Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hội Phật học Nam Việt và chùa Xá Lợi

23/04/201318:26(Xem: 14199)
Hội Phật học Nam Việt và chùa Xá Lợi
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Hội Phật Học Nam Việt Và Chùa Xá Lợi

Tống Hồ Cầm
Nguồn: Tống Hồ Cầm


(Có Sự Tham Khảo Qua Tư Liệu Báo Từ Quang Của Hội Phật Học Nam Việt Và Báo Giác Ngộ)

Trong công cuộc phục hưng Phật giáo (PG) tại miền Nam nước Việt Nam, kể từ gần 50 năm trở lại đây, tại thành phố này, Hội Phật học Nam Việt đã góp một phần quan trọng vào việc xây dựng một căn bản vững chắc, cổ động một phong trào tu học hoằng dương chánh pháp, Bi, Trí song nghiêm.

Hội Phật học Nam Việt đã xây cất được ngôi chùa Xá Lợi là một thắng tích cho thành phố Sài Gòn trước đây và hiện nay đã đóng một vai trò lịch sử trong việc bảo vệ PG năm 1963, cùng với Ủy ban Liên phái Bảo vệ PG chống chế độ độc tài kỳ thị tôn giáo của gia đình trị họ Ngô.

Thời gian trôi qua khiến nhiều việc chìm lẫn vào trong quên lãng, chúng tôi cố gắng ghi chép sau đây lịch sử và những hoạt động của Hội Phật học Nam Việt trong gần 50 năm qua, và những nét kiến trúc mỹ thuật của chùa Xá Lợi, để góp một phần nhỏ vào việc biên tập lịch sử PG Việt Nam.

* * *

Hội Phật học Nam Việt được thành lập ngày 19-9-1950 tại Sài Gòn, là đoàn thể nam nữ cư sĩ Phật học ở miền Nam Việt Nam tổ chức có hệ thống rõ ràng, có điều lệ nội quy được chính quyền lúc bấy giờ công nhận về mặt pháp lý để hoạt động và kết hợp bước đầu một số Phật tử cả xuất gia lẫn tại gia nam nữ. Từ lâu về trước, ở miền Nam chỉ có những ngôi chùa riêng rẽ của tư nhân hay làng xã, có vài vị sư trông coi đèn nhang thờ tự, chưa có hệ thống tổ chức chặt chẽ. Năm 1930, nương theo phong trào chấn hưng PG ở Trung Hoa của Thái Hư Đại sư, một số vị cao tăng thạc đức Việt Nam cũng đề xướng phong trào chấn hưng PG Việt Nam, lập Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học ở Sài Gòn, kế đến là Lưỡng Xuyên Phật học Hội ở Trà Vinh, hô hào dịch kinh in sách, đào tạo Tăng tài, thuyết pháp khuyên mọi người tu học, ra tạp chí Từ Bi Âm và Duy Tâm, để phổ biến đạo Phật trong các tầng lớp dân chúng. Nhưng cơ duyên chưa đủ nên hai Hội chỉ hoạt động được vài năm rồi tan rã, dù sao cũng gây được tiếng vang, đặt được nền móng và đào tạo được một số Tăng sĩ làm rường cột cho PG ngày nay.

Đến đầu năm 1951, Hội Phật học Nam Việt mới chính thức hoạt động với mục đích đoàn kết các Phật tử xuất gia và tại gia, dùng mọi phương tiện để truyền bá và thực hành Phật pháp luôn về hai mặt giáo lý và từ thiện ; vị Hội trưởng đầu tiên là Bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe, có sự cộng tác đắc lực của các quý vị danh tăng : Quảng Minh, Quảng Liên, Thiện Hòa, Huyền Dung, cùng cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền và một số cư sĩ có kiến thức Phật học và đạo tâm khác. Hội tổ chức nhiều buổi diễn giảng Phật pháp được hàng Phật tử hoan nghênh và ghi tên nhập Hội rất đông. Đến ngày mùng 6 tháng 5 năm 1951, một Đại hội PG toàn quốc được triệu tập tại Huế để thống nhất PG và thành lập một Hội lớn liên hiệp, gọi là Tổng hội PG Việt Nam gồm có 6 tập đoàn : Giáo hội Tăng già Bắc Việt, Hội Việt Nam PG Bắc Việt (cư sĩ), Giáo hội Tăng già Trung Việt, Hội Việt Nam Phật học Trung Việt (cư sĩ), Giáo hội Tăng già Nam Việt và Hội Phật học Nam Việt (cư sĩ). Thực ra thì ở Nam Việt lúc bấy giờ khởi sự chỉ có một tổ chức Phật giáo là Hội Phật học Nam Việt công khai đại diện cho cả hai phái xuất gia và tại gia, nhưng vì Bắc Việt và Trung Việt đều có hai phái đoàn: một xuất gia và một tại gia, nên các vị Tăng sĩ ở Nam Việt phải tách ra thành lập Giáo hội Tăng già Nam Việt để tham gia Đại hội PG toàn quốc lúc đó, vì vậy Hội Phật học Nam Việt từ đó chỉ gồm có các Phật tử cư sĩ tại gia mà thôi.

Lúc đầu, Hội Phật học Nam Việt đặt trụ sở tạm ở một ngôi chùa mượn ở khu Hòa Hưng tên là chùa Khánh Hưng, sau dời thiệt thọ về chùa Phước Hòa, khu Bàn Cờ ở Sài Gòn. Đến năm 1958, Hội xây cất được chùa Xá Lợi để làm trụ sở và nhượng chùa Phước Hòa lại cho Hội Việt Nam PG Bắc Việt (cư sĩ) di cư vào Nam. Hội Phật học Nam Việt đã phát triển đều đều, trước ngày giải phóng đất nước, có hơn 40 Tỉnh hội và Chi hội, riêng hội sở Trung ương ở Sài Gòn có hơn 6.000 hội viên thực hành có ghi tên gia nhập, ngoài ra còn có một số công đức hội viên cùng một số đông cảm tình viên và thí chủ hết lòng tán trợ và ủng hộ, kể cả hơn 10.000 người.

Với chủ trương đạo và đời phải đi song song, phái xuất gia và tại gia đều là con Phật nên phải đoàn kết với nhau, Hội Phật học Nam Việt có cung thỉnh một Ban Chứng minh Đạo sư là chư tôn đức Tăng già tiêu biểu cho tinh thần tu hành và uyên thâm giáo lý của đạo Phật. Trong Hội, thành viên của Ban này phải được suy tôn trong hàng Hòa thượng (HT), Thượng tọa (TT) lão thành, đạo cao đức cả, giới luật nghiêm trì, tinh thông kinh điển. Nhiệm vụ của Ban Chứng minh Đạo sư là chỉ đạo về tinh thần đạo giáo cho Ban Quản trị và chủ trì các ngày đại lễ. Để làm tròn nhiệm vụ của phái tại gia cư sĩ đối với phái xuất gia, Hội đã lập một Tiểu ban Hộ pháp, cúng dường chư Tăng trong Ban Hoằng pháp, góp phần vật chất giúp chư Tăng chuyên tâm tu hành, đào tạo Tăng tài, dịch sách, in kinh. Các vị xuất gia chủ yếu chuyên trách về phần tinh thần, phát huy đạo pháp, đóng vai trò Như Lai sứ giả.

Với mục đích là tu học và thực hành đạo đức từ bi của đạo Phật, Hội đã tổ chức những buổi diễn giảng giáo lý với những đề tài Phật học phổ thông vào mỗi buổi sáng Chủ nhật sau buổi lễ Phật Tịnh độ công cộng, hợp với trình độ đại chúng. Đối với hàng trí thức thì Hội có những buổi luận đạo tối thứ Năm, học kinh Pháp Bảo Đàn là bộ kinh quý báu về Thiền tông cùng những bộ kinh Đại thừa như Diệu Pháp Liên Hoa, Địa Tạng, Vô Lượng Thọ, Bát Nhã Tâm Kinh... Mọi giới đều tùy căn cơ mà thọ lãnh và đều được thỏa thích. Ban diễn giảng lúc đầu gồm có quý Thầy Quảng Minh, Quảng Liên, Thiện Hòa, Huyền Dung, Thiện Hoa, sau này có quý đạo hữu Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Võ Đình Dần, Nhuận Chưởng, Tống Hồ Cầm..., mà đạo hữu Chánh Trí là người thường xuyên diễn giảng nhất.

Mỗi sáng Chủ nhật đều có khóa lễ Phật Tịnh độ công cộng, theo nghi thức tụng niệm tiếng Việt, số người đến dự buổi đầu lên đến ba, bốn trăm, bái đường tuy rộng rãi mà có khi không đủ chỗ. Hội tổ chức những khóa lễ tụng niệm cầu an, cầu siêu, biên tập và phát hành tạp chí Từ Quang để các Phật tử có phương tiện nghiên cứu đạo Phật. Tờ Từ Quang là tạp chí truyền bá đạo Phật tại Sài Gòn sống lâu nhất tại miền Nam, đến năm 1975 đã bước sang năm thứ 30; lúc sinh tiền, đạo hữu Chánh Trí Mai Thọ Truyền làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, có sự cộng tác của Ban Biên tập gồm đủ cả Tăng, Ni và cư sĩ. Sau khi đạo hữu Chánh Trí Mai Thọ Truyền mất năm 1973, thì việc chủ biên báo Từ Quang do hai đạo hữu Minh Lạc Vũ Văn Phường và Tống Anh Nghị (Tống Hồ Cầm) chuyên trách, mãi đến 30-4-1975 vì hoàn cảnh khách quan mới ngưng xuất bản.

Hội còn cho thành lập các tiểu ban phụ trách về công tác từ thiện giúp các sản phụ và cô nhi, tại các bệnh viện, phát chẩn giúp đồng bào nghèo khó, trợ giúp nạn nhân chiến tranh hoặc hỏa hoạn, bão lụt; Tiểu ban Tương trợ giúp các hội viên khi hữu sự; Tiểu ban Học bổng giúp các học sinh con em hội viên thiếu kém tài chánh; Tiểu ban Hộ niệm tới tận nhà hội viên quá cố để cầu siêu; Tiểu ban Dược Sư mỗi tháng hai lần tụng kinh Dược Sư cầu cho quốc thái dân an. Năm 1953, Hội còn thành lập một Ban Hướng dẫn con em Phật tử gọi là Gia đình Phật tử (GĐPT), lúc đầu lấy tên là Gia đình Chánh Tâm, Chánh Tín, sau đó có sự chỉnh đốn của đạo hữu Tống Hồ Cầm là Trưởng ban Hướng dẫn TƯ, đổi tên chính thức là Gia đình Chánh Đạo, tập hợp những thanh thiếu niên nam nữ vào trong một tổ chức tuổi trẻ chuyên học giáo lý Phật Đà, tu tập lễ bái theo nghi thức tụng niệm riêng bằng chữ Việt, có chương trình sinh hoạt vận động thể lực, thi đua trí khôn, vui chơi ca nhạc. Mỗi Chủ nhật, các em đến chùa lễ Phật, học tập, có các anh chị trưởng giáo hóa rồi cùng nhau vui đùa trong khung cảnh thân thương hòa thuận của anh em đồng đạo. Mục đích của GĐPT Chánh Đạo tại T.Ư cũng như tại các Tỉnh hội, Chi hội Phật học là tạo tình đoàn kết giữa các thanh thiếu niên nam nữ, khuyến khích các em phát triển trí dục và thể dục, hướng dẫn các em học hỏi và tuân theo chánh pháp để trở nên những Phật tử thuần thành, chân chính và những công dân tốt trong xã hội. Đến năm 1964, theo trào lưu thống nhất PG, GĐPT Chánh Đạo và các GĐPT khác thuộc hệ thống tổ chức của Hội Phật học Nam Việt sát nhập vào hệ thống tổ chức GĐPT trong Tổng vụ Thanh niên của Giáo hội PG Việt Nam Thống nhất.

Hội luôn luôn nhớ tới công ơn của quý vị Tăng già tôn túc trong Ban Chứng minh và Ban Hoằng pháp, nên mỗi năm vào các dịp Tết Nguyên đán, lễ Phật Đản, lễ Vu Lan..., Hội đều cử phái đoàn đi dâng lễ cúng dường chư Tăng tại một số chùa trong thành phố, và mỗi khi quý Thầy có Phật sự như cất chùa, đắp tượng, đúc chuông, in kinh sách, Hội đều quyên góp những số tiền quan trọng.

Để thực hành hạnh Dược Sư và từ bi, Hội có một phòng phát thuốc miễn phí, có bác sĩ hội viên khám bệnh, cho toa, chích thuốc mỗi ngày giúp được gần cả trăm bệnh nhân do Tiểu ban Y tế đã quyên được một số lượng Âu dược quan trọng để cấp phát cho đồng bào đau yếu. Ngoài ra, Hội còn lập một nghĩa trang ở gần Bà Quẹo, mỗi hội viên vợ chồng con cái khi có tang sự được cấp huyệt mả miễn phí. Hội đã lập được một thư viện gồm có trên 5.000 đầu sách chữ Việt, Pháp, Hoa, Anh, Nhật, có đủ Tam tạng kinh điển, các sách về văn hóa nghệ thuật và về tôn giáo khác, để mọi người có dịp học hỏi và nghiên cứu, hiện nay vẫn còn hoạt động.

Hội luôn luôn giữ tình giao hảo tốt đẹp với các tôn giáo khác, ở trong nước cũng như ở ngoài nước. Đạo hữu Hội trưởng Chánh Trí đã tham dự Hội nghị văn hóa PG tại New Delhi (Ấn Độ) hồi tháng 11 năm 1956, dự Hội nghị văn hóa Tokyo (Nhật Bản) năm 1958, dự Hội nghị PG Thế giới lần thứ 6 tại Phnom Penh năm 1962 và được bầu làm Phó Chủ tịch, dự Hội nghị PG Thế giới lần thứ 7 tại Bénares (Ấn Độ) năm 1964 và đã đi Hoa Kỳ với tư cách là danh khách vào năm 1962. Nhờ những cuộc du hành hữu ích của đạo hữu Hội trưởng Chánh Trí mà tên tuổi của Hội Phật học Nam Việt và chùa Xá Lợi được nhiều người trên thế giới biết đến và trọng thị.

Về xây cất thì Hội Phật học Nam Việt đã kiến tạo được ngôi chùa Xá Lợi nguy nga và đẹp đẽ, một công trình kiến trúc mới mẻ và thích hợp với phong trào canh tân PG. Chính ngôi chùa này đã được chọn làm trụ sở cho cuộc tranh đấu của PG đồ vào năm 1963 của Ủy ban Liên phái Bảo vệ PG chống chế độ Ngô Đình Diệm độc tài kỳ thị tôn giáo, và nghiễm nhiên trở thành ngôi chùa lịch sử.

Sau đây là nguyên nhân và lịch sử xây cất chùa Xá Lợi.

Không biết phải vì biết tin hâm mộ di tích Phật của tín đồ PG Việt Nam hay không, mà năm 1953, Đại đức (ĐĐ) Narada, tọa chủ chùa Vajirarama ở Sri Lanka sang thăm Việt Nam, phụng thỉnh theo 3 viên xá lợi của đức Phật và 3 cây bồ đề con trồng trong 3 lon sữa bò, định cúng cho 3 nơi : PG Nguyên thủy (Kỳ Viên tự), PG Đại thừa và PG Campuchia (theo lời tuyên bố của ĐĐ lúc đến phi trường Tân Sơn Nhất).

Được ủy nhiệm, đạo hữu Chánh Trí Mai Thọ Truyền cầm đầu một phái đoàn hợp cùng phái đoàn của Ban cung nghinh do PG Nguyên thủy tổ chức, lên tận phi trường nghinh tiếp ĐĐ và các bảo vật. Về đến chùa Kỳ Viên, ĐĐ lặp lại lời tuyên bố ban đầu và nói thêm là sáng hôm sau, ĐĐ sẽ trao cho đạo hữu Chánh Trí phần xá lợi và cây bồ đề dành cho PG Đại thừa.

Đến năm 1956, Hội Phật học Nam Việt quyết định xây chùa mới tại một vị trí khác, để có nơi xứng đáng phụng thờ di bảo của Đức Thế Tôn và đủ chỗ cho thiện tín đến lễ bái. Một năm rưỡi sau, nghĩa là đến năm 1958, chùa mới hoàn thành. Hội Phật học Nam Việt có kính nhờ HT Khánh Anh, lúc ấy là Pháp chủ của Giáo hội Tăng già Nam Việt, đồng thời là Chứng minh Đại đạo sư của Hội Phật học Nam Việt, đặt tên cho chùa. HT dạy: “Còn đặt tên gì nữa, công chúng đã gọi là chùa Xá Lợi thì lấy tên ấy cho hợp lòng người”.

Thật vậy, trong lúc xây cất, Hội có cho cắm một tấm bảng cổ động tại công trường về việc xây cất chùa thờ xá lợi. Thiện tín sau đó đã gọi tắt là chùa Xá Lợi, rồi thành danh. Trải qua nhiều biến cố, nhất là tai ách tháng 8 năm 1963 của mùa pháp nạn, viên ngọc xá lợi vẫn uy nghiêm tồn tại như muốn nói lên cái bản chất thường tồn bất biến của chân lý, dù dòng đời có trôi chảy, sự vật có vô thường, Pháp Tinh vẫn Như Thị.

Chùa Xá Lợi được xây cất trên một thửa đất thuê của đô thành Sài Gòn, diện tích hơn 2.500 mét vuông, tọa lạc ở góc đường Bà Huyện Thanh Quan và Lê Văn Thạnh (nay là đường Sư Thiện Chiếu). Theo Nghị định số 216-HCSV/P2 ngày 19-1-1956 của Chính phủ tại Nam Việt, Hội Phật học Nam Việt được phép lạc quyên khắp 21 tỉnh có Tỉnh hội và Chi hội thuộc hệ thống tổ chức của Hội Phật học Nam Việt, lấy tiền xây chùa. Nhờ Phật gia hộ và nhờ sự sốt sắng đóng góp của các Phật tử hội viên cũng như của khách thập phương, Hội đã thu được đủ tiền bạc để bắt tay vào việc khởi công đào móng vào ngày 05-8-1956, công trường được đặt dưới sự đôn đốc của hai kỹ sư Dư Ngọc Ánh và Hà Tố Thuận. Một pho tượng Phật bằng xi-măng và thạch cao được Giáo sư Trương Đình Ý đắp rất đẹp, nhưng tiếc thay quá lớn, không thể đem lên chánh điện trên lầu được, nên phải nhường cho một chùa khác và nhờ trường Mỹ nghệ Biên Hòa đắp pho tượng khác bằng bột đá màu hồng, giá lúc bấy giờ là 180.000 đồng, làm khuôn ngày 12-2-1958, tức là ngày 24 tháng Chạp năm Đinh Dậu.

Lễ khánh thành chùa Xá Lợi được cử hành tưng bừng trong 3 ngày 2, 3, 4 tháng 5 năm 1958, tức là 14, 15, 16 tháng 3 năm Mậu Tuất, trong niềm hoan hỷ của mọi người. Những bộ y vàng rực rỡ chen lẫn với áo tràng màu lam hoặc áo dài khăn đóng bên cạnh những bộ Âu phục và những tà áo màu, những tiếng chuông mõ xen lẫn tiếng tụng kinh bằng tiếng Việt, tiếng Hoa, tiếng Pàli... đã nói lên sự hòa hợp của mọi giới trong niềm hoan lạc trước thành quả lớn lao của Hội Phật học Nam Việt nói riêng, của Phật giáo Việt Nam nói chung.

Chùa Xá Lợi có một cổng tam quan chính trông ra đường Bà Huyện Thanh Quan, một cổng tam quan phụ trông ra đường Lê Văn Thạnh (nay là đường Sư Thiện Chiếu) và một cổng phụ để xe cộ ra vào. Cổng tam quan chính có một tầng mái, có gắn chữ “Chùa Xá Lợi, Hội Phật học Nam Việt”, còn cổng tam quan phụ xây cất sau thì lớn hơn, có mái trùng thiềm, có những hàng “công sơn” chồng đấu, có đắp bốn chữ triện “Pháp luân thường chuyển”, ở trên mái cổng có gắn hình bánh xe pháp tượng trưng cho giáo lý nhà Phật đưa chúng sinh từ chỗ luân hồi đau khổ đến Niết bàn an lạc. Hai cổng tam quan đều có những cánh cửa bằng sắt hoa uốn theo hình hoa sen, cành lá cuốn quanh một bánh xe pháp.

Chùa Xá Lợi chỉ thờ có một tượng Phật Thích Ca Mâu Ni lớn, chứ không thờ nhiều Phật như các chùa xưa. Theo quan niệm của Hội Phật học Nam Việt thì khi lễ Phật cần phải nhất tâm hướng về Phật, chí tâm chí thành trụ vào một nơi, đó là Đức Phật với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, nét mặt từ bi, dáng ngồi ngay thẳng, lộ vẻ nghiêm trang đại hùng đại lực ; các Phật tử lễ Phật, niệm Phật phải đặt hết tâm trí vào một chỗ thì mới phát huy được cái diệu dụng của tâm, có thành tâm mới có cảm ứng. Thờ một tượng Phật thì dễ được nhất tâm bất loạn. Theo thiển ý, đây là một quan niệm rất hay, giúp chúng ta dễ dàng định tâm, không lao chao vọng động, tâm được tịnh thì trí tuệ mới phát sinh, có chánh kiến để biết đường phải mà theo, đường trái mà tránh, tu tâm sửa tánh là nhờ ở trí tuệ sáng suốt, đưa đến giác ngộ và giải thoát.

Tượng Phật ở chùa Xá Lợi là tượng Đức Thích Ca Mâu Ni ngồi kiết già trên tòa sen, mắt hé mở, miệng hơi mỉm cười, nét mặt hoan hỷ mà oai nghiêm, vừa từ bi vừa hùng lực, dáng ngồi ngay thẳng, thân hình khỏe mạnh như hiện thân của Chân-Thiện-Mỹ, biểu tượng của Pháp thân bất diệt. Pho tượng Phật ở chùa Xá Lợi là một kiệt tác mỹ thuật, làm khuôn mẫu cho nhiều tượng Phật các chùa sau này.

Tường bao quanh bái đường được trang trí bên trên bằng những bức tranh mô tả đời sống Đức Phật Thích Ca từ khi Đản sanh, Xuất gia, Thành đạo, Thuyết pháp đến lúc nhập Niết bàn, do Giáo sư Nguyễn Văn Long thực hiện, tranh vẽ rất linh động trông như phù điêu đắp nổi.

Sau chánh điện là nơi thờ Tổ, bàn chính giữa thờ di ảnh của 4 vị cao tăng: Huệ Quang, Tuyên Linh Lê Khánh Hòa, Khánh Anh và Quảng Đức. HT Huệ Quang là Phó Hội chủ Tổng hội PG Việt Nam, Chứng minh Đại đạo sư Hội Phật học Nam Việt, đã góp phần rất lớn trong việc xây dựng và phục hưng PG Việt Nam. Năm 1956, ngài đi dự Hội nghị PG Liên hữu Thế giới nhóm họp ở Nepal và đã viên tịch ở Ấn Độ. HT Tuyên Linh Lê Khánh Hòa là một trong những vị sáng lập Lưỡng Xuyên Phật học Hội, đề xướng phong trào tu học Phật pháp, xương minh giáo lý Phật Đà. HT Khánh Anh là Pháp chủ Giáo hội Tăng già Nam Việt, có công lớn trong việc đào tạo Tăng tài, in kinh dịch sách, để truyền bá đạo Phật tại miền Nam. HT Quảng Đức là người đầu tiên đã vị pháp thiêu thân ngày 20 tháng 4 nhuận âm lịch năm Quý Mão, tức là 11-6-1963 tại Sài Gòn, nguyện biến nhục thể thành ngọn đuốc soi đường cho nhà cầm quyền độc tài gia đình trị họ Ngô thời bấy giờ hãy tỉnh ngộ, sáng suốt tránh việc chia rẽ tôn giáo, đàn áp PG. HT có lúc là trụ trì chùa Phước Hòa, trụ sở trước kia của Hội Phật học Nam Việt. Bốn vị cao tăng này được Hội suy tôn là Tổ sư, mỗi năm đều làm lễ giỗ kỷ niệm long trọng. Gần đây có thờ thêm di ảnh của HT Thích Thiện Hào là viện chủ, do Ban Quản trị cung thỉnh về trụ xứ cùng Tăng chúng chùa Xá Lợi.

Tháp chuông xây ngay gần hàng rào cạnh cổng tam quan chính cách xa chánh điện, làm trang trí cho ngôi chùa. Tháp chuông được khánh thành ngày 23-12-1961, có 7 tầng, mỗi tầng thờ một vị Phật, có 4 mặt phẳng lớn và 4 mặt góc nhỏ, tạo thành một hình bát giác, có mái che cong cong bước lên hình đầu đao, đó là nét kiến trúc đặc biệt của mỹ thuật PG Việt Nam. Các dãy nhà của chùa kiến trúc theo chiều ngang rộng, cho ta cảm giác vững vàng yên ổn trong một khung cảnh yên tịnh thư thái, thì cây tháp lại vọt cao để điều hòa bằng luật tương phản, cây tháp cũng tự điều hòa chiều cao của mình bằng nhiều tầng mái ; hình dáng cao vọt của tháp vượt khỏi vòm cây lên nền trời xanh tiêu biểu cho một mục đích cao xa, một ý chí vươn lên, một tư tưởng siêu trần, một chủ nghĩa thoát tục.

Chánh điện có nhiều cửa sổ cho thoáng khí, mỗi cửa sổ được gắn những kiếng màu xếp đặt thành màu cờ PG.

Ở tầng trệt, từ cổng tam quan chính đi thẳng vào là giảng đường, ngay đằng trước có treo một bức hoành phi cổ, trên viết bốn chữ Nho “Đông thùy pháp vũ”, là thủ bút của Từ Hy Thái hậu. Bức hoành phi cổ này vừa được thay thế bằng một tấm bảng có ghi chữ “Giảng đường Chánh Trí”, để tưởng niệm công đức của cụ Chánh Trí, cố Hội trưởng khai sáng Hội Phật học Nam Việt, đã suốt 21 năm nhất tâm hướng dẫn hàng hội hữu trên đường tu học; cụ quy tịch ngày Rằm tháng Ba năm Quý Sửu (17-4-1973). Ban Quản trị Trung ương Hội Phật học Nam Việt đã quyết định đặt tên giảng đường chùa Xá Lợi là Giảng đường Chánh Trí. Ngày 01-7-1973, lễ khai môn được cử hành hết sức trang nghiêm do ĐĐ Narada và quý Tăng chúng trong Ban Trụ trì chùa Xá Lợi.

Giảng đường rộng rãi, chứa được 400 chỗ ngồi ; trước đây vào mỗi sáng Chủ nhật, sau khóa lễ Tịnh độ đều có buổi thuyết pháp thường xuyên do cụ Chánh Trí Mai Thọå Truyền phụ trách. Giảng đường này đã hân hạnh đón tiếp nhiều giảng sư quốc tế nổi danh như Quốc sư Diễn Bồi, ĐĐ Narada, Giáo sư Khantipalo... cũng như những giảng sư có biệt tài trong nước thuộc Ban Hoằng pháp Giáo hội Tăng già Nam Việt và Phật học đường Ấn Quang. Nhiều bộ kinh Phật quý báu đã được giảng giải rành rẽ, sự lý viên dung, nhiều mật nghĩa được làm cho sáng tỏ và dễ hiểu, hợp với trình độ hiểu biết cao siêu của hàng Phật tử trí thức. Có thể nói, giảng đường là trọng tâm hoạt động của Hội Phật học Nam Việt, là trái tim của chùa Xá Lợi, là nơi truyền bá chánh pháp của Như Lai. Mục đích của Hội Phật học Nam Việt là tu và học, từ bi và trí tuệ đi đôi, phước huệ song nghiêm, nên vị trí của giảng đường được đặt vào chỗ quan trọng, ngay thẳng cổng vào.

Về mặt kiến trúc, thì chùa Xá Lợi là một kiến trúc theo lối mới, dùng những vật liệu nặng như bê-tông, sắt, đá, gạch, ngói..., những nhà kiến trúc khéo léo đã cố gắng tô điểm bằng những mái cong đầu đao, những “công sơn” chồng đấu, những bánh xe pháp... khiến chùa vẫn còn vẻ thuần túy Á Đông, những đề tài trang trí là những hình hoa sen có dây leo lá cuốn uốn éo vòng đi vòng lại có vẻ sinh động, đẹp đẽ và mềm mại.

Thời thế mới nên chùa cũng phải đổi mới, ở trung tâm thành phố nhộn nhịp, địa thế lại nhỏ bé, không có sông núi làm điểm tựa, không thể tạo một cảnh chùa u nhàn thanh tịnh được, nên Hội Phật học Nam Việt trước đây đã đành chấp nhận một ngôi chùa kiểu mới để có chỗ lễ bái, tụng kinh, nghe pháp, tiện bề quy hướng, thính đạo cho mọi người sinh sống ở thị thành. Giữa chốn phồn hoa đô hội mà giữ được lòng không dao động thì mới là quý, tâm tịnh thì thế giới tịnh.

Chúng tôi xin nói thêm về vai trò của Hội Phật học Nam Việt đã đóng góp vào thống nhất PG và cuộc đấu tranh lịch sử của PG chống Chính phủ độc tài Ngô Đình Diệm để bảo vệ chánh pháp năm 1963.

Như trên đã nói, ngày mùng 6 tháng 5 năm 1951, một Đại hội PG toàn quốc được triệu tập tại Huế để thống nhất PG và lập thành một Hội gọi là Tổng hội PG Việt Nam, gồm có 6 tập đoàn do HT Thích Tịnh Khiết làm Hội chủ, nhưng điều lệ của Hội này không được Chính phủ lúc bấy giờ chấp nhận, Ban Quản trị Trung ương lâm thời phải kéo dài nhiệm kỳ từ 1951 đến 1956 để giải quyết mọi trở ngại khó khăn và nắm giữ cái tinh thần thống nhất. Trong Ban Quản trị nhiệm kỳ đầu tiên này, đại diện Hội Phật học Nam Việt là đạo hữu Phạm Văn Vi giữ chức Ủy viên Cứu tế xã hội và đạo hữu Nguyễn Hữu Huỳnh giữ chức Ủy viên dự khuyết.

Đến năm 1956, khi bản điều lệ đã được chính quyền duyệt y, một Đại hội thống nhất kỳ II đã được triệu tập tại chùa Ấn Quang (Sài Gòn) vào ngày 1-4-1956 để bầu Ban Quản trị Trung ương chính thức, trong đó đạo hữu Chánh Trí Mai Thọ Truyền giữ chức Tổng Thư ký; đạo hữu Tống Hồ Cầm, vốn là Phó Tổng Thư ký trong Ban Quản trị lâm thời Trung ương từ năm 1951, nay tiếp tục và chính thức giữ chức Phó Tổng Thư ký; đạo hữu Võ Đình Dần giữ chức Kiểm lý Ngân sách; đạo hữu Lê Văn Cầm giữ chức Ủy viên Từ thiện, và đạo hữu Cao Văn Trí giữ chức Kiểm soát.

Đến năm 1959, một Đại hội thống nhất kỳ III được tổ chức long trọng tại chùa Xá Lợi từ ngày 4 đến ngày 8-9-1959. Chúng tôi xin ghi dưới đây lời HT Hội chủ Tổng hội PG Việt Nam Thích Tịnh Khiết tuyên bố trong kỳ Đại hội này: “Tổng hội PG Việt Nam thành lập tới nay đã vừa 9 năm, nhưng ở trong hoàn cảnh khó khăn và lại thiếu sự thuận tiện, những cố gắng và hoạt động chưa đem lại hiệu quả nào đáng kể. Giờ đây, tôi hy vọng quý vị trong Ban Quản trị Trung ương cũng như các tập đoàn và Phật tử toàn quốc hãy cùng nhau đoàn kết, tận lực phụng sự chánh pháp, đem lại sự huy hoàng cho PG và dân tộc”.

Như vậy thì thấy sự thống nhất PG chỉ mới có trên hình thức và giấy tờ, các tập đoàn PG vẫn hoạt động riêng rẽ tại ba miền. Để tiến tới sự thống nhất thật sự, một Đại hội kỳ III cần được tổ chức để quy tụ 6 tập đoàn trong một tổ chức duy nhất là Tổng hội PG Việt Nam (Confédération). Hội nghị chấp nhận ý kiến tăng cường Ban Quản trị Trung ương bằng những phương pháp sau đây:

1)- Tuyển trạch những vị có khả năng, đức độ, thành tâm thiện chí với công cuộc phục vụ đạo pháp và sự thống nhất, để sung cử vào Ban Quản trị Trung ương Tổng hội PG Việt Nam.
2)- Ủng hộ Ban Quản trị Trung ương trên mọi phương diện tinh thần, vật chất...
3)- Các tập đoàn phải cam kết triệt để tuân hành theo thông tư và chỉ thị của Ban Quản trị Trung ương, để Ban này có đầy đủ uy tín và phương tiện thi hành Phật sự.

Mấy điểm trên đây là nghị quyết lịch sử đối với nền thống nhất PG. Các tập kỷ yếu qua các kỳ Đại hội của Tổng hội PG Việt Nam hiện còn lưu trữ tại thư viện chùa Phật học Xá Lợi.

Trong Ban Quản trị Trung ương nhiệm kỳ mới này (1959-1962), Ban Thường vụ gồm những ban viên đều ở Sài Gòn và HT Hội chủ cũng vào ở Sài Gòn một thời gian lâu dài để tránh sự chậm trễ trong các Phật sự do thư từ đi lại lâu lắc giữa các ban viên ở xa nhau, mà các nhiệm kỳ trước của Ban Quản trị đã mắc phải. Hội Phật học Nam Việt đã can đảm nhận lãnh những chức vụ quan trọng trong Ban Quản trị Trung ương nhiệm kỳ này: đạo hữu Chánh Trí Mai Thọ Truyền giữ chức Phó Hội chủ; đạo hữu Võ Đình Dần, Tổng Thư ký; đạo hữu Tống Hồ Cầm, Phó Tổng Thư ký I; đạo hữu Lê Ngọc Diệp, Phó Tổng Thư ký II; đạo hữu Nguyễn Văn Hoanh, Chưởng quỹ. Với thành phần Ban Quản trị Trung ương gồm các bậc Tăng già và cư sĩ hữu học, thành tâm thiện chí, Tổng hội PG Việt Nam đã tiến mạnh trên đường thống nhất hiệu quả hơn. Phái đoàn tham dự Hội nghị PG Thế giới kỳ 6 tại Phnom Penh năm 1962 đã được sự kính nể của các phái đoàn khác, và đạo hữu Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã được bầu làm Phó Chủ tịch; khi tranh đấu chống phim Sakya đã xuyên tạc lịch sử Đức Phật, tiếng nói của Ủy ban Liên phái cũng được nhà cầm quyền nghe theo. Nghi thức tụng niệm, y phục, tổ chức, giáo dục, hoằng pháp... đều hướng về ý niệm thống nhất, đặc biệt là lễ Phật Đản ở nước ta được cử hành vào ngày Rằm tháng Tư âm lịch (ngày trăng tròn) thay vì mùng Tám tháng Tư như lệ cũ trước đây.

Một biến cố quan trọng có thể nói là một tai ách đã xảy ra trong năm 1963 để thử thách, để trắc nghiệm sự thống nhất của PG Việt Nam. Trong dịp lễ Phật Đản năm 1963 (Rằm tháng Tư năm Quý Mão), Chính phủ Ngô Đình Diệm ra lệnh cấm treo cờ PG tại các tư gia và có nhiều hành động chia rẽ và kỳ thị PG, mọi người đều căm phẫn và cơn bão tố chờ dịp bùng nổ. Tại Huế là nơi căn cứ của PG, một cuộc diễn hành của Phật tử bị nhà cầm quyền giải tán, vài tiếng súng nổ, vài người ngã gục, thế là phong trào nổi lên với mục đích bảo vệ đạo pháp, đòi nhà cầm quyền phải tôn trọng tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo, dân chúng được treo cờ PG trước tư gia trong những ngày đại lễ và Chính phủ phải bồi thường cho các nạn nhân bị bắn chết hay bị đánh đập mang thương tích. Trước sự làm ngơ của chính quyền, các vị lãnh đạo PG hội họp các đoàn thể PG toàn quốc và lập Ủy ban Liên phái Bảo vệ PG... đặt trụ sở tại chùa Xá Lợi với sự đồng ý của Hội Phật học Nam Việt.

Tạm thời, khuôn mặt tu hành thanh tịnh của ngôi chùa lớn nhất Sài Gòn lúc bấy giờ bị che khuất bởi những biểu ngữ chống đối nhà cầm quyền, tiếng tụng kinh xen lẫn tiếng máy phóng thanh kêu gọi Tăng Ni Phật tử đoàn kết vì đạo pháp giành thắng lợi, và nói chuyện giải thích rõ về thời sự. Các giới đồng bào kéo đến rất đông, lễ bái tụng niệm thì ít, ủng hộ tranh đấu thì nhiều, không sợ hãi sự đe dọa của chính quyền độc tài gian ác, chư Tăng ở khắp nơi trong nước đều kéo về tụ tập ở chùa Xá Lợi để tuân theo chỉ thị của Ủy ban Liên phái. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có cuộc liên kết PG đồ, không phân biệt Bắc tông hay Nam tông, không phân biệt Tăng già hay cư sĩ, không phân biệt Việt Nam, người Hoa hay Khơmer, không phân biệt nam nữ già trẻ, tất cả đều đồng một lòng đoàn kết ủng hộ Ủy ban Liên phái Bảo vệ PG. Hàng ngày, chùa Xá Lợi đều tấp nập, đông đảo, tiếng chuông mõ xen lẫn tiếng góp ý, góp sức vì chính đạo và chính nghĩa, tạo ra khung cảnh quyết liệt, thành khẩn ; y vàng, y nâu, y lam của Tăng Ni sát cánh bên những phục sức quần áo đủ màu của nam nữ Phật tử.

Trước những đòi hỏi căn bản và những nguyện vọng chân chính của PG, chính quyền cứ làm ngơ và tìm cách chia rẽ PG, bắt bớ giam cầm nhiều người, tình hình mỗi ngày một căng thẳng. Ngày 11-6-1963, HT Quảng Đức tự thiêu tại ngã tư Lê Văn Duyệt-Phan Đình Phùng, nguyện lấy thân làm đuốc soi sáng chính quyền, dùng lửa từ bi để đốt sạch mọi chướng ngại si mê, mong chính quyền chấp thuận những nguyện vọng chính đáng của Phật giáo. Nhục thể của HT được rước về chùa Xá Lợi để làm lễ cầu siêu trong một tuần rồi mới di chuyển xuống An dưỡng địa tại Phú Lâm để hỏa táng. Tất cả những xương thịt của Ngài đều thành tro bụi, riêng trái tim còn nguyên vẹn, được rước về chùa Xá Lợi ngâm vào formol và bày lên bàn thờ cho dân chúng đến chiêm bái, mọi người cung kính đến quỳ lạy và cho là chuyện lạ.

Toàn dân đều cảm động trước sự hy sinh cao cả của HT Quảng Đức, nhưng Chính phủ Ngô Đình Diệm không chịu nghe theo lẽ phải mà còn phản ứng mạnh mẽ bằng cách chiếm đóng tất cả các chùa có tham gia phong trào bảo vệ PG, giam cầm một số lớn Tăng Ni và Phật tử vào đêm 20-8-1963.

Vì thế, chùa Xá Lợi dĩ nhiên được đánh phá tận tình, nhà cầm quyền bắt giữ tất cả mọi người có mặt trong chùa: HT Hội chủ, chư vị TT, ĐĐ, các Tăng Ni và Phật tử; đạo hữu Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt, cũng bị bắt và bị giam giữ cùng một lúc với các vị lãnh đạo Ủy ban Liên phái Bảo vệ PG, và sau đó các ban viên tích cực khác của Ban Quản trị: đạo hữu Huệ Đức Lê Ngọc Diệp, Tổng Thư ký; đạo hữu Tống Hồ Cầm, Ủy viên Kiểm soát của Hội cũng bị bắt vài ngày sau đó. Chùa Xá Lợi bị phong tỏa không cho ai ra vào, chuông mõ im lìm, đèn nhang lạnh lẽo, một bức màn sầu thảm phủ lên cả thành phố Sài Gòn, bao trùm mọi giới đồng bào. Sức mạnh của vũ khí không chinh phục được tấm lòng sắt son vì đạo của đồng bào, cho nên cuộc chống đối lại tiếp tục, học sinh và sinh viên bãi khóa liên miên, 6 vị Tăng Ni lần lượt tự thiêu, nhiều Phật tử hy sinh mạng sống vì tự do cho đạo pháp, kéo theo đình công, bãi thị, bãi khóa, biểu tình... khắp nơi đều chấn động, tức nước vỡ bờ, việc gì phải đến đã đến.

Ngày 1-11-1963, Ngô Đình Diệm bị giết. Cơn ác mộng đang đè nặng trĩu tâm hồn người con Phật suốt trong thời gian qua bị phá tan. Chư Tăng Ni và Phật tử được tự do, chùa chiền được giải tỏa, mọi người lại đổ xô về chùa Xá Lợi để vấn an chư vị lãnh đạo Ủy ban Liên phái và mừng cho đạo pháp đã qua cơn thử thách. Đạo hữu Chánh Trí Mai Thọ Truyền bị bắt giam cùng lúc với chư Tăng, nay lại được tự do cùng một ngày, đồng lao cộng khổ, thật xứng đáng đại diện cho giới cư sĩ bên cạnh giới xuất gia.

Sau đó, chùa Xá Lợi lại được chọn làm nơi hội họp của các phái đoàn đại diện PG toàn miền Nam vào đầu năm 1964, soạn thảo Hiến chương và thành lập Giáo hội PG Việt Nam Thống nhất. Đạo hữu Chánh Trí Mai Thọ Truyền được hân hạnh đắc cử chức Chủ tịch Ủy ban Soạn thảo Hiến chương và được bầu làm Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo. Khi mọi việc đã hoàn tất, trụ sở Giáo hội được chuyển về chùa Ấn Quang, trả lại cho chùa Xá Lợi vẻ mặt thanh tịnh tu hành và sinh hoạt bình thường như thuở ban đầu.

Bánh xe lịch sử quay đều, một trang sử đã được lật qua, mọi thành công hay thất bại đã chìm vào quên lãng, nhưng chùa Xá Lợi vẫn uy nghi tồn tại. Hội Phật học Nam Việt vẫn từ tốn khép mình vào nền tu học thuần túy, mặc ai tranh bá đồ vương, mưu cầu danh lợi. Những cây tùng bút vẫn xanh tươi, những khóm trúc vàng vẫn đẹp đẽ, một số tín hữu vẫn lui tới lễ Phật, tụng kinh, nghe pháp, tượng Phật mới được thếp vàng làm tăng phần oai nghiêm hùng lực, ngọn bảo tháp vẫn đứng cao chót vót như thi gan cùng tuế nguyệt và tiếng chuông đại hùng trên đỉnh tháp vẫn ngân nga theo gió sớm sương chiều, đưa hồn người lâng lâng thoát tục.

Chùa Xá Lợi, một kiến trúc dung hòa mới cũ, tiêu biểu cho nền mỹ thuật PG chuyển mình cho kịp thời thế đổi thay, đã trở thành bất diệt với câu thơ xưa, nay xin phỏng lại:

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Xá Lợi, canh gà Thủ Thiêm

Mãi đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất, PG ba miền Bắc, Trung, Nam mới thực hiện được ước mơ thống nhất trọn vẹn. Hưởng ứng sự kêu gọi của Ban Vận động Thống nhất PG cả nước, do các bậc cao tăng và cư sĩ tiêu biểu nhất, Hội Phật học Nam Việt là tổ chức PG của hàng cư sĩ Phật học tại miền Nam, là một trong 9 tập đoàn tiêu biểu chính thức gia nhập Giáo hội PG Việt Nam ngày nay.

Giáo hội PG Việt Nam trong nước Việt Nam độc lập, tự do và hoàn toàn thống nhất, cho nên kể từ ngày 29-12-1981 là tổ chức PG duy nhất đại diện cho PG Việt Nam về mọi mặt quan hệ ở trong nước và nước ngoài, có Hiến chương riêng và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ban Quản trị nhất tâm cung thỉnh HT Thích Thiện Hào về trụ xứ tại chùa Phật học Xá Lợi với chức vụ viện chủ, cùng hội hữu đông đảo gắn bó với tinh thần tu học và thực hiện Phật sự liên tục của chùa Hội. Các cư sĩ Tống Hồ Cầm, Tăng Quang, Trần Văn Phát cũng như các đạo hữu kỳ cựu và lớp hậu tấn mới trưởng thành đều nhất tâm chung lo bảo quản cơ sở đạo tràng này ngày thêm tốt hơn. HT trụ trì Thích Hiển Tu và Tăng chúng vẫn thủy chung bảo trì nếp sống thanh quy tại chùa, góp phần trang nghiêm cho ngôi phạm vũ mà chư tôn giáo phẩm hằng ân cần vãng lai hoằng hóa, phổ độ thiện nam tín nữ quy tập về đây.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]