Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải (1938 – 2003) đã để lại nhiều tác phẩm lớn, vừa có giá trị Phật học, vừa có giá trị văn học. Một tác phẩm trong những tháng cuối của cuộc đời Ni Trưởng là tập thơ Ngọa Bệnh Ca, được sáng tác trong thời gian nằm bệnh vào đầu năm 2003. Rồi cuối năm 2003, Ni Trưởng tử nạn trong một tai nạn giao thông. Bài viết nảy sẽ ghi lại những suy nghĩ về bài thơ “Người Gỗ” trong thi tập Ngọa Bệnh Ca của Ni Trưởng. Trong bài chỉ là các suy nghĩ rời, từ một người không có thẩm quyền nào, cả về Phật học và văn học.
Khi còn là học trò, người viết đã say mê đọc một số tác phẩm của Ni Trưởng. Trong đó, ưa thích nhất là hai bản dịch “Câu Chuyện Dòng Sông” và “Bắt Trẻ Đồng Xanh.” Về sau, có cơ duyên đọc bản Anh văn “The Catcher in the Rye” của Jerome David Salinger, bấy giờ lại càng khâm phục Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải. Ngay nhan đề đã rất mực thơ mộng, Bắt Trẻ Đồng Xanh. Tới khi mở ra đọc vài trang tiếng Anh là tự biết rằng bản thân mình không thể nào dịch sang tiếng Việt xuất sắc như Ni Trưởng đã dịch.
Trong khi đó, bài thơ “Người Gỗ” do Ni Trưởng viết cuối đời lại mở ra một chân trời khác. Từng chữ trong thơ Ni Trưởng hệt như cánh chim bay trên trời cao. Không dễ gì dò nổi, không dễ gì thấy được những dấu tích, không dễ gì chỉ ra nổi đường bay của ý thơ Ni Trưởng. Bài thơ rất dị thường, như dường đi nghịch với cả một thế giới Phật học của những năm đầu thế kỷ 21.
Trong khi khuynh hướng của hầu hết các bậc Trưởng lão và Thiền sư đều khuyến tấn giữ chánh niệm tỉnh giác để qua bờ giải thoát, trong khi các bác sĩ trong các bệnh viện hồi phục chấn thương khuyến tấn giữ tỉnh giác chánh niệm để tự chữa trị các bệnh thân tâm cõi này… và trong khi sách trên kệ từ đạo tới đời đều liên tục viết về Tỉnh thức, về Mindfulness, về Bây giờ & Ở đây, về đi vào thực tại, về quán niệm, về thiền tập để thi đâu đậu đó, về vân vân… Ni Trưởng trong bài thơ này lại tự nhìn như một “thây chết diệu kỳ” (có khác gì với thây chết không diệu kỳ?), tự kể là biết ăn, biết ngủ, biết đi nhưng lại “không tư tưởng gì” (ăn gì, ngủ ra sao, đi tới hay lui hay ngang hay dọc… mà sao lại không tư tưởng, sao lại vô niệm?), và hình ảnh thây chết là hình ảnh lìa cả thời gian và không gian, vì không còn chi phối của sắc thọ tưởng hành thức. Bài thơ cũng không nói gì về Khổ Đế, cũng không nói gì về con đường giải thoát, như Bát Chánh Đạo hay Tứ Niệm Xứ hay Chỉ Quán hay là chuyện Bờ Này với Bờ Kia; vì thây chết là vượt qua tất cả những gì còn sinh động trong ba cõi. Thế mới dị thường.
Ni Trưởng tự xem như người gỗ, nhưng biết ngắm cảnh đẹp của hoa, của hồ, của trăng, của núi đá… Và rồi Ni Trưởng nói rằng đã thưởng thức trọn cái tuyệt vời của vũ trụ này là khi “tâm bất động như thây chết biết đi.” Hiển nhiên, dị thường là trong thế kỷ 21 mà không nói tới Tỉnh thức hay Chánh niệm hay Tỉnh Giác hay Đốn Ngộ hay Tánh Biết hay vân vân… thế rồi còn dị thường hơn nữa, là khi Ni Trưởng chỉ ra tâm bất động chính là thưởng thức trọn. Dị thường là như thế.
Bài thơ này như sau.
Bài thơ đó được viết trong tư tưởng của Thiền Tổ Sư, nhưng thực sự tận cội nguồn vẫn là Thiền do Đức Phật dạy. Chúng ta có thể dẫn ra bài thơ của cư sĩ Bàng Uẩn (740–808) thời nhà Đường, bản phiên âm Hán Việt kèm dịch nghĩa (xin mời đọc rất chậm để đối chiếu với bài thơ trên của Ni Trưởng Trí Hải):
Dịch nghĩa: Chỉ tự mình vô tâm cùng với vạn vật, sẽ không ngại gì vạn vật thường quấy nhiễu. Trâu sắt không sợ gì sư tử gầm rống, hệt như người gỗ xem chim vẽ. Người gỗ bản thể vốn tự vô tình, chim vẽ gặp người cũng không kinh sợ. Tâm cảnh như như cứ chỉ như thế, nào có sợ Đạo Bồ Đề không thành.
Chúng ta sẽ nhầm lẫn, nếu cho rằng Thiền pháp Người Gỗ hay Thiền Pháp Vô Tâm là sáng tác độc đáo của Thiền Trung Hoa hay Việt Nam. Đọc kỹ trong Kinh Tạng Pali, chúng ta có thể thấy rằng vào thời Đức Phật, Thiền pháp Người Gỗ hay Vô Tâm cũng đã được truyền dạy. Lời dạy rõ ràng nhất là trong thơ của Ngài Maha-Kaccana.
Trong Trưởng Lão Tăng Kệ Thag 8.1, nơi đây chúng ta dịch 2 đoạn cuối trong bài thơ của Ngài Maha-Kaccana, dựa vào các bản Anh dịch của Ven. Kiribathgoda Gnanananda Thero, Bhikkhu Sujato, và Việt dịch của Bhikkhu Indacanda (ngài Indacana gốc Việt):
Tất cả được nghe với tai, tất cả được thấy với mắt. Người trí hãy [kham nhẫn], đừng xua đẩy tất cả những gì được thấy và nghe.
Cho dù ngươi có mắt, hãy cứ như mù; cho dù ngươi có tai, hãy cứ như điếc; cho dù ngươi có trí tuệ, hãy cứ như ngu khờ; cho dù ngươi có sức mạnh, hãy cứ như yếu đuối. Và khi có chuyện sinh khởi, hãy cứ nằm im như xác chết.
Cần ghi nhận 2 bản Anh dịch của Bodhi và K.R. Norman có dòng cuối dịch theo nghĩa khác:
Rồi thì, khi đạt được mục tiêu, ngươi có thể nằm trên giường viên tịch.
Có lẽ cả 2 cách dịch đều đúng, vì chữ cổ thường đa nghĩa. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng nhìn toàn văn, cách dịch trên của Sujato (cũng như Gnanananda và Indacana) gần với ý Thiền Tông hơn. Bởi vì nói chuyện về phương pháp nhìn mà cứ như mù, nghe mà cứ như điếc, trí tuệ mà cứ như khờ dại, thì hẳn phải là, khi hữu sự sẽ vẫn cứ như nằm chết. Nghĩa là, không dính gì tới chuyện thành tựu của nhiều năm sau. Mà thái độ nằm như chết là chuyện của bây giờ và ngay đây.
Phương pháp đó (mù, câm, điếc, khờ dại, nằm chết…) gần như khác hẳn với các Thiền pháp khác do Đức Phật thường dạy (như niệm hơi thở, niệm thân bất tịnh, niệm giới, niệm thí, tứ niệm xứ, chỉ quán…). Bởi vì Thiền pháp Người Gỗ (mù, câm, điếc, khờ dại, nằm chết…) là một tỉnh thức về tịch diệt, về vắng lặng, về tâm bất động, về cảnh giới khi ba cõi không còn gì để sinh khởi, và về một tâm nơi không có gì để niệm.
Độc giả có thể tạm ngưng đọc vài phút, xin mời nằm (hay ngồi cũng được), rồi tự hình dung rằng mình đang như một người gỗ (mù, câm, điếc, khờ dại, nằm chết…), toàn thân từ sợi tóc tới móng chân đang từ từ trở thành xác chết, và rồi tới một lúc toàn thân chỉ còn là một sự tịch lặng, vắng lặng (trong khi tứ đại tan rã)… Một khoảnh khắc tịch lặng được như thế, sẽ là một khoảnh khắc an lạc, hạnh phúc. Xin nhìn kỹ, chính cái tâm đang tỉnh thức và đang cảm thọ niềm vui tịch lặng đó ngay nơi đó đã lìa tham sân si. Đó là tỉnh thức với vô niệm, không phải là ngăn niệm, nhưng là nơi lặng lẽ của người gỗ một cách tự nhiên khi “thân hành, khẩu hành, tâm hành” đều tịch lặng.
Đây mới thật là Thiền Tông, vì không còn gì để bấu víu, y hệt như chỗ cổ đức Trung Hoa nói rằng “hãy lên đứng nơi đầu sào trăm trượng, rồi bước thêm một bước.” Nghĩa là, thêm một bước vào một cảnh giới, nơi tâm không còn dính gì với cái được thấy (tức là tâm như mù), không còn dính gì với cái được nghe (tức là tâm như điếc), không còn dính gì với cái được tư lường (tức là tâm như khờ dại)… nhẫn tới không còn dính gì tới việc làm trong ba cõi (tức là, tâm tự thấy mình nằm như xác chết).
Cần phải cảnh giác rằng Thiền không phải là chuyện ngăn chận niệm, Thiền không phải là chuyện diệt trừ niệm. Thời xưa, có một vị tăng hỏi Vân Môn: “Khi không còn dấy niệm thì sao?” Ngài Vân Môn đáp: “Núi Tu di.” Nghĩa là, tâm không dấy niệm chính là ngọn núi đè bẹp chúng ta vào cõi này, cứ mãi không thoát. Nhưng hiển nhiên là, tâm theo duyên để sinh khởi vô lượng niệm cũng là đẩy chúng ta tới vô lượng cảnh giới trong ba cõi, không lìa được khổ.
Đơn giản thế này: tất cả các Thiền pháp khác đều nhìn vào Niệm Sinh Khởi, lo chăn trâu để trâu không đi chệch vào ăn lúa mạ. Nhưng Thiền pháp Người Gỗ là nhìn vào Niệm Tịch Diệt, nghĩa là bất kể niệm nào khởi lên đều thấy được ngay từ chặng đầu, chặng giữa, và chặng cuối là nơi vắng lặng tịch diệt.
Tới đây, chúng ta có thể nhớ tới Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông, trong phẩm Niêm Tụng Kệ, có ghi Công án thứ 29, trích (theo bản dịch của Thầy Thích Thanh Từ):
“29.- Cử: Huyền Sa dạy chúng nói: Các bậc Lão túc khắp nơi đều bảo: “Tiếp vật lợi sanh.” Chợt gặp ba hạng người bệnh lại, làm sao tiếp? Người bệnh mù, giơ chùy dựng phất họ chẳng thấy. Người bệnh điếc, nói năng tam-muội họ không nghe. Người bệnh câm, dạy họ nói, nói không được.”
Công án đó là lời khen ngợi bậc thượng căn, vì nếu dạy theo đời thường, hẳn là sẽ làm hỏng họ. Như với người mù, người điếc như thế… họ như dường không thấy, như dường không nghe. Đối với người câm, dạy nói, họ không nói được. Đơn giản vì tất cả các pháp khi tới mắt, tới tai, và tới tâm của họ, tức khắc là trôi vào tịch diệt. Khi đó, lấy tướng gì mà thấy, lấy tướng gì mà nghe, lấy kiến gì mà nói năng nữa. Chỗ này chúng ta nhớ tới Kinh AN 3.16 dạy rằng, khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng... khi tai nghe tiếng, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng... khi ý nhận thức các pháp, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng....
Chỗ này cũng nhớ tới Kinh Bahiya, khi Đức Phật dạy Ngài Bahiya rằng hãy để cái được thấy là cái được thấy, cái được nghe là cái được nghe… thì nơi đó đã lìa ba cõi.
Thây chết cũng là buông bỏ mắt tai mũi lưỡi thân ý. Thiền pháp Người Gỗ của Ni Trưởng cho chúng ta nhớ tới Kinh SN 35.24, nơi đây Đức Phật dạy hãy buông bỏ hết tất cả mắt tai mũi lưỡi thân ý. Nói "buông bỏ" là dịch theo Sujato và Bodhi. Bản dịch của Thầy Minh Châu là "đoạn tận" nghe mạnh hơn, cho thấy rõ ràng là thiền tư như xác chết.
Trích bản Việt dịch của Thầy Minh Châu như sau:
“Mắt, này các Tỷ-kheo, cần phải đoạn tận. Các sắc cần phải đoạn tận. Nhãn thức cần phải đoạn tận. Nhãn xúc cần phải đoạn tận. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy cần phải đoạn tận. Tai… Mũi… Lưỡi cần phải đoạn tận. Các vị cần phải đoạn tận. Thiệt thức cần phải đoạn tận, thiệt xúc cần phải đoạn tận. Do duyên thiệt xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy cần phải đoạn tận. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là pháp đưa đến đoạn tận tất cả.”
Hình ảnh thây chết trong thơ của Ni Trưởng Trí Hải cũng làm gợi nhớ tới luận thư Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) của ngài Buddhaghosa, nói về 8 cách Thiền tập về sự chết, xin trích dịch như sau:
“Thiền tư về sự chết như kẻ sát nhân, vì nó cướp đi mạng sống; thiền tư về sự chết như hủy diệt của thành công; thiền tư nó bằng cách so sánh với những người nổi tiếng, thấy rằng họ cũng phải chết, ngay cả những bậc giác ngộ; thiền tư trên thân mình như nơi ở của rất nhiều sâu bọ, cũng như là mục tiêu của nhiều vi trùng khác; thiền tư về sự khó khăn để giữ thân sinh tồn; thiền tư về nó như không gì lạ, vì chúng sinh chết không có thể tiên đoán được; thiền tư về sự ngắn ngủi của mạng người; thiền tư về sự kiện rằng, nói một cách chính đáng, thọ mạng của một chúng sinh là một khoảnh khắc của thức, rằng chúng sinh chết đi trong từng khoảnh khắc, phải nói là thế.”
Câu cuối của đoạn văn trên, trong tiếng Anh là: “…the lifetime of a being is a single moment of consciousness, that one dies every moment…” Nghĩa là, chúng ta sống và chết trong từng khoảnh khắc của thức. Từng khoảnh khắc, thức sinh rồi diệt. Trong khi rất nhiều Thiền pháp chú tâm đối trị với Niệm Sinh Khởi, Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải nêu lên Thiền pháp Người Gỗ để tỉnh thức nhìn vào nơi Niệm Tịch Diệt. Và tịch diệt là Niết Bàn, vì nơi đó là lìa tham sân si.
Nói về khoảnh khắc sát na sinh rồi sát na diệt, chúng ta có thể nhớ rằng trong Tạng Pali, Ngài Xá Lợi Phất (Sariputta) đã để lại bài kệ “Guhatthaka-suttaniddeso: Upon the Tip of a Needle” mô tả rằng tất cả các pháp trong ba cõi, cả thân tâm (sắc thọ tưởng hành thức) đều đang chảy xiết qua các khoảnh khắc thời gian, y như điểm tiếp giáp của một hạt mè rất nhỏ đặt lơ lửng trên đầu một mũi kim, và “Những người đã sinh ra, đang đứng đây y hệt như một hạt mè lơ lửng trên đầu một mũi kim…” Bất kỳ ai trải nghiệm sinh diệt sát na như thế, đều thấy trong pháp ấn vô thường, không có lời nào nói được thực tướng, vì nói gì cũng sai. Vì lời nói là sản phẩm quá khứ, nhưng thực tại là cái vô lượng đang chảy xiết, nơi đó không có hôm qua, không có ngày mai, trong khi cái hiện tại là bất khả đắc. Khi thấy vô thường chảy xiết qua thân tâm như thế, sẽ không còn một kiến nào khởi lên nữa, và đó là hình ảnh “người gỗ” hay “thây chết diệu kỳ” trong thơ của Ni Trưởng Trí Hải.
Như thế, tất cả các pháp mà chúng ta ngỡ là đang được thấy, đang được nghe, đang được cảm thọ… đang được tư lường… thực ra là do thức của chúng ta đã khoanh vùng một chuỗi sát na sinh diệt và đặt ý nghĩa cho chuỗi đó. Thấy như thế là thấy tất cả các pháp là duy thức.
Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, nơi Phẩm 7 (Cơ Duyên), nơi Tổ Huệ Năng nói với Tăng Chí Đạo, trích theo bản dịch của Thầy Thanh Từ:
“Tổ quở: Ông là Thích tử sao lại tập theo ngoại đạo về đoạn kiến và thường kiến mà luận nghị về pháp Tối thượng thừa. Cứ theo lời ông nói, tức là ngoài Sắc thân riêng có Pháp thân, lìa sanh diệt để cầu tịch diệt, lại suy luận Niết-bàn thường lạc nói có thân thọ dụng, đây là chấp lẫn về sanh tử, đắm mê cái vui thế gian; nay ông nên biết, Phật vì tất cả người mê nhận thân năm uẩn hòa hợp làm thể tướng của mình, phân biệt tất cả pháp cho là tướng ngoại trần, ưa sanh, ghét chết, niệm niệm đổi dời, không biết là mộng huyễn hư giả, luống chịu luân hồi, lấy thường lạc Niết-bàn đổi thành tướng khổ, trọn ngày tìm cầu. Phật vì thương những người này, mới chỉ dạy Niết-bàn chân lạc, trong sát-na không có tướng sanh, trong sát-na không có tướng diệt, lại không có sanh diệt có thể diệt, ấy là tịch diệt hiện tiền. Chính ngay khi hiện tiền cũng không có cái lượng hiện tiền, mới gọi là thường lạc. Vui này không có người thọ, cũng không có người chẳng thọ, há có tên một thể năm dụng, huống là lại nói Niết-bàn ngăn cấm các pháp khiến hằng chẳng sanh. Đây là ông chê Phật hủy pháp.”
Không có tướng sanh, không có tướng diệt, không có sanh diệt có thể diệt… ngay khi hiện tiền cũng không có cái lượng hiện tiền… Đó chính là, theo cách Ni Trưởng Trí Hải viết trong bài thơ, rằng tâm như người gỗ, tâm như hồ gương, tâm như đá núi, và là tâm bất động, mới là thây chết diệu kỳ. Thấy mình như thây chết như thế, chính là sống với cái sát na tịch diệt, sống với cái vắng lặng bất khả tư lường. Và đó chính là Niết Bàn Tâm.
***