Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương một: Thời đại Phật giáo du nhập, Phật Giáo đời Bắc Thuộc (43 - 544)

03/04/201314:28(Xem: 8632)
Chương một: Thời đại Phật giáo du nhập, Phật Giáo đời Bắc Thuộc (43 - 544)
Việt Nam Phật Giáo Sử Lược

Phần Lịch Sử
Chương Một: Thời Đại Phật Giáo Du Nhập, Phật Giáo Đời Bắc Thuộc (43 - 544)

Thích Mật Thể
Nguồn: Thích Mật Thể

Phật giáo ở Ấn Độ truyền bá đi các nước lân cận do hai đường thủy và bộ. Về đường thủy thì qua miền Trung Á như Mông Cổ, Tây Tạng và Trung Hoa; rồi từ Trung Hoa qua Cao Ly và Nhật Bản. Về đường bộ thì qua đảo Tích Lan và Java truyền vào Indonésie, Đông Dương và Trung Hoa. Nước ta ở vào giữa hai con đường ấy. Vậy Phật giáo truyền đến đâu và từ đời nào, ta phải khảo lấy mấy thuyết sau này :

1. Những sách của các nhà sư Việt Nam viết từ thế kỷ thứ 13 và 14 có chép : “Chính đời nhà Hán (thế kỷ thứ 2 và thứ 3) đã có các đạo sĩ ở Bắc như ông Ma-ha-kỳ-vực (Mârijivaka), Khương Tăng Hội (K’ang-song-hoeuei) và Mâu Bác (Meou-pô), ngài thì do theo đường thủy, ngài thì đường bộ mà đến truyền giáo ở nước Việt Nam ta".

2. Sách Ngô Chí của Trung Hoa chép: “Sĩ Nhiếp là một vị Thứ sử có oai quyền ở Giao Châu, được dân bản xứ tôn kính, khi ra đi người ta thường nghe có tiếng kiểng lẫn tiếng trống kèn, bọn rợ Hồ đi theo thắp hương hai bên xe có từng đoàn mười người…”

Theo ông Sylvain-levi kê cứu, thì Hồ là một thứ tiếng riêng của người Trung Hoa về thế kỷ thứ 3 dùng để chỉ bọn người phương Tây. Vậy Hồ đây có lẽ là người Trung Á hay người Ấn Độ.

3. Truyện Đàm Thiên Pháp sư có chép: Vua Cao Tổ nhà Tùy bảo Pháp sư rằng : “Trẫm nghĩ đạo Từ bi của đức Điều Ngự, không biết báo ơn thế nào cho phải, Trẫm lạm giữ ngôi dân chủ, muốn rộng truyền đạo Tam bảo, đã thu khắp di hài Xá-lỵ, lập được 49 ngọn Bảo tháp trong nước để làm tiêu biểu cho Đạo và làm được hơn 150 ngôi chùa rồi. Bây giờ Trẫm lại muốn lập Chùa dựng Tháp khắp Giao Châu (danh hiệu nước Việt Nam từ đời Bắc thuộc) để cho đạo đức nhuần khắp thế giới. Cõi Giao Châu tuy nội thuộc nước ta mà xa xôi quá, vậy Pháp sư nên tuyển lấy các thầy Sa-môn đức hạnh, sang mà hoằng hóa cho dân ấy, để hết thảy chúng sinh đều biết đạo Bồ-đề”. Pháp sư liền tâu : “Cõi Giao Châu có đường thông sang Thiên Trúc gần hơn ta. Khi Phật giáo chưa du nhập vào đất Giang Đông ta[1] mà ở cõi ấy đã xây dựng được hơn 20 ngọn Bảo tháp, độ được hơn 500 Tăng sĩ, dịch được 15 bộ kinh rồi. Vì ở bên ấy gần nước Phật hơn ta. Bấy giờ có các vị Ma-ha-kỳ-vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương và Mâu Bác đến ở truyền đạo . . . Ngài muốn bố thí một cách bình đẳng, phái Chư Tăng sang truyền đạo, nhưng ở đó họ đã có đủ rồi, ta không cần phải sang nữa.”

4. Sách Pháp vụ thực lục chép : “Vào hồi thế kỷ thứ ba có một ông tên là Kaudra gốc ở Đông ấn, gióng Brahmanes qua Giao Châu một lần với ông Ma-ha-kỳ- vực…”

Cứ theo mấy dẫn chứng trên đều thấy hợp nhau và cùng thấy mấy ngài Ma-ha-kỳ-vực, Khương Tăng Hội,Chi Cương Lương, Mâu Bác là bậc truyền đạo đầu tiên ở nước ta .

1. Ma-ha-kỳ-vực (Mârajivaka hay là Jivaka) :

Trong sách Cao Tăng truyện có chép : "ông Ma-ha- kỳ-vực gốc ở Ấn Độ, đi du lịch các nước bắt đầu từ Ấn Độ đến Founan theo đường Giao Châu và Quảng Châu (Bắc kỳ và Quảng Đông bây giờ); qua nơi nào ngài cũng làm phép lạ. Khi đến Tương Dương, muốn qua đò, nhưng người lái đò thấy ngài quần áo rách rưới không cho xuống, đến khi đò ngang cặp bến thì mọi người đều lấy làm lạ thấy ngài đã ở bên này sông rồi.”

Cuối đời Huệ Đế nhà Tấn (290- 306) nước Trung Hoa có loạn, ngài lại trở về Ấn Độ, Ngài tịch năm nào không rõ.
Trong sách Phật tổ lịch đại thống tải chép: “Ông Ma-ha-kỳ-vực đến Lạc Dương vào niên hiệu thứ tư đời Tấn Huệ Đế (294 sau Tây lịch).” Trước khi đến Lạc Dương, ngài có qua Giao Châu và Quảng Châu.

2. Khương Tăng Hội (K’ang-seng-houei) – Trong sách Lương Cao Tăng truyện của Huệ Hao chép : “Một người nước Khương tên là Tăng Hội, gốc ở Khương Cư (Soadiane), mấy đời tổ tiên ngụ ở Thiên Trúc. Phụ thân ngài có qua buôn bán ở Giao Châu. Ngài mồ côi cha mẹ từ thuở lên mười. Sau thời kỳ cư tang, ngài xuất gia, chăm lo học tập kinh điển đã trở nên một đạo sĩ khá cao thời ấy. Ngài tính tình chân thật, hòa nhã và rất thông minh; không những ngài thông hiểu Tam tạng lục kinh, mà ngài còn nghiên cứu cả toán số, thiên văn đến văn chương và chính trị.

Bấy giờ về đời Ngô Tôn Quyền (229 - 252) Phật giáo mới truyền vào Đông Ngô, nhưng chưa được phát triển mạnh, ngài tới đó liền hết sức tuyên dương Phật pháp khắp miền Giang Tả; ngài thường cầm gậy tầm xích đi hành hóa khắp phía Đông. Niên hiệu Xích Ô năm thứ hai đời nhà Ngô (247), ngài đến thành Kiến Nghiệp (Nam Kinh bây giờ) làm một túp lều ở đó tu trì và thiết trường giảng dạy. Vua Ngô Tôn Quyền thấy ngài thi nhiều phép lạ lấy làm ngạc nhiên, đem lòng tín phục và xây tháp dựng chùa ngài ở gọi là chùa Kiến Sơ, chỗ ngài ở thì gọi là Phật-da-lý. Từ đó Phật giáo mới thạnh hành trong miền Giang Tả .

Ngài có dịch nhiều kinh chữ Phạn ra chữ Hán. Ngài tịch vào khoảng niên hiệu Thiên Kỷ thứ tư nhà Ngô (280 sau Thiên chúa).

3. Chi Cương Lương (Tche-kiang-leang) : Trong một bài khảo về bản dịch “Thập nhị du kinh” của ông Pelliot có dẫn lời ông Phí Trường Phòng trong sách Lịch đại tam bảo ký rằng: “Đời vua Võ Đế nhà Tấn (265 - 290) có ông Cương Lương Lâu Chí dịch kinh Chân Hỷ ở đất Quảng châu vào khoảng niên hiệu Thái Thụy (266).”

Lại trong một bản Kinh Tịch chí, ông Nanjio có dẫn đến một ông tên là Chi Cương Lương tiếp dịch kinh ở đất Giao Châu. Theo ông Pelliot kê cứu thì hai ông ấy chỉ là một người. Cương Lương Lâu Chí chữ Phạn viết Kalyana ruci, theo sự khảo cứu của Trần Văn Giáp tiên sanh trường Bác Cổ Viễn Đông[2]

4. Mâu Bác (Méou-pô) : Theo ông Pelliot khảo cứu trong sách Mâu Tử lý hoặc thì Mâu Bác hay Mâu Tử cũng là một. Ngài người quận Thương Ngô tức Ngô Châu bây giờ. Sau khi vua Hán Linh Đế mất (189) ngài theo mẹ qua ở Giao Châu. Bấy giờ nước Trung Hoa rối loạn, các sĩ phu tránh qua đất Giao Châu rất đông, có nhiều người theo đạo Lão học phép tiên.

Ngài thường cùng đạo sĩ biện luận, nhiều khi họ không trả lời được những nghi vấn của ngài; ngài liền phát tâm theo Phật giáo. Theo ông Pelliot kê cứu thì ngài Mâu Bác sanh vào khoảng năm 165 - 170 Tây lịch.

Ta thấy bốn ngài truyền Phật đạo ấy, một ngài là người Trung Hoa (Mâu Bác) còn là người Ấn Độ cả. Và so niên đại thì ta thấy ngài Mâu Bác là người truyền Phật giáo ở đất Giao Châu sớm nhất : năm 189 sau Tây lịch kỷ nguyên. Vậy ta có thể kết luận : Phật giáo du nhập vào nước ta vào khoảng cuối thế kỷ thứ hai.

(Ngoài ra lại có thuyết nói Phật giáo truyền vào Giao Châu từ thế kỷ đầu, ngang với khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc (67 Tây lịch);[3] hoặc giả đó là do Giao Châu bấy giờ ở vào giữa con đường của các nhà truyền đạo, hoặc khách buôn bán của ấn Độ Chi Na qua lại với nhau, có ghé, nhưng không ở nhất định để truyền giáo, nên không còn di tích gì chăng ? Vì theo ông Sylvain và ông Pelliot kê cứu thì Trung Quốc và ấn Độ giao hảo với nhau từ năm 245 trước Thiên Chúa giáng sinh đến thế kỷ thứ bảy đều lấy đất Giao Chỉ, Giao Châu làm trung gian. Bọn du khách qua lại phải đi ngang qua Bắc Kỳ bấy giờ và bể Nam Hải. Như vậy ta có thể đoán đó chỉ là những nhà đạo sĩ và những người buôn bán sùng đạo Phật mới đem tín ngưỡng đến xứ này về thời ấy, chứ chưa hẳn là truyền bá giáo lý).

Ở bên Trung Hoa từ sau khi vua Hán Linh Đế mất, chính trị trong nước rối ren, những cuộc nội loạn bắt đầu sửa soạn cái loạn Tam quốc sau này, thì đất Giao Châu được yên ổn dưới quyền chính trị của Thái thú Sĩ Nhiếp (187-122).

Trong sách Mâu Tử ký chép: “Sau khi Hán Linh Đế mất, trong nước rối loạn, chỉ có đất Giao Châu là tạm yên, nên những sĩ phu đều sang tránh loạn ở đó. Nhiều nhà đạo sĩ mang truyền các ngoại đạo như Thần đạo, Tiên đạo, Trường sanh đạo. . .” mà Mâu Bác lại qui y Phật giáo sau khi đã khảo về Lão giáo (theo sách Mâu Tử Lý hoặc).
Vào khoảng năm 194 - 295 ông Mâu Tử sang Giao châu tự khảo Phật đạo và truyền đạo. Những người Trung Hoa khác cũng bắt chước[4]

Xét theo mấy dẫn chứng trên và trở lại dẫn chứng thứ hai đầu mục này, ta có thể biết đại khái Phật giáo ở ta về cuối thế kỷ thứ hai và đầu thế kỷ thứ ba; hồi ấy đất Giao Châu đã có dư luận về đạo Phật ở trong đám nhân gian bởi những người Trung Hoa và người Ấn Độ. Nhưng chẳng qua đó chỉ là từng khu vực thôi, chớ sự thật vị tất dân nước đã biết hết.

Nhưng theo lời Đàm Thiên (dẫn chứng thứ ba chương này) thì nước ta cũng đã dựng chùa, xây tháp đến 20 ngọn, Tăng sĩ đến 500 người và kinh dịch đã lược 15 bộ. Dịch kinh thì có ngài Khương Tăng Hội dịch chữ Phạn ra chữ Hán - thời ấy ta đã có theo học chữ Hán rồi - vào đầu thế kỷ thứ ba; bấy giờ Giao Châu nội thuộc Đông Ngô.
Năm 225 - 226 cũng có một người nước Nhục Chi (Indoscythé) tên là Kalyânaruci tới Giao Châu, dịch kinh Pháp Hoa Tam Muội.

Tuy nhiên ở Giao châu từ ấy đến hết thời Bắc thuộc lần thứ 2 (43 - 544) sang đến nhà Tiền Lý (544-548) rồi đến đầu đời Bắc thuộc lần thứ ba (603-939) Phật giáo vẫn còn ở thời kỳ phôi thai, tuy có Tăng sĩ, có chùa, nhưng đó mới chỉ là một điều kiện tôn giáo tín ngưỡng thôi. Vì bấy giờ ta ảnh hưởng trực tiếp với Ấn Độ hơn là với Trung Hoa; bởi vậy trong một thời gian khá dài ấy, ngoài mấy người Ấn Độ thông chữ Hán dịch kinh, còn không thấy ai dịch nữa và cũng chẳng có một ai sang Trung Hoa cầu kinh chữ Hán, nên Phật giáo trong thời ấy có lẽ chỉ là hình thức hơn là tinh thần. Cũng là bởi từ khi Phật giáo du nhập nước ta (khoảng năm 194 - 195) ta còn nội thuộc nước Trung Hoa đến năm 544, những nhà cầm quyền của chính phủ đô hộ, không chính thức nhận Phật giáo cho người bản xứ thờ làm một tôn giáo đặc biệt, nên không chính thức ủng hộ.



CHÚ THÍCH
[1] Phật giáo tuy truyền vào Trung Quốc từ năm 67 sau Tây lịch kỷ nguyên, nhưng lâu về sau mới phổ cập tới Giang Đông.
[2] Le bouddhisme en An-nam – trang 214.
[3] Trong bài “Phật giáo Nam lai khảo” đăng trong Tạp chí Nam phong số 128 ra tháng Avril 1928. Nhưng trong một bài của ông Trần Văn Giáp in trong tạp chí Viễn Đông Bác cổ năm 1930 (XXX, Phật, 151-155) phê bình về bài Phật giáo Nam lai khảo; đính chính và nói rằng: Tác giả P.G.N.L.K nhận lầm năm Vĩnh Bình đời Tấn Huệ Đế (294 sau TL) với năm Vĩnh Bình đời Mán (61 sau TL).Thành ra sai đến 2 thế kỷ.
[4] Le Bouddhisme en Annam của Trần Văn Giáp, trang 25.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]