Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 9: Nguyên nhân của mọi nguyên nhân

03/04/201312:42(Xem: 10215)
Chương 9: Nguyên nhân của mọi nguyên nhân
Vụ Án Một Người Tu

Chương 9: Nguyên Nhân Của Mọi Nguyên Nhân

Hòa Thượng Thích Như Điển
Nguồn: Hòa Thượng Thích Như Điển

Khi Sư Tịnh Thường mới đến đây đã ở chung trong một Tịnh Xá với quý Sư khác. Nói là một Tịnh Xá chứ thật ra chỉ là một ngôi nhà không hơn không kém. Gian chính giữa trước đây là phòng khách, quý Sư đã đập tường và làm thành chánh điện, nơi đây dung chứa chừng 50 người. Hai gian tả hữu có hai phòng ở để cho hai Sư lờn. Có nhà bếp và hai cầu tiêu, còn Sư thì tạm trú nơi garage (nhà xe).

Ở đây nói cái Chùa, hay Tịnh Xá, Tịnh Xá cho nó xôm tụ vậy thôi, chứ thật ra Tịnh Xá ấy không có đường nét gì tượng trưng cho chùa chiền cả. Chỉ thượng lên đó một tấm bảng đề tên Chùa, Tịnh Xá A, B, vậy thôi. Một điều mà ở Việt Nam chúng ta đều không có là chùa phải đi vay tiền ngân hàng mới mua được nhà. Chủ nhà có chừng 10 đến 20 phần trăm số tiền phải mua là ngân hàng đã cho vay rồi. Phải trả tiền lời lẫn vốn trong vòng 15 hay 20 năm. Nếu trong 20 năm ấy có 3 tháng liên tiếp không trả tiền nhà, thì xem như nhà kia, chùa kia bị treo bảng bán đấu giá và người chủ kia chẳng có quyền hạn gì nữa. Quyền ở đây là quyền định đoạt của giấy tờ và của ngân hàng.

Có nhiều người mới ra ngoại quốc chừng một vài năm, đứng trước một biệt thự nào đó sang trọng để chụp hình bên cạnh chiếc xe hơi láng bóng rồi gởi về Việt Nam, bảo rằng đây là nhà và xe mới mua. Chỉ nói có vậy thôi; nên ai cũng nghĩ rằng ra ngoại quốc ai cũng có thể lượm được vàng, đô-la một cách dễ dàng. Điều ấy vì thiếu sự giải thích, mà nếu có giải thích đi chăng nữa, ở nhà đâu có ai chịu hiểu cho. Thôi thì sẵn trớn viết thư về tả cảnh cho nó vui miệng vậy thôi. Nào ngờ nó có một tác động tâm lý đáo để.

Cũng vì vậy mà đã có biết bao nhiêu người bán hết tài sản để tìm đường vượt biên để tìm vàng. Cho nên có nhiều lúc những người lãnh đạo đương thời tại Việt Nam mình bảo họ đi tạn kinh tế; nhưng đâu có ai có thể biết được rằng với tài sản đó, với của cải đó, ở Việt Nam suốt cả cuộc đời họ ăn, xài có hết đâu. Họ đi có lẽ một phần cũng vì cái hào nhoáng bên ngoài khoe khoang gởi hình ảnh về của thân nhân, mà phần khác chính đáng hơn là họ thấy nơi quê hương của họ không được thoải mái ở mọi phương diện, nhất là vấn đề tư tưởng,nên họ mới ra đi. Ở đâu thì cũng thế; nhưng có lửa mới có khói chứ?

Nhiều nhà Sư cũng thế, khi qua đến đảo họ tự đóng cho mình mỗi người một cái khung để họ ngồi trọn vào trong đó. Khi đến một nước thứ 3 định cư, họ thấy nó không giống như thế nên mới đâm ra khổ đau và trách trời, giận người. Khi ở Việt Nam thì muốn đi cho khỏi nước; nhưng khi đến đất nước tự do rồi lại muốn trở về Việt Nam. Quả thật, đời là một sự luẩn quẩn không lối thoát.

Đa số họ muốn có tiền cho thật nhiều, cho thật lẹ; nhưng họ đâu có ngờ người địa phương cũng phải đầu tắt mặt tối đi làm mỗi ngày 2 xuất mới có thể dành dụm để mua trả góp chiếc xe, cái nhà trong vòng mấy chục năm. Ai biết cho họ điều đó. Còn mình ở đây khi đi tìm việc, muốn làm việc nhẹ; nhưng thiền thì muốn kiếm cho nhiều. Quả thật, người Việt Nam mình muốn những điều mà thiên hạ ở đây khó muốn được như thế lắm.

Có nhiều nhà Sư ra ngoại quốc khoe khoang đủ điều, nói rằng ở Việt Nam đã học y khoa năm cuối, đi làm việc trong bệnh viện, con cháu đế vương. Khi về lại nước để thăm chơi, nói rằng mình là giám đốc ngân hàng, sáng lập chùa nầy chùa nọ và đậu Y khoa Bác sĩ tại Đại Học đường kia. Đúng là bệnh giả tưởng của thời đại. Không biết giới thứ 4 trong 5 giới, vị Sư nầy đã hành trì chưa?

Sư Sãi, Thượng Tọa, Đại Đức đã như vậy thì còn nói gì đến Phật Tử hay người thường. Dĩ nhiên cũng có nhiều người Phật Tử khá hơn Sư nữa; nhưng họ đâu có khoe trương bằng cấp. Họ là Tiến sĩ, Kỹ sư; nhưng với họ, nó chẳng có ý nghĩa gì. Còn ở đây người tu, bảo người ta hãy phá chấp, còn mình thì chấp chặt nặng nề.

Bởi vậy đã có nhiều người Tăng Sĩ tự thú rằng: Khi còn là Cư sĩ, đang mặc áo cư sĩ; nhưng tâm luôn hướng đến cuộc sống tâm linh của một người tu. Còn bây giờ, đã được làm Tăng Sĩ rồi, mình mặc chiếc áo Tăng sĩ; nhưng tâm tư lại hướng về cư sĩ. Câu nói ấy tuy nó nhẹ nhàng bình dị đấy; nhưng nó có giá trị rất nhiều trong hiện tại. Nếu ai là Tăng sĩ hãy tự nhiệm lại xem có đúng phần nào chăng?

Cũng vì thấy cách thức sinh hoạt trong chùa viện nơi đây có khác xa ở Việt Nam và những nơi khác trên thế giới; nên Sư Tịnh Thường muốn ra ở riêng. Mà muốn ở riêng thì phải có vốn liếng và tín chủ. Riêng về phần vốn liếng, Sư đã có ít nhiều, mang theo từ Việt Nam sang đây. Còn nghề nghiệp thì chẳng có gì ngoại trừ nghề chuyên môn là hốt thuốc Bắc và chẩn mạch cho thuốc.

Ở đây tương đối họ cũng dễ dãi, cho bà con Á Châu mình nhập cảng thuốc Bắc; nên nhân cơ hội nầy Sư Tịnh Thường đã được nhiều nữ tín đồ tin tưởng và nhờ Sư hốt thuốc cho. Thật sự ra ở Việt Nam Sư cũng đã chẳng học nghề thuốc. Nhưng vì hoàn cảnh đẩy đưa, sau năm 1975 nhà nước cho dùng thuốc Nam, đa số dùng toàn cây cỏ. Mà nhà chùa chính là nơi dân chúng hay tin tưởng, nên đến đó hốt thuốc trị bịnh và cũng chính vì lý do nầy cho nên Sư đã biết được chút ít về tên gọi của các cỏ cây trong toa thuốc. Từ thuốc Nam chuyển sang thuốc Bắc cũng không khó gì. Thuốc Nam ở đây ý nói là thuốc của phương Nam hay thuốc của nước Việt Nam, còn thuốc Bắc là thuốc thuộc phương Bắc hay thuốc Tàu.

Trong những người tín chủ hay đến với Sư, có nhiều nhà giàu có và có máu mặt ở thành phố nầy. Họ cũng giàu lòng từ thiện, nên đó cũng là cái phao để Sư có thể bám vào. Dĩ nhiên không phải là để đào mỏ; nhưng ít ra nơi đó cũng là một cái thế dựa vững chắc, khi cần đến.

Sư còn thêm một biệt tài là đoán tướng bàn mộng nữa; nên nhiều bà đã tin Sư rất nhiều. Sư kể chuyện đã hấp dẫn lôi cuốn người nghe thì việc thêm mắm đặm muối vào có khó gì đâu. Ở đời người ta nói đây là người sành tâm lý mà.

Một hôm Sư tâm sự với một Phật Tử rằng:

- Tâm Chơn xem nầy! Khi thấy một người ăn bận lôi thôi, nét mặt nhăn nheo, bàn tay sần sù, dáng đi mệt nhọc, phải biết ngay là người lao động cực nhọc, cứ thế mà nói về gia đạo, tình duyên, con cái, tiền bạc v.v…

Nếu nhìn một người sáng sủa, trên mặt không lộ vẻ ưu tư phiền muộn; đài các, vầng trán cao, đi xe đẹp, thì phải biết ngay là dân có tiền, cứ thế mà đoán tới, thế nào cũng đúng trên 50 phần trăm. Mà thông thừơng người đi xem tướng chỉ tìm hiểu ở điều đúng, ít để ý tới điều sai; nên hay quên đi cái nhỏ và thổi phồng cái lớn, thế là mình nổi tiếng nhanh thôi.

Nếu nhìn một anh mặt mày sáng sửa, đẹp đẽ, ăn mặc đàng hoàng, phải biết người đó thuộc hạng Kỹ sư, Công chức hay Bác sĩ, Giám đốc gì đó, thế là mình cứ tự nhiên phăn tới để đoán ái tình, tiền bạc, gia đạo v.v… là trúng boong hà.

- Bạch Sư! Làm thế có tội không Sư?

Nghe hỏi câu hỏi nầy, Sư không thoải mái chút nào; nhưng Sư cũng cố gắng trả lời:

- Mặc dầu điều ấy Phật đã cấm, không cho người tu đoán mộng, xem tướng; nhưng họ cần mình, chứ mình có nài nỉ họ đâu?

- Sư nói vậy chẳng khác nào, không làm y sĩ mà treo bảng chữa bịnh; nếu phước chủ may Thầy bịnh lành thì Sư tiếp tục chẩn đoán, còn lỡ tay làm chết con bịnh thì Sư chạy tội sao?

- Ừ! Thì Tâm Chơn có lý đấy; nhưng trong cuộc sống nầy, Tâm Chơn không biết rằng tất cả chỉ là phương tiện sao?

Một hôm có một bà Phật Tử tới nhờ Sư hốt dùm một thang thuốc, vì ăn chẳng thấy ngon, ngủ cũng không yên: Đầu tiên Sư bắt mạch và đúng thế thấy mạch nhảy không đều, chứng tỏ rằng bệnh nhân lo nghĩ nhiều quá. Sẵn đà Sư hỏi tới và bà ta tâm sự với Sư:

- Sư thấy đó nhà con có hai tiệm vàng. Con cái thì năm bảy đứa, đứa nào cũng tranh quyền và tranh của, làm con khổ đau quá. Không biết là chia cho đứa nào nhiều đứa nào ít. Còn chồng con thì cũng mới mất đây thôi; nên cũng khó xử quá. Phải chi ổng còn sống thì con đỡ lo về vấn đề nầy.

Sư nghe câu chuyện, như bắt được đường dây, nên dọ hỏi tiếp:

- Bà thí chủ nói vậy, con cái ở đây khó dạy bảo lắm sao?

Được lời như cởi tấm lòng, thế là bà ta kể có dây có nhợ, như sau:

- Sư thấy đó, ở Việt Nam mình là cha mẹ nó, chứ qua đây nó là cha mẹ mình. Ở Việt Nam con cái lớn lên, cha mẹ dựng vợ gả chồng. Còn ở đây khi chúng nó lớn lên mình chẳng có quyền gì cả. Lâu lâu nó dẫn về một thằng "bồ" địa phương hay con "bồ" địa phương, con trông mà phát ghét, đầu cổ tóc tai thấy chẳng giống ai hết, ăn nói vô lễ, không dạ không thưa trong khi miệng nhai bỏm bẻm kẹo cao su…

Rồi tiền bạc, sự nghiệp cũng thế. Ở đây cứ đủ 18 tuổi là chúng đòi ra riêng, đòi có xe hơi, nhà cửa, máy móc v.v… Cái gì cũng riêng hết trọi, làm cho con nhức đầu quá không biết tính sao, nên quên ăn mất ngủ cũng vì cái lũ con nầy. Không biết Sư có diệu kế gì không giúp con với?

Đó là những gì bà Phật Tử nầy thổ lộ, mà Sư cũng đã nghe hàng ngàn câu chuyện giống nhau như thế thôi, chỉ có nhân vật là thay đổi chút đỉnh, còn nội dung cũng tợ tợ như thế, cha mẹ thì không hài lòng về con cái, còn con cái thì bảo cha mẹ rằng:

- Sư coi đó, mấy ông bà nầy già rồi, cổ lỗ xỉ lắm. Việc hôn nhân là chuyện riêng của tụi con chứ đâu phải của ổng bả, mà ổng bả cứ xía vô hoải? Tụi con có tự do của tụi con chứ. Tụi con đã lớn rồi đâu phải còn trẻ nhỏ nữa đâu?
Sư nghe bên nào cũng có lý hết, Sư chẳng biết tính sao đây? Nhưng với Sư, đây là một diệu kế để mình có thể chinh phục cả hai phía về một mối. Mối nào cũng được, miễn sao mọi chuyện êm xuôi là được.

Sư là người tu hành, Sư muốn mọi chuyện êm xuôi là được rồi. Vả lại nếu có, thí chủ lo lắng cho Sư chút đỉnh cũng tốt rồi. Dĩ nhiên là Sư không có bụng xấu để hại ai cả, dầu cho kẻ đó là thân hay sơ. Sư học về pháp vô thường, xem mọi vật trên thế gian nầy không có gì là bền chắc cả; nhưng nhiều lúc cái cuộc sống ở xứ sở nầy nó không cho phép Sư dửng dưng như vậy được. Nên cũng phải chấp nhận một số hình thức nào đó.

Có được một bà thí chủ như vậy kể ra ở xứ nầy cũng khó thật đấy. Vì thế, lúc nào Bà Bảy, pháp danh Diệu Đạo cần gì là Sư giúp ngay... Ví dụ như đau ốm, bệnh tật, nhà có chuyện buồn và tụng kinh cầu nguyện v.v… huống gì ở đây, bà mới mất chồng, con cái không nghe lời mẹ, bà buồn lắm, bà cứ tâm sự với Sư hoài.

- Bạch Sư! Chủ nhật nầy con sẽ lên Tịnh Xá để kinh kệ, sau đó mời Sư về nhà con cúng dùm tuần thất thứ 6 cho ông nhà con, mong Sư hứa khả cho.

- Tại sao Bà Bảy không cúng ở Chùa? Ở đây có đông chư Tăng mà? Sư hỏi thế.

- Bà im lặng một hồi lâu mới tiếp. Sư thấy đó, ở đây dụ cho tụi nhỏ đi chùa lễ Phật, nghe kinh, nghe thuyết pháp muốn rã cả hơi. Mục đích của con là tụi nó có hồi tâm hướng thiện chút nào không? Nhưng đâu có đứa nào tới. Con cái ra cái xứ nầy rồi, nó trở thành mẹ cha của mình, sai không muốn nổi. Ngược lại nó cứ sai mình hoài. Vì lý do ấy nên con muốn mời Sư về nhà để cúng cho ba nó và dụ cho tụi nó nghe kinh, vì thế cho nên không cúng ở chùa.

Bà Diệu Đạo còn muốn bày tỏ nhiều hơn nữa; nhưng nhìn đồng hồ đã trưa nên lại thôi.

Sau khi lễ Phật ở chùa xong, sư đưa bà về nhà. Ở đây kể cũng lạ. Sư nào, Thầy nào, Cô nào rồi cũng phải học lái xe hết. Già, trẻ gì cũng phải học ráo. Vì ở đây không ai giúp ai được. Chỉ có mấy bà già đành chịu trận, phải đi xe nhờ, không phải nhờ con, mà họa hoằn lắm nó mới rảnh để đưa mình đi chùa. Nếu bữa nào đó nhằm ngày chủ nhật, mà phải lựa lúc nó thật vui kia, mới dám nhờ nó đưa đến chùa. Mới vừa đến cổng chùa nó đã thả mình đó và cũng không buồn hỏi là mấy giờ con đến đón má về. Vì thế nên Bà Bảy cũng đã nhiều lần, sau lễ đi ké với người nầy, người kia về nhà. Nếu đi ké không được, bất đắc dĩ lắm bà mới phone về nhà cho con cái đến đón. Nhìn cái mặt nó chẳng ưa chút nào, bà tự nghĩ:

- Hồi nhỏ mình nuôi nó đâu có kể gì khó khăn, tội lỗi. Việc gì miễn nó vui là mình làm cho nó liền. Bây giờ niềm vui vủa mình chỉ có đi chùa đi chiền, nhờ nó mới có một chút chuyện, nó đã giận hờn rồi. Hay là đời trước mình bất hiếu với cha mẹ, nên đời nầy con cái nó bất hiếu với mình như thế? Thế rồi bà suy nghĩ mông lung…

Nhiều lúc bực quá, tự đi đến chùa bằng xe Bus và lúc đi về cũng vậy; nhưng bà đâu có biết hỏi ai và đi bao nhiêu trạm thì dừng mới tới nhà và tới chùa, chung quanh bà toàn là Tây đen, Tây trắng, mình nói nó chẳng hiểu mà nó nói bà cũng chẳng hiểu. Một hôm nọ bà hỏi bà bạn thường hay đi chùa bằng xe Bus rằng:

- Chị Ba, từ nhà tui đi đến chùa mấy trạm vậy chị?

- Ừ! Để coi nầy! Một, hai, ba… 15 trạm chị Bảy. Cứ đếm đúng 15 lần dừng là xuống xe. Đó là chùa, chùa nằm ngay trước mặt đường nầy nầy.

Nghe lời bà Ba, một hôm bà Bảy cũng lên xe Bus, bấm thẻ rồi bắt đầu đếm. Bà hồi hộp lắm. Bà đếm tới lần thứ 13 rồi thì bà đứng lên và đến lần thứ 15, thì bà xuống, khi xuống xe chẳng thấy chùa đâu cả, mà thấy toàn đấm Tây đen chỉ chỏ mình. Bà sợ quá, bỗng đâu có người da trắng đi qua, bà đưa số điện thoại, nhờ quý Sư ra đón bà vào. Khi đến được chùa bà mừng quá, kể huyên thuyên và có ý trách bà Ba.

- Chị Ba ơi! Sao chị bảo tôi đếm đúng 15 trạm thì xuống xe. Tôi đếm có sai đâu, mà sao khi xuống xe chẳng thấy chùa gì cả, may mà nhờ thằng Tây trắng chứ không thì chẳng biết làm sao.

- Chị đếm sao đâu chị Bảy?
- Thì 1, 2, 3, 4 … chứ sao?

- Không phải! Đếm là đếm trạm dừng xe kia, chứ đâu phải mỗi khi xe dừng đèn đỏ đèn sanh, chắc chị cũng đếm tuốt luốt, nên chưa tới chùa đã vội xuống xe rồi chứ gì? Thôi để em chỉ chị cái nầy dễ nhớ hơn nghe.

- Trước chùa mình có tấm bảng quảng cáo đó. Trên đó có dán hình thằng Tây cỡi ngựa. Chị không cần đếm trạm nữa, hễ cứ thấy cái bảng quảng cáo có thằng Tây cỡi ngựa là xuống xe vào chùa gọn bân hà!

Bà Bảy Diệu Đạo nghe lời vậy thấy dễ dàng quá và bà tập đi, đi một mình cho bõ ghét để khỏi phải nhờ đến tụi con cái khó dạy nữa. Hôm đó bà ngồi trên xe Bus, mắt cứ đạo bên nầy, trong bên kia, nhìn hoài các tấm bảng quảng cáo; nhưng chẳng thấy hình thằng cao bồi cỡi ngựa nữa, bà thấy không tiện nên đã xuống xe, hỏi thăm một người Việt đi qua đường mới biết là bà đã đi lố 10 trạm rồi, may mà người ấy chở dùm bà đến chùa, chứ không thì rõ khổ.

Đến đây bà Bảy phân trần với bà Ba nữa.

- Tại sao chị biểu tôi đi đến chỗ có bảng quảng cáo thằng cao bồi cỡi ngựa gì đó thì xuống, tôi hôm nay đi hoài có thấy chi mô?

- Thế là họ đổi bảng mới rồi đó. Thông thừơng cũng một, hai tháng nó mới đổi quảng cáo một lần, sao hôm nay đổi lẹ vậy cà? Thế rồi cả hai bà ôm nhau cười ra nước mắt.

Bây giờ thì bà đã rành đường hơn xưa khá nhiều; nhưng nếu Sư chở được về nhà thì còn gì quý bằng, nhanh hơn, vả lại cũng tiện hơn. Còn Sư thì cũng hoan hỷ nữa. Đây cũng là dịch vụ mới của Sư, đưa đón quý bà, quý cô, dĩ nhiên là không có thú lao chi, lâu lâu, khi nào hết xăng, có ai đi trên xe đổ dùm thì cũng đỡ cho Sư chút ít vậy mà.

Khi về đến nhà, bà Bảy phải hâm lại đồ ăn cho nóng, lên đèn nhang và sửa lại mấy đĩa quả cũng như bình bông để cúng ông nhà. Tụi nhỏ, nói là nhỏ; nhưng tụi nó đã có con lớn hết rồi, uể oải đi đến chỗ cúng, vái vái lạy lạy cho có chuyện, trông xong cho mau để tụi nó còn có nhiều đề mục khác trong ngày chủ nhật nữa.

Hôm đó Sư giảng về vô thường, về khổ, không và vô ngã, hay lắm so với bình thường; nhưng nhìn mặt mấy người con, người nào cũng nhăn nhó khó chịu; nên Sư lại ngưng, trong khi bà Diệu Đạo tiếc nuối vô cùng.

Đây cũng là cơ hội để làm quen với gia đình, nên Sư đã hỏi tên từng người một, con cháu v.v… Sư có biệt tài nhớ dai và kể chuyện hay, nên không mấy chốc Sư đã chinh phục được mấy đứa nhỏ, cháu nội và cháu ngoại của bà. Sư đem chuyện Tề Thiên Đại Thánh, Tế Công Hòa Thượng, Đạt Ma Sư Tổ, quan Âm Thị Kính v.v… kể cho tụi nhỏ nghe, chúng say sưa theo dõi. Người lớn cũng thế, dần dà rồi cũng làm quen với Sư một cách dễ dàng.

Sau bữa cúng tuần hôm ấy về chùa, Sư cảm thấy vui vẻ hơn xưa và cũng có ý đem những thành quả ấy khoe với các Sư trong chùa nữa. Hôm ấy tình cờ lại có Sư Chơn Nghĩa, mà Sư nầy thì không ưa Sư Tịnh Thường mấy; nhưng chẳng có sao, vì vui miệng nên Sư kể đủ điều.

Nào là bà nầy giàu có lắm, có cả hai tiệm vàng và con cái, đứa nào đứa nấy cũng đẹp trai, học giỏi v.v… và v.v… thế là Sư cứ thao thao bất tuyệt fể gia đình nầy.

Một hôm giữa mùa hè nóng bức, Sư đang đọc thư từ việt Nam gởi sang, bỗng nhiên có điện thoại reo. Sư nhắc phone và nghe đầu kia là giọng nói của bà Bảy Diệu Đạo.

- Bà hôm nay khỏe không?

- Vì không khỏe con mới kêu Sư đây chớ!

- Bà có chuyện gì vậy?

- Mấy bữa nay lo lắng hơi nhiều nên tim con nó mệt quá, Sư ghé tiệm con để xem mạch dùm cho con đi.

- Khoảng 20 phút nữa Sư tới.

Sau khi chẩn mạch xong, Sư đi đến một tiệm thuốc Bắc gần đó để bốc thuốc, Sư định đi thẳng lại tiệm; nhưng Sư sực nhớ mình còn quên một điều là nhờ Bà Diệu Đạo xem lại dùm mấy hột mình mang theo lúc đi tạn, cũng như mấy cây vàng. Nếu được giá thì mình bán, lấy tiền đó để mua nhà làm chùa. Nghĩ vậy nên Sư trở về lại chùa cùng với gói thuốc Bắc và sau khi soạn những đồ quý giá ấy xong, bỏ vào trong túi đựng y áo và lái xe chạy đến nhà của bà.

Trời hôm đó sao mà nóng thế. Sư có cảm tưởng như mình đang ở tại một lò thiêu, mặc dầu trong xe mở máy lạnh. Nhìn lên trời thấy một bầy quạ đen đang bay lượn tứ tung, thỉnh thoảng lại kêu lên những giọng ai oán. Thông thường Sư đã đoán già đoán non cho sự việc sắp tới; nhưng hôm nay, chẳng biết sao Sư không để ý gì mà còn vui vẻ, đi về hướng cửa tiệm của bà Bảy Diệu Đạo nữa.

Bước vào cửa tiệm lúc bấy giờ vắng hoe, không có một người khách hàng và thường ngày người con trai ngồi bán chung với bà Bảy, bây giờ cũng chẳng thấy đâu, chỉ thấy một tiệm vàng to tướng nhưng chỉ có một bà già. Sau khi đưa thang thuốc cho bà Bảy, Sư chỉ cách sắc thuốc và pha chế xong, Sư ngồi xuống một ghế của khách hàng thường hay ngồi, đối diện với bà Bảy và đem những món nữ trang ra để hỏi bà.

- Bà Tín thí ơi! Hôm nay tôi mang mấy món nữ trang nhờ bà xem dùm đó. Đoạn Sư từ từ lấy mấy món đồ quý giá ấy ra mà lâu nay Sư ấp ủ nó, không khác gì người thân của mình và nhất là những món ấy có liên hệ với cô Trần thị Diệu Duyên nữa. Tuy Sư không có tình ý gì với cô ấy mặn nồng lắm; nhưng cô đã tận tụy lo cho Sư, Sư cũng phải nhớ đến ơn của vị nữ tín chủ nầy chứ. Có nhiều lúc Sư săm se, nhìn ngắm như để hồi tưởng lại một quá khứ xa xăm nào đó; nhưng hôm nay và có thể trong thời gian tới, những món trân bảo nầy không còn ở với Sư nữa. Sư đã nhọc công mang nó từ Việt Nam qua đảo và từ đảo qua Âu Châu, rồi từ Âu Châu qua đế tận xứ nầy và cũng đã nhiều lần Sư đã đem khoe cho nhiều người biết. Có người thì khen Sư, sao mà rành quá vậy. Có kẻ thì che Sư, tại sao đi tu mà còn ham những của cải ấy làm gì?

Bây giờ đây trước mặt Sư là một tiệm bàng, một bà chủ có tín tâm, sư cũng đâu có ngại ngừng gì để trình bày hơn thiệt với bà.

- Bà Bảy Diệu Đạo ơi! Tôi khổ công lắm đó, mới giữ đến ngày hôm nay được, nhờ bà đánh giá dùm đi nghe.

Nếu được tôi nhờ bà lấy dùm, để có tiền còn đóng tiền thế chưn mua chùa nữa chứ.

- Sư đưa cho con xem đi. Á! Đây là loại cà rá 6 ly nè. Đây là mấy cây vàng thẻ; nhưng sao nó không lên nước vậy Sư?

- Như bà biết đó! Nó ba chìm bảy nổi theo tôi như vận nước trôi mà, hết đi chỗ nầy đến chốn nọ, nhất là qua cả một đại dương lúc đi tạn, với sóng to gió lớn, có lẽ vì nước biển ăn vào, phải không bà?

- Nhưng không sao Sư, con còn thấy rõ mấy chữ "Vàng Kim Thành" đây rồi. Sư biết không? Bây giờ người mua họ kén chọn lắm mình chỉ cần sơ hở một chút là mất đi mấy phần trăm liền hà?

Còn hột nầy cũng khá cũ, cạnh cũng không còn sắc bén nữa, màu đã ngả từ trắng sang đục. Không biết con có lo cho Sư được mấy hột nầy không?

Bỗng đâu Sư nghe một cái giáng như trời đánh ấy xuống bả vai mình và động tác phản xạ tự nhiên của Sư là thâu hết mấy loại nữ trang ấy bỏ vào trong túi (đãy) đựng y áo trở lại, rồi như búa bổ tiếp tục nện lên đầu lên cổ Sư, Sư chẳng còn biết ngày đêm năm tháng gì hết.

Sư thấy trong người đau nhức lạ thường và cố cựa quạy cho thật mạnh, nhưng nhấc cái tay không muốn lên và khi tỉnh ra thì thấy mình đang ở trong phòng vệ sinh, cận kề sát cái nhà tắm. Máu me dầm dề, Sư cố gượng ngồi dậy thì một bóng đen từ ngoài chạy vào, thấy Sư la ơi ới, hắn ta nện luôn cho Sư mấy đòn chí tử, rồi hình như nó lấy cái búa của y thị đang cầm, bổ xối xả vào tay vào đầu và lưng của Sư, nhất là hai bàn tay của Sư giờ đây như bầm dập hết. Sư đau nhức quá nhưng biết kêu ai bây giờ. Sư nghĩ là bà Bảy ở bên ngoài chắc cũng không thoát khỏi những khó khăn với người lạ mặt. Sư nằm yên đó trên vũng máu, có lẽ chừng một tiếng đồng hồ sau, không còn nghe tiếng động tĩnh gì phía bên trên tiệm vàng nữa, nên Sư đã cố gắng mở vòi nứơc lạnh cho nước đổ xối xả vào đầu vào cổ mình. Lúc ấy Sư mới thật sự tỉnh táo lại đôi chút. Đoạn Sư nghe tiếng rên phều phào nho nhỏ, Sư cố hết sức mình và lấy hai tay gần nát như tương của mình chống vào tường, vào cầu và men theo tiếng rên la để đi đến, thì hỡi ơi! Nơi đây bà Diệu Đạo đã nằm sóng sượt ra đó, bà nghe tiếng động, nên kêu lên: Sư ơi! Sư cứu con với, Sư cứu con với !!!

Lúc bấy giờ đầu óc Sư như bấn loạn, biết tính sao đây. Điều căn bản là phải gọi cảnh sát; nhưng tiếng tăm thì Sư không rành, vì mới qua xứ nầy mà. Thôi thì cứ cứu người trước đã. Vả lại, đây cũng là việc làm của một người thầy thuốc nữa. Hơn nữa, Sư còn là một tu sĩ nữa. Sư không đang tâm nhìn bà tín chủ của mình ở trong trạng thái hấp hối ấy. Thế là Sư ra tay nghĩa hiệp cúi xuống đỡ bà ngồi dậy; nhưng nào bà có ngồi nổi dậy đâu. Sư quan sát thật kỹ, cổ bà đã bị cắt, bị cứa nhiều vết thương đang còn tuông xối xả máu me, trông khiếp quá. Trong khi đó bà Bảy phập phều nói với Sư làm cho cả mặt Sư và nhất là trên hai vầng kính trắng Sư đang đeo, bị dính máu nhầy nhụa. Thế rồi, Sư kiệt lực quá mới thả bà xuống và lúc bấy giờ Sư cố gượng hết sức để chạy ra phía trước cửa để tri hô lên là cướp của giết người. Lúc ấy giữa trưa, thanh vắng lắm. Người hàng xóm bên cạnh có lẽ đã thấy và nghe cảnh tượng hãi hùng ấy, nên mới đi báo cáo cho cảnh sát hay, chẳng mấy phút cảnh sát đã có mặt đầy đủ.

Lúc bấy giờ Sư chỉ thấy hấp thoáng bóng xe Hồng Thật Tự chở mình và bà Bảy vào nhà thương và tự nhiên Sư cảm thấy lạnh, vì tất cả đồ nhà tu, gồm có chiếc áo nhựt bình, đôi kiếng trắng v.v… không còn trên mình Sư nữa, thay vào đó là một bộ đồ của nhà thương.

Đêm đó có người thông dịch báo cho Sư biết là bà Bảy đã qua đời rồi. Còn Sư thì mặt mày tê húp, đau nhức vô cùng và số phận của Sư từ đây trở đi mới bắt đầu bước vào con đường lao lý.

Các nhà tu đồng đạo của Sư đã đón Sư về lại trụ xứ?

Nhà từ đã đón Sư để chờ pháp luật xử phân?

Đó là một câu hỏi có liên quan đến: Vụ Án Một Người Tu.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]