Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 3: Những chủ đề chung trong A-Hàm ( phần 4)

25/04/201311:54(Xem: 9286)
Chương 3: Những chủ đề chung trong A-Hàm ( phần 4)
A-Hàm - Mưa Pháp Chuyển Hóa Phiền Não


Chương 3: Những Chủ Đề Chung Trong A-Hàm (phần 4)

Ni sư Thích Nữ Giới Hương
Nguồn: Ni sư Thích Nữ Giới Hương


NGŨ ẤM XÍ THỊNH

Trong kinh Ấm Căn (Tạp A-hàm, Quyển 2, số 58), Đức Phật dạy về Năm ấm xí thịnh. Ngũ ấm xí thịnh là năm thứ hưng thịnh, sung mãn. Năm thứ đó là sắc, thọ, tưởng, hành và thức, tức là thân, tâm, cảnh của chúng ta, là cả cuộc đời của chúng ta. Nội sắc là thân thể của chúng ta và ngoại sắc là sắc thanh hương vị xúc pháp là cảnh bên ngoài nơi mà chúng ta đang sống đây. Gom cả thân và cảnh lại là một, gọi là sắc, còn nguyên tâm của chúng ta thì Đức Phật nói có bốn là thọ, tưởng, hành, thức để chúng ta quan sát cẩn thận, bởi tâm là chủ và thân này như cái xe. Tâm là người điều khiển, hễ người điều khiển tốt thì mình được bình an, đỡ khổ. Còn nếu người điều khiển ngu dại, không biết cách thì thân sẽ khổ. Tâm tức là mình, học nguyên cái tâm này là giải thoát. Bởi vì chúng ta mê nặng nề nên thân tâm cảnh của chúng ta ở trong cái si mê nặng nề ấy. Chúng ta chấp năm cái này là năm thứ của chúng ta mà không có loé ra một chút giác tỉnh nào, cho nên gọi là thịnh, là ngũ ấm xí thịnh.

i. Sắc ấm: Thân của chúng ta là nội sắc, là đất nước gió lửa, nhưng chúng ta lầm cho nó là mình. Cùng một nồi cơm, cùng một tô canh, nhưng đến bữa ăn, mỗi người xới một chén riêng, ăn một chút cơm, uống một chút nước, rồi mê nhận riêng chút cơm, chút canh đó cho là nội sắc thân của mình, đối lập lại với cảnh bên ngoài là ngoại sắc. Bắt đầu từ sắc có nội sắc, ngoại sắc là bắt đầu có mê, có thân ta với cảnh giới. Vì chúng ta nhận nội sắc làm thân thể của chúng ta nên nhận mắt tai mũi lưỡi này là của chúng ta. Rồi lăng xăng chạy lãnh thọ những cảnh bên ngoài, gặp điều vừa ý thì vui, gặp điều trái ý thì buồn khổ. Khi con mắt chạy theo cảnh sắc bên ngoài khởi lên khổ vui. Tai nghe âm thanh khởi lên khổ vui như thế gọi là có thọ. Từ nội sắc mà thọ ngoại sắc khởi tâm khổ vui đó là có (hữu). Do nhìn cảnh sắc mà khởi tâm khổ vui, đó là thọ. Chúng ta có sáu căn lãnh thọ sáu cảnh bên ngoài.

Tại sao lại gọi thân này là sắc ấm? Chúng ta từ bụng mẹ, hút máu của mẹ để sống. Mẹ cũng do ăn cơm, uống nước mà có máu, cho nên mình mắc vào bào thai và hút những máu đó, kết làm da, làm thịt, làm xương của mình. Khi ra khỏi bụng mẹ, chúng ta cũng hàng ngày ăn cơm, uống nước, hưởng hơi ấm mặt trời và cũng hít thở không khí để nuôi thân. Không khí thì gọi là gió, hơi ấm gọi là lửa. Cho nên thân này rõ ràng làm bằng cơm với nước, không khí và hơi ấm, nghĩa là làm bằng đất nước gió lửa. Rồi mỗi ngày chúng ta cứ tiếp tục phải lo thổi cơm, uống nước, mặc quần áo cho ấm, hít thở oxy để thiết tha nhận thân thể đất nước gió lửa này của mình. Thân này vốn làm bằng đất nước gió lửa cho nên mai đây nó sẽ già, bịnh, chết rồi trả về cho đất, đem chôn xuống đất. Lúc bấy giờ lại khóc và không biết mình là cái gì? Vậy mà từ khi ra khỏi bụng mẹ ra đến nay, chúng ta cứ khư khư nhận đất nước gió lửa đó làm thân thể của chúng ta, chỉ có Phật mới biết sự thật này, còn chúng ta thì mờ mịt. Bởi vì ôm chặt lấy thân này và nhận nó làm mình rồi, cho nên mê muội không biết thân thật của mình là gì? Nó ngăn che khiến chúng ta quên thân thật của mình mà cứ nhận cái thân bằng đất làm mình, rồi buồn vui khóc kể với tấm thân đó, cho gọi là sắc ấm. Chúng ta bơ vơ mờ mịt cho nên mới gọi là ấm tức nó ngăn che sự thật.

ii. Thọ ấm: Thọ là nhận một cái gì từ bên ngoài vào. Khi ăn tiệc ngon hay được tiếng khen thì niềm vui hiện lên, nhưng hôm nào bị chê, bị trách thì thấy khổ, tủi thân, buồn bực. Nếu lãnh vật bên ngoài vào người mà vừa ý thích thì vui còn trái ý thì khổ. Trong tâm có khởi lên khổ vui thì biết là có lãnh thọ. Ăn thì lãnh thọ mỹ vị ở lưỡi, thích món ăn là tưởng, bây giờ muốn ăn nữa mà hết rồi cho nên khổ. Trông hoa hồng nở tròn đẹp mắt vừa ý thì liền thọ vui. Nghe âm nhạc vui tai liền khởi lên sự thích thú. Thân nóng lạnh đau nhức liền khởi đau khổ. Khi tắt đèn đi ngủ mắt không thấy gì nữa, tai không nghe gì nữa, thế nhưng tâm vẫn khởi tưởng khổ vui vì những pháp trần, những bóng ảnh, nhớ đến những chuyện ngày hôm qua, chuyện sáng nay, chuyện năm ngoái. Do nhớ đến những bóng dáng pháp ảnh tiền trần như thế nên tâm liền khởi lên những khổ vui, đó là ý thức lãnh thọ pháp trần. Như thế, mỗi khi thấy cảnh bên ngoài mà tâm khởi khổ vui thì chúng ta gọi là thọ.

Làm sao gọi là thọ ấm? Ấm là ngăn che sự thật. Vì thọ ngăn che sự thật khiến cho chúng ta mê muội, tối tăm. Khi căn xúc chạm với trần thì ở tâm chúng ta khởi lên vui khổ tức chúng ta đã lãnh nhận pháp ấy rồi. Như trông thấy cô A lườm mình thì cô A đâu có nhảy vào mắt mình, cô A vẫn ở chỗ đó, mắt mình thì vẫn ở chỗ mình. Cô A không có nhảy vào mắt mà mắt chúng ta cũng không có chạy vào cô A. Làm sao gọi là lãnh thọ cái lườm khó chịu đó? Mặt trời chiếu sáng vào cô A và phản chiếu bóng ảnh của cô A vào con mắt của chúng ta. Chúng ta không nhận cô A lườm thật mà chỉ nhận bóng ảnh trong con ngươi không hư của mình. Thần kinh nghiệp làm người báo và ý thức duyên theo thần kinh nhận là có người lườm, tâm của mình tự chuyển động khó chịu, gọi là khổ thọ. Như vậy, vốn không có cô A lườm thật mà chỉ là cái thọ sai lầm dựa theo bóng ảnh không thật. Nếu con chó, con mèo hay chư thiên họ nhìn thấy cô A lườm thì họ không đau khổ. Nhưng chúng ta thì bị cảm thọ khổ vui sai sử và khi bị sai sử thì chúng ta sẽ lườm và phản đối lại cô A thành ra cuộc khẩu chiến ân oán vô tận sẽ xảy ra giữa đôi bên. Cho nên thọ ấm là màn ngăn che sự thật khiến chúng ta quên hẳn cứ nhận khổ là mình, mà quên hẳn, không nhớ, không biết con mắt lườm của cô A làm bằng đất. Cái không có mà cứ nhắm mắt nhận là tôi và nói tôi khổ. Chính cái đó là sự mê, là trí mờ tịt rồi. Cái khổ hiện lên che hẳn sự thật. Cái này là cái tập khí vô minh, vì vô minh nên cứ vơ nhận đất nước gió lửa làm thân mình. Trong thì chấp ngã, nhận thân này là mình và ngoài thì chấp pháp cho tiếng nói âm thanh người ta rầy mình là có thật. Sự mê muội ấy thâm sâu từ vô thủy, đến nổi chúng ta chưa kịp nhận định phải trái ra sao thì nó đã bật ra “Tôi khổ quá!”. Cứ có tiếng chê là trong bụng khởi lên sự khổ, trong lòng thấy buồn; cứ có tiếng khen thì cái vui mừng liền hiện lên, nó tự bật lên như cái lò so. Chúng ta chưa kịp xem nó là phải hay trái và cứ thế nhắm mắt nhận là tôi vui, tôi khổ, tôi ưa, tôi tức, tức là nhận cái mê muội, vô minh ấy là tôi, ngay lúc ấy cái khổ bịt kín toàn thân của chúng ta. Chúng ta đâu có thời gian để biết cái khổ này có thể chất hay không? Đâu có thời gian để nhớ lời Đức Phật dạy mỗi khi có cái khổ hiện lên thì quán để tìm xem cái tôi đứng đâu. Vì vậy, Đức Phật mới bảo chúng ta dùng Tứ niệm xứ quán lại những cảm thọ đó, quay lại để ngó chính ngay nó. Cứ nói là tôi khổ mà không biết chỉ là cảm giác mà thôi. Khổ vui chỉ là những cảm giác là cái không có. Tìm ‘cái ta’ trong đó, tìm không có. Chúng ta lúc xúc sự cứ quên hết cho nên gọi là ấm, nó ngăn che sự thật. Chúng ta đối cảnh bên ngoài dễ bị ảnh hưởng, biến đổi nếu chúng ta không sáng suốt, cứ để những biến đổi này chi phối, cứ theo thọ khổ vui mà hành động thành ra chúng ta sống mê muội, tự chuốc lấy các phiền nhọc vô ích. Cho nên đây Phật dạy chúng ta học để quan sát cẩn thận, để thấy tâm của mình, biết được tâm của mình, chữa trị và làm chủ cái tâm của mình, chứ đừng để các hư vọng sai sử. Hễ chúng ta tỉnh đến đâu thì phá chữ ấm đến đấy.

iii. Tưởng ấm: Thấy cô A ưu ái mình liền khởi niềm vui. Từ niềm vui ấy khởi lên tư tưởng ưa thích tham đắm, đó gọi là tưởng ấm. Ấm là ngăn che sự thật, tưởng là hồi tưởng. Tôi ưa thích cô A và nhận là mình thích cô A. Thật ra, sự ưa thích này chỉ là một tư tưởng khởi lên, tưởng này theo nhân duyên mà sanh. Nhân là do thọ vui và duyên là do cô A hay tặng quà cho mình, cho nên mới khởi lên sự ưa thích thế là thành ra cái tưởng. Sự ưa thích ấy mới sai xử chúng ta đi làm các công việc như theo dua nịnh cô A, chìu lòng cô A, cô ấy bảo sao chúng ta cũng làm theo y vậy để vui lòng cô, để cầu sự ưu đãi của cô, vv… Thế là từ tư tưởng ưa thích sai chúng ta hành động a dua và sống dựa theo tình cảm của cô A, cho nên ba cái ‘thọ, tưởng, hành’ đi liền với nhau, ba cái này đi rất nhanh như chớp giống như là một, nhưng Đức Phật tách ra làm ba để cho chúng ta tập tỉ mỉ mà nhận ra tâm của mình biến chuyển và ảo hoá rất nhanh. Chúng ta vừa thọ vui thì tưởng đi theo tức khắc. Tưởng ưa thích này là mê muội, nó theo thói quen theo nhân duyên mà bật lên. Chúng ta mất quyền tự chủ bị nó chi phối để cho nó sai mình, thích cái này, ghét cái kia. Số đông là tưởng đưa chúng ta đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Ví dụ đang ngồi đây mà khởi tưởng ăn cắp tiền để đi mua xe hơi. Thế là thân đứng lên hành động, trèo cổng, bẻ khóa vào nhà người ta trộm tiền liền. Tưởng ưa thích tiền này là sự nguy hiểm mà vừa khởi lên chúng ta đã cho là mình thích và muốn có tiền; thế là vâng theo tư tưởng đó sai chúng ta hành động. Ngay lúc chúng ta tưởng tiền, thật ra chính là chúng ta không thấy sự thật bởi vì mình đang đối diện với cái bóng ảnh của tiền mà thôi. Tưởng tiền là không thật mà chính tiền cũng là không thật, cho nên, Đức Phật mới gọi tên là ấm, mê muội, tối tăm, sai lầm.

Tư tưởng vừa khởi lên thì chúng ta liền bị mất chánh niệm. Tưởng đến đồng tiền thì hình ảnh của tiền đã chụp hết toàn thân của chúng ta rồi, ngay lúc nhớ tới tiền thì không còn nhớ tới những gì hiện tại nữa. Tưởng hoàn toàn che đầu óc của chúng ta, khiến chúng ta không còn thấy được sự thật nữa. Tưởng ấm che rõ ràng lắm, một khi tưởng khởi lên thì nó che lấp cả vũ trụ và núi sông, không còn nhớ gì nữa. Nó ấm vì nó lù lù úp chụp bọc kín thân toàn thân của chúng ta lại, bọc kín cái đầu của mình lại không còn biết gì nữa.

iv. Hành ấm: Hành là hành động như lễ Phật, tụng kinh, nấu cơm, viết sách đều là các hành cả. Khi ‘Tôi đang đi’ thì chúng ta quán tìm xem cái gì là đang đi? Chân phải nâng lên và đặt xuống, chân trái nâng lên và đặt xuống nên gọi là đi. Nếu không có chân trái và không có chân phải thì có chuyện đi không? nếu có sự xê dịch đổi dời của hai chân, của thân thể thì gọi là hành, là đi. Tay đánh vi tính, các ngón tay xê dịch thành ra việc đánh máy gọi là một cái hành. Tại sao hành này gọi là ấm? Vì còn chấp có ta đang đánh máy, nhận ngay là ta đang đánh máy, cứ nhận bừa là tôi đang đi, nhưng sự thật thì có cái đang đánh máy và đang đi thật không? Có cái gì gọi là đi và đánh máy không? Chúng ta hoàn toàn quên hẳn, hoàn toàn không biết tôi là cái gì cả. Đức Phật bảo chúng ta phải quan sát sự xê dịch của hai chân chỉ là đất nước gió lửa di động, không có một cái ta nào ở đây để buông xả sự chấp thủ.

v. Thức ấm: Thức là nhận biết, phân biệt. Ngay khi

có hành là thức đứng liền ngay đó và chúng ta cứ nhắm mắt vơ nhận sắc thọ tưởng hành là mình. Đây là một tập khí vô minh, một thói quen từ vô thủy đến giờ, khiến cho mỗi khi gặp sự trái ý thì bật lên sự khổ, gặp sự vừa ý thì khởi lên sự vui mà không biết nó từ đâu bật ra. Không biết nó từ đâu ra mà vui khổ tưởng hành này nó đã chi phối chúng ta, bởi vì mình cứ nhận nó là tôi, cho nên bây giờ phải tìm cho ra đừng nhận nó là tôi nữa. Những cảm thọ khổ vui ấy đi liền vào tưởng ái ố, dấn thân vào hành động đã ảnh hưởng đưa chúng ta vào lục đạo rất nhiều. Cả loài người đang sống chỉ vì những sắc thọ tưởng hành này. Nó thúc đẩy khổ vui và yêu ghét; nó là sự thịnh hành từ thuở vô thủy cho đến bây giờ và mãi mãi về sau vô chung. Đức Phật cũng đã nói về năm ấm xí thịnh này hơn 2600 năm rồi mà loài người cũng vẫn chưa tỉnh được ra. Chúng ta học Phật và vâng lời Phật mà tỉ mỉ ngó lại mình, đừng sống một cách bừa bãi, phải tỉnh ra. Đừng để hai cặp khổ vui và yêu ghét chi phối mà tập nhìn xem khổ vui đang chi phối chúng ta nó là cái gì đây? Nhận ngũ ấm cho là mình mà thật ra nó chỉ là hư vọng, ảo giác mà thôi. Ảo giác ấy xuất phát từ thân này mà thân này là đất nước gió lửa giả hợp chứ không phải thân mình thật, cho nên gọi là ấm, là ngăn che sự thật, mất sự thật đi.

Học A-hàm rồi để ý và nhận định ý của Phật, nhờ đó chúng ta mới biết ngũ ấm là cái hư vọng đừng để nó sai sử. Chứ học bâng quơ vài năm ba chữ mà không để tâm thì không nhận được ý này. Bậc thánh luôn tỉnh giác rằng ngũ ấm là hư vọng cho nên buông xả, không có thọ, nghĩa là những đau khổ, vui buồn không chi phối được các ngài.

NHÂN DUYÊN VÌ SAO CÓ THÂN NGƯỜI?

Nhiều bài kinh trong A-hàm, các nhà ngoại đạo hỏi Đức Phật là con người do từ đâu mà sanh ra và khi chết thì sẽ đi về đâu? Đức Phật giảng ở thế gian này không có cái gì tự nhiên mà có, mà tất cả đều là do nhân duyên mà sanh. Ví dụ thân chúng ta do nhân duyên gì mà có? Nhân chính là nghiệp ái dục của chúng ta, kiếp trước có trì năm giới nên được nhân làm con người, chứ không phải con thú. Duyên là sự trợ giúp của tinh cha, huyết mẹ, rồi lại có sự nuôi nấng chăm nom của cha mẹ, cơm ăn, áo mặc, cho nên mới có cái thân của chúng ta. Cây ổi cũng thế, nhân là có hột ổi, duyên là có đất, phân, nước, ánh sáng mặt trời, vv… mới có cây ổi mọc lên. Cái bàn cũng thế, nhân là chúng ta cần có chỗ để học và viết bài cho nên phải làm cái bàn. Duyên là có gỗ, đinh, người thợ… cho nên thành cái bàn. Trong đạo Phật chủ trương cái gì cũng do nhân duyên mà hiện hữu, chứ không phải tự nhiên mà có.

PHẠM HẠNH CỦA CÕI TRỜI PHẠM THIÊN VÀ CÁC TỲ KHEO

Phạm là trong sạch, hạnh là việc làm. Cõi trời Phạm Thiên là cảnh giới thanh tịnh trong sạch, không có chuyện nam nữ ân ái giao cấu nhau nữa, cho nên gọi là Phạm thiên. Còn vua Đế Thiên Đế Thích ở cõi trời Đao Lợi là cõi thứ hai của dục giới nên vẫn còn việc ái ân, dâm dục giữa các vị trời nam và trời nữ. Các tỳ kheo tu phạm hạnh tức là tu hạnh thanh tịnh, không có gia đình, con cái, không có ái ân giữa nam và nữ, cho nên gọi là phạm hạnh, như một phần phạm hạnh của các vị trời Phạm Thiên.

Có những vị ngoại đạo muốn cầu về cõi trời mà cứ lập gia đình và sống trái với đời phạm hạnh thì Đức Phật nói làm sao sanh lên cõi trời Phạm thiên được? Trong khi các thầy Tỳ kheo hiện tại đang sống cuộc đời không gia đình của các vị trên cõi trời Phạm Thiên, cho nên các ngài tu phạm hạnh thì dù không nguyện muốn về Phạm thiên nhưng có công hạnh thì tự nhiên được sanh về cõi Phạm thiên. Vì vậy, nếu các thầy tỳ kheo khởi ý muốn lên trời thì dễ lắm, còn các ngoại đạo dù có ước muốn sanh về cõi Phạm Thiên nhưng việc làm trái với Phạm thiên thì cũng không thể sanh về được.

Các thầy tỳ kheo sống giống các vị trời Phạm thiên, lìa gia tộc, không có gia nghiệp. Các thầy giữ giới, giữ luật cho nên thân, miệng, ý hoàn toàn thanh tịnh. Các thầy không có tiền của, không có gia sản, không có gia đình, tức không có những ràng buộc, những duyên để tạo lên những điều xấu. Rồi quý thầy phát tâm tu tứ thiền, theo hơi thở để thanh lọc tâm tư, tiêu ba độc tham sân si đi. Y theo hơi thở, theo pháp Tứ niệm xứ để an định tinh thần, soi lại tâm mình nên các ngài được sự thanh tịnh. Các thầy tỳ kheo cũng tu tập hạnh từ bi hỉ xả giống với các vị Phạm Thiên. Không phải tu tập từ bi hỉ xả với một người, hai người mà tất cả mọi người ở khắp mười phương. Cho nên ai đến chưỡi mình, la mình, các thầy cũng không khởi một niệm giận. Tâm vị ấy không sân, không giận, một lòng tha thứ, một lòng thương xót. Đó là lòng từ thật của vị trời Phạm Thiên. Chính nhân tu, chính chánh báo, thân tâm trong ngoài của các tỳ kheo đều hoàn toàn thanh tịnh giống như các điều kiện thiết yếu của các vị Phạm Thiên. Như vậy thì chính các vị tỳ kheo là đang tu hạnh của vị Phạm Thiên đây và nếu các ngoại đạo muốn lên cõi trời thì các ngoại đạo cứ tu theo các tỳ kheo. Rõ ràng đó là con đường phạm hạnh, chứ hiện giờ không tu hành, giữ giới phạm hạnh gì cả, có vợ con, gia sản sự nghiệp, sát sanh hại vật mà cứ ra công lạy mặt trời, mặt trăng, cho là mình thờ tam minh này sẽ được lên cõi trời thì việc ấy không thể được.

Đức Phật hỏi các ngoại đạo là các ngoại đạo hay các tiên sư của Phạm Thiên đã có ai thấy Phạm Thiên chưa? Họ trả lời là chưa. Vậy từ cổ xưa tới giờ phái tam minh này chưa biết tổ sư Phạm thiên của mình ra sao và ngay cả người lập đạo này để đến Phạm Thiên cũng chưa từng đến được Phạm Thiên. Như vậy, việc tu tập của họ không rõ ràng. Đức Phật cho một thí dụ như có một người dạy người ta mang cầu thang để lên lầu, lên đến trời Phạm Thiên, rồi bảo người ta cứ theo cái thang ấy, nhưng người ta hỏi cầu thang ở đâu thì lại không biết. Cầu thang ấy dựng lên ở một chỗ vu vơ, không có minh bạch, giống như cầu nguyện để lên trời Phạm thiên mà không biết Phạm thiên ở đâu, cách nào lên? Không biết đường đi mà cứ vạch đường cho người khác đi, nên rõ ràng đây là một việc vu vơ hảo huyền.

Đạo Tam Minh của ngoại đạo chủ trương là cứ hưởng năm dục thế gian và phụng thờ mặt trời, mặt trăng cầu xin về cõi trời Phạm Thiên, nghĩa là cứ việc sống hưởng thụ như người đời, không phải kiêng trì giữ giới luật gì cả, cứ ăn thịt, cứ uống rượu, cứ đi chơi thọ hưởng ngũ dục, cứ ăn ngon, mặc đẹp. Chủ trương như vậy để cho mọi người thấy dễ tu, ai cũng theo được cả và hứa sau sẽ được về cõi trời Phạm thiên. Nhưng Đức Phật không công nhận việc cứ chạy theo ngũ dục và cứ lễ mặt trời mặt trăng là sẽ được sanh lên Phạm thiên. Đây là một hư vọng nên Đức Phật không nhận điều này. Việc lễ bái mặt trời, mặt trăng, phải sáng suốt và có ý nghĩa trong việc lễ bái, còn nếu cứ lễ xuông để được sanh cõi Phạm thiên như vậy có đích đáng không? Nên Đức Phật chỉ ra cho các ngoại đạo thấy sự lạc đường của ngoại đạo, không đúng đường với các vị Phạm thiên. Đức Phật khuyên các ngoại đạo tự so sánh xem mình có đi đúng đường của Phạm Thiên không?

Các vị trời Phạm Thiên tu tập từ bi hỉ xả đối với tất cả mọi loài và khi đối sáu trần không có khởi tham sân si. Các Phạm thiên từ bỏ thân tộc, rời gia đình, không có ái luyến gia đình, không có vợ con, không có sản nghiệp, tiền của, để sống phạm hạnh. Chúng ta có đi giống đường của các Phạm Thiên thì mới lên cõi Phạm Thiên được. Còn xét ngoại đạo với các Phạm Thiên không có cùng một đường thì rõ ràng đường đi của các ngoại đạo là sai rồi. Vậy thôi khỏi cải nhau, hễ đi đúng đường của Phạm Thiên thì mới nói chuyện của Phạm Thiên, còn đi ngược đường của Phạm Thiên mà nói chuyện Phạm thiên và còn cải nhau thì cũng vô ích thôi.

Khi các vị ngoại đạo nghe Đức Phật giảng đến chỗ này thì ngay tại chỗ ngồi, các ông xa trần lìa cấu được pháp nhãn tịnh. Nên bây giờ các ngoại đạo bắt chước các vị tỳ kheo tu theo phạm hạnh, hộ sáu căn, giữ giới định tuệ chứ không thờ tam minh của mặt trời, mặt trăng nữa.

PHÁP VÔ NGÃ

Pháp là một danh từ rất rộng bao gồm cả hữu tình và vô tình, bao gồm cả về tâm, thân và cảnh. Dùng chữ pháp là đại diện cho tất cả mọi sự ở thế gian này, dù là có hình tướng hay không hình tướng mà đã có tên gọi thì tất cả đều là vô ngã.

Sắc pháp: cuốn sách là một sắc pháp nhưng thật ra chỉ là những tờ giấy ráp lại mà thành. Trên giấy có những chữ mà những chữ này cũng không thật, chỉ là những vết mực đặt trên tờ giấy gọi là những chữ. Chính tờ giấy cũng là cái không có, do người ta nghiền nát giấy cũ trộn vào với nước, chất hóa học, tạo thành ra một chất sệt sệt, rồi mới tráng mỏng, phơi khô và đặt tên là tờ giấy. Chớ vốn chất giấy cũng là cái không có nên cuốn sách là cái không thật.

Tâm pháp: là những cảm xúc buồn vui thương ghét. Tâm pháp là vô ngã. Buồn là cái không có vì âm thanh khiến cho ta buồn vốn chỉ là những làn sóng âm ba rung động hư vọng. Vui cũng không thật bởi lẽ chúng ta không thể nắm lấy niềm vui và bỏ vào túi áo được. Niềm vui hiện lên xong sẽ tan ngay đi bởi nó theo duyên. Cái gì có lợi cho thân này thì niềm vui hiện lên, xong rồi nó lại tắt đi. Nhiều khi chúng ta không muốn vui mà cứ vui, không muốn buồn mà cứ hiện lên buồn. Bởi vì chúng ta chưa tự chủ lấy mình nên cái buồn, vui cứ hiện lên. Nếu chúng ta để cho nó sai sử nữa thì chúng trở thành những kết sử. Những hư vọng mà mình tập mãi thì thành thói quen, thành tánh nết. Có người bảo vị ấy vui tánh, như thế là bởi vì vị ấy tập thành thói quen vui vẽ. Có người bảo cô ấy nóng tánh là bởi vì tập thành thói quen cứ hay giận hay hờn, khó chịu thì người ta gọi là người nóng tánh. Gọi là vui tánh hay nóng tánh, chẳng qua chỉ là những kết sử hư vọng mà thôi.

QUÁN SẮC THỌ TƯỞNG HÀNH THỨC VÔ NGÃ

i. & ii. Sắc và Thọ là vô ngã.

Quán sắc là vô ngã. Âm thanh là cái không có. Không khí rung động ở lá nhĩ của chúng ta, thần kinh màng nhĩ vịn vào đó mà phân biệt. Nếu thần kinh màng nhĩ bị hư, bị nặng tai, bị điếc thì âm thanh động vào màng nhĩ lại biến thành cái khác, thần kinh khó phân biệt thành câu. Không khí rung động đối với chúng ta thì bình thường, nhưng với người bị bịnh, thần kinh giật một cái thì không khí rung động đổi khác đi, thành ra người nặng tai nghe lung tung không có ra câu gì với câu gì cả. Phải nói lớn, chậm và rõ thì may ra thần kinh màng nhĩ còn phân biệt được. Như thế để thấy, cũng chỉ là sự rung động của không khí vào màng nhĩ, do thần kinh nghiệp người chúng ta phân biệt, chứ thật ra không có âm thanh khen ngợi hay rầy la chúng ta.

Quán tiếng khen chê, la rầy bên ngoài thuộc về thanh trần. Trong năm ấm (sắc thọ tưởng hành thức) thì thanh trần thuộc về sắc, tức sắc đây là sáu trần (sắc thanh hương vị xúc pháp). Chúng ta quán thấy sự khổ và vui là cái không có, vô ngã; nhân của thọ hư vọng, duyên cũng hư vọng để sáng tỏ ra thọ từ cái hư vọng mà xuất hiện. Có phải chúng ta thật khổ, thật vui hoài không? Chúng ta giác thấy trạng thái khổ vui đang hiện lên và nó không đứng mãi, nó chỉ là cảm giác biến chuyển, chứ không phải là có thật. Các cảm thọ là cái không hề có thật. Chúng ta quán xem sự khổ vui không có chỗ và không thể cầm nắm được. Thật ra chỉ là cảm giác do thần kinh chúng ta biến ra, báo động cho mình biết, chứ không phải có một sắc chất gì có tên là khổ vui để cho chúng ta nắm được. Tại sao lúc bình thường không có cảm giác này mà bây giờ cảm thọ lại hiện lên? Vì trong thì chúng ta có cái ngu chấp ngã là có ta, ngoài thì chấp pháp cho có âm thanh, có sáu trần là thật. Hai cái ngu si ấy gặp nhau gọi là nhân với duyên tụ hợp cho nên cái vô minh cứ thế bật lên thành ra có cảm giác khổ vui. Trong thì chúng ta chấp đây là thân thể của mình, sự chấp thủ này quá nặng từ vô thủy đến bây giờ, cho nên tự nó tác động lên thần kinh. Ngoài thì cho âm thanh là thật mà không biết nó chỉ là không khí, cho nên cảm giác là cái không có, chỉ do tưởng tượng ra, nó không có thể chất, chỉ là thần kinh của chúng ta cảm thấy như thế.

Nghe tiếng chê thì thần kinh ngã ái báo động cho biết có một sự bất lợi cho thân và chúng ta cứ nhắm mắt vào cứ nhận tôi khổ, tôi buồn vì lời chê bai ấy. Thế rồi để nó sai sử, khóc sướt mướt như mưa, khóc cả tuần vẫn không hết nước mắt mà hễ ai nhắc đến, động đến khuyết điểm ấy thì tức tưởi khóc tiếp. Thế cho nên, chúng ta phải nhận ra những cảm thọ này là vô ngã, là cái không hề có bao giờ cả. Nó chỉ là cảm giác thần kinh hiển lên, tự thần kinh biến ra cảm giác rồi tự mình đánh lừa cho là có khổ vui thật. Rồi đổ thừa từ miệng cô kia nhảy vào mình, mắng chưỡi mình và sanh tâm thù ghét cô ấy. Chúng ta phải tỉnh ra và nhận ra thọ là vô ngã, không thật là mình, đây chỉ là một trò chơi của mê muội tối tăm.

iii. Tưởng là vô ngã.

Đang ngồi tưởng thấy hình bóng của cha mẹ chúng ta hiện ra trong đầu. Chúng ta có nắm được hình và thể chất của hình tưởng đó không? Nó hiển lên bóng ảnh và rồi nó tan đi. Chính hình bóng ấy làm bằng đồng hay bằng sắt? Nó là cái không có cho nên gọi là tưởng, nếu nó là thật thì không gọi là tưởng. Chỉ là thần kinh của chúng ta đánh lừa mình thế thôi, cũng là tài năng biến hóa của tâm mình. Cha mẹ ở xa cách mấy trăm cây số, ngồi đây mà nghĩ đến thì liền nhớ, tâm của chúng ta liền hiện lên cho chúng ta thấy. Tâm chúng ta có tài thật đấy, nhưng chúng ta không nắm được quyền chủ nhân nên tự thọ tưởng này nắm chủ quyền hiện lên. Nó tự lôi cuốn chúng ta và chúng ta đã để cho nó sai sử, cho nên đây Đức Phật mới bảo chúng ta quan sát dừng công dụng của tâm lại, chứ để tưởng tự lôi cuốn mình đi thì cái này là nguy hiểm. Rồi nó lôi mình thích chuyện này chuyện kia, không lo tu tập mà buông lung rông rỡ sáu căn. Hãy quán sát tưởng là vô ngã, không có, không có thể chất gì cả, nó xê dịch đổi dời, ảnh hiển lên và tắt đi, chỉ là thần kinh biến ra và tắt đi, xê dịch từ sáng tới tối. Tưởng tướng tiền trần trong bộ não của chúng ta cũng xê dịch từ sáng đến tối nên tưởng vận hành đủ thứ hình bóng, nên tưởng là vô ngã.

iv. Hành là vô ngã.

Hành cũng là vô ngã. Hàng ngày chúng ta giơ tay, cất bước, tưới cây, quét chùa, lễ Phật, tụng kinh, rõ ràng đều là những hành động mà sao Đức Phật lại bảo hành là vô ngã? Chúng ta thấy có cái tay quét chùa lia lịa dưới đất, chổi phất qua phất lại mà lại nói là không có ngã quét? Thật ra, không có chúng ta mà chỉ có đất nước gió lửa, đã là đất nước gió lửa thì không có cái tay của chúng ta. Bản thân cái chổi cũng không có, chỉ là do những cánh cây khô, rơm rạ chụm lại. Như vậy không có cái chổi, không có chúng ta, không có cái tay, không có đống rác thì hành động quét chùa không có chỗ đứng. Không có bốn thứ ấy thì xem cái hành đứng đâu và việc quét chỗ nào? Nó không đứng ở đâu vì nó là cái không có, chỉ do hòa hợp của cái tay, cây chổi, lại có cái sân, lại có đống rác mới đặt tên là chổi quét. Cho nên, nếu cứ kể công rằng tôi quét giỏi, tôi học giỏi, tôi làm việc cả ngày, nên thưởng cho tôi thì toàn là việc không có. Có người gây nhau vì công việc nữa, nạnh nhau quét nhiều, quét ít, trong khi bản thân hành động quét chùa vốn không có vì không thể đi tìm để nắm lấy hành động chổi quét này, các hành này không có một thể chất riêng của nó.

v.Thức là vô ngã.

Thức tức là sáu thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức). Chúng ta thấy cái hoa là nhỡn thức và ý thức phân biệt đây là hoa cúc vàng. Quán thấy thức này là vô ngã, không thật. Nhỡn thức là cái không có mà chỉ bởi vì ánh sáng mặt trời phản chiếu bóng ảnh vào mắt, vào trong con ngươi không hư của chúng ta. Nếu ban đêm không có đèn và không có ánh sáng mặt trời thì chúng ta cũng không thể thấy cái hoa. Tại sao ngồi đây nó không biến ra cái hoa vì không có ánh sánh, chỉ có bóng đêm bao trùm thôi. Như vậy, có ánh sáng phản chiếu vào con ngươi và cần nhất con ngươi của chúng ta không hư và mắt thuộc nghiệp người. Nếu chiếu vào mắt của con mèo hay gà, chúng ta cũng không biết đây là cái hoa. Nếu sự phản chiếu giãn ra quá chừng mực hay co thắt lại quá chừng mực thì chúng ta chẳng nhìn thấy được. Nhỡn thức đợi bao nhiêu duyên như thế mới hiển lên một hình bóng thế thôi, rồi thần kinh nơi mắt mới phân biệt đây là cái hoa. Như vậy, không hề có một nhỡn thức bằng xương thịt, bằng da, bằng đồng, bằng sắt, bằng gỗ và có thể nắm bắt được. Bóng hình phản chiếu nơi con ngươi có dây thần kinh và phần tinh thần gá vào dây thần kinh nhỏ li ti đó khởi lên một cái biết ‘Đây là hoa cúc vàng!’. Công dụng của tâm chúng ta gá vào mắt để phân biệt cảnh vật. Chung quy cũng do tâm của mình phát ra đó thôi. Một công dụng đủ duyên thì hiện thế thôi gọi là nhỡn thức đã sanh, nhưng chúng ta tìm thử nhỡn thức này làm bằng chất gì thì sẽ thấy nhãn thức không có gì nắm được, không có một thể chất nào riêng của nó, để gọi là nhãn thức, vì tìm nhỡn thức không ra cho nên nó là vô ngã. Nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức cũng vậy. Đức Phật muốn chúng ta tập nhận định đời sống của mình là cái không thật. Chúng ta đang sống và bị lừa trong ảo vọng của sáu thức không thật.

vi. Xúc là vô ngã.

Đức Phật khuyên chúng ta quán kỹ xúc vì ngài biết chúng ta lơ mơ đối với xúc này. Xúc là chỗ sáu căn gặp sáu trần. Mắt xúc chạm vào sắc, tai chạm vào hương, mũi chạm vào hương… nên vai trò của xúc cũng rất quan trọng. Lời nói chạm vào lá nhĩ màng tai của chúng ta, lời nói ấy có thật hay không? Làm gì có lời nói để cho nó chạm, chỉ có làn sóng không khí rung động chạm vào màng nhĩ mà thôi. Màng nhĩ là mãnh da mõng bé tí trong cùng đáy lỗ tai của mình. Lá màng nhĩ nhỏ chỉ bằng một nửa của hạt đậu xanh thôi. Một chút đất của màng nhĩ thế thôi và nhận là lỗ tai của ta. Giá trị của thân người chỉ có như vậy. Không có lời nói từ môi khua động mà chỉ có làn sóng âm ba tạo thành vòng sóng trong bầu không khí mênh mông rồi làn sóng ấy chạm đến màng nhĩ nơi lỗ tai của mình.

Tinh thần cũa con người gá vào miếng thịt nhỏ như hạt đậu đó gọi là thần kinh căn tai, liền phân biệt ‘Đây là lời chê mắng mình’. Do căn tiếp xúc chạm với làn sóng ấy mà sanh nhĩ thức. Chúng ta mê lầm cho nhĩ thức là thật và bị nó sai sử khiến nổi lên uất ức, tức tối và khóc cả đêm cả ngày đấy. Có khi khóc vài ba tháng, ai nhắc đến chuyện chê mắng đó là khóc và có người tự tử chỉ vì lời nói. Bị âm thanh sai sử như thế mà không biết là âm thanh là không có thật thể, không có thể chất, không nắm được, nó là vô ngã. Vô thường thoáng một cái là hết rồi, làn sóng âm ba đi vào hư không biến mất, nên vô ngã, vì nếu âm thanh có thật thì nó sẽ còn hoài.

Âm thanh chợt còn chợt mất, chỉ có cái rung động xúc chạm vào lá nhĩ thế thôi, nên cái xúc là cái không có. Nó chỉ chạm một cái là hết. Chúng mình dùng quạt quạt thế này thì không khí còn rung động mạnh, chứ còn tiếng nói của mình nó có động được nhiều như thế không? Trừ khi nào la hét liên tục thì động mạnh, còn không thì chỉ là làn sóng âm ba nhỏ xíu. Cái xúc là vô thường, là cái không có vì không ai nắm được cái xúc cả. Không khí xúc chạm vào màng nhĩ và rồi không khí loãng ra nên xúc là cái không có, vô ngã, vô thường, nhưng mà làm sao nó khổ? Xúc khổ tức là chúng ta khổ, cái ngu của chúng ta khổ, bởi vì chỉ là không khí không đụng gì cả mà vơ lấy để mà khóc, mà tức bực đến lúc chịu không nổi thì tự tử. Không phải cái xúc là khổ mà vì chúng ta nắm lấy nó, chúng ta tưởng nó là thật nên vơ nhận là mình thì mình sẽ khốn khổ. Xúc cũng là không, vì thân là cái không có, lời chê không có, sự xúc chạm nơi màng nhĩ hạt đậu không có, thân này cuối cùng tan rã chết nên sự xúc chạm không có thể chất, không nắm được nên xúc là vô ngã, vô thường, khổ và không. Chúng ta phải quán xúc qua bốn tầng lớp quán về vô ngã, vô thường, khổ và không để tỉnh ra xúc là cái không thể có.

Một ví dụ khác của thân xúc chạm gió mát. Chúng ta có cái thân này rồi lại có gió bên ngoài. Nếu gió chạy vào phương khác thì không sao, nhưng mà gió thổi qua cái thân thì gọi là xúc mát lạnh. Mình thấy vui là có thọ và ưa thích cái vui mát này, để tâm thích cái mát này là có tưởng, rồi cứ quạt phe phẩy mãi là có hành, tâm có phân biệt mát ít hay nhiều, mát ra làm sao, sao không quay cây quạt về phía mình là có ý thức phân biệt, chung quy cũng chỉ là tâm mình thôi. Nên xúc mát vốn là cái không có, trước kia không có, bởi vì có thân, có gió, bởi vì thân và gió gặp nhau mà mình biết nên gọi là xúc. Bao nhiêu thứ hoà hợp thì nó hiển lên và mình biết, cái gọi là xúc, nhưng không có một thể chất riêng của xúc, nên xúc cũng vô ngã. Quán xúc vô ngã để thấy sự mê muội của chúng ta. Đất thì vẫn là đất, nước thì vẫn là nước, gió vẫn là gió, là những việc của đất nước gió lửa, nó chả bận gì đến mình hết. Khi không chúng ta nhận lấy một chút nhận là tôi, là thân tôi.

Thế là từ khi có thân tôi thì mở ra các thứ rắc rối. Chúng ta ăn uống vô một chút đất, chút nước nhận là ta, nắm được một ít nhúm đất trong thân này rồi nhận là thân ta đối lại với tất cả cái bên ngoài. Từ cái nhận thấy có trong thân ta và ngoài ngoại cảnh, rồi mở ra nào thọ, nào tưởng, nào hành, nào thức, vạn cảnh. Đức Phật dạy đất trong với đất ngoài có sao đâu, đâu có việc gì liên quan tới mình đâu, nhưng tự mình mê muội rắc rối nhận một nhúm đất nước gió lửa này là của tôi, rồi đối nghịch với cảnh bên ngoài mở ra cả một thế giới sắc tướng âm thanh đủ các thứ trò. Cho nên đây Đức Phật dạy chúng ta chia chẻ ra thành ngũ ấm. Chia chẻ ra thấy là sắc mà đây cũng là tâm. Do hai sắc trong và sắc ngoài mà rồi mở ra các thứ cảm giác, vì vậy chúng ta quán xúc này là điểm mà đất trong và đất ngoài gặp nhau. Điểm mà nước trong, nước ngoài, gió trong gió ngoài, lửa trong lửa ngoài gặp nhau.

Đức Phật dạy cho chúng ta giác thấy điểm này, chúng ta chỉ có cái điểm không thấy này mà chúng ta khốn khổ đủ thứ, cho nên Phật dạy chúng ta quán. Vì điểm xúc gặp nhau giữa trong và ngoài này là hư vọng mà chúng ta bị lầm. Cả trái đất này, cả nhân loại đang quay cuồng, đang sinh hoạt đều nằm trong chữ xúc này thôi. Cái mà chúng ta gọi là đời sống là chỉ nằm trong một chữ xúc này thôi, nghĩa là mắt chạm sắc, tai chạm âm thanh, sáu căn mình chạm sáu trần. Rồi yêu rồi ghét, rồi ân rồi oán, đủ cách quay cuồng xoáy tròn lên, gọi là sự sinh hoạt của nhân loại. Chúng ta cứ để cho các nhân duyên không đâu nó chi phối, trong khi mình có tinh thần để an định, để khai tuệ, để làm hiền, làm thánh, bao nhiêu những sự việc tốt đẹp chúng ta quên hết chỉ bận rộn có cái xúc này.

Tất cả sáu đạo hữu tình chỉ vì có một chữ xúc này mà gọi đặt tên là sinh hoạt đời sống của mình. Cái hư vọng là như vậy thôi. Căn đối với trần mà rồi bật ra đủ các thứ, ngay cái điểm gặp nhau của căn trần này chính là sự mê của chúng ta. Chúng ta có phước học Phật, được Phật chỉ cho thấy cái lầm, cái sai của mình. Cho nên chúng ta cần an tĩnh tinh thần để làm những cái cần yếu là quán xúc nơi mắt, xúc nơi tai, quán từng cái để nhận giá trị của lời Phật, nếu chúng ta học xô bồ vội vàng nhiều thứ thì khó nhận, cứ sống bừa bải, xô bồ, thì không để ý đến cái tâm của mình. Nhận định ở nơi mắt, nơi tai, nơi mũi, nơi lưỡi, nơi thân, nơi ý khi gặp trần phát sanh ra thức là vô ngã. Khi có ba điểm căn trần thức thành tựu thì gọi là xúc. Quán bắt đầu từ xúc mà tâm của mình có động. Hễ có động thì nó có chuyển, hễ có chuyển thì có nhân luân hồi sanh tử.

Đức Phật khuyên chúng ta quán như thế để thấy mỗi khi chúng ta chuyển động thì khởi lòng tham. Hễ tham thì khởi lòng đắm mê ưa chuộng và dần dần đưa mình đi đến lỗi lầm. Cho nên chúng ta cứ tạo nghiệp, hễ thân miệng ý làm lành thì sữa soạn cho chúng ta đi về cảnh giới lành. Thân miệng ý mà tạo ác thì tâm chúng ta sữa soạn để đi xuống. Cuộc đời chúng ta là những chuỗi hành động như thế, hàng ngày chúng ta có biết bao nhiêu là chuỗi hành động đi xuống và đi lên. Hễ xong cuộc đời của mình tổng cộng được tốt nhiều thì được di lên. Hễ tổng cộng mà xấu nhiều là chúng ta chịu mất thân người. Cho nên, tuy chúng ta học hàng ngày thế này mà Phật còn dụng ý chúng ta tập làm chủ lấy tâm của chúng ta, lèo lái thân miệng ý của mình đi về đường lành để đi lên. Chứ để cho thân miệng ý, thọ tưởng hành này nó lôi mình thì mình đi xuống lúc nào cũng không ngờ.

SÁT HẠI, TRỘM CẮP LÀ THÚ VUI BẠI HOẠI

Kinh Thiện Ác (Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 47, Kinh số 2), Kinh Bô-lị-đa, (Trung A Hàm, Phẩm 17, số 203) (Trung A Hàm, Kinh Thọ Pháp II, Phẩm 14, số 175) và nhiều kinh khác trong A-hàm nói nhiều về ngũ giới. Đức Phật dạy rằng:

“Có những người lấy giết hại làm vui thích. Lấy trộm cắp làm vui thích. Những cái vui thích này đưa đến bại hoại, nguy hiểm. Như Lai bắt buộc các Tỳ kheo phải đoạn trừ”.

i. Sát sanh

Những người thích niềm vui về sự giết hại thì Đức Phật gọi đó là thứ vui bại hoại. Bại hoại vì hư hỏng, nguy hiểm, vì miếng ăn mà đến nổi cướp thân xác loài vật là hành hạ nó. Rõ ràng khi mổ bụng, cắt cổ con bò, gà, vịt, cá, chúng giãy lên, cuống quýt, sợ hãi. Sợ hãi đây là bằng cớ chúng nó cũng như loài người cũng biết khổ, sợ khổ, biết đau, sợ đau và muốn sống bình yên nghĩa là như mình không khác.

Tại sao có những loài vật để cho con người mổ bụng cắt cổ như thế? Chính là do nó tạo nghiệp. Khi làm người, chính người đó ham thích thịt gà, vịt, bò, heo nên đến lúc lâm chung mùi thơm thịt gà phảng phất liền thọ lãnh ngay thần thức gà, để vào trong quả trứng của con gà và thành con gà cục tác. Chính nó trước kia đã tạo nghiệp ác, ăn thịt gà nhiều, nên giờ làm thân gà để đền nợ cái miệng, nên phải đem thân trả nợ. Con cá, bò, trâu, dê cũng thế, bởi vì có nợ nên giờ đem thân trả nợ. Thế nếu giờ mình ăn thịt gà, mổ bụng con cá, cứa cổ con heo là chúng ta đã gây oán hờn, uất hận với nó và mình nợ cái mạng của nó thì mai đây bỏ thân này rồi thì sẽ làm gà, cá, heo để trả nợ. Cứ như thế ở thế gian này gà, vịt, cua, cá, heo, bò đầy giãy là cái tướng hiện cái thân để đền nợ. Người chặt đầu con cá, con gà, heo, dê cũng sẽ gặp quả báo nguy hiểm phải trả mạng. Con cá, gà, heo, dê thiếu nợ và bây giờ trả nợ thân mạng rồi là xong. Còn những người ăn thân mạng của chúng bây giờ mắc nợ mới là cái rầy rà. Đây là việc nguy hiểm, oan oan tương báo.

Trong kinh nói rằng “Nợ tiền, nợ bạc trả là xong, chứ còn nợ mạng này là dây dưa chỉ có khi nào gặp Phật, tu theo đạo Phật thì mới cắt đứt được oan oan tương báo”. Còn không thì đời đời kiếp kiếp tìm nhau để đòi nợ, thế cho nên là nguy hiểm lớn. Chúng ta thấy đầy dãy ở trước mắt chúng ta đó, bao nhiêu là những oán thù. Các cụ xưa hay bảo vì sao có nhiều nạn chiến tranh, cứ chết cả loạt hàng ngàn người, hàng vạn người thì hãy nhìn vào buổi tiệc, canh thịt, lẫu cá có biết bao nhiêu thân mạng, bao nhiêu miếng thịt trong đó. Chúng ta cướp mạng chúng thì bây giờ chúng đòi lại mạng của mình, vì thế có những chuyện cứ giết nhau hàng loạt bởi vì oan nợ. Cho nên, Đức Phật gọi sự giết hại là một thứ vui nguy hiểm. Một thứ vui không đáng là bao nhiêu, đặt miếng ăn vào lưỡi, nuốt qua đến cổ họng là hết vị ngon. Không đáng gì cả nhưng nợ này thì đời này sang kiếp khác, theo nhau mà đòi mà báo đền, nên nguy hiểm này ghê lắm.

Số đông là vì ngu si không biết. Như các em nhỏ thấy con bướm bay thì đuổi theo bắt cho bằng được, rồi nó bứt chân, cánh, đầu và vứt đi. Bởi vì trẻ dại không biết cái khổ của con bướm, rồi lại cứ rủ nhau đi bắt con dế, bứt cánh, bứt đuôi nó, chỉ để chơi thôi. Dĩ nhiên, nếu mình vặt đầu, vặt cổ những con bướm, con dế như thế thì nó phải đau, phải khổ như con người. Còn những người lớn, tại sao cũng giết gà, giết vịt, ăn cua, ăn ốc? vì họ tham ăn. Chỉ biết miếng ăn ở miệng mình thôi, miếng ăn qua miệng rồi lại quên đi. Chỉ có ngon miệng một thoáng, một chút mà tàn nhẫn cứa cổ mổ bụng các con vật. Có những đứa trẻ chả có việc gì cả, trông thấy con kiến, dí một cái cho con kiến chết. Đó là giết hại vì tàn nhẫn, vì tâm độc ác, vì tham ăn hoặc vì ngu dại, hoặc vì vui thích trong sự giết hại.

Sự giết hại này Đức Phật gọi là thứ chơi bại hoại vì khiến cho tinh thần của mình, tính nết của mình thành con người hư đốn, con người vứt đi, cho nên gọi là bại hoại. Bại là liệt, không hoạt động, hoại là cái sống mất cả giá trị của đời sống. Con người tàn nhẫn, sự sống của con người tê liệt hư hỏng bởi vì tự mình phá hoại cái đời sống của mình, khiến cho đời sống của mình mất cao quý của thân người, đưa mình xuống địa vị loài vật. Vì loại vật là sẵn sàng ăn tươi nuốt sống lẫn nhau để giữ sự sống còn tồn tại của chúng. Loài vật vì ngu si không biết gì, còn chúng ta hơn loài vật, chúng ta có trí mà chúng ta sẵn sàng ăn tươi nuốt sống các loài vật khác thì chính mình cũng bại liệt sự sống của mình. Cái phúc đức của con người bị hoại đi và còn rơi vào nhân quả nguy hiểm vì quả báo về sau chúng ta phải làm con gà cho người ta giết lại, phải làm con cua để cho người ta xé xác, phải làm con heo cho người ta cứa cổ. Cho nên những nguy hiểm độc ác mình hại những con vật thì ngày mai chính mình cũng chịu những cái khổ ấy.

ii. Trộm cắp

“Trộm cắp là thứ vui bại hoại, thứ vui đau khổ, thứ vui nguy hiểm. Như Lai bắt buộc các tỳ kheo phải đoạn trừ”. Đi ăn trộm thành công thì thích chí mừng hí ha hí hửng. Đức Phật gọi là thú vui bại hoại, đau khổ, nguy hiểm, vì mất tư cách con người. Lúc mà đưa tay lấy trộm đồ vật của người ta, ngay lúc ấy mình mất giới phẩm của mình rồi. Tuy mình đứng đấy, nhưng là người của địa ngục, là người của tội ác. Trái với giới luật của Phật là phải đọa địa ngục. So sánh với con chó, con mèo, mình cũng không hơn vì con mèo nhìn thấy bên hàng xóm có nồi thịt hay nồi cá kho, thế thì nó lấm lét rồi nó cũng đi sang nó ăn vụn, người mà lấm lét để đi ăn cắp tiền bạc, đồ dùng của người ta thì cũng giống con mèo rồi. Thế thì chúng ta tự hạ địa vị chúng ta xuống địa vị làm loài vật, mất tư cách của con người, mất nhân Phật. Thế nên gọi là bại hoại, nhưng như thế cũng chưa xong vì ngày mai còn chịu cái quả báo khốc liệt bởi vì phải đọa về những đường ác thú, là quả báo khổ lắm.

Nếu chúng ta không có sự tu hành thì chẳng những chúng ta đã đền mạng mà còn chịu những sự đọa lạc đáng sợ nữa. Cho nên Phật gọi là nguy hiểm. Lời Phật nói không sai, có sự báo hại về sau này do chúng ta đã tạo trong đời này hay đời trước. Nếu chúng ta không học Phật thì không biết đường mà cởi gở. Nếu chúng ta có sự tu hành thì chúng ta sẽ trả dần dần bằng nhiều cách như thân bịnh tật, của cải mất đi. Chúng ta chịu đựng những khó khăn, đau đớn của bịnh tật và trả dần dần, rồi may ra một ngày mai Tam bảo gia hộ thì oan gia được trả sạch băng. Chư Phật độ cho các oan gia đó cũng được giác tỉnh thì cả mình cùng các oan gia đó cùng được giải thoát.

iii. Dối gạt

“Lấy dối gạt làm vui thích. Đây là thú vui bại hoại, đau khổ và nguy hiểm. Đức Phật bắt buộc các tỳ kheo phải đoạn trừ”. Lời dối gạt tức là ngay miệng gây tội. Nói dối, đánh lừa người ta để người ta chịu khổ não. Nói hai lưỡi để mình ly gián hai người. Mình nói với người này một kiểu rồi lại nói với người kia một kiểu, làm thế nào cho hai người lìa xa nhau ra, khiến cho cha mẹ xa nhau, thầy trò mất ân nghĩa, bạn bè mất tình nghĩa, có khi làm tan cửa nát nhà người ta, như thế là hai lưỡi. Có một lưỡi thôi nhưng mà nói hai chiều, nói chọc bên này, lại chọc bên kia để cho người ta giận nhau xa lìa. Người hai lưỡi này thì ở tại gia chia lìa người thế gian, tuy là khiến cho tại gia tan nhà, mất tình nghĩa lẫn nhau, nhưng cái tội lại không nặng bằng tội ly gián ở trong chùa để đến nổi hai bên gây ra bất hòa, gọi là phá hòa hợp tăng. Có câu chuyện kể về việc nói đùa giỡn để khiến ly gián thai thầy tỳ kheo như sau:

Có thầy Công-đa-na bắt đầu từ ngày ngài thọ tỳ kheo, mỗi khi thầy đi khất thực thì người ta thấy có một cô gái đi sau lưng ngài. Ban ngày thế này, cứ ngài ra khỏi chùa là người ta thấy có một cô đi sau lưng, đến nổi nhiều Phật tử rất than phiền về việc này. Đối với tăng ni thì Đức Phật bảo thí chủ phải cúng dường, chứ đâu có dám để cho các ngài thiếu thốn, thí chủ cúng mà giận thầy tỳ kheo Công-đa-na lắm. Trong chúng cũng quở trách vị tỳ kheo này nặng nề lắm vì làm sao cứ dẫn một cô gái lẽo đẽo theo sau như thế.

Trong chúng bất mãn và bạch Phật nhiều lần để đuổi vị tỳ kheo này đi. Phật cũng gật đầu nhưng không nói gì cả. Trong chúng lên thưa với trưởng giả Cấp Cô Độc để xin đuổi vị tăng đó đi, nhưng Cấp Cô Độc không dám. Trong chúng tức quá lên thưa với vua Ba Tư Nặc. Vua Ba tư Nặc lên bạch Phật và Phật cũng chỉ gật đầu thôi, Phật chẳng nói gì cả. Vua cho quân lính đi theo. Hễ tỳ kheo đi khất thực có cô con gái thì khi tỳ kheo về vào phòng, chắc cũng có cô gái vào phòng. Vua đợi vào phòng rồi mới hô quân lên vây chặt tịnh xá bắt quả tang. Có cả Phật và chư tăng đó và vua cứ thế hô quân lính vây bắt cô gái để trị tội.

Thế nhưng vào phòng thầy tỳ kheo thì tìm không thấy cô gái đâu cả. Vua thử ba lần như thế, thấy cô gái vào phòng và cả trăm con mắt nhìn, nhưng ập vào phòng thì không thấy đâu nữa. Vua tức quá mới hỏi tỳ kheo là cô gái ấy đâu rồi? Thầy tỳ kheo bảo: ‘Tôi đâu có thấy cô gái nào vào phòng tôi đâu?’. Vua nói chính mắt tôi trông thấy cô gái đi theo ngài vào đây mà. Về sau kêu tỳ kheo đi ra để thử lại nữa thì rõ ràng khi thầy ra đến sân thì có cô gái đi theo, ra đến đường cái thì có cô gái lẽo đẽo sau lưng, nhưng bước chân đến phòng thì cô gái đâu mất, mất tích không tìm ra. Lúc bấy giờ vua mới biết là có chuyện gì đấy, không phải sự thường. Đây là chuyện lạ, thảo nào mà Đức Phật cứ gật đầu nhưng không nói. Nên vua nói thôi từ nay vẫn thỉnh tỳ kheo Công-đa-na vào cung cho chúng con cúng dường. Chứ tình cảnh thế này, có cô gái theo thì tỳ kheo đi khất thực sẽ gặp khó khăn. Lúc đó các tỳ kheo bất bình lắm, nhờ vua can thiệp để đuổi các vị tăng mà giờ vua không đuổi mà mời vào cung để cúng dường hậu đãi nữa. Vua Ba Tư Nặc có vẽ tội nghiệp và trọng đãi tỳ kheo Công-đa-na nữa thành ra chúng tăng giận lắm mới lên bạch Phật, nhất định xin Phật phải xử việc này.

Thầy tỳ kheo Công-đa-na từ trước đến giờ phải nhẫn chịu những sĩ vả mắng nhiếc, nhục nhã của chúng trong chùa và các Phật tử tại gia, bởi vì thầy cũng không biết vì sao phận ngài như thế? Nhưng khi vua Ba Tư Nặc biết thầy không phải xấu mà dẫn cô gái theo, có cái gì đây, nên vua Ba Tư Nặc tin thầy. Lúc bây giờ thầy mới thốt lên những lời phẩn uất của thầy là làm sao cứ vu cho thầy cái chuyện mà thầy không có. Thế thì lúc bấy giờ Đức Phật mới khuyên Công-đa-na cẩn thận lắng nghe và đại chúng cũng lắng nghe vì sao tỳ kheo Công-đa-na như vậy vì phàm làm việc gì cũng có nguyên nhân của nó.

“Một kiếp xa xưa Công-Đa-Na là một vị thiên tử ở trên trời. Ở dưới hạ thế có hai vị tỳ kheo chơi rất thân, quý nhau lắm, đi đâu cũng cùng đi với nhau. Cho tới một hôm hai vị tỳ kheo này mới cùng nhau đi dự lễ tự tứ thì thiên tử thấy hai vị chơi thân nhau quá nên khởi tâm đùa nghịch (tâm cõi trời không có xấu, tâm ác, chỉ đùa nghịch) làm thế nào cho hai thầy này cải nhau. Lấy việc giỡn thích chí như thế làm trò chơi, nên thiên tử dùng lực trời khiến cho một thầy tỳ kheo chột bụng muốn đi đại tiện. Thầy đi vệ sinh trong bụi rậm bên vệ đường xong rồi bước ra. Đi ra khỏi bụi rậm rồi nhưng thiên tử nghịch ngợm giả hiện hình một cô gái đang xốc xếch quần áo từ bụi rậm chui ra trước, rồi thầy tỳ kheo từ từ theo ra sau. Rõ ràng có một cô gái chạy ra trước thầy tỳ kheo. Đến lúc thầy ra thì thầy tỳ kheo bạn không thèm nhìn mặt nói là thầy không xứng đáng là bạn tôi vì thầy có hẹn với cô gái trong bụi rậm ấy. Thế là từ đây hai người không nhìn mặt nhau nữa. Lúc đó, thiên tử hiện nguyên hình thật ra và nói đây là chỉ giỡn chơi để xem tình keo sơn gắn bó của hai người ra sao thôi. Cả hai thầy liền hoan hỉ với nhau và cùng đi tự tứ.”

Nhưng vị thiên tử kia sau khi hết phước trời, đọa địa ngục chịu đun sôi một thời gian dù chỉ là trò chơi nhỏ muốn ly gián hai thầy ra. Thiên tử đã sám hối rồi, không có tâm tà tâm ác, chỉ đùa thôi mà phải trả địa ngục, còn dư báo lang thang cõi này cõi kia. Cho tới bây giờ được làm người được gặp Phật Thích Ca độ cho được xuất gia, được làm tỳ kheo, nghĩa là thầy đang trên con đường giải thoát mà dư báo vẫn còn. Dư báo vẫn còn nên thầy phải chịu quả báo là cứ có một cô gái theo sau mình, khiến cho mọi người cứ chỉa vào thầy mà xỉ nhục, nhất định là không cho thầy tu.

Đức Phật có túc mạng minh nên ngài biết nhân quả, Phật để cho thầy tỳ kheo trả quả, chứ Đức Phật không có can thiệp. Vì vậy, đại chúng đòi đuổi chứ Đức Phật không đuổi. Đức Phật không nói rõ để cho thầy trả nốt cái dư báo, nhưng Phật kể đầu đuôi câu chuyện và ngài khuyên thầy Công-đà-na hãy cẩn thận. Thầy phải nhẫn tất cả, chứ nếu thầy có lời nói nặng, lời độc, bướng với chư tăng thì tội cũ không hết mà tội mới lại chất chồng và khổ mãi không biết đến bao giờ cho thôi. Bởi vì tội này rồi lại chồng thêm tội khác. Cho nên thầy chỉ có một việc câm lặng, im lặng mừng là mình đã trả nợ, trả cho xong thì sẽ hết. Đức Phật căn dặn tỳ kheo Công-đa-na và quay lại dặn đại chúng thấy quả báo như thế mà cẩn thận. Chúng ta có phước đức rất lớn là được ở trong chúng tăng, nhưng mà mỗi một lời nói, ý nghĩa, việc làm mà động chạm đến sự hòa hợp của chúng tăng thì tội này khó gỡ lắm và quả báo đáng thương tâm lắm, cho nên Đức Phật hết sức căn dặn đại chúng.

Chúng ta được ở trong chúng là đại phước đức, nhưng lại rất dễ rơi vào địa ngục. Chỉ một việc làm, một sai quấy đối với ngôi tăng bảo thì khó gỡ lắm tuy rằng chư Phật rất thương chúng ta nhưng cũng phải để cho chúng ta trả quả như đức Bổn Sư đó đời đời theo dõi đế cứu tỳ kheo Công-đa-na, nhưng vẫn để cho thầy Công-đa-na trả quả, cho đến bây giờ còn một chút dư báo là chịu đựng những tai tiếng. Đây chỉ còn thoang thoảng chút dư báo. Đức Phật cũng để cho ông trả nợ, chứ Phật không cứu. Vì hễ cứu thì không thể trả nợ, có nợ cứ để cho thầy trả. Công-đa-na từ hôm nghe chuyện như vậy thì rất kính trọng đại chúng. Thầy xin sám hối và xin chuyên tu. Sau đó, ngay trong đời thầy chứng quả A-la-hán.

iv. Khổ hạnh

“Khổ hạnh là những thú vui bại hoạn, đau khổ và nguy hiểm. Như Lai bắt buộc tỳ kheo phải đoạn trừ.” Làm sao khổ hạnh là cái vui bại hoại? Khổ hạnh là cái vui nguy hiểm và Phật cấm các tỳ kheo không được hưởng cái vui ấy. Ngoại đạo mong hủy hoại thân để cầu lên cõi trời vui hơn. Họ tin rằng càng làm khổ cái thân hiện tại thì được tiêu tội, giải nghiệp bấy nhiêu, để hy vọng ngày mai được lên trời. Ngoại đạo khổ bây giờ nhưng mai lại sung sướng mà sao Đức Phật không chịu?

Ở Bồ tát giới, Đức Phật cho phép là các bồ tát cúng dường thân thể bằng cách như đốt liều, cúng tay. Cốt yếu của Phật là mong cho chúng ta xả ngã ái, ngã chấp, đừng nhận thân bằng đất này là mình, cho nên đừng quản ngại gì cả. Nếu xả thân vì đạo (như Bồ Tát Quảng Đức) thì các bồ tát mới hy vọng chứng đạo, đó là các Bồ tát phải có trí tuệ giác tỉnh mãnh liệt. Còn ở A-hàm, đối tượng thuyết pháp là các tỳ kheo mà tỳ kheo là những vị còn trong trình độ tu thân, cho nên Phật dạy phải có giới luật cho những người tự tu. Các tỳ kheo lo bổn phận hàng phục vọng tâm để trị những vọng tập của mình, cho nên tỳ kheo trở xuống mới ở trình độ tu thân. Vì còn ở trình độ tu thân, nên đây Phật cấm những bồng bột, bừa bãi hủy hoại cái thân như các ngoại đạo đứng một chân giữa trời, ngày ăn một hạt mè, ngó chăm chăm vào mặt trời, mắt không chớp, chống đầu xuống đất hai chân lên trời và nhiều cách khổ hạnh vô ích khác thì Phật cấm. Đức Phật dạy chúng ta không được mặc áo sang trọng, nhưng cũng không được rách rưới rồi lạnh bịnh; không được nhịn đói khát, ngày chỉ ăn một hạt mè, một muỗng súp mà phải ăn uống phải biết đủ, đủ chất để có sức mà tu tập. Những buông lung, bừa bãi, phóng túng thì Phật cấm nhưng mặt khác thì Phật cấm không cho chúng ta thái quá vì thái quá thì bất cập. Quá mức để đi đến khổ hạnh mà làm hoại tấm thân khiến cho ốm đau bịnh hoạn, không lợi ích, tạo những ảnh hưởng không tốt về sau nên ở đây Phật nói khổ hạnh là bại hoại, là nguy hiểm.

Ở A-hàm, Đức Phật cấm các thầy không được khổ hạnh vì còn trình độ tỳ-kheo và sa-di là trình độ trẻ tuổi, sự tu sự học chưa vào trình độ sâu, cho nên học từ từ, không có cho buông lung, bừa bãi, phóng túng chơi bời. Một mặt cũng không cho những cái thái quá, khổ hạnh quá rồi lỡ bịnh hoạn, rồi về sau làm phiền cho cha mẹ, làm phiền cho trong đại chúng tăng già thì không nên, cho nên ở đây Đức Phật cấm không được khổ hạnh hành xác như ngoại đạo.

Đức Phật hỏi nếu xe bò không đi thì nên đánh chiếc xe hay đánh con bò? Nên đánh con bò vì con bò kéo chiếc xe, chứ chiếc xe là toàn gỗ thì có đánh cũng vô ích. Thân chúng ta là do tâm điều khiển hướng dẫn. Nếu thân này có chỗ hư hỏng nghĩa là nó có cái tội thì tâm mình phải sửa đi, thì tự nhiên sẽ hết tội. Ví dụ thân tham ăn, thân sân giận thì mình hãy bỏ tâm tham, tâm sân đi, chứ bây giờ cứ hành hạ thân này thì có ích gì. Cứ nghĩ là càng hành hạ thân thì lên cõi trời Phạm thiên càng sung sướng hơn. Đó là suy nghĩ sai lầm. Thân này như cái xe mà tâm này chỉ huy cái xe cũng như con bò kéo xe. Xe không đi được thì đánh con bò để cho con bò nó đi, chứ không phải là phá hủy cái xe.Tâm chỉ huy thân, nếu tâm có điều gì sai xót thì sửa tâm thì thân tâm chúng ta sẽ trang nghiêm; chứ còn khổ hạnh, hành hạ thân thể, đứng giữa trưa nắng, ngày ăn một hạt đậu, mắt chằm chằm ngó mặt trời không chớp mắt là đày đọa cái thân. Hành hạ thân mà lại nói để cho thân thanh tịnh, lên cõi trời, thì đây là chỗ sai lầm trầm trọng. Muốn trừ tội, muốn tiêu nghiệp thì quay về sửa tâm mình. Đánh con bò bắt nó phải đi thì tự nhiên xe nó sẽ chạy. Sửa tâm mình cho tốt đẹp sẽ được thanh tịnh trang nghiêm, chứ không phải là sửa cái thân, hành hạ cái thân. Hành hạ cái thân, càng đau bao nhiêu thì cái tâm càng quẫn bấy nhiêu, rồi sinh mê muội khó phát ra trí tuệ. Cho nên, Đức Phật khuyên các đệ tử của ngài không được tập khổ hạnh hành xác.

SÁU CĂN ĐỐI VỚI SÁU TRẦN

Kinh Thuyết Trí (Trung A Hàm, Phẩm 15, số 187), Phẩm Phi Thường (Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 51, Kinh số 6) và nhiều bài pháp thoại khác trong A-hàm Đức Phật giảng về sáu căn và sáu trần. Có những thứ vui chơi bị Như Lai quở trách, nhưng cũng có những trạng thái hỷ lạc được Như Lai ngợi khen khuyến khích. Hỷ là mừng, lạc là vui. Những vui mừng nào mà bị Như Lai quở trách: đó là mắt thấy sắc, tâm đắm nhiễm. Trông thấy tiền bạc, thấy thức ăn ngon thì mắt muốn ngó và lén lấy tiền hay đồ ăn khiến cho mình sanh ra lỗi lầm. Sáu căn (mắt tai mũi lưỡi thân ý) đối với sáu trần (sắc thanh hương vị xúc pháp) mà tham trước không rời bỏ, đấy là bị Như Lai quở trách.

Tại sao Đức Phật không cho chúng ta vui mà lại bắt chúng ta khổ? Vì những lạc thọ này khiến cho chúng ta đam mê, mất tự chủ, mất sự sáng suốt, sẽ đưa đến lỗi lầm nên Phật cấm. Đi tu là sữa những cái lầm mê. Mê là cái sai không đúng. Những âm thanh, sắc tướng hình hình bóng bóng đây là hư vọng, người đời cho là thật, cho là thật để đến nổi tham mê đắm luyến. Cho nên, Đức Phật dạy đệ tử của Đức Phật phải tỉnh ra, tập sống với sự thật bỏ những hư vọng.

Chúng ta không biết cho âm thanh là thật nên khi bị chê bai hay hiểu lầm thì tức giận sân si. Có người tự tử vì chịu không nổi sự oan ức. Nhiều người không hiểu đạo, không học kỹ những lời Phật dạy, cho nên uổng phí cuộc đời. Đó là vì ngu si không biết cho nên giận hờn, tuyệt vọng, cho đến nổi tuyệt vọng và đến nổi tự tử mất mạng. Cho nên đây Đức Phật cấm, bởi vì tham đắm cho sáu trần là thật. Hôm nay âm thanh khen ngợi, ưa thích khiến mình mãi mê nghe. Mai đây những âm thanh trái ý khiến cho mình uất hận, bực bội, dám đi đến tự tử. Những âm thanh như thế không thật gọi là vui, cho nên Đức Phật khuyên chúng ta đừng theo những cái khiến cho mình đam mê say đắm, tưởng là có thật, khiến cho chúng ta bị mất trí tuệ và bị những âm thanh này chi phối, chuyển động. Chẳng những âm thanh mà ngay cả sắc tướng, sáu trần, Đức Phật cũng khuyên chúng ta luôn tỉnh giác.

Những người ưa thích nước hoa và nghiện hương thơm của nước hoa. Cho đến dầu xức cũng bỏ nước hoa vào vì biết mình thích hương thơm nên bỏ nước hoa vào dầu. Mỗi khi bôi dầu là cũng thơm lừng. Những thứ như thế tham đắm mua đắt tiền thì Phật cũng cấm. Lưỡi tham ăn, thân thích chăn bông ấm, thích mặc áo lụa mềm mịn. Tại sao Đức Phật không cho chúng ta sáu căn vui với sáu trần? Bởi vì sáu căn xúc sáu trần, chúng ta sanh lòng tham đắm. Tham mà không được hoặc đang sở hữu, đang thích, đang ham mà bị người ta cướp giật thì sẽ dễ bị nổi sân nổi giận đọa lạc. Thế thì từ sáu căn tiếp xúc sáu trần là gốc để phát sanh ra ba độc tham sân si. Vì có ngu si thì có tham, tham những hư vọng, nếu tham bị chướng ngại thì liền nổi sân. Ba cái này đi liền với nhau nên gọi là ba độc tham sân si. Chính là gốc sáu căn xúc chạm với cảnh trần. Thế cho nên hôm nay chúng ta học kinh A-hàm để cầu cho thân tâm được thanh tịnh.

Thanh tịnh nghĩa là không có ba độc tham sân si. Muốn thanh tịnh nghĩa là muốn tiêu trừ ba độc tham sân si. Thế cho nên chúng ta phải giữ gìn gọi là hộ sáu căn. Giữ gìn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Mỗi khi nó xúc chạm chúng ta phải giữ gìn đề phòng ngay. Đừng để cho ba độc tham sân si nó khởi lên. Cần đề phòng cho nó đừng khởi lên, huống chi là chúng ta ưa thích cho nó tham đắm đến nổi mê mệt, quên cả ngày giờ, mất cái sáng suốt. Cho nên muốn thanh tịnh thì phải hộ sáu căn, giữ gìn không có dựa vào những cái thích của căn trần.

SÁU CĂN VÀ SÁU THỨC

i. Nhãn căn và nhãn thức

Đức Phật dạy trong nhãn căn, ngoài cảnh trần và nhãn thức phát sanh. Mắt là gốc rễ để biết. Chúng ta nhận được con mắt của mình thì sẽ nhận được nhãn căn của mình. Mắt là nhãn căn, nhưng mắt làm bằng thịt làm bằng máu tức là nó làm bằng đất, nó thuộc về thân căn. Nó không biết thấy, tự nó, nó không thấy được mà phải có tánh thấy ở trong con mắt, tánh ấy ở A-hàm nói gọn là nhãn căn. Vì tánh thấy ấy ở con mắt, nên cứ gọi là con mắt, gọi là nhãn căn cho nó gọn. Vậy thì vì ở nơi nhãn căn toát ra cái thấy, cái biết, chứ đây không phải nói về con mắt bằng thịt, bằng đất, bằng máu, bằng hòn thủy tinh, mạch máu, đường gân, thủy ngân hay thần kinh mắt. Căn là gốc rễ, như có gốc rễ mới mọc lên cây cành lá. Căn là gốc rễ của các cây ổi, xoài, dừa chuối, hoa lá; cũng như từ căn là gốc rễ mới mọc ra nhãn thức, nhĩ thức, thiệt thân, tỷ thức, thân thức và ý thức phân biệt; rồi chúng ta mới phân biệt đây là cây ổi, cây chanh, hoa mai, hoa đào. Cứ gốc rễ nào thì mọc ra loại cây ấy. Từ gốc rễ chanh mọc ra cây chanh, từ gốc ổi mọc ra cây ổi, từ gốc xoài mọc ra cây xoài, những gốc rễ ấy gọi là căn. Cũng thế, từ gốc rễ căn mắt thì bật ra nhãn thức phân biệt cái thấy, từ nhĩ căn bật ra nhĩ thức, từ thiệt căn bật ra thiệt thức, từ tỷ căn bật ra tỷ thức, từ thân căn bật ra thân thức và từ ý căn bật ra ý thức.

Nhãn căn là con mắt, từ nơi nhãn căn có một cái biết gốc rễ rồi mới bật ra nhãn thức. Chúng ta ngồi đây và nhìn lên thấy Đức Phật Thích Ca tọa lạc trang nghiêm trên bảo tọa thì đó là một nhãn thức đã sanh. Chúng ta nhìn qua cửa sổ thì thấy khung cảnh ngoài sân hoa mai vàng nở thì nhãn thức của hình Đức Phật tắt đi và nhãn thức của sân vườn hiện lên. Chúng ta lại ngó qua cây hoa tulip thì hình ảnh màu đỏ của hoa tulip hiện lên, đó là một nhãn thức khác đã sanh, cứ nhãn thức này sanh thì nhãn thức khác diệt. Trong nhãn căn tức phải có tánh thấy ở trong mắt, ngoài thì có cảnh sắc, có hoa tulip rồi lại có ánh sáng mặt trời chiếu vào hoa tulip đó, từ ánh sáng ấy nó phản chiếu qua con ngươi của chúng ta. Con ngươi là một lỗ hỏng, lỗ trống rất nhỏ, chính giữa tròng đen của mắt ấy. Lỗ hỏng nhỏ để cho ánh sáng đi qua vào trong lòng con mắt. Ánh sáng từ mặt trời chiếu vào hoa tulip, rồi nó phản chiếu lại qua con ngươi, vào trong lòng mắt tới thần kinh. Ở thần kinh đó hiển lên một hình ảnh thì chúng ta mới thấy được, chứ hoa tulip không nhảy vào mắt hoặc nhãn căn chúng ta cũng không nhảy vào hoa tulip. Khi có hình ảnh trong con ngươi thì nhãn thức liền phân biệt ‘Đây là hoa tulip đỏ’ tức là một nhãn thức đã sanh.

Nhãn căn là thể chất, tùy theo duyên mà nó hiện lên các phân biệt hoa tulip, hoa mai vàng, tượng Phật hay liên tiếp vô số hình hình sắc sắc của nhãn thức hiện lên. Một nhãn thức này sanh thì nhãn thức khác diệt, vì ánh sáng đã thay đổi, duyên ánh sáng chiếu các hình ảnh vào con ngươi của chúng ta đã thay đổi thì các nhãn thức cũng lần lượt thay đổi. Như vậy trong một ngày, nhãn thức sanh cả ngàn vạn lần và nó sanh đến đâu thì diệt đến đấy. Nó hiện lên và tắt đi, nhãn thức sanh rồi diệt cả ngày cả ngàn vạn lần, cho nên nhãn thức là không thật thể và không nắm bắt được, nhưng chúng ta cứ cho nhãn thức là có thật nên cứ bị xoay chuyển sai xử theo đó. Phân biệt từng thứ một thì gọi là nhãn thức. Theo duyên hiện lên để cho chúng ta phân biệt, tâm của chúng ta có công dụng như thế nên Đức Phật bắt chúng ta phân biệt tỉ mỉ học về cái tâm của mình.

Nhãn thức là do nhân duyên sanh. Ánh sáng chiếu vào vật và phản chiếu trong con mắt của mình. Do con mắt làm nhân và ánh sáng làm duyên, thức mới hiện lên. Có nhân, có duyên thì nhãn thức mới sanh nên sanh diệt, còn nhãn căn là vẫn thường thấy tại con mắt từ ngày mẹ sanh ra vẫn ở đó và còn mãi mãi vào những kiếp sau. Cái ấy còn hoài không mất, không đợi nhân duyên gì cả hễ mở mắt là thấy. Tinh thần hay tánh thấy cứ ở mãi nơi con mắt, chúng ta gọi là thần kinh nơi mắt. Kinh là dây, thần là linh thiêng. Kinh là dây bằng máu nhưng dây đó lại linh thiêng biết thấy, cho nên gọi là thần kinh. Ở thần kinh có tánh biết thấy vẫn thường ở đấy ngày đêm, cái ấy không phải nhân duyên sanh, tự nó có. Dây máu thần kinh ấy lại biết thấy và nhãn thức dựa vào thần kinh nơi bóng ảnh đó mà bật ra, để phân biệt hoa tulip đỏ đẹp rực rỡ. Nhãn thức là nhân duyên sanh. Nhân là thần kinh và duyên là có ánh sáng, có con mắt, có hình ảnh hoa tulip, thành ra nhãn thức sanh, cho nên nhãn thức theo nhân, theo duyên mà có, cho nên có sanh có diệt.

Nhãn thức này là sắc ấm vì nó ngăn che sự thật, thấy một cái là cho có hoa tulip đỏ thật ở bên ngoài, nhưng không dè là hoa tulip đó chỉ là bóng ảnh hiện trong thần kinh nơi trong mắt mình. Chúng ta tưởng là mình nhìn hoa tukip thật, hoá ra chỉ nhìn cái bóng mà thôi. Chúng ta tưởng là bóng ảnh phản ảnh trung thành với hoa, sự thật là nó tùy duyên giả hiện, chứ phân tách ra không có hoa tulip, không có nhãn căn và nhãn thức. Thấy như vậy thì ai bẻ trộm hoa tulip, bưng bình hoa đi rồi thì chúng ta cũng không giận, không bị sắc ấm của hoa này ngăn che. Còn không thì chúng ta đang ở trong sắc ấm, bị che lấp sự thật.

ii. Nhĩ căn và nhĩ thức

Chúng ta niệm sáu chữ “Nam mô a di đà Phật”. Do miệng chúng ta rung động, không khí rung động làn sóng âm ba, làn sóng loãng ra chạm vào lá nhĩ màng tai của mình. Màng tai nó lãnh cái rung động ấy rồi nó hiển lên thành tràng âm thanh, biến ra thành hàng chữ “Nam mô a di đà Phật”. Bởi vì nó chỉ là làn sóng rung động một tí thôi nên vừa hiện là tắt liền, rồi hiện lên chữ khác. Sáu chữ “Nam mô a di đà Phật” là sáu nhĩ thức. ‘Nam’ sanh rồi diệt, thế là nhĩ thức thứ hai là ‘mô’ hiện. Nhĩ thức ‘mô’ diệt thì nhĩ thức thứ ba là “a” sanh, tuần tự như thế nhanh như chớp mắt. “Nam mô a di đà Phật” chỉ là không khí rung động khác nhau, gọi là duyên rung động theo âm vang hay nhờ nó chuyển động sanh diệt mà chúng ta nghe ra có sáu âm thanh. Duyên là không khí rung động, cho nên ở nơi thần kinh nhĩ căn của chúng ta hiện lên những dãy âm thanh. Âm thanh này tắt đến âm thanh khác, hàng ngày chúng ta có không biết bao nhiêu nhĩ thức sanh rồi diệt. Mỗi một âm thanh là một nhĩ thức hiện lên, cứ sanh diệt triền miên.

Mỗi ngày là hàng vạn tỷ nhĩ thức sanh diệt biến đổi không thật. Vậy mà chúng ta cứ chấp vào âm thanh khen chê để mà mừng vui hoặc đau khổ chỉ vì những làn sóng âm ba mong manh vô thường, chợt còn, chợt mất đó. Những nhĩ thức phân biệt âm thanh này bật lên vì ở nơi tai của chúng ta phải có nhĩ căn, là cái gốc, là cái nghe. Nhĩ căn là tánh nghe nó vẫn biết ở thính giác thần kinh tức là ở dây thần kinh ở tai. Nhĩ căn là nghe thường xuyên ngày đêm không thay đổi. Ba là sóng, âm là âm thanh. Âm ba là làn sóng âm thanh. Mỗi khi chúng ta mấp máy môi khiến cho không khí rung động. Do không khí rung động tạo làn sóng âm thanh đụng vào màng nhĩ rồi thần kinh nghiệp người ngay đó phân biệt, đây là tiếng niệm Phật “Nam mô a di đà Phật”. Như vậy, nhĩ thức phát sanh là do nhân duyên. Nhân là do cái tai và duyên là do không khí rung động, thay đổi, chuyển động mà có các âm thanh phân biệt.

Chúng ta nghĩ tiếng niệm Phật ở miệng cô ấy nhảy ra mà không dè mình nghe ở trong tai mình chứ không nghe ở miệng của cô ấy. Đó là một cái lầm rất lớn chúng ta nên để ý. Không có tiếng niệm Phật nào từ miệng cô ấy nhảy ra cả. Chính thần kinh chúng ta y theo không khí động tĩnh mà biến ra những âm vang để tự phân biệt cảnh bên ngoài. Rõ ràng là cái không có mà rồi nhĩ thức tài tình thế, nó biến ra từng chữ, từng chữ minh bạch như là ở bên ngoài có thật. Thường chúng ta bảo là cô ấy mắng mình, tưởng là âm thanh ở miệng cô ấy, cho nên cứ giận ghét cô ấy, rồi thù hận cô ấy nữa. Nhưng sự thật chính thần kinh chúng ta biến ra để phân biệt. Thần kinh của chúng ta tài giỏi như thế, nó y theo không khí này thôi, rồi biến ra âm thanh để nó phân biệt mà đúng như ý của người kia định nói. Người kia trong tâm muốn nói như thế mà đằng này nó hiện âm thanh đúng như thế. Đó là sự tài giỏi của tâm chúng ta. Cái tài của mình mà mình lại không biết, tưởng là cảnh bên ngoài cho nên gọi là sắc ấm (sáu trần).

Chữ ấm nghĩa là ngăn che sự thật, ngăn che sự thật khiến vừa nghe một cái là mình mê lầm cho là có tiếng chị đó la mắng mình thật, thế là nổi bực lên, chứ không biết là chính thần kinh của chúng ta biến ra, cho nên đây gọi nhĩ thức là sắc ấm ngăn che.

iii. Tỹ căn và tỹ thức

Tỹ thức theo duyên các tướng, biến hóa vô thường, còn tỹ căn biết ngữi vẫn cứ ở cái mũi, ngày đêm nó vẫn có ở cái mũi để ngữi. Chúng ta đi vào vườn, hương thơm hoa nhài ngào ngạt bay thơm ngát, khi biết hương thơm của hoa nhài chứ không phải hoa khác thì biết một tỹ thức đã xuất hiện. Hoa cũng biết thở như chúng ta, cũng tiết ra những phân tử. Chúng ta thử để hoa trong túi nilông một thời gian ngắn chúng ta thấy túi bị ẩm. Như vậy, từ hoa tiết ra những phân tử, cũng như chúng ta thở ra làm mờ cái kính. Những phân tử ở hoa theo gió vào mũi mình. Thần kinh trong mũi theo cơ cấu tạo có thông và tắt, y theo những phân tử đó mà biết là hương hoa tulip chứ không phải hoa nhài. Mỗi một loài hoa đều có thở và bài tiết theo những cấu tạo phân tử của từng loài. Ví dụ hoa nhài, hoa hồng thì những phân tử nó bay theo gió và khi mình thở vào thì nó vào mũi. Y theo phân tử vào gặp thần kinh trong mũi. Thần kinh trong mũi y vào phân tử đó, biến ra mùi thơm của hoa nhài, mùi thơm của hoa hồng, mùi thơm của hoa cúc rất là tế nhị và rõ ràng, phân biệt từng cái. Hương thơm ấy là thần kinh của chúng ta biến ra, chứ không phải là ở cái hoa, cái hoa chỉ có phân tử thôi. Đang ngữi biết thoang thoảng có hương hoa nhài thì chợt một người đi qua trước mặt mình sực nức mùi dầu xanh thì mùi hoa nhài tắt đi và dầu xanh thơm lại hiện lên. Nhà bếp đang nấu chè, nhưng vì có mái ngăn nên hương chè bưỡi không bay đến lỗ mũi được, thay vào đó tỹ thức của nhang trầm từ chánh điện đã sanh. Một ngày không biết bao nhiêu lần tỹ thức này sanh, rồi tỹ thức khác diệt. Tại sao nó lại sanh diệt triền miên như thế? Dù chúng ta mê hay chẳng mê thì tỹ thức vẫn sanh diệt. Vì nó theo nhân, theo duyên nên nó phải sanh phải diệt biến hóa. Hễ nhân duyên thay đổi thì nó cũng thay đổi luôn, cho nên nó là cái không có, vô thường biến đổi, không có thể chất.

Tỹ thức có gốc rễ là tỹ căn và tỹ căn này không phải nhân duyên sanh vì chúng ta vào buổi sáng cũng biết ngữi, tối cũng ngữi; hôm nay ngữi, mai cũng ngữi, không thay đổi, tánh ngữi gọi là tỹ căn. Nhân là chúng ta có tỹ căn mà tỹ căn ở trong cái mũi với thần kinh tốt, chứ nếu thần kinh bị liệt thì cũng không có ngữi được thì tỹ thức không sanh thành ra chúng ta không thể ngữi. Bởi vì có tỹ căn ở tại cái mũi. Mũi là bộ máy điều hoà da thịt gân xương, tất cả những bộ phận điều hoà nơi mũi không hư. Các tế bào ở mũi lõm xuống, còn các tế bào ở lưỡi thì nhô lên, cũng là thần kinh, cũng bằng máu của mình thôi mà tế bào ở mũi nó lõm xuống và có hai trần thông và tắt. Nó lõm xuống cho nên các phân tử hương trần chạm thông vào thần kinh, rồi nó biến thành hương thơm hay mùi thối. Còn tế bào ở lưỡi thì nhô hẳn ra ngoài và khi phân tử thực phẩm chạm vào tế bào lưỡi thì nó biến ra vị ngọt, vị chua. Mũi có đủ các bộ phận của nó thì ở nơi ấy mũi mới hiển công năng được. Ngoài thì có duyên có người chiên đậu hủ, từ phân tử hương trần theo gió vào mũi; có bất cứ duyên nào thì hiển lên; gặp hoa hồng, có gió đưa phân tử của hương hoa hồng vào trong mũi thì phát ra cảm giác hương thơm của hoa hồng; gặp người đốt nhang thì hiển hương thơm của trầm; gặp nấu ăn thì hiển huơng thơm của thức ăn; mùi thối của rác, mùi hương của trà, mùi tanh của cá, theo duyên mà hiển lên thì như thế gọi là tỹ thức.

Thơm hay hôi là do thần kinh biến ra mùi để tự nó phân biệt ra cảnh bên ngoài. Do thần kinh biến ra đủ loại hương sắc để chúng ta sinh hoạt và sinh sống trong đời. Tâm thức của chúng ta tài giỏi như vậy đó bởi vì nó biến ra cảnh và nó lại cho cảnh ấy là bên ngoài. Bây giờ chính những tài giỏi của thần kinh này tự đánh lừa chúng ta, chính chúng ta biến ra thôi cũng như tự chúng ta vẽ ra một cái hình, chứ trong hư không không có hình ấy đâu. Rồi trông thấy hình do chúng ta vẽ ấy lại cho là cảnh bên ngoài, chứ không biết là do thần kinh tài tình của mình biến ra.

Tỹ thức là sắc ấm ngăn che vì thật ra chúng ta đang ngữi ở mũi mình chứ đâu có ngữi bên ngoài, đó là một cái mê. Một cái mê khác tệ nữa là chính thần kinh mình biến ra mà mình lại đổ thừa cho là hương thơm của hoa hồng, đây là hương thơm của hoa ngâu, đây là hương thơm của nhang trầm. Chúng ta cho là có các hương thơm thuộc cảnh bên ngoài, mà không biết đây chính là thần kinh mình biến ra. Cũng như chúng ta đang nghe chị ấy nói, chúng ta cứ tưởng là đang nghe cái miệng chị ấy nói mà thật ra là chúng ta đang nghe trong tai của chúng ta. Những tiếng nói này không phải ở miệng chị ấy nhảy ra mà chính thần kinh chúng ta đang biến ra những tiếng nói này để chúng ta phân biệt. Cũng thế, chúng ta nghe hương thơm của bánh tét chiên. Tưởng mùi thơm bánh tét ấy là tận dưới bếp ở mà không biết tại thần kinh nơi mũi mình, y theo phân tử bánh biến ra mùi thơm để chúng ta phân biệt. Đây là bánh tét, bánh chưng không phải hoa hồng, rồi bị các mùi thơm mùi ngon đó hấp dẫn sai sử tạo nghiệp mê lầm cho chúng là thật có.

iv. Thiệt căn và thiệt thức

Thiệt căn là cái lưỡi có thần kinh để biến ra các vị. Thiệt căn là gốc rễ vì nó vẫn còn hoài, từ lúc mẹ đẻ sanh ra cho tới già vẫn không mất. Buổi sáng thiệt căn biết nếm thức ăn, trưa chiều tối, nửa đêm, hôm nay, hôm mai hễ còn sống là thiệt căn còn biết nếm lúc nào cũng biết nếm, hễ bỏ thức ăn vào là nó biết nếm nên gọi là thiệt căn. Nó không theo nhân theo duyên mà biến mất trong khi thiệt thức thì theo nhân duyên, bỏ thực phẩm vào miệng liền phân biệt, đây là chè, đây là bún riêu, đây là canh cải. Thiệt thức chỉ hiện khi nào mà có cái gì đặt vào lưỡi, còn khi không có những các duyên thì không xuất hiện. Bây giờ theo duyên hễ miếng đường, viên kẹo chạm tế bào lưỡi thì nó biến ra cái ngọt, để nó phân biệt cái này là đường ngọt; hễ trái ớt đến thì nó biến thành chất cay; hễ trái ổ qua đến thì nó biến thành chất đắng. Theo duyên của món ăn ngọt, mặn, lạt, chua chát thì thiệt thức tinh khôn phân biệt theo từng thứ.

Thiệt thức món chè này sanh rồi diệt; thiệt thức của món bún sanh rồi diệt, chỉ là những cảm giác nơi các tế bào của lưỡi. Xuống đến cuống họng là hết biết rồi, vô thường ngắn ngũi thế nhưng chúng ta vẫn bị nô lệ để thiệt thức sai sử đòi ăn hết món này đến món khác; có người còn lấy mạng chúng sanh, giết gà, giết vịt không thương tiếc để vâng lời của chút cảm giác ngắn ngũi nơi thiệt thức này. Do nghiệp sát hại chúng sanh để thỏa mãn khẩu vị này mà nhiều kiếp phải làm thân súc sanh để trả nợ mạng cho loài vật. Cho nên cần phải tỉnh giác thiệt thức món ngon là sanh diệt biến đổi vô thường.

v. Thân căn và thân thức

Đức Phật dạy nhân duyên có những khúc gỗ và cỏ tranh ráp lại thành mái nhà tranh.Thân căn của chúng ta cũng thế do bao tử, ruột, phổi, gan, tim, da, thịt, xương, gân ràng rịt lại. Như thế không phải một món mà do trăm món thân phần cơ thể ráp lại và đặt tên là cái thân của ta. Khi mà có nhiều thứ ráp lại như vậy thì thân này có thật không? Không. Cũng như gỗ, đinh, cỏ tranh ráp lại với nhau và đặt tên là mái nhà, cái bàn và cái ghế. Tùy theo hình tướng chứ căn nhà, bàn và ghế là cái không có, chỉ có đinh với gỗ ráp lại mà tạm đặt tên như thế thôi. Thân chúng ta là vô ngã vì không có thật, chung quy chỉ là da thịt gân xương ráp lại với nhau. Bởi vì nó do nhiều thứ ráp lại nên thiếu một thứ thì nó thành hỏng, không hoạt động được cho nên gọi là vô thường nghĩa là không có bền. Thân căn là cái không có chỉ giả tạo, không bền. Khi thân căn này còn hoạt động thì nó có một cái biết khắp toàn thân. Thân căn của con người vốn khác với thân căn của các loài vật. Da người thì cảm xúc tế nhị, chỉ quạt phe phẩy là mát, còn như con trâu mà muốn mát được thì nó phải ra tận ao mà dầm mình trong nước ao đó, da trâu dày cho nên cảm xúc khó bén nhạy. Da người mỏng hơn nên nhạy hơn. Theo chủng tử mỗi loài mà có các cảm xúc khác nhau. Thí dụ tay sờ vào bàn thì sao? Thấy cái bàn trơn và mịt, mát. Những cảm giác như thế gọi là xúc do thân thức đã sanh. Đau bụng, đau đầu, đau bao tử đều là những thân thức sanh.

Thân căn thì không đợi nhân, đợi duyên gì cả, nó vẫn có cái biết ở khắp thân của chúng ta, tức có một cái biết không phải nhân duyên sanh, sáng trưa chiều tối khuya, hôm nay, ngày mai lúc nào cũng biết, tức lúc nào rờ tay vào thân, chúng ta đều có một sự xúc biết, không đợi duyên thân căn vẫn biết. Còn thân thức là theo duyên bên ngoài mà cảm giác của chính thần kinh khởi lên phân biệt có lạnh nóng, thô nhám, trơn mịn. Khi có làn gió thổi tức không khí chuyển động, thần kinh toàn thân của chúng ta liền báo động có cảm giác lạnh đang đến là thân thức đã sanh. Bây giờ mở máy nóng hoặc không có gió nữa thì ở nơi thân khởi lên một cảm giác nóng. Biết nóng là một thân thức thứ hai lại sanh ra. Cảm giác nóng đi qua và mở máy lạnh, chúng ta lại thấy một cảm giác êm ả mát rượu khởi lên thì đó là thân thức thứ ba. Cũng là cái biết nơi thân nhưng theo duyên mà nó phân biệt hiện lên theo cảnh ở bên ngoài, cái ấy là thân thức. Nhân là có thân căn này và duyên là một cái gì bên ngoài nó tới, như có làn gió, có máy nóng. Thân thức phân biệt hiện lên, rồi khi không có duyên thì thân thức tan đi, nhưng thân căn thì vẫn biết, bất cứ lúc nào và bất cứ cái gì xúc chạm vào là thân căn liền biết, hễ còn sống thì thân căn còn biết. Quán như thế để thấy thân thức vô thường biến đổi đừng chạy theo những ảo giác mỏng manh nơi thân thức mà khiến chúng ta bị nô lệ sai xử.

vi. Ý căn và ý thức

Ý căn là toàn bộ thần kinh hệ lúc nào cũng biết suy nghĩ, sáng trưa chiều tối, ngay cả khi ngủ mà giựt mình tỉnh dậy liền biết suy nghĩ. Ý căn là gốc để phát sanh ý thức. Hình ảnh pháp trần khởi lên trong đầu là ý thức liền phân biệt, đây là mẹ của mình, mẹ đang nhớ mình ở nhà. Tiếng hát của cô ca sĩ hát hồi nảy văng vẵng vang trong đầu, hình ảnh chiếc áo dài của cô ấy hiện ở trong tâm, thế là ý thức liền khởi phân biệt cô ca sĩ hát hay và chiếc áo dài ấy rất đẹp. Ý thức này sanh rồi ý thức này diệt, ý thức khác sanh rồi ý thức khác diệt. Mỗi ngày có đến hàng ngàn ý thức sanh diệt khởi lên trong đầu chúng ta. Suốt ngày chúng ta cứ suy nghĩ đến chuyện này đến chuyện khác liên tục như chú khỉ con chuyền hết cành này sang cành kia, không ngơi nghỉ gọi là ý thức. Ý thức luôn biến hoá để phân biệt những hình bóng pháp trần thành yêu ghét, giận hờn, mừng vui, buồn tủi. Theo ý thức này sai sử mà có có chiến tranh đánh nhau, giết nhau, thù hận lẫn nhau. Đức Phật nói hễ còn ý thức là mình, là tư tưởng của mình, là chúng ta còn nuôi giặc trong nhà, nhận giặc làm con. Tam đồ lục đạo cũng do ý thức này điều khiển mà không tỉnh ra. Tu tập chính là quay về ngó lại ý thức này, điều ngự nó, đừng cho là mình thích, mình yêu, mình ghét, hờn giận, vv…

Ý thức không thể tự phát sanh được mà phải dựa vào nhân duyên. Nhân là toàn bộ hệ thần kinh không hư của chúng ta, duyên là có những cảnh trần nên ý thức của chúng ta phát sanh để nó phân biệt các pháp trần này. Thần kinh không hư nghĩa là đủ cả các bộ phận của bộ não. Ý căn là tánh biết nơi bộ não đó. Thần là tinh thần, kinh là dây máu. Thần kinh là phần tinh thần thiêng liêng nơi các dây máu ở bộ não, đó là ý căn. Chúng ta đang sống hàng ngày đây, đã đành rằng ai cũng sống bằng căn, nhưng thấy biết nghe ngữi nếm toàn là bằng thức. Thức từ căn hiện lên. Nó là tánh biết nhưng mà tánh biết theo duyên, theo nhân. Hễ có nhân, có duyên là ý thức. Nhân là con mắt không hư. Con mắt đây có con mắt của loài người khác con mắt của loài cua, con mắt của loài cá. Mỗi loài có loại mắt khác nhau, cho nên những hình ảnh hiện ra phải khác nhau. Theo duyên bên ngoài có ánh sáng hay không có ánh sáng. Theo vật ấy mà bóng ảnh hiển lên vuông hay tròn, đẹp hay xấu. Tối về nằm yên thì hình ảnh pháp trần của quá khứ, hiện tại và vị lai tích tụ trong bộ não (minh, ký, ức, trì) hiện lên, ý thức liền phân biệt ‘Đây là người thương’, ‘Đây là người ghét’, như vậy gọi là ý thức. Cho nên thức là theo nhân, theo duyên hiển lên, còn ý căn thì lúc nào bộ não còn sống là còn có cái biết. Thức theo nhân duyên nên vô thường biến đổi, gặp thiện làm thiện, gặp ác làm ác; còn căn thì vẫn có thường hằng. Sáu đạo luân hồi là chính do ý thức làm người tài xế lái xe. Muốn thoát luân hồi thì không nhận ý thức này là mình và đừng để cho nó sai xử nô lệ khiến đọa lạc. 2086 bài pháp thoại trong A-hàm là 2086 bài hướng dẫn để chúng ta làm chủ, điều ngự được tâm viên ý mã của ý thức này.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]