Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 1: Sự hình thành & cấu trúc của A - hàm, Nikaya

24/04/201312:20(Xem: 10873)
Chương 1: Sự hình thành & cấu trúc của A - hàm, Nikaya
A-Hàm - Mưa Pháp Chuyển Hóa Phiền Não


Chương 1: Sự Hình Thành & Cấu Trúc
Của A - Hàm, Nikaya

Ni sư Thích Nữ Giới Hương
Nguồn: Ni sư Thích Nữ Giới Hương


Trong lịch sử, Phật giáo được chia thành hai trường phái chính là Phật giáo thời kỳ đầu (Tiểu thừa) và Phật giáo thời kỳ phát triển (Đại thừa). A-hàm và Nikaya là kinh tạng nguyên thủy, bộ kinh căn bản của Phật giáo thuộc thời kỳ đầu. Nguyên là nguyên sơ, thủy là đầu tiên, tức đây là những bộ kinh truyền thống chứa đựng những thông điệp giải thoát căn bản đầu tiên mà Đức Phật đã tuyên thuyết sau khi chứng ngộ dưới cội cây bồ đề tại Bồ-đề-đạo-tràng, Ấn Độ. Theo tổ Thiên Thai (Trung Hoa) thì A-hàm và Nikaya là những bài pháp thoại mà đức Phật đã tuyên thuyết trong 12 năm đầu trong sự nghiệp hoằng truyền của Đức Phật như bài thơ đã minh họa ý này như sau:

Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật,
A-hàm thập nhị phương đẳng bát,
Nhị thập nhị niên Bát Nhã đàm
Pháp hoa, Niết bàn cộng bát niên.

Tạm dịch:
Hoa Nghiêm hai mươi mốt ngày
A-hàm mười hai, Phương Đẳng tám năm
Mười hai năm bàn về Bát Nhã
Pháp Hoa, Niết bàn thêm tám năm.


CÁC KỲ KIẾT TẬP

1) Kiết tập lần thứ nhất

Khoảng bốn tháng sau khi đức Phật nhập diệt, Tôn giả Ca-diếp làm thượng thủ, đứng ra tổ chức kỳ kiếp tập lần thứ nhất với sự tham dự của 500 vị A-la-hán tại hang Thất Diệp, thành Vương Xá. Vua A-xà-thế phát tâm cúng dường bảo trợ cho kỳ kiết tập này. Tôn giả A-nan được mời trùng tuyên lại những lời dạy của Đức Phật và chính những bài pháp thoại truyền khẩu này là nguồn gốc sâu xa để hình thành nên bộ A-hàm và Nikaya sau này.

2) Kiết tập lần thứ hai

Thời gian trôi qua, khoảng 100 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, có tỳ kheo Bạt-Kỳ tự lập ra mười Tịnh pháp khác hẳn giới luật của Đức Phật chế ra. Chư Tăng phóng khoáng ở phương đông tán đồng và tuân thủ theo mười điều canh tân đó trong khi Tôn giả Gia Xá và nhiều chư Tôn đức ở phương tây phản đối và tuyên bố đây là mười điều phi pháp. Thế là 700 tỳ kheo từ các nơi được mời về tham dự kỳ kiếp tập lần thứ hai được tổ chức tại thành Tỳ-xá-ly do tôn giả Giá Xá làm thượng thủ và tôn giả Ưu-ba-ly được mời tụng Luật. Vì vậy, kỳ kiết tập này chủ yếu là luật tạng, xác định lại giới luật của Đức Phật đã quy chế và tuyên bố mười tịnh giới là phi pháp và nhân đây các ngài cũng kiết tập lại các kinh điển. Bởi do ý kiến bất đồng như trên, nên trong tăng đoàn Phật giáo bắt đầu hình thành hai phái là Thượng-Tọa-bộ (bảo thủ khư khư giữ đúng những gì Đức Phật chế) và Đại-Chúng-bộ (uyển chuyển thay đổi).

3) Kiết tập lần thứ ba

Sau khi Đức Phật nhập diệt khoảng 236 năm, tức là thời Vua A-dục, đại chúng tập hợp tại thành Hoa Thị để tổ chức kỳ kiết tập lần thứ ba và tôn giả Mục-kiền-liên-tử-đế-tu được cử làm thượng thủ chủ tọa buổi kiết tập. Từ hai phái chính của Thượng tọa và Đại chúng bộ nay đã phát triển thành khoảng 20 bộ phái Phật giáo. Thượng tọa bộ lúc bấy giờ được gọi là Phân biệt thuyết bộ, được hoàng đế A-dục đỡ đầu và ủng hộ mạnh mẽ. Phân biệt thuyết bộ là cha đẻ của Đồng diệp bộ và chính Đồng diệp bộ đã kiết tập năm bộ Nikàya rất đầy đủ.

Ba kỳ kiết tập trên chỉ là do truyền khẩu trùng tụng chứ chưa có nghệ thuật ấn loát xuất hiện.

4) Kiết tập lần thứ tư

Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn khoảng 400 năm, tức là vào thời vua Ca-nị-sắc-ca. Vua thấy giáo nghĩa trong 20 hệ phái Phật giáo không giống nhau nên vua phát tâm tổ chức và bảo trợ cho kỳ kiết tập lần thứ tư. Tôn giả Thế Hữu được cử làm thượng thủ chủ tọa và có bốn tôn giả phó hội là Hiếp tôn giả, Pháp Cứu, Diệu Âm và Giác Thiên. Kỳ kiết tập này các ngài đã chú thích kinh, luật, luận và tất cả được chép thành văn. Vua Ca-nị-sắc-ca cho khắc tam tạng kinh điển vào bản bằng đồng và thờ trong bảo tháp.

Tóm lại, A-hàm và Nikaya được tụng vào kỳ kiết tập lần thứ nhất, từ lần kiết tập thứ hai về sau, tức vào khoảng thế kỷ III trước công nguyên là thời kỳ A-hàm và Nikaya chính thức được thành lập đầy đủ.


SỰ TRUYỀN THỪA CỦA KINH A-HÀM VÀ NIKAYA

Sau khi Đức Phật nhập diệt khoảng 100 năm, giáo đoàn thống nhất của Phật giáo Nguyên Thủy chia thành hai phái chính là Đại Chúng Bộ (phương Bắc) và Thượng Tọa Bộ (phương Nam). Kinh điển của Thượng Tọa Bộ là năm bộ kinh tạng Nikaya (Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng Bộ, Tăng chi Bộ và Tiểu Bộ) được chép bằng ngôn ngữ Ấn Độ cổ đại Pàli. Kinh điển của Đại Chúng Bộ là bốn bộ A-hàm (Trường A-hàm, Trung A-hàm, Tạp A-hàm và Tăng Nhất A-hàm) được ghi lại bằng Phạn ngữ.


PHÂN LOẠI A-HÀM VÀ NIKÀYA

A-HÀM

A-hàm gồm có bốn bộ:

a/. Trường A-hàm (Dirghagama) 22 quyển do ngài Phật-đà-da-xá và Trúc Phật Niệm dịch từ Phạn ra Hán văn. Năm 1999, Phật lịch 2543, Thượng Tọa Tuệ Sĩ dịch ra Việt Văn và hiệu chú.

b/. Trung A-hàm (Madhyamagama) 60 quyển, do ngài Phật-đà-da-xá và Trúc Phật Niệm dịch từ Phạn ra Hán văn. Năm 1999, Phật lịch 2543, Thượng Tọa Tuệ Sĩ dịch ra Việt Văn và hiệu chú.

c/. Tạp A-hàm (Samyukta-agama) 50 quyển, do Tam Tạng Cầu-na-bạt-đà-la dịch từ Phạn ra Hán văn. Năm 2002, Phật lịch 2546, Thượng Tọa Đức Thắng dịch ra Việt Văn và Thượng Tọa Tuệ Sỹ hiệu đính cũng như chú thích.

d/. Tăng Nhất A-hàm (Ekottara-agama) 50 quyển được Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-để-bà dịch từ Phạn ra Hán văn. Năm 2005, Phật lịch 2549, Thượng Tọa Đức Thắng dịch ra Việt Văn và Thượng Tọa Tuệ Sỹ hiệu đính cũng như chú thích.

NIKAYA

Năm bộ Nikàya bộ chủ yếu là do Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch từ ngôn ngữ cổ đại Pali sang Việt Ngữ. Ngài đã hiệu đính và xuất bản năm 1991.

a/. Trường bộ kinh (Dìgha - Nikàya)

b/. Trung bộ kinh (Majhima - Nikàya)

c/. Tương ưng bộ kinh (Samyutta - Nikàya)

d/. Tăng chi bộ kinh (Angttara - Nikàya)

e/. Tiểu bộ kinh (Khuddaka - Nikàya)


SỰ GIỐNG NHAU & KHÁC NHAU GIỮA A-HÀM & NIKAYA

Trường A-hàm tương đương với Trường Bộ kinh (Nikaya). Trường là những bài pháp thoại dài.

Trung A-hàm tương đương với Trung Bộ kinh (Nikaya). Trung là những bài pháp thoại vừa vừa, bậc trung.

Tạp A-hàm tương đương với Tương Ưng Bộ kinh (Nikaya). Tương Ưng là những bài pháp thoại có nội dung tương tự nhau.

Tăng Nhất A-hàm tương đương với Tăng-chi Bộ kinh (Nikaya). Tăng nhất là những bài pháp thoại sắp xếp theo con số thứ tự tăng dần.

Tiểu bộ kinh thuộc Nam truyền và bên Bắc Truyền A-hàm không có tiểu bộ này. Tiểu bộ gồm có 15 tập như 1) kinh Tiểu tụng (Khuddaka Pàtha), 2) Pháp cú (Dhammapada), 3) Cảm hứng ngữ, Phật tự thuyết (Udàna), 4) Phật thuyết như vậy (Itivuttaka), 5) Kinh tập (Suttanipàta), 6) Chuyện Thiên cung (Vimanavatthu), 7) Chuyện Ngạ quỷ (Petavatthu), 8) Trưởng lão Tăng kệ (Theragàthà), 9) Trưởng lão Ni kệ (Therigàthà), 10) Bổn sanh hay Chuyện tiền thân Đức Phật (Jàtaka), 11) Nghĩa tích (Nidesa), 12) Vô ngại giải đạo(Patisambhidàmagga), 13) Sự nghiệp anh hùng (Apadana), 14) Phật sử (Buddhavamsa), 15) Sở hạnh tạng (Cariyà Pitaka).

Như vậy, toàn bộ lời Phật dạy được chia làm hai nhóm:

a) Pháp (dhamma) tức Kinh tạng gồm bốn bộ A-hàm (Trường A-hàm, Trung A-hàm, Tạp A-hàm và Tăng Nhất A-hàm) hay năm bộ Nikaya (Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng, Tăng Chi và Tiểu Bộ).

b) Luật (vinaya) còn gọi là luật tạng, tức nguyên tắc giới luật đạo đức, oai nghi.


SỐ LƯỢNG CỦA A-HÀM & NIKAYA

1. KINH TRƯỜNG A-HÀM VÀ TRƯỜNG BỘ KINH

Kinh Trường A-hàm gồm 30 kinh.

Trường Bộ Kinh có 34 kinh.

2. KINH TRUNG A-HÀM VÀ TRUNG BỘ KINH

Kinh Trung A-hàm có 222 kinh.

Trung Bộ Kinh có 152 kinh.

3. KINH TẠP A – HÀM VÀ TƯƠNG ƯNG BỘ KINH

Tạp A-hàm có1.362 tiểu kinh.

Tương Ưng Bộ gồm có 2858 tiểu kinh.

4. KINH TĂNG NHẤT A–HÀM VÀ TĂNG CHI BỘ KINH

Tăng Nhất A-hàm gồm có 472 kinh.

Tăng Chi Bộ là tuyển tập 9.557 bài Kinh.

Cộng lại toàn số lượng của bốn bộ A-hàm có khoảng (30+222+472+1362) 2.086 bản kinh và bốn bộ Nikaya có khoảng (34+152+9557+2858) 12.601 bản kinh (chưa tính Tiểu bộ kinh). Như vậy, số lượng pháp thoại Đức Phật đã để lại cho chúng ta rất nhiều.

Tóm lại, đầu tiên kinh Phật không có bản chữ viết mà chỉ dựa vào truyền khẩu trùng tụng. Sau khi, Đức Phật diệt độ mấy trăm năm, nhờ bốn kỳ kiết tập nói trên mà kinh điển được kết tập lại như những sợi chỉ ngũ sắc kết xâu lại những hạt trai của Đức Phật thành những chuỗi pháp bảo quý giá để trang nghiêm đạo tâm của chúng ta. Rồi theo thời gian các tổ mới dùng ngôn ngữ Ấn độ cổ đại Pali, Phạn ngữ để viết Tam tạng kinh điển thành bản văn hay khắc trên bản đá, bản đồng, vv... Rồi khi Phật giáo hưng thịnh, những lời dạy của Đức Phật vượt khỏi biên giới của Ấn độ để đến khắp nhiều nước trên khắp thế giới. Tam tạng kinh điển đến đâu thì tùy theo ngôn ngữ của đất nước đó mà được chuyển dịch ra. Như tại Việt Nam, kinh tạng được chuyển ngữ, xuất xứ từ ngôn ngữ Pali thì gọi là Kinh tạng Nikaya (Nam truyền) và kinh được dịch từ tiếng Hán (gốc từ Phạn ngữ) thì gọi là Kinh A-hàm (Bắc truyền).

Do đó, có thể nói kinh điển Phật giáo là văn học phiên dịch tức chúng ta không học thẳng ngôn ngữ của Đức Phật mà được chuyển ngữ do vì chúng ta và Đức Phật vốn khác đất nước và ngôn ngữ. Tuy nhiên, nội dung giáo nghĩa của Đức Phật dạy thì bất cứ người nào, ngôn ngữ nào hay tại đất nước nào cũng có thể ứng dụng để giải thoát vì tất cả con người đều có chung bịnh tâm là tham sân si và đều bị luân chuyển sanh tử luân hồi. Nên xâu chuỗi trai pháp bảo quý giá của Phật giáo có khả năng phục vụ như một phương thuốc hữu hiệu vô giá, có khả năng trị bịnh tâm và bịnh sanh tử của tất cả chúng ta nên ở đâu cũng đều có thể uống được cả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]