Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 12: Bí mật lại được bật mí

03/04/201312:59(Xem: 8954)
Chương 12: Bí mật lại được bật mí
Vụ Án Một Người Tu

Chương 12: Bí Mật Lại Được Bật Mí

Hòa Thượng Thích Như Điển
Nguồn: Hòa Thượng Thích Như Điển

Bây giờ vào nằm trong tù rồi, tính đến nay cũng đã hơn 6 tháng, Sư Tịnh Thường có đủ thì giờ để kiểm điểm lại những gì đã xảy ra trong cái chết oan uổng của bà Bảy Diệu Đạo, người nữ thí chủ mà Sư vẫn thường quý mến.

Bao nhiêu câu hỏi, bấy nhiêu câu trả lời cũng chỉ để đó mà thôi chứ chưa có gì sáng tỏ cả. Một hôm Sư nhận được giấy hầu tòa; nên Sư phải chuẩn bị để đi. Bên nạn nhân dĩ nhiên là đã có con cái của bà và ngay cả nhân chứng nữa, là ông hàng xóm bên cạnh đã kêu dùm cảnh sát lúc án mạng xảy ra. Còn bên Sư, lẽ ra phải thuê một Luật sư biện hộ; nhưng chẳng có ai lo cho vấn đề nầy cả. Sư cứ phó thác cho cuộc đời nên chính phủ đã cử một Luật sư làm thiện nguyện ra tranh cãi vụ nầy. Dĩ nhiên, khi họ không lãnh thù lao, chỉ làm với tư cách thiện nguyện thì họ đâu có hết mình. Nếu bên bị cáo tiền bạc và thân nhân lo liệu cũng đỡ đi đôi chút.

Hôm đó là ngày 15 tháng 6, cũng là ngày sinh nhật của Sư, một nhà tu mặc áo nhà tù màu xanh nước biển đã đến trước vành móng ngựa.

Ông Biện lý cuộc mở tập hồ sơ dày cộm với đầy đủ tang chứng và dõng dạc hỏi bị cáo:

- Trần Văn Nam, tại sao ông có hành động sát nhân như thế (Trần Văn Nam là tên thế tục của cha mẹ Sư đã đặt).

- Thưa không! Tôi đã không làm việc ấy.

- Tang chứng và nhân chứng đã rõ ràng, tại sao ông chối điều đó?

Đây là dấu tay của ông đã sờ vào cổ, vào người của bà chủ tiệm. Ngoài ra máu me của bà ta cũng còn sót lại nơi mặt kính của ông đang đeo lúc ấy. Còn nữa. Chiếc áo nhựt bình mà ông mặc đã dính máu của Bà Bảy. Đó là tất cả những tang chứng. Ngoài ra còn một vấn đề quan trọng nữa, trong túi ông đã có một số hột xoàn, đã lấy được và chuẩn bị tẩu thoát, thì có sự giằng co của Bà Bảy, nên Cảnh sát đã hay tin qua người hàng xóm; nên đã đến kịp thời, có phải thế không, nhân chứng?

- Đúng vậy! Chính tôi đã nghe thấy tiếng động và thấy nhà Sư nầy với máu me đầy mình nên kêu Cảnh sát. Ngay lúc ấy tại cửa tiệm vàng không còn thấy ai nữa hết.

Thưa ông Biện lý cuộc, lời của Luật sư thiện nguyện đứng về phía bị cáo nói rằng:

- Thật ra những tang chứng nầy chưa có đủ điều kiện để buộc bị cáo là sát nhân, vì lẽ theo luật pháp ở xứ nầy, khi xảy ra án mạng, nạn nhân hay nhân chứng phải kêu Cảnh sát ngay và không được lấy tay chạm vào bất cứ nơi đâu cả, đằng nầy vì không biết luật pháp sở tại, hai nữa vì tình thương của một nhà tu nên ông ta mới đến đỡ bà chủ tiệm vàng dậy, do đó dấu tay ấy chứng tỏ không phải là dấu tay bóp cổ bà chủ. Còn những giọt máu còn đọng lại trên kính của nhà Sư kia cũng thế thôi. Đó chỉ là một sự ngẫu nhiên, khi đỡ nạn nhân lên, trong tiếng nói thì thào, bà ta đã thổi mạnh vào mặt kiếng. Còn vàng bạc và kim cương hiện có trong túi (đãy) đựng y áo của ông ta, theo ông ta nói, đó là đồ để dành đã mang từ Việt Nam sang và nhờ bà chủ xem hộ để đón giá.

Cả hội trường ở dưới nhao nhao lên và kẻ thì thu tay lại đấm vào hư không, người thì lấy tay chỉ trỏ vào bị cáo.

Nói lớn lên rằng: Hãy giết nó, hãy cho nó một án tử hình. Vì chính nó là kẻ sát nhân. Rồi từng tàng khua tay múa mỏ liên tiếp như vậy được thốt ra.

Sư lẳng lặng nghe như điếng hết cả người. Những tiếng nói ấy chẳng ai khác hơn là con cái của Bà Bảy. Lúc bấy giờ Sư mới thấm thía cho tình đời nghĩa đạo. Sư nhìn quanh quẩn gian phòng xử án hôm đó, chẳng có ai là đại diện cho mình để đi tham dự phiên tòa nầy cả. Sư nhìn vị Luật sư trẻ kia để thầm cảm ơn ông ta. Mặc dầu Sư không hiểu hết được những gì ông ta đã biện hộ dùm; nhưng Sư tin chắc là những lời nói vừa rồi của ông ta không phải là những lời kết án mà là những lời bênh vực cho Sư, nên bên nạn nhân mới to tiếng cãi lại như thế, làm cho ông Biện lý cuộc phải lấy búa gỗ đạp vào bàn mấy cái, cả hội trường mới yên lặng lại như cũ. Đoạn ông tuyên bố:

- Tòa cần 30 phút để nghị án. Mong quý vị trở lại phòng nầy đúng giờ như đã quy định.

Sau 30 phút, mọi người đã trở lại hội trường xử án. Lúc bấy giờ ai cũng chờ đợi một phán quyết từ quan tòa; nhưng cuối cùng rồi ông Biện lý cuộc đã tuyên bố rằng:

- Thật sự ra vụ án nầy còn nhiều uẩn khúc lắm! Chưa thể kết tội bị can ngay lúc nầy được. Bổn tòa phải cần thêm nhân chứng và nhất là thời gian, ít nhất là 6 tháng mới tái xử lại vụ án nầy. Đến đây xem như phiên tòa thứ nhất được kết thúc.

Ai nấy ra về; nhưng không vui vẻ mấy. Còn Sư được hai người Cảnh sát còng tay lại và chở về nhà tù, nơi Sư đã ở bấy lâu nay.

Ở trong tù, Sư học thêm tiếng địa phương để còn bập bẹ với cai tù hoặc bạn tù nữa; nên mỗi ngày Sư đã học được 4 tiếng. Thời gian còn lại Sư xem truyền hình, chơi bóng bàn. Thỉnh thoảng cũng dọn dẹp vệ sinh và đôi khi cũng có người từ phương xa đến thăm Sư; nên Sư phải tiếp khách.

Ở đây việc thăm viếng cũng dễ, nó tự do như bao sự tự do khác ở bên ngoài; nhưng tất cả đều được theo dõi kỹ càng. Tất cả những cuộc nói chuyện đều được thâu băng lại, mà cả người thăm lẫn người tù đều không biết. Vì vậy không ai dám nói sự thật cho nhau nghe gì cả. Chỉ thăm hỏi qua loa về vấn đề sức khỏe và nhiều lắm là cho người thân một ít tiền bạc để tiêu vặt thôi.

Sư cũng còn được một ít an ủi là thỉnh thoảng có bạn bè ở xa tới thăm. Nhìn họ mà Sư chứa chan hai hàng lệ, muốn phân trần với bạn bè thật nhiều; nhưng Sư thấy cũng không đi đến đâu; nên Sư lại thôi.

Một hôm có một nạn nhân mới được nhốt vào ở chung trong phòng giam với Sư, may quá chàng ta là người Việt, nên Sư có cơ hội để nói tiếng mẹ đẻ của mình mà giãi bày tâm sự tất cả xưa nay những gì Sư đã gặp phải. Mục đích không phải minh oan; nhưng để giãi bày tâm sự.

- Nhưng sao cậu phải vào đây? Sư hỏi thế.

- Con hả Sư? Có nhiều lý do lắm. Vì thiếu tiền cho nên phải đi ăn cướp, ăn trộm. Đời con chỉ cần tiền mà thôi. Vì vậy cho nên tiền nó đã hại con và con cũng chẳng màng gì hơn.

"Núi bốn bể là nhà của lữ thứ
Chốn lao tù là quán trọ của đời tôi"

Sau khi Sư nghe cậu ta ngâm hai câu thơ như vậy. Sư hỏi tiếp.

- Vậy cậu ở tù mấy lần rồi?

- Như cơm bữa mà Sư. Bị bắt vào lại được thả ra; nhưng chắc lần nầy thì khó lắm. Vì liên quan đến một án mạng.

Còn Sư, tại sao Sư lại vào đây?. Mới đầu con cũng không tin là một nhà Sư; nhưng con nhìn cung cách và việc ăn chay của Sư trong trại nầy nên con nghi là như vậy. Thực ra không phải con mới bị bắt vào đây đâu; nhưng đã vào ra đây nhiều lần rồi.

Sư hả? Ừ! Thì Sư cũng liên quan đến một vụ án mạng. Nạn nhân là một chủ tiệm vàng.

- Ở đâu vậy Sư?

- Ở nơi đông cư dân Việt Nam mình ở đó.

Bỗng nét mặt của hắn ta sa sầm xuống và lẩm bẩm những gì không biết nữa. Bên nầy Sư Tịnh Thường tiếp tục kể lể những gì đã xảy ra cho hắn ta nghe.

Một hôm Sư đi tắm, lúc trở về thấy thư từ sách vở ở đầu giường mình có gì không bình thường, nên Sư kiểm điểm lại một lần thử xem sao. Đúng ra là có ai đã lục lạo gì đây rồi. Sư không dám nghi là cậu Việt Nam nầy; nhưng có lẹ cũng đúng thôi. Vì chỉ có cậu mới đọc được tiếng Việt, còn tất cả những người bị giam trong phòng nầy đâu có ai hiểu mô tê ất giáp gì đến ngôn ngữ nầy đâu.

Sư cũng định hỏi cậu kia; nhưng lại thôi. Rồi một đêm tối trời, sau khi ngồi Thiền, Sư mới duỗi lưng dài ra để nằm ngủ, thì cậu Việt Nam kia trờ tới bên Sư và nói rằng:

- Sư ơi! Con có điều muốn nói với Sư.

- Việc gì vậy? Để mai nói cũng được mà.

- Không đâu Sư! Con muốn tâm sự cùng Sư.

- Cậu cứ nói:

- Thật ra thì tâm cang con cắn rứt lắm, nhất là khi đã gặp được Sư ở đây và đã hiểu biết về án mạng ấy.

Sư hồi hộp quá hỏi tiếp:

- Nhưng cậu là ai? Và tại sao cậu lại hiểu rành rẽ về vấn đề nầy vậy?

- Con là ai, Sư không cần hiểu đến. Con cũng chỉ là một tứ chiến giang hồ thôi. Nhưng kẻ cướp như con cũng còn có lương tâm mà Sư. Lương tâm ấy là một lời sám hối với Sư đây. Nói xong cậu ta sụp lạy Sư ba lạy, trong khi nước mắt lại ràng rụa chảy dài trên gương mặt còn non nớt độ chừng 25 tuổi ấy.

Sư tự trấn an mình và hỏi tiếp:

- Thế nào? Cậu cho tôi biết rõ hơn đi.

- Thật ra, án mạng hôm đó có con và con là một trong những người đã hành động ấy. Việc làm của tụi con cũng chĩ vì vấn đề tiền thôi.

- Ai đã thuê cậu làm điều đó?

- Việc ấy vẫn còn trong vòng bí mật mà Sư.

- Nhưng tôi tin rằng một ngày mai sẽ được sáng tỏ.

- Lúc ấy chưa biết bao giờ; nhưng có nhiều người liên lụy lắm đấy Sư.

Còn Sư? Sư muốn trắng án?

- Việc ấy chẳng cần thiết; nhưng tôi chỉ muốn biết là ai đã chủ mưu vụ nầy và điều khác, mong rằng linh hồn Bà Bảy sớm siêu thoát nơi thế giới cực lạc của Đức Phật A Di Đà.

- Lâu nay con chẳng tin nhân quả là gì; nhưng sao vụ án nầy con thấy lương tâm con nó áy náy quá. Nếu con khai ra thì đồng bọn con sẽ bị bắt cả lũ, mà chắc chắn điều đó Sư cũng không muốn; nhưng phải khai với Sư, thật tình mà nói con cũng không biết gì hơn nữa, ngoại trừ việc sám hối với Sư là hôm đó con đã có mặt nơi hiện trường và chính con… chính con là người đã hành xử không phải với Sư mà thôi. Ngoài ra còn nhiều tai to mặt lớn khác góp mặt vào vấn đề nầy, khó nói lắm Sư ơi! Bứt dây sẽ động rừng. Con xin Sư.

Sau khi nghe câu chuyện ấy, Sư ôm đầu suy nghĩ. Chuyện đâu mà rắc rối thế. Sư tự nghĩ rằng. Hay mình hãy nhận tội là mình đã giết Bà Bảy để câu chuyện được kết thúc nơi đây và mình sẽ nhận một án tử hình là đủ, rồi mọi việc sẽ trôi vào quên lảng. Rồi Sư suy nghĩ lung tung.

Ai đã chủ mưu cà? Có phải người hàg xóm bên cạnh đã thuê bọn cướp vào cướp của giết người rồi phi tang? Hay con cái của bà ta chủ mưu vụ nầy? Nghĩ đến đây Sư rùng mình, không dám nghĩ tiếp nữa. Mặc dầu ở đây việc ấy xảy ra nhan nhản hằng ngày. Sư nghĩ rằng gia đình nầy là một gia đình gia giáo, nề nếp gia phong làm gì có chuyện ấy. Vả lại tang cha chưa mãn, tang mẹ đã mang, ai có muốn điều đó đâu? Vả lại bà ta đã già rồi, trước sau gì rồi cũng chết, tài sản ấy về tay con cái trong gia đình chứ đâu có thuộc về chùa mình mà họ sợ để làm như vậy? Nhưng nếu có chuyện gì đó không vui, nhiều lắm là xí phần chút đỉnh, chứ làm sao gây ra cả một án mạng lạ lùng như vậy, để làm gì? Còn nữa, nếu con cái muốn tiêu xài, thưa với bà ta và xin bà ta 5, 3 cây vàng chắc bà ta cũng không từ chối đâu, tại sao phải làm như vậy?

Sư nghĩ tới rồi nghĩ lui, nghĩ xuôi rồi nghĩ ngược và cuối cùng chẳng có câu giải đáp nào có lý cả.
Thế rồi Sư muốn nói chuyện tiếp với cậu Việt Nam kia và Sư chỉ yêu cầu cậu ta một điều là hãy làm nhân chứng cho Sư khi Sư ra tòa lần tới. Chỉ cần nói cho Luật sư của Sư biết là, chính y thị là nhân chứng có mặt tại hiện trường để cho họ điều tra tiếp tục.

Sau bao nhiêu lần thuyết phục, cậu ta đồng ý; nhưng Sư thì cũng không biết rõ được luật pháp ở xứ nầy là một người tù có được làm chứng cho một người tù không nữa. Tuy nhiên Sư rất mừng và hằng đêm vẫn cầu nguyện Đức Quan Thế Âm gia hộ cho Sư được sở cầu như nguyện.

Cuối cùng rồi ngày ra tòa lần thứ hai cũng đã đến sau sáu tháng trước. Bây giờ thì Sư đã vững dạ hơn là có nhân chứng trong vụ án rùng rợn kia. Bây giờ quan tòa bắt đầu xử lại vụ kiện.

Nhà Sư Tịnh Thường thế danh Trần Văn Nam lại ra trứơc vành móng ngựa lần thứ hai. Lần nầy thì Sư an tâm hơn lần trước. Vì lần đầu không có kinh nghiệm. Vả lại chẳng có chứng nhân. Còn bây giờ thì Sư an ổn trong lòng lắm.

Đoạn Luật sư biện lý cuộc nói:

- Đã sáu tháng qua bổn tòa cũng đã nghiên cứu sự kiện và bị cáo hôm nay cũng đã có người làm chứng. Vậy nhân chứng đâu hãy nói lên những sự thật.

Sư đưa mắt thật nhanh và nhìn như có ý khẩn cầu người bạn tù Việt Nam kia; nhưng y thị như bị thôi miên chẳng động đậy gì cả. Khiến quan tòa phải nhắc lại một lần nữa.

- Nhân chứng đâu, xin cứ trình bày.

- Dạ em, dạ con tên là Nguyễn Văn Y, không biết, không nghe, không thấy gì cả về vụ nầy!

Sư Tịnh Thường mặt mày hớn hở, bỗng nhiên tái xám đi lúc nào không hay biết. Luật sư thiện nguyện biện hộ cho Sư cũng thất vọng. Không hiểu thế nào là thế nào?

Cuối cùng thì Luật sư của Sư Tịnh Thường có nêu lên vài sự kiện nho nhỏ sư sau:

- Theo tôi, việc nầy ắt có kẻ thứ ba mới xảy ra án mạng ấy được. Không lẽ một ông Thầy thanh niên đánh lộn với một bà già mà ra nông nỗi ấy? Một bà già làm sao có thể đánh nổi một nhà Sư trong tư thế tự vệ được, khi nhà Sư nầy còn trai trẻ như vậy? Và một câu hỏi nữa được đặt ra là; Ai đã đánh nhà Sư? Và ai đã làm cho nhà Sư sưng đầu sưng trán?

Ông Biện lý cuộc cứ bóp trán suy nghĩ và có ý nghi ngờ cho phía nhân chứng. Bỗng ông tuyên bố bãi tòa và có ý muốn gặp riêng người thanh niên bạn tù của Sư để hỏi rõ tự sự như thế nào?

Cả hội trường đã vắng, bây giờ chỉ còn một Luật sư của Biện lý cuộc và cậu thanh niên nầy. Bên ngoài pháp đình có mấy người cảnh sát đang canh giữ.

Ông Biện lý cuộc hỏi:

- Tại sao cậu đã nhận làm nhân chứng? Rồ੠lúc bấy giờ lại nói không thấy, không nghe, không biết nghĩa là thế nào?

- Thưa ông! Tôi sợ bạn bè của tôi phải vào tù chung với tôi nữa; nên không dám nói hết sự thật, làm cho nhà Sư cũng hụt hẫng quá; nhưng tôi phải nói sao đây khi mà áp lực từ phía bên nạn nhân quá nhiều.

Ông quan tòa lẳng lặng nghe từng tiếng một của cậu nầy nói và ghi sâu vào trí nhớ. Đoạn ông hỏi tiếp:

- Theo cậu nói: áp lực từ phía bên kia nghĩa là thế nào?

- Thưa ông! Nếu tôi nói lên sự thật, ông cũng chỉ để làm tin thôi. Vì tôi không nắm rõ hết mọi nguyên nhân của câu chuyện.

- Được! Cậu cứ nói.

- Tổ chức của chúng tôi đông lắm và người dưới chỉ biết một người trên ra lịnh và người trên biết một người trên nữa thôi. Cứ thế và cứ thế cho đến người cuối cùng trên hết. Vì vậy người ở trên cùng thì biết bộ hạ của mình là ai và gồm bao nhiêu người; nhưng ngược lại thuộc hạ ở dưới thì tuyệt nhiên không biết ai là kẻ cầm đầu mình. Vì thế những gì tôi kể cho ông Biện lý cuộc hôm nay nghe đây, cũng chỉ để thêm một sự kiện mà thôi.

Theo tôi nghĩ thì có ai đó đã thuê bọn cướp chúng tôi hạ sát bà chủ để tranh giành tiền bạc của cải. Dĩ nhiên, nếu việc êm xuôi, chúng tôi sẽ nhận được một số tiền. Chỉ đơn giản vậy thôi. Không ngờ hôm đó, đúng 12 giờ trưa là giờ hành động, lại có mặt vị Sư này; nên vị Sư nầy đã bị oan ức đấy thôi. Theo tôi nghĩ thì có nhiều câu hỏi và câu trả lời vậy.

- Đúng thế! Nên việc xử chưa đi đến chỗ chung kết. Bởi vậy chưa tìm ra thủ phạm. Dẫu cho nhà Sư ấy có nhận là thủ phạm đi nữa, bổn tòa cũng sẽ còn chờ nhiều phúc trình khác của Cảnh sát, của Luật sư và của dư luận quần chúng nữa. Thôi xin cảm ơn em và em sẽ được trả lại chỗ cũ.

Về lại nhà, đôi khi vợ con của ông cũng có hỏi về công chuyện ở pháp đình. Hôm nay tự dưng ông lại kể câu chuyện trên cho bà vợ của mình nghe. Thông thường thì ông ít làm việc nầy lắm. Vì nghĩ rằng chuyện công là công và tư là tư, nên đã không làm việc đó.

Nào ngờ đâu bà vợ của ông cũng là một Phật Tử thuần thành, nghe tin một nhà Sư bị nạn như vậy, bà tỏ ý phân bua với chồng:

- Ông thấy đó. Người tu bao giờ cũng chịu hàm oan hết. Tôi hỏi ông, một người tu đã hơn 30 năm rồi. Trong giới luật của Phật chế, con kiến còn không được giết, làm sao giết người? Tuy chúng ta không đồng chủng tộc với bị can; nhưng xin ông hãy thận trọng về vụ án nầy. Một vụ án vô tiền khoáng hậu tại xứ nầy chăng? Chuyện cha cố đôi khi có lăng nhăng về việc tình cảm đôi chút. Còn chuyện một nhà Sư mang tội giết người quả là có nhiều nghi vấn.

- Tôi cũng biết vậy; nhưng sự việc chưa rõ ràng thì phải tính sao đây?

Sau bữa ra tòa hôm đó, Sư về lại căn phòng giam của mình, không còn gặp cậu Việt Nam kia nữa, Sư đâm ra lo âu và cứ tự hỏi với mình rằng:

- Hay chính chủ nhân của cái chết đã gài người vào đây để thử lòng dạ mình? Nhưng Sư thì không tin điều đó. Hỏi rồi tự trả lời như thế.

Tại sao người đàn ông kia khả nghi quá. Đã nhận lời mình là sẽ làm nhân chứng tại tòa; nhưng hôm nay lại không? Chuyện gì đã làm cho hắn ta sợ sệt? Bề nào thì hắn ta cũng đã vào tù nhiều lần rồi. Bây giờ đâu có ngán ngẩm một ai đâu?

Bao nhiêu câu hỏi, bấy nhiêu câu trả lời. Câu nào rồi Sư thấy cũng có lý cả. Nhưng ai và những gì sẽ là câu trả lời đúng nhất cho việc nầy?

Ngày lại tháng qua thế mà đã 7 năm rồi. Bảy năm trôi qua một cách tẻ nhạt trong tù. Trong suốt thời gian ấy Sư Tịnh Thường đã học và nói rất khá tiếng địa phương. Thỉnh thoảng Sư đến nhà bếp trong nhà tù để trổ tài cho các tù mới, thấy tài của Sư trong việc bếp núc.

Người ta thường nói "ma cũ ăn hiếp ma mới"; nhưng Sư thì không. Sư đối xử với mọi người như là những chúng sanh cùng một dòng máu, Sư không phân biệt đen, trắng, đỏ, vàng, nên đã được cảm tình với rất nhiều người và ngay cả cai ngục nữa; nên việc ra vào nhà kho, nhà họp tự do hơn. Nghĩa là Sư muốn đi đâu trong phạm vi của tù, vào bất cứ giờ nào và bất cứ ở nơi đâu, Sư không bị một sự kiểm soát nào cả.

Có đi như vậy Sư mới thấy được hết mọi khổ đau của nhân thế và chính đây là cơ hội để Sư thể hiện tinh thần Bồ Tát Đạo ở chốn Ta Bà nầy. Ngày xưa khi còn là một Du Tăng Khất Sĩ, Sư phải đi xin để độ nhật. Còn bây giờ chính bây giờ và nơi đây đúng là nơi mà Sư có thể tế độ họ một cách dễ dàng.

Sư han hỏi họ, chăm sóc họ, vỗ về họ. Sư giảng cho họ nghe về khổ đau, tục lụy. Về vô thường, vô ngã, về Niết Bàn tịch tịnh chơn như.. Có nhiều khi Sư thấy nhiều người khóc và cũng có lắm lúc có nhiều người đến thố lộ riêng với Sư về chuyện gia đình, chồng con, sự nghiệp v.v… Dĩ nhiên Sư cũng có nỗi khổ riêng của Sư; nhưng ở đây Sư thấy họ còn khổ hơn Sư nhiều như thế nữa và từ đó Sư có ý nguyện ở luôn trong tù để chăm sóc những người bất hạnh hơn mình.

Hạnh nguyện thì cao cả thật; nhưng đâu phải ai cũng làm được, ngoại trừ một số người có tâm địa Bồ Tát, muốn cứu độ chúng sanh.

Hình ảnh của một nhà Sư đi ủy lạo những người bạn tù, đi săn sóc vấn đề tâm linh cho những người cùng một cảnh ngộ, đã làm cho nhiều người hoan hỷ, tán thán và chính Sư cũng rất vui khi thực hiện những công việc nầy.
Rồi một hôm sau 7 năm không động đậy tới chuyện hầu tòa, bỗng nhiên Sư được kêu lên và được biết là sẽ ra tòa lần thứ ba vào ngày thứ hai tuần tới.

Lần nầy thì Sư chẳng mong gì hơn là xin tòa ở lại trong tù để coi sóc tù nhân. Nhưng Biện lý cuộc đã nói, khi Sư đã đến trước vành móng ngựa:

- Thú thật với mọi người, vụ án nầy sau 7 năm đã điều tra, không tìm ra được thủ phạm. Tuy có một vài việc đáng nghi ngờ cho ông Sư nầy là can phạm; nhưng cũng không đủ kết tội vị nầy là giết người.

Bên kia, vị Luật sư của bị cáo tiếp:

- Thưa ông Biện lý!, ông Biện lý nói điều ấy rất đúng và hôm nay tôi có thêm một số bằng chứng nữa để chứng minh rằng nhà Sư nầy không có ý vào tiệm để cướp của giết người. Sau khi thu thập mọi dữ kiện, chúng tôi thấy rằng những nữ trang mà cửa tiệm mất không phải là số nữ trang nằm trong túi (đãy) y áo của Sư, mà số nữ trang nầy chính là của riêng Sư, mặc dầu những vật nầy không có chứng từ là từ đâu mang đến.

Còn nữa, bọn cướp của giết người đã cao bay xa chạy. Nếu vụ án nầy chỉ có một bà già và một thanh niên Tăng như Sư đây thì không đến nỗi phải xảy ra án mạng. Vả lại, khi tìm hiểu sâu hơn thì đương sự ở đây và kẻ bị giết không có tiền án; mà ngược lại họ đã có một sự liên hệ rất tốt đẹp cho đến ngày cuối cùng khi xảy ra án mạng.

Sau một hồi lâu nghỉ để nghị án, ông Chánh án, ông Biện lý cuộc và Luật sư của bị can cũng như tất cả mọi người hầu tòa hôm đó đều nghe ông Chánh án dõng dạc tuyên bố rằng:

- Nhà Sư được tại ngoại; nhưng vụ án chưa kết thúc. Vì Sư không phải là kẻ giết người. Chỉ khi nào tìm ra kẻ giết người hoặc kẻ chủ mưu giết người thì Sư mới trắng án.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]