỌ GIẢ, CÓ NGƯỜI CHO RẰNG NHƯ LAI NÓI CÓ BỐN TƯỚNG NHƯ VẬY.

TU BỒ ĐỀ! ÔNG HIỂU THẾ NÀO? NGƯỜI ĐÓ CÓ HIỂU Ý PHẬT NÓI CHĂNG?

_ BẠCH THẾ TÔN! KHÔNG. CON CHO RẰNG NGƯỜI ĐÓ KHÔNG HIỂU Ý NHƯ LAI NÓI. VÌ SAO? VÌ NHƯ LAI NÓI NGÃ, NHƠN, CHÚNG SANH, THỌ GIẢ TƯỚNG KHÔNG PHẢI NGÃ, NHƠN, CHÚNG SANH, THỌ GIẢ TƯỚNG, GỌI LÀ NGÃ, NHƠN, CHÚNG SANH, THỌ GIẢ TƯỚNG VẬY THÔI.

TU BỒ ĐỀ! VỚI TẤT CẢ PHÁP, NGƯỜI PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC, NÊN BIẾT BẰNG CÁI BIẾT NHƯ THỊ, THẤY BẰNG CÁI THẤY NHƯ THỊ VÀ TIN HIỂU NHƯ THỊ, ĐỪNG SANH TƯỚNG PHÁP.

TU BỒ ĐỀ! TƯỚNG PHÁP, NHƯ LAI NÓI CHẲNG PHẢI TƯỚNG PHÁP, GỌI LÀ TƯỚNG PHÁP, VẬY THÔI.

TRỰC CHỈ

NGÃ KIẾN là sự phân biệt chấp mắc về cái TA, cái TÔI. Cho TA có cái TA chân thường vĩnh cửu bất biến. Nếu chấp như thế là một quan niệm rất sai lầm.

Theo giáo lý Phật, không có cái TA cái TÔI nào thực NGÃ bất biến cố định trường tồn. Cũng như vũ trụ vạn hữu không có cái gì cố định đứng yên mà không vận động. Mọi sự vật đều tồn tại trong quá trình sanh diệt, diệt sanh luôn luôn trong trạng thái vô thường, vận động. Chính vô thường mới là thực nghĩa của chân thường

..."Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ, nhất chi mai"

Bản thân con người, chỉ là một giai đoạn đứng yên tương đối hoặc ngắn hoặc dài của một hiện tượng CHÚNG SANH.

Bảo đừng chấp NGÃ, ý Phật muốn dạy cho các đệ tử cái tinh thần; mình vì mọi người, mọi người vì mình, cái tinh thần vị tha vô vị kỷ ấy. Có như thế để xây dựng cho con người, cho xã hội loài người một cuộc sống an vui, hạnh phúc hòa bình, tương thân tương ái. Đó là hình ảnh của một xã hội: Xã hội chủ nghĩa mà loài người tiến bộ trên toàn thế giới hằng mong muốn ước ao.

Sự thật, NGÃ KIẾN hay NGÃ TƯỚNG không có một hình sắc một tướng mạo gì.

NHƠN KIẾN cũng thế. Nó là sự phân biệt, sự kỳ thị ở ý thức con người: Ta là ta, tụi nó không phải ta. Tụi nó là phe của bọn mầy.

Phật bảo xóa đi cái NHƠN KIẾN, nhằm dạy cho đệ tử mình hãy sống với tinh thần đại bi đồng thể. Hãy thương người như thể thương thân. Đừng làm đau khổ cho chúng sanh, vì làm đau khổ chúng sanh là làm tổn thương đến một vị Phật.

Sự phân biệt kỳ thị, hành động gây đau khổ chúng sanh, tự nó trái chân lý, ngược lại nếp sống tốt đẹp thân ái của loài người. Phật gọi sự chấp mắc, gây ra sai trái đó, là NHƠN TƯỚNG, vậy thôi.

Sự thật chẳng có cái cụ thể nào là hình dáng sắc màu của NHƠN TƯỚNG.

Thế nào là chúng sanh tướng?

GIẢ CHÚNG DUYÊN NHI SANH CỐ VIẾT CHÚNG SANH. Đó là tướng vạn pháp do nhân duyên hòa hợp mà sanh. Nó là núi, là sông, đất liền, cỏ, cây, hoa, lá. Nó là trời, mây, non, nước, ngân hà, thiên thể trong vũ trụ bao la . Nó là đền đài, nhà, phố, là miếu mạo, đình chùa. Nó là bình, bàn, ly, lọ, là trường kỷ, ấm chè. Nó là ô tô, máy kéo, quạt máy, ti-vi...Nói chung tất cả hiện tượng vạn hữu đều gọi là chúng sanh cả, vì cùng một tính chất : DO NHƠN DUYÊN HÒA HỢP MÀ SANH.

Tướng duyên sanh của vạn pháp, Phật học cho đó là tướng NHƯ THỊ . Người Phật giáo nhìn vạn pháp qua cái chân lý NHƯ THỊ ấy:

....Do nhất thiết chủng thức
NHƯ THỊ NHƯ THỊ biến
Dĩ triển chuyển lực cố
Bỉ bỉ phân biện sanh
(Do nhất thiết chủng thức
Nó biến NHƯ VẬY NHƯ VẬY
Do sức vận động
Hiện tượng vô vàn sanh)

Bảo đừng chấp CHÚNG SANH TƯỚNG có nghĩa là bảo phải nhìn hiện tượng vạn pháp qua cái nhìn NHƯ THỊ: NHƯ THỊ tri, NHƯ THỊ kiến,NHƯ THỊ tín giải....bất sanh PHÁP tướng.

Sự thật chúng sanh kiến hay chúng sanh tướng, tự nó chẳng có cái riêng, ngoài sự vật đang tồn tại.

Thế nào là một THỌ GIẢ TƯỚNG? Đó là tướng sanh diệt, diệt sanh của sự vật. Nó biểu hiện tính vô thường vận động của sự vật hiện tượng trong một giai đoạn đứng yên tương đối.

Bảo đừng chấp THỌ GIẢ, có nghĩa là bảo phải nhận thức sâu sắc cái quy luật trở thành công lệ: vô thường vận động, hằng chuyển của hiện tượng vạn pháp. Đừng chấp mắc khư khư, để rồi đau khổ vô lý, khi nhìn mọi vật phủ định lấy nhau, để phát triển cái mới ào ạt không ngừng trong vũ trụ thiên nhiên, trong cuộc sống của xã hội loài người không ngừng tiến lên đỉnh cao của trí tuệ.

Nhận thức như vậy, ta thấy THỌ GIẢ TƯỚNG không có tướng gì!

CHẤP
NGÃ
NHƠN
TỨC LÀ CHẤP NGÃ
CHẤP
CHÚNG SANH
THỌ GIẢ
TỨC LÀ CHẤP PHÁP
Chấp ngã tướng là NGÃ bản thân.
Chấp nhơn tướng là NGÃ tụi nó, chúng mầy...
Chấp chúng sanh tướng là chấp pháp, mặt không gian.
Chấp thọ giả tướng là chấp pháp mặt thời gian.

Do đó:

NGÃ KIẾN, NHƠN KIẾN, CHÚNG SANH KIẾN, THỌ GIẢ KIẾN, NHƯ LAI NÓI KHÔNG CÓ NGÃ KIẾN, NHƠN KIẾN, CHÚNG SANH KIẾN, THỌ GIẢ KIẾN, GỌI LÀ NGÃ KIẾN, NHƠN KIẾN, CHÚNG SANH KIẾN, THỌ GIẢ KIẾN VẬY THÔI.

*****


XXX. NHƯ NHƯ BẤT ĐỘNG LÀ ĐẠT ĐÁO ĐIỂM CỦA BÁT NHÃ BA LA MẬT

TU BỒ ĐỀ! GIẢ SỬ CÓ NGƯỜI ĐEM THẤT BẢO ĐẦY VÔ LƯỢNG CÕI NƯỚC ĐỂ LÀM VIỆC BỐ THÍ, NHƯNG NẾU CÓ THIỆN NAM, THIỆN NỮ PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC, THỌ TRÌ ĐỌC TỤNG KINH NÀY RỒI GIẢNG NÓI CHO NGƯỜI KHÁC NGHE CHỪNG BỐN CÂU KỆ, PHƯỚC ĐỨC CỦA NGƯỜI NÀY NHIỀU HƠN NGƯỜI TRƯỚC.

NHƯNG PHẢI GIẢNG NÓI NHƯ THẾ NÀO?

_ RẰNG:

"KHÔNG NÊN CHẤP THỦ PHÁP TƯỚNG VÀ HÃY NHƯ NHƯ BẤT ĐỘNG" TRƯỚC CÁC PHÁP TƯỚNG ẤY.

VÌ SAO THẾ?

_VÌ:

TẤT CẢ PHÁP HỮU VI
NHƯ MỘNG, HUYỂN, NHƯ BÓNG QUÁNG BỌT BÈO
NHƯ SƯƠNG MAI, NHƯ ĐIỆN CHỚP
NÊN NHƯ VẬY MÀ QUÁN CHIẾU TƯ DUY.

TRỰC CHỈ

Từ trước đến đây, không cần đếm kỹ là mấy lần, nhưng độc giả có lẽ đã nhớ vấn đề cơ bản của tư tưởng Bát Nhã mà Phật nói rất nhiều lần. Rằng đem vật chất thất bảo bố thí bao nhiêu, cúng dường cách nào, cũng không thể so sánh với công đức tu tập Bát Nhã Ba La Mật. Ý đó Phật nhắc nhiều lần đến nỗi độc giả có cảm nghĩ lạ, nếu không dám nói là nhàm tai. Nhưng chính điều đó nói rõ với đệ tử Phật rằng:

Thất bảo dù nhiều, nhưng nó không phải là nhân tố quyết định làm nên quả Phật.

Trí tuệ Ba La Mật mới là DUYÊN NHƠN trực tiếp thành tựu một Như Lai.

Hãy lấy trí tuệ cung dưỡng Phật, ngày thành Phật đến rất gần, như người nấu gạo chẳng mấy chốc có cơm ăn.

Lấy thất bảo cúng dường Phật, như nhà nông mới ngâm thóc giống, chờ ngày thu hoạch, phải trải mấy khâu...dài...

Giảng nói Bát Nhã Ba La Mật, tùy đối tượng mà vận dụng ngữ ngôn, không nhất định phải nói bài kệ nào, ý nghĩa đoạn kinh nào. Đó gọi là "PHƯƠNG TIỆN" Bát Nhã.

Từ phương tiện, đưa hành giả một bước tiến lên.

Rằng:

Tất cả pháp hữu vi.
Như mộng huyển, như bóng quáng bọt bèo.
Như sương mai, như điện chớp.
Nên như vậy mà quán chiếu, tư duy.

Đó là bước thứ hai trên đường đi lên Thật tướng Bát Nhã, là QUÁN CHIẾU Bát Nhã vậy.

Trải qua quá trình quán chiếu Bát Nhã đến độ "hành thâm". Bấy giờ hành giả sẽ có một nghị lực khinh an, vượt ra khổ não. Hành giả sẽ có sức trí tuệ sắc bén như lưỡi kiếm kim cương. Trước đối thủ lục dục, thất tình, bát phong, thập sử, hành giả hóa giải chúng bằng một tâm trạng an lành, bình tĩnh, hiên ngang như núi chúa, thanh thoát tợ trời xanh, biểu hiện sức sống lạc quan tự tại của con người NHƯ NHƯ BẤT ĐỘNG giữa chốn trần ai. NHƯ NHƯ BẤT ĐỘNG là người đạt đến THẬT TƯỚNG BÁT NHÃ BA LA MẬT rồi.

Có người bảo: Nếu nhìn các pháp hiện hữu như chiêm bao, như ảo thuật, như bọt nước, như bóng quáng, như sương mai, như điện chớp thì hành giả tu Bát Nhã nhìn đời bằng cặp mắt quá bi quan tiêu cực. Đó là thứ triết lý nhồi nhét cho con người một nhãn quan rời xa thực tế: ăn, mặc, ở, ngủ...của cuộc đời.

Lời phê phán đó, nghe qua hẵn cũng có người cho là đúng. Nhưng đi sâu lãnh vực tri thức thì nó chỉ đúng với những con người biết một mà chẳng biết hai về giáo lý Phật. Hay tệ hơn nữa là những người chưa hiểu Phật pháp tí nào.

Thuyết minh lý "vạn pháp nhơn duyên sanh" là giáo lý rời xa thực tế ư?

Thuyết minh y tha khởi tánh của sự vật hiện tượng là bi quan tiêu cực ư?

_ Không. Chúng ta hãy tin rằng, với cái tri kiến Bát Nhã Ba La Mật, lồng qua ngũ nhãn của Như Lai, đạo lý DUYÊN SANH và Y THA KHỞI TÁNH của vạn pháp sẽ không là một tội sai lầm.

Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyển bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán.

Đó là những thí dụ điển hình cụ thể về đạo lý DUYÊN SINH và Y THA KHỞI TÁNH của các pháp hữu vi (Duyên sinh).

Bởi vì:

Mộng là cảnh giả, là duyên sanh bởi một giấc ngủ bất an, không thư giãn tốt.

Huyển là trò ảo hóa, là duyên sanh do một ảo thuật gia, cũng có thể do sự phản chiếu gay gắt của cơn nắng hạ.

Bào là bọt nước kết tụ, là duyên sanh của một ngọn thác nhỏ của dòng nước róc rách chảy cuối ghềnh.

Ảnh là bóng quáng, ẩn ẩn hiện hiện là duyên sanh của thời điểm tối sáng tương tranh.

Lộ là kết tinh của hơi nước ngưng tụ ở không trung, là duyên sanh của thời tiết âm ỉ nóng, lạnh bất thường.

Điện là những tia chớp lóe sáng ở không trung, là duyên sanh của hai khí cực âm dương chạm phải, cũng có thể là tia điện của bác thợ hàn nhoáng ra từ que "ba-gết".

Thuyết minh vạn pháp duyên sanh trong Phật học cùng một nguyên tắc ấy. Sự vật làm nhân duyên, tác động hổ tương cho nhau làm cho hiện tượng vạn pháp được hình thành.

Mộng, huyển, bào, ảnh, như lộ diệc như điện, trong bài kệ, Phật mượn tính duyên sanh y tha khởi của các món ấy, làm ví dụ điển hình để nhắc các đệ tử đừng quên lý "DUYÊN SINH" của vạn pháp, há lại bi quan, tiêu cực, yếm thế, rời xa thực tế ư?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com