Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 2: Những lời Phật dạy trong Tăng nhất A-Hàm ( phần 3)

25/04/201311:38(Xem: 9379)
Chương 2: Những lời Phật dạy trong Tăng nhất A-Hàm ( phần 3)
A-Hàm - Mưa Pháp Chuyển Hóa Phiền Não


Chương 2: Những Lời Phật Dạy Trong Tăng Nhất A-Hàm (phần 3)

Ni sư Thích Nữ Giới Hương
Nguồn: Ni sư Thích Nữ Giới Hương


CHÍN PHÁP HOÀN TẤT NHỮNG ĐIỀU CẦN LÀM

1) Tùng sự với thiện tri thức
2) Tu hành Chánh pháp, không dính mắc nghiệp tà
3) Hằng sống nơi chốn đơn độc, không ưa thích chỗ đông người
4) Ít bệnh, không hoạn
5) Không cất chứa các thứ tài bảo, cũng không tham đắm y bát
6) Cần hành tinh tấn
7) Tâm không loạn động
8) Nghe nghĩa lý liền hiểu rõ không cần phải nhắc lại
9) Tùy thời thích hợp nghe pháp mà không biết chán.

Đó là chín pháp mà Tỳ kheo nào thành tựu thì ngay trong hiện pháp được nhiều lợi ích. Cho nên, hãy nhớ chuyên cần đi đến dạy dỗ các Tỳ kheo, khiến họ trong lâu dài đật đến chỗ vô vi.

(Tăng Nhất A Hàm, Chín Pháp, 45. Phẩm Mã Vương, Kinh số 2)

CHÍN VŨ KHÍ CỦA NGƯỜI NỮ TRÓI BUỘC NGƯỜI NAM

Người nữ thành tựu chín pháp để trói buộc người nam. Những gì là chín?

Ca, múa, kịch, nhạc, cười, khóc, trau chuốt nghi dung, huyễn thuật mê hoặc, nhan sắc thể hình. Trong tất cả hình thức ấy, chỉ có xúc trói người chặt nhất, gấp trăm nghìn lần, không có gì để so sánh.

Ở đây, Ta thấy ý nghĩa này, xúc trói người chặt nhất không cho ra thóat khỏi; đó là sọi dây buộc chặt người nam vào người nữ. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy niệm tưởng xả bỏ chín pháp này.

(Tăng Nhất A Hàm, Chín Pháp, 44. Phẩm Chín Chúng Sanh Cư, Kinh số 5)

CHỊU TỘI KHÔNG KỂ XIẾT

Trăm năm quen buông lung
Về sau vào địa ngục
Vậy có gì đáng tham
Chịu tội không kể xiết?

(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 52. Phẩm Đại Ái Đạo Bát Niết-bàn, Kinh số 7)

CHỚ BỎ NƠI CÓ THỂ TU PHẠM HẠNH ĐƯỢC

Có Tỳ kheo sống nương nơi thôn xóm, mà pháp thiện tăng trưởng, pháp ác tiêu diệt. Những gì có được, như áo, chăn, đồ ăn, thức uống, giường chõng, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh, thảy đều khó nhọc mới có, Tỳ kheo ấy nên học như vầy: ‘Ta nay nương nơi thôn xóm này mà sống, thiện pháp tăng trưởng, pháp ác tiêu diệt. Những gì có được, như áo, chăn, đồ ăn, thức uống, giường chõng, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh, thảy đều khó nhọc mới có. Nhưng ta không vì áo chăn mà xuất gia học đạo, tu tập phạm hạnh. Điều mà ta mong cầu ước nguyện bởi học đạo ắt sẽ thành tựu. Ta hãy trọn đời thừa sự, cúng dường pháp ấy.

(Tăng Nhất A Hàm, Chín Pháp, 45. Phẩm Mã Vương, Kinh số 3)

CHỖ HƯỚNG ĐẾN CỦA THIỆN TRÍ THỨC NHƯ MẶT TRĂNG TRÒN ĐẦY

Giống như mặt trăng đầu tháng, trải qua ngày đêm, ánh sáng dần tăng lên, từ từ tròn đầy, cho đến ngày mười lăm là sung mãn đầy đủ, tất cả chúng sanh không ai là không thấy. Cũng vậy, như thiện tri thức, trải qua ngày đêm, tăng trưởng tín, giới, văn, thí, trí tuệ. Vì họ nhờ tăng trưởng tín, giới, văn, thí, trí tuệ, nên thiện tri thức lúc bấy giờ thân hoại mạng chung, sinh lên trời, cõi lành. Cho nên, nay Ta nói chỗ hướng đến của người thiện tri thức này, giống như mặt trăng tròn đầy.

Như người có tham dục
Sân nhuế, si không hết
Với thiện có giảm dần
Như trăng đang thời khuyết.
Như người không tham dục
Sân nhuế, si cũng hết
Với thiện có tăng dần
Giống như trăng tròn đầy.

(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 17. Phẩm An-ban, Kinh số 8)

CHỚ THAM ĐẮM VÀO LỢI DƯỠNG

Giả sử nếu Ta thấy Đề-bà-đạt-đâu tự thân có chút ít pháp thiện nào, Ta không bao giờ thọ ký Đề-bà-đạt-đâu kia phải chịu tội một kiếp không thể chữa trị. Cho nên, này kẻ ngu kia, vì Ta không thấy Đề-bà-đạt-đâu có một chút pháp thiện nào cho nên mới thọ ký Đề-bà-đạt-đâu kia chịu tội một kiếp không thể chữa trị. Sở dĩ như vậy, vì Đề-bà-đạt-đâu ngu si tham đắm nơi lợi dưỡng, khởi tâm nhiễm trước, tạo ác ngũ nghịch, thân hoại mạng chung sẽ đọa vào trong địa ngục. Vì sao vậy? Vì tâm lợi dưỡng nặng thì sẽ làm bại hoại gốc rễ thiện của con người, khiến con người không đến được nơi an ổn.

Cho nên, này các Tỳ-kheo, nếu có tâm lợi dưỡng khởi lên thì hãy tìm cách diệt, nếu không có tâm thì chớ khởi tưởng đắm vào.

(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 11. Phẩm Bất Đãi, Kinh số 10)

CHỒNG ĐỐI VỚI VỢ CÓ BỐN VIỆC

Chồng đối với vợ có bốn việc. Những gì là bốn? Có người vợ như là mẹ. Có người vợ như là bạn thân, có người vợ như là giặc, có người vợ như là nô tỳ.

Cô nên biết, vợ như mẹ, ấy là tùy thời chăm sóc chồng không để thiếu thốn, thờ kính, phục vụ. Người ấy được chư thiên hộ vệ; người và loài phi nhân không thể rình cơ hội. Này con gái ông trưởng giả, đó gọi là vợ như mẹ.

Người vợ kia như thế nào gọi là bạn thân? Ở đây, này con gái ông trưởng giả, sau khi thấy chồng rồi, tâm không tăng giảm, cùng chung vui hay khổ.

Thế nào gọi vợ như giặc? Ở đây, này Cô, khi thấy chồng, trong lòng sân nhuế, ganh ghét chồng, không phục vụ, không thờ kính, không cung kính, thấy là muốn hại, mà tâm để nơi người khác. Chồng không thân vợ, vợ cũng không thân chồng. Người ấy không được mọi người yếu kính; không được chư thiên hộ vệ, sẽ bị ác quỷ xâm hại; thân hoại mạng chung sanh vào địa ngục.

Thế nào là vợ như nô tỳ? Ở đây, người vợ hiền lương, thấy chồng thì tùy thời chăm sóc, nhẫn nhịn lời nói, không bao giờ cãi lại; nhẫn chịu khổ lạnh, hằng có tâm từ ái, Đối với Tam tôn thì sanh niệm tưởng này. ‘Kia còn thì tôi còn. Kia suy thì tôi suy.’ Do sự việc ấy, người ấy được chư thiên hộ vệ; người và loài phi nhân đều yêu mến; thân hoại mạng chung sanh vào chỗ lành, sanh lên trời.

(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 51. Phẩm Phi Thường, Kinh số 9)

CHÚNG SANH BỊ XOAY CHUYỂN THEO TÁM PHÁP

Có tám pháp thế gian theo đó chúng sanh xoay chuyển. Những gì là tám? 1. lợi, 2. hại, 3. vinh, 4. nhục, 5. khen, 6.chê, 7. khổ, 8. lạc. Tỳ-kheo, đó là có tám pháp mà thế gian theo đó xoay chuyển. Các Tỳ-kheo, hãy nên tìm cầu phương tiện trừ tám pháp này.

Như Lai xuất hiện thế gian, lại thành Phật đạo ở thế gian, nhưng không bị tám pháp thế gian lôi cuốn. Giống như hoa sen sinh ra từ bùn lầy, hết sức tươi sạch, không nhiễm nước bùn, được chư thiên yêu kính, ai thấy đều vui vẻ trong lòng. Như Lai cũng lại như vậy, được sanh từ bào thai, ở trong đó được nuôi lớn, được thành thân Phật. Cũng ngọc lưu-ly là loại báu làm sạch nước, không bị bụi nhơ làm nhiễm; Như Lai cũng lại như vậy, cũng sanh ở thế gian, không bị tám pháp thế gian nhiễm đắm. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy nên tinh tấn tu hành tám pháp.

(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 43. Phẩm Thiên Tử Mã Huyết Hỏi tám Chính, Kinh số 8-9)

CHÚNG SANH, THẾ GIỚI, RỒNG VÀ PHẬT KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN

1) Chúng sanh không thể nghĩ bàn
2) Thế giới không thể nghĩ bàn
3) Quốc độ của loài rồng không thể nghĩ bàn và
4) Cảnh giới Phật không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì không do nơi này đưa đến tận diệt Niết-bàn.

Các chúng sanh này từ đâu đến? Đi về đâu? Lại từ đâu sinh khởi? Chết ở đây sẽ sinh về đâu? Chúng sinh không thể nghĩ bàn là như vậy.

Những người có tà kiến hoặc cho rằng thế giới đoạn diệt, thế giới chẳng đoạn diệt; thế giới hữu biên, thế giới vô biên; mạng tức là thân, mạng chẳng phải là thân; thế giới này do Phạm thiên tạo ra, hay các đại quỉ thần tạo ra là thế giới không thể nghĩ bàn.

Mưa này là từ miệng rồng phun ra hay sao? Vì sao vậy? Vì những hạt nước mưa chẳng phải từ miệng rồng phun ra vậy. Vậy thì từ mắt, tai, mũi của rồng mà ra chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì hạt nước mưa không phải là từ mắt, tai, mũi của rồng phun ra mà chỉ là những gì được niệm tưởng trong ý rồng. Nếu niệm ác, cũng mưa; hay niệm thiện, cũng mưa. Do bản hành mà tạo mưa này. Sở dĩ như vậy, nay trong bụng núi Tu-di lại có trời tên là Đại Lực, biết được những ý nghĩ của tâm chúng sanh, cũng có thể tạo mưa. Nhưng mưa không ra từ miệng trời kia, hay ra từ mắt, tai, mũi mà đều do trời kia có thần lực nên có thể làm mưa. Cũng vậy, Tỳ-kheo, cảnh giới rồng không thể nghĩ bàn.

Thân Như Lai là do cha mẹ tạo ra chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì thân Như Lai hấp thụ các khí trời, thanh tịnh không cấu uế. Là do người tạo ra chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì vượt qua hành động con người. Thân Như Lai là thân Trời chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì thân Như Lai không thể tạo tác, chẳng phải chỗ chư thiên với tới. Thọ mạng Như Lai là ngắn chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì Như Lai có bốn thần túc. Như Lai là trường thọ chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì Như Lai xoay vần cùng khắp thế gian, cùng tương ưng với các phương tiện thiện xảo, nên thân của Như Lai không thể suy lường, không thể nói cao nói thấp, âm thanh cũng không thể định chuẩn Phạm âm Như Lai. Trí tuệ biện tài của Như Lai không thể nghĩ bàn, chẳng phải là chỗ nhân dân sánh bằng. Cảnh giới của Phật không thể nghĩ bàn như vậy.

(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 29. Phẩm Khổ Lạc, Kinh số 6)

CHUYỆN HỌC KHÔNG THỂ NHỚ CỦA CHÂU-LỢI-BÀN-ĐẶC

Tôn giả Bàn-đặc bảo người em là Châu-lợi Bàn-đặc:

Nếu ngươi không thể học thuộc giới, hãy trở về làm bạch y.

Khi đó, Châu-lợi Bàn-đặc nghe những lời này, liền đi đến tinh xá Kỳ-hoàn, đứng ở ngoài cửa mà rơi lệ. Bấy giờ, Thế Tôn bằng thiên nhãn thanh tịnh, quán thấy Tỳ-kheo Châu-lợi Bàn-đặc nầy đứng ở ngoài cửa, than khóc không xiết. Thế Tôn từ trong tịnh thất đi ra giống như kinh hành, đến ngoài cửa tinh xá Kỳ-hoàn, bảo Châu-lợi Bàn-đặc: Tỳ-kheo, vì sao ở đây than khóc.

Châu-lợi Bàn-đặc đáp: Bạch Thế Tôn, con bị anh xua đuổi, nếu con không học thuộc giới được, thì trở về làm bạch y, không nên sống ở đây. Cho nên, con than khóc.

Thế Tôn bảo: Tỳ-kheo, chớ ôm lòng lo sợ. Ta thành Vô thượng Đẳng chánh giác, không phải do Bàn-đặc anh của ngươi mà đắc đạo.

Bấy giờ, đức Thế Tôn cầm tay dẫn Châu-lợi Bàn-đặc về tịnh thất, chỉ chỗ bảo ngồi. Thế Tôn lại dạy cầm chổi quét: Ngươi đọc thuộc chữ này, nó là chữ gì.

Khi Châu-lợi Bàn-đặc học được chữ quét lại quên chữ chổi. Nếu học thuộc được chữ chổi lại quên chữ quét. Tôn giả Châu-lợi Bàn-đặc tụng hai chữ chổi quét này, qua mấy ngày. Song cái chổi quét này là để trừ sạch bụi bẩn. Châu-lợi Bàn-đặc lại nghĩ như vầy: Trừ là gì? Bẩn là gì? Bẩn là tro, đất, ngói, đá. Trừ là làm cho sạch.

Lại nghĩ như vầy: Thế Tôn vì sao đem việc nầy dạy cho ta. Nay ta phải tư duy nghĩa nầy. Vì tư duy nghĩa nầy, lại nghĩ như vầy: Nay trên thân ta cũng có bụi bẩn. Ta tự ví dụ. Sao là trừ? Sao là bẩn? Ông lại nghĩ thầm: Dính kết là bẩn. Trí huệ là trừ. Nay ta có thể dùng chổi trí huệ quét dính kết nầy.

Rồi Tôn giả Châu-lợi Bàn-đặc tư duy năm thủ uẩn là thành, là hoại. Cái gọi là sắc nầy, sắc tập, sắc diệt; cái gọi là thọ, tưởng, hành, thức này là thành, là bại. Sau khi tư duy năm thủ uẩn nầy, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, tâm được giải thoát hữu lậu, vô minh lậu. Đã được giải thoát, liền được trí giải thoát, biết như thật rằng, sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, lại không còn tái sinh nữa, biết chúng như thật. Tôn giả Châu-lợi Bàn-đặc thành A-la-hán. Sau khi thành A-la-hán, Tôn giả từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên, bạch Thế Tôn:

Nay con đã có trí, nay đã có huệ. Nay con đã hiểu được chổi quét.

Thế Tôn bảo: Tỳ-kheo, hiểu nó thế nào?

Châu-lợi Bàn-đặc đáp: Trừ là huệ. Bẩn là dính kết.

Thế Tôn nói: Lành thay, Tỳ-kheo, như những lời ngươi nói, trừ là huệ. Bẩn là dính kết.

Bấy giờ Tôn giả Châu-lợi Bàn-đặc hướng về Thế Tôn mà nói kệ này:

Nay đã tụng thuộc đủ
Như lời Phật đã dạy
Trí huệ hay trừ kết
Không do hạnh nào khác.

Đức Thế Tôn bảo: Tỳ-kheo, như những lời ngươi nói, chỉ bằng trí huệ chứ không do cái khác.

(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 20. Phẩm Thiện Tri Thức, Kinh số 12)

CHUYỆN NGƯỜI ĐỤC NÚI

Tỳ-kheo nên biết, ngôi nhà này ban đêm bốc khói, ban ngày bị lửa cháy. Có người Bà-la-môn nói vơi một người có trí: ‘Giờ ông hãy cầm đao đục núi. Khi đang đục núi tất sẽ thấy một đồ gánh thì hãy nhổ nó lên. Rồi ông đục lại núi; khi đang đục núi tất sẽ thấy núi. Giờ hãy hãy bỏ núi. Ông lại đục núi; khi đang đục núi tất thấy con ễnh ương. Bấy giờ ông hãy bỏcon ễnh ương. Ông lại đục núi; khi đang đục núi sẽ thấy đống thịt. Thấy đống thịt, hãy bỏ nó. Bây giờ ông lại đục núi; khi đang đục núi sẽ gặp cái gông. Thấy cái gông, hãy bỏ nó. Bây giờ, ông lại đục núi; khi đục núi sẽ thấy hai con đường. Khi thấy hai đường, hãy bỏ nó. Bây giờ ông lại đục núi; khi đục núi sẽ thấy cành cây. Thấy cành cây, hãy bỏ nó. Bây giờ ông lại đục núi; khi đục núi sẽ thấy con rồng. Thấy con rồng rồi, chớ nói gì với nó, hãy lo tự quy mạng, và để yên nó đó.

Thế Tôn bảo: Nhà tức là hình thể do sắc bốn đại tạo thành, nhận huyết mạch cha mẹ dần dần lớn lên, thường được nuôi dưỡng bằng thức ăn không để thiếu thốn, là ph��p phân tán. Ban đêm có khói là chỉ cho tâm niệm của các loài chúng sanh. Ban ngày lửa cháy là chỉ cho hành động do thân, miệng, ý đã tạo. Bà-la-môn là A-la-hán. Người trí là người học. Đục núi là chỉ tâm tinh tấn. Con dao chính là chỉ trí huệ. Đồ gánh là năm kết sử. Núi là kiêu mạn. Con ếch là chỉ tâm sân hận. Đống thịt là chỉ tham dục. Cái gông chỉ năm dục. Hai đường là chỉ nghi ngờ. Cành cây là vô minh. Rồng là chỉ Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác. Những lời vị thiên kia nói, nghĩa nó như vậy. Nay ngươi hãy suy nghĩ cho kỹ, không lâu sẽ dứt sạch hữu lậu.

Sau khi vâng lời Như Lai dạy, Ca-diếp ở nơi vắng vẻ mà tự tu hành, vì mục đích mà thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc xuất gia học đạo, tu phạm hạnh, biết như thật rằng, sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã xong, không còn tái sinh đời sau. Bấy giờ, Ca-diếp thành A-la-hán.

(Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 39. Phẩm Đẳng Pháp, Kinh số 9)

CHUYÊN TINH NIỆM THÂN

Niệm thân là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, mật, gan, phổi, tim, lá lách, thận, ruột già, ruột non, bạch chức, bàng quang, phẩn, tiểu, dạ dày, thương đãng, dịch vị, nước mắt, đờm dãi, mủ, máu, mỡ, nước miếng, đầu lâu, não. Cái nào là thân? Đó là đại chủng đất? Đó là đại chủng nước? Đó là đại chủng lửa? Đó là đại chủng gió? Được tạo ra bởi giống của cha, giống của mẹ chăng? Nó từ đâu đến? Do ai tạo ra? Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm, chết ở đây sẽ sinh về nơi nào?

Như vậy, các Tỳ-kheo, đó gọi là niệm thân, liền được thành tựu đầy đủ quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Cho nên, này các Tỳ-kheo, luôn phải tư duy không rời niệm thân, liền sẽ được những thứ công đức thiện này.

(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 3. Phẩm Quảng Diễn, Kinh số 9)

CÓ HAI NGƯỜI KHÓ CÓ ĐƯỢC TRÊN ĐỜI

Có hai con người xuất hiện ở đời, thật là khó có được. Hai người ấy là ai? Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác xuất hiện ở đời, thật là khó có được, và Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời thật là khó có được.

(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 17. Phẩm An-ban, Kinh số 2)

CÓ SANH ẮT CÓ TỬ

Tất cả hành vô thường
Có sinh ắt có tử
Không sinh thì không tử
Đã diệt, tối an lạc.

(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 34. Phẩm Đẳng Kiến, Kinh số 2)

CÓ THÂN CÓ KHỔ

Các pháp đều phải ly tan. Có hội ngộ thì có biệt ly. Các cô nên biết, năm thủ uẩn này đều phải chịu các não khổ đau này, rơi trong năm đường. Phàm nhận thân năm uẩn tất phải chịu hành báo này. Đã có hành báo, tất phải thọ thai. Đã thọ thai phần, lại phải chịu báo khổ vui.

Nếu ai không có năm thủ uẩn, tất không thọ nhận hình hài nữa. Nếu không thọ nhận hình hài thì không có sinh. Vì không có sinh nên không có già. Vì không có già nên không có bệnh. Vì không có bệnh nên không có chết. Vì không có chết nên không có khổ não của hội ngộ, biệt ly. Cho nên, các cô phải nghĩ đến sự biến đổi thành bại của năm uẩn này. Vì sao vậy?

Vì biết năm uẩn là biết năm dục. Biết năm dục là biết pháp ái, biết pháp ái là biết pháp đắm nhiễm. Biết các việc này rồi, không còn thọ thai. Vì không thọ thai, không còn sanh, già, bệnh, chết.

(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 34. Phẩm Đẳng Kiến, Kinh số 2)

CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN ĐỊA NGỤC

Ta nay quán sát tâm ý của chúng sanh, thấy rằng người này sau khi thân hoại mạng chung sẽ phài vào địa ngục. Sau đó, quán sát thấy người này khi vào trong địa ngục chịu đau đơn, bị tra khảo, vô số sầu ưu khổ não không kể xiết. Cũng như một hầm lửa lớn không có bụi bặm. Giả sử có một người đang đi trên con đường dẫn đến dó. Lại có một người khác có mắt, thấy người đang đi đến đó, chắc chắn sẽ rơi xuống đó, không phải là điều nói suông.

Rồi sau đó thấy người kia đã rơi xuống hầm lửa. Người mà Ta nói đến đó đã rơi xuống hầm lửa. Ta nay quán sát những điều suy nghĩ trong tâm ý của chúng sanh, biết chắc chắn nó sẽ vào địa ngục, không có gì nghi ngờ. Như Ta sau đó quán sát thấy người này sau khi đã vào địa ngục chịu sự đau đớn, khốc hại, không hể kể xiết.

Người kia làm thế nào mà vào địa ngục? Ta quán quán thấy chúng sanh hướng đến địa gục do gây các hành ác, nghiệp bất thiện, thân hoại mạng chung sanh vào địa ngục. Ta thảy biết rõ điều đó.

(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 50. Phẩm Lễ Tam Bảo, Kinh số 5)

CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN NGẠ QUỶ

Ta nay biết chúng sanh ngạ quỷ, cũng biết con đường ngạ quỷ. Chúng sanh nào sau khi thân hoại mạng chung sanh vào đó, Ta cũng biết rõ. Chúng sanh nào đi theo con đường mà khi thân hoại mạng chung dẫn đến ngạ quỷ, Ta cũng biết rõ. Về sau quán sát thấy chúng sanh sanh vào ngạ quỷ chịu đau đớn.

Vì sao người ấy sanh vào ngạ quỷ? Cũng như gần thôn xóm có một gốc đại thọ, ở chỗ phát sanh nguy hiểm, cành cây lá cây rơi rớt. Giả sử có người đang đi đến đó. Khi ấy có người có mắt từ xa thấy người kia chắc chắn đi đến chỗ đó. Sau đó thấy người kia hoặc nằm, hoặc ngồi, chịu các báo ứng khổ lạc. Người kia vì sao đi đến gốc cây ấy mà ngồi? Ta nay quán sát các loài chúng sanh cũng như vậy, khi thân hoại mạng chung sanh vào ngạ quỷ, không nghi ngờ gì, để chịu báo ứng khổ lạc không kể xiết. Ta biết con đường dẫn đến ngạ quỷ; thảy đều biết rõ phân minh. Điều mà ta nói là như vậy.

(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 50. Phẩm Lễ Tam Bảo, Kinh số 5)

CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN SÚC SANH

Ta biết con đường súc sanh, và cũng biết con đường dẫn đến súc sanh. Do nhân duyên gì mà nói vậy?

Ta quán sát những điều suy nghĩ trong tâm ý của chúng sanh, biết người ấy sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào trong súc sanh. Rồi ta quán sát thấy người ấy sau khi vào trong súc sanh mà sầu ưu khổ não không kể xiết.

Vì sao người này rời vào trong súc sanh? Cũng như tại thôn xóm có một hầm sí trong đó đầy cả phân. Giả sử có người đang đi trên lối đi dẫn đến đó. Lại có người khác có mắt thấy người kia đang đi đến chỗ đó. Người kia không bao lâu đi đến đó và rơi xuống hầm xí. Sau đó quán sát thấy người kia sau khi rơi xuống hầm xí chịu khốn ách không kể xiết. Tại sao người kia đã rơi xuống hầm xí? Ta thấy các loài chúng sanh cũng vậy. Người này mạng chung sẽ sanh vào trong súc sanh. Lại quán sát thấy sau khi sanh vào trong súc sanh phải chịu khổ vô lương. Ta nay quán sát chúng sanh súc sanh đều biết rõ như vậy. Đó là điều Ta muốn nói.

(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 50. Phẩm Lễ Tam Bảo, Kinh số 5)

CON ĐƯỜNG TÁM NHÁNH VÀ PHÁP BẢY CHI

Xá-lợi-phất nói: Ai nhất tâm niệm chánh kiến, tức là niệm giác chi không rối loạn. Chánh tư duy, là nhất tâm niệm hết thảy các pháp, tức là pháp giác chi. Chánh ngữ, là thân, ý tinh tấn, tức là tinh tấn giác chi. Chánh nghiệp, là hết thảy các pháp được sanh, tức là hỷ giác chi. Chánh mạng, là biết đủ đối với tài sản Hiền Thánh, xả xả bỏ tài sản thế tục, nhẹ nhàng thân thể, tức là khinh an giác chi. Chánh tinh tấn, là chứng đắc bốn Thánh đế, trừ sạch các kết sử, tức là định giác chi. Chánh niệm, là quán sát bốn niệm xứ, thân không bền chắc, thẩy đều rỗng không, vô ngã, tức là xả giác chi. Chánh tam muội, là đạt được những gì chưa đạt, độ thoát những gì chưa độ thoát, chứng đắc những gì chưa chứng đắc.

Nếu có người đến hỏi rằng, ‘Như thế nào là tu tám đạo và bảy pháp ấy,’ các Thầy hãy trả lời như vậy. Vì sao vậy? Bởi vì Tỳ-kheo nào tu tám đạo và bảy pháp này, tâm liền được giải thoát khỏi hữu lậu.

Tôi nhắc lại cho các Thầy rõ, Tỳ-kheo nào tu hành tư duy con đường tám nhánh và bảy pháp này, Tỳ-kheo ấy liền thành tựu hai quả không nghi ngờ gì. Hoặc chứng quả A-la-hán. Vả, hãy gác qua việc đó. Nếu không thể tu tập nhiều, nhưng trong một ngày mà tu hành con đường tám nhánh và bảy pháp này, phước báo không thể tính hết. Hoặc đắc A-na-hàm hoặc A-la-hán.

(Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 41. Phẩm Chớ Sợ, Kinh số 4)

CỐNG CAO

Lại có người nhận người cúng dường y phục, đồ ăn thức uống, gường chiếu, ngọa cụ, thuốc men chữa bệnh, được rồi liền tự dùng, lại khởi tâm nhiễm trước, sinh tâm ái dục, không biết đạo xuất yếu. Giả sử không được, thì thường sinh niệm tưởng này. Nếu người đó được cúng dường, đối với các Tỳ-kheo, mà tự cống cao, hủy báng người khác: ‘Những y phục, đồ ăn thức uống, giường chiếu, tọa cụ, thuốc trị bệnh mà ta có, các Tỳ-kheo kheo này không thể có được vậy.’ Cũng như trong đàn dê lớn, có một con dê rời đàn, thấy đống phân lớn. Con dê này ăn phân no rồi, quay lại trong đàn dê, liền tự cống cao: ‘Ta có được ăn ngon, bầy dê nầy không thể ăn được.’ Ở đây cũng như vậy, nếu có một người được lợi dưỡng, y phục, giường chiếu, ngọa cụ, thuốc men chữa bệnh, khởi các loạn tưởng, sanh tâm nhiễm trước liền đối với các Tỳ-kheo, mà tự cống cao: ‘Ta có được cúng dường, các Tỳ-kheo này không được cúng dường.’

(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 20. Phẩm Thiện Tri Thức, Kinh số 4)

CÔNG ĐỨC THỌ BÁT QUAN TRAI GIỚI

Không sát, cũng không trộm
Không dâm, không nói dối
Tránh rượu, xa hương hoa
Người đắm vị phạm trai.
Ca múa cùng xướng hát
Học La-hán, tránh xa
Nay trì bát quan trai
Ngày đêm không quên mất.
Không có khổ sinh tử
Không kỳ hạn luân hồi
Chớ tập cùng ân ái
Cũng chớ hội oán tắng.
Nguyện diệt khổ năm uẩn
Các bệnh não sinh tử
Niết-bàn không các hoạn
Nay Ta tự quay về.

(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 24. Phẩm Cao Tràng, Kinh số 6)

CÔNG ĐỨC CA DIẾP VÀ A NAN

Trên trời, trong loài người, ta không thấy người nào có thể thọ trì Pháp bảo sánh với Ca-diếp và A-nan. Trong chúng Thanh văn cũng không có ai vượt hơn được hai người này. Chư Phật trong quá khứ cũng có hai người thọ trì kinh pháp như Ca-diếp và A-nan ngày nay, rất là hy hữu. Vì sao vậy? Tỳ-kheo hành đầu đà trong thời Phật quá khứ, khi Pháp còn thì vị ấy còn, khi Pháp diệt vị ấy cũng mất. Tỳ-kheo Ca-diếp của Ta ngày nay lưu lại ở thế gian cho đến khi Phật Di-lặc ra đời rồi mới nhập diệt. Do đó Tỳ-kheo Ca-diếp hơn các Tỳ-kheo thời quá khứ. Còn Tỳ-kheo A-nan vì sao lại hơn các thị giả của chư Phật quá khứ? Thị giả của chư Phật quá khứ nghe các Ngài giảng sau đó mới hiểu; nhưng Tỳ-kheo A-nan ngày nay Như Lai chưa nói đã hiểu; Như Lai không nói cũng đều biết hết. Do bởi nhân duyên này Tỳ-kheo A-nan hơn các thị giả của chư Phật quá khứ.

(Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 41. Phẩm Chớ Sợ, Kinh số 5)

CÔNG ĐỨC CHÁNH PHÁP

Phàm Chánh pháp là ở nơi dục mà đạt đến vô dục, lìa các kết phược và các bệnh của triền cái. Pháp này giống như mùi các loại hương, không có tỳ vết của niệm loạn tưởng.

Đó gọi là Tỳ-kheo tu hành niệm Pháp, liền có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Cho nên, này các Tỳ-kheo, luôn phải tư duy không rời niệm Pháp, liền sẽ được những thứ công đức thiện này.

(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 3. Phẩm Quảng Diễn, Kinh số 2)

CÔNG ĐỨC CỦA BỐ THÍ

Tỳ-kheo chánh thân, chánh ý, ngồi bắt tréo chân, buộc niệm ở trước, không có tư tưởng nào khác, chuyên tinh niệm Thí. Những gì tôi bố thí hôm nay, là tối thượng trong các sự thí, vĩnh viễn không có tâm hối hận, không mong đền đáp để mong được thiện lợi. Nếu người nào mắng tôi, tôi quyết không mắng trả. Dù người hại tôi, dùng tay đánh, dao gậy đập, gạch đá ném, tôi cũng sẽ khởi lòng từ, không nổi sân hận. Những gì tôi bố thí, ý muốn cho sẽ không dứt tuyệt.

Đó gọi là, đại thí, sẽ thành tựu quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Cho nên, này các Tỳ-kheo, luôn phải tư duy không rời niệm Thí, liền sẽ được những thứ công đức thiện này.

(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 3. Phẩm Quảng Diễn, Kinh số 5)

CÔNG ĐỨC CỦA GIỚI

Tỳ-kheo chánh thân, chánh ý, ngồi bắt tréo chân, buộc niệm ở trước, không có tư tưởng nào khác, chuyên tinh niệm Giới. Giới có nghĩa là dừng các điều ác. Giới khiến thành tựu đạo, khiến người hoan hỷ. Giới là anh lạc đeo thân, hiện những vẻ đẹp.

Phàm cấm giới, giống như bình cát tường, mọi sở nguyện liền đạt được. Mọi pháp đạo phẩm đều do giới mà thành tựu.

Như vậy, Tỳ-kheo thực hành cấm giới sẽ thành tựu quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Cho nên, này các Tỳ-kheo, luôn phải tư duy không rời niệm Giới, liền sẽ được những thứ công đức thiện này.

(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 3. Phẩm Quảng Diễn, Kinh số 4)

CÔNG ĐỨC CỦA TỊCH TĨNH

Tỳ-kheo chánh thân, chánh ý, ngồi bắt tréo chân, buộc niệm ở trước, không có tư tưởng nào khác, chuyên tinh niệm tịch tĩnh. Tịch tĩnh là tâm ý tưởng lắng đọng, chí tánh an nhàn, mà không nóng nảy; tâm hằng chuyên nhất, thích nơi vắng vẻ, thường tìm phương tiện nhập định tam-muội, thường niệm tưởng không ham tranh thắng, dành chỗ trước trên.

Như vậy, đó gọi là niệm tịch tĩnh, liền được thành tựu đầy đủ quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Cho nên, này các Tỳ-kheo, luôn phải tư duy không rời niệm tịch tĩnh, liền sẽ được những thứ công đức thiện này.

CÔNG ĐỨC NHƯ LAI

Thể của Như Lai được thành tựu từ kim cương, đầy đủ mười lực, bốn vô sở úy, dõng mãnh giữa đại chúng. Gương mặt của Như Lai đoan chánh vô song, nhìn không chán mắt. Giới đức thành tựu giống như kim cương không thể phá hoại, trong sạch không tỳ vết cũng như lưu ly. Tam-muội của Như Lai chưa từng sút giảm, đã tĩnh chỉ, vĩnh viễn tịch tĩnh, không có niệm khác. Các thứ tình kiêu mạn, ngang bướng đã vắng im, ý tham dục, tưởng sân hận, tâm ngu hoặc, mạn kết do dự, tất đều tận trừ. Huệ thân của Như Lai, trí không bờ đáy, không bị chướng ngại. Thân Như Lai, được thành tựu từ giải thoát, các cõi đã hết, không còn sinh phần để nói ‘Ta sẽ đọa nơi sinh tử.’ Thân Như Lai được vượt qua thành trì của tri kiến, biết căn cơ người khác đáng được độ hay không đáng được độ, chết đây sinh kia, xoay vần qua lại trong ngằn mé sinh tử, có người g iải thoát, người không giải thoát; Như Lai thảy đều biết tất cả.

Đó là tu hành niệm Phật, liền có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Cho nên, này các Tỳ-kheo, luôn phải tư duy không rời niệm Phật, liền sẽ được những thứ công đức thiện này.

(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 3. Phẩm Quảng Diễn, Kinh số 1)

CÚNG DƯỜNG ĐỨC PHẬT

Tế tự, lửa trên hết
Các sách, kệ là nhất
Vua, tôn quý loài người
Các sông, biển là nguồn.
Trong sao, trăng sáng nhất
Ánh sáng, mặt trời nhất
Trên dưới và bốn phương
Trong hết thảy vạn vật.
Trời và người thế gian
Phật là trên tất cả
Ai muốn cầu phước kia
Hãy nên cúng dường Phật.

(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 34. Phẩm Đẳng Kiến, Kinh số 5)

CUNG KÍNH NHƯ LAI

Trưởng lão Tỳ-kheo duỗi chân về phía Thế Tôn mà ngủ này trong vòng năm trăm năm thường làm thân rồng. Nay mà mạng chung cũng sẽ sinh vào trong loài rồng. Sở dĩ như vậy là vì không có lòng cung kính đối với Phật, Pháp và Thánh chúng, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh vào loài rồng. Các ngươi có thấy Sa-di Tu-ma-na tuổi vừa lên tám, ngồi thẳng tư duy, cách Ta không xa không?

Các Tỳ-kheo thưa: Thật vậy, bạch Thế Tôn.

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: Sa-di này, ngay sau đây bảy ngày sẽ đạt được bốn thần túc, cùng đắc pháp bốn đế, được tự tại trong bốn thiền, khéo tu bốn chánh đoạn. Sở dĩ như vậy là vì Sa-di Tu-ma-na này có lòng cung kính đối với Phật, Pháp và Thánh chúng. Vì vậy cho nên, các Tỳ-kheo hãy luôn luôn siêng năng cung kính Phật, Pháp và Thánh chúng.

(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 30. Phẩm Tu-đà, Kinh số 2)

CÙNG MỘT SẮC DA

Đầu tiên dòng sát-lợi
Kế đến bà-la-môn
Thứ ba là tỳ-xá
Tiếp nữa dòng thủ-đà.
Có bốn dòng dõi này
Dần dần sanh lẫn nhau
Đều từ thân trời đến
Và cùng một sắc da.

(Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 40. Phẩm Bảy Ngày, Kinh số 1)

ĐẠI ĐỆ TỬ CỦA THẾ TÔN

1) Tỳ-kheo đệ nhất trong hàng Thanh văn của Ta, có oai nghi đoan chánh, bước đi khoan thai, chính là Tỳ-kheo Mã Sư.

2) Trí tuệ không cùng, giải tỏa các nghi, chính là Tỳ-kheo Xá-lợi-phất.

3) Thần túc nhẹ bay đến tận mười phương, chính là Tỳ-kheo Đại Mục-kiền-liên.

4) Dõng mãnh tinh tấn, cam chịu khổ hạnh, chính là Tỳ-kheo Nhị Thập Ức Nhĩ.

5) Thực hành mười hai đầu-đà khó hành, chính là Tỳ-kheo Đại Ca-diếp.

6) Đệ nhất thiên nhãn, thấy tận cõi mười phương, chính là Tỳ-kheo A-na-luật.

7) Ngồi thiền nhập định, tâm không tán loạn, chính là Tỳ-kheo Ly-viết.

8) Thường khuyên mọi người làm gương bố thí, thiết lập trai giảng, chính là Tỳ-kheo Đà-la-bà-ma-la.

9) Tạo lập phòng ốc, nhà cửa cho Tăng mười phương, chính là Tỳ-kheo Tiểu Đà-la-bà-ma-la.

10) Giòng họ tôn quý xuất gia học đạo, chính là Tỳ-kheo La-tra-bà-la.

11) Khéo phân biệt nghĩa, phô diễn đạo giáo, chính là Tỳ-kheo Đại Ca-chiên-diên.

(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 4. Phẩm Đệ Tử, Kinh số 2)

ĐẠI ĐỆ TỬ NI CỦA THẾ TÔN

1) Tỳ-kheo-ni đệ nhất trong hàng Thanh văn của Ta, xuất gia học đạo lâu, được quốc vương cung kính, chính là Tỳ-kheo-ni Đại Ái Đạo Kiều-đàm-di.

2) Trí tuệ thông minh, chính là Tỳ-kheo-ni Sấm-ma.

3) Thần túc đệ nhất, cảm đến các thần, chính là Tỳ-kheo-ni Ưu-bát Hoa Sắc.

4) Thực hành pháp đầu đà với mười một điều hạn ngại, chính là Tỳ-kheo-ni Cơ-lê-xá Cù-đàm-di.

5) Thiên nhãn đệ nhất, nhìn khắp không trở ngại, chính là Tỳ-kheo-ni Xa-câu-lê.

6) Tọa thiền nhập định, ý không phân tán, chính là Tỳ-kheo-ni Xa-ma.

7) Phân biệt nghĩa thú, diễn rộng đạo giáo, chính là Tỳ-kheo-ni Ba-đầu-lan-xà-na.

8) Vâng giữ luật giáo không hề trái phạm, chính là Tỳ-kheo-ni Ba-la-giá-na.

9) Đạt tín giải thoát, không thối lui trở lại, chính là Tỳ-kheo-ni Ca-chiên-diên.

10) Đạt bốn biện tài, trong lòng khiếp sợ, chính là Tỳ-kheo-ni Tối Thắng.

(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 5. Phẩm Tỳ-kheo-ni, Kinh số 1)

ĐẠI KIẾP, TIỂU KIẾP

Tỳ kheo, hãy dùng phương tiện mà biết, kiếp có suy tận, không thể tính kể. Nhưng kiếp có hai thứ. Đại kiếp và tiểu kiếp. Nếu trong kiếp nào mà không có Phật xuất thế, khi ấy lại có Bích-chi-phật xuất thế, kiếp ấy gọi là tiểu kiếp. Nếu trong kiếp nào có Như Lai xuất thế, bấy giờ trong kiếp ấy không có Bích-chi-phật xuất thế; kiếp này gọi là đại kiếp.

(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 50. Phẩm Lễ Tam Bảo, Kinh số 10)

ĐÀN VIỆT THÍ CHỦ

Đàn-việt thí chủ đối với các ngươi cung kính như là con hiếu thuận mẹ cha, nuôi dưỡng, hầu hạ, khiến cho năm uẩn được tăng ích, để ở nơi cõi Diêm-phù-lợi mà hiện các thứ nghĩa. Quán đàn-việt thí chủ là người hay thành tựu giới, văn, tam-muội, trí tuệ; làm nhiều lợi ích cho các Tỳ kheo, ở trong Tam bảo không có điều gì quái ngại.

Thí chủ là người hay cho các ngươi áo chăn, ẩm thực, khăn trải giường chõng, thuốc thang cho bệnh tật. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy có tâm từ đối với đàn-việt. Ân nhỏ thường không quên, huống chi ân lớn. Hằng đem tâm từ mà nói cho đàn-việt kia về hành vi thanh tịnh của thân, khẩu, ý, không thể tính đếm, không thể hạn lượng. Hãy với thân hành từ, khẩu hành từ, ý hành từ, khiến cho vật sở thí của đàn-việt kia trọn không bị phế bỏ, được quả lớn, thành tựu phước hựu lớn, có danh xưng lớn, truyền khắp thế gian, pháp vị cam lồ.

(Tăng Nhất A Hàm,10. Phẩm Hộ Tâm, Kinh số 3)

ĐẠO PHẨM

Nếu có Tỳ-kheo nào mà các căn tịch tịnh, ăn uống biết tiết độ, không bỏ kinh hành, thường niệm buộc ý vào trong đạo phẩm, Tỳ-kheo này đạt được một trong hai quả, ở trong hiện pháp hoặc chứng chánh trí, hoặc đắc A-na-hàm. Cũng như người đánh xe giỏi, ở trên đường bằng thẳng, đánh xe tứ mã không bị ngưng trệ, muốn đến nơi nào, chắc chắn được không nghi ngờ. Tỳ-kheo nầy cũng lại như vậy, các căn tịch tịnh, ăn uống biết tiết độ, không bỏ kinh hành, thường niệm buộc ý ở trong đạo phẩm, Tỳ-kheo nầy liền thành một trong hai quả, ở trong hiện pháp hoặc dứt sạch các lậu, hoặc đắc A-na-hàm.

(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 21. Phẩm Tam Bảo, Kinh số 6)

ĐÂY DỨT KIA DỨT, ĐOẠN SANH TỬ

Nhân duyên này không thì không (kia), đây diệt thì (kia) diệt,
Vô minh diệt thì hành diệt
Hành diệt thì thức diệt
Thức diệt thì danh sắc diệt
Danh sắc diệt thì sáu xứ diệt.
Sáu xứ diệt thì xúc diệt
Xúc diệt thì thọ diệt
Thọ diệt thì ái diệt
Ái diệt thì thủ diệt.
Thủ diệt thì hữu diệt
Hữu diệt thì sanh diệt
Sanh diệt thì chết diệt.

Chết diệt thì sầu ưu khổ não đều bị diệt sạch ngoại trừ pháp giả hiệu.

Pháp tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cũng lại như vậy. Khi khởi thì khởi, nhưng không biết nó từ đâu đến. Khi diệt thì diệt cũng không biết nơi nó diệt, trừ pháp giả hiệu kia.

Pháp giả hiệu kia là, đây khởi thì (kia) khởi, đây diệt thì (kia) diệt. Sáu xứ này cũng kh��ng có người tạo tác, cũng vậy danh sắc. Pháp sáu xứ là do cha mẹ mà có thai, cũng không nhân duyên mà có. Đây cũng là giả hiệu. Trước phải có đối đãi, sau đó mới có.

Giống như dùi cây tìm lửa. Vì trước có đối đãi, sau đó lửa sanh. Lửa không từ cây ra, cũng không ở ngoài cây. Nếu có người nào bổ cây tìm lửa, cũng không thể được. Đều do nhân duyên hội hợp, sau đó có lửa. Sáu tình này khởi bịnh cũng lại như vậy, đều do duyên hợp ở trong đó khởi bệnh. Khi sáu xứ này khởi thì khởi, cũng không thấy nó đến. Khi diệt thì diệt, cũng không thấy nó diệt, trừ pháp giả hiệu kia. Nhân vì cha mẹ hội hợp mà có.

(Tăng Nhất A Hàm, Sáu Pháp, 37. Phẩm Thính pháp, Kinh số 7)

DI LẶC HẠ SANH

Di-lặc Như Lai sẽ thọ tám vạn bốn nghìn năm. Sau khi bát-niết-bàn, di pháp của Ngài sẽ tồn tại tám vạn bốn nghìn năm. Sở dĩ như vậy, vì chúng sanh thời bấy giờ thảy đều có căn tính linh lợi. Nếu có thiện từ, thiện nữ nhân nào muốn thấy Phật Di-lặc và các Thanh văn trong ba hội, thành Kê-đầu, và bốn đại bảo tàng, muốn được ăn thứ lúa tự nhiên, mặc loại y phục tự nhiên, rồi khi thân họai mạng chung sanh lên trời, những thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy hãy chuyên cần tinh tấn, không sanh lười biếng, và hãy cúng dường thừa sự các pháp sư bằng các thứ hương hoa thơm, cùng các phẩm vật cúng dường chớ để thiếu thốn.

(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 48. Phẩm Bất Thiện, Kinh số 3)

ĐỊA NGỤC DO CHÍNH MÌNH TẠO

Diêm vương bảo tội nhân kia, ‘Các ngươi không được thiện lợi. Xưa kia ở nhân gian, hưởng phước nhân gian, mà thân, miệng, ý hành không tương ưng, cũng không bố thí, nhân ái, lợi người, đẳng lợi, vì vậy nên nay chịu nỗi khổ này. Hành vi ác này chẳng phải do cha mẹ tạo, cũng không phải quốc vương, đại thần tạo ra. Có các chúng sanh thân, miệng, ý thanh tịnh không có nhiễm ô giống như trời Quang âm. Có các chúng sanh tạo các hạnh ác, giống như trong địa ngục; thân, miệng, ý các ông bất tịnh nên đưa đến tội này.’

Diêm-la vương liền nói, ‘Ngày nào tôi sẽ thoát nạn khổ này, được sanh trong loài người, được làm thân người, mong được xuất gia cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo.’

Diêm-la vương còn nghĩ vậy, huống chi các ngươi, nay được thân người, được làm Sa-môn. Cho nên, này các Tỳ-kheo, thường hãy niệm thực hành thân, miệng, ý hành đừng cho thiếu sót. Hãy trừ năm kết sử, tu hành năm căn.

(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 32. Phẩm Thiện Tụ, Kinh số 5)

ĐÍCH NGHĨA CỦA SA MÔN

Làm thế nào để tự thắp sáng, phát khởi pháp lạc, không hư dối, tự quy tối tôn? Ở đây, Tỳ kheo nội tự quán thân, ý an chỉ trên thân, tự thâu nhiếp tâm, trừ khử loạn tưởng, không có sầu ưu. Lại nữa, nội ngoại quán thân, thân niệm. Nội quán thọ, ngoại quán thọ, nội ngoại quán thọ; nội quán tâm, ngoại quán tâm, nội ngoại quán tâm; nội quán pháp, ngoại quán pháp, nội ngoại quán pháp. Tỳ kheo như vậy có thể tự mình thắp sáng, tu hành phát khởi pháp lạc, tự quy tối tôn. Tỳ kheo nào trong hiện tại hay tương lai mà có thể tự thắp sáng, không thoái thất gốc rễ của hành, Tỳ kheo ấy được sinh từ chính Ta.

Cho nên, Tỳ kheo, nếu muốn luận bàn, hãy luận bàn mười sự. Những gì là mười? Tỳ kheo tinh cần, thiểu dục, tri túc, có tâm dũng mãnh, đa văn mà có thể nói pháp cho người, không sợ hãi, giới luật đầy đủ, tam muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, giải thoát tri kiến thành tựu. Nếu muốn luận bàn, các người hãy luận mười đề tài này. Vì sao? Chúng thấm nhuần tất cả, mang lại nhiều lợi ích, khiến có thể tu phạm hạnh, đạt đến chỗ vô vi diệt tận, Niết-bàn giới. Những luận bàn ấy là đích nghĩa của sa-môn. Các ngươi hãy tinh cần tư duy, chớ để tâm rời xa. Tỳ kheo, hãy học điều này như vậy.

(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 47. Phẩm Thiện Ác, Kinh số 7)

DIỆT TẬN

Sắc do nhân duyên vô vi mà có tên này. Vô dục, vô vi, gọi là pháp diệt tận. Pháp ấy bị diệt tận, được gọi là diệt tận. Thọ, tưởng, hành, thức, vô vi, vô tác, đều là pháp diệt tận, vô dục, vô nhiễm ô. Pháp ấy bị diệt tận nên gọi là diệt tận.

Năm thủ uẩn vô dục, vô tác, là pháp diệt tận. Pháp ấy bị diệt tận nên gọi là diệt tận. Năm thủ uẩn này vĩnh viễn đã diệt tận, không sanh trở lại nữa nên gọi là diệt tận.

(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 34. Phẩm Đẳng Kiến, Kinh số 9)

DIỆT THAM DỤC

Hãy diệt một pháp, Ta sẽ xác chứng các ngươi thành A-na-hàm. Một pháp gì? Tham dục.

Bị nhiễm bởi tham dâm
Chúng sanh rơi đường dữ
Siêng tu bỏ tham dục
Liền thành A-na-hàm.

(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 11. Phẩm Bất Đãi, Kinh số 1)

ĐIỀU TAI ƯƠNG TRONG ĐỜI LÀ DO MÌNH TẠO

Lại có người quen làm việc sát sanh, gây các căn nguyên tội ác. Nếu sanh trong loài người, tuổi thọ rất ngắn.

Người quen thói trộm cướp, về sau sanh nhằm nghèo khốn, áo không đủ che thân, ăn không đầy miệng. Đó là do lấy tài vật của người, nên mới chịu như vậy. Nếu sanh trong loài người, phải chịu vô lượng khổ.

Nếu người dâm vợ người khác, sau sanh trong loài người thì gặp vợ không trinh lương.

Người nói dối, sau sanh làm người thì lời nói không ai tin, bị mọi người khi dễ. Ấy là do trước kia lừa dối đời, nói điều hư ngụy.

Người ác khẩu, chịu tội địa ngục. Nếu sanh trong loài người thì nhan sắc xấu xí, ấy là do tiền thân ác khẩu nên chịu báo ứng này.

Người nói ỷ ngữ, chịu tội địa ngục. Nếu sanh trong loài người, trong nhà bất hòa, thường hay đấu loạn nhau. Sở dĩ như vậy, do báo ứng của việc làm bởi tiền thân.

Người nói hai lưỡi, gây đấu loạn đây kia, thọ tội địa ngục. Nếu sanh trong loài người, gia thất bất hòa, thường có chuyện gây gỗ. Sở dĩ như vậy, đều do đời trước gây đấu loạn đây kia.

Người hay ganh tị kẻ khác, chịu tội địa ngục. Nếu sanh trong loài người, thường bị người ghét. Thảy đều do hành vi đời trước mà ra như vậy

Người khởi tâm mưu hại, chịu tội địa ngục. Nếu sanh trong loài người, ý không chuyên định. Sở dĩ như vậy, đều do đời trước móng tâm như vậy.

Hoặc người quen theo tà kiến, chịu tội địa ngục. Nếu sanh trong loài người, phải điếc, mù, câm ngọng, không ai muốn nhìn. Ấy là do nhân duyên bởi việc làm đời trước.

Do báo ứng của mười điều ác này mà dẫn đến tai ương như vậy, chịu vô lượng khổ; huống nữa là ngoài đó ra.

(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 52. Phẩm Đại Ái Đạo Bát Niết-bàn, Kinh số 7)

ĐỐ KỴ

Ta ở trong đây không thấy một pháp nào đưa đến hoại diệt nhanh như ganh ghét, đố kỵ đối với đồng phạm hạnh. Cho nên, các Tỳ-kheo nên tu hành từ nhẫn, thân hành từ, khẩu hành từ, ý hành từ.

(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 11. Phẩm Nhập Đạo, Kinh số 2)

ĐỌA ĐỊA NGỤC

Nay Ta bảo các ngươi, không phải hạnh Sa-môn mà nói là Sa-môn; không phải người phạm hạnh mà nói là phạm hạnh; không nghe Chánh pháp mà nói là tôi nghe Chánh pháp; không có pháp thanh bạch. Người như vậy, thà đưa thân chịu kiếm bén này, chứ không vì không có giới mà nhận người cung kính. Vì sao vậy? Vì nỗi đau này chỉ trong chốc lát, còn sự thống khổ địa ngục thì không thể tả xiết.

(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 33. Phẩm Năm Vua, Kinh số 10)

ĐOẠN NĂM HẠ PHẦN KIẾT SỬ

Cũng như con bò chính dẫn đầu, một con đi đúng thì những con khác đều đi theo. Đệ tử của Ta cũng như vậy, sạch hữu lậu, thành vô lậu, tâm giải thoát, trí huệ giải thoát, ở trong hiện pháp tự thân tác chứng mà tự an trú, vượt cảnh giới Ma đến chỗ vô vi.

Cũng như con bò khoe mạnh kia vượt qua sông Hằng đến được bờ bên kia. Hàng Thanh văn của Ta cũng như vậy, đoạn năm hạ phần kết, thành A-na-hàm, ở trên kia mà bát Niết-bàn, không còn trở lại cõi này nữa, qua cảnh giới ma đến chỗ vô vi.

(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 43. Phẩm Thiên Tử Mã Huyết Hỏi tám Chính, Kinh số 6)

DÙNG HOA ĐIỂM TRANG

Giống như, hoặc có người nam hay người nữ nào xinh đẹp vô song, tự tắm gội, mặc y phục mới, dùng hương thoa người. Lại có người đem hoa ưu-bát đến tặng cho. Người kia được hoa, liền đội lên đầu, vui mừng hớn hở không tự chế được.

Ở đây cũng lại như vậy, nếu có vị thiện gia nam tử nào, do lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo, đối với giới cung kính, không để mất pháp Sa-môn, không có huyễn ngụy, không hành thô tháo, tâm ý nhu hòa, nói luôn nở nụ cười, không tổn thương ý người, tâm thường nhất định, không có thị phi, các căn không loạn.

(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 25. Phẩm Tứ Đế, Kinh số 6)

ĐUỐC SÁNG

Kia, sao gọi là đuốc sáng? Diệt tận tham dâm, sân nhuế, ngu si.

Kia, sao gọi là nhân đưa đến nghiệp đạo đuốc sáng? Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh tam-muội.

Đó là nhân đưa đến nghiệp đạo sáng. Ta cũng nhân đây, đã nói về đuốc sáng, cũng đã nói về nhân đưa đến nghiệp đạo đuốc sáng. Những việc cần làm, nay Như Lai đã chu toàn. Các ngươi hãy khéo nhớ nghĩ, phúng tụng, chớ có lười biếng. Hiện tại nếu không hành, sau này hối không kịp.

(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 16. Phẩm Hỏa Diệt, Kinh số 7)

GIÀ CHẾT

Thế nào là già? Từng loại từng loại chúng sanh, mà ở đây nơi thân thể răng rụng, tóc bạc, khí lực khô cạn, các căn chín rục, thọ mạng ngày càng suy, thức cũ không phục hồi.

Thế nào là chết? Từng loại từng loại chúng sanh, mà dần dần thân thể không còn hơi ấm, vô thường biến dịch, năm thân thuộc chia lìa, thân năm uẩn bị vất bỏ, mạng căn bị cắt đứt.

Tỳ kheo, nên biết, đó gọi là già, bệnh, chết. Đây là pháp nhân duyên mà ý nghĩa được phân biệt rộng rãi. Những gì mà Chư Phật Như Lai cần làm với tâm từ ái, Ta nay đã làm xong. Các ngươi hãy đến dưới gốc cây, ngồi ngoài trời trống, hay giữa bãi tha ma, hay nhớ nghĩ tọa thiền. chớ ôm lòng ngại khổ. Nay không tinh tấn, sau hối hận vô ích.

(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 49. Phẩm Phóng Ngưu, Kinh số 5)

GIÀU SANG LÀ DO BỐ THÍ

Ở trong chúng này Ta không thấy một pháp nào đã tu hành, tu hành nhiều, mà hưởng phước cõi người, hưởng phước cõi trời, chứng đắc Niết-bàn: đó là bố thí rộng rãi.

Phật bảo các Tỳ-kheo: Nếu có người nào hành bố thí rộng rãi, trong đời hiện tại được sắc đẹp, được sức khỏe, được đầy đủ tất cả; cõi trời, cõi người, hưởng phước vô lượng.

Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy hành bố thí, chớ có lòng keo lẫn.

(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 14. Phẩm Ngũ Giới, Kinh số 4)

GIÓ LỐC XOÁY VÀ NGƯỜI HOÀN TỤC

Hôm nay, không trung có gió lốc xoáy. Nếu như có con chim nào lại bay đến đó, như ô thước, hồng hộc, gặp gió này thì đầu, não, lông cánh, mỗi thứ mỗi nơi. Ở đây, một Tỳ-kheo cũng lại như vậy, bỏ giới cấm rồi sống đời bạch y. Khi ấy, sáu vật tùy thân như ba y, bình bát, ống đựng kim, v.v.., thuộc mỗi thứ ở mỗi nơi, giống như gió lốc xoáy thổi chết chim kia. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tu hành phạm hạnh.

(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 25. Phẩm Tứ Đế, Kinh số 8)

GIỚI

Một pháp ấy là gì? Đó là niệm Giới. Hãy khéo tu hành. Hãy quảng bá. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tu hành một pháp, hãy quảng bá một pháp.

(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, Phẩm Thập Niệm, Kinh số 4)

GIỮ GIỚI THÂN, ĐỊNH THÂN, HUỆ THÂN

Hôm nay, Như Lai quán sát đích thú hướng đến của người thiện hành, ngay dù người ấy bị trúng độc, hay bị đao đả thương mà tự dứt mạng sống. Nhưng đó là do muốn xả thân này để hưởng phước trời, sẽ sanh vào cõi lành. Đó là do quả báo nghiệp lành đời trước đưa đến.

Cho nên, Tỳ-kheo, hãy niệm tu hành giới thân, định thân, huệ thân, giải thoát thân và giải thoát tri kiến thân. Muốn cho đời nay được qủa báo kia, đắc đạo cam lồ, ngay dù có nhận y phục, đồ ăn thức uống, ngoạ cụ, thuốc men trị bịnh cũng không lầm lỗi, lại làm cho đàn việt hưởng phước vô cùng.

(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 34. Phẩm Đẳng Kiến, Kinh số 1)

GỐC CỦA TẤT CẢ CÁC PHÁP

Thánh đệ tử đến gặp bậc Thánh, vâng thọ pháp người, hầu hạ thiện tri thức, thường thân cận thiện tri thức, quán sát đất, thảy đều biết rõ ràng từ đâu đến, cũng không đắm trước vào đất, không có tâm nhiễm ô. Nước, lửa, gió, cũng như vậy. Người, Trời, Phạm vương, Quang âm, Biến tịnh, Quả thật, trời A-tỳ-da-đà, Không xứ, Thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ; thấy, nghe, nhớ, biết; một loại, nhiều loại, cho đến đối Niết-bàn cũng không đắm ở Niết-bàn, không khởi tưởng Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì tất cả đều do khéo phân biệt khéo quán sát.

Nếu Tỳ-kheo kia là A-la-hán lậu tận, việc cần làm đã xong, đã đặt gánh nặng xuống, đã dứt sạch nguồn gốc sinh tử, bình đẳng giải thóat. Vị ấy có thể phân biệt đất, thấy không khởi tưởng đắm đất. Người, Trời, Phạm vương cho đến Hữu tưởng vô tưởng xứ, cũng vậy; cho đến đối Niết-bàn, cũng không đắm Niết-bàn, không khởi tưởng Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì đều do đã diệt trừ dâm, nô, si mà được như vậy.

Tỳ-kheo, nên biết, Như Lai, Chí chơn Đẳng chánh giác, đối với đất khéo hay phân biệt, cũng không đắm trước nơi đất, không khởi tưởng về đất. Vì sao vậy? Vì do phá được lưới ái mà được như vậy. Nhân hữu mà có sinh, nhân sinh mà có lão, tử, thảy đều trừ hết. Cho nên Như Lai thành Vô thượng Chánh giác.

Kinh này gọi là: ‘Gốc rễ của tất cả các pháp.’ Nay Ta nói đầy đủ. Những điều mà chư Phật Thế Tôn cần làm, nay Ta đã làm đầy đủ. Các ngươi hãy nghĩ tưởng ở nơi nhàn tĩnh, dưới bóng cây, chánh ý ngồi thiền, tư duy diệu nghĩa. Nay không làm, sau hối vô ích. Đây là những lời giáo giới của Ta.

(Tăng Nhất A Hàm, Chín Pháp, 44. Phẩm Chín Chúng Sanh Cư, Kinh số 6)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]