Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền Sư Pháp Thuận (914-990) , Thế hệ thứ 10 của Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi tại VN 🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️

03/07/202109:06(Xem: 17895)
Thiền Sư Pháp Thuận (914-990) , Thế hệ thứ 10 của Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi tại VN 🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️





Nam Mô A Di Đà Phật

Kính bạch Sư Phụ

Bạch Sư Phụ, con kính xin phép Sư Phụ, con kính cảm ơn Sư Phụ và kính cảm ơn anh Quảng Đại Tâm. Sư Phụ cho biết là anh Quảng Đại Tâm thức dậy sớm và hoan hỷ lái xe và nhất là lúc trời mùa đông gió lạnh, đến tu viện để giúp set up máy móc, chỉnh âm thanh cho Sư phụ livestream giảng pháp online, Sư phụ có nói rõ là chỉnh âm thanh để giúp cho con ở phương xa, già yếu, nặng tai, không nghe rõ, hôm nay có hệ thống âm thanh mới sẽ giúp nghe từ đầu đến cuối, không có gì trở ngại cả, nên rất biết ơn anh.

Bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được học về Thiền Sư Pháp Thuận (914-990). Ngài thuộc thế hệ thứ 10 của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi tại Việt Nam.


Bài pháp thoại hôm nay là bài giảng thứ 254 của Sư Phụ bắt đầu từ mùa cách ly do bệnh đại dịch COVID 19.

Sư họ Đỗ, không rõ quê quán ở đâu, Sư xuất gia từ thuở bé, thọ giới với thiền sư Long Thọ Phù Trì. Sau khi đắc pháp, Sư nói lời nào cũng phù hợp sấm ngữ.


Sư Phụ giải thích: Sấm ngữ là những lời bí mật ẩn nghĩa mà chư vị Thiền Sư không thể nói ra rõ ràng, sợ lộ thiên cơ hay những sự việc sẽ xảy ra trong tương lai. Người đời sau có duyên, thông minh, nhìn vào đó có thể đoán định, giải thích mà làm theo. Ví dụ câu sấm ngữ của Thiền Sư Định Không:

“Thập bát tử định thành
Thố kê thử ngoạt nội”

Chi
ết tự từ 3 chữ Thập, Bát, Tử thành chữ Lý, ý chỉ cho Lý Công Uẩn; Thỏ Gà trong tháng Chuột, ý chỉ cho Vua Lý Công Uẩn đăng quang lên làm Vua vào tháng 11 năm 1009 (Kỷ Dậu, năm con gà). Đây là lời thơ sấm của TS Định Không nói ra vào năm 808, tức là trước sự kiện xảy ra đến 201 năm.


Nhà tiền Lê mới dựng nghiệp, thường mời Sư vào triều luận bàn việc chính trị và ngoại giao. Khi quốc thái dân an, Sư không nhận sự phong thưởng chức tước, Sư về an trú ở chùa Cổ Sơn,  vì thế vua Lê Đại Hành rất kính trọng, không dám gọi tên, chỉ gọi là Đỗ Pháp Sư. Nhà vua nhờ Sư trông coi việc soạn thảo văn kiện, thư từ ngoại giao.

Sư Phụ giải thích, thiền sư Pháp Thuận để lại tấm gương sáng ngời của bậc xuất trần thượng sĩ, đã cố vấn giúp vua giai đoạn đầu xây dựng sự nghiệp, bảo vệ nền tự trị cho đất nước Việt Nam, là niềm tự hào của Phật giáo. Nhà vua không tin theo Nho giáo vì nhà nho theo thuyết thiên mệnh, an phận để nước Việt như là một tỉnh nhỏ làm chư hầu nô lệ Tàu.

Năm Thiên Phước thứ bảy (986), nhà Tống sai sứ là Lý Giác sang phong tước hiệu cho vua Lê Đại Hành. Vua nhờ Sư Pháp Thuận cải trang làm lái đò để đón sứ. Trên sông, bất chợt sứ thần Lý Giác thấy hai con ngỗng bơi, cảm hứng liền ngâm:

        Song song ngỗng một đôi
        Ngửa mặt ngó ven trời
          ( Nga nga lưỡng nga nga
            Ngưỡng diện hướng thiên nha).

Sư Pháp Thuận đang chèo, ứng khẩu ngâm tiếp:

      Lông trắng bơi dòng biếc
      Sóng xanh chân hồng bơi
       (Bạch mao phô lục thủy
         Hồng trạo bãi thanh ba).

Sư phụ giải thích: Đại sứ Tàu Lý Giác giật mình kinh hồn vì bài thơ Lý Giác ngâm là mượn theo ý hai câu đầu của bài Vịnh Nga do Lạc Tân Vương (khoảng 640-684) làm từ ba thế kỷ trước mà sao ở đây người chèo đò quê mùa nước Việt lại biết và đọc hai câu sau của bài Vịnh Nga ấy để  ứng khẩu tiếp đối tài tình. Ngài Đỗ Pháp Sư ngầm báo cho sứ Lý Giác biết  rằng nói ở nước Nam tôi ai ai cũng biết cũng thuộc văn thơ, điển tích ấy. Lý Giác nghe mà bái phục,  kính nể người chèo thuyền và nghĩ rằng người chèo thuyền còn giỏi như vậy thì tất nhiên dân Việt ắt có nhiều nhân tài.

Bài thơ này là một tuyệt phẩm mà các bực thức giả khen là "thi trung hữu hoạ" trong thơ có hoạ, có nghĩa là theo bài thơ họa sĩ vẽ nên một bức tranh.


Vua Lê Đại Hành hỏi Sư về vận nước sẽ như thế nào, Sư đáp bằng bài kệ :
     Vận nước như mây quấn
     Trời Nam sống thái bình
     Rảnh rang trên điện các
     Chốn chốn dứt đao binh

         (Quốc tợ như đằng lạc
          Nam thiên lý thái bình
          Vô vi cư điện các
          Xứ xứ tức đao binh).


Sư Phụ giải thích:
Ngài Pháp Thuận làm bài thơ với ngôn từ và ý nghĩa quá tuyệt vời, thiền sư hiến kế,
- phải dùng sức mạnh đoàn kết của toàn dân như dây mây dẻo dai, đằng lạc, quấn đan xen nối kết, không ai có thể cắt đứt được.
Trời nam là nước Việt Nam.
-Vô vi, thiền sư khuyên nhà vua phải có tinh thần vô vi, thuộc phạm trù triết học của tam giáo đồng nguyện: Phật Giáo, Khổng giáo, Lão giáo; nhưng ở đây, Thiền Sư Pháp Thuận muốn nhắc nhở cho Vua Lê Đại Hành phải tu tập theo pháp môn Vô Vi của Phật Giáo, “Vô Vi Cư Điện Các”có nghĩa là không tạo nghiệp làm khổ đau cho dân tộc trong thời gian ở trong cung đình, nơi đó không phải để hưởng thụ dục lạc mà mỗi ý nghĩ, mỗi lời nói, mỗi hành động phải chánh niệm để không làm phương hại đến bản thân và bách tính, sự an lạc, hạnh phúc của bản thân cũng là sự bình an, hòa bình cho nhân quần xã tắc, làm được như vậy thì mọi nơi đều bình an,  xứ sở không có chiến tranh loạn lạc.

Bốn câu thơ của thiền sư Pháp Thuận mở đầu cho chương trình chính trị, văn hoá và tự chủ giúp giữ vững đất nước việt Nam an lạc thái bình.

Niên hiệu Hưng Thống thứ hai (990) Sư không bệnh mà tịch, thọ 76 tuổi.


Sư Phụ giải thích nước Việt Nam không còn lệ thuộc Trung Quốc nữa nên có niên hiệu của chính nước Đại Cồ Việt lúc bấy giờ là Hưng Thống.


Tác phẩm của Sư Pháp Thuận còn lưu lại trên đời có:
- Bồ Tát Hiệu Sám Hối Văn
- Thơ tiếp Lý Giác
- bài kệ cho vua Lê Đại Hành.

Cuối bài giảng Sư Phụ diễn ngâm bài thơ tán thán công hạnh của Thiền Sư Pháp Thuận do Thượng Tọa Thích Thầy Chúc Hiền sáng tác để cúng dường lên ngài Thiền Sư:

Thiếu thời mộ Phật thích tu thiền
Long Thọ Phù Trì đắc pháp duyên
Sấm ngữ phò vua muôn việc hợp
Thơ văn ứng sứ vạn đời truyền
Thong dong độ khách xa trần cấu
Tự tại chèo thuyền hướng bến thiêng
Sử sách hằng ghi gương đức sáng
Cơ mầu vận nước thái bình yên…!


Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban cho bài giảng về thiền sư Pháp Thuận, một vị thiền sư lỗi lạc đã giúp vua chánh sách trị vì đất nước được an lạc thái bình với tinh thần vô vi của Phật giáo. Sự ra đời của Sư như là định mệnh của nước Việt Nam được ân hưởng thái bình, đất nước cần thì Sư hết lòng hổ trợ, xong rồi Sư lui về chốn thiền môn an tịnh, không nhận tước vị và bổng lộc của Vua.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cung kính và tri ơn Sư Phụ,
Đệ tử Quảng Tịnh Tâm
(Montréal, Canada).     

 


254_TT Thich Nguyen Tang_Thien Su Phap Thuan



(Thiền Sư Pháp Thuận (914-990) ,
Thế hệ thứ 10 của Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi tại VN)

Nối pháp truyền thừa thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi ...
Thiền Sư Pháp Thuận vị chân tu uyên bác trình độ rất cao về sấm ngữ
và nghệ thuật thi ca đã sử dụng năng lực của mình một cách điệu nghệ
để giúp vua Lê Đại Hành thực hiện nhiều sứ mệnh phức tạp
trong việc trị quốc lẫn cộng tác ngoại giao!

 

Kính dâng Thầy bài trình pháp về Thiền Sư Pháp Thuận với niềm hân khởi vô biên khi được học trở lại những danh nhân Phật Giáo mà từ thưởng nhỏ vì đi chuyên ngành chưa được triển khai nhiều mẫu chuyện thật quý báu cho nền văn học và sử học . Kính tri ân Thầy nhờ bài pháp thoại này mà con đã tham khảo lại các tư liệu thêm và đã thích thú nghiền ngẫm những gì đã học với Thầy về các thiền sư Việt Nam để mà hãnh diện mình đang là một người Phật Tử lại có may mắn gặp được những minh sư, những vị Thầy lỗi lạc đang nối tiếp con đường mà quý Danh Tăng Cổ Đức đã đi trước làm gương sáng cho thế hệ mai sau . Kính đảnh lễ Thầy và kính chúc sức khỏe Thầy, HH




Đại Việt Sử Ký toàn thư cũng như tài liệu Phật Giáo Cổ nhất (1)

Vinh danh Ngài ... nhà bác học, bậc chân tu

Vua Lê Đại Hành kính trọng ĐỖ PHÁP SƯ (2)

Tấm gương sáng ngày sau cho Tăng , Ni và hậu học .



Khẩu khí tinh anh, lời thơ châu ngọc...

Cải trang lái đò, ngẫu hứng họa đôi câu (3)

Lý Giác sững sờ ... cảm nhận thông tuệ đạt sâu

Liền dâng sớ " Ngoài trời lại có trời soi nữa " (4)



Cái biết của Ngài quá ưu thời mẫn thế ...Vua Lê nương tựa!

Bài kệ Vận Nước chỉ phương sách ổn định nhân tâm (5)

Kính đa tạ Giảng sư .. truyền tải nghiên cứu thậm thâm

Bao kinh nghiệm thu thập ... giải bày trao đại chúng



Nghĩa "vô vi trong điện các " liên quan Thành Duy Thức tụng (6)

Dây mây ...hình ảnh bó cây bền chắc trước hoạ ngoại xâm.(7)

Tam Giáo đồng nguyên thích hợp năng lực dân Nam (8)

Khẳng định cách trị quốc thuận tự nhiên ... bình an xã tắc !!!!



Kính ngưỡng bậc anh tài :

Thị tịch an nhiên bao cống hiến không hề dính mắc (9)

Nam Mô Đỗ Pháp Thuận Pháp Sư tác đại chứng minh .



Huệ Hương

Melbourne 3/7/2021

(1) Theo sách Thiền uyển tập anh (Tập hợp tinh hoa vườn Thiền), tài liệu được coi là cổ nhất của Phật giáo Việt Nam còn lại tới hôm nay, sau khi đắc pháp, Thiền sư Pháp Thuận đã đạt được trình độ rất cao về độn số và nghệ thuật phù sấm. Và ông đã sử dụng rất điệu nghệ những năng lực tâm linh này của mình để giúp vua Lê Đại Hành vượt qua mọi trắc trở đương thời để, như Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) nhận định, “trừ nội gian mà lấy được nước, đuổi giặc ngoài để yên dân, trong nước thanh bình”.

Cũng Thiền uyển tập anh đã đánh giá Thiền sư Pháp Thuận là một nhà bác học, giỏi về nghệ thuật và thi ca, có tài phụ tá nhà vua trong việc chính trị và thông hiểu tình hình thực tại của đất nước (bác học công thi, phụ vương tá chi tài, minh đương thế chi vụ).

(2)

Sư họ Đỗ, không rõ quê quán ở đâu, xuất gia từ thuở bé, thọ giới với Thiền sư Long Thọ Phù Trì. Sau khi đắc pháp, Sư nói lời nào cũng phù hợp sấm ngữ.

Nhà Tiền Lê mới dựng nghiệp, thường mời Sư vào triều luận bàn việc chánh trị và ngoại giao. Khi quốc thái dân an, Sư không nhận sự phong thưởng. Vì thế, vua Lê Đại Hành rất kính trọng, không dám gọi tên, chỉ gọi là Đỗ pháp sư.

Được biết :

Pháp sư là người khéo học Phật pháp và khéo thuyết pháp.

Trong sách Luật Hữu Bộ - Tạp sự quyển 13, Tỳ kheo chia làm 5 loại kinh sư, luật sư, luận sư, pháp sư và thiền sư. Giới tụng kinh là kinh sư, giỏi giữ luật là luật sư. Giỏi về nghĩa lý của Luận thì gọi là Luận sư. Giỏi thuyết pháp là Pháp sư. Giỏi tu thiền là Thiền sư. Thế nhưng trong Phật giáo Trung Quốc, người ta ít nói tới Kinh sư và Luật sư; còn Luận sư, Pháp sư và Thiền sư thì được nói tới rất nhiều.( theo HT Thánh Nghiêm )

(3)

Đã giúp vua nhiều sứ mệnh phức tạp cả trong việc trị quốc lẫn công tác ngoại giao. Và tình huống được coi là gây ấn tượng mạnh nhất trong đối ngoại của Thiền sư Pháp Thuận đã là lần cải trang làm “giang lệnh” (người chèo đò ) để đón tiếp sứ giả nhà Tống là Quốc Tử giám bác sĩ Lý Giác năm 987. Đấy là lần thứ hai Lý Giác sang nước ta.

Lần đầu, năm 986, ông sang là để mang chế sách phong cho vua Lê Đại Hành làm An Nam đô hộ Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ kinh triệu quận hầu. Biết Lý Giác rất thích chuyện văn thơ nên khi hay tin vua Tống lại cử ông đi sứ sang nước ta, vua Lê Đại Hành đã sai Thiền sư Pháp Thuận, lúc này đã 72 tuổi, ra đón trong vai người coi sông. Khi đi trên thuyền, thấy hai con ngỗng tung tăng bơi lội trên sông, tức cảnh sinh tình, Lý Giác mới nảy ra hai câu thơ:

Nga nga lưỡng nga nga,
Ngưỡng diện hướng thiên nha…
(Song song ngỗng một đôi,
Ngửa mặt ngó ven trời).
Thiền sư Pháp Thuận nghe đọc vậy liền tiếp vần ngâm nga:
Bạch mao phô lục thủy,
Hồng trạo bãi thanh ba…
(Lông trắng phơi dòng biếc,
Sóng xanh chân hồng bơi).

Thế là đã ngẫu hứng xuất hiện một bài tứ tuyệt rất chỉnh và hay, lại gợi lên những liên tưởng tới bài thơ Vịnh con ngỗng của Lạc Tiên Vương (640-684), một danh sĩ từng nổi loạn chống lại Võ Tắc Thiên nhưng rồi đã bị thất bại và chết đầy đau đớn:

“Nga nga nga
Khúc hạng hướng thiên ca
Bạch mao phù lục thủy
Hồng chưởng bát thanh ba”
(Cạp cạp cạp,
Dướn cổ gọi thẳng trời,
Lông trắng ngời nước biếc,
Chân hồng xanh sóng bơi).

(4) Lý Giác rất lấy làm phục vì chỉ một “giang lệnh” ở xứ Nam mà cũng thông tuệ như thế thì hẳn đất nước này không bao giờ là bé nhỏ cả. Và khi về sứ quán, ông đã đã làm hẳn một bài thơ khá dài, trong đó có ý ca ngợi nước Việt Thiên ngoại hữu thiên ứng viễn chiếu (Ngoài trời lại có trời soi nữa). Theo cách lý giải của Thiền sư Ngô Khuông Việt (933-1011), Lý Giác viết như thế là có ý ca ngợi vua Lê Đại Hành cũng như “trời”, không khác gì vua Tống… Trong “những dòng ghi chép có vần điệu” tốt đẹp đó của viên sứ giả triều Tống hẳn đã có tác động từ những cảm nhận của ông về “giang lệnh giả trang” Pháp Thuận…

(5) Ngài trụ trì Chùa Cổ Sơn, học rộng, thơ hay, có tài giúp vua, hiểu rõ việc nước.

Đây là bài thơ trả lời cho Vua Lê Đại Hành khi vua hỏi về vận mạng của đất nước:

“Quốc tộ như đằng lạc,

Nam thiên lý thái bình.

Vô vi cư điện các,

Xứ xứ tức đao binh.

“Vận nước như mây quấn

Trời Nam mở thái bình

Vô vi ở điện các

Chốn chốn dứt đao binh”.

(6)

Cũng cần biết thêm có 6 pháp Vô vi trong Thành duy thức

1.- HƯ KHÔNG VÔ VI:

Hư Không Vô Vi được gọi là một pháp không phải chân tâm, không phải pháp tánh và tự nó vốn thanh tịnh thường trụ bất diệt để làm nền tảng dung chứa cho các pháp hữu vi sanh khởi và biến hóa.

2.- TRẠCH DIỆT VÔ VI:

Trạch Diệt là tên khác của Niết Bàn, nghĩa là dùng trí tuệ vô lậu chọn lựa và diệt trừ hết tất cả sự trói buộc của kiến hoặc và của tư hoặc, thể hiện được cảnh giới Niết Bàn tịch tịnh hiển lộ. . Do đó nhà Duy Thức cho tướng trạng cảnh giới Niết Bàn Trạch Diệt là một pháp trong nguyên lý trật tự của tánh không.

3.- PHI TRẠCH DIỆT VÔ VI:

Phi Trạch Diệt là không cần phải chọn lựa và diệt trừ. Phi Trạch Diệt Vô Vi nghĩa là tự tánh của cảnh giới Niết Bàn xưa nay vốn đã thanh tịnh không sanh diệt không tăng giảm và hiện hữu trong nguyên lý trật tự của tánh không. Ý nghĩa của Phi Trạch Diệt Vô Vi gồm có hai:

a]- Tự tánh của cảnh giới Niết Bàn xưa nay vẫn hiện hữu, vẫn thanh tịnh không cần phải dùng trí tuệ vô lậu để chọn lựa và cũng không cần phải diệt trừ các phiền não nhiễm ô mới thành quả, nghĩa là tự tánh của cảnh giới Niết Bàn không có chút mảy may phiền não nhiễm ô nào trong đó cả cho nên không cần phải chọn lựa và diệt trừ.

b]- Các hàng Thinh Văn sau khi chứng đắc, không còn các hoặc của hữu vi sanh khởi thì tự nhiên ngộ nhập được cảnh giới Niết Bàn tịch tịnh trong nguyên lý trật tự của tánh không mà không cần phải tuyển chọn.

Cảnh giới Niết Bàn chân thật bất hư thuộc tự tánh của Phi Trạch Diệt Vô Vi là chỗ an trụ của bậc Thinh Văn sau khi tu chứng. Cảnh giới Niết Bàn này nếu như so với cảnh giới Niết Bàn của Trạch Diệt Vô Vi thì có chỗ khác biệt. Cảnh giới Niết Bàn Trạch Diệt Vô Vi mặc dù thường hằng bất diệt nhưng chỉ là đối tượng của các bậc Thinh Văn sau khi chứng đắc. Riêng cảnh giới tự tánh Niết Bàn của Phi Trạch Diệt Vô Vi mới đích thực là bản thể chân như của các bậc Thinh Văn an trụ sau khi thể nhập. Cảnh giới tự tánh Niết Bàn thuộc bản thể chân như nói trên, theo nhà Duy Thức là một pháp thuộc Phi Trạch Diệt Vô Vi

4.- BẤT ĐỘNG DIỆT VÔ VI:

Bất Động là không còn bị khổ và lạc làm chao động nơi tâm. Bất Động Diệt nghĩa là hành giả đã diệt hết tam tai (tai họa đao binh, tai họa hỏa hoạn, tai họa nước hại) và không còn bị mừng, giận, thương, ghét v.v... của khổ lạc chi phối. Bất Động Diệt Vô Vi là cảnh giới tịnh lự của Tứ Thiền hiện hữu trong nguyên lý trật tự của tánh không. Đây là cảnh giới thực tại của các bậc tu thiền thuộc hạng thứ tư chứng đắc và cảnh giới này theo nhà Duy Thức là một pháp thuộc Bất Động Diệt Vô Vi ...

5.- THỌ TƯỞNG DIỆT VÔ VI:

Thọ Tưởng Diệt là diệt hết sự sinh hoạt của sáu Thức, của Tâm Sở Tưởng và Tâm Sở Thọ. Thọ Tưởng Diệt Vô Vi nghĩa là cảnh giới của Thiền Định Diệt Tận hiện hữu trong nguyên lý trật tự của tánh không và cảnh giới này là chỗ an trú của các bậc thiền định Diệt Tận chứng đắc sau khi dứt hẳn sự ràng buộc của Tâm Sở Thọ, của Tâm Sở Tưởng và của sáu Thức. Cảnh giới của Thiền Định Diệt Tận theo nhà Duy Thức là một pháp hiện hữu trong nguyên lý trật tự của tánh không nên gọi là Thọ Tưởng Diệt Vô Vi.

6.- CHƠN NHƯ VÔ VI:

Chân là chân thật không hư vọng, nghĩa là không thuộc loại biến kế sở chấp tánh. Như là thường tại bất diệt. không bị biến động, không bị chuyển hoá, nghĩa là không phải thuộc loại y tha khởi tánh. Chân Như Vô Vi nghĩa là chỉ cho thế giới pháp tánh bao gồm vô số cảnh giới y báo của chư Phật an trụ và thế giới này thì thuộc về loại viên thành thật tánh trong nguyên lý trật tự của tánh không. Những cảnh giới trong thế giới Chân Như Vô Vi đều thì thường tại như thế, phổ biến như thế, thanh tịnh như thế và các pháp duyên sánh biến hoá đều nương nơi thế giới pháp tánh này làm bản thể để hiện hữu, vì vậy thế giới pháp tánh được gọi là chân như vô vi.

(7)

Trong cách hiểu của Thiền sư Pháp Thuận, vận nước có thể thay đổi và chắc chắn sẽ thay đổi tùy thuộc vào cách ta ứng xử với nội lực. Nếu ta biết cách huy động nội lực một cách tối đa bằng cách “kết đoàn lại chúng ta là sức mạnh” thì “ba cây chụm lại nên hòn núi cao” và vận nước sẽ thịnh. Nhược bằng tự chia rẽ, tự mâu thuẫn với nhau thì vận nước sẽ suy.

Thiền sư Pháp Thuận đã sử dụng cách nói tượng hình một cách nguyên sơ khi khẳng định, vận nước cũng giống như việc một búi các sợi cây mây quấn quýt lấy nhau. Sợi cây mây nào cũng dẻo cũng dai và có rất nhiều cách để quấn các sợi dây mây ấy lại với nhau. Nếu chỉ đơn lẻ thì từng sợi một rất dễ bị bẻ gãy nếu gặp phải tay cao thủ.

Nếu không biết cách quấn lại với nhau thì các sợi dây mây ấy cũng dễ trở nên lộn xộn, ông chẳng bà chuộc, không mấy đắc dụng. Nhưng nếu biết cách quấn các sợi dây mây ấy thật nhuần nhuyễn thì đó sẽ là sức mạnh, sẽ làm tăng độ bền dai mà vẫn dẻo mềm của “quốc tộ”. Muốn là một minh quân, nhà vua phải biết cách đoàn kết lại những lực lượng, những mơ ước, những nhu cầu của cả quốc gia thành một sức mạnh, vừa bền chắc, vừa mềm dẻo.

Và nhờ biết “nhuần mây cuốn” ấy nên trời Nam mới “rạng thái bình” và hình thành một triều đại mới

(8)

"Vô vi cư điện các", chữ vô vi này rõ ràng không còn mang ngữ nghĩa vô vi của Lão Tử mà cũng không là hoàn toàn thuật ngữ Phật học với ý nghĩa rỗng rang, giải thoát. Vô vi ở đây đã trở thành một khái niệm tổng hợp cả ba nền tư tưởng Nho - Phật - Lão. Nhà sư khuyên vua và Triều đình phải sống đời trung chính, đạo đức hiền thiện, thuận theo lẽ tự nhiên, đừng nhũng nhiễu, hao phí tài lực của lê dân... để noi gương cho bá tính. Khi triều đình sống được như vậy và nhân dân một lòng đoàn kết thì xứ xứ sẽ không còn đao binh và trời Nam sẽ thái bình thịnh trị.

(9)

Về sau, Sư trụ trì chùa Cổ Sơn làng Thừ, quận Ải.

Niên hiệu Hưng Thống thứ hai (990), Sư không bệnh mà tịch, thọ bảy mươi sáu tuổi. Tác phẩm của Sư có:

* Bồ-tát Hiệu Sám Hối Văn

* Thơ tiếp Lý Giác

* Một bài kệ.

Sư Pháp Thuận cùng với 2 quốc sư Khuông Việt và Minh Không được thờ ở nhiều chùa cổ trong quần thể di tích cố đô Hoa Lư như động Am Tiên, chùa Bà Ngô, chùa Nhất Trụ. Vào đêm 15/1 âm lịch hàng năm tại chùa Nhất Trụ, người dân cố đô Hoa Lư thường tổ chức vịnh thơ để đón tết nguyên tiêu.

Làng Lạng hay còn gọi là làng Ngoại Lãng thuộc xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, cách thành phố Thái Bình khoảng 10km. Làng thờ Đỗ Pháp Thuận Giang Sứ thiền sư, ông sống vào thời Lê Hoàn (980 – 1005) làm Thành hoàng làng.

Tại Sai gọn vẫn còn tên đường Đỗ Pháp Thuận ở quận hai






Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]