Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 6

22/04/201317:04(Xem: 7156)
Phần 6

NHÀ XUẤT BẢN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 2001

TOÀN TẬP

TÂM NHƯ TRÍ THỦ

--- o0o ---

TẬP I

GIÁO LÝ VỀ NGHIỆP

CƠ SỞ ĐẠO ĐỨC HỌC VÀ LUẬT HỌC

I. Ý NIỆM DẪN KHỞI .

Nhận định về nguồn gốc bất hạnh của Thúy Kiều, Nguyễn Du đã viết hai câu thơ:

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Thì đừng trách lẫn trời gần trời xa.

Hai câu ấy biểu hiện thái độ đề kháng tiêu cực của các tầng lớp nhân dân bị áp bức. Trong đó nghiệp báo được quan niệm như một định mệnh khắt khe và mù quáng. Tuy điểm xuất phát của nó là từ giáo lý về nghiệp, nhưng những người bị bắt buộc phải kéo lê cuộc đời đày đọa của mình dưới sự áp bức của tầng lớp thống trị, họ mất hẳn niềm tin đối với công bằng và công lý ... Do đó, nghiệp mất hẳn ý nghĩa của nó. Bởi vì ý niệm nguyên thỉ của nghiệp là hành động, hay nói theo ngôn ngữ của Luật tạng: Cái gì hiện thực, cái đó phải có tác dụng. Tác dụng hay hành động là những dữ kiện cụ thể và khách quan, mà thời gian tính luôn luôn là hiện tại. Trong ý niệm nguyên thỉ này, nghiệp phải được hiểu chính xác là hành vi trong hiện tại, chứ không phải là những gì đã được an bài do bởi một quyền lực siêu nhiên nào đó.

Trong thuyết nghiệp báo mà Nguyễn Du dựa vào để giải thích số phận của Kiều, nghiệp không còn là hành vi hiện tại, và đã được đồng nhất với thuyết mà kinh điển đạo Phật gọi là Túc mạng luận. Thuyết ấy đã bị chính đức Phật bác bỏ. Tuy nhiên, không phải cho đến thời đại Nguyễn Du nghiệp mới trở thành một thứ tư tưởng tiêu cực thụ động, mà trong nền văn học Bản sanh tức loại văn học bình dân của đạo Phật, ngay tại Ấn Độ, nghiệp cũng đã được đồng nhất với nghiệp báo, được quan niệm như là định mệnh tàn khốc.

Trong nguyên thỉ kinh điển, bản chất giáo lý về nghiệp đề cao lý tưởng công bằng, công lý. Theo đó con người phải chịu trách nhiệm về những gì mà nó đang làm hay đã làm. Khi giáo lý của đức Phật được truyền bá sâu rộng trong quảng đại quần chúng, thì những lời dạy của đức Phật liên hệ đến nghiệp đã chiếm hàng đầu. Sự phổ biến của nó rộng rãi đến mức hầu như bất cứ khi nào nói đến đạo Phật là người ta nói đến giáo lý về nghiệp. Trong quần chúng nhân dân, những người theo đạo Phật, khi muốn giải thích số phận bần cùng của mình là nghĩ ngay đến nghiệp. Tuy nhiên sự áp bức của tầng lớp thống trị đè nặng lên họ ngoài sức tưởng tượng và ngoài khả năng thoát ly. Do vậy họ đã đồng hóa sự thống trị ấy với sức mạnh của định mệnh, và rồi vận dụng giáo lý về nghiệp theo chiều thụ động ấy.

Sự giải thích về nghiệp tuy có chệch hướng, nhưng trong đó cho thấy tính cách phong phú của giáo lý này. Chủ yếu của bài viết đây là giới thiệu một trong những khía cạnh của nó. Vấn đề được nói lên là mối quan hệ giữa giáo lý về nghiệp với đạo đức và luật học của đạo Phật.

Trong chương kết của giới bổn Tỷ kheo, phần lược giáo, bài kệ được ghi là do đức Thích Tôn giảng dạy tóm tắt về bản chất của luật Tỷ kheo; bài kệ ấy xác nhận rằng nền tảng của luật Tỷ kheo là nghiệp và nghiệp đạo. Nhưng trong một phạm vi rộng rãi hơn nữa, thì tất cả đạo đức học và luật học của đạo Phật đều đặt cơ sở học lý trên tư tưởng nghiệp và nghiệp đạo.

Trên phương diện đạo đức và luân lý, nghiệp và nghiệp đạo là nền tảng cho sự phân biệt điều thiện và đi��u ác mà chủ yếu là vấn đề tánh tội và già tội. Trên phương diện luật học, nghiệp và nghiệp đạo là nền tảng các nguyên tắc tự giác, công bằng và lẽ phải, tức nó là cái cân nhạy cảm của công lý.

II. CƠ SỞ ĐẠO ĐỨC HỌC.

Vậy, trước hết, trên phương diện đạo đức học, nghiệp và nghiệp đạo làm nền tảng cho sự phân biệt tánh tội và già tội như thế nào?

Vấn đề then chốt của đạo đức là thiện và ác. Trong đạo Phật, thiện là điều gì tốt đẹp cho mình, cho người khác, trong đời này và đời sau. Thiếu một trong hai yếu tố ấy, không thành điều thiện được. Ác hay bất thiện là những điều trái lại.

Nói tốt đẹp, là nói rằng điều ấy đưa con người tiến lên mức sống cao hơn. Tiêu chuẩn của mức sống lấy an lạc hay hạnh phúc làm chủ đích. Như vậy mức sống cao thấp khác nhau là do bởi trình độ thọ lạc khác nhau. Ở trình độ nào mà cảm thọ lạc chỉ khởi lên trong thời hạn ngắn ngủi, rồi tàn lụi, để lại những hậu quả buồn phiền, khổ não, ưu sầu, ấy là trình độ đi xuống, hạ đẳng. Trái lại, càng tiến lên cao cảm thọ lạc càng kéo dài, và khi nó tàn lụi, thì hậu quả cũng ít ưu bi sầu khổ hơn. Trên tất cả, cảm thọ an lạc vĩnh cửu, hoàn toàn không có sự tiếp nối của sầu khổ, đó là niết bàn.

Tất cả chúng sanh, trong tất cả sinh loại, đều sống và đuổi theo một mục đích duy nhất, đó là cảm thọ lạc. Nói cách khác, sự sống là quá trình săn đuổi hạnh phúc và khoái lạc. Tất cả những thứ khác chỉ là phụ thuộc hay biến thái của chủ đích ấy. Nhưng rất ít người hướng đến chủ đích an lạc cứu cánh là niết bàn. Trong tất cả pháp thiện, duy chỉ Niết bàn được gọi là Thiện thắng nghĩa, tức Thiện đúng trong bản chất của nó, ngoài ra, là thiện thế tục, tức điều thiện được phân biệt theo qui ước vì đối nghịch với cái khổ trường kỳ mà cái lạc tạm thời được gọi là thiện.

Như vậy, trên phương diện thắng nghĩa, tức trong bản chất tuyệt đối của thiện, thì tất cả tiêu chuẩn thiện ác mà con người nói tới chỉ là thiện ác trong phạm vi ước lệ. Tiêu chuẩn ấy sẽ thay đổi tùy theo trình độ sống. Ở trình độ thấp nó là thiện, nhưng khi tâm tư tiến lên trình độ cao hơn, với những rung cảm tế nhị và nhạy bén hơn, nó không còn là thiện nữa. Cũng vậy, trong phân biệt tánh tội và già tội. Theo định nghĩa cơ bản, tánh tội là tội ác thuộc bản chất tự nhiên; và già tội là tội ác được qui định theo giao ước xã hội. Trên phương diện thắng nghĩa, tất cả điều gì không đưa đến an lạc cứu cánh, tức không dẫn đến niết bàn, đều được coi là tánh tội. Nhưng trong phạm vi thế tục, trong trình độ đạo đức của con người, tánh tội và già tội cần được phân biệt rõ ràng.

Ở đây nói con người là chỉ hạng chúng sanh mà trình độ cảm thọ lạc cao hơn các đẳng cấp chúng sanh khác, như súc sanh chẳng hạn. Nhưng nó được xếp hạng thấp hơn các đẳng cấp khác là chư thiên. Phạm vi thế tục hay ước lệ của tánh tội và già tội được phân biệt trong trình độ này.

Tánh tội, tức hành vi mà bản chất của nó là bất thiện, phi đạo đức, vì hậu quả của nó nhất định đẩy người ấy tuột xuống khỏi trình độ sống của loài người. Trái lại, các hành vi không nhất thiết khiến cho bản chất đạo đức của con người bị tuột xuống ngang mức thú vật, nhưng chúng được gọi là xấu tùy theo giao ước của xã hội, tùy theo tập quán luân lý của từng địa phương, từng thời đại. Như vậy, tánh tội là tội ác thuộc bản chất tự nhiên, bất cứ thời đại nào và trong bất cứ địa phương nào, ai phạm đến, bị coi là mất phẩm chất con người. Nhưng với già tội, tội ác theo giao ước, không có tiêu chuẩn nhất định. Ở địa phương này nó là xấu, nhưng tại nơi khác nó không hẳn là xấu: Trong thời đại này nó bị chết nhưng ở các thời đại trước hay về sau nó có thể được khen ngợi không chừng.

Tuy nhiên, khó có thể ấn định một đường ranh minh bạch cho biên giới của tánh tội và già tội. Thông thường, tất cả hành vi xấu đều nhất loạt được coi là tánh tội. Chỉ khi nào thời đại thay đổi, bấy giờ người ta mới có thể nhận rõ hành vi ấy là tánh tội hay già tội. Thí dụ trong xã hội ta khoảng từ ba mươi năm về trước, nguyên tắc ‘tứ đức tam tòng’ được coi là đạo đức cơ bản của ngưới phụ nữ, và như vậy, chúng là tiêu chuẩn của thiện; làm trái lại là tánh tội chứ không phải già tội. Nhưng đối với thế hệ trẻ ngày nay chúng không coi là phẩm chất cơ bản. Thế thì, điều mà trong xã hội cũ coi là tánh tội nay chỉ được coi là già tội.

Trong nền đạo đức học Phật giáo không thể có tình trạng mơ hồ giữa tánh tội và già tội như vậy được., dù thời đại có thay đổi, địa phương có dị biệt. Vì đức Phật đã chỉ rõ, con đường nào dẫn đến chỗ thấp kém và con đường nào chân thật dẫn đến niết bàn. Vậy, trong đây, thế nào là tánh tội và già tội?

Nói tóm lược, hành vi nào dù có Phật hay không có Phật xuất hiện để xác định, nhưng tất cả kẻ trí trong thế gian đều công nhận đó là bất thiện, hành vi ấy thuộc tánh tội. Như bài kệ của Phật Thi Khí trong phần lược giáo của giới bổn Tỷ kheo đã nói:

Cũng như người mắt sáng

Tránh xa lối hiểm nghèo;

Bậc có trí trong đời

Tránh xa các xấu ác.

Để có cụ thể hơn về tiêu chuẩn phân biệt này, cần phải lấy các nghiệp đạo làm nền tảng. Kinh điển thường mô tả rằng, trong thời đại luân vương xuất hiện, tức thời đại mà loài người sống trong an lạc của hòa bình và thịnh vượng, thì xã hội chỉ thuần túy là mười nghiệp thiện. Trái lại trong thời đại suy thoái cùng cực, xã hội loài người chỉ là mười nghiệp đạo bất thiện. Trong các thời đại ấy, khi tất cả mọi người đều sống theo mười nghiệp đạo thiện không phải do có Phật xuất hiện để khuyên bảo họ nên làm như thế; nhưng mọi người đều làm như thế vì bản tánh tự nhiên là như thế. Vậy thì, về cơ bản, tánh tội là mười nghiệp đạo bất thiện, ngoài ra đều là già tội.

Trong danh số nghiệp đạo gồm có mười chi. Nhưng trong hành động nghiệp đạo được thành tựu chỉ thuộc một trong bảy chi. Đó là ba chi thuộc thân: sát, đạo, tà dâm và bốn chi thuộc ngữ: nói dối, nói ly gián, nói thô lỗ và nói tạp nhạp. Như vậy, trong nguyên nhân hay động lực thì tánh tội gồm có mười chi nghiệp đạo, nhưng trong thành tựu thì có bảy chi.

Thông thường tánh tội chỉ kể có bốn chi: sát, đạo, tà dâm và vọng ngữ. Đấy là căn cứ trên năm giới cận sự mà phân tích.Vì năm giới này chỉ bao gồm có bốn chi ấy của nghiệp đạo. Uống rượu thì không thuộc vào chi nào trong các nghiệp đạo nên không được coi là tánh tội. Giới cận sự sở dĩ không đủ bảy chi, vì theo như giải thích của các bộ phái, đức Thích Tôn xuất hiện vào thời đại suy thoái của loài người. Trong thời đại này con người sống trong đau khổ nhiều hơn là an lạc, trình độ cảm thọ lạc của nó chỉ cao hơn thú vật một chút, do đó, tiêu chuẩn tánh tội cũng được giảm xuống. Nghĩa là thực hành chừng ấy đủ để ngăn mức con người. Nếu ai không thực hành hơn thế nữa, thỉ khó có thể tiến lên đẳng cấp cao hơn, hoặc khó có thể sống trong thời đại và địa phương mà tại đó luân vương xuất hiện.

III. CƠ SỞ LUẬT HỌC.

Luật học ở đây được nói theo nghĩa rộng, bao gồm luôn các học lý về pháp luật của thế tục. Trong khái niệm phổ quát về luật học nầy, có ba nguyên tắc làm nền là tự giác, công bằng và chân lý.

Tự giác hoặc nói là tự nguyện, theo nghĩa rộng, là người phạm tội phải chịu trách nhiệm điều mà nó đã làm bằng ý chí tự nguyện của nó. Người phạm tội mà không có sự phát động của ý chí thì không thể chịu hình phạt ngang như người làm với ý chí. Nguyên tắc này là điểm then chốt trong học thuyết về nghiệp. Đức Phật nói: “Chúng sanh là kẻ thừa tự của nghiệp của chính nó”. Tức không ai có thể chạy trốn hậu quả những gì mà mình đã gây ra. Tuy nhiên, không phải tất cả hành vi đều được coi là nghiệp, mặc dù nghĩa đen của nghiệp là hành động. Chỉ khi nào hành động được dẫn đầu bằng ý chí tự nguyện, và ý chí ấy được thỏa mãn, bấy giờ hành vi ấy mới được gọi là nghiệp.

Nguyên tắc thứ hai của luật là sự công bằng. Mọi người sinh ra đều phải được tôn trọng như nhau về cả hai phương diện tinh thần và vật chất. Luật bảo vệ sự công bằng ấy, và trừng phạt những ai xâm phạm. Đây là luật nhân quả bồi thường trong học thuyết về nghiệp.

Sau hết là nguyên tắc chân lý. Nói nôm na là lẽ phải của đạo đức và luân lý. Không thể có cái chân lý rằng ăn cắp của người là việc tốt. Đây là vấn đề về bản chất thiện, bất thiện và vô ký của nghiệp.

Để có thể hiểu rõ vấn đề hơn, chúng ta thử xem ba nguyên tắc vừa kể đã được áp dụng như thế nào trong hệ thống Luật tỷ kheo.

1. Nguyên tắc tự nguyện hay động lực của nghiệp.

Bài kệ đầu của Pháp cú, bản Pali, Phật nói: ‘Trong các pháp, tâm là chủ, tâm tạo tác ...’ Điểm này xác nhận rằng tất cả mọi hành vi của thân và ngữ đều được điều động bởi tâm. Kinh còn dùng nhiều danh từ khác để chỉ yếu tố điều động này. Nhưng trong sự phát triển của luận tạng, các luận sư về sau dứt khoát dùng từ ngữ TƯ hay TƯ TÂM SỞ, tức ý chí, hay nói rõ hơn, ý chí tự nguyện. Trong sự xác định này, theo các luận sư, nghiệp được thực hiện khi nào có sự phát động của TƯ.

Nguyên tắc này được các luật sư áp dụng triệt để khi chú giải Giới bổn. Thí dụ, để giải thích các trường hợp phạm hay không phạm, trọng tội hay khinh tội, đối với việc lấy vật không được cho; các luật sư hoàn toàn căn cứ trên ý chí và nhận thức của người chiếm hữu phi pháp đối với sở hữu chủ và sở hữu vật mà xác định. Vật sở hữu thuộc về người khác, nếu không được cho, mà tự ý chiếm hữu, thế là phạm tội ăn trộm. Nhưng trên mặt tuyệt đối, con người sinh ra với hai bàn tay trắng, chẳng có gì trên thế gian này là sở hữu của nó. Vậy căn cứ vào đâu mà nói là xâm phạm sở hữu của người khác? Vả lại, như kinh đã nói, trong thời đại kiếp sơ, loài người sống mà không có sự phân chia tài sản sở hữu riêng biệt. Những gì trong thế gian, là sở hữu chung, ai cũng có thể tự ý thọ dụng, vì không ai là chủ. Rồi ra, trong sự phát triển xã hội loài người, ý niệm về trộm cắp chỉ phát sinh khi loài người chiếm thiên nhiên làm sở hữu, sở hữu thiên nhiên vốn hữu hạn, mà ước muốn chiếm hữu của con người thì vô cùng. Do đó phát sinh qui ước chung giữa xã hội loài người rằng trong mức độ và điều kiện nào đó, vật thiên nhiên được gọi là tài sản hữu chủ, ấy là kẻ trộm hoặc giặc cướp. Tính cách của sở hữu chủ và sở hữu vật như vậy không phải là những khái niệm khách quan. Nó tùy thuộc nhận thức chủ quan. Do bởi tính chủ quan này, hành vi lấy vật không được cho có thể là sự vô cố cầm nhầm, hoặc chiếm hữu phi pháp. Thành thử, cùng một hành vi lấy và vật lấy, nhưng mức độ khinh trọng khác nhau tùy theo ý chí và nhận thức chủ quan của người lấy. Tức là điều mà luật pháp ngày nay phân biệt giới hạn các trường hợp vi cảnh với tội phạm hình sự.

Ngoài các trường hợp phạm tội có chủ tâm, tức hành động với sự dẫn đầu của ý chí tự nguyện, còn có các trường hợp vô cố và tự ý. Đây là các trường hợp miễn thứ. Thí dụ, một tỷ kheo mất trí, điên cuồng gây nhiều tội lỗi. Các hành động này không phải do ý chí tự nguyện, được gọi là các trưòng hợp vô cố, và luật hoàn toàn miễn thứ.

Còn ngoại ý được nói ở đây là các hành vi phạm luật có suy nghĩ, có chủ ý nhưng vì tình thế bvắt buộc không làm khác đi được. Đối với các hành vi vô cố, đặc biệt là trong trường hợp mất trí, tất cả các điều khoản luật định đều được miễn thứ. Và các hành vi ngoại ý chỉ miễn thứ cho một số điều khoản; và các trường hợp miễn thứ này được qui định ngay trong chánh văn của giới bổn.

Để áp dụng nguyên tắc tự nguyện trong khi luận tội, luật ấn định hai thủ tục cơ bản. Thứ nhất, Tác cử; với thủ tục này tội danh phải được xác định một cách cụ thể đối chiếu với các dữ kiện hiện thực của hành vi phạm luật. Chủ yếu trong sự luận tội này là phân tích ý chí của phạm nhân trước, trong khi và sau khi hành động. Thứ hai, Tác ức niệm; với thủ tục này, tội danh chỉ được kếât luận khi nào có sự xác nhận của phạm nhân. Sự xác nhận hoàn toàn theo tinh thần tự giác và tự nguyện; tuyệt đối không được phép cưỡng bức với bất cứ hình thức nào, kể cả hình thức mà người ta gọi là mớm cung.

2. Nguyên tắc công bằng: Luật nhân quả.

Nguyên tắc công bằng là kẻ nào gây thiệt hại cho người khác về tinh thần hoặc vật chất, kẻ ấy phải bồi hoàn tương xứng. Bồi hoàn là khái niệm quan trọng trong luật dân sự. Nếu một người không thi hành nghĩa vụ khế ước, pháp luật sẽ cưỡng bức phải thi hành. Trong luật nhân quả, đó là định luật có vay có trả. Nhưng vì luật pháp thế gian không phải lúc nào cũng công bằng, bởi lẽ quan tòa không phải lúc nào cũng sáng suốt. Nghĩa là, có những kẻ gây thiệt hại cho người khác mà không hề bồi hoàn gì cả. Thế thì trong trường hợp đó, tư tưởng bình dân đã nghĩ đến luật nhân quả bắt nó phải bồi hoàn trong kiếp sau.

Trong học thuyết về nghiệp báo, nghiệp được coi như một món nợ, mà người tạo nghiệp là kẻ vay nợ. Nếu theo quan điểm bình dân, sự bồi hoàn của con nợ là do một tòa án trong thế giới vô hình phán xét. Do thế, người tạo nghiệp có thể mua chuộc thần linh như ta có thể mua chuộc và làm hài lòng quan tòa để chạy tội. Trái lại trong học lý về nghiệp, con nợ, chủ nợ, và quan tòa là một, do đó nó không thể chạy trốn cái bóng của chính mình được.

Cũng trong học thuyết về nghiệp, sự bồi hoàn phải hội đủ hai yếu tố là thời gian và không gian. Nói theo luật dân sự, đó là thời hiệu và lãnh thổ thi hành nghĩa vụ khế ước.

Về phương diện thời gian, các luận sư Phật giáo phân biệt hai loại nghiệp: định thời và bất định thời.Với định thời, sự bồi hoàn phải diễn ra trong một thời điểm nhất định, ở đời này hoặc đời sau, hoặc đời sau nữa. Với bất định thời, thời điểm bồi hoàn không nhất định, khi nào hội đủ điều kiện là phải bồi hoàn, không nhất thiết đời nào.

Cũng như trong luật dân sự, thời hiệu mà nghĩa vụ khế ước phát sinh tùy theo từng loại khế ước. Cũng vậy, nghiệp định thời hay bất định thời cũng tùy theo bản chất của nó: định hay bất định nghiệp. Định nghiệp là hành động nhất định phải dẫn đến kết quả tương xứng, tùy theo định thời hay bất định thời. Bất định nghiệp, là loại hành động không nhất thiết phải bồi hoàn. Tức là, nếu đến thời hiệu phải bồi hoàn, nhưng không hội đủ yếu tố nghĩa vụ bồi hoàn không phát sinh; rồi quá thời hiệu ấy, khế ước được coi là bị thủ tiêu: người tạo nghiệp vĩnh viễn không quả.

Luật nhân quả bồi hoàn ấy được giải thích trong phạm vi quá rộng rãi, vì thời hiệu của nó trải dài qua nhiều đời sống trong vòng luân hồi sanh tử, vượt ngoài sự kiểm chứng bằng khả năng nhận thức hữu hạn của con người. Dù vậy, trong phạm vi luật học, có thể rút lại thành nguyên tắc hiện thực khả dĩ áp dụng được; đó là luật bồi hoàn hiện tại. Bồi hoàn tức phục hồi những thiệt hại về tinh thần cũng như về vật chất cho người bị thương tổn. Sự bồi hoàn như vậy là qui luật được phát hiện về ý niệm về công bằng. Thế nhưng, do bản chất háo lợi của con người, sự bồi hoàn thường được đòi hỏi quá đáng. Mất một sợi lông, người ta vẫn mong được đền bù bằng cả thiên hạ. Trái lại, người vay nợ bao giờ cũng muốn bồi hoàn ít hơn số mình đã mượn. Vay một núi thóc, người ta chỉ muốn trả một hạt cơm. Nếu không có những tiêu chuẩn cho sự công bằng, thì tranh chấp giữa người vay và chủ nợ trở thành mối thù truyền kiếp. Cho nên, ý niệm bồi hoàn trong luật nhân quả nghiệp báo và ý niệm công bằng của luật pháp có những quan hệ mật thiết.

3. Công lý và vấn đề thiện ác.

Danh từ công lý hay chân lý trong luật học chỉ là một khái niệm tương đối. Nhà làm luật, khi soạn thảo một đạo luật, đương nhiên phải đặt nền móng trên công lý, nhưng không thể quả quyết đạo luật ấy sẽ có giá trị vĩnh cửu. Luật pháp thay đổi tùy theo nhịp thay đổi xã hội. Dù vậy, trong ý chí của nhà làm luật, không thể không có nỗ lực đạt đến một công lý vĩnh cửu của luật pháp. Ước muốn này không phải không có cơ sở. Kể từ thời văn minh Babylon 40 nghìn năm về trước, cho đến thời hiện đại, một số nguyên tắc thiện ác vẫn không thay đổi trong quan hệ giữa người và người. Cho nên dù khác biệt thời đại, địa phương nhưng trong phạm vi cõi người vẫn có một chân lý vĩnh cửu cho thiện ác. Hay nói cách khác, giữa tánh tội và già tội có một đường ranh rõ rệt mà người ta có thể nhận thấy nếu không bị chi phối bởi thiên kiến, hạn chế bởi thời gian và địa lý. Đương nhiên, đấy cũng chỉ là vĩnh cửu trong tương đối, trong phạm vi xã hội loài người, so với không gian vô biên và thời gian vô tận.

Trong thực tế áp dụng của luật pháp, công lý không phải là ý niệm độc lập. Chức năng của luật là thẩm định thị phi để giải quyết những tranh chấp. Thẩm định ấy không thể vượt ngoài phạm vi của công lý. Thế nhưng, trong khi giải quyết tranh chấp, luật bắt buộc phải đứng về phía người nghèo, yếu đuối, nếu có thể; như thế là để cho sự phân xử của luật được công bằng và do vậy trật tự xã hội mới ổn định. Công lý mà không bao hàm ý niệm công bằng, thì đấy là thứ công lý sắt thép lạnh lùng mà càng áp dụng thì càng tạo thêm nền móng bất ổn của xã hội. Vì vậy, ở đây cần phải nói rằng cái gì công bằng, cái đó là công lý; và cái gì là công lý, cái đó phải công bằng.

Trong luật học Phật giáo, xét về mặt học lý, ý niệm về công bằng và công lý đôi khi ngựơc lại điều vừa nói trên, do xu hướng kỷ luật nghiêm khắc của một số bộ phái bảo thủ. Trong xu hướng ấy chủ đích của hai hệ thống luật khác nhau. Luật pháp thế tục nhằm duy trì ổn định xã hội; chỉ can thiệp khi nào trật tự ấy bị đe dọa sẽ xáo trộn. Luật Phật giáo là các nguyên tắc hướng dẫn đời sống hướng thượng, không chỉ trong trình độ tâm tư loài người, mà vượt lên trên nữa. Do đó, nguyên lý thiện ác, tiêu chuẩn thị phi, là những khái niệm có tính cách bất dịch.

Đây là nói về mặt học lý, trong áp dụng thực tế của luật tỷ kheo, ý niệm công lý đối với một số điều khoản không có tánh cách vĩnh cửu.

Tựu trung, công lý là nguồn gốc của luật; dù là luật thế gian hay luật đạo Phật. Nhưng trong luật tỷ kheo, có công lý được nhìn từ thánh đạo, có công lý theo quan điểm chung của loài người, và cũng có công lý tùy phong tục địa phương. Cả ba loại công lý ấy đều là nguồn gốc xuất phát các điều khoản của luật tỷ kheo. Nói cách khác, khi đức Phật nêu một điều khoản cấm chế, trước hết vì điều bị cấm ấy không phù hợp với bản chất của thánh đạo hoặc vì nó không phù hợp phẩm chất đạo đức theo quan niệm phổ thông, hoặc nó không phù hợp với tập quán địa phương và thời đại.

Trong ba nguồn gốc, công lý của thánh đạo là nền tảng cho tất cả, và không thể thay đổi dù thời đại và địa phương như thế nào. Hai nguồn gốc sau là tương đối, có thể thay đổi tùy thời đại và địa phương.

Để tổng kết vấn đề, ở đây có thể nhắc lại rằng, nghiệp là hành động, và không có hành động nào mà không có đối tượng và hậu quả mà nó gây ra cho đối tượng ấy. Vì vậy, bản chất và ý nghĩa của nghiệp chỉ có thể được nhận thức một cách chính xác trong mối quan hệ giữa các loài hữu tình, hay nói hạn chế: những quan hệ trong xã hội loài người. Bản chất của nghiệp là thiện hay bất thiện tùy theo hậu quả tốt hay xấu mà nó gây ra cho đối tượng. Cơ sở của đ��o đức là ở đó.

Qua những điểm đã được giới thiệu một cách vắn tắt ở trên, người ta có thể thấy tính chất tích cực của học thuyết về nghiệp. Vì là cơ sở của đạo đức và luật pháp, nếu được vận dụng một cách linh động và hợp lý, giáo lý về nghiệp có thể trở thành kích thích tố hữu hiệu cho sự tiến bộ của xã hội loài người, và nó cũng là điểm phát xuất cho lý tưởng công bằng và nhân đạo. Chừng nào giá trị của con người vẫn được tôn trọng bằng phẩm chất đạo đức, và quan hệ giữa người và người được đặt trên ý niệm bình đẳng, thời chừng đó giáo lý về nghiệp vẫn còn là một đóng góp tích cực.

BA THÁNG AN CƯ

(1949)

Theo thời tiết ở Ấn Độ, một năm chia ra làm ba mùa: Xuân, Hạ và Đông, mỗi mùa bốn tháng. Từ rằm tháng Chạp đến rằm tháng Tư là mùa Xuân. Từ rằm tháng Tư đến rằm tháng Tám là mùa Hạ. Từ rằm tháng Tám đến rằm tháng Chạp là mùa Đông. Mùa Hạ là mùa hay mưa nhất, lại là mùa các loài sâu bọ súc vật sanh trưởng. Nhân đó đức Phật chế luật nhất định dạy hàng đệ tử xuất gia của Phật mỗi năm về mùa Hạ phải nhóm họp nhau lại một chỗ, kiết giới hạn cùng nhau ăn ở tịnh tu trong thời hạn ba tháng, từ rằm tháng Tư đến rằm tháng Bảy. Mục đích là để hàng Tỷ kheo giữ giới bất sát sanh, được hoàn toàn. Vì mùa mà muôn vật sanh nở, phải an trụ một nơi cho khỏi chà đạp sát hại sinh linh, rất có hại đến lòng Từ Bi. Thêm vào một ý nữa: sứ mệnh của hàng đệ tử xuất gia là xen lẫn trong đám bụi trần để tùy duyên hóa độ, rày đây mai đó với ba tấm áo cà sa, ngàn nhà một bình bát, sớm hôm lấy gốc cây làm nơi nương tựa.

Đến ngày sen đã hé nụ ở hồ, báo tin mùa hè sắp đến, các thầy tỷ kheo cùng nhau trở về y chỉ với những bậc tiên giáo thượng tọa để kiểm điểm lại hành vi lợi lạc của mình và tham học đào luyện thêm những phương diện còn thiếu sót hầu mong đủ năng lực để đối phó với mọi ma lực có thể làm chướng ngại trên con đường hoằng pháp lợi sanh. Bởi vậy, thầy tỷ kheo khi đã thọ đại giới rồi lấy ba tháng hạ an cư này làm tuổi của mình, trong kinh thường gọi là Hạ lạp. Nhất là hàng niên thiếu tỷ kheo nhấât định phải từ năm hạ trở lui không được ly y chỉ, nghĩa là luôn luôn y chỉ theo các bậc kỳ cựu như Hòa thượng (thầy truyền giới), A xà lê (thầy dạy bảo) mà an trú, tuyệt nhiên không được rời xa, nếu chưa đủ năm hạ. Nếu năm hạ đã đủ mà chưa thông hiểu về luật học cũng không được phép rời y chỉ. Cũng vì điều luật nhất định này, chúng tăng không kể tuổi đời nhiều ít mà chỉ lấy mùa kiết hạ là mùa tuổi của mình. Cho nên người nào không đủ mười hạ không được phép làm thầy truyền giới cho ai, không được phép làm Hòa thượng.

Hàng năm, cuối mùa Xuân, các thầy tỷ kheo cùng nhau tìm chỗ thuận tiện, trên có các bậc thượng tọa đại đức, các thiện hữu chân chính, dưới có các nhà đàn việt cung cấp cúng dường đủ điều kiện dung tất trong ba tháng, các thầy nhóm nhau kiết lập giới hạn, đúng với pháp lục hòa mà an trụ để thanh tịnh tu học, không có cớ hệ trọng chính đáng không ai được phép bước chân ra khỏi giới hạn ấy. Nếu vô cớ vượt ra ngoài giới hạn tức là phá hạ, không được kể thêm một tuổi hạ. Có việc cần thiết như là Tam Bảo sự duyên, cha mẹ hoặc bổn sư tạ thế, phải bạch chúng xin phép y ước từ giờ nào đi đến giờ nào về phải đúng như lời hẹn, nếu sai lời tức là hỏng; nghĩa là phá hạ. Nhưng dù có việc gì quan trọng ít nhất cũng phải an trú từ hai tháng trở lên, nếu ở ngoài nhiều hơn ở trong tức là phá hạ.

Phật lại mở rộng phạm vi cho các người nhiều việc mà chia ra ba thời kỳ an cư: tiền, trung và hậu. Bắt đầu ngày 16 tháng Tư là tiền an cư, ngày 17 tháng Tư đến 16 tháng Năm làhậu an cư; trung an cư tính từ 17.4 đến 15.5.

Đến ngày 15 tháng Bảy, gọi là ngày “tăng tự tứ”, ngày “Phật hoan hỷ” hay là ngày hàng Tỷ kheo nhận tuổi. Cũng gọi là ngày chúng tăng an cư trong ba tháng được viên mãn, nếu xét lại ai có tội lỗi gì từ mắt thấy tai nghe cho đến ý nghi ngờ tự mình đem bày tỏ ra trước đại chúng. Đại chúng căn cứ vào giới luật mà xử trị, tùy theo nặng nhẹ, gọi là ngày Tăng Tự tứ. Chư Phật vì trông thấy hàng đệ tử biết tuân theo giới luật tinh tấn thanh tịnh tu hành, hoặc có người tăng tấn đạo nghiệp, hoặc có người hàng phục được ma quân, chứng ngộ vào quả vị thánh, thấy đàn con được nhiều lợi ích trong sự tu tập nên hết sức hoan hỷ, gọi là ngày “Phật hoan hỷ”. Hàng Tỷ kheo tinh tấn an cư tu hành thanh tịnh trong ba tháng, mới được nhận mình thêm một tuổi, nên gọi là “ngày nhận tuổi”. Trong ba tháng kiểm điểm lại nếu hoàn toàn viên mãn không phạm một lỗi gì, dù là nhỏ, thì được hưởng công đức. Nghĩa là được hưởng quyền lợi trong bốn tháng về mùa Đông như là: được sắm thêm y áo, ngoài các thứ có hàng ngày, được ăn thêm bữa trước giờ ngọ, được đi lại tự do không phải xin phép, được ngủ lại các chỗ khi quên đem y theo, được biệt chúng mà ăn. Các điều này được hưởng đến ngày Rằm tháng Chạp là hết hạn. Người nào trong ba tháng bị chúng tăng cử tội thì không được hưởng công đức như trên.

Ngày Rằm tháng Bảy cũng gọi là ngày “cứu thoát vong nhân” tức là ngày lễ Vu Lan, ngày hàng Phật tử nhớ ơn cha mẹ đã quá vãng. Trong ngày này, hàng Phật tử vận hết tinh thành cảm niệm đến ân sinh thành trời bể của cha mẹ, cúi đầu trước Tam Bảo, trước hàng Chúng Tăng tu hành trong ba tháng vừa xong nhờ sức chú nguyện, để làm nơi xu hướng đền đáp công ơn cha mẹ.

***

Đại khái ba tháng hạ an cư của hàng Phật tử xuất gia là thế, đó là luật rất quan yếu của nhà Phật. Phàm ai đã thọ giới rồi phải triệt để tuân theo. Nếu không thì dù người có trọn đời mang aó cà sa cũng gọi là người không có tuổi nào trong hàng ngũ tăng chúng. Người đó không có quyền làm thầy ai, không có quyền độ cho ai xuất gia được. Nhưng nếu nhóm họp nhau an cư mà không đúng theo giới luật, không có thầy dạy bảo săn sóc cho chân chính thì trở nên tặc trú (bọn giặc ở với nhau), sự hại cũng không nhỏ.

Hàng niên thiếu Tỷ kheo sau khi năm hạ đã đầy đủ, am hiểu rành mạch về giới luật, thông thạo thế nào là khai, giá, trì, phạm của luật học, hiểu tôn chỉ một cách thấu đáo; Phật cũng cho phép tùy theo thuận tiện hoàn cảnh ở vào chỗ nào cũng có thể an cư được. Nhưng nếu đến ngày an cư mà bỏ qua tức là phạm tội khinh pháp.

***

Kính lạy đức Thế Tôn! Trong 2512 năm lại đây, các bậc tiền bối tiên triết của chúng con về trước, cũng như đoàn con em của chúng con theo sau, năm nào về mùa hạ,ï vẫn tuân theo kim ngôn ngọc luật của Thế Tôn đã dạy mà phụng hành. Chúng con vì nghiệp chướng nặng nề, mãi trôi lăn trong tam đồ lục thú, không có duyên lành trông thấy kim dung. Nhờ được phước thừa của ngày trước nên nay mới lạm xen vào hàng tăng số, thật vô cùng may mắn. Cho nên năm nào chúng con cũng không dám bỏ qua những ngày cao quý ấy. Nhất là vài năm lại đây nhân loại đang vùi dập dưới làn khói lửa vô cùng thảm khốc của nạn chiến tranh. Mặc dù không ngày nào là không chứng kiến những sự đau thương giết chóc của đồng loại, chúng con vẫn nhất tâm hướng về Phật. Ngoài bổn phận tu học, chúng con luôn chuyên tâm cầu nguyện Nhân Loại sớm trở lại hòa bình, người còn kẻ mất đều được ánh quang minh của chư Phật che chở.

Kính lạy đức Mục-kiền-liên Tôn giả! Chúng tôi xin nối gót theo Tôn giả, cầu xin Mười phương Chúng tăng oai thần pháp lực chú nguyện cho cha mẹ anh em thầy bạn của chúng tôi trong nhiều đời nhiều kiếp dù oán hay thân và tất cả những ai đã giúp chúng tôi về tài thí cũng như về pháp thí ít nhiều trên đường đạo, đều được giải thoát an vui.

Hôm nay, đồng thời ngày Tự tứ của chúng tăng và Lễ Vu lan, trước giờ phút thiêng liêng rung cảm này, chúng tôi lại càng gia công tinh tấn thêm lên, vận hết lòng thành hầu mong các đức cha lành trong mười phương pháp giới dủ lòng thương xót gia hộ cho chúng tôi được như lời thệ nguyện.

THỬ VẠCH MỘT QUY CHẾ CHO TĂNG SỸ VÀ MỘT CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TĂNG SINH

THÍCH ỨNG VỚI NHU CẦU CỦA GIÁO HỘI

TRONG HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI GẦN

LỜI MỞ ĐẦU

Mở mắt chào đời trong chốn thiền môn, lớn lên giữa bầu không khí thanh thoát của lời kinh tiếng kệ, kịp đến khi nhập đạo lại được gặp nhiều bạn tri thức và được hầu hạ các bậc tôn túc hữu danh đất Thần Kinh. Trên bước đường hành đạo, tôi may mắn gặp được khá nhiều thiện duyên. Nhưng cũng lắm phen phải đương đầu với nghịch cảnh khó xử. Trong vòng năm mươi năm trở lại đây, những cảnh phế hưng thay màn đổi lớp, những chuyển biến trong tâm tư con người Việt Nam và sinh hoạt xã hội nước ta, đã khiến Phật giáo trên cả ba miền phải vận dụng khá nhiều óc sáng tạo để uyển chuyển thích nghi với từng giai đoạn thăng trầm của lịch sử; hầu mong liên tục phát huy đạo pháp. Những chuyển biến dồn dập ấy, không ai trong chúng ta thuộc lớp tuổi trên dưới sáu mươi mà không biết. Riêng tôi thì tự thân kinh nghiệm cũng khá nhiều và nếm mùi thất bại cay chua vì những ước tính sai lệch cũng không ít. Gần đây, trong sáu năm liên tiếp được ủy thác nhiệm vụ điều khiển Tổng vụ Hoằng pháp cho Giáo hội, tôi lại thu thập thêm một số kinh nghiệm sống mới. Chính những kinh nghiệm này cộng với các kinh nghiệm trước kia, đã hướng dẫn, thúc dục tôi viết ra dự thảo chương trình sau đây. Hầu mong đóng góp chút ít ý kiến thô lậu của mình vào việc cải tiến tổ chức tăng sĩ, ngõ hầu thích ứng được với đà tiến triển của xã hội Việt Nam trong hiện tại và tương lai gần đây.

Hôm nay, trình bày trước Chư Tôn Hòa Thượng Thượng Tọa dự thảo chương trình này, Tôi thiết tha nguyện cầu, trên được Chư Phật gia hộ, dưới được Chư Tôn vì tương lai của Giáo hội cũng như của con em, lưu ý bổ khuyết những chỗ sơ thất, nếu các đường nét chính của dự thảo may mắn được quý vị chấp thuận trên nguyên tắc. Trong trường hợp này, một đại hội gồm chư vị giáo phẩm cao cấp nên được Giáo hội triệu tập để thảo luận chín chắn hơn nữa, hầu vạch một con đường đi cho đàn hậu tấn.

I . ĐẶT VẤN ĐỀ

Vì SỰ THẬT hay PHÁP không bao giờ là chất chết khô cằn. Cho nên tinh thần giáo pháp Phật là tinh thần sống động, uyển chuyển, không cố chấp. Dù Nguyên thỉ hay Đại thừa, không ai cãi chối được yếu tố căn bản ấy. Trên bước đường hoằng hóa, Đại thừa còn tiến xa hơn bằng việc tận dụng mọi phương tiện một cách thiện xảo, nhờ đó mà nội dung cương yếu của Pháp Phật truyền bá rất mau và rất rộng, không một trở lực nào cản ngăn nổi. Trải qua 25 thế kỷ của lịch sử truyền thừa, hoàn cảnh nào cũng dung hợp, quốc độ nào cũng thích nghi được. Điều kiện hoàn cảnh, thời gian, quốc độ không hề là những trở ngại đáng kể đến trên bước tiến của Phật giáo. Sở dĩ được như thế là nhờ Phật giáo đã biết linh động tùy duyên, thường cải tiến phuơng cách tổ chức, luôn thích ứng nhu cầu hoàn cảnh từng xứ, từng thời.

Trước hoàn cảnh đa dạng phức tạp của xã hội Việt Nam chúng ta ngày nay, tôi thiết nghĩ cũng cần phải có một số biện pháp cải cách nào đó mới đáp ứng đúng mức những nhu cầu thực tế do hoàn cảnh đa đoan tạo ra. Có như thế mới mong phát triển đạo pháp trên hình thức nổi, một cách thuận tiện hanh thông trong ngày mai.

Phàm muôn việc sở dĩ thành tựu được là nhờ ở khối óc minh mẫn và tay chân cường tráng. Khối óc minh mẫn tạo nên cấp lãnh đạo sáng suốt. Tay chân cường tráng chính là cấp thừa hành đắc lực chuyên trách trong các ngành.

Trong phạm vi Phật giáo, nhiệm vụ bất di bất dịch của cấp lãnh đạo là thừa kế Tổ đạo, trruyền trì giới luật, hướng dẫn tăng đồ và tín đồ về mặt tinh thần, trụ trì các tự viện thuộc hệ thống của Giáo hội. Công tác lãnh đạo còn bao gồm cả việc gây giống ương mầm un đúc tăng tài, để thừa kế Tổ đạo trong ngày mai.

Cấp thừa hành có nhiệm vụ bám sát cơ sở quần chúng, nhằm phát triển đạo pháp trên hai phương diện:

1. Củng cố tổ chức, dẫn đời vào đạo,

2. Tích cực nhập thế, đem đạo vào đời.

Như trên là những nhu cầu thực tế đương đặt ra cho chúng ta, buộc chúng ta phải có biện pháp thích ứng. Hầu mong, bên trong duy trì được tính cách thuần nhứt của tổ chức Giáo hội, bên ngoài ứng phó dung thông hoàn cảnh xã hội, phức tạp đa đoan như vốn thấy.

II . GIẢI PHÁP ĐỀ NGHỊ

Để đáp ứng các nhu cầu nêu trên, trước hết chúng ta thử cố gắng vạch một quy chế mới cho tăng đoàn, trong đó dịch vụ phụng sự đạo pháp phải được phân công rõ ràng.

A. Phân ngành

Dịch vụ của cấp lãnh đạo tinh thần là những dịch vụ cố định, không vì thời gian hay quốc độ mà có thay đổi như đã nêu trên. Dịch vụ của cấp thừa hành, thiết tưỏng nên quy định như sau:

Nhằm đáp ứng nhu cầu của các phương diện củng cố tổ chức và kéo đời vào đạo, cần phân chia ra hai ngành Kiện nộiHóa ngoại. Về phương diện Hóa ngoại (tích cực nhập thế, đem đạo vào đời), nên phân chia thành: ngành chuyên trách văn hóa giáo dục và ngành chuyên trách công tác xã hội.

Ngành Kiện nội, lo xây dựng bên trong tự viện. Đóng vai trò thân cận của cấp lãnh đạo. Đảm trách mọi công tác củng cố sinh hoạt tinh thần và vật chất của cơ sở.

Ngành Hóa ngoạiphụ trách tổ chức tín đồ thuộc mọi tầng lớp xã hội, diễn giảng, hành chánh, giao thiệp. Chính ngành này thực thi đường lối đối ngoại của Giáo hội, tương ứng với các cấp hành chánh ở ngoài đời.

Ngành Văn hóa Giáo dụcchuyên trách việc giảng huấn trong đạo và ngoài đời, từ mẫu giáo đến đại học. Một công tác khác không kém phần quan trọng của ngành này là phiên dịch và trước tác.

Ngành Công tác xã hộitrực tiếp tham gia mọi sinh hoạt xã hội mà không trái với tinh thần giới luật, qua các hoạt động nghề nghiệp hợp với thế đế, để nhiếp hóa chúng sanh bằng tinh thần tứ nhiếp pháp và lo sinh tài cho Giáo hội.

Trong Ni bộ cũng có đủ các ngành như trên, nhưng phạm vi hoạt động hạn cuộc trong riêng bộ chúng mình. Sách lược và đường lối lãnh đạo vẫn nương vào Tăng bộ, đúng như tinh thần giới luật quy định.

Dịch vụ mỗi ngành đã phân định rõ ràng, thì danh xưng tăng sĩ chuyên trách tưởng cũng nên minh xác để tiện việc sắp xếp một cách qui mô.

Chẳng hạn tăng sĩ thuộc cấp lãnh đạo thì gọi là Trụ trì tăng. Trong ngành Kiện nội gọi là Công đức tăng. Trong ngành Hóa ngoại gọi là Thiệp thế tăng. Trong ngành Văn hóa giáo dục gọi là Giảng huấn tăng. Trong ngành Công tác xã hội gọi là Nhiếphóa tăng.

Để được sung vào một trong năm ngành nói trên, tăng sĩ phải trải qua một thời gian tu học tại các Phật học viện theo đúng chương trình sẽ qui định ở một đoạn sau.

B. Nhiệm vụ và quyền lợi của học tăng sau khi nhập ngành

a/ - Nhiệm vụ :

1.- Trụ trì tăngquản trị các tự viện của Giáo hội từ cấp thấp đến cấp cao nhứt. Được sung vào các cấp lãnh đạo tỉnh, miền hay trung ương, nếu hội đủ điều kiện đức hạnh và khả năng.

2.- Công đức tăngphụ tá Trụ trì tăng trong mọi vấn đề thuộc sinh hoạt nội bộ của các tự viện, quản trị và phân phối tài sản, xây dựng cơ sở cho tự viện sở quản.

3.- Thiệp thế tăngsung vào các ban đại diện Giáo hội các cấp, trừ cấp trung ương. (Ở cấp này, nếu được tham dự thì chỉ làm phụ tá thừa hành).

4.- Giảng huấn tăngphụ trách công tác văn hóa giáo dục tại các Phật học viện và các trường thế học từ mẫu giáo đến đại học.

5.-Nhiếp hóa tănglàm đủ mọi nghề nghiệp tự do như thế tục và thích hợp với sở học về khả năng chuyên môn, phát nguyện hiến thân xây dựng đạo pháp bên ngoài tự viện.

b/ - Quyền lợi :

1.Trụ trì tăng và Công đức tăng:

- Đủ tuổi, được thọ cu túc giới.

- Có giáo phẩm, có quyền thâu nhận đồ chúng, truyền trì giới luật, thừa kế Tổ đạo, được hưởng tín đồ cúng dường.

- Đề ra các Phật vụn cần thiết để mở mang cơ sở tinh thần của Giáo hội.

- Đề nghị bổ nhiệm, thuyên chuyển, xử trị tăng sĩ các ngành.

- Duyệt xét và hướng dẫn công tác các ngành, trên những đường nét chính yếu, nhưng không xen vào kỹ thuật chấp hành.

- Công đức tăng với tư cách phụ tá Trụ trì tăng trong mọi lãnh vực, được hưởng quyền lợi tương đương với Trụ trì tăng.

2. Thiệp thế tăng, Giảng huấn tăng, Nhiếp hóa tăng :

- Chỉ thọ Sa di bồ tát giới.

- Không có giáo phẩm.

- Sinh sống với thù lao được phụ cấp, hoặc với đồng lương riêng do nghề nghiệp đem lại.

- Lợi tức cá nhân quá một mức nào đó, phải sung vào quỹ chung của ngành mình do một Hội đồng quản trị ngành quản thủ, để khuyếch trương công tác mới cho ngành hoặc để hỗ trợ ngành bạn, sau khi được cấp lãnh đạo trung ương ý hiệp.

c/ - Phục sức :

1. Trụ trì tăng và Công đức tăng- Thường phục màu vàng, Lễ phục theo cổ truyền, không thay đổi. Sai khác hai bên chỉ ở màu sắc và kích thước: Trụ trì tăng màu vàng đậm, kích rộng. Công đức tăng màu vàng nhạt, kích hẹp hơn.

2. Thiệp thế tăng: thường phục áo tràng nâu, lễ phục áo tràng vàng lợt và mang y.

3. Giảng huấn tăng và Nhiếp hóa tăng: thường phục áo nhật bình lam, lễ phục áo tràng vàng lợt và mang y.

Các ý kiến trên có thể được tóm lược qua sơ đồ tổ chức sau đây:

LÃNH ĐẠO

(TRỤ TRÌ TĂNG)

Củng cố tổ chức

Kéo đời vào đạo

Đẹm đạo vào đời

Tích cực nhập thế

KIỆN NỘI

HOÁ NGOẠI

VĂN HÓA GD

CT XÃ HỘI

(Công đức tăng)

(Thiệp thế tăng)

(Giảng huấn tăng)

(Nhiếp hóa tăng)

Mỗi ngành có một hội đồng quản trị của ngành về mặt chuyên môn.

III. ĐƯỜNG HƯỚNG XÂY DỰNG

Tự biết tài thô trí thiển, nhưng may mắn được Giáo hội ủy thác điều khiển các Phật học viện trong nhiều năm, kể từ thời tiền chiến. Nhờ đó, được thân cận một số thiện hữu tri thức đủ các giới, trong cũng như ngoài Phật giáo. Sau khi cân nhắc sở trường sở đoản của các chương trình học Phật cũng như sở đắc sở thất các thế hệ học tăng nối tiếp. Cộng thêm kinh nghiệm giữ nhiệm vụ hoằng pháp từ Trung Việt đến toàn quốc của Giáo hội. Nay xin cô đúc lại thành bài học sống để thử tìm một kế hoặch xây dựng cho tương lai.

Xét lịch sử Phật giáo Việt Nam, từ lúc bắt đầu cho đến ngày nay tuy đã trải qua non mười tám thế kỷ truyền thừa, nhưng những thế kỷ đầu chỉ là giai đoạn gieo mầm chưa có gì đáng gọi là bền gốc chắc rễ cả. Phật giáo chỉ mới thật sự bén rễ tại Việt Nam là với sự du nhập ngành thiền Đạt-ma của Tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi (tịch năm 594 đời Hậu Lý Nam Đế). Sau đó hai thế kỷ, ngành thiền Việt Nam càng ngày càng lớn mạnh thêm với Tổ Vô Ngôn Thông, một chi lưu của thiền Trung Hoa có gốc từ Lục tổ Huệ Năng. Tuy cùng là thiền Đông độ, nhưng với tổ Huệ Năng, sắc thái Trung Hoa lấn át hẳn sắc thái phảng phất Aán Độ của thiền Đạt-ma. Trải qua các triều đại từ thế kỷ VI đến nay, Phật giáo truyền bá tại Việt Nam không chi khác hơn là Thiền Trung Hoa, phối hợp với tam giáo.

Sau một thời gian lu mờ kéo dài từ thời Hậu Lê đến suốt triều Nguyễn, Thiền gần như mất hết sinh khí của buổi thịnh thời cho nên đã phải phối hợp với Tịnh độ mà tiếp tục sự nghiệp truyền trì.

Từ khi có phong trào chấn hưng Phật giáo vào khoảng năm 1932, các Tăng học đường đã từng cho áp dụng một số chương trình học nhằm mục đích cấp thời ứng phó với nhu cầu giai đoạn. Theo ngu ý thì chưa có một chương trình nào khả dĩ gọi là đầy đủ.

Trên đây là lý do thứ nhất khiến chúng ta phải soát xét lại chương trình học nội điển để xây dựng tăng tài hầu đáp ứng nhu cầu ngày mai.

Lý do thứ hai khiến phải soát xét lại là: Phật giáo ngày nay đã lan tràn khắp năm châu bốn biển. Đâu đâu, người ta cũng đang nghiên cứu và học hỏi giáo lý Phật một cách toàn triệt. Từ giáo pháp Nguyên thỉ qua giáo nghĩa các Bộ phái đến giáo lý Đại thừa. Phật giáo tư tưởng sử liên tục và nhất vị từ A Hàm đến Đại thừa đã được nhiều học giả uyên thâm khắp năm châu, từ trong tăng giới ra đến ngoài cư sĩ, soạn thành sách rất minh bạch và quy mô. Phật giáo Việt Nam muốn theo kịp trào lưu, không thể đóng kín cửa, tự giam hãm mình trong một khuôn mẫu phiến diện và cố định được nữa. Cộng thêm vào đó là các nhu cầu thực tế đã nói ở một đoạn trước.

Nhằm đáp ứng các nhu cầu nêu trên, ngay bây giờ cần phải đào tạo học tăng tạm có đủ lưng vốn học thức căn bản về mọi khía cạnh của giáo nghĩa Phật giáo, hầu mong phát triển được đạo pháp trong lòngdân tộc và theo kịp trào lưu chung của Phật giáo thế giới hôm nay và ngày mai.

Để tiện qui định chươngtrình học Phật, trước hết chúng ta nên xét trong mỗi cấp mỗi ngành phải có cái lưng vốn học thức như thế nào mới khả dĩ đủ để ứng dụng trong ngành mình.

Căn cứ dịch vụ công tác của từng hạng tăng sĩ mỗi ngành, trình độ học thức căn bản của mỗi hạng có thể qui định như sau:

Trình độ tiêu chuẩn bắt buộc:Tất cả học tăng trước khi rẽ ngành, đều phải có sức học tiêu chuẩn:

Học đời: Hoàn tất chương trình trung học hoặc tương đương.

Học đạo: Hoàn tất chương trình trung đẳng Phật học.

Trình độ phải có của mỗi ngành:

Trụ trì tăng: - Tốt nghiệp cao đẳng Phật học

Công đức tăng: - Học lực tùy khả năng, chú trọng về tâm đức và thiện chí phục vụ nhiều hơn.

- Phải trải qua một thời gian thực tập tại các tự viện và thân cận các tôn túc.

Thiệp thế tăng: - Học lực thế gian và nội điển càng cao càng quý.

- Điều quan trọng là phải trải qua một thời gian tu nghiệp hành chánh và thực tập tại các cấp Đại diện hoặc ở Trung ương.

Giảng huấn tăng:- Tốt nghiệp đại học tại các trường đại học Phật giáo hoặc đại học thế gian, chuyên về văn hóa giáo dục, ở trong nước hay ngoại quốc.

- Ở các cấp dưới, tiêu chuẩn thấp hơn, tùy điều kiện của mỗi cấp.

Nhiếp hóa tăng: - Tốt nghiệp các ngành học tự do ngoài đời, từ trung cấp đến cao cấp.

Bị Chú:Sự lựa chọn ngành, hoàn toàn do tùy tâm sở nguyện. Có thể chuyển đổi nếu xét thấy không đủ khả năng theo đuổi ngành đã chọn. Nhưng phải được Hội đồng giám định ý hiệp. Hội đồng giám định gồm bốn tổng vụ: Tăng sự, Hoằng pháp, Văn hóa Giáo dục và Xã hội. Tăng sĩ thuộc ngành nào, Tổng vụ điều khiển ngành đó phụ trách huấn luyện và nâng đỡ.

IV. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH NỘI ĐIỂN

A. - Cấp Trung đẳng

1. Kinh: - Nhiï khóa hiệp giải

- Di giáo

- Tứ thập nhị chương

- Thập thiện, Ưu-bà-tắc

- Tứ A Hàm (trích giảng)

- Na-tiên tỳ kheo

2. Luật:- Tỳ ni, Oai nghi, Sa di giải.

3. Luận:- Cảnh sách giải.

- Duy thức dị giải (Tam thập tụng, Bách pháp)

- Phật học phổ thông (Giáo pháp căn bản)

4. Sử:- Sử Phật.

- Lược sử chư Tổ

- Lược sử Phật giáo Việt Nam

5. Ngôn ngữ: - Việt. - Hán.- Anh.

6. Thực tập:- Công phu. Nghi lễ.

- Thiền quán (Như lai thiền).

B. Cấp Cao Đẳng

1. Kinh: Trích giảng các kinh sau đây, phối hợp với các kinh trong Tứ A Hàm có căn bản giáo nghĩa tương đương

- Bát-nhã

- Giải-thâm-mật

- Lăng-già

- Lăng-nghiêm

- Duy-ma-cật

- Niết-bàn

- Viên-giác

- Hoa-nghiêm

- Pháp-hoa

- Đại-nhật.

2. Luật:

- Tứ-phần (của Pháp tạng bộ)

- Phạm-võng (của Đại thừa)

Tham khảo thêm

- Ma-ha tăng-kỳ của Đại chúng bộ.

- Thập-tụng của Hữu-bộ

- Di-sa-tắc của Hóa địa bộ

- Tạng Luật của Theravada.

3. Luận:

Ba trường phái lớn

a/ Không Tông - Chủ đề: Kinh Bát-nhã:

- Thành thật luận

- Trung quán luận

- Thập nhị môn luận

- Bách luận.

b/ Hữu Tông - Chủ đề: Kinh Giải thâm mật:

- Câu xá luận

- Ngũ uẩn luận

- Nhiếp đại thừa luận

- Du-già-sư-địa luận

- Duy thức luận

Tổng hợp Không Hữu:

- Đại thừa khởi tín luận.

c/ Mật Tông:

- Mật giáo cương yếu của Vương Hoằng Nguyên dịch

(Chủ đề: Kinh Đại nhật)

4. Thiền học:- Ngữ lục Trung Hoa (trích giảng)

- Ngữ lục Việt Nam (trích giảng)

- Tham khảo thêm: Thiền luận của Suzuki.

5. Sử:

- Sử Phật giáo Ấn Độ, Trung Hoa, Tích Lan và các nước Đông Nam Á.

6. Đông Tây triết học:

- Luận lý học (bao gồm Nhân minh)

- Triết Tây đại cương

- Nho và Bách gia

- Lão Trang.

7. Ngôn ngữ:Cổ ngữ

- Hán (bắt buộc)

- Sanskrit, Pali, Tạng (nhiệm ý)

Sinh ngữ

- Việt, Anh (bắt buộc)

- Quan Thoại, Nhật (nhiệm ý)

8. Thực tập:

- Công phu, nghi lễ

- Thiền quán (Tổ sư thiền)

Bị Chú:

a) Các kinh sách tham khảo thêm sẽ do giáo sư giảng huấn mỗi môn đề nghị.

b) Trong buổi đầu mới áp dụng, chương trình này có thể tùy nghi co dãn theo nhu cầu.

c) Sau khi hoàn tất chương trình, sinh viên phải trình luận án về một tông phái mà mình ưa thích hoặc một bộ kinh hay luận do chính mình dịch.

Nha Trang, mùa An cư 2515,

Ngày vía Quán thế âm, 9.8.1971

THÍCH TRÍ THỦ

Giám viện Phật học viện Nha Trang

Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp Giáo hội PGVNTN.

LỜI GIỚI THIỆU(TRONG CUỐN LIỄU SANH THOÁT TỬ)

Trước đây cách hai ngàn năm trăm mười hai năm, đức Phật đã từng dạy với các đệ tử rằng: ‘Trong một bát nước có đến tám muôn bốn ngàn vi trùng’. Thời ấy nếu ai nghe qua chắc không khỏi mĩm cười mà cho là hoang đường hay vô lý, rồi đem lòng ngờ vực không tin. Nhưng mặc dầu ai không tin mà sự thật bao giờ cũng là sự thật, không phải vì không tin mà kém mất phần giá trị của nó.

Tập sách Liễu sanh thoát tử, hay Cứu độ trung ấm thân này chính do thời Liêu dịch. Nguyên Cư sĩ đã dày công sưu tầm trong các kinh điển mà biên tập ra. Thầy Thích Quang Phú giáo sư Phật học đường Báo Quốc, sau khi dịch xong, đã đưa cho xem. Tôi nhận thấy trong đó có nhiều điểm rất hay đối với nhân tâm thế đạo. Không những thế, nó cũng có thể giúp ích một phần nào cho những ai đang nghiên cứu về phần Linh học.

Tôi thiết tưởng hàng Phật tử xuất gia nên coi vào đấy mà lo trau dồi đức hạnh, đào luyện thân tâm, hầu cứu vớt sanh linh thoát vòng đau khổ, để thực hành công việc lợi tha trong muôn một. Hàng Phật tử tại gia cũng nên xem vào đấy mà thực hành cứu độ cho thân linh trong giờ phút cuối cùng ‘ngàn thu nhật biệt’. Hầu mong tỏ lòng hiếu thảo chơn chánh và cải bỏ những tục lệ phiền phức sai lầm trong khi tang lễ, hòng gây một phong tục chánh tín Phật pháp ở tương lai. Như thế hẳn là một tập sách đáng đem truyền dạy đó.

Còn nói về Trung ấm thân, thì theo như lời Phật dạy: Chỉ có người nào đã chứng được Đạo nhãn mới xem thấy, ngoài ra những kẻ phàm phu chưa chứng thánh trí thì không thể nào trông thấy được. Thế thì nó hoang đường mê tín hay không sẽ có thời gian trả lời. Cũng như ngày nay không cần phải giải thích, nhưng với sự thật, mọi người đều thấy trong nước có vô số vi trùng.

Với thời nay, tôi mong rằng hàng Phật tử tại gia cũng như xuất gia, ai nấy đều nên y theo trong đó mà làm thì kẻ đã chết cũng như người còn sống sẽ hưởng được nhiều phần lợi ích. Thật ra, đạo Phật không chỉ chú trọng lúc sắp chết, mà khi đang sống phải cần được an vui. Cho nên ngoài những phương pháp hành trì khi đang sống, đức Phật còn chỉ cho ta những việc cần thực hiện khi sắp chết hoặc đã chết. Vậy thì chúng ta không có quyền nói đạo Phật chỉ chú trọng cái chết mà bỏ quên sự sống.

Bởi lẽ ấy, tôi xin kính lời giới thiệu cùng toàn thể Phật tử.

PL.2512, Báo Quốc ngày 10 tháng Chạp năm Kỷ sửu

Giám đốc Phật học đường Báo Quốc

THÍCH TRÍ THỦ .

LỜI GIỚI THIỆU KINH KIM QUANG MINH

Phàm chơn tâm là ngoài mọi đối đãi, tuy hòa vào muôn vật mà vẫn thường còn bất biến. Nhưng diệu hạnh rất khó lường, tùy các duyên mà ứng hiện cùng khắp. Đứng về mặt đế lý chơn thật thì không chấp nhận một mảy trần; nhưng về sự tướng, cũng như công hạnh tu hành thì không bỏ một pháp nào cả. Đức Phật thuyết KinhKIMQUANG MINHlà y nơi chơn tâm thanh tịnh mà kiến lập hạnh giải thoát, để dắt dẫn chúng sanh ra khỏi tà mê. Đó là Bảo tạng pháp môn Đốn viên đại dụng.Bởi vì Bồ tát chẳng sa vào hành chấp Không. Nhưng muốn đạt được pháp thân lại không thể tìm trong hữu tướng Có. Có, Không cộng lập. Sự, Lý, dung thông; là yếu chỉ của Kinh vậy.

Đại đức Thiện Trì nguyên là vị tăng sinh xuất sắc nhất, xuất thân từ trường Phật học chuyên khoa nội trú Liễu Quán Linh Quang, Huế, do Giáo hội Phật giáo thống nhất Thừa Thiên chủ trương. Nhờ sự chiếu cố của quí ngài trong Ban giáo thọ, và sự cố gắng sau những năm tại nhà trường, Đại đức đã có công nghiên cứu và dịch thích bộ kinh Kim Quang Minh rất rõ ràng chu đáo; lại được Thượng tọa Thích Thiện Siêu giảo chính và Thượng tọa Thích Mật Nguyện cũng như nhiều ngài đã đọc qua đều hứa khả bản dịch này.

Tôi tin tưởng ở khả năng của Dịch giả và sự chỉ giáo của Quí Thượng tọa. Nhất là qua lời Tựa của Thượng tọa Thích Đức Nhuận và Lời nói đầu của Dịch giả, tôi thiết tưởng cũng đã đầy đủ không còn biết nói gì hơn.

Nhân danh Tổng vụ trrưởng tổng vụ Hoằng pháp, tôi trân trọng giới thiệu với chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tăng ni và thập phương Phật tử lưu tâm đọc tụng và phổ biến rộng rãi. Để được lợi lạc quần sanh và khỏi phụ bản hoài độ sanh của Phật tổ.

Nam mô Kim Quang Minh hội thượng Phật, Bồ tát Ma ha tát.

Viết tại Quảng Hương già lam, Gia Định,

Phật đản 2515

Hòa thượng THÍCH TRÍ THỦ.

LỜI GIỚI THIỆU CHO TẬP SAN CÔNG ĐỨC NHẪN NHỤC CỦA NI CHÚNG DIỆU ĐỨC

Muốn đánh dấu một trình độ tu tập, muốn ghi lại một vài quan điểm, kinh nghiệm lợi ích thiết thực đã điêu luyện trong những ngày tịnh tu theo giáo lý vô thượng, và cũng để kỷ niệm ba tháng an cư vừa qua; các Cô tu học tại trường Sư nữ Diệu Đức đã viết tập Công đức nhẫn nhục nầy.

Trong tập sách, các đạo hữu muốn tìm một áng văn tuyệt tác hay một giáo lý thâm huyền, chắc chắn khó có thể làm thỏa mãn được. Nhưng nếu các đạo hữu muốn có một phương châm để lập thân xử thế, muốn đạt mục đích thành công theo chí hướng của mình bất cứ trường hợp nào, tôi thấy tập sách này không phải là vô bổ. Vì nhẫn nhục là nền tảng cho cả hàng muôn ý nghĩ lành mạnh, lời nói lành mạnh và việc làm lành mạnh.

Và Chỉ có con người lành mạnh mới tạo nên một thế giới an vui kiện toàn.

Vậy tôi xin chân thành giới thiệu cùng toàn thể Phật tử và những ai là người có chí muốn xây dựng cái sống cho tự thân, cho gia đình và cho xã hội.

THÍCH TRÍ THỦ

(01.10.1954)


VIẾT TRONG ĐỜI SỐNG ĐẠO

PHẬT HỌC VIỆN NHA TRANG

Mang mang trường dạ trung

Tam bảo vi minh đăng

Thao thao khổ hải nội

Tam bảo vi từ hàng.

Hoang mang giữa quãng đêm dài

Này ngôi Tam bảo là đài quang minh

Ngập trời bể khổ lênh đênh

Này ngôi Tam bảo sanh linh thuyền từ.

Kỷ niệm Phật đản 2505

THÍCH TRÍ THỦ


CHÚC TẾT

Nhân dịp xuân Tân sửu về, Thay mặt toàn viện, Tôi xin gởi đến Quí Đại đức Tăng Ni, Quí vị Thiện tín đã góp nhiều công đức vào việc kiến thiết Phật học viện và toàn thể Phật tử mười phương Lời Chúc Năm Mới.

Trong ánh Xuân tỏa ngời hào quang của Đấng Từ thị, Chúng tôi cầu chúc Quí Vị một Năm Mới An Lạc và Tinh Tấn.

Chúng tôi cầu mong ánh Xuân về mang lại cho Qúi Vị Niềm Vui Bất Tận như niềm vui của ánh Đạo Giải Thoát nhiệm mầu.

Nam mô Từ thị Di Lặc Tôn Phật

Giám viện Phật học viện Trung Phần

Thượng tọa THÍCH TRÍ THỦ.

VIỆT NAM PHẬT GIÁO BÁCH KHOA TỪ ĐIỂN TỰA

Việt Nam Phật giáo Bách khoa từ điển giả thuyết Thiền lâm chi trùng nghiệp hợp giáo hải chi quần lưu, hân phiên kỳ ngoại vô minh khoản khải vật tâm hữu lậu thả khai đại tàng chi thược thi nãi tác tiêu căn chi trí đạo kỳ soạn thuật ban chi thành lập giả. Khả xưng tam ban bất hủ nhi lập ngôn chi nhất, năng thừa ngũ chủng pháp sư nhi diễn dịch vi tiên.

Thiết văn hiện kim sử học Phật pháp du nhập Đông phương, Việt Nam tiếp thọ chi tiền, Trung Hoa thuận tòng chi hậu. Sở vị pháp vũ chiêm nhu ngô quốc tự nhứt thế kỷ, xuất do Giao Chỉ thị giác đạo chi giao điểm, Cửu Chân thị trúc đán chi phùng nguyên khả tín hỷ.

Nhiên tắc kinh nhị thiên tái như hà vị biệt hữu tam tàng cận Phật học Bách khoa từ thư tập thành Việt ngữ. Tự niệm ngoại bang chi xâm lược, ưu bát chi uyên huy; văn tự chi phôi thai, dịch biên chi thảo sáng sử nhiên dư thâm khả nhi hám giả nhỉ !

Hồi tưởng nhị thập niên tiền, dư nhiệm Nha Trang Phật học viện chi giám đốc, triêu ư tài chủng đạo nha, tịch ư trác ma pháp khí, chung nhật tuy hản hữu kỷ, hà thời thâm tâm nhi hằng dung thử tác tích tai. Binh tiển cạnh phát kinh cức chủng sinh cố sử vị hoài vị toại.

Cận lai lương duyên khánh linh chư thiện tri thức, quảng phát đại tâm thường tích thổn âm nhẫn lao công tác thị cố tư thư di dĩ nhi cáo thành hỷ.

Tòng tư đối linh thử điển Hoa Phạn hoán cách Việt tự quyền dữ kỳ chuyển âm phù luật, lữ kỳ thích nghĩa khế chỉ tôn bất dụng tha sơn chi thạch, toàn bằng y lý chi châu phi thị liêu trụ cố sắc đích nhiên phá để vi viên, khả vị đại thảo lưu kim phó ngư mộc Tây giang chi thủy, kiệm niên kiệt lật. Cùng tử hóa trưởng giả chi trân túc dĩ ích nhi Việt Nam văn hóa cao tiêu thế giới tùng thư.

Hướng hậu linh thế diệu âm tương liêu lượng đại pháp tạng kinh tất dĩ mê tung thị tắc thù tạ.

Tam bảo chi hồng ân. Hoằng truyền Như Lai kim khẩu thâm vọng hải nội cao minh từ tâm bổ khuyết, dư bất thắng cửu xí chi trí. Cẩn tự.

Phật lịch nhị ngũ nhị tứ niên, Công nguyên nhứt cửu bát thập tuế, tại Mậu thân Quán thế âm Bồ tát đản nhựt. Việt Nam Phật giáo thống nhất giáo hội Hóa đạo viện Viện trưởng Sa môn Thích Trí Thủ huân mộc kính đề.

VĂN ĐẮC PHÁP

*

CHÁNH PHÁP NHÃN TẠNG

CÁI VĂN

Oai âm vương dĩ tiền, vô Phật danh, vô chúng sanh danh. Thử thời chánh thị đạo kỳ, thị vô nhân giác tri, cổ ngã.

Phật Thế tôn vị nhất đại sự nhân duyên cố xuất hiện ư thế, tùy cơ thuyết pháp tứ thập cửu niên, tam bách dư hội. Cát đằng ký nhi hóa duyên tương tất. Kim khẩu tuyên ngôn, thỉ chung bất thuyết nhất tự. Cố ư Linh sơn hội thượng, Thế tôn niêm hoa, đại chúng mang nhiên. Ca diếp phá nhan vi tiếu. Phật ngôn: ngô hữu chánh pháp nhãn tạng phó chúc ư nhữ. Do thị tương y bát truyền dữ:

Ma ha Ca diếp Tôn giả vi đệ nhất tổ.

Đệ nhị tổ A nan đà Tôn giả,

Đệ tam tổ Thương na hòa tu Tôn giả.

Truyền chí

Đệ nhị bát tổ Bồ đề đạt ma Tôn giả,

đồng thời vi Đông độ sơ tổ.

Đệ nhị tổ Huệ Khả đại sư.

Đệ tam tổ Tăng Xán đại sư.

Đệ tứ tổ Đạo Tín đại sư.

Đệ ngũ tổ Hoằng Nhẫn đại sư.

Đệ lục tổ Huệ Năng đại sư.

Thủ truyền

Đệ nhất đại Nam Nhạc Hoài Nhượng đại sư.

Đệ nhị đại Mã Tổ Đạo Nhất đại sư.

Đệ tam đại Bách Trượng Hoài Hải đại sư.

Đệ tứđại Hoàng Bích Đoan Tế đại sư.

Phái truyền

Đệ nhất thế Lâm Tế Nghĩa Huyền thiền sư.

Đệ nhị thế Hưng Hóa Tồn Tương thiền sư.

Đệ tam thế Nam viện Huệ Ngung thiền sư.

Truyền chí

Đệ tam thập nhất thế Mộc Trần Đạo... Hoằng Giác Quốc sư

Đệ tam thập nhị thế Tuyết... Chơn Phác.

Đệ tam thập tam thế Đại Xa Như Trường Thượng Tổ Hòa thượng.

Đệ tam thập tứ thế Tử Dung Minh Hoằng lão tổ Hòa thượng.

Đệ tam thập ngũ thế Liễu Quán Thiệt Diệu Hòa thượng.

Đệ tam thập lục thế Lưu Quang Tế Aân Hòa thượng.

Đệ tam thập thất thế Chiêu Nhiên Đại Văn Hòa thượng.

Đệ tam thập bát thế Phổ Tịnh Đạo Minh Hòa thượng.

Đệ tam thập cửu thế Nhất Định Tánh Thiên Hòa thượng.

Đệ tứthập thế Cang Kỷ Hải Thiệu Hòa thượng.

Đệ tứthập nhất thế Thanh Chân Viên GiácĐại sư.

Đệ tứthập nhị thế Trừng Thông Viên Thành Đại sư.

Bổn Sư phó ngã, kệ vân:

Vật ngã nguyên phi dị

Sum la kính tượng đồng,

Tâm đăng chiếu vô tận,

Động tịnh thể viên dung

Vi tứ thập tam thế Đạo Giám Trí Thủ đại sư. Nhân giả tác khai hóa nhất thiết thiện tri thức đắc đại nhân duyên thượng cung hạ kỉnh hòa quang tiếp vật hành lục hòa chúng từ bi bất yết hiện lượng vô phần hòa kỷ hòa tha chơn biểu tín nhĩ.

Phó pháp kệ:

Hải tánh nan tư nghị,

Thừa đương nhân tự tri,

Không hoa do nhãn ế,

Sanh Phật tất giai phi.

Đệ tứ thập tứ thế pháp tử pháp danh Trừng San, tự Minh Hiền, hiệu Hải Tuệ đại sư.

Oai Âm Vương dĩ tiền dĩ pháp ấn tâm, Oai Aâm Vương dĩ hậu dĩ tâm ấn pháp như thị trân trọng.

Thừa Thiên, Báo Quốc tự trụ trì Sa môn Thích Trí Thủ thọ ký.

Phật lịch nhị thiên ngũ bách bát niên,

Tuế thứ Ất tỵ Nhị nguyệt Sơ bát nhựt phó.

VIỆT NAM PHẬT GIÁO THỐNG NHẤT

GIÁO HỘI TĂNG GIÀ BIA MINH

Phù đạo chấn Tây càng, pháp lưu Đông độ. Tông truyền Bắc quốc, chỉ thọ Nam bang. Ngã quốc tự Khương Tăng Hội phạm thanh chi thỉ xướng, kế Tỳ Ni Đa vi tiêu chí tông thành, chí kim, thiên bát bách dư niên. Đại đại tương thừa, tâm tâm thọ thọ, bất thắng kỷ ký. Đương kim chi thế Hòa thượng kỳ nhơn du.

Hòa thượng Quảng Trị tỉnh, Triệu Phong phủ, Ái Tử hương nhơn, tánh Lê thị, phụ danh Văn Xưng, mẫu húy Trần thị. Thế gia nghiệp Phật. Vu Dương lịch nhất bát thất bát, Giáp dần Chánh nguyệt Thất nhật sanh. Bẩm tánh tư hòa, huệ căn thâm cố. Thập bát tuế đồng chơn nhập đạo, y Từ Hiếu tự Tâm Tịnh Hòa thượng vi bổn sư, kinh nhị tái thế phát, thọ sa di giới pháp danh Trừng Thủy, tự Chí Thâm, từ Lâm Tế tứ thập nhị. Liễu Quán pháp phái đệ bát thế, tư hậu thùy thị bổn sư kết thảo am tu trì, tức Tây Thiên tự thị dã. Niên nhị thập bát, lễ Quảng Nam Phước Aán tự Vĩnh Gia Hòa thượng , cầu thọ đại giới. Kế dư pháp huynh Giác Tiên Hòa thượng khai kiến Trúc Lâm thảo am. Dĩ lưu thiền quán, tức kim Trúc Lâm tự thị dã. Kế chi đắc pháp Đại sư hiệu Giác Nhiên, kệ viết:

Giác tánh tự thiên nhiên

Sắc không bất hiện tiền.

Vật ngoại nhàn nhơn sử,

Cần tu bổn lý Thiền.

Dương lịch nhất cửu nhất thập, Tâm Tịnh đại lão Hòa thượng viên tịch, hiếu sự tất; đầu Thiên Hưng tự Huệ Pháp Hòa thượng tham học lịch số tái. Hựu phát túc tham phương, đạo hạnh chiêu trước, thường dĩ Thiền luật trì danh. Khải Định Kỷù mùi sắc vi Thánh Duyên quốc tự Trụ trì, tầm thăng y tự Tăng cang. Dương lịch nhất cửu nhị cửu, Sơn môn tăng già cung thỉnh vi Thiền Tôn tự Tổ đình Trụ trì. Lịch nhị thứ, trùng hưng tự sở quang huy. Nhiên thời Đinh mùi, vận đạo pháp lăng di, nhân tâm ly tán. Nãi dữ Phước Huệ, Giác Tiên, Tịnh Hạnh, Tâm Minh chư thượng nhơn, vu Dương lịch nhất cửu tam nhị sáng lập An Nam Phật học hội, kiêm tác chứng Đại Đạo sư. Tán trợ Tâm Minh Lê Đình Thám Bác sỹ xuất bản Viên Âm tạp chí, nỗ lực xương minh Phật giáo, khôi phục tiền hiển, đại chấn nhất kỳ chi âm hưởng. Hậu tam tái, tịnh Minh Tâm cư sĩ thiết lập Tây Thiên Phật giáo đại học đường, cung thỉnh Bình Định Thập Tháp Phước Huệ Hòa thượng vi thân giáo sư đào chú hậu côn, tác tương lai nhân; nhi Hòa thượng vi kỳ giám đốc dã. Dực niên trác tích, Đà thành kiến lập thử Tỉnh thị Phật học hội. Dương lịch nhất cửu ngũ lục nhậm Nha Trang Trung phần Phật học viện Viện trưởng, tịnh cai Viện Đại giới đàn, đàn đầu Hòa thượng. Giới thử thời Hòa thượng dĩ kinh lục thứ vi đàn đầu, Hòa thượng Nhị Độ vi Yết ma a xà lê; kỳ giới đồ thất chúng thiên vạn hữu dư nhi tri danh giả bất thiểu kỳ nhơn. Dương lịch nhất cửu ngũ bát sung Trung phần Phật học hội Hội trưởng, lịch tứ tái Phật sử thạnh hành, nhi ma ngoại kinh úy. Vu Dương lịch nhất cửu lục tam Quý mão, Phật đản kỷ nhật, tư Ngô triều thiện quyền hà chánh; triệt hạ Phật kỳ tăng ni thọ hại, Phật tử nhất tề quật khởi, Hòa thượng dữ chư trưởng lão, bất từ mạo quyện, trụ trượng suất chúng đấu tranh. Tịnh chi Phật giáo an hành, tự thị Việt Nam Phật giáo thống nhất giáo hội thành lập. Hòa thượng sung vi Tăng thống viện trung ương giáo phẩm trưởng lão Hội đồng chi thành viên. Đặc biểu Hòa thượng nội uẩn khoang minh chi tâm, ngoại thí giản huệ chi đức. Dương lịch thập cửu thất thập hữu tác Vĩnh Gia đại giới đàn Đàn đầu hòa thượng. Kỵ chí Đệ nhất Tăng thống Thích Tịnh Khiết Hòa thượng viên tịch ư Dương lịch nhất cửu thất tam Quý sửu xuân, Giáo hội thất chúng, nhất tề suy tôn Hòa thượng kế vị Đệ nhị thế Tăng thống. Thời nhi chiến sự vưu khốc liệt cố, đăng vị chi sơ, tiếp nhiêu trí lực vận động hòa bình, công bố dân tộc hòa giải hòa hợp chi Thông điệp. Giang sơn giải phóng chi hậu, đạo hướng Phật giáo đồ tấn tu tự lợi lợi tha chi pháp hạnh, dự toàn dân, đại đoàn kết vu phú quốc cường dân thật thi Bách Trượng thanh quy chi ý chỉ.

Bất giác Dương lịch nhất cửu thất cửu Kỷ mùi Chánh nguyệt Lục nhật Dần bài, vô bệnh tập chúng di ngôn, an nhiên thị tịch. Thế thọ nhất bách linh nhị, Giới tịnh thất thập tứ. Giáo hội thất chúng thâm hàm kỳ công, cao ngưỡng mộ kỳ đức, đại cộng tương khuyến mộ tác nhất phương phần dĩ tạng bách niên sanh tử chi khu; nhi tác vạn đại chiêm y hữu sở. Công thuyên mạng dư vi tác bia ký. Tự ngoan lương sơ, nan kham trọng nhậm. Nhiên nhi tứ thập dư niên sư trưởng thiện hữu chi tình thâm... Cố nan từ , nãi cường sưu kỳ sử sự chúng sở cộng tri, khảo vi chi thật lục như thượng.

Y ! Hòa thượng chi sanh bình chí hạnh kiêm trinh, công đức phong vĩ, đa thức quả ngôn, nghiêm từ trì vật, thiền cơ mật khế, đạo đức nguy nguy, thành vi pháp hải hồng chu, tòng lâm đại thọ. Khởi thủ chuế ngôn tai, viên lục (đắc) thời Bích Phong Đại sư thán từ cẩn gia nhất tụng đại vi minh viết:

Hưu vu tai !

Từ phiến xuân phong

Bi triêm hạ vũ

Thu nguyệt cô viên

Đông tùng ộc tú

Đại châu sa giới

Phi khứ phi lai

Tế thập vi trần

Vô thinh cô xú

Đồng chơn hướng Phật

Phước trí kiêm tu

Nhất ngộ nhập trần

Sư tư thọ thọ

Phi y trì bát

Lợi phổ nhơn thiên

Phú kệ đàm kinh

Đạo thông truy tố

Tăng cang nhĩ nhật

Hải chúng hàm y

Hòa thượng đương thời

Giới châu quảng bố

Việt Nam Phật giáo

Tăng thống kế thừa

Đại đạo chiêu thùy

Hàm linh ngưỡng mộ

Diêm phù đại mãn

Trực hướng vô dư

Tứ chúng kiền cầu

Tháp lưu tư độ.

Nam mô Lâm Tế tứ thập nhị, sùng hưng Thiền Tôn tự tổ đình trụ trì, sung Việt Nam Phật giáo thống nhất giáo hội đệ nhị thế Tăng thống thượng Trừng hạ Thủy hiệu Giác Nhiên Đại lão Hòa thượng Giác linh tác đại chứng minh.

Thời, Phật lịch nhị ngũ nhị nhị, Dương lịch nhất cửu thất cửu Kỷ mùi Xuân.

Hóa Đạo viện Viện trưởng hậu học Thích Trí Thủ cẩn soạn.

Bia Cố đệ nhị Tăng thống, Hòa thượng Thiền Tôn.

Sao lục tháng Mười, năm 1984

KỆ PHÚ PHÁP

PHÚ PHÁP DỰ HẢI TUỆ ĐẠI SƯ.

Hải tuệ nan tư nghì

Thừa đương nhơn tự tri

Không hoa do nhãn ế

Vô thị diệc vô phi.

(Thầy Hải Tuệ, Nha Trang)

PHÚ PHÁP DỰ THÍCH ĐỨC THIỆU.

Dĩ Đức Thiệu gia phong

Cổ kim như thị đồng

Pháp quang hương bất tận

Hải ấn thể hàm dung.

(Thầy Đức Thiệu, Đà Lạt)

PHÚ PHÁP DỰ THÍCH ĐỨC TÂM.

Đức vi trí giả Tâm

Hà tu hướng ngoại tầm

Hữu vô thường đoạn luận

Hải tạng bất duy tâm.

(Thầy Đức Tâm, Huế)

PHÚ PHÁP DỰ THÍCH ĐỨC PHƯƠNG.

Cố dĩ Đức lưu Phương

Ly không hữu đoạn thường

Tâm hương thù hải nguyện

Vĩnh kiếp bạn y vương.

TẶNG ĐỔNG MINH ĐẠI SƯ.

Nhất thừa thật tướng ấn

Pháp pháp tận viên dung

Từ bi vô quái ngại

Tứ cú bách phi không.

PHÚ PHÁP DỰ THÍCH ĐỨC CHƠN.

Ba trừng tâm nguyệt hiện

Nhãn ế loạn hoa sanh

Đức Chơn tâm thường tịnh

Hải tánh tự nhiên thanh.

PHÚ PHÁP DỰ THÍCH PHƯỚC ĐƯỜNG.

Chư pháp sanh bất sanh

Chư pháp diệt bất diệt

Phước Đường vô tận tạng

Hải đức biến trang nghiêm.

PHÚ PHÁP DỰ THÍCH PHƯỚC CHÂU.

Phước đức thắng minh châu

Bất lao ngoại hướng cầu

Hải đăng thường tịch chiếu

Bảo tạng bất thắng thâu.

TẶNG THẦY THÍCH PHƯỚC NHƠN.

Phước địa đãi phước nhơn

Vãng lai an cát

Hải tâm hoàn hải nguyện

Xuất nhập dung thông.

TẶNG HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN SIÊU.

Từ thọ xuất Kỳ viên diệp

Tương thừa thiên cổ mậu,

Đàm hoa khai giác uyển

Phương ức vạn niên xuân.

(Câu đối ở chùa Từ Đàm, Huế)

CUNG KỶ TỪ HIẾU TỔ ĐÌNH KHÁNH THÀNH CHI LỄ .

Mạc nhĩ Thiền tôn truy tư Tổ

Đức quang hỷ từ bi đại tai

Hùng lực Từ Hiếu gia danh

Xuân sơn tịnh vức bất ỷ bất thiên.

Duy tinh tình nhất thị pháp trường

Ngưng kỳ nghi bất hoặc lịch đại

Miên miên tiêu tâm dực dực

Vạn cổ chân phong yết kỳ hữu cực.

Phật lịch nhị thiên ngũ bách tứ niên

Canh tý Mạnh Đông

Ba La, Tra Am tọa chủ hiệu Trí Thủ

Tịnh môn pháp bái thượng.

(Câu đối ở chùa Từ Hiếu, đề tặng

Hòa Thượng Tọa chủ nhân lễ khánh thành chùa.)

ĐỀ TẶNG HÒA THƯỢNG CHÙA CHÂU LÂM.

Mỹ hỷ đạo sư, cứ sư tử tòa, diễn đại pháp âm

Hoán tỉnh mê nhơn văn diệu kệ,

Thiện tai văn sĩ, trước tệ cấu y, hiện tiểu thừa tướng

Vãng hồi cùng tử phó gia trân.

ĐỀ TẶNG CHÙA BA LA, HUẾ .

Bán thiên chung bích nhập Kỳ viên

Mãn địa hoa hương khai Phật quốc

(Câu đối)

Dĩ Đức Trì thân hảo tác nhân

Tam sinh thạch thượng thủ tinh thần

Hành thâm Bát nhã Ba la mật,

Mãn địa thiên hoa bất trước thân.

(Phật lịch nhị ngũ nhất ngũ, Tân hợi Thu)

CỐ ĐÔ THIÊN MỤ TỰ TRỤ TRÌ

ĐÔN HẬU THƯỢNG NHƠN HUỆ TỒN.

Đạo sinh thuyết pháp ngoan thạch điểm đầu

Thánh giả thôn châm thiên nhơn củng thủ.

Phật lịch nhị ngũ nhị niên, tuế thứ Đinh mùi niên Thu.

Thiểu nạp Thích Trí Thủ thư tặng.

(Câu đối đề tặng Hòa thượng Thích Đôn Hậu.)

THƠ VÀ CÂU ĐỐI

ĐIẾU SƯ HUYNH TRÍ GIẢI

Tam sanh thạch thượng ức tiền duyên,

Nhân, ngã, đồng tham Đại Phổ Hiền.

Quy khứ bất phường, vân tán tụ,

Cô tùng, hạc lãnh, nại hà thiên !

Ba sanh hòn đá nhớ tiền duyên,

Cùng học cùng tu hạnh Phổ Hiền.

Đi mất, ngại gì mây tán tụ !

Tùng côi hạc lạnh nói sao nên !

(trích trong Tập Tra Am và Sư Viên Thành)

DỊCH

Khe Tào nước chảy về Đông,

Bát bình nối dõi lâu không nhớ ngày.

Trăng thiền nào khác xưa nay,

Viên Thành ấn chứng đã dày công tu.

(Hòa thượng dịch, trích như trên.)

PHẦN HƯƠNG NHỨT NGUYỆN

Phần hương nhứt nguyện Pháp không vương

Đại hạnh đồng tham biến cát tường

Sát hải trần thân thi diệu lực.

Trầm kha chướng loại tận an khương.

Đốt nén tâm hương trước Phật đài

Phổ hiền đại hạnh nguyện nào sai

Hiện thân cát bụi vào muôn nẻo

San sẻ đau thương với mọi loài.

CẢM NIỆM ĐỨC THẾ TÔN THÀNH ĐẠO

Đêm sâu từ bỏ chốn hoàng cung

Cắt đứt dây thương bận mấy vòng

Chữ đạo nằm trên ngai phú quí

Thề đem muôn loại thoát lao lung.

Lao lung đau khổ chốn trần ai

Bể ái nguồn ân chìm nổi hoài

Động mối bi tâm nguyền tát cạn

Trải bao sương tuyết cũng không nài.

Không nài thể chất có và không

Khám phá cho ra manh mối lòng

Đạp vỡ hồng trần gương trí rạng

Đốt đèn chân lý dẫn quần mông.

Quần mông theo dõi ánh từ quang

Hổ biến rừng mê khỏi lạc đoàn

Mưa móc thấm nhuần cơn sống chết

Nhớ ơn Từ Phụ mãi lo toan.

Lo toan xin đốt nén tâm hương

Với nhánh quỳ hoa ngỏ cúng dường

Thành đạo bốn phương trời chấn động

Muôn linh mừng thấy đấng Y Vương.

Y Vương chứng tỏ khối lòng châu

Trăm kiếp nghìn đời nguyện cúi đầu

Sứ mạng làm tròn thân đệ tử

Chiếu đèn diệu huệ giữa đêm sâu.

( 1948 )

THÍCH CA THÀNH ĐẠO SAO LỤC

Mang mang trường dạ trung

Tam bảo vi minh đăng

Thao thao khổ hải nội

Tam bảo vi từ hàng.

Dịch:

Hoang mang giữa quãng đêm dài,

Này ngôi Tam Bảo là đài quang minh.

Ngập trời bể khổ lênh đênh,

Này ngôi Tam Bảo sanh linh thuyền từ.

(Kỷ niệm Phật đản 2505,

Đặc san Đời sống đạo P.H.V)

HƯỚNG VỀ

Mỗi lần xuân hết hè sang,

Hồ trong sen nở nhụy vàng phơi hương.

Đàn con Phật, khắp muôn phương,

Hướng lòng thành kính cúng dường Đản sanh.

Thâm tâm truy niệm ân lành,

Nghìn xưa Ưu bát một cành ngát hương.

Nhớ thuở ấy, lúc tan sương,

Nhạc trời rung cảm, bốn phương thái bình;

Muôn chim ca khúc bình minh,

Cha lành cứu khổ ứng sinh Diêm phù,

Tám muơi năm mãn công phu,

Sa la ẩn bóng, mạn thù thâu hương !

Đạo vô thượng đủ ngàn phương;

Aùnh vàng chói lọi, sáng đường lầm mê.

Phá trừ ma chướng nặng nề,

Sanh linh lạc lối trở về đường ngay.

Kiếp xưa âu cũng duyên may,

Mênh mông bể khổ được lây hương thừa;

Xót mình đức bạc tài sưa,

Aân sâu khó trả, nghiệp xưa còn nhiều

Trước đài hương tỏa phiêu diêu,

Chí thành đảnh lễ đấng Siêu Nhân Hoàn;

Con thề đem mảnh thân tàn,

Phụng thờ chánh pháp đạo vàng bền lâu.

Hư không tan rã mặc dầu,

Sắt gan ghi tạc, nguyện cầu chứng tri;

Hướng về muôn đức từ bi,

Đường lên giác đạo quyết đi tận cùng.

(Đặc san Mừng Phật đản P.H.V.1957)

CẢM TÁC XUÂN CANH TUẤT

Tuổi đà ‘dĩ thuận’ lẻ thêm hai

Hơn thiệt chi chi cũng hết nài

Nội hạc chưa ngừng sân Lão thọ

Ngàn mây còn vướng ngõ Hoàng Mai

Non xanh, pháp nhãn hoa Linh thứu

Nước biếc, thiền tâm bóng Thiện Tài

Cánh thiệp tin xuân hồn đất mẹ

Nén hương hằng nguyện trước liên đài.

VỊNH CÂY BỒ ĐỀ

Bồ đề đạo thọ gốc thiên nhiên

Phật tổ xưa kia đến tọa thiền

Dẹp sạch ma vương thành chánh quả

Bước lên thánh vị được chơn truyền

Ba ngàn thế giới hào quang tỏa

Muôn vạn sanh linh giải thoát phiền

Dầu dãi nắng sương càng vững chắc

Đâm chồi nảy lộc khắp tam thiên.

(Mậu Thân, 1968)

XUÂN QUÝ MÃO CẢM TÁC

Xuân này tính tuổi chẵn năm lăm

Kiểm điểm công phu ngấy lỗi lầm

Còn luyến cành hoa khi sáng sớm

Đan vương tơ nắng lúc chiều âm.

Liệng vành mỏi cánh thương thân bướm

Nhả kén si gan ngán ruột tằm

Đốt nén hương nguyền thề sám hối

Trước sau giữ trọn chữ Không Tâm

( 1963 )

TỰ THUẬT

Bốn mươi tuổi đạo, sáu mươi đời

Cái kiếp phù sinh quá nửa rồi

Cay đắng nếm dư đầu chót lưỡi

Khen chê nghe đủ giữa vành tai

Mây ngàn vạn nẻo tung đường hạc

Hương nguyện mười phương quyện gió trời

Tâm sự sắc không ai có biết ?

Kìa gương bát nhã vốn trong ngời.

( Mậu thân, 1968 )

CẢM ĐỀ NON BỘ BẢN ĐỒ VIỆT NAM

(tại Thiền thất P.H.V. Nha Trang)

Dấn thân mây hạc giang hồ

Chạnh lòng quê mẹ dư đồ Việt Nam.

Này thắng tích nọ danh lam,

Máu xương trang trải ai làm nên khung.

Đúc vun khí tiết hào hùng,

Hai vai gánh nặng Quang Trung Nguyễn Hoàng.

Trường Sơn một dãy hiên ngang,

Càng nhìn càng ngắm muôn vàn thân yêu.

Non sông gấm vóc mỹ miều,

Ngàn năm văn hiến nhiễu điều giá gương.

Dù cho Nam Bắc đôi đường;

Đốt lò hương nguyện bốn phương một nhà,

Sớm hôm hướng nẻo Phật đà,

‘Sắc, Không’ tâm sự đường xa nỗi gần.

Mong sao giữ vẹn mười phần

Thanh cao dáng núi, trong ngần vẻ sông.

Gấm vóc gương nước tinh thần,

Đạo vàng dân tộc chiếu hồng muôn xuân.

Con Hồng cháu Lạc văn hiến bốn ngàn năm

nối tiếp anh hào dòng bất khuất.

Cảnh Phật ngày Trời giang sơn muôn vạn thuở

đề cao dân tộc chí hiên ngang.

(Mùa Đông năm Quí sửu, 1973)

VIẾNG LẠI CHÙA HƯƠNG

Cỏ hoa còn nhớ ta chăng,

Bước du tăng đã bao lần tới đây ?

Tuyết sương nhuộm bạc râu mày

Non sông gấm vóc vẫn đầy sắc xưa.

Đây khe yến, nọ rừng mơ,

Này am cửa Võng, suối bờ Giải oan.

Hỏi thăm người cũ: bàng hoàng,

Anh linh đã nhập sen vàng phương Tây! ...

Nam Thiên đệ nhất còn đây,

Chim ca cúng trái, cá quầy nghe kinh.

Hoa thiên sương ngọc long lanh,

Hương thiền ngào ngạt gió lành phân phân ...

Trầm loang điểm tiếng chuông ngân,

Bước lên mỗi bước, tần ngần, nao nao ...

Tình yêu đất mẹ dâng cao

Trong ngần bể rộng dạt dào suối khe

Ba ngàn thế giới nhắn nhe

A di đà Phật qui về, ai ơi !

Bức tranh thủy mạc ngàn đời,

Đào nguyên e cũng hỗ ngươi kém phần ...

QUÌ TRƯỚC ĐIỆN

Đệ tử hôm nay quì trước điện

Chí tâm đảnh lễ đấng Từ tôn

Đã bao phen sanh tử dập dồn

Trôi lăn mãi trong vòng lục đạo

Thế tôn đã đinh ninh di giáo

Mà con còn đắm đuối mê say

Mắt ưa xem huyễn cảnh hằng ngày

Tai thích tiếng mật đường dua nịnh

Mũi quen ngửi mùi thơm bất tịnh

Lưỡi dệt thêu lắm chuyện cay co

Thân tham dùng gấm vóc sa sô

Ý mơ tưởng bao la vũ trụ

Bởi lục dục lòng tham không đủ

Lấp che dần trí huệ từ lâu

Hôm nay con giác ngộ hồi đầu

Tâm sám hối phơi bày tỏ rõ

Nguyện tội ác từ nay lìa bỏ

Chuyển sáu căn ra khỏi lầm mê

Trước đài sen thành kính huớng về

Tịnh tâm ý qui y Tam bảo

Phật giới cấm chuyên trì chu đáo

Dứt tận cùng gốc rễ vô minh

Chí phàm phu tự lực khó thành

Cầu Đại Giác từ bi gia hộ

Dù phải chịu muôn ngàn gian khổ

Con hết lòng vì đạo hy sinh

Nương từ quang tìm đến bảo thành

Đặng tự giác giác tha viên mãn.

Một lòng kính lạy Phật đà

Ngàn đời con nguyện ở nhà Như lai

Con hằng bận áo Như lai

Con ngồi pháp tọa Như lai muôn đời

Trí lực năng nhân tiêu cổ sầu

Thân vân tâm nguyện nhất thời hưu

Nhược ly không hữu đoạn thường luận

Khổ hải cuồng ba bát hoạt châu.

Phật lịch nhị ngũ nhị tứ, Canh thân hạ

Quảng Hương Già Lam

Thiện Thệ Tử Thích Trí Thủ đề

(Đề tặng học tăng tên trí Lực, mùa an cư 2524

tại Quảng Hương Già Lam)

Thơ Nhác

(Thiện Mỹ số 48, trang 12 ngày 22-10-1965)

Nhân đọc bài Chiếc Mũi, nguyên tác Bgunosure Akutagan do thi sĩ Vũ Trụ dịch, đăng ở tuần báo Thiện Mỹ số 46 ra ngày 8 tháng 10 năm 1965. Sực nhớ một bài thơ Nhác của thầy tôi (Hòa thượng Viên Thành sáng lập chùa Tra am, Mật sơn ở Huế hiện giờ) đọc cho tôi nghe hồi còn nhỏ mới xuất gia hành đạo. Xin chép ra đây để cống hiến bạn đọc nghe cho vui. Mặc dù nó không còn hợp thời trang theo tôi nghĩ.

Thơ rằng:

Ai thăm ơn lắm dám thăm ai,

Ai mời xin lánh, dám mời ai.

Nhà dột lá che không đợi lợp

Phên xiêu gió đẩy không đợi cài

Phải chăng mặc thế hơi nào nghĩ

Hơn thiệt tình đời cũng chẳng nài

Dễ có công đâu ngồi quẹt mũi ( [1])

Nay còn chưa kể huống là mai.

BÀI THƠ BÈO

Do Trạng Giáp Hải họa

Nguyên tác của Bao Bá Ôn.

Hòa Thượng dịch sát nghĩa.

Vải gấm dày dày chẳng lọt kim

Lá liền với gộc kế nào thêm

Đã cùng mây trắng tranh làn nước

Lại thấy vừng hồng rực ánh tươi

Ngàn lớp sóng nhồi không rã nổi

Muôn cơn gió dập chẳng lay chìm

Ít nhiều rồng cá nương trong ấy

Lã Vọng ngồi câu hết chỗ tìm.

ĐỀ TỪ ...

Hồn dân tộc, mái chùa tô nét đẹp

Tiếng pháp âm, dòng nước họa vần thiêng.

Bể ái sông mê sóng ngập đầu

Xoay vòng sống chết mãi không thôi

Ai mà trở gót xoay đầu lại

Trước mắt đài sen hiện sáng ngời.

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông.

Ngàn năm văn hiến Việt Nam ta

Đinh Lý Trần Lê quả thật là

Để tiếng anh hùng ngời nét đẹp

Diệu phong đã vẹn trổ hồn hoa.

(Tham quan cố đô Hoa Lư tháng 9.1983)


PHẬT NÓI KỆ:

Thà cho tôi cây gậy

Hơn lũ con bất hiếu.

Với gậy: chặn bò dữ

Chặn được loài chó dữ

Chỗ tối dò an toàn

Chỗ sâu tìm chân đứng

Với sức mạnh chiếc gậy

Vấp ngã đứng dậy được.

NGƯỜI NGẮM HOA ĐÀO

Bác ngắm hoa đào lại nhớ mai.

Miền Nam buổi sống mộ danh người.

Chín hai tuổi chẵn xuân còn mãi,

Tám mốt năm tròn nước sáng soi.

Thống nhất chung lòng xây vững đạo

Tùy duyên một dạ ghé vai đời.

Mai vàng cực lạc trong trần thế

Tứ chúng đồng tâm trước Phật đài.

Xuân Tân Dậu cảm tác.

CÂU ĐỐI

A. Cúng thí trai đàn, duyên gặp A nam khởi

Cứu khổ Quán Âm hiện làm Tiêu diện quỉ

Niệm Phật từ bi, sức bí mật công đức

Cứu vớt cô hồn đến hưởng cam lồ vị

B. A di đà Phật xưa có vô biên thệ

Xem xét đường mê biển khổ hằng trôi nổi

Tay ruỗi ân cần đưa chiếc thuyền từ vớt

Chở hết chúng sanh đồng đến Liên trì hội

C. Nay mở đàn chay cúng quảy cô hồn phiêu bạt,

Quá vãng ông bà, cùng oan gia trăm họ

Tám nạn ba đường cùng thảy đều sanh siêu thoát cả

Cậy Phật hào quang đến hưởng cam lồ vị.

GIỚI ĐÀN P.H.V. HẢI ĐỨC 1973

Hòa hiệp tế tam thừa vận xuất tâm trung đạo lực,

Thượng năng huân ngũ phận hiển dương tánh thượng pháp thân.

Hòa hợp thuyết tam thừa, vận hết tâm thành đạo lực,

Thượng năng dâng ngũ phận, bày tròn tánh đức pháp thân

Chúc Phật giáo chi hà xương quốc tộ miên trường

vĩnh lịch Nam sơn chi thọ,

Giới Thích tôn chi thùy phạm tòng lâm qui củ

giáo lưu Đông chấn chi đàn.

Chúc Phật giáo lâu dài, nước nhà hưng vượng,

thọ sanh Nam sơn muôn thuở,

Cầu Thích tôn gia hộ, đạo pháp vinh quang,

Phước đầy Đông hải khắp nơi.

ĐIẾU NGÀI QUY THIỆN

Tích niên pháp nhủ đồng chiêm,

thệ hải giả tằng minh thiết thạch

Kim nhựt đàm hoa tiên lạc,

thiền lâm thùy thị nại phong sương.

ĐIẾU THẾ HUYNH KIÊM PHÁP LỮ

HÒA THƯỢNG THÍCH DIỆU HOẰNG

Nguyện thế thế sanh sanh đồng vi từ bi quyến thuộc.

ĐIẾU NGÀI KIM TIÊN

Thầy đã chết rồi ư, man mác tình quê trăng ẩn hiện,

Tôi còn sống sót lại, nước non bể nguyện lệ đầy vơi.

“Pháp tịch diễn chơn thuyên sư hống nhất thanh hồ quần tan thiển

Sư tọa tuyên diệu nghĩa phạm dương nhất khúc ma ngoại hàng tâm.”

DỊCH NGHĨA

Giảng đường tuyên diệu pháp, sư tử rống thời, chồn cáo tán đởm

Liên tọa diễn chơn như, dương cầm trổi khúc, ma ngoại qui tâm.

Giới thọ hữu hà nan nan giả chung thân trì tịnh giới,

Đàn tràng phi dung dị dị tai đại lực hộ hành đàn.

Thọ giới không chi khó, khó vì trọn đời trì tịnh giới,

Đăng đàn đâu phải dễ, dễ thay đủ sức hộ hành đàn.

Chứng Chơn đế lý như Điều ngự thân lâm Xá vệ,

Minh Phật tâm tông tợ Tào khê kế thuật Hoàng Mai.

Chứng Chơn đế lý, như Thế Tôn thân lâm Xá vệ,

Rõ Phật tâm tông, tợ Tào Khê kế thuật Hoàng Mai.

Yết đế khâm sùng giới tử khải tam phương trượng pháp môn biện sự,

Ma ha quảng đại sa di bạch tứ đế tiền thọ cụ đăng đàn.

ĐỆ TỬ TÂM TẤN MỪNG THỌ

Bánh xe chuyển trong bảy sắc cầu vồng muôn thuở

Và muôn thuở tấu hợp Trường ca của Thiên nhiên

Kìa đất lục, nọ trời xanh

Nhởn nhơ muôn thú, núi tía rừng hồng

Mơn mởn cỏ hoa, trăng vàng sóng biếc

Hoa gởi hương nồng, mây gởi hồn chim

Ôi lồng lộng Càn khôn vén mở

Người đi về áo rải vàng mấy độ

Mang mang nhật nguyệt xoay vần

Chim én dệt thoi khung trời không dấu tích

Tâm không nào lưu ảnh cõi Hư Không ...

Bước vân du gai góc dẫm chân hồng,

Nắng quái mưa ma chân Thầy vẫn bước

Biển khổ dong thuyền sóng cuồng nước ngược

Hướng Từ dung tay vững ra khơi ...

Thọ cam lồ ngào ngạt tuyệt vời

Sinh nằm nôi pháp lắng bi ca

Hương đỉnh trúc phà hồng sinh nhịp thở ( [2])

Bảy chục lẻ năm xuân, tròn trăm xuân,

Nối tiếp ngàn xuân vạn cổ

Lóng lánh Kim Cương trường kinh nạm chữ

Nguyện hành dị độ, bấm huyền ngôn

Tấu hợp giữa Khung trần.

Mỗi mỗi tinh sương lễ vọng hồng ân,

Thâu hút đề hồ pháp nhủ,

Mãi mãi tâm Thầy pháp xuân đồng tử.

Mừng thọ ÔN ngày 19.9 năm Quí hợi.

TÔN ĐIỆT NGHIÊM THỨC

CẢM NIỆM ÔN

Tuổi đến bảy lăm thân ắt già.

Kinh thư tích điển vẫn chuyên tra.

Điều hòa thời khắc riêng tu tịnh.

Dẫn dắt chúng đồ hướng Phật Đà.

Âu Á trải thân cùng thế sự,

Cổ kim dung hóa cuộc ta bà.

Gần Ôn, sống được tâm tình đạo,

Khế hợp, dòng đời khởi sắc ra.

Cảm tác nhân duyên muốn họa vận với ông Tuệ Không, một nhân sĩ hoạt động cách mạng mới về gặp Ôn; đã đưa bài đề, nguyên văn:

Nghe tiếng già lam những tưởng già,

Gặp Ôn viện chủ có chi tra.

Khuyến tu ý đạo còn phong phú,

Tình cảm hơi thơ vẫn đậm đà.

Góp mặt Á Âu soi chánh pháp,

Bền chân Nam Bắc độ ta bà.

Với Ôn, bỗng thấy mình tươi tỉnh,

Mà cả thiền môn cũng trẻ ra.

Ôn đã họa vận, báo Giác Ngộ đăng cả hai bài với đề tài “Hòa thượng Thích Trí Thủ họa thơ”khoảng năm 1980, như sau:

Già lam, nơi hiệp chúng tăng già.

Tu niệm nào phân biệt trẻ tra.

Gặp bạn thơ vui câu Đổ Phủ

Noi đường giác rạng tánh Di đà.

Liêu sau vọng bái hình Sơ tổ

Sân trước cung chiêm tượng Phật bà.

Cửa đạo khai tâm thường rộng mở,

Khuyên đời chẳng nệ khách vô ra.

CÂU ĐỐI

Báo Giác Ngộ có một lần đăng đề tài: “Hòa thượng Thích Trí Thủ ra câu đố”kể chuyện trên một chuyến đi Phật sự, Hòa Thượng đã tươi cười bảo những người đồng hành trong xe, đố các vị nhé:

“Thắp hương cầu khấn ông bà

Cho con ăn hút rượu trà say sưa”là cái gì ?

Báo viết: Mọi người ngơ ngác trước sự vui đùa bất ngờ thì Hòa thượng cười bảo: “Cầu cho ăn hút rượu chè say sưa là cầu cho con hư, tức là cái cầu hư chúng ta vừa mới đi qua đó.”

___

1]Về đời nhà Đường, có một Đại Tòng lâm gồm hàng ngàn tăng chúng ở tu học, trong đó có một tăng sĩ chẳng biết tên tuổi là gì, thường người ta đặt cho Ngài cái tên Đại Tàng Hòa thượng (đã nhác mà tánh lại hay tàng). Suốt đời bận áo rách ăn cơm thừa của đại chúng, mũi chảy lò thò trông rất là bẩn thỉu, hằng ngày chỉ lẩn quẩn xung quanh nhà bếp. Lý Bì ở trọ trong Tòng lâm ấy để học, đêm khuya thanh vắng, nhiều khi gặp Đại Tàng giảng kinh cho quỉ thần nghe ở trước sân điện Phật, cho là lạ lùng, tự nghĩ: có lẽ một vị thánh tăng ẩn mình giữa đám sống say chết ngủ chăng? Một hôm Lý Bì lần mò xuống bếp thấy ngài đang nướng khoai kiếm được để ăn. Ông ta liền đảnh lễ xin gia hộ. Ngài liền bảo chờ ồn (vật huyên) rồi bẻ nửa củ khoai đang nướng vất cho Lý Bì bảo ăn đi và nói: ‘Cho ngươi hai chục năm thái bình tể tướng đó’. (Hứa thử nhị thập niên thái bình tể tướng). Sau quả Lý Bì đỗ tiến sĩ lần lược làm đến tể tướng. Ông tâu với vua biết việc lạ mà mình gặp lúc trước. Vua Đường liền hạ chỉ sai Lý Bì đến Tòng lâm thỉnh. Ngài cũng bằng lòng đi. Nhưng khi ra đến xa giá, Lý Bì thưa rằng: “Bạch Ngài, khi còn ở trong chùa thì sao cũng được. Nay đến bệ kiến Thiên tử, xin ngài thay áo sống và lau mũi cho sạch sẽ, chứ cứ để như thế e ‘phạm tất’ và thất lễ với đình thần. Ngài nghe xong thì lắc đầu bảo: “Thôi ông về đi , ta không rảnh công đâu vì người đời mà quẹt mũi.” (Ngô bất vị thế nhân nhi thức thế). Nói xong liền trở vào bếp, nhất định không đi. Lý Bì liền trở về không. Từ đó, trong Tòng lâm xôn xao bàn tán, mọi người xúm lại tìm hiểu và thi nhau kính lễ cúng dường, tôn Ngài lên Thượng tọa. Một hôm, không biết từ đâu vô số cọp hiện ra trong Tòng lâm, mọi người dớn dác sợ hãi, có kẻ đã thổ tả gần nguy. Ngài liền bảo đem cho ngài một cái chổi quét nhà. Miệng nạt, tay hoa cái chổi, nhảy lên lưng một con cọp đi mất. Không ai biết gì về tông tích của Ngài nữa.

[2]Câu này Tâm Tấn nghĩ về ngày sinh của Ôn nhằm vía đức Quán thế âm, như được nằm trong nôi pháp, thấm chất cam lồ, lắng nghe đại bi âm và hít thở hương thơm từ đỉnh Trúc ...

--- o0o ---


Source:www.phatviet.net

Vi tính: Nguyên Trang, Nhị Tường - Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567