Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

11 - 15

06/05/201311:02(Xem: 13983)
11 - 15
Bát Nhã Ba La Mật Kinh


11 - 15

Pháp Sư Thích Từ Thông
Nguồn: Pháp Sư Thích Từ Thông

XI. BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA LÀ MỘT THỨ KINH ƯU VIỆT

PHẬT BẢO: TU BỒ ĐỀ! NẾU CHỖ NÀO CÓ NGƯỜI GIẢNG NÓI KINH BÁT NHÃ BA LA MẬT CHỈ ĐƯỢC CHỪNG BỐN CÂU KỆ, TRỜI, NGƯỜI, A TU LA ĐỀU NÊN CÚNG DƯỜNG VÀ XEM CHỖ ĐÓ NHƯ THÁP MIẾU PHẬT.

NGƯỜI THỌ TRÌ ĐỌC TỤNG TOÀN KINH THÌ PHƯỚC ĐỨC VÔ LƯỢNG VÔ BIÊN, LÀ NGƯỜI THÀNH TỰU PHÁP TỐI THƯỢNG HI HỮU BẬC NHẤT. CHỖ NÀO CÓ KINH ĐIỂN NẦY LÀ Ỏ CHỖ ĐÓ CÓ PHẬT HOẶC HÀNG ĐỆ TỬ LỚN CỦA PHẬT Ở ĐÓ.

TRỰC CHỈ

Phật là người giác ngộ chân lý hoàn toàn. Căn bản của sự giác ngộ chân lý là trí tuệ Ba La Mật. Kinh nầy dạy con người sử dụng trí tuệ để nhận thức chân lý. Mà trí tuệ ở đây là thứ trí tuệ Ba La Mật ấy. Sử dụng được thứ trí tuệ nầy, quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác bước đến chẳng còn xa. Thế cho nên, giảng nói ý nghĩa chừng bốn câu kệ mà phước đức đã là nhiều, giảng nói hết ý nghĩa của toàn kinh thì công đức lại càng nhân lên gấp vạn bội.

Kinh là lời dạy của Phật. Kinh dạy con người phương pháp để trở thành Phật. Do đó, ở đâu có kinh như có Phật ở đó, hoặc đệ tử tôn túc của Phật ở đó. Chẳng những thế, người ta còn hiểu: Rằng "Bát Nhã Ba La Mật, còn là mẹ sanh ra chư Phật". Vậy mà chẳng mắc tội hỗn xược với Phật tí nào!

*****


XII. PHẢI HIỂU RỎ Ý PHẬT VÀ ĐÚNG NHƯ PHÁP MÀ THỌ TRÌ, PHƯỚC ĐỨC MỚI NHIỀU.

BẠCH THẾ TÔN! KINH NẦY GỌI TÊN LÀ CHI? CHÚNG CON PHẢI TỤNG TRÌ NHƯ THẾ NÀO?

PHẬT BẢO: TU BỒ ĐỀ! KINH NẦY TÊN LÀ BÁT NHÃ BA LA MẬT, ÔNG NÊN THEO DANH TỰ ĐÓ MÀ PHỤNG GIÁO HÀNH TRÌ.

NẦY! TU BỒ ĐỀ! NHƯ LAI NÓI BÁT NHÃ BA LA MẬT, KHÔNG PHẢI BÁT NHÃ BA LA MẬT MÀ GỌI LÀ BÁT NHÃ BA LA MẬT, ĐẤY THÔI!

TU BỒ ĐỀ! ÔNG HIỂU NHƯ THẾ LÀ ĐÚNG: NHƯ LAI KHÔNG CÓ NÓI PHÁP.

TU BỒ ĐỀ! VI TRẦN VÀ THẾ GIỚI NHIỀU NGƯỜI CŨNG HIỂU NHƯ ÔNG, RẰNG: VI TRẦN CỦA TAM THIÊN ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI LÀ NHIỀU, CÒN TAM THIÊN ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI LÀ ÍT.

TU BỒ ĐỀ! VI TRẦN, NHƯ LAI NÓI CHẲNG PHẢI VI TRẦN, GỌI RẰNG VI TRẦN. THẾ GIỚI NHƯ LAI NÓI CHẲNG PHẢI THẾ GIỚI GỌI LÀ THẾ GIỚI VẬY THÔI.

TU BỒ ĐỀ! ÔNG HIỂU NHƯ THẾ LÀ ĐÚNG: KHÔNG THỂ NHÌN SẮC THÂN 32 TƯỚNG MÀ CHO LÀ ĐƯỢC THẤY NHƯ LAI. NHƯ LAI NÓI 32 TƯỚNG LÀ PHI TƯỚNG, GỌI LÀ 32 TƯỚNG VẬY THÔI.

TU BỒ ĐỀ! GIẢ SỬ CÓ THIỆN NAM THIỆN NỮ ĐEM THÂN MẠNG NHIỀU NHƯ CÁT SÔNG HẰNG ĐỂ BỐ THÍ, NẾU CÓ NGƯỜI THỌ TRÌ ĐỌC TỤNG KINH NẦY CHỪNG BỐN CÂU KỆ, GIẢNG NÓI CHO NHIỀU NGƯỜI NGHE, THÌ PHƯỚC ĐỨC CỦA NGƯỜI NẦY NHIỀU HƠN NGƯỜI TRƯỚC.

TRỰC CHỈ

Bát Nhã Ba La Mật là thứ trí tuệ có khả năng nhận thức vũ trụ vạn hữu. Vì là một công năng nhận thức cho nên trí tuệ không có kích thước: ngắn, dài, rộng, hẹp.....Cũng không có màu sắc: đỏ, trắng, xanh, vàng...Lẽ ra nó cũng chẳng có danh xưng. Vũ trụ vạn hữu là pháp NHƯ THỊ nó tồn tại khách quan. Cái công năng nhận thức cũng là NHƯ THỊ mới nhận thức được thật tướng. Gạn hỏi chi ly, giải đáp tỉ mỉ, càng tỉ mỉ, chi ly càng rời xa thật tướng. Nhằm hướng dẫn cho đệ tử mình sử dụng thứ trí tuệ đó, bất đắc dĩ, Phật vận dụng hành sử ngôn từ: Bát Nhã Ba La Mật, để mà khai thị.

Trong quá trình tu tập, người đệ tử Phật, sử dụng Bát Nhã Ba La Mật vào tri kiến mình, để ngắm nhìn vạn hữu, nhận thức thật tướng của vạn pháp. Sử dụng Bát Nhã Ba La Mật mà không chấp mắc Bát Nhã Ba La Mật, Phật tử hãy luôn luôn nhớ rỏ!

PHẬT THUYẾT BÁT NHÃ BA LA MẬT, TỨC PHI BÁT NHÃ BA LA MẬT, THỊ DANH BÁT NHÃ BA LA MẬT.

Vì sao Như Lai phủ nhận sự thuyết pháp của mình trong suốt cuộc đời hóa độ chúng sanh?

Tìm hiểu nguyên nhân, ta thấy có hai lý do:

1. Pháp được gọi là pháp, Như Lai đã nói, nó không phải sở hữu riêng của Như Lai. Nó là sự sự vật vật tồn tại khách quan trong vũ trụ, là sở hữu chung của loài người. Phật là người giác ngộ chân lý, Phật đem cái vốn liếng quý báu đó, hướng dẫn cho con người, đưa con người vượt ra sự si mê lầm lạc về tư tưởng, vượt ra sự đói nghèo khổ cực, vì sự áp bức bất công của xã hội. Thuyết được những điều lợi lạc cho thế nhân, đều có thể gọi là thuyết pháp. Do đó, Như Lai phủ nhận sự thuyết pháp của mình, nhằm dạy cho các đệ tử biết: pháp là chân lý. Mà chân lý là sở hữu chung của nhân loại, chớ không phải độc quyền sở hữu của Như Lai.

2. Đã có lần Phật nói: Những pháp Phật đã nói ra ít như chút đất dính ở móng tay, còn pháp Phật chưa nói đến, nhiều như đất của ba ngàn đại thiên thế giới. Nếu nói Phật nói pháp, chấp chặt pháp Phật nói thì mắc tội đóng khung tri kiến Phật. Tri kiến Như Lai không chỉ gói gọn trong những ngôn từ văn tự ghi lại trong kinh điển mà người ta cho là pháp của Như Lai nói.

Vấn đề thế giới và vi trần: Nếu bảo rằng thế giới chỉ có một, thế giới ít, vi trần vô lượng vô số, vi trần nhiều. Nói như vậy không đúng. Thử hỏi: vi trần nhiều, vậy vi trần từ đâu mà có? Thế giới ít, thế giới kết hợp bởi những gì?

Chẳng qua, thấy vi trần nhiều, do ta nhìn ở mặt DỊ. Nhìn thế giới ít, do ta thấy phía mặt ĐỒNG. Vi trần nhiều do nhìn ở mặt HOẠI và DIỆT của thế giới. Thế giới thấy ít do nhìn ở mặt TỔNG và THÀNH. Vi trần và thế giới không phải khác mà cũng không phải một. Đó là diệu lý: bất tức bất ly, tương tức tương nhập của vạn pháp. Tu học Bát Nhã Ba La Mật hãy như vậy mà nhận thức, như vậy mà tư duy, như vậy mà thọ trì. Và do như vậy mà Như Lai nói:

NHƯ LAI THUYẾT VI TRẦN, TỨC PHI VI TRẦN, THỊ DANH VI TRẦN, NHƯ LAI THUYẾT THẾ GIỚI TỨC PHI THẾ GIỚI, THỊ DANH THẾ GIỚI.

Rằng Như Lai có 32 tướng tốt, Như Lai nói đó là những tướng của tướng sư, theo sự thấy biết của họ mà đề ra. Phỏng sử có tướng sư khác theo sự thấy biết của mình, ông ta viện ra thêm hai tướng nữa. Thế là một Như Lai có 34 tướng tốt! Một tướng sư khác, cũng theo sự thấy biết của mình, nhìn xem kỹ càng, ông ta tuyên bố rõ là Như Lai có 30 tướng chẵn. Thế nào? Phật có vì thế mà bị tăng giảm địa vị vô thượng chánh đẳng chánh giác của Như Lai?

Như Lai, Phật là căn cứ trình độ giác ngộ chân lý trọn vẹn, giải thoát vô minh phiền não tận cùng. Vấn đề 30, 32, hay 34 tướng, tùy thuộc trình độ hiểu biết và ấn định của các tướng sư. Thế nên, đệ tử Phật, tu học Bát Nhã Ba La Mật, không dựa trên 32 tướng. Thấy Như Lai qua 32 tướng, không phải là cái thấy đích thực của chính mình, mà ta nhìn Như Lai qua con mắt của các tướng sư Ấn độ 25 thế kỷ trước!

Phật e sợ đệ tử mình học đòi tướng sư hoặc đam mê tướng số, nên dạy kỹ cho tất cả môn đệ rằng:

NHƯ LAI THUYẾT TAM THẬP NHỊ TƯỚNG, TỨC THỊ PHI TƯỚNG, THỊ DANH TAM THẬP NHỊ TƯỚNG.

Giảng nói giáo lý Bát Nhã là tạo cái duyên tăng thượng cho người muốn đi con đường giải thoát giác ngộ, thành Phật. Cho nên Phật nói: Người bố thí thân mạng như số cát sông Hằng, phước đức đã là nhiều, người làm việc pháp thí, truyền bá Bát Nhã Ba La Mật, phước đức nhân lên vạn bội.

*****


XIII. LY NHẤT THIẾT CHƯ TƯỚNG CÁCH NÀO ĐỂ ĐƯỢC GỌI LÀ CHƯ PHẬT

ÔNG TU BỒ ĐỀ THƯA: BẠCH THẾ TÔN! TỪ KHI ĐƯỢC TUỆ NHÃN ĐẾN NAY, LẦN ĐẦU TIÊN CON ĐƯỢC NGHE KINH ĐIỂN THẬM THÂM NẦY. BẠCH THẾ TÔN! CON NGHĨ RẰNG: NGƯỜI NÀO ĐƯỢC NGHE KINH NẦY, LÒNG TIN THANH TỊNH THÌ CÓ THỂ SỐNG TRONG THẬT TƯỚNG, HỌ LÀ NGƯỜI HI HỮU BẬC NHẤT.

BẠCH THẾ TÔN! NÓI LÀ THẬT TƯỚNG MÀ KHÔNG PHẢI TƯỚNG, NHƯ LAI GỌI LÀ THẬT TƯỚNG VẬY THÔI.

BẠCH THẾ TÔN! KINH NẦY, CON NGHE HIỂU KHÔNG LẤY LÀM KHÓ LẮM. SAU 500 NĂM CÓ NGƯỜI NGHE HIỂU TIN NHẬN MỚI LÀ HI HỮU. BỞI VÌ PHẢI XÓA HẲN BỐN TƯỚNG CHẤP: NGÃ, NHƠN, CHÚNG SANH, THỌ MỆNH, MỚI TIN NỔI KINH NẦY! NGƯỜI ĐÓ PHẢI NHẬN THỨC ĐƯỢC: NGÃ, NHƠN, CHÚNG SANH VÀ THỌ MỆNH LÀ PHI TƯỚNG MỚI TIN NỔI KINH NẦY, VÀ CON NGƯỜI ĐÓ CHẮC CHẮN ĐẠT ĐẾN QUẢ VỊ PHẬT VÀ ĐÃ RỜI HẾT TẤT CẢ TƯỚNG.

PHẬT BẢO: TU BỒ ĐỀ! ĐÚNG NHƯ LỜI ÔNG NÓI. NGƯỜI NGHE KINH NẦY MÀ TÂM Ý KHÔNG KINH HÃI, KHÔNG NGỜ VỰC LÀ NGƯỜI HI HỮU.

TU BỒ ĐỀ! NHƯ LAI NÓI: BỐ THÍ BA LA MẬT, KHÔNG PHẢI BỐ THÍ BA LA MẬT GỌI LÀ BỐ THÍ BA LA MÂT, NHẪN NHỤC BA LA MẬT CŨNG VẬY.

TU BỒ ĐỀ! XƯA KIA TA BỊ VUA CA LỢI CHẶT ĐỨT THÂN THỂ. LÚC ĐÓ TA KHÔNG KHỞI TƯỚNG CHẤP NÀO. NẾU TA KHỞI MỘT TƯỚNG NÀO TRONG TỨ TƯỚNG THÌ TA ĐÃ NỔI TÂM SÂN HẬN.

TU BỒ ĐỀ! TA NHỚ LẠI THUỞ XA XƯA, VỀ QUÁ KHỨ NĂM TRĂM ĐỜI, TA LÀ MỘT NHẪN NHỤC TIÊN. SUỐT THỜI GIAN ĐÓ, TA KHÔNG HỀ CÓ NỔI LÊN BỐN TƯỚNG CHẤP....

TU BỒ ĐỀ! BỒ TÁT PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC, NÊN XÓA SẠCH CÁC TƯỚNG CHẤP. KHÔNG NÊN SANH TÂM TRỤ CHẤP NƠI SẮC, NƠI THANH, HƯƠNG, VỊ, XÚC, PHÁP. NÊN SANH TÂM VÔ TRỤ. NẾU CÓ TRỤ LÀ PHẠM PHẢI SAI LẦM.

TU BỒ ĐỀ! VÌ ÍCH LỢI TẤT CẢ CHÚNG SANH, NÊN BỐ THÍ NHƯ VẬY, NHƯ LAI NÓI: TẤT CẢ CÁC TƯỚNG LÀ PHI TƯỚNG. TẤT CẢ CHÚNG SANH PHI CHÚNG SANH.

TU BỒ ĐỀ! LỜI NÓI CỦA NHƯ LAI LÀ CHƠN LÀ THẬT, LÀ KHÔNG LẬT LỌNG, LÀ KHÔNG TRÁO TRỞ PHỈNH PHỜ.

TU BỒ ĐỀ! PHÁP CỦA NHƯ LAI CHỨNG ĐẮC, KHÔNG PHẢI THẬT MÀ CŨNG KHÔNG PHẢI HƯ!

TU BỒ ĐỀ! NẾU BỒ TÁT BỐ THÍ MÀ CÒN CHẤP, THÌ NHƯ NGƯỜI ĐI VÀO CHỖ TỐI, CHẲNG THẤY ĐƯỢC GÌ. BỒ TÁT BỐ THÍ KHÔNG CHẤP NHƯ NGƯỜI MẮT TỐT Ở DƯỚI BẦU TRỜI TRONG SÁNG, THẤY HẾT CẢNH VẬT SẮC MÀU.

TU BỒ ĐỀ! ĐỜI SAU CÓ CHÚNG SANH NÀO NGHE KINH NẦY, THỌ TRÌ ĐỌC TỤNG, NHƯ LAI DÙNG TRÍ TUỆ PHẬT, SẼ THẤY HẾT VÀ BIẾT HẾT. NHỮNG NGƯỜI ĐÓ ĐÃ THÀNH TỤU VÔ LƯỢNG VÔ BIÊN CÔNG ĐỨC!

TRỰC CHỈ

Giáo lý Bát Nhã Ba La Mật là thứ giáo lý thậm thâm. Ông Tu Bồ Đề đến nay mới được nghe lần đầu kể từ khi ông được tuệ nhãn. Bởi vì giáo lý nầy chưa đến lúc, không nói, chưa phải đối tượng, không trao truyền. Người nghe giáo lý nầy không kinh sợ, không nghi ngờ, sanh tâm ham mộ, đọc tụng thọ trì là người có khả năng sống trong THẬT TƯỚNG. Người đó sẽ tự tại an nhiên, trong pháp thân hiện hữu, trước cảnh trúc biếc mai vàng, trăng thanh mây bạc. Họ sẽ có cái nhìn NHƯ THỊ đối với hiện tượng vạn pháp trong vũ trụ bao la. Đó là mẫu người hi hữu trên đời. Cuối cùng người đó đạt đến quả PHẬT.

Bởi vì PHẬT là con người. Là một con người thôi. Phật chỉ khác hơn người thường ở chỗ: Phật có Bát Nhã Ba La Mật là thứ trí tuệ sắc bén, có khả năng nhận thức xuyên suốt THẬT TƯỚNG. Nói cách khác là nhận thức đúng qui luật khách quan tồn tại của vạn pháp hiện tượng.

Nói rằng THẬT TƯỚNG, kỳ thật chẳng có thật tướng gì. Thật tướng chỉ là tướng trạng của sự vật tồn tại khách quan thông qua sự vận hành sanh diệt, và diệt để rồi sanh. Nó là tướng duyên sanh NHƯ THỊ của vũ trụ vạn hữu. Nó vô thỉ, vô chung, vô cùng, vô cực.

* Vấn đề "lục Ba La Mật" kỳ thật chẳng có Ba La Mật gì! Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ chỉ là những đức tánh vốn có của con người. Tự tánh con người không xan tham, không sai quấy, không thô bạo, không biếng lười, không loạn động và không si mê. Nhưng bởi con người không biết giữ gìn đức tánh tốt đẹp vốn có đó, để cho xông ướp vào tâm ý những chứng xấu tật hư: tham lam, sai quấy, thô bạo, biếng lười, tạp loạn và si mê, làm cho Phật chất của con người bị phai mờ hoen ố, như tấm gương trong sáng bị khói bụi cuộc đời bám phủ. Phật là vị đạo sư sáng suốt, chỉ bày phương pháp đối trị những chứng xấu tật hư: hãy lấy bố thí trị xan tham. Lấy trì giới trị sai trái. Lấy nhẫn nhục trị thô bạo. Lấy siêng năng trị biếng lười. Lấy định tâm trị tạp tưởng. Lấy trí tuệ trị si mê. Nói tóm, dùng lục độ trị lục tệ. Sự đối trị được kết quả viên mãn, Phật gọi cho nó cái từ "Ba La Mật", kỳ thật chẳng có cái Ba La Mật gì!

* Chuyện vua Ca Lợi chặt đứt thân thể thế mà hồi ấy Phật không sanh tâm sân hận. Đó là cách nói điển hình về cái từ "Ba La Mật" qua nhẫn nhục độ. Để hành giả, tư duy, so sánh sự vô trụ, vô trước, của những độ còn lại. Chứ từ bi trong đạo Phật không có nghĩa lim dim thụ động, còn nhẫn nhục không có nghĩa khiếp nhược đầu hàng. Đức Phật sanh thời cũng như nhiều đời trong quá khứ, đã từng hàng phục độc long, chế ngự cuồng tượng, diệt trừ giặc cướp....Những việc làm đó đã được ghi vào kinh sử Phật học. Có phải chăng tu hành là không phân biệt thiện ác, ù ù cạc cạc, đần độn ngu si...?

* ƯNG VÔ SỞ TRỤ NHI SANH KỲ TÂM. Bồ tát mà có chỗ trụ là sai quấy rồi. Trụ chấp: sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp sai quấy đã đành. Trụ chấp Bồ đề, Niết bàn vẫn là sai quấy. Bởi vì: Bồ đề, Niết bàn không phải là thứ đối tượng CHỨNG ĐẮC, do ai đó ban cho. Cũng không phải ở cảnh giới xa xôi nào, do sự thoát xác vãng sanh mới có. Ta hãy đọc đoạn kinh văn:

"Nhất thiết chư pháp vô vi Phật pháp.
"Nhi ngã bất liễu tùy vô minh lưu.
"Thị tắc ư Bồ đề trung kiến bất thanh tịnh.
"Ư giải thoát trung nhi khởi triền phược..."

Theo tư tưởng đại thừa: tất cả pháp đều là Phật pháp. Tại vì ta không hiểu, buông xuôi theo dòng trôi chảy của vô minh. Thế nên ở trong Bồ đề, mà chỉ thấy vô minh phiền não. Ở trong Niết bàn mà thấy rặc ràng buộc khổ đau.

Hãy tin nhận lời dạy của Như Lai. Lời nói của Như Lai: Chân ngữ giả, thật ngữ giả, bất dị ngữ giả, bất cuống ngữ giả.

* Đừng tưởng rằng Như Lai có CHỨNG ĐẮC THẬT, đối với một pháp nào. Vì sao? Vì nó không có hình dáng kích thước. Nhưng đừng tưởng pháp của Như Lai CHỨNG ĐẮC LÀ HƯ. Vì sao? Vì Như Lai có giác ngộ chân lý thật sự và giải thoát vô minh thật sự. Như Lai là bậc PHÁP VƯƠNG.

Bố thí mà chấp, là bố thí có điều kiện, thì chẳng khác bao nhiêu, so với sự đổi chác tầm thường. Thế nên, phước đức chẳng là bao. Bố thí vô trụ tướng, phước đức vô biên vô lượng. Vì bố thí như vậy, có nghĩa là mình trở về, sống với tự tánh thanh tịnh, không tham lam vốn có của mình là sống đúng theo chân lý của hiện tượng vạn pháp trong vũ trụ.

Kinh nầy là thứ kinh khó nghe khó nhận. Nghe mà hiểu và tin nhận là người nầy gần gũi Như Lai. Phật sẽ thấy hết, biết hết, người nầy được vô lượng vô biên công đức, vì đã có cái vốn Bát Nhã Ba La Mật, đủ để xây dựng lâu đài Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác rồi.

*****


XIV. SỰ LỢI ÍCH CỦA NGƯỜI THỌ TRÌ ĐỌC TỤNG VÀ XIỂN DƯƠNG GIÁO LÝ BÁT NHÃ BA LA MẬT

PHẬT BẢO: TU BỒ ĐỀ! GIẢ SỬ CÓ THIỆN NAM, THIỆN NỮ, CỨ MỖI NGÀY BA LẦN: SÁNG TRƯA VÀ CHIỀU, ĐEM THÂN MẠNG NHIỀU NHƯ CÁT SÔNG HẰNG BỐ THÍ, LÀM NHƯ VẬY TRẢI QUA TRĂM NGÀN MUÔN ỨC KIẾP. THẾ NHƯNG, PHƯỚC ĐỨC KHÔNG BẰNG NGƯỜI NGHE KINH NẦY MÀ LÒNG TIN KHÔNG CHỐNG TRÁI.

TU BỒ ĐỀ! KINH NẦY CÓ VÔ LƯỢNG VÔ BIÊN CÔNG ĐỨC. NHƯ LAI VÌ NGƯỜI PHÁT TÂM ĐẠI THỪA MÀ NÓI, VÌ NGƯỜI TỐI THƯỢNG THỪA MÀ NÓI. NGƯỜI NÀO THỌ TRÌ ĐỌC TỤNG BIÊN CHÉP GIẢNG NÓI KINH NẦY CHO NHIỀU NGƯỜI NGHE LÀ NGƯỜI THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC KHÔNG NGẰN MÉ, KHÔNG THỂ CÂN LƯỜNG. ĐÓ LÀ NGƯỜI GÁNH VÁC VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC, NHƯ LAI.

TU BỒ ĐỀ! NGƯỜI CHUỘNG PHÁP NHỎ (TIỂU THỪA) KHÔNG THỂ NGHE VÀ TIN NHẬN NỔI KINH NẦY, LẠI CÀNG KHÔNG THỂ THỌ TRÌ, ĐỌC TỤNG, GIẢNG NÓI. VÌ HỌ VƯỚNG MẮC TỨ TƯỚNG: NGÃ, NHƠN…

TU BỒ ĐỀ! CHỖ NÀO CÓ KINH NẦY, TRỜI, NGƯỜI, A TU LA, ĐỀU NÊN CÚNG DƯỜNG VÀ HÃY XEM ĐÓ LÀ THÁP PHẬT, NÊN ĐEM HƯƠNG HOA TUNG RẢI MÀ CÚNG DƯỜNG. NÊN LỄ LẠY VÀ ĐI NHIỄU QUANH, ĐỂ TỎ LÒNG CUNG KÍNH TÔN TRỌNG.

TRỰC CHỈ

Đọc đoạn kinh trên ta thấy: chỉ có trí tuệ Ba La Mật, mới là nhân tố quyết định để thành một vị Phật. Không có trí tuệ, sẽ không có giác ngộ. Muốn giác ngộ phải trau dồi trí tuệ. Có trí tuệ, giác ngộ mới nhận thức được chân lý. Có nhận thức đúng chân lý, mới tự chủ lấy mình, tự chủ trước sự sai sử của vô minh dục vọng. Vẹt tan vô minh mới hóa giải, cải tạo phiền não. Hết phiền não vô minh gọi là người giải thoát. Giải thoát tức là đã đến Niết bàn. Do vậy, ta thấy yếu tố căn bản của Bồ đề, Niết bàn là trí tuệ: Bát Nhã Ba La Mật.

* Đoạn kinh nầy, Phật cho biết: Bố thí thân mạng nhiều như cát sông Hằng, bố thí như vậy, ngày ba lần, trải trăm nghìn muôn ức kiếp, thế mà phước đức không bằng người nghe kinh Bát Nhã Ba La Mật mà lòng tin không trái. Lời dạy của Phật nghe ra không ít người cho là chuyện lạ kỳ. Nhưng đó là sự thật, Phật không hề dối gạt chúng sanh. Người bố thí thân mạng, phải biết bố thí để làm gì. Bố thí thân mạng phải nhắm đúng mục tiêu; không biết để làm gì, không nhắm đúng mục tiêu, đó chỉ là một hành động điên rồ, như người tự tử, thiệt thân mình, cũng chẳng lợi ích cho ai.

Theo giáo lý Phật, bố thí thân mạng là cách nói, nhằm mục đích dạy diệt trừ NGÃ CHẤP, xóa bỏ cái TA. Tuy nhiên nếu đạt đến mục đích đó thôi, vẫn còn là phiến diện, vì nếu PHÁP CHẤP hãy còn thì chưa tìm thấy được yếu tố căn bản để thành Phật. Như vậy, thì quả Phật hãy còn xa.

Trí tuệ Ba La Mật là yếu tố quyết định thành Phật. Cho nên, người nghe mà lòng tin không trái, nghe mà ham mộ thọ trì đọc tụng, truyền bá cho nhiều người, điều đó chứng minh rằng: Hạt giống Bát Nhã của người nầy đã gieo trồng đến hồi đơm hoa kết trái. Người nầy sắp thâu hoạch quả Vô Thượng Bồ Đề. Vì vậy, Phật nói: Kinh Bát Nhã Ba La Mật có ở đâu, xem như ở đó có Phật. Cúng dường tôn trọng kinh, cúng dường tôn trọng người thọ trì đọc tụng, được xem như cúng dường tôn trọng tháp miếu Phật. Công đức của kinh Bát Nhã vốn lớn lao, truyền bá kinh Bát Nhã lại càng lớn lao hơn vạn bội, vì đã gieo hạt giống Bát Nhã nơi thửa đất tâm của nhiều người. Công hạnh tự lợi, lợi tha của một Bồ tát sắp đến thời kỳ viên mãn.

*****


XV. BÁT NHÃ BA LA MẬT VỚI VẤN ĐỀ NGHIỆP CHƯỚNG BA THÌ

PHẬT BẢO: TU BỒ ĐỀ! NGƯỜI THIỆN NAM, THIỆN NỮ NÀO THỌ TRÌ ĐỌC TỤNG KINH NẦY MÀ BỊ NGƯỜI KHINH KHI XÀI XỂ, PHẢI BIẾT NGƯỜI ĐÓ ĐÃ CÓ GÂY NHƠN KHÔNG TỐT, ĐÁNG LẼ PHẢI TRIỀN MIÊN TRONG ĐỊA NGỤC, NGẠ QUỈ, SÚC SANH. HIỆN TẠI THỌ TRÌ KINH BÁT NHÃ BA LA MẬT MÀ BỊ NGƯỜI XÀI XỂ, THÌ TỘI NGHIỆP ĐÃ GÂY, ĐƯỢC TIÊU DIỆT, NGƯỜI NẦY SẼ ĐƯỢC VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC.

TU BỒ ĐỀ! TA NHỚ LẠI, VÔ LƯỢNG VÔ BIÊN KIẾP QUÁ KHỨ, Ở THỜI PHẬT NHIÊN ĐĂNG, TA ĐƯỢC GẶP TÁM TRĂM BỐN MƯƠI NGHÌN MUÔN ỨC NA DO THA PHẬT, TA ĐỀU HẦU HẠ CÚNG DƯỜNG, KHÔNG HỀ MỎI MỆT BỎ QUA. VẬY MÀ, SAU NẦY NẾU CÓ THIỆN NAM, THIỆN NỮ NÀO THỌ TRÌ ĐỌC TỤNG KINH NẦY, CÔNG ĐỨC CỦA NGƯỜI ĐÓ, CÒN VÔ CÙNG TO LỚN. CÔNG ĐỨC TA ĐƯỢC TRƯỚC KIA, KHÔNG BẰNG MỘT PHẦN TRĂM, MỘT PHẦN NGHÌN, MUÔN, ỨC. NÓ NHỎ TÍ TI, THẬM CHÍ KHÔNG TỈ LỆ ĐƯỢC.

TU BỒ ĐỀ! NẾU TA NÓI CẶN KẼ CÔNG ĐỨC CỦA NGƯỜI THỌ TRÌ ĐỌC TỤNG BÁT NHÃ BA LA MẬT, SẼ CÓ NGƯỜI NGHE MÀ SANH TÂM CUỒNG LOẠN, HỒ NGHI, KHÔNG TIN NỔI! VÌ KINH NẦY NGHĨA LÝ KHÔNG NGHĨ BÀN, CHO NÊN QUẢ BÁO CỦA NÓ CŨNG KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN.

TRỰC CHỈ

Xét cho tột, chân lý của cuộc đời, cái kết quả nào cũng sanh từ mầm nhân của nó. Nếu hiện tại thọ trì Bát Nhã Ba La Mật mà bị người xài xể khinh khi, cái quả nầy hẳn là do gieo nhân không tốt ở một lúc nào trước đó. Đã là quả thì quả nào rồi cũng chín, muồi, rồi rụng. Thế là chấm dứt một giai đoạn, của dòng nhân quả đó.

Xài xể, chưởi bới, chưởi bới đã rồi thôi. Thôi là kết thúc, chấm dứt một giai đoạn nhân quả.

Hiện tại, thọ trì đọc tụng Bát Nhã Ba La Mật, là người đã gieo hạt nhân trí tuệ. Thế là dòng nhân quả mới, nẩy mầm, phát triển trong một chu trình mới. Dựa trên chu trình nhân quả mà luận xét, việc gì sẽ xảy đến, chắc hẳn nhiều người đã đoán biết được rồi. Đó là: quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Thử tìm hiểu ý nghĩa của sự cúng dường và nên lấy gì để cúng dường Phật?

_ Nếu bảo rằng đem vật SẮC cúng dường Phật, để cầu được thành Phật. Sai rồi. Vì quả Phật không phải hình sắc: dài, ngắn, vuông, tròn....Cũng không phải hiển sắc: xanh, vàng, đỏ, trắng.....

_ Bảo rằng đem HƯƠNG cúng Phật, để cầu được thành Phật. Không được. Vì Phật không phải là một thứ chất thơm tho.

_ Bảo rằng đem THANH cúng Phật, để cầu thành Phật. Không đúng. Vì Phật không phải là tiếng nói, hay tiếng trống, tiếng chuông.

_ Bảo rằng đem VỊ cúng Phật, để cầu thành Phật. Không phải. Vì Phật không là chua, cay, mặn, lạt...

_ Bảo rằng lấy XÚC cúng Phật, để cầu thành Phật. Không, nhầm. Vì Phật không phải là sự nặng, nhẹ, lạnh, nóng....

_ Nếu bảo rằng đem PHÁP TRẦN cúng Phật, để cầu thành Phật. Viễn vông. Vì Phật không phải là thứ khái niệm mông lung, thứ ký ức dĩ vãng, thứ sản phẩm của bộ óc con người.

Tóm lại, dùng lục trần làm nhân để mong được quả Phật là phi lý. Đem cái nhân VÔ TRI, mong kết thành cái quả HỮU GIÁC (Phật = Giác giả), người trí không tin có việc đó xảy ra.

Nếu bảo: SẮC, THANH, HƯƠNG, VỊ, XÚC, PHÁP, xem như một thứ "lễ vật" là những món quà, để gây cảm tình với Phật. Rồi tiếp theo là cầu nguyện, khấn vái, van xin. Chư Phật sẽ rủ lòng từ bi mà hộ độ. Nhờ vậy, ta được thành Phật sau nầy!

Phật ôi! Nếu người đệ tử Phật nghĩ ra kiểu cúng dường đó thì thật là chua xót cho Thế Tôn! Đau đớn cho Phật biết chừng nào! Thà đừng có đệ tử đó, để khỏi tai tiếng rằng: Như Lai Thế Tôn mà còn tham ....ăn...hối lộ!

Từ nhận thức trên, ta thấy rỏ nguyên nhân vì sao trong vô lượng kiếp, Phật cúng dường hầu hạ chư Phật rất nhiều, thế mà công đức bé nhỏ tí ti. Bởi vì sự cúng dường đó chưa đạt mục đích yêu cầu, đối với quả Vô Thượng Bồ Đề, chưa tạo được cái duyên nhân thành Phật. Duyên nhân thành Phật là Bát Nhã Ba La Mật. Thọ trì tu học Bát Nhã Ba La Mật là bồi dưỡng cho mình cái duyên nhân mạnh mẽ nhất.

Vì vậy, thọ trì đọc tụng giảng nói Bát Nhã Ba La Mật công đức vô cùng to lớn. Thảo nào, người thiển trí nghe mà chẳng sanh tâm cuồng loạn, bất tín, hồ nghi!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]