Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1. Phẩm bất thối chuyển thứ ba mươi

03/05/201313:18(Xem: 11625)
1. Phẩm bất thối chuyển thứ ba mươi

Kinh Hoa Thủ (Quyển IX)

1. Phẩm bất thối chuyển thứ ba mươi

Hòa thượng Thích Bảo Lạc

Nguồn: Hòa thượng Thích Bảo Lạc Việt dịch

Phật bảo Xá Lợi Phất, nay Như Lai phải trừ nghi cho các vị, cũng như khiến người đọc tụng, diễn nói, thọ trì kinh này trong tương lai đều dứt hết nghi ngờ.

Này Xá Lợi Phất, Như Lai là bậc trí sâu thấy rộng, là kẻ thuyết đạo, không pháp nào chẳng thấy, không pháp nào chẳng nghe, không pháp nào chẳng biết, không pháp nào chẳng hiểu, nên thấu suốt rõ ba đời không còn ngăn ngại. Xá Lợi Phất, Như Lai là bậc không ai sánh bằng, trong các pháp đều giải đúng, tự nhiên, tự tại không cần thầy. Nay Như Lai muốn vang lên tiếng gầm sư tử giữa đại chúng, để cho người ngu hành pháp tà đạo biết, chẳng cần nói rộng. Như có người thiện nam thiện nữ phát tâm vô thượng Bồ Ðề, ở trong giáo pháp ta phải nhất tâm thực hành. Tại sao? Phải nghĩ thế này: chư Phật đã tu tập pháp vô thượng Bồ Ðề trong vô số kiếp. Trong các pháp ấy nếu ta sanh tâm giải đãi thì chắc không thể tin; còn như đi ngược lại không thọ trì, thì không hiểu biết. Này Xá Lợi Phất, nếu Bồ Tát hành bốn pháp sau là làm hủy hoại đạo vô thượng của chư Phật. Những gì là bốn?

1) Xa lánh bạn lành, tiếp xúc thân cận bọn ác tri thức, theo chỗ học mà phá pháp Ðại Thừa .

2) Bồ Tát có sở đắc, thấy được thân tâm mình, nghe kinh sâu mầu bèn sinh ra khiếp sợ, nên đọa vào đại địa ngục.

3) Bồ Tát học kinh luận phức tạp của ngoại đạo, giỏi việc tranh luận, được nhiều người tôn kính; không điều phục được tâm, cũng không điều phục được pháp. Vì không điều phục được nên không thực hành pháp Ðại Thừa.

4) Bồ Tát phá hủy các giới cấm Phật chế không theo kịp nổi. Nghe những giới thanh tịnh vi diệu tuyệt vời ấy tâm không hiểu thấu nên không tin; ngược lại, không thọ trì.

Bồ Tát bị bốn pháp ấy nên không thể tin thọ, còn làm phá hủy đạo Bồ Ðề. Lúc bấy giờ đức Thế Tôn muốn cho rõ nghĩa trên nên nói bài kệ rằng:

Nếu gần ác tri thức
làm theo chúng thất đức
nên không ưa Phật pháp
hủy diệt đạo vô thượng.
Học kinh điển ngoại đạo
ưa giỏi việc tranh luận.
Nếu có kẻ phát ngôn
đều là bọn phá hoại.
Dù tự xưng người trí
kỳ thật lại ngu si.
Nhân duyên đó là vì
không tin đạo Bồ Ðề.
Như người tham chấp ngã
theo chỗ hiểu biết đã
nghe pháp nhiệm mầu này
sanh tâm sợ hãi ngay;
chẳng hiểu một mảy may:
pháp thật không, tịnh thảy.
Không hiểu Bồ Ðề đạo
nên không niệm tin tưởng.
Do vì phá giới tướng
nên tạo nghiệp tội chướng
không thể theo học được,
những giới cấm Phật lược.
Ác khẩu và lưỡng thiệt
ưa nêu lỗi của người.
Kẻ bất thiện dẫy đầy
không ác nào chẳng tạo;
vì thế nên tránh xa.
Ðạo Bồ Ðề thiết tha
thuận pháp ta xưng tán
học tu chuyên tinh tấn.
Như người muốn thấy Phật
muốn hiểu pháp như thật
nên giữ giới cẩn mật
từ đó được trí Phật.
Nếu người tịnh giới luật
tâm Bồ Ðề cao tột
do giữ giới tịnh thanh
hay diệt ác quán lành.
Nên người cầu đạo giác
phải tịnh tu giới luật.
Khi ấy trong Phật pháp
không còn thấy điểm nghi.
Lại nữa, Xá Lợi Phất, Bồ Tát có bốn pháp để hộ trì Phật pháp. Những gì là bốn ?
1) Tự giữ giới thanh tịnh, phát tâm an trú trong giới,
2) Rộng nghe giáo pháp, không bàn tạp luận
3) Nghe kinh pháp của Phật chuyên cần trì tụng
4) Thường ưa ở một mình, thích hạnh thanh tịnh.
Xá Lợi Phất, nếu Bồ Tát hoàn thành bốn pháp ấy có thể hộ trì Phật pháp. Lúc bấy giờ đức Thế Tôn muốn làm cho rõ nghĩa trên nên nói bài kệ:
Bồ Tát chuyên giữ giới
không lấy giới tự cao
để cầu pháp nhiệm mầu
quyết định nghĩa thẩm sâu.
Pháp tịnh đệ nhứt này
cầu vô thượng Bồ Ðề.
Chỉ tu chánh pháp Phật
luận ngoại đạo chẳng tập;
và cũng không tụng đọc
kinh điển Lộ Già Da
chẳng thích luận trích qua.
Phật pháp hộ thiết tha
thường tu nơi vắng lặng
thích ở chỗ không nhàn.
Các sắc dục không còn
làm não loạn tâm thần.
Nay ta đã tán dương
bốn pháp vi diệu này
vì muốn Phật đạo thành.
Các vị gắng tu hành
ta trong nối tiếp đời
đều thực hành pháp ấy
ủng hộ Phật pháp thảy
sớm đạt thành đại trí
Phật pháp luôn hộ trì.
Ác nạn chẳng đọa vào
thường sanh nơi tôn quí
làm chỗ để dựa nương
nên được đại giàu sang
tâm vẫn chẳng phế hoang
sớm tạo phước nghiệp đoàn.
Biết của cải vô thường
bố thí là một phương
nên cho chẳng giữ thường.
Thân ta và tài sản
lúc chết đều thỏng buông.
Chỉ người thiện quyến thuộc
cùng kẻ thiện tri thức
cha mẹ và thân tộc
khiến họ tin Phật pháp.
Thích thực hành việc tốt
cũng như khiến người tin.
Nhờ đó đại vui mừng
để tu hành chánh pháp.
Ðược sanh trong thế gian
dòng quí tộc giàu sang
tâm vẫn không phóng đãng
ưa làm việc thiện sáng
với thân mạng, tài sản
chẳng nghĩ tưởng tiếc tham.
Gặp chư Phật thậm nan
chỗ không nạn cũng vậy
Gặp Phật hết nạn thảy
lợi ích thật lớn thay!
Tâm hằng tưởng xuất gia
trí huệ phát sanh là
đại hoan hỷ thuần hòa.
Cầu trí huệ cao vời
ở trong pháp an thường
phát sanh đạo vô thượng.


Này Xá Lợi Phất, Bồ Tát có bốn pháp tâm thường hoan hỷ tu hành an ổn, nên biết chắc sẽ thành Phật, danh đồn khắp mười phương. Những gì là bốn?
1) Có những sở hữu trong (thân thể), ngoài (của cải) đều vui lòng bố thí
2) An trụ trong giới, tu các công đức lành
3) Trong hàng tri thức, là người được tôn kính hơn cả
4) Vì hiểu giáo pháp mầu nhiệm nên không tiếc thân mạng. Nếu có ai đọc tụng kinh này thì nên gia tâm lễ bái cúng dường ủng hộ. Ðầy đủ bốn pháp như thế thì tâm thường vui vẽ, nên tự tìm được niềm an lạc, ta tin chắc vị ấy thành Phật, danh đồn khắp mười phương.
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn muốn làm cho rõ nghĩa trên nên nói bài kệ:


Quyết bỏ mọi tài sản
an trụ trong tịnh giới
hơn hẳn trong người trí
chẳng ngờ pháp vắng lặng.
Nếu thấy người đọc tụng
hành trì và diễn nói
kinh điển nghĩa thâm huyền
đem mọi vật cúng dường.
Ðây là Bồ Tát tướng
tâm hằng vui bố thí
làm Phật được thọ ký
trong đời đáng được tôn
hoặc quá khứ, vị lai
cùng chư Phật hiện tại
thọ ký được giác ngộ
ngươi sớm thành Phật ngay.
Nếu người tu pháp này
chính lời chư Phật dạy.
Bồ Tát nên biết thế
an trụ đạo Bồ Ðề.
Pháp này Phật xưng tán
Chư Bồ Tát thực hành.
Người nào trụ trong ấy
vị lai Phật ắt thành
Ví như lấy bình sốp
từ cao thả xuống đất
khoảng giữa chẳng chi ngăn
biết chắc vỡ tan hoang.
Bồ Tát cũng như thế
chuyên tu hành đạo giác
khoảng giữa không chi ngăn
được thành Phật chắc chắn.
Giống người dệt cửi hẳn
đường ngang dọc ngay thẳng
khoảng giữa chẳng dự phòng
mà vải vẫn thành công.
Bồ Tát cũng như thế
thường tu đạo Bồ Ðề
tâm không hay biếng trễ
Phật quả được chứng nên.
Như người có ruộng tốt
trồng tỉa lúa mạ lên
luôn luôn năng tưới bón
xanh tươi hạt chắc bền.
Tùy thời lo giữ gìn
lạnh nóng, gió khó gần
cây dần dần lớn mạnh
mùa lúa kết sung thạnh
nhờ che chở mát sạch
cho người được nghỉ ngơi
hạt chắc cấp chúng xơi
là công việc ích lợi.
Bồ Tát cũng như vậy
đầu phát tâm Bồ Ðề
dần tu Bồ Tát đạo;
muốn hiểu rộng thấu đáo
tùy thực hành huệ thí
thường giữ gìn cấm giới,
các pháp giải thoát thời
cũng chẳng hề biếng lười.
Thực hành theo lớp lang
được ngồi tòa đạo tràng
trừ diệt chúng ma quân
chứng vô thượng Bồ Ðề
tùy thời chuyển pháp luân.
Không ngăn ngại thế gian
để độ thoát chúng sanh
dẫn đạo vô số chúng
bậc trí huệ xứng đáng
phát tâm vô thượng quang
đời đời không lui hàng
cho đến khi thành Phật.
Vì thế các vị nay
nên tu pháp diệu này
chắc được thành Phật ngay
tùy thời chuyển pháp luân.

Xá Lợi Phất, Bồ Tát có bốn pháp trọn đời không thối chuyển đạo vô thượng Bồ Ðề, xã thân làm được chuyển luân thánh vương phước đức tự tại, thân thể cường tráng như đại lực sĩ. Làm chuyển luân vương bỏ bốn châu thiên hạ mà xuất gia, khi đã xuất gia thường được tự tại tu bốn phạm hạnh. Sau khi chết được sanh lên cõi trời Phạm Thế làm Ðại Phạm Thiên. Những gì là bốn?

1) Nếu Bồ Tát thấy chùa tháp hư nát nên ra sức sửa sang lại, dù chỉ còn một đống hay tan ra từng mãnh vụn. Ðó là pháp thứ nhất, cho đến khi làm được Phạm Thiên Vương.

2) Nếu Bồ Tát ở giữa con đường thông sang bốn bên có nhiều người qua lại mà lập chùa tháp hay hình tượng Phật. Làm việc Phật, tạo công đức ấy, hoặc chuyển pháp luân và xuất gia, hoặc ngồi đạo tràng, phá diệt ma quân, hoặc hiện thần thông hay nhập Niết Bàn, hoặc từ thiên thượng hiện xuống trần... là pháp thứ hai, cho đến khi được làm Phạm Thiên Vương.

3) Nếu Bồ Tát thấy tỳ kheo tăng tan rã, hai chúng tranh tụng, hiềm giận đôi co nhau lỗi quấy. Lúc đó Bồ Tát phải có cách khéo léo làm cho họ hòa hợp. Ðó là pháp thứ ba cho đến khi làm được Phạm Thiên Vương.

4) Nếu Bồ Tát thấy Phật pháp sắp hoại diệt thường phải tụng kinh, thuyết pháp dù một bài kệ bốn câu, làm cho giáo pháp không mất; tinh tấn tu hành để hộ trì Phật pháp, cúng dường pháp sư, một lòng hộ pháp không tiếc thân mạng. Ðó là pháp thứ tư, nếu Bồ Tát thành tựu được bốn pháp như thế đời đời chuyển thân làm vua chuyển luân, thân tướng cao lớn như đại lực sĩ. Bỏ cả bốn châu thiên hạ mà xuất gia. Khi xuất gia thì tùy ý tu bốn phạm hạnh. Khi chết được sanh lên cõi trời Phạm Thế làm vua Ðại Phạm Thiên.

Lúc đó đức Thế Tôn muốn làm rõ nghĩa trên nên nói bài kệ rằng:

Nếu thấy tháp Phật hư
ra công tu bổ lại
Bồ Tát làm như vậy
nên được thân cao đại
Ở giữa bốn ngã đường
tạo lập chùa, tháp, tượng
biểu hiện Phật đức tướng
khiến chúng tâm thanh tịnh
được đại phước báu sinh
danh vang khắp lưu truyền.
Với quyến thuộc đông vầy
được nhiều người xưng tán.
Hoặc thấy tăng ly tan
cốt chỉ lo tranh tụng
chước khéo làm họ hối
cho hòa hợp ở chung.
Nhờ phước đức nhân duyên
sức mạnh không ai bằng
thân cao lớn đẫy đà
đại lực sĩ khác nào...
Thấy Phật pháp tiêu hao
không có người tín thọ
nên nhứt tâm ủng hộ
chẳng mến tiếc thân mạng.
Thấy ai hộ trì pháp
thêm cung phụng kính trọng
làm chư thiên hộ vệ
nên chư Phật gia bị.
Giúp chấn hưng Phật lý
nên làm được quốc vương
dạo đi khắp bốn phương
đem pháp dạy chư cường
Tuy trị quốc an dân
tâm chẳng chút buông lung.
Hay khéo đè các dục
xuất gia lìa tổ quốc
chuyên tu tập tứ thiền
đủ thần thông thiên biến
bốn phạm hạnh tu tiến
thường ưa điều phước thiện
cho đến lúc mạng diệt
được sanh lên Phạm Thiên
các cõi trời Phạm Thế
được làm Tự Tại Vương
Bốn pháp đây tối thượng
chư Phật đều tán dương.
Xưa ta là Bồ Tát
cũng thân cận tu thường
theo chỗ thấy nghe pháp
như thuyết tu học tường
được đến bờ giác ngộ
sớm thành đạo vô thượng.
Nếu người chuyên tu dưỡng
thực hành pháp của ta
đời đời được tôn quí
sức mạnh khó chuyển lay
thường được người kính lạy.
Các vua trời Ðao Lợi
trong cõi dục cũng vậy
được làm Tự Tại vương
và ngay cõi sắc được
làm Tự Tại quốc vương
khắp nơi đều tôn ngưỡng.
Ai chẳng tu chánh đạo
giữ giới cấm thanh tịnh.
Tâm luôn biết hổ thẹn
đều thành tựu sở nguyện
trụ nơi điều phước thiện
tinh tấn không trễ biếng.
Tập nhẫn nhục, tu thiền
được trí huệ vô biên
hiểu thông tất cả pháp.
Hằng trăm nghìn vạn ức
pháp phương tiện không lường
thảy đều thông suốt cả
thấu rõ nghĩa tinh tường.
Chỉ trong mỗi một câu
diễn nghĩa mầu vô lượng
Khéo biết các thuật hay
vượt hơn hẳn trong đây
là được đại trí huệ.
Biện luận giỏi vô ngại
chuyên tu đạo giác ngộ.
Xã bỏ trí huệ thừa
thường giữ tâm ngay thẳng
khéo tu tập chánh kiến
nên được gặp Như Lai
lìa xa bao chướng ngại
Ấy là thừa trọng đại
chư Phật đều ngợi khen.
Trong thừa vi diệu đây
chẳng còn các lỗi quấy
Chẳng hạn người mù thảy
cũng chẳng hạn điếc ngây
Lưng gù trăm hoạn nạn
câm, ngọng, xấu xí thay.
Cũng chẳng hạn bần cùng
Và người mất phước báu.
Chẳng hạn tạo nghiệp dữ
nhân duyên đọa ác thú.
Ai nghe khen thừa ấy
chẳng tạo điều ác quấy
mà cũng chẳng học tu
chỉ trừ kẻ ác tâm.
Người trí nên chuyên cần
cầu Phật tuệ quyết lòng
tu tập trí huệ này
Giác ngộ đạt đến bờ
Ta sanh ra đời đời
thường trong dòng tôn quí
tướng đẹp sức bền bỉ
đầy đủ quyến thuộc thảy.
Lúc đầu ta chẳng trể
chuyên tu hành tinh nhuệ
giữ gìn tịnh giới để
nhất tâm cầu trí huệ.
Ðời quá khứ như thế
do tu tập pháp lành.
Nay được thọ nhận tốt.
Các vị chớ có xét
qua trăm nghìn vạn ức
vô số na do tha
thế giới như hà sa
trí ta đều thông suốt;
cũng biết rõ mồn một
tâm niệm của chúng sanh
còn biết việc chúng hành
và thâm tâm chúng muốn.
Ta biết tìm phương kế
giáo hóa Bồ Ðề phần;
cũng biết điều phục tâm
làm cho không phừng cháy.
Ta dùng Phật nhãn thấy
thế giới tâm chúng sanh
giáo hóa phải có cách
gốc sanh tử nhổ sạch
tùy thời mà thuyết pháp,
dạy bảo hướng dẫn đường
hiển hiện sức thần thông
khiến chúng đều vui mừng.
Nếu chúng ưa tham chấp
tài sản và thân sắc;
chỉ rõ các lỗi thất
để đạt đến Niết Bàn.
Nếu kẻ bị buộc ràng
vấn vương các tà kiến
cũng làm cho trông thấy
khiến họ biết lỗi lầm.
Tùy chúng được quí tôn
tướng hình thân đủ loại.
Ta liền theo biến hóa
chánh đạo chỉ rõ cho.
Người kia đắc pháp rồi
tâm hân hoan gấp bội.
Nói, nghĩ tức Phật ngôi
ta thương giáo hóa đời;
quy y ta tức thời.
Cũng nương theo Thánh pháp
rồi sau dần chứng đắc;
phiền não khổ nhổ bạt
vì người mà thuyết pháp
khiến được đạo tịch diệt.
Người ấy nghe pháp ta
Niết Bàn đạt không xa
như ta trong hiện tại;
các pháp đều vô ngại.
Quá, hiện và vị lai
trí huệ chẳng còn ai (hơn)
Thân Phật thật cao đại
không thể có hạn lượng.
Kẻ thần thông đạt được
còn chưa thể thấy nghe
Phật lực nhiệm mầu thay
không biên cương giới hạn
đem Phật lực vô lượng
che chở cõi Hằng sa
Những gì của Như Lai
sắc tướng thân hiện tại
chúng sanh trong các loại
không còn có hạn lượng.
Nếu chúng sanh nào tưởng
muốn thấy Phật sắc tướng
thì nhìn đủ loại thân
không có định tướng hình
Thấy Phật thân biến liền
tâm hân hoan khôn xiết.
Chúng nhiệt liệt khen ta
đều là sai lầm cả.
Loài chúng sanh hết thảy
Phật thân khó thấy rõ
thậm chí dùng thiên nhãn
cũng khó có thể tường.
Các vị nay thấy được
là Phật lực thần thông
thân tướng Phật trang nghiêm
thật khó thể nghĩ cùng.
Phật ở mỗi chân lông
biến hóa sức thần thông
vì lợi ích chúng sanh
còn khó thể bàn suông.
Trong mỗi lỗ chân lông
phóng vô số hào quang
hơn số các sông Hằng
các thế giới đâu bằng.
Ta được các vị khen
an tọa giữa chúng tăng
trong mười phương thế giới
cũng xưng tán như đây.
Ta dùng trí hết thảy
Phật lực trí huệ bày
còn chưa hết được thay
huống gì được nghe thấy.
Phật còn khó bàn vậy;
Pháp xét nghĩ khó hơn.
Nếu ai tin hết lòng
quả báo được khó lường.
Lúc bấy giờ trong chúng có một đồng tử (1) bảy tuổi tên là Tuyển Trạch từ chỗ ngồi đứng dậy chấp tay hướng về đức Phật nói bài kệ rằng:
Thế Tôn, con phát tâm
mong mỏi đấng pháp vương (2)
nghe pháp khó nghĩ lường
trang nghiêm tâm cao thượng.
Vì chúng sanh thương tưởng
lập pháp thí (3) hội trường
làm tiếng sư tử gầm
như đã nói tất thành.
Thế Tôn, con từ nay
không tham gia quyến thảy.
Theo y lời Phật dạy
xuất gia tu chánh đạo,
tinh tấn hành chu đáo
thiền định và trí não
chánh giác sớm đạt vào.
Nay con tu học dạo
vì nhiễm sâu dục hão
mong sớm được xuất gia
cạo tóc, mặc cà sa;
thường tu hành thượng pháp.
Nên dùng sức hiểu biết
chọn lựa ở thế gian
Thế Tôn nên vì con
mong mỏi cho xuất gia.
Con không tưởng chúng sanh
vì nghĩ tưởng khó thành
tức giáo pháp hiểu rành
nên vì chúng sanh thuyết
chúng ma quân phá diệt;
làm ngoại đạo tê liệt
lưới tà kiến trừ dẹp
làm lợi chúng tốt đẹp.
Con hành đạo an lạc
chân Niết Bàn tu đạt
vô hình tướng đạo giác
nên khó thể nghĩ bàn.
Ðoạn mê si loạn cuồng
pháp sáng soi thế gian.
Pháp chân thật truyền giảng
tùy theo pháp tánh tướng
đại thần thông đạt được
hy hữu hiện các việc.
Chúng sanh được thấy nghe
đoạn dứt những mối nghi...
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn bảo Tuyển Trạch rằng: hay thay, hay thay đồng tử! Con ở trong pháp ta mà muốn xuất gia chăng? Mong thay Thế Tôn! Như Lai liền nói bài kệ rằng:
Tuy đang mặc nhiễm y (4)
mà tâm không đắm nhiễm
thì trong Phật pháp thảy
mới chân thật xuất gia.
Trang sức tuy chưa xã
mọi mối buộc lìa xa.
Không kết, tâm không mở
ấy là chân xuất gia.
Tuy không thọ giới cấm
Tâm xa hẳn ác tà
mở định huệ công đức
ấy là chơn xuất gia
Tuy không thọ giới cấm
mà phá pháp chẳng chấp
lìa hết thảy mọi pháp
ấy là chân xuất gia.
Nếu chẳng phân biệt ngã
cũng không chúng sanh thảy
mà tâm bất thối chuyển
ấy là chân Bồ Ðề.
Nếu phát tâm Bồ Ðề
chẳng đạt hết tướng tâm
không được mà chẳng động
là người không thể mất.
Lúc bấy giờ Xá Lợi Phất nghĩ như thế này: đồng tử đây từ khi phát tâm đến nay cũng đã lâu, Phật vì đồng tử thuyết pháp mầu. Lúc đó Xá Lợi Phất dùng kệ hỏi Phật rằng:
Ðồng tử Tuyển Trạch đây
đã thực hành đa thiểu
nhờ nghe pháp thâm diệu
mà tâm không kinh sợ.
Người ấy đời quá khứ
từng thấy bao đức Phật
nghe pháp thâm diệu này.
Nay nghe Thế Tôn nói
phát tâm tín thọ ngay
Tùy theo chư Như Lai
nghe pháp thâm diệu này
tâm chẳng chút đổi thay?
Liền đó đức Thế Tôn dùng bài kệ đáp rằng:
Ðồng tử Tuyển Trạch đây
từng ở thế giới này
theo hầu vô số Phật
được nghe vi diệu pháp.
Ðồng tử như ta biết
ở Ương Già Ma quốc
đã nghe qua Phật pháp
tu hành đạo Bồ Tát
và hiểu rõ thông đạt
ấm giới cùng các nhập
biết ba môn giải thoát
là xứ hay phi xứ
Ca Thi, Kiều Tất La
nơi đây pháp nghe qua
ta thảy đều thấy biết
cũng như hai xứ trên.
Ðồng tử Tuyển Trạch đây
bờ giác thẳng tiến lên
pháp lành càng tăng thêm
được trí huệ thuần thiện
toán số, kỹ thuật tiến
văn từ thế gian thiển
hiểu rõ việc như trên
thảy đều chẳng mất quên.
Hết thảy trí thế gian
cũng khó làm phế vong
trí huệ xuất thế thông
nên gọi các pháp 'không'.
Nếu kẻ am hiểu tường
hết thảy pháp không tướng
trải số kiếp vô lượng
trọn chẳng mất trí này
Ðại trí huệ là đây
hay trừ mọi phiền não.
người thích trí không này
trong pháp chẳng lo buồn.
Lúc đó Xá Lợi Phất hỏi đồng tử rằng, ông ở trong Phật pháp muốn xuất gia chăng? Ðồng tử đáp: chẳng muốn xuất gia nữa. Nay tôi đã xuất gia rồi. Xá Lợi Phất dùng bài kệ hỏi rằng:
Nay tôi không thấy ông
mặc pháp phục nơi thân
cũng chẳng cạo râu tóc
sao gọi xuất gia được?
Ông cũng chẳng hợp pháp
được Hòa Thượng (5), Xà Lê (6)
giới cấm chưa truyền trao
sao gọi nghĩa xuất gia?
Thọ giới chúng ở đâu?
Ai bạch pháp yết ma (7) ?
theo đúng pháp Phật đà
hợp qui cách xuất gia.
Việc này ông chưa qua
xuất gia làm sao được.
Nên phải thật tâm đáp
những câu hỏi như trên.
Lúc đó đồng tử Tuyển Trạch nói kệ trả lời rằng:
Dù không mặc ca sa
hay có mặc chăng là
không bỏ, không thọ pháp
danh chính thật ca sa.
Tôi thọ pháp xuất gia
chẳng khởi tạo phiền hà
là áo sạch vô cấu.
Tôi thường mặc áo ấy
mọi buộc kết đoạn xa
Cạo râu tóc đây là
gươm huệ cắt đứt lìa
sau này chẳng thọ sanh.
Tài tôi khó nghĩ cùng
thọ nhận các pháp mầu
không vơi cũng không đầy.
Thường tu thiện pháp này
tôi thực hành thế ấy
trọn chẳng thọ pháp quấy
Tự thành đầy đủ trí
là thọ giới hoàn bị (8)
Phật, thầy ta yết ma
Do quán pháp như kia
Phật đạo chẳng tách lìa
Tùy thuận nơi Phật đà
ấy là ta xuất gia.
Cũng là giới của ta
thì là y bát cả
đó là pháp yết ma.
Ta thực hành sâu xa
trọng pháp tạo chánh nghiệp
từ một cõi Phật ra
lại đến một cõi khác
ở yên nơi đạo tràng
bố thí khó nghĩ bàn
nên cùng vô số chúng
thọ thực chẳng riêng màng...
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn quán sát rất kỹ đồng tử, thì đồng tử tự nhiên râu tóc trụi hết, áo cà sa mặc vào như người mới cạo tóc. Qua bảy ngày sau chứng được 5 phép thần thông, lúc đó tự nhiên không ai còn trông thấy đồng tử đâu cả. Bấy giờ cả thế giới này đại địa đều chấn động, chúng sanh khiếp hãi, trống trời tự nhiên vang, trăm nghìn nhạc khúc đồng thời trổi lên, ánh sáng rực rỡ chiếu khắp trời đất.
Lúc Phật mỉm cười, từ miệng phóng ra muôn tia hào quang đủ màu sắc rực rỡ, xoay quanh thế giới ba vòng rồi thâu về nơi đỉnh đầu. Lúc đó A Nan trịch áo bày vai bên mặt chấp tay hướng về phía Phật dùng kệ hỏi rằng:
Thầy cao tột trong chúng ai hơn
tu hành phước đức sùng sùng tôn
trí huệ rõ suốt không chướng ngại
Bậc vô thượng trí giác hỏi Ngài
Nhân duyên gì Như Lai mỉm cười?
Phật mỉm cười đây hẳn có nhân
thọ ký từ Phật ai được phần?
Mong Thế Tôn giải rõ cho con.
Thế Tôn miệng phóng đại hào quang
ánh sáng chiếu soi khắp thế gian
vòng quanh thế giới lớp lớp hàng
thâu về đảnh thượng khó ai trông
vì người nào thành công lợi ích?
Ai nơi Phật huệ thích thọ ký
khiến Thế Tôn phấn chí mỉm cười?
Phóng hào quang Phật chiếu khắp nơi
rực rỡ trang nghiêm các thế giới
Hết thảy chúng sanh đều phấn khởi
được tâm an tịnh khó nghĩ ngợi.
Ấy nhờ Phật lực hiện thần thông.

Phật bảo A Nan rằng, nay ông có trông thấy đồng tử Tuyển Trạch thân đang mặc pháp phục rồi bỗng nhiên trong chúng đây biến mất không? A Nan đáp: thưa con đã trông thấy. A Nan ông nên biết rằng, đồng tử đang biến ở đây, nhưng hiện ở thế giới Diệu Hỷ, nơi cõi Phật A Súc. Ðồng tử dốc lòng chuyên tu phạm hạnh nên thân thọ mạng dài lâu như Thiên Ðế, Thích Ðề Hoàn Nhân và trong hiện thân tăng thêm tuổi thọ. Ðồng tử Tuyển Trạch dùng thân ấy từ cõi Phật này đến cõi Phật kia, cũng như nơi các cõi khác tiếp tục tăng thêm tuổi thọ. Dần dà trải qua vô số kiếp chưa bao giờ rời xa Phật, ở chỗ chư Phật dùng hiện thân với tuổi thọ mạng dài lâu trải qua vô lượng a tăng kỳ kiếp, rồi sau mới đạt được vô thượng Bồ Ðề, tức thành Phật hiệu là Ðại Trí Tuyển Trạch. Thế giới của Phật Ðại Trí tên là Thường Chiếu Minh.

Này A Nan, chúng sanh ở cõi đó không thọ thai mà do hóa sanh, đều ngồi kiết già trên hoa sen báu. Ở cõi Phật ấy đầy đủ phước đức trang nghiêm tuyệt vời như thế. Này A Nan, Bồ Tát có bốn pháp khi chuyển thân được làm thiện lai (9) tỳ kheo, không thọ thai nữa mà do hoa sen hóa sanh, tức là hiện thân tiếp tục tăng thêm tuổi thọ. Những gì là bốn?

1) Bồ Tát ưa thích xuất gia, cũng như khuyến khích người khác xuất gia và giúp đỡ người xuất gia, tức xuất gia xong thuyết pháp giáo hóa làm lợi lạc chúng sanh.

2) Bồ Tát chuyên cần tinh tấn cầu học Phật, cũng như khuyên người khác tinh tấn cầu pháp.

3) Bồ Tát thực hành nhu hòa, nhẫn nhục, cũng như khuyên người khác nhẫn nhục.

4) Bồ Tát tự tu tập các phương tiện, phát nguyện rộng lớn, cũng như khuyên người khác thực hành phương tiện và phát đại nguyện.

Này A Nan, nếu Bồ Tát thành tựu được bốn pháp ấy khi chuyển thân được làm tỳ kheo chân chánh, không còn thọ thai mà do hoa sen hóa sanh, tức là thân hiện tại tiếp tục tăng thêm tuổi thọ. Lại này A Nan, nếu Bồ Tát thành tựu được bốn pháp sau đây, sẽ đạt vô thượng Bồ Ðề, không còn thối tâm lui sụt nữa. Những gì là bốn?

1) Bồ Tát phát tâm vô thượng Bồ Ðề kiên cố.

2) Thường ưa trông thấy Phật

3) Thích nghe pháp không chán

4) Hay nói lời chân thật, không lừa dối.

Này A Nan, nếu Bồ Tát thành tựu được bốn pháp ấy, không còn thối chuyển đạo vô thượng Bồ Ðề. Liền khi đó đức Thế Tôn muốn làm cho rõ nghĩa trên nên nói bài kệ rằng:

Phát tâm sâu kiên thật
thường ưa trông thấy Phật
nghe pháp không nhàm chán.
Luôn nói lời chân thật
thấy chúng sanh khổ não
hay đem tâm thương xót
tâm chúng đều suốt biết
tùy thời mà nói pháp.
Người kia nghe thọ nạp
thân tâm không mỏi mệt
hành tinh tấn trước hết
trí huệ càng phát kết.
Vì người giữ niềm tin
nói lời lẽ chân thành.
Có nói ra điều gì
sai lầm không hề bị.
Như trong bốn pháp đây
tu học nên tùy nghi
Phật quả đắc thành ngay
chuyển pháp luân vô thượng
Ta nói qua pháp này
quả báo thật lớn thay.
Ai nghe được pháp ấy
mà chẳng muốn tập tu.

Lại nữa A Nan, còn có bốn pháp, nếu thành tựu cho đến khi thành đạo vô thượng không quên mất được chư thiên, long thần đều trợ lực, nên thường không rời xa phước điền thánh hiền. Nếu không có thánh hiền ở trong chúng hội tự tạo phước điền. Những gì là bốn?

1) Ðại Bồ Tát chuyên cần tinh tấn giáo hóa chúng sanh khiến phát tâm vô thượng Bồ Ðề.

2) Tinh tấn không giải đãi cúng dường Như Lai để cầu pháp

3) Ðem tâm cung kính hầu hạ pháp sư

4) Nếu thấy chúng sanh bị khủng bố, khổ não, ban cho sự vô úy.

Này A Nan, nếu Bồ Tát thành tựu được bốn pháp ấy đời đời không lui sụt tâm Bồ Ðề.

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn muốn lập lại nghĩa trên nên nói bài kệ rằng:

Cung phụng chư Phật
tôn kính Phật pháp
nhất tâm kính trọng
qui thuận pháp sư
thấy chư phiền não
vây hãm chúng sanh
ban cho vô úy
cứu bao khổ lụy.
Ðích thị thiện căn
thấy Phật thường hằng
Thiên Thần khuyên nhắc
tu hành tấn đắc.
Nếu chẳng thấy Phật
đệ tử chúng tất
Bích Chi Phật thành
Nhờ thánh phước điền
xuất gia tu hành
đạt trí tịnh thanh
thiền định thực hành
được năm phép thông.
Thần thông đã đạt
dạo chơi chư quốc
vào các làng mạc
khiến chúng hiểu pháp.
Chúng nghe lợi lạc
xa bạt bất thiện
nghiệp ác chẳng tiến
được người thuận kính
chúng sanh tưởng tin
an lạc vững bền
vì tôn trọng pháp.
Ta cũng tôn theo.
Tự người tu pháp
nên được phước đức
lợi kỷ, lợi tha
ai chẳng bỏ qua
cầu thành Phật đà
nên hành pháp bảo
quả Phật không xa
thật là đại trí...
Ta vốn tu pháp ấy
vượt khỏi qua bờ giác
pháp nhờ đã thấu đạt
được vô thượng Bồ Ðề
Ta là đấng Thế Hùng
các cõi chẳng ai bằng
ban cho các thế giới
trí huệ vĩnh thường hằng.

Này A Nan, vì nhân duyên đó, ông nên biết Bồ Tát thực hành giáo pháp lợi lạc chúng sanh phải tu tập Phật pháp đầy đủ. A Nan, lui về quá khứ dài lâu vô số kiếp, lúc đó cõi Diêm Phù Ðề này có một vị đại quốc vương tên là Phương Âm Vương, bà phu nhân sinh được một thái tử. Lúc đó có các thiên thần đồng thanh xướng rằng: người thực hành thiện pháp nay đã ra đời. Nhà vua nghe thế lấy làm lạ không biết việc gì. Những gì gọi là pháp? Những gì là phi pháp?

Này A Nan, thái tử con vua Phương Âm dần dần khôn lớn tới năm lên bảy bèn đến chỗ vua cha, cúi đầu lễ dưới chân, rồi đứng qua một bên. Thái tử hỏi vua cha rằng: pháp là gì? Thế nào là phi pháp? Lúc đó nhà vua dùng kệ trả lời rằng:

Bố thí giữ giới, đoạn ái dục
tu hành phước thiện do nhẫn nhục
lìa sát sanh, tà dâm, trộm cắp
pháp Thánh hiền chư Phật tán dương.
Lúc đó thái tử dùng kệ hỏi rằng:
Như cha đã nói pháp
Nếu ở đời trị quốc
có nghe nhiều rộng khắp?
Rõ nghĩa này mong đáp:
thế nào hành chẳng hành?
mong mỏi đáp thật tình.
Lời thật xa nẻo ác
không sợ đọa địa ngục
nói dối rơi ác thú
thọ các khổ không dứt.
Vì thế chớ nói sai
chân thật giải con nghe.
Lúc đó vua Phương Âm dùng kệ đáp rằng:
Nếu ở đời trị quốc
không thể đủ biện pháp.
Dao gậy hãm hại người
làm sao có pháp lành?
Nếu người không tuân mệnh
ta sân buông lời ác
tài sản cưỡng chiếm đoạt
bít lối thêm thâm độc.
Nếu ta đi thị sát
dân chúng sợ tán loạn
nghĩ rằng: vua ngoại xuất
chắc họ làm gì ác?
Nếu ta xử chánh tòa
tội nhân hỏi xét tra
trước mặt ta phân trần
nói: vua cư xử phân
ta xét thấy lỗi lầm
liền gia hình án tội
chỉ tại người lầm lỗi
mình tự tạo nghiệp thôi.
Có biến phải phòng ngừa
đất nước loạn diệt suy.
Ta khổ tâm cai trị
dân đồ thán lâm ly.
Nói: vua thế lực lớn
kỳ thật chẳng từ tâm
trong nước ai người dân
dám chẳng tuân mệnh lệnh.
Lúc thái tử phát nguyện
nghe vua thuyết xong kệ
tâm nhàm chán thưa rằng:
con muốn quyết tu hành
nên chẳng ham vương vị.
Vì người tạo thêm tội
nên xa lìa cha mẹ
xuất gia tu Phật đạo.
Nếu vua không thuận hão
con phải tự hủy thân
độc dược hoặc nhảy cao
hay tự sát bằng dao.
Vua nghe con thề xong
bảo rằng, buồn trong lòng
tùy ý con tự chọn
việc nước cha lo trị
muốn tài sản cho con
dạo chơi khắp non sông
tại sao lại xuất gia
làm trò cười thiên hạ
tuổi xuân thọ dục thỏa
già, hẳn tính xuất gia
thân khó mong bảo trọng
khuyên chớ có chán xa.
Ðáp rằng: vui tạm giả
không, chán, thêm giận phiền
xuất gia lìa ác duyên
thường tu hành trí huệ
riêng ở nơi vắng vẽ
an lạc vui tịnh cảnh
nương về đạo tràng để
giữ giới tu hạnh sáng.
Vua có chí xuất gia
làm sao dân lợi ích?
Vì người tạo nghiệp ác
tự thọ khổ địa ngục
nhai nuốt vòng sắt nóng
và uống nước đồng sôi
tà hạnh tạo nghiệp tội
phải rơi vào ngục tối
đinh sắt đóng vào mình
sắt nóng dí quanh thân
dùng trâu sắt kéo cày
bới xoi hủy thân này
đáng sợ bọn ngục tốt
mắt xanh, vàng đầu tóc
dắt người tới vạc sôi
tỏa khắp thân chói lòa
trải qua nghìn vạn năm
thọ nhận các khổ quả
tội nghiệp sâu khó tả
cầu chết chưa được thỏa.
Nếu từ vạc sôi ra
lại rơi hầm lửa dữ
thân cháy xém nhuyễn nhừ
như tre khô cháy lan.
Nếu hầm lửa vừa tàn
liền rơi vào núi lửa.
Từ hỏa sơn ra khỏi
lại vào hầm phẩn sôi
đang sùng sục bốc hơi
móc nhọn câu móc thân
vô lượng nghìn ức năm
chìm ngập trong tối tăm
hoặc được thoát khỏi đây
lại rơi rừng chông nhọn
lửa bừng cháy cao ngọn
tro nóng thiêu đốt thân
lúc ở trong hầm chông
bốn bề gió lớn thổi
khua động những cây chông
đâm chích vào nơi thân.
Hoặc từ đó được ra
lại rơi vào rừng dao
bốn bề gió mạnh thổi
mũi nhọn đỗ mưa xối
cắt xẻo thân rã rời
xối đao kiếm thế rồi
cắt xẻ thân từng phần
trải qua nghìn ức năm
khổ não hết chịu nổi
hoặc được thoát ra khỏi
lại rơi vào sông tro
da thịt hầm dày vò
chỉ còn xương cốt trơ
qua vô số năm dài
thọ các khổ não nề.
Hoặc từ đó khỏi rồi
lại vào sông đồng sôi
nước đồng tràn khắp nơi
chạm nhau tiếng lớn vang
xoáy quanh trăm nghìn vòng
sóng mòi cuốn ba đào
chảy qua địa ngục hào
rước tội nhân vào đó.
Lúc rơi vào trong ấy
sóng cuộn vây phủ che
không biết đâu bờ mé
tấp dạt giữa dòng sâu
hoặc từ đây được thoát
nằm trên bờ la liệt
răng dài và vàng mắt
hoàn toàn bị trói chặt
trói xong hỏi cộc lốc:
mi muốn cầu điều chi?
Ðáp rằng: tôi đói khát
chỉ cần ăn trước nhất.
Liền đó ác la sát
đè sắt nóng bên trên
buộc nuốt hoàn sắt liền
ngũ tạng cháy như thiêu
trong ngoài rã tan hoang.
Ngoáy trông đại sông tàn
gọi là suối băng lạnh.
Ném thân vào bỏ chạy
nếu thoát khỏi nơi đó
lại vào ao phẩn nóng
núi dao và hầm lửa
các thống khổ không dừng
vua, giàu có, vô thường
chẳng bao lâu biến hoại
thân mạng còn chưa quí
Phật nói đều vô thường.
Nghe lời ta tỏ tường
xuất gia nuôi chí hướng
khi chết sanh thiên thượng;
và khổ não lìa xa
nơi vắng vẽ xuất gia
chuyên tu giới định đã
từ bi hạnh nhẫn hòa
tịnh tu: không vắng lặng.
Bấy giờ tự biết rõ
không ai cho việc đó
được vắng lặng lạc an
cũng như Ðại Phạm Vương.
Thái tử nói tận tường
thời vua và hoàng hậu
thần dân cùng tể tướng
không ai cản ngăn đường.
Thái tử xuất gia được
cầu pháp, thiền định thường
được năm phép thần thông.
Vì chúng diễn pháp âm
tu hành tâm vắng lặng
thích pháp 'không', vô ngã.
Không bị pháp trói, mở
nên nói pháp như thế.
Mọi người cùng một thể
nhứt tâm chánh quán về
ấm, giới và lục nhập
sao còn ngã, ngã chấp?
Chúng sanh trăm nghìn ức
nghe pháp quyết xuất gia
Mẫu hậu cùng vua cha
cũng bỏ tục lìa nhà.
Mấy người xuất gia xong
phát thệ nguyện một lòng
cầu pháp theo vương tử
mong mỏi được hiểu thông
theo học đạo thậm thâm
Bồ Tát hạnh phát tâm
theo chỗ nói và làm
thành Phật nhập Niết Bàn.
Vương tử, kìa A Nan
độ mẹ cha thoát nạn
khiến trụ Phật Pháp tạng.
Ông cho ai lạ chăng?
A Nan chớ nghi xằng
ấy chính thân ta đây
vì chúng làm lợi đầy
khiến ở trong Phật đạo
Từ ngày ta phát khởi
cầu pháp nhất tâm mãi
tinh tấn lực bền vững
trọn không hề giải đãi.
Ta thường tu pháp ấy
tâm không hề chán mỏi
nên chẳng niệm nghi ngờ
thường được Phật đạo chăng?
chí cầu đạo Bồ Ðề
tinh tấn không biếng trễ.
Ðem tâm vui cầu pháp
nên được tối thắng huệ
nên tu học như thế
đạo tâm luôn bất thối
thành Phật chuyển pháp luân.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]