Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 17

22/04/201317:32(Xem: 9074)
Phần 17

NHÀ XUẤT BẢN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 2001

TOÀN TẬP

TÂM NHƯ TRÍ THỦ

--- o0o ---

TẬP 3

HIỆP CHÚ

CHƯƠNG SÁU

BA LA ĐỀ ĐỀ XÁ NI

I. TỔNG TIÊU:

A. CHÁNH VĂN:

Thưa các đại đức, đây là bốn pháp Ba la đề đề xá ni, xuất từ giới kinh, mỗi tháng tụng một lần.

B. LƯỢC GIẢI:

Ba la đề đề xá ni, các bản Hán thường dịch là hối quá hoặc hướng bỉ hối: hướng đến người khác mà hối lỗi. Trong các bản dịch của Nghĩa Tịnh, nó được dịch là đối thuyết.Nguyên tiếng Phạn, âm đề xá ni, nghĩa đen là điều cần được nêu lên, cần được chỉ điểm hay bày tỏ; tiền tố ba la đề, nguyên là giới từ, chỉ ý nghĩa riêng biệt, hoặc đối lại. Do hai nghĩa khác nhau của tiền tố, ba la đề đề xá nicũng có thể được hiểu theo hai nghĩa: đối diện với một người mà nói; hoặc: nói riêng biệt từng người.

Định nghĩa của Tăng kỳnói: Vì tội này cần hướng đến người khác mà hối lỗi, không được phú tàng. Định nghĩa này quá rộng, bao trùm tất cả các điều học của Tỳ kheo. Vì căn bản của sự sám hối trong luật Tỳ kheo là phải nói rõ sai lầm của mình trước một, hay nhiều Tỳ kheo, hoặc trước Tăng; không bao giờ có trường hợp tâm niệm sám hối, trừ các tội chớm nở trong ý thức, chưa phát hiện ra ngoài, hoặc đã phát nhưng quá yếu ớt, tức là các tội thuộc đột kiết la tâm hối hay tự trách tâm. Tuy nhiên, định nghĩa được nói là của Tăngkỳ, nhưng thật sự đã được dịch theo cách hiểu của dịch giả, đã chọn một trong hai ý nghĩa của tiền tố ba la đề như đã nói.

Trong Cănbản Luật nhiếp, từ này được dịch là đối thuyết và được định nghĩa như sau: Đối diện riêng từng người mà nói tội của mình. Tất cả các tội khác cũng đều đối trước người khác mà nói, nhưng trong điều này, trong trú xứ có bao nhiêu Tỳ kheo đều phải đối diện riêng từng mỗi vị mà nói. Bởi vì, các bộ khác, hoặc im lặng hoặc chỉ định nghĩa quá vắn tắt, nên không thể đối chiếu với giải thích trên đây của Căn bản.Trong định nghĩa này, Cănbảncho rằng ba la đề đề sá ni bao gồm cả hai nghĩa của tiền tố: vừa đối trước, vừa riêng biệt. Do đó, chánh văn của bộ này cuối mỗi điều học nói về thể thức sám hối đều nêu rõ ràng rằng: “ Tỳ kheo ấy đến chỗ các Tỳ kheo, nói riêng từng người rằng…” Trong đây, chánh văn Căn bản còn nêu rằng Tỳ kheo ấy trở về trú xứ của mình mà sám hối, và giải thích với các Tỳ kheo đang hiện diện trong trú xứ ấy; còn trên đường đi hay ngoài phạm vi trú xứ, dù gặp Tỳ kheo nào, cũng không nên sám hối. Thể thức sám hối này khác hẳn với các thể thức khác, nói không phải chỉ nói tội riêng trước một Tỳ kheo như các tội đột kiết la là vì ở đây phải nói tội trước tất cả các Tỳ kheo trong trú xứ; nhưng cũng không giống như tội thuộc các thiên ba dật đề hay tăng già bà thi sa, hoặc biệt chúng sám, hoặc tăng pháp sám, vi nó không nói tội một lần với nhiều người, mà chỉ nói riêng với một người mà thôi.

Thể thức sám ba la đề đề xá nitrên đây của Căn bảnthật sự cũng được hàm ngụ ngay trong chánh văn của các bộ. Như chánh văn Ngũ phầnnói: đối diện trước cácTỳ kheo (hướng chư Tỳ kheo), tức nói rằng không phải sám hối trước mộtTỳ kheo, nhưng vì nó không thuộc loại biệt chúng sám như ba dật đề hay tăng pháp sám như tăng già bà thi sa nên cũng không trước nhiều Tỳ kheo một lần.Các bộ khác chỉ nói hướng dư Tỳ kheo, đối diện trước Tỳ kheo khác, không nói rõ số ít hay số nhiều. Có lẽ các dịch giả đã không nhìn thấy ý nghĩa hàm ngụ về thể thức sám hối đặc biệt của thiên này, do đó đã có sự ước lược trong khi dịch. Để kết luận, ở đây nên chấp nhận giải thích của Căn bảnLuật nhiếp.

II. GIỚI TƯỚNG:

ĐIỀU 1: Tùng phi thân lý ni thọ thực(Nhận thức ăn của Tỳ kheo ni không phải thân quyến).

A. CHÁNH VĂN:

Tỳ kheo nào, vào trong xóm, nếu khôn bịnh mà tự tay nhận lãnh thức ăn từ Tỳ kheo ni không phải thân quyến và thọ thực, Tỳ kheo ấy cần phải đối diện trước Tỳ kheo khác mà phát lộ rằng: “Thưa Đại đức, tôi phạm pháp đáng khiển trách, làm điều không nên làm. Nay đối trước Đại đức xin phát lộ sám hối.” Đây gọi là pháp hối quá.

B. LƯỢC GIẢI:

+Duyên khởi, tường thuật tổng hợp. Phật tại Xá Vệ, bấy giờ gặp lúc đói kém, các Tỳ kheo khất thực ít được, hoặc có khi không có gì cả. Tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc, người đã chứng A la hán, vốn nhiệt tình kính trọng các Tỳ kheo; mỗi khi khất thức được món gì, cô tìm đến các Tỳ kheo. Vị nào thiếu ít, cô sớt phần một ít phần mình cho đủ. Vị nào hoàn toàn không có gì, cô sớt hết phần cho các Tỳ kheo, cô không có gì để ăn cả, nên cả buổi sáng hôm đó, cô ngả bất tỉnh giữa đường. Những người đi đường cứu tỉnh cô, và họ biết cô vì đói nên xỉu, và cuối cùng người ta cũng biết lý do gì cô phải nhịn đói ba ngày. Nhân đấy, Phật kiết giới.

Trong đây, ngoài Tăng kỳcó thêm một chi tiết, để nêu rõ ý nghĩa điều mà chánh văn Tứ phần nói là vàoxómtức ở trong phạm vi xóm làng dân, ngoài phạm vi trú xứ của Tăng; mà điều này thì chánh văn Tăng kỳ nói cụ thể hơn hết là tại nhà bạch y. Chuyện kể, sau khi cô Liên Hoa Sắc được một cư sĩ cứu tỉnh, và nấu cháo cho cô dùng. Bấy giờ một Tỳ kheo khất thực đến đứng trước nhà. Bà cư sĩ sợ cô ni trông thấy mà sớt phần cả cô và rồi lại sẽ phải nhịn đói nữa. Nhưng cô tinh mắt, trông thấy bà này đứng chắn trước cửa, bèn liếc nhìn ra ngoài, thấy tà y của Tỳ kheo, bèn bảo nữ gia chủ ấy tránh ra và rồi cũng sớt phần của mình thật. Bà này bất mãn, cho rằng các Tỳ kheo không biết đủ: cho đến người vì tự sớt phần mình cho họ đến phải ngất xỉu, thế mà các Tỳ kheo vẫn cố tìm cô để xin ăn.

+ Chánh văn bao gồm 6 yếu tố căn bản để thành phạm:

1) Trong phạm vi xóm làng của dân cư;

2) Người cho là Tỳ kheo ni không phải thân quyến;

3) Tỳ kheo nhận không phải là người bịnh;

4) Tự tay thọ nhận vật thực;

5) Được nhận là các loại vật thực hoặc cứng hoặc mềm; ngoài các thứ này ra, không kể;

6) Đã thọ nhận và đã ăn.

+ Vào xóm, hay vào tụ lạc, chỗ có dân cư. Căn bản nói: trên đường dẫn vào xóm. Điều này được Luật nhiếpgiải thích: Nếu thọ nhận ngay trú xứ của Tỳ kheo ni tự làm thí chủ, mà vật thực không phải do xin được; trong các trường hợp này, Tỳ kheo thọ nhận mà không phạm.

Điểm này, chánh văn Ngũ phần nói: tại trong đường xá (nhai hạng trung), nghĩa là trên các con đường trong làng hay phố chợ. Và bộ này giải thích: Tỳ kheo ở trong tụ lạc, Tỳ kheo ni ở ngoài; hoặc Tỳ kheo ở trên không, Tỳ kheo ni ở dưới đất; hoặc trái lại; nói tóm, không cùng trong một giới, thọ nhận vật thực trong các trường hợp này, Tỳ kheo phạm đột kiết la. Giải thích này muốn nói rằng, Tỳ kheo thọ nhận vật thực từ tay Tỳ kheo ni trên các con đường của làng hay của phố mới thành phạm; ngoài ra, hoặc đột kiết la, hoặc không phạm.

Về quan điểm của Tăng kỳ,như đa nêu rõ trong duyên khởi của bộ này; và đã dẫn trên.

Tứ phầnkhông có giải thích trực tiếp. Nhưng cũng nói một cách gián tiếp: Hoặc Tỳ kheo ni để xuống đất, hoặc sai người khác mang cho, hoặc ở trong tăng già lam, trong chùa ni, ngoài xóm làng; thọ nhận trong các trường hợp này đều không phạm.

+ Phát lộ,nguyên Hán văn: hối quá. Cũng như trong nhiều nơi khác(xem tựa thuyết giới), chữ hối trongTứ phần cần phải hiểu là phát lộ, tức bày tỏ, chứ không có nghĩa là hối hậntheo nghĩa đen của chữ Hán.

+ Chánh văn, từ chỗ Tỳ kheo cần phải đối trước… cho đến hết: phần kết của mỗi pháp trong bốn pháp ba la đề đề xá ni đều có đoạn này. Đây ấn định thể thức sám hối. Ý nghĩa của nó, như đã giải trong phần tổng tiêu ởû trên.

+ Tội phạm… không nên làm, nêu rõ bản chất của các tội thuộc thiên này. Đoạn này, Căn bản nói: tội phạm pháp xấu ác cần phát lộ riêng, tức là muốn nói rõ rằng đã làm một hành vi xấu cần phải phát lộ riêng trước mỗi Tỳ kheo, phần biệt với các hành vi xấu thuộc đột kiết la. Trong đây nói là phạm, trongThập tụng, được dịch là đọa,nghĩa là sa ngã. Sa ngã là bản chất của tội ba dật đề. Nhưng tất cả những việc làm đáng khiển trách đều thuộc tội đột kiết la. Cách dịch của Nghĩa Tịnh, đối thuyết ác pháp, thật sự đã nêu rõ bản chất của tội phạm của thiên này.

ĐIỀU 2: Thọ ni chỉ thọ thực(Thọ dụng vật thực do ni chỉ định).

A.CHÁNH VĂN:

Tỳ kheo đến nhà bạch y thọ thực, trong đó có một Tỳ kheo ni chỉ định rằng: “Mang canh này cho Tỳ kheo mỗ giáp, mang cơm này chomỗ giáp”. Các Tỳ kheo nên nói với Tỳ kheo ni kia rằng: “Này cô, hãy thôi. Hãy để cho các Tỳ kheo thọ thực”, nếu không có một Tỳ kheo nào nói với Tỳ kheo ni ấy rằng “Này cô, hãy thôi. Hãy để cho các Tỳ kheo thọ thực” thì các Tỳ kheo này cần phải đối diện trước các Tỳ kheo khác mà phát lộ rằng: “Thưa Đại đức, tôi phạm pháp đáng khiển trách, làm điều không nên làm. Nay đối trước Đại đức xin phát lộ sám hối”. Đây gọi là pháp hối quá.

B.LƯỢC GIẢI:

+ Duyên khởi, tường thuật tổng hợp. Phật tại Xá Vệ. Một cư sĩ thỉnh Tăng về nhà thọ thực. Trong khi Tăng thọ thực một Tỳ kheo ni chỉ bảo gia chủ bưng thứ này thứ khia cho sáu Tỳ kheo kia, khiến gia chủ bị rối trí bèn nổi cáu, gây lộn với ni cô. Thọ thực xong, về tịnh xá, Phật họp Tăng, khiển trách nhóm sáu Tỳ kheo và Ngài chế giới.

+ Về hình thái vi phạm, chánh văn nói khá rõ. Trong số các Tỳ kheo thọ thực, chỉ có một vị nói thôi. Nếu cản một lần, ni cô này chưa thôi; ngăn cản đến lần thứ ba là đủ. Sau đó, nêu có Tỳ kheo mới đến, vị này thấy ni cô, cũng nên hỏi đã có ai cản chưa. Nếu chưa thì nhắc các Tỳ kheo. Nếu đã ba lần cản rồi, cô ấy vẫn tiếp tục chỉ huy, các Tỳ kheo thọ thực tự nhiên, không vi phạm gì cả. Về điểm này, Ngũ phần có nói: Nếu trong khi ấy có mặt Tỳ kheo ni, nhưng cô này đứng im lặng, hay cô hướng dẫn bưng dọn mà không theo cảm tình rieng, các Tỳ kheo thọ thực mà không vi phạm gì cả.

+ Về thể thức sám hối trong phần cuối chánh văn, như đã giải thích trên.

ĐIỀU 3: Học gia thọ thực(Thọ thực của học gia).

A. CHÁNH VĂN:

Nếu có Học gia mà Tăng đã tác yết ma Học gia; Tỳ kheo nào biết đó là Học gia, không được tỉnh cầu trước, không bịnh, mà tự tay mình thọ nhận thức ăn và Tỳ kheo ấy cần phải đối diện trước các Tỳ kheo khác mà phát lộ rằng: “Thưa Đại đức, tôi phạm pháp đáng khiển trách, làm điều không đáng làm. Nay đối trước Đại đức xin phát lộ sám hối”. Đây gọi là hối quá.

B. LƯỢC GIẢI:

+ Học gia, chỉ cho gia đình Hữu học, tức gia đình mà cả vợ chồng đều chứng đắc Thánh quả từ Dự lưu cho đến Bất hoàn. Người còn tại gia, không thể chứng đắc A la hán. Nếu có chứng đắc, tự nhiên trở thành Tỳ kheo và lìa bỏ đời sống thế tục ngay. Do đó, không thể có gia đình Vô học.

Để được gọi là gia đình Hữu học, Ngũ phần Tăng kỳ đều nói, cả vợ và chồng chứng đắc một trong các Thánh quả Hữu học; nếu chỉ riêng vợ hoặc chồng chứng đắc, người còn lại là phàm phu, không thể gọi là gia đình Hữu học.

+ Yết ma học gia. Các Thánh đệ tử, chứng đắc Sơ quả trở lên, thành tựu bốn chứng tịnh, cũng gọi là bốn bất hoại tín, tức đức tin trong sáng không thể lay chuyển đối với Phật, Pháp, Tăng và Thánh giới. Do đó, các vị này luôn luôn tận tâm cúng dường Tăng. Nhiều gia đình do sự cúng dường ấy mà khánh tận. Như điển hình là trưởng giả Cấp Cô Độc. Nhưng trong duyên khởi của các bộ liên hệ điều luật này, Cấp Cô Độc không được nhắc đến. Một bộ nêu một gia đình khác nhau, nhưng thảy đều các Thánh đệ tử tại gia nổi tiếng thời bấy giờ. Do nhận thấy hoàn cảnh của họ, Phật khiến các Tỳ kheo tác yết ma học gia, xác nhận đó là gia đình Hữu học, và các Tỳ kheo không ai được phép đến đó khất thực. Như thế sẽ không khiến các Thánh đệ tử tại gia ấy vốn đang hồi túng quẩn lại càng túng quẩn thêm; vì nếu có Tỳ kheo đến khất thực, nhất định vị ấy không từ chối; dù phải xả thân cũng sẵn sàng hoan hỷ. Nhưng, như nguyên tắc mà Phật đã dạy: người bố thí với tâm không biết đủ, nhưng người thọ nhận phải biết đủ, phải xét đến hoàn cảnh của thí chủ.

Văn bạch nhị Yết ma học gia như sau, theo Tứ phần: “Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Có một gia đình cư sĩ ở tại … là Phật tử đã thành tựu các tịnh tín, nhưng gia sản đang hồi khánh kiệt. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng này tác pháp yết ma xác nhận đó là học gia. Các Tỳ kheo không ai được đến gia đình ấy thọ nhận vật thực và thọ thực. Đây là lời tác bạch.”

Một lần yết ma ngữ, và kết thuyết yết ma, chuẩn theo trên đây.

Qua một thời gian sau, gia đình ấy gặp hồi làm ăn khá giả, trở lại đời sống sung túc. Gia chủ có thể đến thỉnh cầu các Tỳ kheo xả yết ma học gia ấy. Vì trong điều Phật chế, không quy định việc các Tỳ kheo thông báo cho gai đình ấy biết Tăng đã yết ma học gia đối với họ, cho nên các vị này nhiều khi thắc mắc về việc vắng sự lai vãng của các Tỳ kheo đối với gia đình mình. Trong trương hợp này, Tăng kỳ đã nêu cách hành xử tế nhị. Các Tỳ kheo không nên như đàn chim tránh cung, sau khi tác yết ma thì vắng mặt biệt tăm, mà phải thỉnh thoảng đến gia đình ấy để thuyết pháp, gây tinh thần phấn khởi. Nếu họ có cúng dường, phải từ chối một cách khéo léo. Căn bản cũng đề ra nhiều hành xử tế nhị khác. Trừ vật thực, Tỳ kheo có thể thọ nhận các vật dụng để nằm ngồi. Cũng nên thỉnh thoảng đến thuyết pháp. Nhưng khi đến không nên ôm bát không mà phải khất thực cho đầy bát rồi mới đến. Làm như thế để gia đình ấy khỏi buồn lòng khi ấy các Tỳ kheo ra khỏi nhà mình với bình bát không. Thảng hoặc, con cái trong gia đình cần ăn, Tỳ kheo có thể sớt phần cho chúng. Bộ này cũng lưu ý rằng sự chia sớt này cần tế nhị. Vì người ngoài hay biết sẽ nói rằng trước đó Tỳ kheo đến xin gia đình này, nay gia đình này xin lại của Tỳ kheo. Đại khái, các cách xử sự như thế biểu lộ mối quan hệ đặc biệt tế nhị giữa Tỳ kheo và gia đình tin Phật.

Về trường hợp để Tăng xả yết ma học gia, các bộ đều nói do chính gia đình ấy đến thỉnh cầu. Nhưng Thập tụng nói thêm rằng, dù được thình cầu, Tăng phải nhận xét thực tế hoàn cảnh gia đình ấy hiện như thế nào. Nếu chưa có dấu hiệu gì chứng tỏ khá thêm lên, Tăng không được phép tác pháp xả. Nếu đã khá hẳn hơn trước, dù thỉnh hay không thỉnh, Tăng có thể tự động tác pháp xả. Nếu hoàn cảnh không sa sút thêm, cũng không khá hơn thêm, nếu được thỉnh cầu, tùy nhận định mà tác pháp xả.

Về sự thỉnh cầu, Thập tụng Căn bảnđều có lời tác bạch thỉnh cầu của ga đình ấy trước Tăng. Văn tác bạch của Căn bản như sau: “Bạch Đai đức Tăng. Con là… gia đình con thêm một niềm tịnh tín sâu sắc đối với Tam bảo, đã bố thí cúng dường Tam bảo với tâm tư hoan hỷ, thuần tịnh. Nhưng do sự bố thí cúng dường ấy mà gia đình con đi đến chỗ bần cùng. Đại đức Tăng vì thế thương tưởng gia đình con, nên đã tác yết ma đối với gia đình con, khiến Thánh chúng không đến nhà con. Nay tài thực trong nhà con đến hồi sung túc. Nay con đến trước Đại đức Tăng, thỉnh cầu Đại đức Tăng tác pháp giải yết mà đối với gia đình con. Ngưỡng trông Đại đức Tăng từ bi thương tưởng.”

Sau khi vị ấy ba lần tác bạch như vậy. Tăng yết ma giải. Tứ phần nói là bạch nhị yết ma. Thập tụng Căn bản nói là bạch tứ. Dưới đây văn yết ma theo Tứ phần:

Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Có một gia đình cư sĩ ở tại… là Phật tử đã thành tựu các tịnhtín, nhưng gia sản đang hồi khánh kiệt. Tăng trước vì thế đã tác yết ma đối với gia đình ấy, nay gia đình ấy tài vật trở lai sung túc như trước, và đến thỉnh cầu Tăng tác pháp giải yết ma học gia. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay chấp thuận giải yết ma học gia đối với gia đình ấy. Đây là lời tác bạch.

Một lần, hoặc ba lần, yết ma ngữ, chuẩn theo văn tác bạch trên, với những thay đổi cần thiết.

+ Trong chánh văn nêu rõ, điều học này bao gồm 5 yếu tố để thành phạm:

1)Gia đình Hữu học đã được Tăng yết ma học gia;

2)Tỳ kheo biết rõ như vậy;

3)Không được thỉnh cầu trước;

4)Không bịnh;

5)Tự tay thọ nhận vật thực và đã thọ thực.

Như vậy, phạm tướng đã rõ. Nghĩa là, với Tỳ kheo không biết đó là gia đình Hữu học đã được Tăng tác yết ma, mà đến đó khất thực, thì không phạm. Tuy nhiên, để chấp hành nghiêm chỉnh điều học này, khi đến một trú xứ mới, Tỳ kheo nên hỏi trong phạm vi tụ lạc ấy có gia đình nào đã được tác yết ma Học gia mà chưa giải. Mặt khác, nếu gia chủ ấy đến thỉnh cầu, hoặc tự mang vật thực đến cúng dường; hoặc nhờ người khác mang, mà Tỳ kheo không trực tiếp thọ nhận từ tay mình đối với gia chủ ấy, thảy đều không phạm. Và sau cùng là trường hợp tùy khai cho Tỳ kheo bịnh.

ĐIỀU 4: A lan nhã thọ thực(Sự thọ thực tại a lan nhã).

A. CHÁNH VĂN:

Tỳ kheo sống tại a lan nhã xa xôi hẻo lánh, chỗ đáng nghi ngờ, có sự sợ hãi. Nếu Tỳ kheo sống tại trú xứ a lan nhã như vậy, trước không nói cho đàn việt biết, không thọ nhận vật thực bên ngoài Tăng già lam, không bịnh, tự tay mình thọ nhận vật thực và thọ thực, Tỳ kheo ấy cần phải đối diện trước Tỳ kheo khác mà phát lộ rằng: “ Thưa Đại đức, tôi phạm pháp đáng khiển trách, làm điều không nên làm. Nay đối trước Đại đức xin phát lộ sám hối”. Đây gọi là pháp hối quá.

B. LƯỢC GIẢI:

+ Điều luật có rất nhiều điểm khác nhau giữa các bộ. Để có thể có một cái nhìn tổng hợp, trước hết cần nêu quan điểm của riêng từng bộ, về duyên khởi cũng như giải thích chánh văn.

+ Duyên khởi:

Tứ phần: Phật tại Ca tỳ la vệ, trong vườn Ni câu loại. Các Thích nữ trong thành mang thực phẩm đến Tăng già lam cúng dường. Bọn giặc cướp biết được, chúng đón đường xách nhiễu các nàng. Các Tỳ kheo bạch Phật. Phật dạy: Từ nay nên báo cho các con gái họ Thích biết, bảo đừng ra khỏi thành vì dọc đường có giặc cướp. Nếu các nàng đã ra khỏi thành, bảo đừng đến tăng già lam vì giữa đường có giặc cướp, rồi Ngài kết giới: (…) không thọ nhận vật thực bên ngoài tăng già lam, mà bên trong tăng già lam thọ nhận vật thực và thọ thực (…)

Mặc dù các thí chủ được báo biết tình hình nguy hiểm, nhưng họ vẫn mang vật thực đến tăng già lam. Các Tỳ kheo không dám thọ nhận. Phật dạy, trong trường hợp này, thọ nhận không phạm. Rồi lại có Tỳ kheo bịnh, Phật tùy khai, không áp dụng điều luật này. Lại có thí chủ trao vật thực cho Tỳ kheo bằng cách để xuống đất, hoặc sai người khác mang cho, các Tỳ kheo thảy đều không dám thọ nhận. Phật dạy trong các trường hợp này thọ nhận không phạm. Rồi Ngài kết giới lần thứ hai, với chánh văn đầy đủ như trên.

Ngũ phần: Phật tại Ca tỳ la vệ. Các cư sĩ mang vật thực cho các Tỳ kheo sống tại a lan nhã. Dọc đường họ bị cướp, bèn trách các Tỳ kheo không báo cho biết trước. Phật nhân đó kết giới lần đầu: Tỳ kheo sống tại trú xứ a lan nhã, đáng nghi ngờ, có sự sợ hãi, trước không dò xét, mà bên trong tăng phường thọ nhận vật thực…Sau đó nữa, có 500 nô lệ phản họ Thích, kéo nhau lên rừng làm giặc cướp. Chúng hay tin các con gái họ Thích sẽ mang vật thực đến tăng già lam, bèn bảo nhau chận đường. Các Tỳ kheo biết được, thông báo cho các Thích nữ biết. Bọn cướp đợi không thấy các nàng đến, biết là các Tỳ kheo đã thông báo, bèn đánh các vị đến gần chết. Phật nhân đây kết giới lần thứ hai: (…) bên trong tăng phường tự tay thọ nhận vật thực, không ra ngoài mà thọ nhận (…)

Tăng kỳ: Phật tại Ca tỳ la vệ. Một số Tỳ kheo sống tại a lan nhã, được cha mẹ, hoặc chị em, hoặc thân quyến của họ khiến gia nhân mang vật thực tiếp tế. Dọc đường chúng sớt phần để tự dùng. Sau đó, các Tỳ kheo về thăm nhà, người nhà hỏi việc tiếp tế vật thực. Các Tỳ kheo cứ sự thực nói. Các người này biết gia nhân đã ăn bớt, bèn đánh đập chúng. Do vậy chúng oán hận các Tỳ kheo. Phật kết giới với nội dung gồm các điểm: không nói với bên ngoài, không thọ nhận bên ngoài, mà bên trong tự tay thọ nhận. Rồi bộ này kể thêm do các trường hợp Tỳ kheo bịnh nên Phật tùy khai, và tiếp theo đó ghi đầy đủ chánh văn kết giới.

Thập tụng: Phật tại Ca tỳ la vệ. Một bọn tội phạm trốn lên rừng làm giặc cướp. Các Thích nữ mang vật thực vào rừng dân cúng Phật và Tăng. Giữa đường, bị bọn cướp trấn lột hết y phục. Các người họ Thích hay tin, bố trí vây bắt bọ cướp. Trong khi các nàng họ Thích bị trấn lột hết y phục, thì nhóm sáu Tỳ kheo khất thực đi ngang qua, thấy vật thực, kêu các nàng trao cho họ. Các nàng bất mãn, khiển trách: chúng tôi bị cướp phải lõa hình, các đại đức không nghĩ gì dến, lại yêu sách vật thực. Trong khi đó, Phật hay biết chuyện, khiến A Nan kiếm các y đã xả mang ra cho các nàng. Rồi Ngài gọi nhóm sáu Tỳ kheo ấy đến khiển trách, và kết giới. Văn kết giới đạ thể như Tứ phần.

Căn bản: duyên khởi như Thập tụng, nhưng chánh văn khác hẳn các bộ. Chi tiết này sẽ nói sau.

+ Giải thích chánh văn:

- A lan nhã xa xôi, các bộ giải thích giống nhau. A lan nhã cách tụ lạc 500 cung, hay một câu lô xá. Thập tụng nóithêm: đây là nói theo cách ước tính của người Ma Kiệt Đà. Nếu theo phương bắc, a lan nhã là địa điểm cách tụ lạc nửa câu lô xá thôi. Ngoài ra, trong các bộ chỉ nói gọn là a lan nhã, không phẩm định xaxôi.

- Đáng nghi ngờ, có sự sợ hãi, tức chưa thông báo cho thí chủ biết a lan nhã Tỳ kheo đang sống có nguy hiểm về giặc cướp hay thú dữ v.v…, để họ đề phòng, nếu họ cần đến trú xứ ấy. Tứ phần không có giải thích. Điểm này, Ngũ phần nói: trước không dò xét (Hán: tư thị), và cũng không có giải thích. Nhưng đại khái ý nghĩa cũng gần giống như Tứ phần. Dò xét tình hình nguy hiểm như thế nào và thông báo cho các thí chủ biết để đề phòng. Trong Thập tụngCăn bản, câu văn này ấn định thể thức tổ chức canh phòng của các Tỳ kheo đối với giặc cướp. Chánh văn Thập tụng thay nguyên câu này bằng một câu khác: Tăng chưa tác sai. Bộ này tự giải thích: Tăng chưa tác pháp bach nhị yết ma sai một Tỳ kheo làm người tham tri thực, tức Tỳ kheo có phận sự đi nhận lãnh thực phẩm bên ngoài tăng già lam. Mục đích sai cử này là để các cư sĩ, có thể là phụ nữ, khỏi đi vào con đường nguy hiểm có giặc cướp mai phục. Theo ý nghĩa này, nếu Tăng chưa sai ai làm tham tri thực, không một Tỳ kheo nào được phép ngồi yên để chờ thí chủ mang vật thực đến. Khi đã sai cử người rồi, các vị có thể thọ nhận vật thực bên trong tăng già làm từ người tham tri ấy.

Việc sai cử người này cũng được đề cập trong Căn bản. Nhưng trong đây không gọi là người tham tri thực, mà là người khán thủ, tức Tỳ kheo có trách nhiệm tuần tra, thăm dò tình hình bọn cướp. Đây là biện pháp phòng ngự cả Tỳ kheo sống tai nơi có giặc cướp. Bộ này nêu chi tiết các trách nhiệm của Tỳ kheo được Tăng sai cử làm khán thủ. Chung quanh bốn phía trú xứ, trong phạm vi một nửa do tuần, vị ấy phải quan sát tường tận, nơi nào nghi có giặc cướp ẩn náu, phải đốt khói làm hiệu, hoặc treo cao nêu cho mọi người nhìn thấy, hoặc rải lá dọc đường làm dấu, nghĩa là bất cứ hình thức thông báo nào tốt là được. Về hình thức phòng ngự hay thông báo, bộ này và Thập tụng giống nhau. Nhưng về yếu tố căn bản để thành phạm, bộ này khác hẳn với các bộ. Chánh văn nói: (…)trước chưa có người thăm dò tình hình nguy hiểm, nếu ở bên ngoài trú xứ mà thọ nhận vật thực (…). Không có giải thích gì về ý nghĩa này, nhưng nó được hàm ngụ trong duyên khởi. Các nàng họ Thích bị bọn cướp lột, vì trần truồng nên phải núp trong bụi. Nhóm sáu Tỳ kheo đi ngang qua, thấy vật thực mà không thấy người, bèn lên tiếng hỏi. Các nàng thuật chuyện bị cướp lột. Các vị này, thay vì chiếu cố tình cảnh các nàng, lại gọi các nàng ra dâng vật thực, vì theo phép nếu không có người trao Tỳ kheo không được tự động nhận. Bị thúc bách, mặc dù trần truồng, các nàng phải ra dâng. Chi tiết này chỉ cho thấy một khía cạnh của vấn đề mà thôi. Có lẽ bộ này muốn nói rằng, trong khi chưa có sự bố phòng, thì địa điểm an toàn để thí chủ trao vật thực, và các Tỳ kheo thọ lãnh và thọ dụng là tại bên trong phạm vi trú xứ.

Sự khác biệt giữa Căn bản và các bộ khác về điểm này có thể được giải thích như sau. Trong qua điểm các bộ khác, trú xứ a lan nhã ở đây chính là địa điểm ẩn núp của giặc cướp. Phạm vi của trú xứ là phạm vi mất an ninh, cho nên các Tỳ kheo không thể để cho các cư sĩ vào trong phạm vi ấy mà không có sự cảnh giác. Những trong quan điểm của Căn bản, bên trong phạm vi trú xứ, nơi các Tỳ kheo đang sống, là phạm vi an ninh. Bên ngoài phạm vi trú xứ là phạm vi mất an ninh. Nói cách khác, có hai khu vực an ninh: bên trong trú xứ của Tỳ kheo và phạm vi tụ lạc. Giữa hai phạm vi ấy có một khu vực nguy hiểm cần bố phòng. Như vậy, điểm căn bản trong tất cả các bộ, kể cả Căn bản, là Tỳ kheo không được thọ nhận vật thực và thọ dụng trong khu vực mất an ninh. Do quan điểm khác nhau về khu vực mất an ninh này mà giữa Căn bản và các bộ khác có sự bất đồng về địa điểm Tỳ kheo được phép thọ nhận vật thực và thọ dụng tại đó.

Quan điểm của Tăng kỳ về sự thông báo này lại káhc hẳn tất cả các bộ. Trong chánh văn, bộ này nói: trước không thông báo (Hán: tiên bất ngữ). Xét về văn, ý nghĩa cũng nhưTứ phần. Nhưng thật sự, câu này có một nội dung khác hẳn. Trong giải thích của Tăng kỳ, ở đây không phải là sự thông báo cho thí chủ biết trước có sự nguy hiểm để đề phòng, mà thông báo cho họ biết về khẩu phần trong trú xứ. Ý nghĩa này, như đã thấy trong duyên khởi, nguyên do vì các gia nhân ăn bớt, nên các thí chủ cần biết khẩu phần. Có hai cách thông báo về khẩu phần: hoặc nói rõ con số, hoặc chỉ nói tổng quát không kể con số. Theo ý nghĩa này, nếu đã có sự thông báo cho thí chủ biết, các gia nhân không thể giữa đường lén sớt bớt, do đó các Tỳ kheo có thể ngồi ngay trong trú xứ để đợi vật thực mang đến. Trái lại, các vị phải ra khỏi trú xứ để đón nhận giữa đường. Sự khác biệt này là do trong chánh văn của Tăng kỳ chỉ đề cập sự thọ nhận vật thực của các Tỳ kheo sống tại a lan nhã có nguy hiểm như các bộ khác. Do vậy, trong Tăng kỳ hoàn toàn không đề cập gì đến sự cảnh giác hay bố phòng cả.

+Tổng luận:

Sự khác biệt của Tăng kỳ như thế không có bất cứ yếu tố nào để tổng hợp với các bộ khác. Vì tình hình a lan nhã ở đây không phải là nơi tàng ẩn sự nguy hiểm. Căn bản tuy không đồng với các bộ khác về địa điểm thọ thực, nhưng điểm chung là nơi nào có nguy hiểm, trong phạm vi đó, Tỳ kheo không được thọ thực nếu chưa có sự cảnh giác hay bố phòng. Đối với Căn bản, tình hình nguy hiểm nằm ngoài phạm vi trú xứ của các Tỳ kheo. Đối với các bộ khác, sự nguy hiểm nằm ngay giữa lòng trú xứ. Điểm này cho thấy tình hình sinh hoạt của Tăng đoàn khác nhau giữa các bôï, về mặt tổ chức đời sống tập thể.

Trong các bộ, Tăng đoàn của Thuyết nhất thiết hữu bộ, tức bộ phái trì luật Thập tụng, sự tổ chức có cơ sở hơn các bộ khác. Tuy nhiên, sự tổ chức ấy cũng chỉ thấy trong trường hợp có nguy hiểm. Điều này được chứng tỏ bằng sự Tăng tác yết ma sai cử người làm tham tri, phụ trách tiếp đón vật thực.

Tách riêng từ Hữu bộ, phái Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ hình như đã tiến đến đời sống tập thể có tổ chức khá chặt chẽ. Chính vì vậy mà người ngoài, và ở đây là giặc cướp, không thể trà trộn ẩn náu ngay giữa trú xứ của Tăng đoàn. Chính sự tổ chức về đời sống tập thể của các Tỳ kheo không đồng nhất ấy, khiến cho các bộ giải thích điều luật này trên những cơ sở khác nhau.

+ Ngoài vấn đề địa điểm thọ nhận và thọ thực đã nói trên, các yếu tố khác khá rõ trong chánh văn, không cần giải thích thêm.

III. KẾT THUYẾT:

Thưa các Đại đức, tôi đã tụng xong bốn pháp ba la đề đề xá ni.

Nay hỏi các Đại đức có trong đây có thanh tịnh không ?

Các Đại đức trong đây thanh tịnh, vì im lặng. Việc ấy tôi ghi nhận như vậy.

--- o0o ---


Source:www.phatviet.net

Vi tính: Nguyên Trang, Nhị Tường - Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]