Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ý Nghĩa Ba Cái Lạy Của Phật Giáo

20/11/201008:20(Xem: 4917)
Ý Nghĩa Ba Cái Lạy Của Phật Giáo

bowing buddha_1

Lạy hay còn gọi là Lễ Bái, là nghi thức rất phổ thông trong dân gian, mang ý nghĩa bày tỏ lòng biết ơn và niềm tôn kính đến với các đấng thần linh, các bậc tiên hiền có công khai phá giang sơn, bảo vệ sơn hà xã tắc, và tổ tiên dòng họ tiếp nối. Dân tộc Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hoá Trung Hoa, nên việc lễ lạy, từ hình thức đến nội dung, từ lễ tổ tiên ông bà ở nhà cho đến lễ lạy Trời, Phật, Thánh, Thần ở đình, chùa, lăng, miếu cũng đều bị ảnh hưởng theo.

Hầu hết các tôn giáo đều có lễ lạy nhưng với nghi thức và ý nghĩa khác nhau. Với Phật Giáo, ý nghĩa và cách thức lễ lạy khác với các đạo giáo khác. Đạo Phật bắt nguồn từ Ấn Độ. Tại xứ này ngày xưa, dân chúng thường bày tỏ lòng tôn kính chân thành đến một người nào đó họ ngưỡng mộ kính mến bằng cách quỳ xuống sát đất, đặt trán mình lên chân của vị ấy. Đức Phật là vị Đạo Sư, là bậc giác ngộ được tôn kính đặc biệt tại xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Lúc đức Phật còn tại thế, mỗi lần nghe pháp hay thưa thỉnh việc gì, chư Tăng thường chắp tay lạy ba lạy rồi thưa hỏi hay ngồi nghe pháp. Đức Phật mặc nhiên chấp nhận cung cách này như là một tục lệ có từ lâu đời của xã hội Ấn Độ. Tuy vậy Ngài cũng không đặt thành nghi thức lễ lạy mà để tùy tâm các đệ tử. Sau khi Phật Niết Bàn, hình thức lễ nghi và sự tôn kính ấy vẫn được duy trì trong các hàng đệ tử của Ngài. Sự duy trì hình thức ấy với mục đích là luôn luôn xem đức Phật như còn tại thế. Chư Tăng mỗi khi tụng kinh ôn lại lời Ngài dạy, phải mặc áo cà sa tức áo mầu hoại sắc trang nghiêm, lạy Phật ba lạy. Hàng đệ tử tại gia cũng theo quý chư Tăng lạy Phật như thế.

Tại sao lại lạy ba lạy mà không lạy hai lạy, bốn lạy hay năm lạy? Ba lạy chính là lễ lạy ba ngôi quý báu tức Tam Bảo: Phật, Pháp và Tăng. Người đời thường xem vàng, bạc, kim cương, hột xoàn, dollars, và danh lợi thế gian là quý báu. Nhưng thực tế cho biết những thứ này không đem lại hạnh phúc chơn thực, không cứu được con người thoát khỏi sinh lão bệnh tử. Nhưng với ba ngôi quý báu Tam Bảo: Phật, Pháp, và Tăng có năng lực dẫn dắt con người thoát khỏi mọi phiền não và ra khỏi sinh tử luân hồi.

Phật là Giác, là thức tỉnh ra khỏi giấc ngủ mê. Đức Phật là người đã giác ngộ và giải thoát hoàn toàn. Ngài là một bậc đạo sư, một người chỉ lối dẫn đường cho mọi chúng sinh thoát khỏi sinh tử luân hồi. Vì thế người Phật tử lạy cái lạy đầu tiên là để tỏ lòng thành kính, ngưỡng mộ và nhớ ơn Phật, cùng là thề nguyện sẽ theo gương Ngài mà tu hành để về bến giác. Pháp là những lời Phật dạy các đệ tử, sau đó được ghi bằng chữ, gọi là Kinh và Luật. Còn Luận là những lời bàn luận của các vị Bồ tát, đệ tử của Phật để làm sáng tỏ thêm những lời Phật dạy. Vì thế người Phật tử lạy cái lạy thứ hai là lạy Pháp bảo nhằm bày tỏ lòng thành kính, biết ơn và tưởng nhớ đến những lời dạy của Phật, những lời dạy mà, nếu chúng ta thực hành sẽ có công năng đưa chúng ta qua khỏi bể khổ, đến bến bờ giải thoát. Tăng là một đoàn thể sống chung với nhau ít nhất là bốn người, bỏ nhà xuất gia đi tu, giữ đầy đủ giới luật của Phật đặt ra, với mục đích tu hành giải thoát cho mình và cho tất cả chúng sinh. Vì thế cái lạy thứ ba là lạy Tăng Bảo, từ các vị Thánh Tăng xuất thế đến các vị Tỳ Kheo trụ thế tu hành chân chính, đạo đức trong sạch, và giới luật trang nghiêm, để tỏ lòng thành kính và biết ơn những vị này đã sống đời sống lý tưởng, đã hy sinh gia đình tiền của và danh vọng, đã xem tiền bạc châu báu như rắn độc, danh lợi như đôi dép rách, sắc đẹp như cạm bẫy, ăn ngon mặc đẹp như xiềng xích trói buộc, để tình nguyện thay Phật dẫn dắt chúng sinh trên đường đạo.

Ngoài ý nghĩa lễ lạy Phật, Pháp và Tăng nêu trên, ba cái lạy cũng còn mang ý nghĩa lễ lạy ba ngôi qúy báu bên trong chúng ta và trong mỗi chúng sinh, vì chúng sinh cùng chư Phật đồng một thể tánh sáng suốt (Phật tánh), đồng một pháp tánh từ bi và bình đẳng (Pháp tánh), và đồng một đức tánh thanh tịnh, hòa hợp (Thanh tịnh tánh).

Về cung cách lạy cũng có nhiều thứ. Người Ấn Độ cũng như Trung Hoa có nhiều cách lễ lạy khác nhau. Riêng Phật giáo Việt Nam thường lạy theo phương cách "Ngũ thể đầu địa", tức là làm thế nào cho hai tay, hai chân và cái đầu đụng mặt đất. Đây là một phương cách lạy tôn kính nhất trong tất cả các cung cách lễ lạy. Khi lễ lạy, người Phật tử đứng ngay thẳng, hai chân khép sát vào nhau, hai bàn tay chắp sát lại nhau cho khít theo thế hiệp chưởng (không phải thế hình búp sen) tiêu biểu cho sự nhất tâm. Khi lạy Phật có người để hai tay trước ngực lạy xuống. Cũng có người đưa hai tay lên trán rồi mới lạy xuống theo phương cách ngũ thể đầu địa, tức là khi lạy phải quỳ xuống, ngửa hai bàn tay ra như đang nâng hai chân Phật và cúi lưng xuống đặt trán mình lên trên hai lòng bàn tay. Đối với phụ nữ, thường là quì thẳng lưng rồi lạy, chứ không đứng, vì hình thể đặc biệt của phụ nữ, khác với nam giới nên thế đứng thẳng trông hơi lộ liễu.

Trong đạo Phật bao giờ sự và lý cũng phải viên dung. Về sự thì như trên chúng tôi đã trình bày. Chúng ta lạy Tam Bảo với tất cả thân tâm thành kính nhớ ơn, thành kính nhớ ơn Phật, thành kính nhớ ơn Pháp, và thành kính nhớ ơn Tăng. Thế còn cái tâm của chúng ta trong khi lạy phải như thế nào? Nghĩ ngợi gì? Tưởng nhớ đến ai, đến cảnh gì, vật gì? Hay là để tâm không nghĩ ngợi, không cầu mong điều gì? Để trả lời câu hỏi này, thiết tưởng chúng ta hãy nhớ lại bài kệ "Quán Tưởng" mà chúng ta thường tụng trước khi đảnh lễ:

Năng lễ, sở lễ tánh không tịch,

Cảm ứng đạo giao nan tư nghì,

Ngã thử đạo tràng như Đế Châu,

Thập phương chư Phật ảnh hiện trung,

Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền,

Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ.

Đã được dịch ra là:

Phật, chúng sinh tánh thường rỗng lặng,

Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn,

Lưới đế châu ví đạo tràng,

Mười phương Phật hiện hào quang sáng ngời,

Trước bảo tọa thân con ảnh hiện,

Cúi đầu xin thề nguyện quy y.

Như thế thì bản chất Phật và chúng sinh vốn là "không tịch" lặng lẽ, tạm gọi là chân tâm. Chỉ từ khi bắt đầu khởi niệm, là bắt đầu bị cuốn vào dòng vô minh, rồi thức mới hoạt động, mới suy nghĩ, mới phân biệt ra cái "ta" (năng) và cái "không phải ta" (sở), mới nảy sinh ra tình cảm yêu ghét, tạo nghiệp, trả quả, xoay chuyển trong vòng sinh tử không thấy đường ra.

Phật thương xót chúng sinh mê muội "... trong trí bồ đề mà không thanh tịnh, trong cảnh giải thoát mà sanh ràng buộc..." (Lời sám hối), mới dậy cho chúng sinh tu hành để chấm dứt cái vòng luẩn quẩn đó bằng cách trì giới, tham thiền, niệm Phật, trì chú, mục tiêu đều để giảm bớt sự hoành hành của con vượn tâm, con ngựa ý, giảm bớt những thói quen chấp trước, phân biệt, yêu ghét, từ từ đi tới định tâm. Khi tâm đã "định" thì trí huệ bát nhã mới có dịp hiển lộ, mới được hưởng mùi vị cam lồ của Phật Pháp. Đó là điểm đặc biệt của đạo Phật. Nếu chỉ dậy con người ăn hiền ở lành thì nhiều tôn giáo khác đã làm, đức Phật thị hiện ra đời là dư, không có gì đặc biệt đáng được tôn là Đấng Đại Giác. Chính là vì Ngài đã "nhận" được cái tánh "không tịch" và tự mình dẫn đường cho chúng sinh trong suốt 49 năm, còn để lại kinh sách làm bản đồ cho đời sau nương theo tu tập mà trở lại được cái tánh "không tịch" ấy.

Kẻ nội thù dìm ta trong dòng vô minh chính là cái tâm sinh diệt suy nghĩ liên miên này. Cho nên nếu muốn báo đền ơn Phật, vâng lời Phật thì ít nhất là trong khi lễ lạy phải tuân theo lời Phật dạy, không suy nghĩ gì cả, chỉ theo dõi hành động mà thôi, lễ xuống thì chỉ biết là lễ xuống, đứng lên thì chỉ biết là đứng lên, chắp tay thì chỉ biết là chắp tay, v..v... không có nghĩ đến bất cứ ai, không tưởng nhớ đến bất cứ cái gì. Hễ một niệm tưởng dấy lên là ô nhiễm rồi, là hết "không tịch" rồi, là từ "nhất niệm vô minh" trôi lăn vào dòng vô minh miên viễn rồi.

Nói tóm lại, "Năng lễ, sở lễ tánh không tịch", nghĩa là người lạy và đấng mình lạy, thể tánh đều vắng lặng bình đẳng. Thật tướng vạn pháp đều thể hiện một cách bình đẳng, không phân biệt, không thấy có mình lạy và người để cho mình lạy. Nếu khi lạy mà tâm còn vướng mắc một chút xíu mong cầu, hay một chút tơ tưởng đến dòng họ tổ tiên, dù mỏng như một sợi tơ cũng không đúng phép. Tâm phải ở trạng thái thanh tịnh vắng lặng. Phật giáo Việt Nam đã thực hiện phép lý lạy này từ ngàn xưa, thiết tưởng không có phép nào đầy đủ ý nghĩa và hợp với lý Bát Nhã hơn.

TÂM DIỆU

Tham Chiếu:

Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện

Phật Học Phổ Thông, Khóa Thứ I

Nam Hải Ký Quy Nội Pháp Truyện, Quyển 4

Đại Đường Tây Vực Ký, Quyển 2

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/06/2013(Xem: 17694)
Tại Hoa Kỳ, nhiều người xem bồ công anh là thần dược có tác dụng điều trị bệnh sưng loét bao tử, ung độc, đặc biệt là ung thư vú. Ở nước ta, bồ công anh mọc hoang dại ở các vùng như Đà Lạt, Tam Đảo, Sa Pa và cũng được trồng để lấy lá làm thuốc. Bồ công anh còn chứa nhiều chất sắt tương đương trong rau dền, hàm lượng vitamin A cao gấp bốn lần rau diếp và rất giàu các nguyên tố vi lượng như manhê, potassium, calcium, sodium và nhất là vitamin C, B.Ngoài ra bồ công anh còn chứa protein, chất béo, tinh bột... Theo y học cổ truyền, một số dược tính của bồ công anh như sau:
05/06/2013(Xem: 16832)
Từ “Công văn” trước đây được dùng trong công việc hành chánh của nhà nước gồm những văn kiện của các Bộ, Ty, Sở đối với chính quyền thuộc địa, hay dưới các chế độ quân chủ chuyên chế. Cho tới ngày nay không ai rõ từ này đã ảnh hưởng vào trong sinh hoạt Phật giáo từ lúc nào.
05/06/2013(Xem: 12573)
Nguyện dâng hương mầu nầy Cúng dường tất cả Phật Tôn Pháp, chư Bồ Tát Thinh Văn và Duyên Giác Cùng các bậc Thánh Hiền Duyên khởi đài sáng chói
29/05/2013(Xem: 10165)
Chúng ta đang sống trong những ngày rộn ràng của đại lễ Phật Đản, một lễ hội văn hoá tâm linh mang tầm thế giới. Nhân dịp này, tôi xin lược ghi một số nhận xét về sự liên quan giữa âm nhạc Phật giáo và âm nhạc dân tộc, xem như góp một bông hoa nhỏ kính mừng ngày lễ hội tôn giáo trọng đại mà cả nước đang nô nức đón mừng.
22/04/2013(Xem: 15585)
Bộ sách này có thể gọi là kinh "Khóa Hư" vì là cả một đời thực nghiệm về chân lý sinh tồn của tác giả. Tác giả là một vị vua khai sáng ra triều đại nhà Trần, oanh liệt nhất trong lịch sử dân tộc, ba phen đánh đuổi quân xâm lăng Mông Nguyên, từng chinh phục thế giới từ Á sang Âu "đi đến đâu cỏ không mọc lên được".
11/04/2013(Xem: 18851)
Cúng Quá Đường là một nghi thức quan trọng không thể thiếu trong mùa an cư kiết hạ hay kiết đông của hàng đệ tử xuất gia. Năm nay, Canh Dần 2010, mùa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 11 của Giáo Hội Úc Châu được tổ chức từ ngày 6 đến 16-7 năm 2010 tại Thiền Viện Minh Quang, ở thành phố Canley Vale, cách trung tâm thành phố Sydney 30 phút lái xe, người viết xin ghi lại đôi nét về lễ nghi quan trọng này để giúp quý Phật tử mới vào đạo hiểu thêm về nghi thức này.
10/04/2013(Xem: 4909)
Hồng chung khấu thỉnh lần thứ hai, Bảo kệ ngâm cao giọng ngân dài, Trên thấu thiên đường trời niệm Phật Dưới thông địa ngục ngục tiêu tai. ! (0). *Nam Mô U Minh Giáo Chủ, Cứu khổ bổn tôn, Cứu bạt minh đồ, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát. (0).
08/04/2013(Xem: 30428)
Sau khi cẩn trọng dịch âm, dịch nghĩa và lược giải 2 thời công phu rồi, tôi mới đặt vấn đề như dưới đây. Biết rằng đặt vấn đề thì gây rắc rối, nhưng nghĩ vẫn phải đặt. Ấy là nên có 1 hội đồng lâm thời nhưng đủ mọi cẩn trọng để xét đến 2 thời công phu. Dưới đây là mấy điều nên xét đến.
08/04/2013(Xem: 19961)
Sở hữu thập phương thế giới trung Tam thế nhất thiết nhân sư tử Ngã dĩ thanh tịnh thân ngữ ý Nhất thiết biến lễ tận vô dư Phổ hiền hạnh nguyện oai thần lực Phổ hiện nhất thiết như lai tiền Nhất thân phục hiện sát trần thân Nhất nhất biến lễ sát trần Phật Ư nhất trần trung trần số Phật Các xử bồ tát chúng hội trung Vô tận pháp giới trần diệc nhiên Thâm tín chư Phật giai sung mãn.
08/04/2013(Xem: 14694)
Khể thủ Tây phương an lạc quốc, Tiếp dẫn chúng sinh đại đạo sư, Ngã kim phát nguyện nguyện vãng sanh Duy nguyện từ bi ai nhiếp thọ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567