Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài thứ 7: Hư Không từ Chơn Tâm Biến Hiện

24/04/201319:40(Xem: 17883)
Bài thứ 7: Hư Không từ Chơn Tâm Biến Hiện

Phật Học Phổ Thông

HT. Thích Thiện Hoa


PHẬT HỌC PHỔ THÔNG KHÓA VI

TRIẾT LÝ ĐẠO PHẬT
hay là
ĐẠI CƯƠNG KINH LĂNG NGHIÊM

--- o0o ---

BÀI THỨ BẢY



I.-HƯ KHÔNG TỪ CHƠN TÂM BIẾN HIỆN

A-Nan, hư không vô hình, nhơn các hình sắc mà hiện bày ra. Như ở trong thành Thất la này, khi dân chúng mới cất nhà, thì họ đào giếng để múc nước. Đào một thước đất, thì thấy có một thước hư không hiện ra, đào xuống mười thước thì thấy có mười thước hư không hiện ra; hư không cạn hay sâu là tùy người đào nhiều hay ít. Vậy hư không này là do đất sanh, do đào mà có, hay không do đâu mà tự sanh?

A-Nan, hư không này, nếu không do đâu mà tự sanh, thì khi chưa đào sao không thấy có hư không, mà chỉ thấy đất đặc? Còn cái “hư không do đào mà có”, thì khi quăng đất ra, đáng lẽ phải thấy hư không vào. Nếu quăng đất ra trước mà không thấy hư không vào, thời sao lại nói “hư không do đào đất mà có”. Nếu hư không không ra vào, thời đáng lẽ nó cùng với đất không khác; nếu không khác thời đồng với đất. Vậy khi quăng đất ra, sao chẳng thấy hư không ra?

Nếu nói “hư không do đào đất mới có”, thời khi đào, đáng lẽ phải ra hư không chớ sao lại ra đất? Còn nói “hư không chẳng do đào mà ra” thì khi đào ra đất, tại sao thấy có hư không?

Các ông nên chín chắn quan sát: đào là từ nơi tay người tùy theo chỗ mà đào. Còn đất cục là nhơn chỗ đất cái dời đi. Đào là việc thật, còn hư không thì trống không, hai cái không dính líu gì với nhau, không hòa không hiệp. Vậy hư không từ nơi đâu mà ra không lẽ không nhơn đâu mà hư không tự có.

Các ông biết trong chơn tâm tánh (bản thể) của hư không (tâm) là chơn giác (tâm); tánh (bản thể) của giác (tâm) là chơn không, vốn sẵn thanh tịnh, khắp giáp cả pháp giới, tùy theo tâm chúng sanh thế nào, thì nó hiện ra thế ấy. Một chỗ đào giếng, thì một chỗ có hư không, khắp cả trong thế gian đều đào giếng, thì khắp cả thế gian có hư không; tùy theo nghiệp của chúng sanh mà hiện ra, không có phương hướng xứ sở gì. Người trong thế gian không biết, khởi tâm phân biệt so đo, chấp là nhơn duyên sanh hoặc tự nhiên có v.v...đều không đúng cả.

A-Nan, ông nên biết: hiện tiền tánh của năm đại: đất, nước, gió, lửa và hư không vốn viên dung khắp giáp, không lay động, đều là chơn tâm cả, không có sanh và diệt. Chỉ tại các ông mê muội không biết mà thôi.

LƯỢC GIẢI

Đất, nước, gió, lửa và hư không, năm đại này thuộc về phần vật chất, đại diện cho các cảnh vật. Hai đại diện sau (kiến và thức) là thuộc về phần tinh thần, đại diện cho các thức.

II.-CÁC GIÁC QUAN TỪ CHƠN TÂM BIẾN HIỆN

A-Nan, cái “thấy” không tự thể, nhơn đối với cảnh vật và hư không mà có, như ông ngày nay ngồi trong rừng Kỳ đà, sớm mai thấy sáng, chiều lại thấy tối, đêm không trăng trời thấy tối, có trăng lại thấy sáng. Nhơn có tối và sáng, nên ông mới thấy có phân biệt.

Vậy cái “thấy” này cùng với tối, sáng và hư không là một thể hay không phải một thể? Đồng hay khác?

Này A-Nan, khi tối thì không có sáng, khi sáng không có tối. Nếu cái thấy này cùng với tối đồng một thể thì khi sáng đến, cái thấy phải mất. Còn cái thấy này cùng với cái sáng đồng một thể, thì khi tối lại, cái thấy diệt. Nếu cái thấy diệt, thời làm sao thấy tối và thấy sáng. Lại nữa, tối và sáng khác nhau, còn cái thấy lại không sinh diệt, như thế thời làm sao nói đồng một thể được.

Nếu nói cái thấy cùng với tối, sáng và hư không chẳng phải một thể, thì rời tối, sáng và hư không, ông hãy chia riêng cái thấy của ông ra xem thử hình tướng của nó thế nào. Nếu trời tối, sáng và hư không thì cái thấy của ông như lông rùa, sừng thỏ; nghĩa là không có. Khi phân tách ra tối, sáng và hư không, ba cái đều khác, thì cái thấy của ông ở chỗ nào?

Lại nữa, tối sáng trái nhau, thế nào nói đồng được? Rời tối, sáng và hư không ra, không có cái “thấy”, thì làm sao nói khác được? Không thể chia ranh đây là hư không, kia là cái “thấy” được, thời làm sao lại nói không đồng? Tối, sáng chẳng đồng, còn cái “thấy” không biến đổi thì sao lại nói không khác?

Ông nên chín chắn suy xét: cái sáng là từ nơi mặt nhựt, cái tối thuộc ban đêm, chỗ trống thuộc hư không, nơi bít là thuộc về đất; cái "thấy" có biết còn hư không không biết, không phải hòa không phải hiệp. Vậy cái "thấy" từ nơi đâu mà sanh, không phải tự nhiên có?

Các ông không biết: trong chơn tâm, cái tánh của "thấy" là tâm (giác minh) tâm là tánh của thấy; vốn sẵn thanh tịnh khắp cả pháp giới, tùy tâm của chúng sanh phân biệt như thế nào, thì hiện ra theo sự hiểu biết của chúng sanh như thế ấy. Như một con mắt là một cái thấy. Cho đến tai nghe, mũi ngửi, miệng nếm, thân xúc, ý biết, sáu giác quan cũng vậy, đều khắp cả pháp giới, tùy theo nghiệp của chúng sanh mà hiện ra, không có phương hướng xứ sở gì.

LƯỢC GIẢI

Như điện, vào đèn thì đèn cháy, vào quạt quạt lại quay v.v...điện không có phương hướng xứ sở gì, chỉ tùy duyên phát hiện. Còn tâm cũng thế, tâm vẫn là một, nếu đến mắt thì thấy, còn đến tai thì nghe v.v...tùy duyên phát hiện.

*

Thấy, nghe, hay, biết sáu giác quan kể là một, cùng với hư không và bốn đại, thành ra sáu đại, tánh nó viên dung vốn không lay động, đồng một thể chơn tâm, không sanh không diệt, thế gian vì mê lầm không biết, sanh tâm phân biệt, chấp cho nhân duyên sanh, hoặc tự nhiên có đều không đúng cả.



III.-THỨC (PHÂN BIỆT) TỪ CHƠN TÂM
BIẾN HIỆN

-Này A-Nan, cái "thức" (phân biệt) không có căn nguyên, nhơn sáu căn và sáu trần mà vọng hiện. Ông nay dùng mắt xem khắp trong hội này, thì con mắt của ông chẳng khác nào như cái kiếng chiếu cảnh, không có phân biệt gì riêng khác. Rồi cái "thức" của ông mới khởi lên, tuần tự phân biệt: đây là ông Văn thù, kia là ông Phú-Lâu-Na, đó là ông Mục-kiền-liên, nọ là ông Tu-Bồ-Đề v.v...vậy cái thức hiểu biết phân biệt này, từ cái thấy sanh, hay từ nơi cảnh vật sanh? Từ hư không ra, hay không do đâu mà tự xuất hiện?

A-Nan, nếu nói "cái thức của ông từ nơi cái thấy sanh", mà không có tối, sáng, cảnh vật và hư không bốn món, thì cái "thấy" của ông không có. Cái thấy còn không có, thời cái thức phân biệt kia làm sao từ nơi cái thấy mà sanh được.

Còn nói "thức phân biệt này từ cảnh vật sanh, chớ không phải từ nơi cái thấy". Nếu không có cái thấy để thấy tối, sáng, cảnh vật và hư không các tướng, thời cái "thức" của ông từ nơi đâu mà sanh được.

Còn nói "thức từ hư không sanh, không phải từ nơi cảnh vật và cái thấy". Nếu không có cái "thấy" thời không thấy được sáng, tối, cảnh vật và hư không. Còn nếu không có các cảnh vật thì thấy, nghe, hay, biết không từ nơi đâu mà có.

Nếu nói "thức không phải từ cảnh vật và cái thấy sanh", như thế thì nó đồng với cái không. Còn nói "nó có mà không phải đồng cảnh vật", thì dầu cho cái thức của ông có phát sanh ra nữa, cũng không thể phân biệt cái gì được.

Nếu nói "thức không nhân đâu, thoạt nhiên xuất hiện", thì sao khi ban ngày, ông không thể phân biệt được mặt trăng?

Ông nên chín chắn suy xét: cái thấy thì nó gá nơi con mắt của ông, còn các hình tướng là ở nơi cảnh vật. Những gì có hình tướng thời có, còn không hình tướng là không. Cái "thức" thì động (có phân biệt), còn cái “thấy” lại yên lặng (không phân biệt), không phải hòa không phải hiệp. Vậy thì cái thức phân biệt của ông từ đâu sanh ra? Không lẽ không do đâu mà tự có?

Các ông không biết trong chơn tâm, tánh của thức là tâm, tâm mới thật là thức (chơn thức), nó nhiệm mầu yên lặng, sáng suốt, khắp giáp cả pháp giới, hàm chứa và sanh ra mười phương hư không thế giới, chỉ tùy theo nghiệp của chúng sanh mà hiện ra, không có phương hướng xứ sở. Thế gian không biết, khởi thức tâm phân biệt chấp trước, cho là nhân duyên sanh hoặc tự nhiên có v.v...đều không đúng cả.

Các ông nên biết: đất, nước, gió, lửa hư không, cái thấy và thức tâm gọi chung là bảy đại, tánh của nó đều là chơn tâm viên mãn khắp giáp tất cả, vốn không sanh diệt. Các ông vì mê muội nên không biết.

LƯỢC GIẢI

Chúng ta nên phân biệt rõ ràng: "thức" và cái "thấy".

Cái "thấy" là thuộc các giác quan, về phần trực giác. Nó cũng như cái kiếng chiếu cảnh, không có phân biệt tính toán. Còn “thức”thì có phân biệt tốt, xấu, hay, dở v.v... so theo Duy thức tông, để nói cho dễ hiểu: trong đây nói "thức" là chỉ cho thức thứ Sáu; còn nói cái "thấy" là chỉ về năm thức trước.

Tóm lại, nói đất, nước, gió, lửa, hư không , cái thấy và thức, cộng là bảy đại, gồm cả vật chất cả tinh thần.

Đất, nước, gió, lửa, hư không là thuộc về vật chất, còn thấy và thức là thuộc về phần tinh thần. Trong vũ trụ tuy có thiên hình vạn trạng, nhưng tóm lại thì không ngoài vật chất và tinh thần.

Đoạn này là nói cả về vật chất lẫn tinh thần đều từ nơi chơn tâm, tùy theo nghiệp của chúng sanh mà hiện ra như thế này, hoặc như thế kia, ngàn sai muôn khác. Như người chiêm bao thấy hiện ra các cảnh vật (đất, nước v.v...)

Về bản thể (tâm) của bảy đại thì chơn, không có sanh diệt. Còn về hiện tượng (các hình tướng) thì vọng. Vì chúng sanh mê muội không biết, chấp thế này hoặc thế kia, (như người đương chiêm bao chấp các cảnh chiêm bao là thật). Một phen ngộ được chơn tâm, thì bảy đại này đều trở về thể tánh chơn tâm (như người thức giấc, thì cảnh chiêm bao liền hết; lúc bấy giờ mới biết các cảnh vật trong chiêm bao đó, đều do tâm chiêm bao hiện ra). 



IV.- A-NAN VÌ NGỘ ĐƯỢC CHƠN TÂM NÊN ĐỨNG DẬY PHÁT LỜI THỀ NGUYỆN RỘNG LỚN

Khi ấy A-Nan và đại chúng nhờ Phật chỉ dạy rất cặn kẽ, nên mỗi người đều ngộ được chơn tâm của mình rộng lớn khắp cả mười phương hư không. Lúc bấy giờ ông lại thấy cả mười phương thế giới rất nhỏ hẹp và rõ ràng cũng như một lá cây cầm trong tay. Tất cả các cảnh vật sum-la vạn-tượng trong thế gian này, đều ở trong chơn tâm; chơn tâm bao trùm khắp giáp cả mười phương thế giới. Khi ấy ông xem trở lại cái thân do cha mẹ sanh đây, thật nhỏ nhen làm sao! Như một hạt bụi nhỏ ở trong mười phương hư-không, dù còn, dù mất cũng không thấm vào đâu và cũng như một hòn bọt nhỏ, nổi ở trong bể cả rộng khơi, dầu sanh dầu diệt cũng không nhằm gì.

Vì ông A-Nan hiểu lộ được chơn tâm của mình còn không diệt và rộng lớn như vậy, nên ông đứng trước Phật chắp tay kính lạy, và xứng theo chơn tâm rộng lớn, mà nói bài kệ phát nguyện như vầy:

NGUYÊN VĂN CHỮ HÁN

Diệu trạm, Tổng trì, Bất động tôn

Thủ Lăng-Nghiêm vương, thế hi-hữu,

Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng, 

Bất lịch tăng-kỳ hoạch pháp thân.

Nguyện kim đắc quả thành bảo vương, 

Hườn độ như thị hằng sa chúng,

Tương thử thâm tâm phụng trần sát,

Thị tắc danh vi báo Phật ân.

Phục thỉnh Thế-Tôn vị chứng minh:

Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập,

Như nhất chúng sanh vị thành Phật,

Chung bất ư thử thủ Nê-hoàn.

Đại hùng, đại lực, đại từ bi,

Hi cánh thẩm trừ vi tế hoặc,

Linh ngã tảo đăng vô thượng giác,

Ư thập phương giới tọa đạo tràng

Thuấn-nhã-đa tánh khả tiêu vong,

Thước-ca-ra tâm vô động chuyển.

DỊCH NGHĨA

Kính lạy Pháp thân, Báo-thân, Hóa-thân Phật, và Kinh Thủ-Lăng-Nghiêm vương là ngôi Pháp-bảo rất hi hữu trên đời. Tiêu trừ cho con các vọng tưởng điên đảo từ ức kiếp, khiến con chẳng cần trải qua vô số kiếp tu hành mà vẫn đặng pháp-thân Phật.

Hôm nay con nguyện mau đặng thành quả Phật, để trở lại độ chúng sanh nhiều như hằng sa. Con nguyện đem thân-tâm này, phụng sự các Đức Phật nhiều như vi trần. Thế mới gọi là đền ơn chư Phật.

Cúi xin Đức Thế-Tôn chứng minh cho lời nguyện của con: "Trong đời ngũ trược tội ác này, con thề vào trước để cứu khổ chúng sanh. Nếu còn một chúng sanh nào chưa được thành Phật, thì con thề chẳng lãnh quả vui Niết-bàn.”

Phật là đấng Đại-lực và Đại-từ-bi. Cúi xin Ngài tiêu trừ các điều mê lầm vi tế cho con, khiến cho con sớm đặng thành quả Phật, để hóa độ chúng sanh khắp cả mười phương thế giới. Giả sử hư không kia có thể tiêu diệt hết, chớ chí nguyện của con đây chẳng hề lay động.


LƯỢC GIẢI

Ngài A-Nan vì ngộ được chơn tâm của mình rộng lớn bao hàm cả vũ trụ: vô biên thế giới vô tận chúng sanh đều ở trong chơn tâm cả. Lúc bấy giờ, Ngài thấy mười phương thế giới rất rõ ràng và rất nhỏ hẹp cũng như cái lá cây nằm ở trong tay, còn thân này nhỏ nhen như hạt bụi bay trong hư không, dầu còn dầu mất cũng chẳng thấm vào đâu.

Bởi Ngài ngộ được chơn tâm rộng lớn, cùng với chúng sanh đồng một thể không hai, cho nên Ngài mới xứng theo chơn tâm rộng lớn, khởi ra đồng thể đại bi, phát lời thề nguyện rộng sâu như thế.

Xem như câu:

Trong đời ngũ trược tội ác này, con thề vào trước để cứu khổ chúng sanh. nếu còn một chúng sanh nào chưa thành Phật, thì con thề chẳng lãnh quả Niết-bàn ...

Và câu:

Giả sử hư không kia có thể tiêu hết, mà chí nguyện của con đây chẳng hề lay động.

Trong kinh nói: "Thế giới vô biên, chúng sanh vô tận", biết bao giờ độ cho hết tất cả chúng sanh, mà Ngài lại thề nguyện xung phong vào đời ngũ trược tội ác trước hết, để cứu độ chúng sanh. Nếu còn một chúng sanh nào chưa thành Phật, thì Ngài chẳng chịu an vui ở cảnh Niết-bàn.

Thật là lòng từ bi rộng lớn vô cùng, chí nguyện cao thượng huyền diệu hy sinh độ đời của Ngài như thế, đáng cho chúng ta trọn đời bái phục...

Trông lên Ngài rồi ngó lại ta...thấy rõ tâm chí và hành vi của mình, thật cũng quá ư hẹp hòi và thấp thỏi!


 

🌷🍀🌷🌸🙏🙏🙏🌼🍁🌺🍀
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/04/2013(Xem: 3687)
Để thảo luận vấn đề thường được nhiều người hỏi: sự khác nhau giữa đạo Phật Đại thừa và đạo Phật Nguyên thủy là gì? Để hiểu được điều này chính xác, chúng ta hãy ôn lại lịch sử của đạo Phật và tìm nguồn gốc của đạo Phật Đại thừa và đạo Phật Nguyên thủy.
02/04/2013(Xem: 5309)
Nhìn lại thân thể của mình mỗi ngày là một trong những phương pháp thực tập rất căn bản của thiền học. Tiếp xúc với thân thể của ta bằng con mắt thiền quán, ta thấy sự có mặt của thân thể đối với ta là sự có mặt của một thực tại mầu nhiệm.
28/03/2013(Xem: 6611)
Phật dạy chúng sanh trong sanh tử vô minh từ vô thủy kiếp đến nay, gốc từ vô minh, do vô minh nên thấy biết và tạo nghiệp sai lầm. Biểu hiện của thấy biết sai lầm thì rất nhiều, trong đó sự thiếu sáng suốt và lòng tự mãn là biểu hiện nổi bật nhất. Đây cũng là căn bệnh trầm kha của đa phần những con người bảo thủ, sôi nổi, nhưng lại nhìn chưa xa, trông chưa rộng. Từ đó, cuộc sống của họ khung lại trong cái vị kỷ nhỏ hẹp, phiêu bồng trôi giạt theo từng bước vong thân.
27/03/2013(Xem: 4035)
Một vị vua là một người cai trị thuộc dòng dõi hoàng gia. Đức Phật xác định, một vị vua là “vị thủ lĩnh của những người đàn ông”. Các tôn giáo khác nhau có những lý luận khác nhau về nguồn gốc và bản chất của một vị đế vương.
27/03/2013(Xem: 5762)
Phật giáo, giống như những tôn giáo khác, nhấn mạnh vào những giá trị tinh thần hơn là vào những giá trị vật chất; vào việc buông xả những tài vật của thế gian hơn là chấp chặt vào chúng; và vào khía cạnh tâm linh của đời sống hơn là vào khía cạnh trần tục của nó. Tuy nhiên, Phật giáo không hoàn toàn không quan tâm đến phương diện đời sống vật chất và thế tục.
26/03/2013(Xem: 4370)
Tốt và xấu là những tiêu chí để đánh giá đạo đức. Thông thường, một người tốt được nghĩ là một người có đạo đức, và ngược lại. Cũng như vậy, những hành vi được xem là tốt khi hành vi ấy tuân theo những nguyên tắc đạo đức nào đó; và ngược lại, những hành vi được coi là xấu khi chúng chệch ra khỏi những nguyên tắc đạo đức.
07/03/2013(Xem: 4831)
Luận Phật Thừa Tông Yếu là tùy thuận theo thời cơ lược nói về tông bản và cương yếu của Phật pháp. Thế nên bộ luận này cũng có tên là Khái Luận Về Phật Pháp Hiện Đại.
16/02/2013(Xem: 5466)
Pháp Duyên khởi, tiếng Phạn là Pratīya-samutpāda. Pratīya, là sự hướng đến: Nghĩa là cái này hướng đến cái kia và cái kia hướng đến cái này. Hán dịch Pratīya là Duyên và Anh dịch là Condition. Trong Māhyamika, Ngài Nāgārjuna giải thích chữ Pratīya như sau: Utpadyate pratītyemān itīme pratyayaḥ kīla (1). Nghĩa là, do làm điều kiện cho cái kia sinh khởi, những cái này người ta gọi là Duyên. Samutpāda có nghĩa là tập khởi, đồng khởi, sinh khởi, tương khởi, cộng khởi… Do những ý nghĩa trên, mà Pratīya-samutpāda được các nhà Hán dịch là Duyên khởi hay Duyên sinh, tức là sự khởi sinh của vạn pháp cần phải có điều kiện (pratīya), nếu không có điều kiện, thì các pháp không thể sinh khởi.
31/12/2012(Xem: 5421)
Theo nghĩa hẹp, nhẫn nhục là nhịn chịu mọi nhục nhã và mọi khó khăn trở ngại, và vượt qua chúng một cách bình ổn. Nhà Phật gọi những chướng duyên làm ngăn trơ ûsự tiến tu là ma chướng, gồm ngoại ma (trở ngại do người khác hoặc hoàn cảnh bên ngoài gây ra)và nội ma (trở ngại từ chính thân tâm mình)
28/12/2012(Xem: 26465)
Là người mới bắt đầu học Phật, tôi nhận thấy quyển sách nhỏ này thể hiện tốt tinh thần vừa giáo dục vừa khai sáng. Mặc dù đạo Phật có bề dày lịch sử phong phú, đầy những giá trị, điều cần thiết đối với người học Phật ngày nay vẫn là làm thế nào để ứng dụng lời đức Phật dạy vào đời sống hàng ngày. Quyển 100 điều đạo đức tại gia này giúp tôi hiểu tầm ảnh hưởng của đạo Phật đối với cuộc sống thường nhật của con người. Nó có thể được xem như quyển sổ tay hướng dẫn chúng ta sống cuộc đời theo chánh pháp.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]