- 01. Tổ Đình Sắc Tứ Liên Hoa Tự tại Vĩnh Ngọc, Nha Trang
- 02. Chùa Tổ Đình Thiên Quang, thôn Phú Lộc Tây, Diên Khánh, Khánh Hòa
- 03. Chùa Kim Quang tại Thủy Tú, Vĩnh Thái, Nha Trang
- 04. Chùa Long Quang, Xã Vĩnh Hiệp, Thành Phố Nha Trang
- 05. Chùa Lộc Thọ, Ngọc Hội, Vĩnh Ngọc, Nha Trang
- 06. Chùa Hải Ấn, Xã Vĩnh Phước, Thành Phố Nha Trang
- 07. Linh Phong Cổ Tự , phường Phương Sơn, thành phố Nha Trang.
- 08. Minh Phước Ni Tự, thị trấn Thành, Diên Khánh, Khánh Hòa
- 09. Chùa Huệ Quang, xã Diên Thủy, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa
- 10. Kỳ Viên Trung Nghĩa , số 160 Đường Sinh Trung, phường Vạn Thạnh, thành phố Nha Trang
- 11. Chùa Sắc Tứ Kim Sơn, Ngọc Hội, Vĩnh Ngọc, Nha Trang
- 12. Chùa Hoa Quang, Vĩnh Điềm Trung, Vĩnh Hiệp, thành phố Nha Trang
- 13. Chùa Long Sơn, Vạn Phú, Vạn Ninh, Khánh Hòa
- 14. Tu Viện Giác Hải, Vạn Hưng, Vạn Ninh, Khánh Hòa
- 15. Tịnh Xá Ngọc Phước ở Thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh
- 16. Tịnh Xá Ngọc Sơn ở thôn Cát Lợi, xã Vĩnh Lương, thành phố Nha Trang
- 17. Tịnh Xá Ngọc Tòng, Lương Hoà, Vĩnh Lương, Nha Trang, Khánh Hòa.
- 18. Tịnh Xá Ngọc Pháp, phường Phước Hòa, TP Nha Trang
- 19. Tịnh Xá Ngọc Trang, phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang
- 20. Chùa Long Cảnh ở thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh
- 21. Chùa Lương Hải, làng Cát Ném, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
- 22. Chùa Diên Thọ ở Thị Trấn Diên Khánh, Khánh Hòa
- 23. Chùa Pháp Hoa ở Vạn Lương, Vạn Ninh, Khánh Hòa
- 24. Vạn Thạnh Ni Tư, Ngôi chùa Sư Nữ đầu tiên của Thị xã Nha Trang
- 25. Chùa Kim Sơn, Lương Hoà, Vĩnh Lương, Nha Trang, Khánh Hoà
- 26. Tổ đình Sắc tứ Hội Phước, Nha Trang
- 27. Bửu Liên Hoa Viện, Đại Điền Đông 1, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà.
- 28. Chùa Linh Sơn Phước Điền, xã Phước Đồng (Đồng Bò xưa), TP. Nha Trang.
- 29. Chùa Long Thọ ở thôn Phú Thạnh, xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang
- 30. Chùa Linh Ứng trên đèo Rọ Tượng, Ninh Hòa, Khánh Hòa
- 31. Chùa Cổ Đại Phước ở Diên Điền, Diên Khánh
- 32. Chùa Phú Hải ven biển Nha Trang
- 33. Chùa Long Hòa, tọa lạc tại thôn Vinh Huề, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
- 34. Chùa Lộc Sơn, Đắc Lộc, Vĩnh Phương, Nha Trang
- 35. Chùa Hoa Tiên, Thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà
- 36. Chùa Thiên Bình, xã Cam Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà.
- 37. Chùa Linh Sơn Pháp Tạng (xã Bình Lộc, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà)
- 38. Chùa Tân Chánh ở Thị trấn Diên Khánh, Tỉnh Khánh Hòa
- 39. Chùa Phổ Tế, Ngọc Hiệp, Nha Trang, Khánh Hòa
- 40. Chùa Phước Điền - Nha Trang và các Bảo Tháp trong khuôn viên Chùa
- 41. Chùa Đông Phước (đường Đông Phước, P. Phước Long, Tp. Nha Trang)
- 42. Chùa Phước Huệ toạ lạc tại số 27 đường Phước Huệ, phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang.
- 43. Chùa Linh Thứu ở Thành phố Nha Trang
- 44. Chùa Kim Long từ ngôi già lam suy tàn hoang lạnh trở thành di tích cấm xâm phạm
- 45. Chùa Bảo Long ở thôn Thạnh Mỹ, xã Ninh Quang, Thị xã Ninh Hoà
- 46. Chùa Quảng Đức, Ngôi chùa đầu tiên của huyện miền núi Khánh Vĩnh - Khánh Hoà
- 47. Chùa Phú Quang: Nơi nương tựa của những mảnh đời bất hạnh
- 48. Hoa Quang Ni Tự, cửa Từ Bi luôn rộng mở độ sanh
- 49. Chùa Long Tuyền ở thôn Khánh Thành Nam, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm
- 50. Chùa Linh Sơn Pháp Quang, Đất Lành, Vĩnh Thái, Nha Trang
CHÙA HUỆ QUANG
Chùa tọa lạc tại thôn Phú Lộc Tây 4, xưa kia thuộc xã Diên Thủy, nay đã mang địa chỉ mới 126 đường Đồng Khởi, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh.
Năm 1950, Hòa thượng Thích Như Hoa, húy thượng Thanh hạ Môn, tự Từ Tâm, thuộc dòng thiền Lâm Tế, chi Liễu Quán đời thứ 42, đã mua thửa đất rộng khoảng 5.000m2 để kiến lập nên ngôi chùa vùng quê, đặt tên là Huệ Quang, ánh sáng của trí tuệ.
Tổ khai sơn lập tự đã hành đạo nơi đây, truyền bá chánh pháp, mang lại một nguồn sáng tâm linh thiêng liêng cùng cảnh sắc uy nghiêm để dẫn dắt tinh thần cho người dân quanh vùng Phú Lộc. Trải qua 32 năm hoằng pháp độ sanh, Tổ gắn bó với ngôi chùa mộc mạc, đi qua thời kỳ kinh tế khó khăn của đất nước, đã được tăng ni, Phật tử gần xa biết đến, tìm đến với niềm tôn kính, và Ngài đã viên tịch vào ngày 10 tháng 9 năm Nhâm Tuất (1982).
Đệ tử của Tổ là Hòa thượng Thích Kế Nghiêm, húy thượng Trừng hạ Phước, tự Thiện Trí, đã kế thế trụ trì, tiếp tục thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ, gìn giữ ngôi Tam Bảo, thâu nhận nhiều đệ tử xuất gia, lo tu bổ, kiến tạo cảnh quan để ngôi già lam giữ được vẻ trang nghiêm thanh tịnh.
Đến năm 2008, được sự ủng hộ của tăng ni và đông đảo Phật tử khắp nơi, Hòa thượng trụ trì đã mạnh dạn bắt đầu mở một cuộc đại trùng tu ròng rã suốt 14 năm không ngừng nghỉ, cho đến đầu năm 2022 là sắp hoàn thành từ trong ra ngoài, chỉ còn vài công trình nhỏ còn dở dang không đáng ngại…
Khi Tỉnh Lộ 8 được mở rộng, cổng tam quan của chùa đã lùi vào trong với dáng vóc diện mạo mới thật đồ sộ hiển hiện bên đường. Các trụ cổng đều có tháp và thạch đăng trên đỉnh.
Sau cổng, bên trong sân thiết trí tôn tượng Phật Di Lặc an tọa trên đài sen bằng đá trắng, phía sau tượng là bức vách phù điêu làm phông nền với pháp luân 12 nan “Thập Nhị Nhân Duyên” cùng hoa lá của sen vươn cành nở búp trong cảnh giới luân hồi sanh diệt…
Ngôi đại hùng bảo điện hai tầng, tầng trên thờ Phật, tầng dưới thờ Tổ, có hai lối tầng cấp đi lên hai bên, rồi gặp nhau ở một lối chung thật rộng thoáng để đi lên bái đường. Trên hai bức vách hai bên ngoài bảo điện được thiết trí hai vị Kim Cang Thần Tướng uy phong lẫm lẫm. Nóc mái chánh điện được lợp ngói màu xám xanh xậm, các góc mái (tàu đao) uốn cong ngược (đao quật) đều có hình tượng “long lân quy phụng” hướng về chầu biển tên Huệ Quang Tự với những nét chạm trổ thật tinh xảo công phu.
Trên bảo điện, được tôn trí an vị chính giữa, bậc cao nhất, là pho tượng đức Điều Ngự Thích Ca bằng đồng đỏ, với kim thân cao 3 mét, đài liên hoa cao 1 mét, bệ tượng cao 1 mét, và vầng hào quang phía sau tượng như một bức phông hoa văn chạm trổ cũng bằng đồng đỏ có kích thước cao 4 mét, ngang 2 mét. Đức Phật tĩnh tọa, đôi bàn tay cùng xòe ra mang ý nghĩa đang “ban vui” và “cứu khổ”. Trọng lượng của pho tượng này là 3.200 ký, có thể là pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng trên chánh điện đang giữ kỷ lục lớn nhất Xứ Trầm Hương. Pho tượng này được đúc ở Huế chở vào từng phần của kim thân Phật rồi ráp nối lại ngay trên chánh điện vào năm 2014, cùng lúc với đại hồng chung đồng đỏ nặng 1.000 ký đúc ở Hội An.
Bậc thứ hai bên dưới kim thân Phật Tổ trên bảo tòa, có tôn trí bộ tượng Di Đà Tam Tôn, và Tam Thế Phật, cùng một tượng Bồ tát Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn bằng gỗ.
Hai bên bảo tòa có 6 trụ đá, mỗi bên 3 trụ, chân trụ đều được chạm trổ linh long uyển chuyển phết nhũ vàng óng ánh. Đặc biệt, những con rồng uốn quanh chân các trụ này đều là “rồng năm móng”, loại rồng xưa nay chỉ thường thấy xuất hiện trong cung điện của vua chúa, rồng thường thấy chỉ 4 móng. Linh long năm móng chầu đấng Pháp Vương vô thượng, vua của những vị vua ba cõi, thật chí lý không phải nghị luận gì nữa!
Những ô thông gió kích cỡ lớn trên các vách hai bên chánh điện đều được đúc khuôn trang trí long mã, một linh vật dị kỳ hình tướng với đầu rồng thân ngựa rất ấn tượng. Nơi bốn góc chánh điện, phía trên cao, còn có hình tượng chư thiên, La Hán hàng long phục hổ với những nét chạm trổ điêu luyện tài hoa của nghệ nhân cố đô Huế.
Gian phía sau chánh điện là nơi tôn trí giữ gìn những pho tượng Phật cũ của chùa xưa mà Thầy Tổ để lại.
Tây lang và Đông lang đều hai tầng dài song song với nhau hai bên chánh điện. Từ tầng trên bên Tây lang có thể đi qua tầng trên của chánh điện bằng một chiếc cầu xi măng dáng cong bắc ngang qua thật thuận tiện và đậm nét mỹ thuật.
Tầng trên của dãy nhà Tây, phía ngoài cùng có tôn trí bộ tượng Tây Phương Tam Thánh, và Tiếu Khẩu Di Lặc Phật đều bằng đá trắng đứng nhìn ra ngoài tỉnh lộ.
Tầng trệt của Tây lang là nơi phương trượng, khách đường trụ trì, và chúng tăng an trú. Đông lang phía bên trái ngôi chánh điện gồm nhà trù, là nơi chư tăng và phật tử dùng cơm, bên ngoài nhìn vào thấy tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát lộ thiên và gác chuông.
Tầng trệt bên dưới ngôi chánh điện là Tổ đường thoáng rộng. Ngay cửa bước vào là bàn thờ Phật được tôn trí tượng đức A Di Đà,và Bồ tát Quán Thế Âm. Phía sau là bàn thờ có tượng Sư Tổ Bồ Đề Đạt Ma, cùng các bài vị chữ Hán.
Nhà linh được thiết phía sau Tổ đường. Bên trong nhà linh, tôn trí chính giữa là tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát, những hàng kệ dài bằng gỗ sát vách trong phía sau Ngài được bài trí những bài vị của chư hương linh ký gửi, khác biệt là những bài vị này đều được viết bằng tiếng Việt ghi rõ danh tánh, sinh phần tử nhật, thay cho những linh ảnh của người quá vãng thường thấy ở những chùa khác.
Sân vườn sau ngôi chánh điện là khu ký gửi linh cốt, trước có một hồ sen nhỏ thiết trí một đài Bồ Tát Địa Tạng bằng đá ngồi trên kỳ lân, tay tích trượng, tay hỏa châu vô cùng oai nghiêm. Những dãy ô linh cốt đều được lợp mái ngói che nắng tránh mưa, an vị trong không gian thanh tịnh im ắng.
Ngoài sân trước, phía bên phải ngôi chánh điện, trước Tây lang, là khuôn viên Tháp. Ngôi tháp thờ Tổ khai sơn cao ba tầng khối vuông vức, trên đỉnh có búp sen, bằng gạch đỏ đã bạc màu, nhuốm rêu thật bình dị chân quê được an tĩnh trên bãi cỏ xanh, quanh đó là những cây muồng đang trổ hoa vàng.
Gần bên dãy tường phía ngoài đường lộ, bên trái của cổng tam quan khi bước vào, có thiết trí một Lễ đài Quán Thế Âm với kiến trúc Chùa Một Cột thu nhỏ, bên dưới là hồ cá lội tung tăng. Nối tiếp ngay phía sau là gian thờ Thánh chúng, bên trong tôn trí các pho tượng Bố Đại Hòa Thượng, Bồ Tát Địa Tạng, Bồ Tát Chuẩn Đề, Tiêu Diện Đại Sĩ, Hộ Pháp Khuyến Thiện, Thành Hoàng, và bộ Quan Thánh Đế Quân với Châu Xương- Quan Bình hầu hai bên, đều là những pho tượng cũ của chùa xưa được bảo tồn để tưởng nhớ công đức tiền nhân.
Các ngày lễ lớn, ngày Vía chư Phật và Bồ tát trong năm, nhà chùa đều tổ chức long trọng trang nghiêm, mở rộng cửa cổng để Phật tử vân tập về bái Phật, trì tụng kinh kệ, tùy duyên mà cộng tu theo các khóa lễ Thọ trì Bát Quan Trai giới, sám hối, cầu siêu, cầu an với tín tâm và thành kính.
Tâm Không Vĩnh Hữu