Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 38: Cuộc vận động chống chế độ Ngô Đình Diệm

04/04/201313:56(Xem: 9035)
Chương 38: Cuộc vận động chống chế độ Ngô Đình Diệm
Việt Nam Phật Giáo Sử Luận - Tập 3

Chương 38: Cuộc Vận Động Chống Chế Độ Ngô Đình Diệm

Nguyễn Lang
Nguồn: Nguyễn Lang

PHẬT HỌC VÀ PHẬT GIÁO

Cuộc vận động năm 1963 của Phật giáo đồ được phát khởi từ Huế, trung tâm chỉ đạo của Phật giáo miền Trung. Lúc đó đứng làm lãnh đạo hội Phật Giáo Việt Nam tại Trung Phần là thiền sư Giác Nhiên, một vị caco tăng 84 tuổi, và hai vị thiền sư phụ tá: Trí Thủ và Trí Quang.

Thiền sư Giác Nhiên là đệ tử của thiền sư Tâm Tịnh, và là sư đệ của thiền sư Giác Tiên, người có công đầu trong phong trào Phục hưng Phật giáo tại Huế trước đó hai mươi lăm năm. Ông được cung thỉnh vào chức vụ này trong kỳ đại hội đồng năm 1957 sau ngày chính quyền ra lệnh không công nhận ngày lễ Phật Đản là một ngày lễ chính thức của quốc gia. Biết Phật giáo đang bước tới một gia đoạn vô cùng khó khăn, ông đã tuyên bố trong một đại hội ngày 10.3.1957 tại chùa Từ Đàm: “Nếu cần, tôi sẽ hy sinh tính mạng để ủng hộ quý vị trong công việc Phật sự”(163). Ông ngồi ở chức vị này cho đến khi chế độ sụp đổ. Thiền sư Trí Quang từ năm 1957, với tư cách phụ tá hội trưởng, tiếp tục nắm lấy guồng máy điều hành của tổng trị sự mà ông đã phụ trách từ năm 1954. Chủ định của ông là thủ tiêu Đạo dụ số 10. một trong những việc làm đầu tiên của ông là vận động đổi danh xưng hội Việt Nam Phật Học thành hội Phật Giáo Việt Nam Tại Trung Phần. Chìa khóa của sự thay đổi là sự khác nhau giữa chữ Phật học và Phật giáo. Một hội Phật học có thể được chính quyền cho là mọt tổ chức học Phật chứ không phải là một giáo hội tôn giáo. Đồng thời ông chuẩn bị các cấp trị sự tổ chức lễ Phật Dản, nỗ lực làm cho ngày Phật Đản trở thành, trên hình thức, ngày lễ tôn giáo lớn nhất ở Việt Nam, dưới con mắt các quan sát viên quốc tế.

Tại miền Nam, Giáo Hội Tăng Già Nam Việt suy tôn một vị cao tăng khác là thiền sư Khánh Anh, 62 tuổi, lên ngôi pháp chủ, và tạp chí Phật Giáo Việt Nam mở đầu cuộc vận động thống nhất Phật giáo thành một lực lượng nhất trí và đoàn kết.

Việc đổi danh xưng của hội Việt Nam Phật Học chưa được bàn đến và biểu quyết tại hội đồng năm 1957, cho nên thiền sư Trí Quang đã bị một số phật tử chống đối, các cư sĩ Lê Văn Định và Tráng Đinh có mặt trong sự chống đối này. Nhờ có sự phủ dụ của thiền sư Giác Nhiên, sự chống đối êm dần. Thiền sư Trí Quang đã nhờ thiền sư Mãn Giác đi du hành tại các tỉnh hội để giải thích thâm ý của tổng trị sự. Từ đó, hội Phật học được gọi là hội Phật giáo, và chùa Phật (tức là trụ sở hội) được gọi là chùa Phật giáo. Thực ra danh xưng “chùa Phật giáo” cũng ngớ ngẫn như danh xưng “chùa Phật học”.

Thông minh, nhưng quá nhiều tự tin, thiền sư Trí Quang gặp phải nhiều trở lực từ nội bộ. Ông đã nhường những trách vụ chỉ huy cơ quan điều hành của hội cho thiền sư Thiện Minh trong đại hội đồng năm 1959. thiền sư Thiện Minh trong đại hội đồng 1959. thiền sư Thiện Minh cũng là người thông minh xuất chúng, có biệt tài ngoại giao và tổ chức. Nhận trách vụ tại tổng trị sự ông phú thác Phật sự tại các tỉnh miền Nam Trung Phần cho các thiền sư Trí Thủ, Thiện Siêu và Huyền Quang. Nha Trang lúc đó đã trở nên một trung tâm Phật giáo lớn với sự hiện diện của Phật Học Viện Hải Đức.

Thiền sư Thiện Minh với kinh nghiệm thu hập được từ 1948 đến 1959 tại các tỉnh miền Nam Trung Phần, đã thúc đẩy mạnh việc kiện toàn tổ chức hội Phật Giáo Việt Nam tại Trung Phần. Đến năm 1962, ông xin tạm nghỉ và thiền sư Trí Quang được mời trở về trách vụ.


BẢO VỆ LÁ CỜ NĂM SẮC

Thiền sư Trí Quang làm việc được hơn một năm thì cuộc tàn sát tín đồ Phật giáo bằng xe tăng và súng đạn xảy ra trước đài phát thanh Huế. Nguyên do của cuộc tàn sát là lệnh cấm treo cờ Phật giáo của chính quyền trước ngày lễ Phật Đản năm ấy.

Cờ Phật giáo là một lá cờ ngũ sắc tượng trưng cho năm sức mạnh gọi là ngũ lực: Tín (lòng tin), Tấn (sự cần mẫn), Niệm (phép quán niệm), Định (sự tập trung tâm ý) và Tuệ(ánh sáng giác ngộ). Lá cờ này do một phật tử cư sĩ tên là Henry Steel Olcott đề nghị tại Tích Lan vào cuối thế kỷ thứ mười chín và được các nước Phật giáo chấp nhận(164). Đây là một lá cờ nhiều màu sắc rực rỡ, tươi vui, thường được phật tử Việt Nam in ra hàng triệu lá trên giấy hoặc trên vải để tô điểm cho ngày lễ, những ngày hội và những đám rước Phật giáo. Lệnh loại bỏ ngày Phật Đản 1957 là một trong những động lực thúc đẩy phật tử cương quyết củng cố kiện toàn tổ chức của họ. Sự biểu diễn lực lượng của phật tử vào những dịp lễ lớn trước mắt và quan sát viên quốc tế đã làm ngứa mắt chế độ, vì hồi đó chính quyền đang vận động với tòa thánh La Mã để đức giám mục Lê Đình Thục được cất nhắc lên địa vị Hồng Y. Để đạt tới mục tiêu này chính quyền phải chứng tỏ cho tòa thánh thấy Việt Nam đang đi rất mau chóng trên đường Cơ Đốc hóa. Ký giả tờ Informatión Catholiqué Internationales kể rằng đức tổng giám mục Ngô Đình Thục đã nói cho ông ta rằng ở Việt Nam có nhiều làng đòi làm lễ rửa tội tập thể một lần tất cả dân chúng trong làng, và Giáo Hội không đủ sức cung cấp số người dạy đạo cho họ…(165). Lá cờ ngũ sắc của Phật giáo, như vậy, là một trở lực hiển nhiên cho đức tổng giám mục.

Trong khi đó, lá cờ này đối với phật tử tượng trưng cho con đường Phật giáo đứng trung lập giữa hai thế lực hận thù đang tranh chấp trên thế giới. Lá cờ này tượng trưng cho tôn giáo của họ, cho niềm tin nơi đức từ bi, sự khoan dung và ước mơ hòa bình. Lá cờ cũng tượng trưng cho khối các nước Phật giáo không liên kết.

Năm 1963, tại Vĩnh Hội, Sài Gòn có hỏa hoạn lớn, và ngàn gia đình lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Thiền sư Tịnh Khiết, hội chủ Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, kêu gọi phật tử toàn quốc "tổ chức lễ Phật Đản một cách tôn nghiêm như mọi năm, nhưng cố gắng thế nào để ít tốn kém nhất, nên dành dụm số tiền thu góp được mà cứu trợ nạn nhân hỏa hoạn".

Tại cố đô Huế, lễ Phật Đản được trần thiết bằng những phương tiện sẵn có: khắp mọi nhà, ở mọi nẻo đường, đều có treo cờ, treo đèn; ở các công trường thì có hương án bái vọng và cổng chào kết bằng hoa lá. Vào chiều ngày 7.5.1963, tức là ngày 14 tháng 4 âm lịch(166) mọi công tác trần thiết và trang hoàng vừa thực hiện xong xuôi thì đúng vào 5 giờ chiều lực lượng cảnh sát thành phố Huế, theo lệnh khẩn cấp từ Sài Gòn đánh ra, đã đi khắp thành phố buộc dân chúng tháo bỏ tất cả những lá cờ Phật giáo xuống.

Một số đồng bào nghe theo, nhưng đa số đã cương quyết bất phục tùng. Thấy vậy, hai vị đại lão thiền sư Tịnh Khiết và Giác Nhiên bèn lãnh đạo một phái đoàn phật tử tới ngay tư dinh của tỉnh trưởng Thừa Thiên kiêm thị trưởng thành phố Huế, để chất vấn về lệnh triệt hạ cờ Phật giáo. Đồng thời quần chúng, vào khoảng 5 ngàn người, tụ tập trước tỉnh đường, trương biểu ngữ phản đối chính quyền. Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng thấy cơ sự như vậy liền tuyên bố tạm là "cảnh sát Huế làm sai thượng lệnh", và cho phép đồng bào treo Phật kỳ trở lại. Đêm đó, theo lời yêu cầu của thiền sư Tịnh Khiết, ông cho loa phóng thanh đi khắp thành phố để loan báo lệnh này.

Vào lúc 6 giờ 30 sáng ngày Phật Đản, đoàn rước Phật trên con đường từ chùa Diệu Đế lên chùa Từ Đàm đã phải dừng lại vào khoảng nửa giờ, bởi vì trong quần chúng một số biểu ngữ chống đối chính quyên được dương lên. Thiền sư Mật Hiển, trưởng ban tổ chức, ra lệnh thu hồi tất cả những biểu ngữ này và chỉ để lại một biểu ngữ: "Cờ Phật giáo Quốc Tế không thể bị triệt hạ". Đoàn người tiếp tục lên đường, nhưng sau đó không lâu, những biểu ngữ khác lại tiếp tục xuất hiện:

* Kính mừng Phật Đản.
* Phật giáo đồ nhất trí bảo vệ chánh pháp dù phải hy sinh.
* Yêu cầu chính phủ thi hành chính sách tôn giáo bình đẳng.
* Chúng tôi không từ chối một hy sinh nào.
* Phản đối chính sách bất công gian ác.
* Đã đến lúc chúng tôi bắt buộc tranh đấu cho chủ trương tôn giáo bình đẳng.

Quần chúng tụ tập trước chùa Từ Đàm để đón đoàn rước Phật trông thấy những biểu ngữ này thì vỗ tay vang dậy. Tuy nhiên, đại lễ Phật Đản được cử hành rất trang nghiêm và thành kính dưới sự hướng dẫn của thiền sư Đôn Hậu. Các bậc tôn túc trưởng lão đều có mặt. Trước khi hành lễ, thiền sư Đôn Hậu đã mời thiền sư Trí Quang đến trước máy vi âm để phát biểu về vấn đề triệt hạ cờ Phật giáo. Thiền sư Trí Quang tuyên bố rằng nguyện vọng của Phật giáo đồ phát biểu rất chính đáng và có tính cách xây dựng, có lợi ích cho Phật giáo mà cũng có lợi ích cho chính quyền và các tôn giáo khác.


VỤ TÀN SÁT TRƯỚC ĐÀI PHÁT THANH HUẾ

Như thường lệ mỗi năm, buổi lễ được thu thanh rồi sẽ được phát thanh vào tám giờ sáng hôm ấy trên đài phát thanh Huế. Nhưng tối đó, đài đã không phát thanh chương trình Phật giáo. Quần chúng tụ tập quanh đài phát thanh thấy vậy tỏ ý bất mãn. Quần chúng tại nhà không nghe phát thanh buổi lễ, lấy làm lạ: nhiều người tìm tới đài phát thanh để tìm hiểu nguyên do. Phút chốc quanh đài phát thanh đã có khoảng 10.000 người tụ tập. Chính quyền cho xe cứu hỏa tới để xịt nước giải tán. Quân vụ thị trấn ra lệnh quân đội cắm trại một trăm phần trăm. Thiếu tá Đặng Sĩ, phó tỉnh trưởng nội an và tiểu khu trưởng Thừa Thiên, huy động lực lượng thiết giáp bảo an, đại bác quân cảnh, hiến binh và cảnh sát thành phố tới vây đám quần chúng mà họ gọi là "đám biểu tình".

Thiền sư Trí Quang đến được đài phát thanh, len giữa quần chúng và đi thẳng vào đài mà chất vấn. Ban đầu, nhân viên đài đổ lỗi cho máy móc phát thanh bị hư, cuối cùng cũng thú thực rằng chính quyền ra lệnh cấm truyền đi buổi phát thanh Phật giáo.

Ông tỉnh trưởng đến, cùng thiền sư Trí Quang đi vào đài phát thanh. Trong khi đó, quần chúng yêu cầu xe cứu hỏa ngừng xịt nước để họ thong thả giải tán. Thiếu tá Đặng Sĩ ra lệnh bắn đạn mã tử khiến đám đông náo động. Lựu đạn cay, lựu đạn nổ được tung vào. Đồng thời súng trường và xe thiết giáp được sử dụng vào việc đàn áp. Lúc đó là đúng 9 giời rưỡi tối. Tiếng la hét của quần chúng át cả tiếng súng và tiếng lựu đạn.

Một số người ra về nữa chừng nghe tiếng la hét và tiếng súng nổ, đã quay trở lại đài phát thanh để tìm hiểu. Họ bị cac xe thiết giáp chặn lại. Khi thiền sư Trí Quang và ông tỉnh trưởng từ đài phát thanh ra tới thì máu đã đổ: tám người đã thiệt mạng vì lựu đạn và bốn người bị thương. Xe thiết giáp cán vỡ đầu một thiếu nhi, sọ em nát vụn. Một thiếu nhi khác bị cán mất nữa đầu và một em khác nữa mất hẳn đầu. Xe hồng thập tự được gửi tới để mang những người bị thương về bệnh viện.

Quần chúng phẫn uất đứng cả lại, không chịu ra về. Thiền sư Trí Quang đứng ra yêu cầu họ giải tán. Sau nhiều lần khuyên nhủ, quần chúng mới chịu ra về, và đến hai giờ sáng đám đông mới chịu giải tán hết.

Sáng hôm sau, chính quyền loan tin Việt Cộng đã trà trộn vào đám đông trước đài phát thanh và ném lựu đạn khiến tám người chết và bốn người bị thương. Thiếu tá Đặng Sĩ họp hội nghị quân sự tại Quân Vụ Thị Trần. Sau đó lính nhảy dù, biệt động quân, bảo an binh cùng xe thiết giáp, xe lội nước, tập trung đông đảo trước căn cứ Tiểu Khu, và nhiều toán quân nhân súng gắn lưỡi lê đi tuần hành trong thành phố. Cảnh sát võ trang bằng tiểu liên và lựu đạn cay túc trực ở các ngã đường.


HOẠCH ĐỊNH ĐƯỜNG HƯỚNG VÀ PHƯƠNG PHÁP

Ngày 10.5.1963, các vị lãnh đạo Phật giáo họp tại chùa Từ Đàm, hoặch định đường lối và phương pháp tranh đấu bảo vệ Phật giáo và đòi hỏi công bình xã hội. Một bản Tuyên Ngôn được soạn thảo, nêu ra năm nguyện vọng của Phật giáo đồ. Bản Tuyên Ngôn này được gửi tới tổng thống Ngô Đình Diệm qua trung gian ông đại biểu chính phủ Trung Nguyên Trung Phần. Năm nguyện vọng là:

  1. Yêu cầu chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt hạ giáo kỳ Phật giáo.
  2. Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng một chế độ đặc biệt như các hội truyền giáo Thiên Chúa Giáo đã được ghi trong Đạo dụ số 10.
  3. Yêu cầu chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ và khủng bố tín đồ Phật giáo.
  4. Yêu cầu cho tăng ni phật tử được tự do truyền đạo và hành đạo.
  5. Yêu cầu chính phủ đền bồi một cách xứng đáng cho những kẻ chết oan vô tội, và kẻ chủ mưu giết hại phải đền tội xứng đáng.

Bản Tuyên Ngôn nói trên mang chữ ký của thiền sư Tịnh Khiết, hội chủ của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, thiền sư Mật Nguyện, đại diện Giáo Hội Tăng Già Trung Phần, thiền sư Trí Quang, đại diện hội Phật Giáo Thừa Thiên và thiền sư Thiện Siêu, đại diện Tỉnh Hội Phật Giáo Thừa Thiên(167)

Ngày 15.5.1963, tại chùa Từ Đàm, một Bản Phụ Đính của Tuyên Ngôn 10.5.1963 được công bố, giải thích rõ ràng năm nguyện vọng nói trên. Văn kiện này rất quan trọng, vì trong ấy, lập trường và bản chất của cuộc tranh đấu được nêu ra rõ rệt. Đường lối bất bạo động và mục tiêu cuộc tranh đấu được giải bảy rất cặn kẽ. Theo Bản Phụ Đính này:

  1. Phật Giáo Việt Nam không chủ trương lật đổ chính phủ để đưa người của mình lên thay thế mà chỉ nhằm đến sự "thay đổi chính sách" của chính phủ.
  2. Phật Giáo Việt Nam không có kẻ thù, không xem ai là kẻ thù cả. Đối tượng của cuộc tranh đấu tuyệt đối không phải là Thiên Chúa Giáo mà là chính sách bất công tôn giáo. "Chúng tôi tranh đấu cho lý tưởng Công Bình, chứ không phải tranh đấu với tư cách một tôn giáo chống một tôn giáo".
  3. Cuộc tranh đấu của Phật giáo đồ cho bình đẳng tôn giáo được đặt "trong khuôn khổ của lý tưởng "công bằng xã hội".
  4. Cuộc tranh đấu của Phật giáo đồ được thực hiện theo đường lối bất bạo động "Chúng tôi phải thể hiện tư tưởng Phật giáo ngay trong công cuộc tranh đấu của chúng tôi. Vì lý do đó, chúng tôi chấp nhận một sự hy sinh đến tột độ và lấy sự hy sinh ấy làm sức mạnh để rung chuyển tận lòng người chứ không phải rung chuyển chính sách mà thôi. Ngay từ bây giờ, chúng tôi có thể tuyên bố minh bạch rằng những người tăng sĩ của Phật giáo là những người sẵn sàng noi theo gương Gandhi - vị thánh của sức mạnh bất bạo động - Chúng tôi xác định lại thêm: với phương pháp bất bạo động, chúng tôi sẽ tranh đấu trong phạm vi hợp pháp được ngần nào tốt ngần đó".
  5. Phật Giáo Việt Nam không chấp nhận sự lợi dụng của bất cứ ai vào cuộc tranh đấu cho bình đẳng tôn giáo và công bình xã hội. Phật tử từ chối sự lợi dụng của "những người cộng sản và những kẻ mưu toan chức vị chính quyền".

Về Đạo dụ số 10, Bản Phụ Đính đề nghị chính quyền rút tất cả các tôn giáo ra khỏi phạm vi ràng buộc của Đạo dụ này, và ban hành một chế độ đặc biệt cho tất cả các tôn giáo, trong đó có Phật giáo và Gia Tô giáo.

Bản Phụ Đính kết luận rằng: nếu các nguyện vọng nói trên của Phật giáo đồ được thực hiện trên lý thuyết, văn kiện và thực thi quần chúng Phật giáo sẽ "công khai hoan nghênh tổng thống và chính quyền như đã công khai tranh đấu cho nguyện vọng của họ"(168).

Mười hôm sau, vào ngày 25.5.1963, một Phụ Trương của Bản Phụ Đính được công bố. Mục đích của văn kiện này là nhắc lại cho quốc dân nhớ lại vai trò lập quốc và xây dựng nền văn hóa quốc gia trong quá trình lịch sử dân tộc của Phật giáo và nói rõ lập trường tranh đấu của Phật giáo cho công bình xã hội (169).

Tại Sài Gòn, ngày 15.5.1963, một phái đoàn Tổng Hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với đại diện của các tổ chức Phật giáo khác đã đi đến dinh Gia Long để yết kiến tổng thống Ngô Đình Diệm và trao cho ông bản Tuyên Ngôn ngày 10.5.1963, đồng thời giải thích cho ông rõ về năm nguyện vọng của Phật giáo đồ. Ba giờ đồng hồ thảo luận chỉ đưa đến một vài hứa hẹn mơ hồ của vị nguyên thủ quốc gia. Tổng thống còn đổ trách nhiệm vụ tàn sát ở Huế cho những người Cộng Sản.

Ngày hôm sau, phái đoàn Phật giáo mở cuộc họp báo tại chùa Xá Lợi, công bố bản Tuyên Ngôn 10.5.1963 và các Bản Phụ Đính và Phụ Trương, đồng thời tố cáo trước dư luận những vụ đàn áp, giam cầm và giết chóc mà phật tử phải chịu đựng trong nhiều năm qua.

Một tài liệu 45 trang được gửi tới chính quyền ngày 20.5.1963 trong đó liệt kê những vụ đàn áp, bắt bớ và thủ tiêu nói trên.

Ngày 21.5.1963, một lễ cầu siêu cho các nạn nhân vụ thảm sát tại Huế được tổ chức khắp nơi trên toàn quốc, theo lệnh đại lão thiền sư Tịnh Khiết, hội chủ Tổng Hội Phật giáo Việt Nam. Trước đó, bộ trưởng Công Dân Vụ là Ngô Trọng Hiếu đã tìm mọi cách để ngăn cản việc tổ chức lễ cầu siêu và yêu cầu phật tử đợi đến ngày rằm tháng Bảy (ngót ba tháng sau) rồi hãy tổ chức. Nhưng toàn quốc đã cử hành lễ này một cách long trọng đúng ngày thiền sư Tịnh Khiết chỉ định. Riêng tại Sài Gòn, một số lượng tăng ni tập trung tại chùa Ấn Quang để hành lễ đã lên tới một ngàn vị; tín đồ cư sĩ đứng chật trong ngoài. Một cuộc diễn hành của tăng ni để rước linh vị các nạn nhân về chùa Xá Lợi đã được tổ chức sau đó, và một ngàn vị tăng ni mặc áo ca sa vàng đã nghiêm trang diễu hành trên nhiều đường phố giữa những hàng rào cảnh sát có cả thiết giáp túc trực và dưới mắt quần chúng thủ đô đông đặc hai bên vệ đường. Trong khi đoàn này đang diễn hành, một đoàn tăng ni khác gồm 350 vị xuất phát từ chùa Xá Lợi, bắt đầu cuộc diễu hành khác, trang nghiêm và lặng lẽ, hướng về trụ sở Quốc Hội.

Tại chùa Từ Đàm Huế, ngay sau khi lễ Cầu Siêu, toàn thể tăng ni có mặt bắt đầu một cuộc tuyệt thực. Hơn hai ngàn người trong số đó có nhiều giáo sư và sinh viên Viện Đại Học Huế, tham dự cuộc tuyệt thực này.


ỦY BAN LIÊN PHÁI BẢO VỆ PHẬT GIÁO

Ngày 25.5.1963, thiền sư Tịnh Khiết triệu tập một cuộc gặp mặt giữa các tập đoàn thuộc Tổng Hội Phật giáo Việt Nam và đại diện các tổ chức và môn phái Phật giáo khác như Giáo Hội Nguyên Thủy, Thiền Tịnh, Đạo Tràng, Giáo Hội Theravada v.v… để thảo luận về kế hoạch tranh đấu. Một Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo được thành lập đê chỉ đạo cho cuộc vận động Phật giáo đồ do thiền sư Tâm Châu đứng đầu làm chủ tịch dưới quyền lãnh đạo tối cao của đại lão thiền sư Tịnh Khiết.

Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo được thành lập, tiếng nói của Phật Giáo Việt Nam từ đây là tiếng nói thống nhất của Phật giáo đồ toàn quốc. Sự thống nhất ý chí và lực lượng của phật tử Việt Nam mà lâu nay tất cả mọi người mong mỏi, đã được thực hiện trong vòng hai tiếng đồng hồ, trong hoàn cảnh cực kỳ nguy biến cho số mạng Phật giáo.

Sau khi thành lập Ủy Ban Liên Phái, đại diện các giáo phái có mặt tại chùa Xá Lợi ngày 25.5.1963 công bố một bản Tuyên Ngôn mang chữ ký của các thiền sư Thiện Hoa, trị sự trưởng Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, là thiền sư Thiện Hòa, trị sự trưởng Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt tại miền Nam, thiền sư Bửu Chơn, tăng thống Giáo Hội Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam, thiền sư Lâm Em, tăng thống Giáo Hội Theravada, thiền sư Tâm Châu, phó hội chủ Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, cư sĩ Nguyễn Văn Hiếu, hội trưởng hội Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam, cư sĩ Vũ Bảo Vinh, hội trưởng Hội Việt Nam Phật Giáo (Bắc Việt, tại miền Nam), cư sĩ Sơn Thái Nguyên, đại diện phật tử Théraveda (người Việt gốc Miên) và cư sĩ Mai Thọ Truyền, hội trưởng hội Phật Học Nam Việt.


PHÁT KHỞI CUỘC VẬN ĐỘNG

Sáng ngày hôm sau, 26.5.1963, một phái đoàn Phật giáo đến Phủ Tổng Thống để trình bản Phụ Đính của Tuyên Ngôn 10.5.1963 và cho chính quyền biết rằng theo lệnh của đại lão thiền sư Tịnh Khiết, các cấp tăng ni trong toàn quốc sẽ tuyệt thực trong 48 tiếng đồng hồ kể từ 14 giờ ngày 30.5.1963 để đòi hỏi chính quyền làm thỏa mãn Năm Nguyện Vọng.

Vào khoảng 10 giờ sáng ngày 30.5.1963, để chuẩn bị cho cuộc tuyệt thực, 352 vị tăng ni đã tổ chức biểu tình, xuất pháp từ chùa Ấn Quang, diễn hành tới trụ sở Quốc hội và yêu cầu được gặp các đại biểu Quốc hội. Đồng thời một lá thư của thiền sư Tâm Châu, chủ tịch Ủy Ban Liên Phái, được gửi tới chủ tịch Quốc hội là Trương Vĩnh Lễ, yêu cầu Quốc hội xác định lập trường đối với những yêu sách của phật tử. Tại Huế, trước giờ tuyệt thực, Đoàn Sinh Viên Phật Tử tung ra một bức thư kêu gọi sinh viên học sinh toàn quốc siết chặt hàng ngũ sau lưng giới lãnh đạo Phật giáo để tranh thủ cho lý tưởng Tự Do và Bình Đẳng(170). Ngày 31.5.1963 sinh viên của tất cả các phân khoa Viện Đại Học Huế họp hội nghị tại chùa Từ Đàm, lập một bản kiến nghị yêu cầu tổng thống và chính phủ "giải quyết năm nguyện vọng chính đáng và tối thiểu" của phật tử, đòi chính phủ thực thi "một chính sách tự do, dân chủ và bình đẳng thật sự" và chấm dứt những "mánh lới trẻ con và thiếu tri thức của cán bộ đối với tín đồ Phật giáo". Ký tên vào bản kiến nghị này có đại diện các trường Y Khoa, Sư Phạm, Văn Khoa, Luật Khoa, Khoa Học, Cán Sự Y Tế và Điều Dưỡng, Cao Đẳng Mỹ Thuật, Quốc Gia Âm Nhạc và Viện Hán Học.

Đoàn sinh viên phật tử Huế mà chủ tịch là Phan Đình Bình đã đóng một vai trò quan trọng trong bước đầu của cuộc tranh đấu. Tại Sài Gòn, Đoàn sinh viên phật tử lập tức hưởng ứng lời kêu gọi của họ và dấn thân ngay vào cuộc vận động.

Tại Huế, trưa ngày 1.6.1963, một cuộc biểu tình lớn được tổ chức trong đó sinh viên và học sinh tới dự rất đông đảo. Tất cả những người đến biêu tình đều tình nguyện gia nhập cuộc tuyệt thực lúc ấy sắp chấm dứt, và do đó, mọi người quyết định kéo dài cuộc tuyệt thực thêm 24 giờ đồng hồ.

Tại Sài Gòn và các tỉnh thị, cuộc tuyệt thực đã được rất đông tăng ni và quần chúng tham dự. Chùa Ấn Quang và chùa Xá Lợi là hai trung tâm tuyệt thực quan trọng nhất ở thủ đô; riêng số tăng ni tuyệt thực tại hai chùa đã lên tới gần 800 vị. Tại các tỉnh, phong trào quần chúng dâng lên ào ạt: những cuộc biểu tình và diễn hành được tổ chức khắp nơi.

Trước khi thế đấu tranh đó, chính quyền tăng cường các lực lượng phòng thủ và tấn công. Tại Sài Gòn, chiều 30.5.1963 các lực lượng cảnh sát, công an và mật vụ được dàn ra bố trí trên các nẽo đường bao quanh chùa Xá Lợi. Tại Huế, cảnh sát chiến đấu và mật vụ bao vây các chùa Từ Đàm, Báo Quốc và Linh Quang. Ngày 3.6.1963, Cảnh sát chiến đấu, lính nhảy dù và biệt kích, võ trang đầy đủ, án ngữ các nẻo về chùa, chận đứng làn sóng người từ thành phố kéo lên. Cảnh sát chiến đấu mang mặt nạ, súng cắm lưỡi lê, đứng cản đường quần chúng. Không tiến thêm được nữa, sinh viên học sinh và đồng bào ngồi ngay xuống mặt đường, chắp tay hướng về chùa Từ Đàm tụng niệm cầu nguyện. Lực lượng cảnh sát tung lựu đạn cay và lựu đạn khói vào giữa quần chúng, trong khi mọt đàn cho berger được thả ra để hành hung cắn xé. Đồng bào la hét vang trời. Thiền sư Trí Thủ nghe tin vội vàng tới tận nơi can thiệp để quần chúng được thong thả ra về. Đoàn người về tới Bến Ngự thì lại bị một lực lượng cảnh sát khác tấn công bằng lựu đạn cay và lựu đạn khói. Hàng trăm người bị khói và hơi cay làm ngất xỉu.

Ngày 4.6.1963 quần chúng lại kéo lên chùa. Lần này cảnh sát chiến đầu dùng dây thép gai rào các chùa Từ Đàm, Báo Quốc và Linh Quang. Thiết giáp được huy động đến trấn giữ quanh chùa. Các lực lượng nhảy dù và biệt kích vây kín các chùa, không cho phép một ai ra vào. Quần chúng áp dụng sách lược hôm qua, ngồi xuống đường và tụng niệm. Lựu đạn cay, lựu đạn khói và chó berger lại được tung ra để đàn áp. Lần này số đồng bào bị thương lên đến 142 người, trong đó có 49 người bị thương nặng. Tất cả đều được chở về điều trị tại bệnh viện trung ương.

Tại các tỉnh, các chùa trụ sở của giáo hội Phật Giáo Việt Nam và Giáo Hội Tăng Già đều bị phong tỏa một cách tương tự.

Từ ngày 31.5.1963, cư sĩ Mai Thọ Truyền, hội trưởng hội Phật Học Nam Việt đã gửi văn thư cho toàn thể phật tử trong hội Phật Học Nam Việt kêu gọi mọi người tham dự cuộc tranh đấu. Các đơn vị tỉnh hội bắt đầu cộng tác với Giáo Hội Tăng Già Nam Việt địa phương để tổ chức cuộc tranh đấu tại các tỉnh miền Nam.


CHIẾN THUẬT CỦA CHÍNH QUYỀN

Căn cứ chính của cuộc tranh đấu như các chùa Xá Lợi, Ấn Quang, Giác Minh, Từ Quang, Báo Quốc, Từ Đàm và Linh Quang lúc đó hoàn toàn bị cô lập. Chính quyền còn cho cắt nước và cắt điện của các chùa. Tại các tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Ba Xuyên, những đoàn thể Phật giáo bị bắt vây ép ký những kiến nghị ủng hộ chính quyền. Cảnh sát chận bắt và đuổi về nguyên quán tất cả những tăng ni từ các tỉnh lên Sài Gòn. Những tăng sĩ từ Sài Gòn về các tỉnh cũng bị chặn bắt; hành lý của họ bị soát giữ và những tài liệu in ronéo của cuộc tranh đấu bị tịch thu. Ở các ngã đường Sài Gòn, cảnh sát có quân đội trợ lực chận bắt và lục soát những người mang tài liệu của cuộc tranh đấu. Các quán ăn và các tiệm cà phê ở thủ đô đều có mật vụ nhà nước thường xuyên.

Các toán cảnh sát chiến đấu, công an xung phong, thanh niên cộng hòa, an ninh quân đội và quân cảnh trang bị máy truyền tin và võ trang đầy đủ đi bủa khắp thủ đô, canh gác, chận xét các tăng ni và những người qua đường. Quân đội và cảnh sát được lệnh cắm trại. Mật vụ và công an theo dõi để khủng bố hoặc bắt gian và tra tấn những người nghi đang là lãnh đạo cuộc tranh đấu, ngấm ngầm bỏ tài liệu Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vào các chùa rồi lục soát để vu cáo các thiền sư và phật tử theo Cộng Sản.

Những biện pháp trên của chính quyền không những không dập tắt được ngọn lửa đấu tranh của quần chúng mà còn làm cho ngọn lửa này cháy bùng lên thêm mạnh. Khắp nơi trên thế giới, báo chí đã nói tới cuộc tranh đấu, và phóng viên cùng quan sát viên quốc tế đổ tới Sài Gòn càng lúc càng nhiều. Ủy Ban Liên Phái cho ấn hành những bản tin truyền đi từ các đài B.B.C, V.O.A, v.v… và những bài báo ngoại quốc nói về cuộc tranh đấu. Các nước khối Phật giáo không liên kết lên tiếng ủng hộ cuộc tranh dấu của phật tử Việt Nam. Ý thức được tầm quan trọng của dư luận quốc tế, Phật giáo cương quyết đẩy mạnh cuộc tranh đấu.


ỦY BAN LIÊN BỘ

Trong khi đó, chính quyền một mặt tăng cường những biện pháp kiểm soát, một mặt cố sức xoa dịu tình trạng bằng cách thành lập một Ủy Ban Liên Bộ có mục đích cùng Ủy Ban Liên Phái để đi đến sự giải quyết những nguyện vọng của phật tử. Tuy ý thức được cơ mưu hoãn binh của chính quyền, Ủy Ban Liên Phái cũng phải chấp nhận sự cộng tác với Ủy Ban Liên Bộ, theo đúng đường lối bất bạo động. Một phái đoàn hỗn hợp của hai bên được gửi ra Huế để giải tỏa các chùa Từ Đàm, Linh Quang, Báo Quốc, và Diệu Đế, đồng thời kêu gọi phật tử trở về sinh hoạt bình thường, kiên nhẫn chờ đợi những biện pháp của chính quyền.

Sự lắng dịu, tuy vậy, chỉ kéo dài chưa tới được một tuần lễ. Thấy tình trạng không thể đổi thay và sự đối thoại với Ủy Ban Liên Bộ không đưa đến kết quả cụ thể trong khi chính quyền vẫn âm thầm siết chặt những biện pháp kiểm soát, Ủy Ban Liên Phái ra lệnh tiếp tục cuộc đấu tranh. Ngày 11.6.1963, tại các ngã tư đường Lê Văn Duyệt, Phan Đình Phùng, đúng 10 giờ sáng, một vị thiền sư ngồi xuống trong tư thế kiết già, lấy dầu xăng đổ lên áo ca sa mình đang mặc và châm lửa tự thiêu, tự biến mình thành một bó đuốc.


NGỌN LỬA QUẢNG ĐỨC

Vị thiền sư ngồi tự thiêu ở ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt tên là Thích Quảng Đức, sáu mươi bảy tuổi, trú trì chùa Quan Âm ở Gia Định. Trong tư thế kiết già tay bắt ấn Cam Lộ, ông ngồi vững như một pho tượng đồng trong khi ngọn lửa cháy lên cao gần bốn thước, phủ trọn cả thân hình ông. Đó là vào khoảng đầu giờ Ngọ ngày 11 tháng 6 năm 1963.

Lửa cháy trước con mắt kinh ngạc của những ký giả và nhiếp ảnh gia quốc tế. Lửa cháy trước nền xót thương và lòng kính cẩn của quần chúng có mặt tại đó. Xe cộ dừng lại cả, và mọi người đến vây quanh cảnh tượng hào hùng chưa từng thấy xảy ra ở thủ đô Sài Gòn. Mười lăm phút sau, nhục thân của thiền sư ngã xuống; tiếng kêu khóc của quần chúng vang lên, nức nở. Vài giờ đồng hồ sau, hình ảnh và tin tức thiền sư Quảng Đức tự thiêu đã tràn ngập trên các hệ thống truyền hình và báo chương quốc tế. Nhật báo nào cũng đăng hình thiền sư tự thiêu ở trang đầu với tiêu đề lớn. Thế giới chấn động, dồn hết sự chú ý về phía trời Đông Nam Á. Không một ai trên trái đất còn giữ thái độ hờ hững về cuộc tranh đấu của phật tử Việt Nam.

Thiền sư Quảng Đức tên là Lâm Văn Tức, sinh năm 1897 tại làng Vạn Khánh, quận Vạn Ninh, thuộc tỉnh Khánh Hòa. Lên bảy tuổi, ông được người cậu ruột đem về nuôi và đổi tên là Nguyễn Văn Khiết. Ông xuất gia với thiền sư Hoàng Thâm, thọ đại giới năm 21 tuổi và bắt đầu tu khổ hạnh ở núi Ninh Hòa. Trong năm năm, ông tu thiền và đi du hóa, theo hạnh đầu đà, chỉ giữ bên mình một y và một bát. Sau đó, ông về định cư tu tập tại chùa Thiên Ân ở Ninh Hòa, gần thị trấn Nha Trang. Năm 1932, ông được chi hội Ninh Hòa của hội An Nam Phật Học mời làm chứng minh đạo sư. Được ít lâu sau đó, ông lại lên đường hành hóa ở các tỉnh miền Nam Trung Việt, đóng góp vào công việc kiến tạo và trùng tu của mười bốn ngôi chùa rải rác trong vùng. Năm 1943, ông vào hành hóa tại miền Nam: Sài Gòn, Gia Định, Bà Rịa, Long Khánh, Định Tường và Hà Tiên. Rồi ông lên Kim Biên (Nam Vang) và dựng tích trượng ở đây tron ba năm, vừa hành đạo vừa học hỏi thêm kinh điển Pali. Trong thời gian hành hóa tại miền Nam và ở Nam Vang, ông đã góp công tạo lập hoặc trùng tu cả thảy là 17 ngôi chùa. Ngôi chùa ông thường trú lâu nhất là chùa Long Vĩnh, vì vậy giới phật tử miền Nam thường gọi ông là hòa thượng Long Vĩnh. Chùa này tọa lạc tại quận Phú Nhuận tỉnh Gia Định. Tuy ngôi chùa cuối cùng mà ông trú trì là chùa Quan Thế Âm ở số 68 đường Nguyễn Huệ thị xã Gia Định, ông cũng còn chính thức là tọa chủ chùa Long Phước ở tỉnh Khánh Hòa.

Năm 1953, Giáo Hội Tăng Già Nam Việt thỉnh ông làm Trưởng Ban Nghi Lễ, và hội Phật Học Nam Việt mời ông làm trú trì chùa Phước Hòa, trụ sở của hội.

Ông đã có ý tự hiến mình cho cuộc vận động từ ngày 27.5.1963 khi ông viết một lá thư cho Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc phát nguyện tự thiêu để đóng góp và công trình tranh đấu(171). Lời thỉnh nguyện này bị giáo hội bác bỏ. Tuy vậy ông vẫn quyết tâm thực hiện ý nguyện. Sáng ngày 11 tháng 6 năm 1963, trước khi tự thiêu, ông đã viết lại một bức thư gọi là Lời Thỉnh Nguyện Tâm Huyết, nói rõ chủ định và nguyện vọng của ông. Điều đáng ghi nhớ là toàn bộ văn bức thư này đã không chứa đựng một mảy may hận thù và tuyệt vọng nào mà trái lại còn thắm nhuần tình thương và hy vọng. Nguyên văn bức thư như sau:

"Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, trú trì chùa Quan Âm, Phú Nhuận, Gia Định.

Nhận thấy Phật giáo nước nhà đang lúc nghiêng ngửa, tôi là một tu sĩ mệnh danh là trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật giáo tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công bảo tồn Phật giáo.

Mong ơn mười phương chư Phật, chư Đại Đức Tăng Ni chứng minh cho tôi đạt thành ý nguyện sau đây:

  1. Mong ơn Phật tổ gia hộ cho tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận 5 nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên ngôn.
  2. Nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật Giáo Việt Nam được hưởng trường tồn bất diệt.
  3. Mong nhờ hồng ân đức Phật gia hộ cho chư Đại Đức, Tăng Ni phật tử Việt Nam tránh khỏi nạn khủng bố bắt bớ giam cầm của kẻ ác.
  4. Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc.

Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở.

Tôi thiết tha kêu gọi Chư Đại Đức Tăng Ni phật tử nên đoàn kết nhất trí để bảo vệ Phật pháp".

Ngoài ra ông còn để lại thơ và kệ, cả thảy là 5 bài, dặn dò bản đạo và đệ tử. Thiền sư Quảng Đức đã lay chuyển được lòng người tại hải ngoại cũng như ở quốc nội. Người Việt tại hải ngoại, hợp tác với các bạn ngoại quốc, liên kết thành những đoàn thể tranh đấu yểm trợ cho cuộc vận động. Đồng bào quốc nội, phật tử hay không phật tử, trong niềm cảm thương, đều cảm thấy không còn sợ sệt một điều gì nữa, cương quyết đẩy mạnh hạnh cuộc tranh đấu. Văn nghệ sĩ sáng tác rất nhiều trên nguồn cảm hứng mới. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã viết bài Lửa Từ Bi để ca ngợi tình huynh đệ thắp lên bằng ngọn lửa Quảng Đức.

Lửa, lửa cháy ngất tòa sen
Tám chín phương nhục thể trần tâm hiện
Thành thơ, quỳ cả xuống
Hai vầng sáng rưng rưng
Đông Tây nhòa lệ ngọc
Chắp tay đón một mặt trời mới mọc
Ánh đạo vàng phơi phới đang bừng lên
dâng lên
Ôi đích thực hôm nay trời có mặt
Giờ là giờ hoàng đạo nguy nga
Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt
nhìn nhau: tình huynh đệ bao la
Nam mô Đức Phật Di Đà
Sông Hằng kia bởi đâu mà cát bay.
Thương chúng sinh trầm luân bể khổ
Người rẽ phăng đêm tối đất dày
bước ra ngồi nhập định hướng về Tây
gọi hết lửa vào xương da bỏ ngỏ
Phật pháp chẳng rời tay
Sáu ngã luân hồi đâu đó
mang mang cùng nín thở
tiếng nấc lên từng nhịp bánh xe quay
Không khí vặn mình theo, khóc òa lên nổi gió
Người siêu thăng… giông bão lắng từ đây
bóng người vượt chín từng mây
nhân gian mát rượi bóng cây Bồ Đề
Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc
lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi
chỗ người ngồi: một thiên thu tuyệt tác
trong vô hình sáng chói nét từ bi
Rồi đây…rồi mai sau…còn chi?
Ngọc đá cũng thành tro, lụa tre thành mục nát
với thời gian, lê vết máu qua đi
- Còn mãi chứ, còn mãi trái tim Bồ tát
dội hào quang xuống tận chốn A tì
Ôi ngọn lửa huyền huyền vi…
Thế giới ba nghìn, phút giây ngơ ngác
Từ cõi vô minh
Hướng về an lạc
Vần điệu thi nhân chỉ còn là rơm rác
và cũng chỉ nguyện được là rơm rác
thơ cháy lên theo với lời kinh
tụng cho nhân loại hòa bình
trước sau bền vững tình huynh đệ này
thổn thức nghe lòng trái đất
mong thành quả phúc về Cây
Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật
Đồng loại chúng con nắm tay nhau tràn nước mắt
Tình thương hiện tháp chín từng mây.

Ngọn lửa Quảng Đức làm chấn động dư luận quốc tế và rung chuyển cả chế độ Ngô Đình Diệm. Hoảng kinh, ngày chiều hôm 11.6.1963, chính quyền ra lệnh phong tỏa các chùa, nhất là chùa Xá Lợi ở Sài Gòn, nơi di thể của thiền sư Quảng Đức được an trí. Cảnh sát dàn khắp mọi nẻo đường dẫn đến chùa Xá Lợi để ngăn chặn những làn sóng người đổ xô về chùa này. Bất chấp những lực lượng cảnh sát này. Đồng bào ùa đến chùa Xá Lợi như thác đổ để nghiêng mình trước di thể thiền sư Quảng Đức. Ban đầu cảnh sát đàn áp và bắt giữ những người tới chùa nhưng sau đó cảnh sát bị làn sóng người tràn ngập. Bốn giờ chiều hôm đó đã có khoảng 15 ngàn người có mặt tại chùa xá lợi. Làn sóng người càng lúc càng dồn dập khiến cho chính quyền phải ra lệnh giải tỏa chùa Xá Lợi.

Trong nhiều ngày liên tiếp, quần chúng tới đầy nghẹt chùa Xá Lợi, trong sân cũng như ngoài đường. Lễ rước di thể thiền sư Quảng Đức được định vào ngày 16.6.1963. Giới lãnh đạo cuộc tranh đấu đã dự tính tổ chức vào dịp này một cuộc biểu dương đoàn kết lớn.


THÔNG CÁO CHUNG

Rất lo ngại về một cuộc bùng nổ lớn vào ngày 16.6.1963, chính quyền đề nghị cấp tốc mở cuộc thương thuyết giữa Ủy Ban Liên Phái và Ủy Ban Liên Bộ để giải quyết những nguyện vọng của Phật giáo. Giới lãnh đạo Phật giáo sẵn lòng chấp nhận sự cộng tác để không đi ngược với tinh thần bất bạo động. Được lệnh của tổng thống Ngô Đình Diệm, Ủy Ban Liên Bộ do phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ lãnh đạo yêu cầu hai bên họp liên tiếp cả ngày lẫn đêm tại Hội Trường Diên Hồng để mau chóng đi đến một giải pháp. Phái đoàn của Ủy Ban Liên Bộ, ngoài trưởng đoàn là ông Nguyễn Ngọc Thơ còn có ông Nguyễn Đình Thuần, bộ trưởng Phủ Tổng Thống, ông Bùi Văn Lượng, bộ trưỏng bộ Nội Vụ. Về phía phái đoàn Ủy Ban Liên Phái có thiền sư Thiện Minh làm trưởng đoàn, các thiền sư Thiện Hoa và Tâm Châu làm đoàn viên, thiền sư Huyền Quang làm thư lý và thiền sư Đức Nghiệp, phụ tá thư ký. Buổi họp đầu tiên bắt đầu ngày 14.6.1963. Ủy Ban Liên Bộ được lệnh phải ký một bản thông báo chung trước ngày 16.6.1963 cho nên đã cật lực làm việc: Sau năm buổi họp, cộng tất cả là 30 giờ làm việc, một bản Thông Cáo Chung được ký kết vào lúc hai giờ sáng ngày 16 tháng 6 năm 1963.

Bản ThôngCáo Chung: 1) quy định thể thức treo cờ Quốc gia và cờ Phật giáo; 2) tách riêng các hiệp hội có tính cáh tôn giáo ra khỏi Đạo dụ số 10; 3) cam kết không trả thù những người tham gia cuộc vận động thực hiện 5 nguyện vọng và điều tra các vụ khiếu nại của Phật giáo; 4) bảo đảm quyền tự do truyền giáo và hành đạo của Phật giáo; và 5) trừng phạt những người có trách nhiệm trong vụ thảm sát tại đài phát thanh Huế cùng bồi thường cho gia đình các nạn nhân.

Cuối Bản Thông Cáo Chung có chữ ký khán duyệt của thiền sư Tịnh Khiết, hội chủ Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, và của tổng thống Ngô Đình Diệm(172)

Đứng về phương diện thương thuyết, Bản Thông Cáo Chung là một thắng lợi lớn của bên Phật giáo. Nếu chính quyền thực tâm thi hành những điều đã thỏa hiệp với thông cáo này thì Phật giáo đồ sẽ không còn có lý do tiếp tục cuộc tranh đấu. Giới lãnh đạo Phật giáo không tin tưởng ngây thơ rằng chính quyền sẽ quyết tâm thực hiện bản Thông Cáo Chung, nhưng nguyên tắc tranh đấu bất bạo động bắt buộc họ phải tôn trọng phía địch thủ: theo nguyên tắc này chỉ khi nào địch thủ không giữ lời hứa mình mới có thể buộc họ là không thành thực. Trong cuộc hội họp của Ủy Ban Liên Phái vào bốn giờ sáng ngày 16.6.1963 tại chùa Xá Lợi, nhiều vị lãnh đạo đã tỏ ý lo ngại về sự thành thực của phía chính quyền. Thiền sư Thiện Minh trưởng phái đoàn của Ủy Ban Liên Phái, sau khi giải thích về thái độ quân tử cần có trong tinh thần bất bạo động, đã nói với các vị trong buổi họp: "Nếu chúng tôi có những sai lầm trong việc ký kết Bản Thông Cáo Chung thì chúng tôi nguyện dùng thân này để đền đáp lòng kỳ vọng của Phật giáo đồ"(173).

Thông cáo chung được ký kết sáu giờ đồng hồ trước khi tang lễ thiền sư Quảng Đức được cử hành. Chính quyền ra lệnh loan truyền ngày bản Thông Cáo Chung này ngay trong đêm đó bằng xe phóng thanh của bộ Thông Tin. Điện tín báo tin về bản Thông Cáo Chung được chính phủ đánh đi từ các tỉnh tới tấp, và đài phát thanh Sài Gòn loan tin này từ khi trời còn lờ mờ sáng.

Lúc này đại lão thiền sư Tịnh Khiết đã từ Huế về tới Sài Gòn. Thuận theo lời khẩn khoản của chính quyền, thiền sư ra lệnh hoãn tang lễ thiền sư Quảng Đức lại để tránh những điều có thể tổn thương đến tinh thần Thông Cáo Chung. Nhưng quần chúng không tin đài phát thanh và loa đài phát thanh. Vào lúc tám giờ sáng, số người tại thủ đô kéo nhau ra đường Phan Thanh Giản để chờ đợi tham dự tang lễ đã lên tới bảy trăm ngàn người. Chính quyền khẩn khoản nhờ Ủy Ban Liên Phái đứng ra giải thích cho quần chúng để xin quần chúng trở về. Thiền sư Tâm Giác được lệnh Ủy Ban Liên Phái đứng trên mui một chiếc xe, dùng máy phóng thanh loan báo cho quần chúng biết việc ký kết bản Thông Báo Chung là có thật. Lúc ấy đồng bào mới tin và mới bắt đầu lục tục giải tán. Ngày 17.6.1963, thiền sư Tịnh Khiết ra thông bạch gửi toàn thể Phật giáo đồ trong nước, báo tin những thắng lợi đã đạt được trong bản Thông Cáo Chung và kêu gọi Phật giáo đồ "trở lại nếp sống bình thường, thành tâm cầu nguyện cho bản Thông Cáo Chung, một văn kiện cam kết long trọng giữa chính phủ và Phật giáo được thi hành nghiêm chỉnh". Tuy nhiên, thiền sư không quên đặt vấn đề thực thi Thông Cáo Chung: "Một điều quan trọng mà tất cả tăng ni và phật tử đều thắc mắc tự hỏi: Liệu những lời cam kết được ghi trong bản Thông Cáo Chung này có được thực thi đúng đắn khắp nơi trong nước hay không? Điều đó còn thời gian trả lời. Tuy nhiên, chúng ta tin tưởng ở lời cam kết của tổng thống và Ủy Ban Liên Bộ; Nếu những điều cam kết không được thực thi đúng đắn thì đó không phải là trách nhiệm của chúng ta"(174).


THÔNG CÁO CHUNG KHÔNG ĐƯỢC THỰC THI

Tuy nhiên ông Ngô Đình Nhu, cố vấn tối cao của chính phủ Ngô Đình Diệm, quyết tâm diệt trừ phong trào Phật giáo. Ngày 18.6.1963, văn phòng tổng thống đánh mật điện cho đại biểu chính phủ các Miền, các vị tổng giám đốc và các vị tư lệnh vùng chiến thuật, ra lệnh tạm thời nhún nhường trước phong trào Phật giáo và chuẩn bị dư luận để đợi phản công lại phong trào này. Bức mật điện mang số 1432/VP/TT, do Đổng lý văn phòng Phủ Tổng Thống là Quách Tòng Đức ký ngày 19.6.1963, một bản sao của mật điện lọt vào tay của Ủy Ban Liên Phái. Nguyên văn bức điện như sau: "Để tạm thời làm ên dịu tình hình và khí thế tranh đấu quyết liệt của bọn tăng ni Phật giáo phản động, Tổng Thống và ông Cố Vấn ra lệnh tạm thời nhún nhường họ - Các nơi nhận hãy theo đúng chủ trương trên và đợi lệnh - Một kế hoặch đối hó thích nghi sẽ gửi đến sau - Ngay từ giờ hãy chuẩn bị dư luận cho giai đoạn tấn công mới - Hãy theo dõi điều tra thanh trừng những phần tử Phật giáo bất mãn và trình thượng cấp kể cả sĩ quan và công chức cao cấp(175).

Cũng ngày 18.6.1963, chính quyền thương lượng với một vài phần tử tăng sĩ trong giáo phái Lục Hòa Tăng để cấp tốc thành lập Tổng Hội Phật Giáo lấy tên là Tổng Hội Phật Giáo Cổ Sơn Môn để chống lại phong trào Phật giáo, thảo giúp một điện văn bằng tiếng Anh ngữ để tổ chức này đánh qua cho hội Phật Giáo Tích Lan, tố cáo Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam "một chi nhánh của hội Phật Giáo Tích Lan", đang lợi dụng danh nghĩa của hội để hoạt động chính trị và yêu cầu hội Phật Giáo Tích Lan lên tiếng phản đối.

Trụ sở hội Thế Giới Phật Giáo Liên Hữu năm ấy đặt tại Ngưỡng Quảng (Rangoon) Miến Điện và Phật Giáo Tích Lan, cũng như Phật Giáo Việt Nam, chỉ là một trong những "trung tâm địa phương" của Hội.

Ngay khi nhận được điện tín, tổng thư ký Trung Tâm Tích Lan là ông W.P. Daluwatte trả lời ngay. Ông nói rằng hội Phật Giáo Tích Lan không có một chi hội nào ở Việt Nam cả, rằng "Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam không bao giời làm một điều gì hoặc có một thái độ nào có thể gọi là phản Phật giáo cả", rằng phật tử Tích Lan "phản đối mạnh mẽ những hành động kỳ thị tôn giáo và những đối xử có tính cách lăng nhục". Một bản sao của thư này, viết ngày 18.6.1963 được gửi cho Tổng Hội Phật giáo Việt Nam(176).

Ngày 20.6.1963, nhục thân của thiền sư Quảng Đức được rước về An Dưỡng Địa ở Phú Lâm để làm lễ hỏa thiêu. Chính quyền đã bắt đám rước đi theo con đường Trần Quốc Toản thay vì đi đường Phan Thanh Giản. Chính quyền chỉ cho phép khoảng 200 vị tăng ni tham dự vào đám rước này, và buộc phải đi bằng xe hơi. Tuy vậy suốt dọc đường, hương án của tư gia đã được bày ra hai bên lề đường với đèn hương nghi ngút để tỏ sự thành kính đối với vị thiền sư mà từ đây mọi người bắt đầu xưng tụng là Bồ Tát Quảng Đức. Ngọn lửa hỏa thiêu đã không đốt cháy được trái tim thiền sư. Trái tim này được đem thiêu lần thứ hai với sức nóng ngót 4.000 độ nhưng vẫn không cháy.

Tổng thủ lãnh của Phong Trào Thanh Niên Cộng Hòa là cố vấn Ngô Đình Nhu dự định sử dụng lực lượng này để chống phong trào Phật giáo, tại trụ sở Thanh Niên Cộng Hòa ngày 26.6.1963, ông nói: "Phong trào Thanh Niên Cộng Hòa là một phong trào quần chúng, không phải là một phong trào của chính phủ để mù quáng đi làm tay sai cho bất cứ ai". Tài liệu học tập số 3 của Thanh Niên Cộng Hòa cho rằng:

1-Nội dung cũng như hình thức Thông Cáo Chung không phù hợp với chủ trương của Thanh Niên Cộng Hòa.
2-Bản Thông Cáo Chung trái với luật lệ hiện hành, chưa kể điều hết sức quan trọng là phủ nhận quyền của tổng thống trong vấn đề thả ra những người bị bắt bớ"(177).

Trong lá thư gửi tổng thống Diệm ngày 26.6.1963, đại lão thiền sư Tịnh Khiết tố cáo tất cả những hành động nói trên của chính quyền. Ông lại tố cáo những trường hợp đàn áp phật tử từ ngày Thông Cáo Chung: nhiều nơi, dân chúng bị bắt buộc làm kiến nghị lên án phong trào Phật giáo; nhiều nơi, các chùa còn bị phong tỏa và cán bộ phật tử bị lùng bắt, công an theo dõi những người đến chùa, biển số xe và tới tận nhà để hăm dọa. Ông còn cho biết rằng vị tổng giám đốc Nha Thanh Niên đang tổ chức một cuộc biểu tình lớn của Thanh Niên Cộng Hòa để yêu cầu chính phủ duyệt lại bản Thông Cáo Chung, và tố cáo hành động này là chống lại đường lối của chính quyền(178).

Thiền sư Thiện Minh, trưởng phái đoàn Ủy Ban Liên Phái, trong lá thư ngày 1.7.1963 gửi Ủy Ban Liên Bộ, lại tố cáo rằng những bản Thông Cáo Chung trên đường gửi ra Huế đã bị tịch thu tại Quy Nhơn, rằng chính quyền địa phương cấm đoán một số chùa tổ chức hội họp để học tập về bản Thông Cáo Chung, rằng chính quyền đã ra lệnh cho báo chí không được đăng tải những bản thông bạch và những tài liệu của phía Phật giáo, rằng khắp nơi chính quyền địa phương đang dùng những phương tiện bán công khai để chống lại thực thi Thông Cáo Chung(179). Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, chủ tịch Ủy Ban Liên Bộ trả lời lại bức thư này và nói rằng những điều mà các thiền sư lên án đã không thực sự xảy ra. Hai bên trao đổi rất nhiều loại thư từ này. Bên Phật giáo, các thư văn được in bằng ronéo để phân phát cho quần chúng. Bên chính quyền, các văn thư được các báo chí thủ đô đăng tải và đài Sài Gòn phát thanh.

Ngày 7.7.1963 để đánh lệch sự chú ý của quần chúng khỏi cuộc tranh đấu của phật tử, chính quyền ra lệnh đem những nhân sĩ đã từng tham dự cuộc đảo chính hụt ngày 11.11.1960 ra xét xử. Được trát tòa án đòi, hôm ấy nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) uống thuốc độc tự tử vào lúc tám giờ tối sau khi để lại những dòng sau đây:

"Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ và xử tội những phần tử quốc gia đối lập là một tội nặng, sẽ làm cho nước mất về tai Cộng Sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do. Ngày 7.7.1963, Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam".

Cái chết của Nhất Linh đã gây xúc động lớn trong quần chúng. Hôm 13.7.1963, khoảng bốn mươi ngàn người đã tham dự tang lễ của nhà văn, giữa những hàng cảnh sát chiến đấu và mật vụ.

Ngày 9.7.1963, bộ Nội Vụ ban hành nghị định 358-BNV/KS ấn đinh thể thức treo cờ Phật giáo (theo tinh thần Thông Cáo Chung) cho Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. Nghị định này nhằm chia rẽ Tổng Hội với các giáo phái Phật Giáo khác, vì quyền treo cờ chỉ được áp dụng riêng cho Tổng Hội Phật giáo Việt Nam. Ba ngày sau, đại diện các Giáo Phái, trong đó có sáu tập đoàn của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam đồng ý ký vào một bản kiến nghị phản đối dụng ý chia rẽ của nghị định nói trên và yêu cầu chính phủ cho điều chỉnh nghị định.

Ngày 11.7.1963. Ủy Ban Liên Bộ lại gửi cho Ủy Ban Liên Phái một lá thư cho biết rằng theo sự điều tra của Bộ Nội Vụ thì vụ thảm sát ở Huế ngày 7.5.1963 là do Cộng Sản gây ra chứ không phải do chính quyền: bác sĩ Lê Khắc Quyến, giám đốc Bệnh Viện Trung Ương Huế sau khi giải phẩu và chứng nghiệm, đã cho ông đại biểu chính phủ tại Trung Nguyên Trung Phần biết như vậy trong cuộc tiếp xúc ngày 2.7.1963.

Thiền sư Thiện Minh, trong một lá thư đề ngày 12.7.1963 đã trả lời về vấn đề này, buộc tội chính quyền cố tình bưng bít một sự thực không còn có thể bưng bít(180). Đồng thời ông nói tới tất cả những hành động vi phạm công khai bản Thông Cáo Chung của các cấp chính quyền, nêu ra từng trường hợp một(181).

Thời gian thử thách về việc thực thi Thông Cáo Chung kéo dài trên ba tuần lễ. Nhận thấy chính quyền không những không thực tâm thi hành Thông Cáo Chung mà lại còn tìm biện pháp làm yếu mòn tiềm lực tranh đấu của Phật giáo, ngày 14.7.1963, đại lão thiền sư Tịnh Khiết cương quyết phát động lại cuộc tranh đấu. Ngày hôm đó, ông gửi một lá thư cho tổng thống Ngô Đình Diệm báo tin rằng ông quyết định ra lệnh tiếp tục cuộc tranh đấu bất bạo động để đòi hỏi sự thực thi nghiêm chỉnh bản Thông Cáo Chung. Ông viết: "Tôi tuy tuổi đã tám mươi, vẫn còn đầy đủ sáng suốt để ra quyết định này mà tôi lãnh hết trách nhiệm"(182). Đồng thời ông ra thông bạch kêu gọi tăng đồ và tín đồ đoàn kết sau Ủy Ban Liên Phái để tranh đấu và "đòi hỏi thực thi nghiêm chỉnh và nhanh chóng Thông Cáo Chung". Ngày hôm sau 15.7.1963, nhân danh vị lãnh đạo tối cao của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo, ông lại ra một Thông Bạch quy định phương thức tiến hành cuộc tranh đấu. Thông bạch ấy như sau:

"Kính Thông Bạch các tập đoàn trong Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Như bản sao và văn kiện đính kèm bản sao Thông Bạch này, quý vị lãnh đạo các tập đoàn và đoàn thể Tăng Già và tín đồ trực thuộc đều có thể nhận thấy:

Nguyện vọng của Phật giáo là đòi hỏi bản Thông Cáo Chung phải được thực thi nghiêm chỉnh và mau chóng.

Nhắm nguyện vọng đó các tập đoàn và các tỉnh trực thuộc hãy thi hành các chi tiết phật sự sau đây:

1- Khẩu hiệu đòi hỏi:
a) Có ba khẩu hiệu được nên lên sau đây:
- Chúng tôi đòi hỏi thi hành đứng đắn bản Thông Cáo Chung (Anh ngữ: The Joint Communiqué must be carried out seriously).
- Hãy chấm dứt mọi hình thức khủng bố và áp bức Phật giáo đồ (Anh ngữ: Stop all formis of terrorizing and suppressing Buddhists).
- Yêu cầu chính phủ giữ sự thành tín đã hứa (Anh ngữ Request the Government to keep its promises faithhully)
b) Cách dùng các khẩu hiệu là viết ra nhiều tấm treo lên ngay nơi tiền đường và những nơi quần chúng có thể nhìn thấy rõ ràng của khuôn viết, tất cả các chùa thuộc giáo hội và hội. Những chùa xa xôi ở thôn quê và núi non cũng viết và căng lên như vậy. Nhưng ngoài ba khẩu hiệu này tuyệt đối không dùng khẩu hiệu nào khác.

2- Hình thức đòi hỏi:
a) Hình thức đòi hỏi thực thi bản Thông Cáo Chung là áp dụng tất cả phương thức bất bạo động đã áp dụng trước đây.
b) Địa điểm tụng kinh và tuyệt thực - những điều phổ thông trong phương thức bất bạo động - thì tại thị xã, tăng già và tín đồ (hội viên và Gia Đình Phật Tử của các khuôn hội phụ cập, các giới phật tử trực thuộc) tập trung tại trụ sở, văn phòng, hoặc chung hoặc riêng của Giáo Hội và Hội. Còn tại khuôn thì hội viên và Gia Đình Phật Tử khuôn nào tập trung tại khuôn ấy.

Chú ý: tập trung theo chế độ luân phiên.

3- Thời gian đòi hỏi:
Kể từ khi ra Thông Bạch này cho đến khi có thông bạch mới.

4- Tinh Thần Bất Bạo Động:
a) Tuyệt đối cố thủ tinh thần và phương pháp bất bạo động.
b) Nếu đi tụng kinh và tuyệt thực để cầu nguyện mà bị ngăn chặn lại thì dầu mấy người cũng ngồi xuống niệm xong 100 tiếng niệm Phật rồi trở về. Nếu bị bắt thì tất cả cùng xin vào tù. Nếu chùa bị bao vây thì bình tĩnh cầu nguyện cho đến chết.

5- Mục đích đòi hỏi:
a) Hoàn toàn thuộc ý thức tôn giáo tín ngưỡng.
b) Và thu hẹp trong sự đòi hỏi thực thi bản Thông Cáo Chung một cách nghiêm chỉnh nhanh chóng.

Vì ý thức được tính cách sinh tử của Đạo Pháp, tôi chắc chắn toàn thể phật tử không ai từ chối một sự hy sinh nào trong khuôn khổ tinh thần bất bạo động.

Hòa thượng hội chủ Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, Lãnh đạo tối cao Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo.

Thích Tịnh Khiết(183)

Sau khi Thông Bạch này được tung ra, tình hình khắp nơi trở nên sôi động. Cuộc tranh đấu quyết liệt của phật tử bắt đầu.

(163) Tạp chí Phật Giáo Việt Nam số 8, năm Đinh Dậu, 1957, trang 47.
(164) Chính H.S. Olcott là người dã khuyến khích và ủng hộ triệt để đại đức Dharmapala trong việc phát khởi phong trào Phục Hưng Phật Giáo Ấn Độ và Tích Lan vào khoảng năm 1985.
(165) Informatión Catholiqué Internationales. Paris, số 188, ra ngày 15.3.1963.
(166) ngày Phật Đản từ năm 1958, đã được Tổng Hội Phật giáo Việt Nam đổi từ ngày mồng tám tháng Tư thành ngày trăng tròn tháng Tư để cho được thống nhất với các nước Phật giáo trên thế giới.
(167) Đọc toàn văn bản Tuyên Ngôn trong danh sách Công Cuộc Tranh Đấu, Của Phật Giáo Việt Nam do Quốc Tuệ biên soạn, Sài Gòn, 1964.
(168) Đọc toàn văn bản Phụ Đính trong sách Công Cuộc Tranh Đấu Của Phật Giáo Việt Nam. Quốc Tuệ, Sài Gòn, 1964.
(169) Nguyên văn trong sách vừa dẫn.
(170) Sau đây là những thành viên khác của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo: các thiền sư Thiện Hoa, Tâm Giác và Bửu Chơn (ba vị phó chủ tịch, thiền sư Huyền Quang (văn phòng trưởng), thiền sư Quảng Liên (ủy viên nhân sự), các thiền sư Minh Trực, Trí Quang, Pháp Tri, Lâm Em, Thiện Minh và Thanh Thái (sáu vị cố vấn), thiền sư Đức Nghiệp (ủy viên ngoại giao), thiền sư Quảng Độ (phụ tá ngoại giao), thiền sư Giác Đức (ủy viên nội an kiêm giảng huấn), thiền sư Chánh Lạc (thư ký), thiền sư Hộ Giác (phụ tá giảng huấn) và cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền (tổng thư ký).
(171) Đọc nguyên văn ở sách Việt Nam Phật Giáo Tranh Đấu Sử, do Tuệ Giác xuất bản, Sài Gòn, 1964, trang 139.
(172) Công Cuộc Tranh Đấu Của Phật Giáo Việt Nam. Quốc Tuệ, Sài Gòn, 1964, trang 94-96.
(173) Sau đây là nguyên văn bản Thông Cáo Chung:

"Để giải quyết ổn thỏa năm nguyện vọng do Tổng Hội Phật giáo Việt Nam đưa ra; Ủy Ban Liên Bộ gồm có:

Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ
Nguyễn Đình Thuần, bộ trưởng tại Phủ Tổng Thống
Bùi Văn Lượng, bộ trưởng Nội Vụ

và Phái Đòan Phật giáo gồm có:

Thượng tọa Thích Thiện Minh, trưởng Phái Đoàn
Thượng tọa Thích Tâm Châu, đoàn viên
Thượng tọa Thích Thiện Hoa, đoàn viên
Thượng tọa Thích Huyền Quang, thư ký
Đại đức Thích Đức Nghiệp, phó thư ký

(do thơ giới thiệu của Hội chủ hòa thượng Thích Tịnh Khiết số 24 tháng 6 năm 1963), đã họp tại Hội Trường Diên Hồng ngày thứ sáu 14.6.1963:

sáng từ 9 giờ 00 đến 12 giờ 00
chiều từ 15 giờ 00 đến 18 giờ 00
ngày thứ bảy: 15.6.1963:
sáng từ 9 giờ 00 đến 11 giờ 00
chiều từ 14 giờ 30 đến 17 giờ 00
đêm từ 21 giờ ông đến 24 giờ 00
và ngày chủ nhật 16.6.1963:
từ 0 giờ 00 đến 1 giờ 30

Sau khi thảo luận, Ủy Ban Liên Bộ và Phái Đoàn Phật Giáo đã thỏa thuận các điểm sau đây:


I- Quốc Kỳ - Đạo Kỳ

Quốc kỳ tượng trưng cho Linh Hồn Dân Tộc, phải được luôn luôn tôn trọng và phải được đặt đúng vị trí.

A- Lễ Quốc gia: Chỉ treo cờ Quốc gia.

B- Lễ Phật giáo:

1. Tại chùa: Quyền Môn, Cổng Chùa, Cột lớn giữa sân chùa. Mặt tiền chùa, Cờ Quốc gia bên phải, Cờ Phật giáo bên trái, nhỏ hơn (hai phần ba)
* Cờ rủ: Cờ Phật giáo mà thôi
* Sân chùa (để trang hoàng) mắc trên dây: toàn cờ Phật giáo, bằng giấy cỡ nhỏ
* Trong chùa: chỉ treo cờ Phật giáo

2. Lễ đài:
* Chân đài và chung quanh: Cờ Quốc gia bên phải, Cờ Phật giáo bên trái, nhỏ hơn (hai phần ba)
* Trên đài (có thể coi như là trong chùa): Chỉ treo cờ Phật giáo

3. Đám rước:
* Đi trước:
Nếu chỉ một người đi trước, cầm hai cờ: Quốc gia bên phải, Phật giáo bên trái, nhỏ hơn (hai phần ba)
Nếu có hai người đi trước, mỗi người cầm một, cũng theo thể thức trên.
* Phía sau: Tín đồ chỉ cầm một cờ Phật giáo cỡ nhỏ

4. Xe nhân vật Phật giáo: Không treo cờ gì cả

5. Tư gia:
* Trước nhà: Hai cờ như trước chùa
* Trong nhà: Chỉ treo cờ pg
Để áp dụng đúng đắn các khoản trên đây, cần quy định:
Cờ treo bên phải: (phải) từ ngoài lộ trông vô chùa
Cờ nhỏ hơn: (nhỏ) là bằng hai phần ba cờ quốc gia (các cán bộ không nên quá khắc khe về kích thước)


II. Dụ số 10.

Tách hiệp hội có tính cách tôn giáo ra khỏi Dụ số 10 và lập một quy chế hợp với tính cách đặc biệt về nhu cầu sinh hoạt của những Hiệp Hội Tôn Giáo ấy.

Quy chế đó sẽ là một đạo luật do Quốc hội soạn thảo với sự tham khảo trực tiếp ý kiến các tôn giáo liên hệ.

Quốc hội sẽ biểu quyết Đạo luật này chậm lắm là cuối năm 1963 hoặc đầu năm 1964. Trong khi chờ đợi ban hành Đạo luật mới. Ủy Ban Liên Bộ đồng ý sẽ có những chỉ thị cần thiết để Dụ số 10 không áp dụng quá khắc khe đối với các hội Phật giáo, Phật học hiện hữu. Phái đoàn Phật giáo cam kết chỉ thị cho các tăng ni chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp quốc gia và thi hành mọi biện pháp kỷ luật nội bộ đối với những hành động lệch lạc.


III. Vấn đề bắt bớ và giam giữ Phật giáo đồ

Chính phủ lập một Ban Điều Tra để xét lại các hồ sơ khiếu nại của Phật giáo. Tất cả những ai có liên can đến cuộc vận động thực hiện năm nguyện vọng của Tổng Hội Phật giáo đề ra, bất luận ở đâu, sẽ được tổng thống đặc biệt khoan hồng. Chính phủ sẽ xác nhận lệnh sửa sai đã ban ra cho các cán bộ để thực thi chính sách bình đẳng tôn giáo của chính phủ.


IV. Tự do truyền đạo và hành giáo.

1. Những sinh hoạt thuần túy tôn giáo và thường xuyên như ngày 14, rằm, 30, mồng một, cầu siêu, cầu an hay các ngày vía nếu làm trong phạm vi nhà cửa hay trụ sở Hội thì khỏi phải xin phép.

Các sinh hoạt bất thường và ngoài phạm vi nhà chùa hay trụ sở Hội thì phải xin phép.

2. Về vấn đề các chùa làng có tính cách thuần túy địa phương. Trung ương cần phải có thì giờ gom góp đủ hồ sơ liên hệ. Vì thế, trong khi chờ đợi, chỉ có thể cho bầu lại ban quản trị mới của các chùa làng nếu xét thấy cần, hầu để cho giới phật tử được tham gia quyền quản trị các chùa này.

3. Xác nhận thông tư số 16-TPP.TTK ngày 23.9.1960 không áp dụng cho việc tiếp nhận cũng như tạo mãi động sản và bất động sản của Phật giáo.

4. Dành mọi sjư dễ dàng cho các sư xây cất (chùa, trường học và cơ sở từ thiện)


V. Trách nhiệm và trợ giúp.

Những cán bộ có trách nhiệm về các vụ đã xảy ra từ ngày 8 tháng 5 năm 1963, bất kỳ thuộc thành phần nào, cũng sẽ bị nghiêm trị, nếu cuộc điều tra đang tiến hành chứng tỏ lỗi của họ.

Sự cứu trợ gia đình nạn nhân đang là một mối lo âu của các cơ quan xã hội và của chính quyền.

Các gia đình nạn nhân ở Huế đã được trợ giúp kịp thời và có thể được trợ giúp thêm tùy theo gia cảnh từng người.

Ủy Ban Liên Bộ sẽ phụ trách theo dõi việc thi hành các điều khoản trên nhất là tại các địa phương.

Nếu có sự lệch lạc Tổng Hội Phật giáo sẽ kịp thời báo tin cho Ủy Ban Liên Bộ

Lập thành hai bản chính tại Sài Gòn
Ngày 16.6.1963.

PHÁI ĐOÀN PHẬT GIÁO, ỦY BAN LIÊN BỘ
Ký tên , Ký tên
Thượng tọa Thích Thiện Minh, Nguyễn Ngọc Thơ
Thích Tâm Châu, Nguyễn Đình Thuần
Thích Thiện Hoa, Bùi Văn Lượng

KHÁN
Hòa thượng Hội Chủ Tổng Hội Phật giáo Việt Nam
Ký tên: THÍCH TỊNH KHIẾT
Những diều được ghi trong Thông Cáo Chung này đã được tôi chấp nhận nguyên tắc ngay từ đầu.

Ký tên: NGÔ ĐÌNH DIỆM





CHÚ THÍCH

(174) Công Cuộc Tranh Đấu Của Phật Giáo Việt Nam. Quốc Tuệ, Sài Gòn 1964, trang137
(175) Sách đã dẫn, trang 143-144
(176) Cuộc Đấu tranh Lịch Sử Của Phật Giáo Việt Nam, Nam Thanh, Sài Gòn 1964, trang 26
(177) Việt Nam Phật Giáo Tranh Đấu Sử. Tuệ Giác, Sài Gòn 1964, trang 172.
(178) Theo thư của thiền sư Thiện Minh gửi Ủy Ban Liên Bộ ngày 1.7.1963, trong Công Cuộc Tranh Đáu Của Phật Giáo Việt Nam. Quốc Tuệ, Sài Gòn 1964, trang 172.
(179) Sách đã dẫn, trang 156-158
(180) Sách vừa dẫn, trang 162-166
(181) Bác sĩ Lê Khắc Quyến, sau khi bị chính quyền ép ký biên bản cuộc khám nghiệm, đã từ chức giám đốc Bệnh Viện Trung Ương và khoa trưởng trường Đại Học Y Khoa Huế. Sau vụ này, các giáo sư ngoại quốc đang dạy tại trường Y Khoa Huế đều từ chức bỏ về nước để phản đối chính quyền Sài Gòn vì họ đã biết rõ sự thực về cuộc khám nghiệm.
(182) Đọc toàn văn lá thư này trong Công Cuộc Tranh Đấu Của Phật Giáo Việt Nam, sách đã dẫn, trang 170-174.
(183) Sách vừa dẫn, trang 193-194
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]