Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 1

02/05/201311:36(Xem: 10978)
Phần 1
Ánh Đạo Vàng


Phần 1

Võ Đình Cường
Nguồn: Võ Đình Cường

Nhân loại ơi! Có hay chăng một vị Giác Ngộ mới ra đời?
Chúng sanh ơi! Một đấng Đại từ, Đại bi, Đại trí, Đại đức vừa xuất hiện ở dưới trần!
Ôi hân hoan, hân hoan cho toàn cả mấy tầng trời, vì chúng sanh ơi, một đóa hoa Đàm nở, một ánh sáng lạ chói ngời!
Này ai ơi! Hãy đi về phía nam dãy núi Hy-mã-lạp-sơn, vì chính ở đấy đã ra đời một đức Phật.

Tiếng hát trong thanh ấy không biết tự đâu bay lạc trong gió, lanh lảnh dội từ khoảng rừng này sang khoảng rừng khác. Đạo sĩ A-tư-đà (Asita) đang ngồi tham thiền dưới một gốc cây bỗng đứng dậy. Người choàng chiếc áo lông cừu vào, chống gậy lần xuống núi, đi về phía Nam dãy Hy-mã-lạp-sơn. Tối hôm ấy người đã đến thành Ca-tỳ-la-vệ.

Ở đây linh đình yến tiệc, hội hè đang giữa lúc say. Đèn sáng rực trên các vòm cây. Cờ bay ở đầu các ngõ. Những cỗ xe bò kết hoa đang kềnh càng chen giữa đám đông, ngựa hí vang lên để tìm lối bước. Những chiếc ghế kiệu bốn phía rũ rèm xanh, lô nhô trên đám hội. ở đây, một nhóm người xúm quanh một phường xiếc; đàng kia, họ ngây ngất trước những điệu múa nhẹ như bay của đoàn vũ nữ. Một nơi khác, những kẻ đấu kiếm đang thi tài, hay những tay võ sĩ, mình mang lốt gấu đang đọ sức với cọp. Từng trận cười dòn vang lên từ một đám trò hề đi diễu qua các phố.

Đạo sĩ A-tư-đà chen chúc từ đám này sang đám khác, và với vẻ mặt ngơ ngác, đi hỏi từng người :

– Tại sao các người mở hội?

Và mỗi người trả lời mỗi cách:

– Vì Hoàng hậu Ma-gia vừa sanh Thái tử.

– Vì Thái tử Tất-đạt-đa có ba mươi hai tướng quý.

Nhưng có một người già, ngồi trên thềm gạch, trả lời rành mạch từng câu:

–“Trước đây chín tháng, một hôm Hoàng hậu Ma-gia nằm mộng thấy một con bạch tượng sáu ngà đứng trên một ngôi sao, có sáu sắc chói ngời vượt qua trời cao và luồn vào trong hông phải Hoàng hậu. Ngài vùng thức dậy. Trời cũng vừa độ bình minh. Một thứ ánh sáng xanh nhuộm muôn cành rạo rực. Gió không réo rắc, im bặt oán hờn từ núi Hy-mã. Sông Hằng không trằn trọc sóng Một nỗi hân hoan và thái bình lan tràn mặt đất.

Hoàng hậu kể lại giấc chiêm bao cho các già đoán mộng. Mọi người đều công nhận đấy là điềm lành: Hoàng hậu sẽ sanh được Hoàng nam, tài đức từ xưa đến nay chưa ai sánh kịp.

Điều đoán xưa đã bắt đầu thực hiện. Sớm mai này trong vườn Lâm-tì-ni, chim thi nhau chuốt giọng trên cành; hoa thi nhau trải màu trên lá; và hương từ bốn phương dồn lại, xông lên ngào ngạt khắp vườn. Hoàng hậu Ma-gia thấy sự lạ, ngự ra xem. Ngài khoan thai đi từng bước một, lòng khoan khoái và nhẹ nhàng như có cánh bay. Đi đến gốc cây Vô Ưu thì Ngài sanh Thái tử.

Mặt trời xuất hiện ở phương Đông, hồng hào và tròn trĩnh như mặt Người vừa xuất thế! Hào quang phóng từng luồng dài, xoè ra như cánh quạt quét sạch những bóng đêm. Bầu trời trong xanh như đúc bằng ngọc thạch. Từng luồng gió thơm mát ngân vui trong lá mừng.

Tịnh-phạn vương nghe tin, truyền cho đình thần đến đón Hoàng hậu và Thái tử về. Cờ xí rợp trời, trống kèn dậy đất. Đám rước đi đến đâu, từng loạt mưa hoa đổ xuống đấy. Chúng dân lũ lượt theo sau, hoà nỗi vui mừng của nhà vua cùng với nỗi vui mừng cửa cả nước. Và trong đám rước, người ta bảo có lẫn lộn những thiên thần, giả người trần tục, vì đây không phải cái vui riêng của cõi thế mà chính là cái vui chung cho cả mấy từng trời.
Hôm nay, Tịnh-phạn vương truyền cho dân gian mở tiệc khao mừng là vì thế.”

Ngày hôm sau, A-tư-đà xin vào triều ra mắt Thái tử. Tịnh-phạn vương đứng dậy chào vẻ phương phi của đạo sĩ, và Hoàng hậu đặt Thái tử dưới chân người đức hạnh ấy. A-tư-đà nhìn mặt Thái tử xong, vội vã sụp xuống lạy tám lần, rồi đứng dậy khóc ròng rã trên chiếc gậy rung rinh. Tịnh-phạn vương và Hoàng hậu kinh hãi, hỏi dồn:
– Sao đạo sĩ lại khóc? Tai nạn gì xảy đến cho Hoàng gia đây?

Đạo sĩ chùi nước mắt tâu:

– Tâu Hoàng thượng? Tôi khóc là khóc cho tôi xấu số không sanh nhằm một thời với Thái tử! Ôi, tôi già nua lắm rồi và sẽ chết nay mai, không được nghe những lời thuyết pháp vàng ngọc của Thái tử!

Tâu Hoàng thượng! Thái tử không phải là một người trần. Ngài là một đóa hoa quý nhất của nhân loại, chỉ nở một lần trong mấy vạn năm. Ngài sẽ là một bậc đại từ, đại bi, đại trí, đại dũng. Và 32 tướng tốt của Ngài báo trước Ngài sẽ là một vị Đại vương, thống trị cả thiên hạ. Nhưng chữ vạn nổi ở trên ngực lại báo rằng Ngài sẽ làm chủ cả tam thế, dắt đường chỉ nẻo cho tất cả chúng sanh. Ôi thật là đại phước cho Hoàng gia! Nhưng hỡi ngài Ma-gia đức hạnh! Ngài sẽ lìa cõi trần ô trọc này trong bảy ngày nữa để lên cõi trời Đạo Lợi, vì đức hạnh của Ngài đã quá nhiều và nghiệp báo của Ngài đã hết. Từ đây Ngài sẽ không đau khổ nữa!

Lời đoán ấy không sai. Bảy ngày sau, hoàng hậu Ma-gia nhẹ nhàng ngủ thẳng. Thái tử được di mẫu là Ma-ha-bà-xà-bà-đề nuôi. Lên tám tuổi, Thái tử đã tỏ ra không phải một người thường. Tịnh-phạn vương lo cho con mình sau này sẽ bỏ ngai vàng mà đi theo con đường chông gai và huy hoàng của một đức Phật. Ngài muốn con ngài sẽ làm một vị Đại vương, nên truyền cho tìm thầy giỏi nhất trong nước để dạy Thái tử những điều mà một vị Đại vương cần biết.

Tì-xa-bà-mật-đà-la, một giáo sư thông thái nhất trong những giáo sư được mời đến dạy. Ngày lành đã lựa, Thái tử kẹp trong tay một tấm gỗ trắc nhận ngọc ở ngoài lề, và một thẻ son để viết, kính cẩn đến thụ giáo với thầy.
Học đến đâu Thái tử nhớ đến đấy và nhiều khi Ngài thấy rõ trước những điều thầy sắp dạy.

Chẳng bao lâu, Ngài vượt hẳn sức hiểu biết của thầy, và một hôm, giáo sư bỗng sụp xuống lạy Thái tử:

– Hỡi Thái tử, từ đây xin Ngài hãy nhận cho già này làm đệ tử. Sức hiểu biết của lão có hạn, mà trí thông minh của Ngài vô cùng, lão không sao dạy nổi. Một khi con phượng hoàng đã đủ lông, đủ cánh thì không một con chim nào khác có thể vượt lên được.

Nhưng hỡi người con của Ma-gia đức hạnh, lão bái phục Ngài không phải vì trí thông minh eủa Ngài, mà còn vì lễ độ mà Ngài đối với lão nữa!

Cái lễ độ ấy, Thái tử đem đối đãi với tất cả mọi người. Cử chỉ của Ngài rất nhã nhặn. Một khí tượng đế vương lộ trên nét mặt, tuy thế niềm thân ái vẫn chứa đầy trong đôi mắt. Giàu tình cảm, Ngài lại gan dạ không ai bằng. Trong những buổi đua ngựa trong cung, Ngài tỏ ra rất can đảm và lão luyện, ngựa của Ngài thường về nhất. Nhưng nhiều lúc, giữa cuộc đua Ngài bỗng dừng ngựa lại, có khi vì sực nghe có ai réo gọi; có khi vì thấy tội nghiệp cho con ngựa mệt nhọc đang thở hồng hộc dưới mình Ngài; có khi vì thấy thương những người bạn sắp thua cuộc.

Và mỗi năm qua, Ngài lớn thêm lên một tuổi thì tình thương kia lại tuần tự lan dần như từng vòng nước gợn.
Có một buổi mai mùa xuân, ngang qua vườn ngự, một đàn ngỗng trắng bay về núi Hy-mã-lạp-sơn. Đề-bà-đạt-đa, em họ Thái tử, thấy được trương cung nhắm bắn. Một chiếc tên vụt lên, cả đàn ngỗng trời bay tán loạn như một đám mây bạc bị gió xé ra từng mảnh nhỏ. Một con rơi xuống, vài điểm hồng rơi theo giữa khoảng trời xanh biếc. Thái tử thấy được, chạy đến thảm cỏ gần đấy lượm con vật bị thương lên, áp vào lòng, rút mũi tên ở cánh ra, và vuốt ve nó như người mẹ hiền săn sóc con đau. Ngài hái lá nhai nhỏ rồi trộn với mật áp vào cánh chim. Chim dần dần tỉnh lại, âu yếm nép vào lòng Ngài. Trong lúc ấy, một tên thị vệ đến bên Ngài kính cẩn thưa:

– Thưa Thái tử, con ngỗng này của Hoàng thân Đề-bà-đạt-đa đã bắn được. Ngài sai tôi qua đây xin với Ngài trả lại.

– Không! Con ngỗng này bị Hoàng thân bắn, nhưng được ta cứu. Hoàng thân là kẻ thù, chính ta mới là ân nhân của nó. Ta không thể giao nó cho Hoàng thân.

Đề-bà-đạt-đa không chịu, qua cãi lại:

– Con vật này khi còn ở trên trời, thì không thuộc của ai cả, nhưng khi tôi đã bắn được là thuộc về tôi.

Thái tử áp cổ ngỗng vào sát má Ngài, trả lời:

– Ta đã bảo không! Không ai có quyền làm đau đớn một con vật để bắt nó thuộc về mình. Con vật này của ta, bởi ta yêu thương nó, và nhất là nó đã trìu mến ta. Nhưng nếu Đề-bà-đạt-da không nghe thì cứ đi kiện với các lão thần, chúng ta nhờ họ phân xử.

Chuyện ấy được đem ra giữa triều. Các lão thần hội lại để phân xử. Mỗi người mỗi ý, không biết dựa vào đâu mà định đoạt. Giữa lúc ấy trong đám người đến xem, có một ông già đứng dậy xin thưa:

– Nếu sự sống có giá trị thật, thì người đã cứu sống một con vật đáng gìn giữ nó hơn là người định tâm giết nó. Một bên tàn sát và phá phách, một bên bảo hộ và xây đắp. Nên giao cho Thái tử con chim kia!

Mọi người đều cho lời nói kia rất phải. Vua sai người lấy ngọc ngà ra thưởng cho ông lão. Nhưng người ta không tìm thấy ông đâu nữa.

Thái tử được chim, hớn hở ôm nó vào ngực. Ngài nghe trái tim nho nhỏ của nó đánh gấp gấp bên cạnh tim Ngài. Nỗi sung sướng của Ngài hoà theo nỗi sung sướng của con vật. Ngài nhìn lên trời. Trời xanh ngăn ngắt, không vướng một mảnh mây tro. Gió nhẹ xuôi chiều về hướng Bắc.

“Con ơi, hai ngày nay con bị giam cầm trong đôi tay âu yếm của ta. Tuy được ta nâng niu nhưng làm sao sánh được cái thú nước mây ở ngoài cao rộng. Hôm nay cánh con đã lành mạnh, và giữa bầu trời quang tạnh, gió lại thuận thồi về hướng Bắc, ta thả con ra để con bay về dãy Hy-mã cùng đàn con sum họp. Ta gởi theo con đây một tấm lòng thương mến, và con hãy về mách lại với đàn con rằng ở đây có một người nguyện sẽ đem cả đời sống ra bênh vực, cứu giúp những kẻ yếu hèn... Thôi con hãy tung cánh lên đi!”

Thái tử mở đôi tay. Con ngỗng vụt bay lên, cổ dài trườn tới trước, hai chân duỗi thẳng ra đằng sau... Lòng Thái tử phơi phới, nhẹ nhàng vỗ theo với đôi cánh chim đang vạch một đường trắng ngang trời xanh.

Có một ngày, Tịnh-phạn vương nắm tay con đi dạo bên cạnh một khu rừng. Ngài đưa tay chỉ:

– Con thấy không? Từ chân trời thăm thẳm ruộng xanh kia đến khu rừng này và bao nhiêu khu rừng sau đây, đều thuộc về cha con ta cả. Giang sơn tươi đẹp và thái bình như thế, con cũng nên xem qua cho biết.

Trời về xuân. Cây rủ màn xanh. Cỏ giăng đệm lục. Rải rác trên cánh đồng, từng cặp bò kéo cày đi từng bước một; đằng sau, người nông phu ấn chân trên lưỡi cày: đất bị xẻ từng đường dài, uốn cong ra hai bên như những lưỡi sóng xẻ ra trước mũi thuyền. Xa xa, vài người vãi lúa tung cánh tay rộng lên nền trời trong. Vài con chim én mài cánh trên cỏ mướt. Năm bảy con ác là khấp khểnh đi trên những sóng đất cày. Đàn bướm trấng chập chờn bay trên những hoa cỏ tím. Từ phía rừng, tiếng chim lanh lảnh vang dội trong thành lá rậm. Ở một làng xa, tiếng trống khoan thai điểm hồi cho một lễ cưới.

Thái bình lan tràn mọi vât. Thái tử tỏ vẻ vui mừng. Nhưng nhìn sâu vào trong cảnh vật, Ngài nhận thấy những mũi gai nhọn mọc tua tủa dưới hoa đời. Người nông phu đổi một phần sinh lực để được sống. Đôi bò nướng mình trong nắng để kéo lưỡi cày nặng trĩu, chôn một nửa dưới lớp đất khô. Những côn trùng bị lưỡi cày bới lên, quằn quại trên mặt đất, làm mồi cho loài chim giành giựt cấu xé nhau. Ngài thấy một con rắn mối đang đớp kiến, bỗng bị một con ó đến cắp đi. Và trong bụi rậm, một con chồn vàng đang rình đợi một con gà tha một con trùn đi qua.

Và cứ như thế, con vật này giết con vật khác, và bị con khác nữa giết hại. Sự Sống sống bằng sự Chết. Cảnh tượng đẹp đẽ ban đầu chỉ là một cái màn che giấu ở phía sau những giết hại thảm khốc những cấu xé không ngừng. Thái tử thở ra:

– Chao ôi! Bao nhiêu mồ hôi và nước mắt đã nhỏ trong chén cơm của người đi cày!. Bao nhiêu sức lực của đôi bò đã đem ra để đổi lấy một nắm cỏ! Và khốc liệt thay, sự tương tàn giữa vạn vật!

Nói xong, Ngài đến ngồi xếp bằng tròn bên một gốc cây và mời vua cha về trước để Ngài ở lại suy nghiệm về ý nghĩa cuộc đời. Một tình thương không bờ bến chiếm cả tâm hồn Ngài và lan cùng mọi vật; một sức ước muốn được cứu độ chúng sanh mạnh mẽ đến nỗi tâm trí Ngài không còn nhận biết những việc xảy ra ở xung quanh: bóng chiều đã ngã, quan hầu đang đứng đợi Ngài về cung.

Lần đầu tiên, Thái tử có một quan niệm chung về sự đau thương của toàn thể chúng sanh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]