Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sinh hoạt buổi đầu của Ni giới tại Sài Gòn

23/04/201318:16(Xem: 11786)
Sinh hoạt buổi đầu của Ni giới tại Sài Gòn


300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Sinh Hoạt Buổi Đầu Của Ni Giới Tại Sài Gòn

Thích nữ Như Đức
Nguồn: Thích nữ Như Đức


Lịch sử của Sài Gòn cũng là lịch sử chung của những thành phố quan yếu. Mỗi người, mỗi đoàn thể, mỗi dân tộc sinh sống trên đó đóng góp cho Sài Gòn từng mảng lịch sử riêng, và tất cả những cái riêng hòa nhập với nhau, kỷ niệm của mỗi đời sống cùng chảy theo dòng biến động lịch sử.

Vào khoảng đầu thế kỷ XX, Sài Gòn là nơi tập trung những hoạt động văn hóa xã hội, kể cả hoạt động Phật giáo (PG). Tổ đình Giác Lâm, Giác Viên một thời đã đào tạo các bậc Tăng sĩ trí thức, hàng long tượng Tăng già xuất phát từ đó cũng nhiều, chư tôn Hòa thượng (HT) từ các miền, các tỉnh thường về Sài Gòn hoạt động, đẩy mạnh phong trào chấn hưng PG. Trong khung cảnh ấy, Ni giới miền Nam cũng chịu ảnh hưởng. Các bậc Ni tiền bối Sài Gòn, có dịp tiếp cận với những tư tưởng mới, nhờ sự giáo dục và nâng đỡ của các bậc thầy, đã hoạt động tích cực để thay một lớp áo mới cho giáo đoàn của mình. Trên văn đàn Từ Bi Âm, trong những tập bút ký và thơ ca, còn ghi lại dấu tích của các Ni trưởng (NT) Diệu Tịnh (khai sơn Hải Ấn ni tự), NT Diệu Tấn (sáng lập ni trường Kim Sơn), NT Diệu Tánh (tức Sư trưởng Huê Lâm).


1- NT Diệu Tịnh (1910-1942)

Quê quán ở Gò Công nhưng sống ở Sài Gòn từ nhỏ, NT mang ít nhiều tính chất của người Sài Gòn dám nghĩ dám nói dám làm. Xuất gia năm 14 tuổi tại chùa Tân Lâm (Gia Định), kinh qua những thử thách buổi đầu khi Ni chúng thời ấy chưa có chùa riêng, NT mang trong mình hoài bão tự lập. Khi học xong ni trường Giác Hoa (Bạc Liêu), NT về Gia Định dịch các bộ kinh phổ thông ấn tống, sau mỗi quyển kinh đều có đăng những bài kêu gọi các Ni cô. Nhưng bài ấy mang tên Tiếng chuông một, Tiếng chuông hai..., thấy chưa được sự hưởng ứng mạnh, NT viết luôn bài Tiếng chuông sắp bể. Năm 1932, tạp chí Từ Bi Âm ra đời, NT viết nhiều bài gởi đăng, nhân diễn đàn công luận để bày tỏ quan niệm và chí hướng của mình.

Các bài viết của NT Diệu Tịnh xoáy quanh các vấn đề giáo dục Ni chúng, nhấn mạnh bổn phận của Ni giới trong phong trào sinh hoạt PG. Văn khí hùng mạnh, lập luận chính xác, có thể tiêu biểu cho cách viết của giới văn học PG thời bấy giờ... "Thế nên chị em Ni lưu chúng ta đối với PG ngày nay, phải ráng lo tu học, đạt thấu lý huyền vi, hầu sau này đem hết năng lực liễu bồ ra lãnh lấy cái trách nhiệm hoằng pháp lợi sanh, đặng kháng cự với tà sư ngoại đạo. Như vậy mới không phụ cái chí khí xuất gia, lại đúng với nghĩa vụ của trang nữ lưu học Phật..." (Trích trong bài diễn văn của NT Diệu Tịnh, Từ Bi Âm số 79).

Ngoài khả năng viết, còn khả năng thuyết pháp giảng dạy, NT là vị Giáo thọ Ni đầu tiên của Gia Định - trường hương Giác Hoàng năm 1933. Năm 1934, NT mở lớp gia giáo ba tháng ở chùa Thiên Bửu (Búng). Năm 1935, mời các NT đồng thời thành lập chùa ni Từ Hóa tại làng Tân Sơn Nhì (Gia Định), năm sau chùa dời về Tân Sơn Nhất, đổi hiệu là Hải Ấn ni tự. Chùa Ni riêng cho Ni ở, một mình một cõi để tận tình hóa độ và làm việc dễ dàng, ước mơ đó so với thời này thật đơn giản, nhưng thời trước Ni chúng chưa có tổ chức riêng, thật cũng khó thực hiện. Bút ký của NT còn ghi lại những khó khăn gian nan: chùa nghèo, thầy trò ít oi, tài sản chỉ có một khạp nước tương mặn vì cứ thêm muối và nước, ăn cơm bằng chén đất, đũa chà tre.

Cảnh khổ không làm giảm khí phách, NT tiếp tục viết bài và đi thuyết giảng từ trong Nam dần ra Trung, thành lập Bình Quang ni tự ở Phan Thiết, viếng Bình Định, Đà Nẵng. Khi học Luật Tỳ kheo tại Hà Nội, NT được mời thuyết giảng tại Hưng Yên. Vào đến Huế, dạy Phạm Võng lược sớ cho đức Từ Cung...

Cuộc đời của NT đầy hào khí nhiệt tâm, Từ Bi Âm làm thơ khen tặng có những câu:

Hành vi ngôn luận hãn siêu quần
Vì cớ sao mà hiện nữ thân
Trăm kiếp rèn nên gươm trí tuệ
Một tay tháo sổ cũi phong trần...
(Tặng Diệu Tịnh ni cô - Từ Bi Âm 73)


2- NT Diệu Tấn (1910-1948)

Quê ở Sa Đéc, xuất gia tu học với Hòa thượng (HT) Chí Thiền, chùa Phi Lai (Châu Đốc). Bắt đầu tham dự vào các hoạt động tại Gia Định năm 1934, NT là người đầu tiên mở cô nhi viện trực thuộc Hội Dục Anh Sài Gòn. Năm 1935, NT từ Gia Định ra Huế, ban đầu dự thính các lớp Từ Đàm, Báo Quốc, sau chính thức theo học ni trường Diệu Đức. PG Gia Định từng chịu nguồn ảnh hưởng từ PG Thuận Hóa, và con đường của NT Diệu Tấn cũng một hướng này. Về Nam (1939), NT mở ni trường Kim Sơn tại Phú Nhuận.

Phần Giáo thọ Tăng có Đại đức Hành Trụ (HT Đông Hưng) sau khi tốt nghiệp Báo Quốc đã dạy tại đây, tiếp theo là quý Thầy Như Hoàn, Hành Long, Hành Huệ, cụ Trần Huỳnh, HT Minh Nguyệt. NT Diệu Tấn vừa là trụ trì, vừa là Giáo thọ dạy Luật và Duy thức. Phần ngoại hộ có một vài thí chủ phát tâm, Ni chúng tự túc thêm bằng cách thêu đan. NT giỏi thơ văn và ứng đối, giới trí thức thời ấy nhiều phen đến viếng trường cùng đàm luận đạo lý, chứng tỏ một trường học của Ni đã có sức thuyết phục. Ni chúng đa số là các vị tuổi trẻ, có đủ tri thức và nhiệt tâm lãnh hội Phật pháp.

Qua phần tổ chức sinh hoạt của ni trường đầu tiên tại Sài Gòn này, chúng ta thấy NT Diệu Tấn đã thành công với một mô hình hoàn chỉnh, Ni giới đã có phần hội nhập vào sinh hoạt xã hội tại Sài Gòn. Ngày nay một số vị tôn túc Ni nằm trong ban lãnh đạo Ni bộ và trụ trì các tự viện, đều có từng học qua trường Kim Sơn.


3- NT Diệu Tánh (tức Ni trưởng Như Thanh, 1911-1999)

So về niên đại xuất thế thì ba vị NT đồng nhau, về năm xuất gia tuy có hơn kém nhưng các vị đồng là bậc hảo tâm xuất gia, đều là hàng nữ lưu trí thức. NT Như Thanh quê quán tại Thủ Đức, xuất gia tại chùa Phước Tường (Thủ Đức), trong bài thơ của Thượng tọa Minh Phát nói về Ni trưởng có câu:

Thủ Đức từ khi gởi chút duyên
Phước Tường xuất thế được lưu truyền...

Ngôi chùa mà NT trụ trì đầu tiên là chùa Hội Sơn vào năm 1935. Tại đây, ý hướng kiến tạo già lam của NT đã phát khởi. Hội Sơn vốn là một cổ tự của vùng Thủ Đức, trải qua nhiều đời Tổ sư trụ trì đã ghi dấu sự có mặt của Phật pháp bên bờ sông Đồng Nai. Thấy được tính cách quan trọng ấy, NT đã vận động thân phụ là cư sĩ Hồng Ngộ và bào huynh là kiến trúc sư Hồng Đạo xây thêm một dãy nhà thiền và nhà trù, trùng tu cho ngôi cổ tự thêm phần mỹ quan. Ngày nay chúng ta còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chùa Hội Sơn, cũng nhờ một phần công lao của Ni trưởng.

... Hội Sơn một độ ngôi phương trượng
Trùng kiến Huê Lâm buổi ban đầu...
(Thơ của TT Minh Phát)

Hội Sơn cũng là nơi hoạt động Phật sự đầu tiên của NT Như Thanh. Năm 1942, sau khi tham học ở Huế và Hà Nội về, NT mở một lớp dạy Luật cho Ni chúng. Đến năm 1944, NT khai hạ kỳ, giảng bộ Luật Tứ phần Tỳ kheo ni lược ký, bổ túc cho Ni chúng thêm kiến thức về Luật học. Đặc biệt trong các trường của NT Như Thanh từ trước cho đến sau này, rất ít có hình bóng các vị Giáo thọ Tăng, điều này cho thấy Ni chúng có thể tự túc về giáo dục, đó là một tiến triển khá lớn.

Sau khi hai NT Diệu Tịnh và Diệu Tấn viên tịch, NT Như Thanh tiếp tục sự nghiệp giáo dục Ni chúng. Năm 1948, NT về Chợ Lớn nhận chùa Huê Lâm, thành lập Phật học viện, mở trường tiểu học, trung học... Toàn bộ vùng Sài Gòn-Gia Định bấy giờ có NT là người đầy đủ uy tín để gây dựng và kết hợp Ni giới. Sau những chuyến đi vận động, NT được sự đồng tình của tất cả quý NT miền Nam, được sự khích lệ của HT Pháp chủ Huệ Quang, NT đã mở Đại hội Ni bộ Nam Việt tại chùa Huê Lâm (1956), kết thúc thời kỳ sơ khai và bắt đầu thời kỳ trưởng thành của Ni chúng.


KẾT LUẬN

Lịch sử phát triển của Ni bộ miền Nam mang một phần dấu ấn Sài Gòn. Yếu tố chính là nhờ các bậc lãnh đạo Ni thời ấy kiến thức cao rộng, hết sức kêu gọi và thúc đẩy Ni giới từ bỏ lối sống khép kín để hòa mình vào đại cuộc. Yếu tố khách quan không kém phần quan trọng chính là không khí thông cảm, tinh thần phóng khoáng của thành phố Sài Gòn. Chính nhờ môi trường thuận lợi này, khoảng hơn hai mươi năm sau bài báo đầu tiên của NT Diệu Tịnh, Ni giới đã hân hạnh tham dự vào dòng sinh hoạt PG, đóng góp thêm cho lịch sử thành phố những điểm son tốt đẹp.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]